Một vài suy nghĩ về vai trò của Phật giáo trong nền văn hoá Nhật Bản

Đã đọc: 6040           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Phải nói rằng, tham gia vào việc hình thành “tinh thần Nhật Bản”, Phật giáo chỉ đóng vai trò là một thành tố, mặc dù là một thành tố không thể thiếu và có nhiều thời kì trong lịch sử Nhật Bản nó đóng vai trò là nhân tố “trội”.

Trong lịch sử của mình, dù ở bất kì dân tộc nào, tôn giáo và văn hóa với tính cách là các hình thái ý thức xã hội, một mặt luôn bị quy định bởi tổn tại xã hội và mặt khác, không ngừng liên hê, tác động với nhau. Đây là một quy luật khách quan của sự phát triển ý thức xã hội cũng như của đời sông tinh thần xã hội nói chung. Vì vậy, dẫu cho còn rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về vai trò của tôn giáo đối với văn hóa của nhân loại, song một thực tế khó lòng phủ nhận, đó là trong hành trang văn hóa của mình, các dân tộc sẽ thấy nghèo nàn hơn khi thiếu một số giá trị của tôn giáo. Tuy nhiên, dấu ấn của tôn giáo đến văn hóa ở mỗi dân tộc đều có những đặc thù với nhiều sắc thái đa dạng và vai trò của từng tôn giáo cũng hết sức khác nhau. Do đó, việc tìm hiểu ảnh hưởng của tôn giáo (nói chung) và từng tôn giáo (nói riêng) đến văn hóa của mỗi dân tộc không chỉ có ý nghĩa cấp thiết trong xã hội hiện đại mà còn có ý nghĩa đối với mọi thời đại.

Nhật Bản - một quốc gia hùng mạnh ở Châu Á - hiện đang là đề tài thu hút sự chú ý của nhiều người. Các nhà nghiên cứu đã tìm cách lí giải về “hiện tượng Nhật Bản” và họ đã đi đến kết luận gần giông nhau là: sở dĩ Nhật Bản thành công bởi đất nước đó đã đi lên bằng “tinh thần Nhật Bản và kĩ thuật phương Tây”. Giải pháp được lựa chọn ở đây là mở cửa để tinh hoa của văn hóa Nhật Bản đón nhận được kĩ thuật tiên tiến của phương Tây. Vì vậy, trong lúc canh tân đất nước thành công, người Nhật vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc trong lúc nhiều dân tộc khác đã phải có sự trả giá không nhỏ cho sự lãng quên việc vun đắp tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.

Phải nói rằng, tham gia vào việc hình thành “tinh thần Nhật Bản”, Phật giáo chỉ đóng vai trò là một thành tố, mặc dù là một thành tố không thể thiếu và có nhiều thời kì trong lịch sử Nhật Bản nó đóng vai trò là nhân tố “trội”. Nói như vậy, bởi trong khi đánh giá vai trò của Phật giáo đối với nền văn hóa Nhật Bản, nhiều người đã quá cường điệu vai trò của nó mà hạ thấp đi vai trò của các nhân tố khác. Vì vậy, để thấy được ảnh hưởng của Phật giáo đến văn hóa Nhật Bản không thể bỏ qua việc quay trở lại tìm hiểu kĩ hơn lịch sử du nhập, tổn tại và phát triển của tôn giáo này.

Như đã biết, Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản vào khoảng thế kỉ V, VI[1]. Ngay từ buổi đầu của sự du nhập đã diễn ra sự giằng co quyết liệt giữa hai phái của chính thể Nhật hoàng. Một phái do Tô Ngã Đạo Mục (Soganoiname) cầm đầu chủ trương ủng hộ Phật giáo. Ông cho rằng: “Các nước phương Tây, tất thẩy đều lễ kính, chả nhẽ một mình nước Nhật Bản phong thu này chống lại”[2]. Phái khác do Vật Bộ Vĩ Dư (Momonobe Okoshi) và Trung Thần Liên (Nakatomi Muraji) cầm đầu chủ trương phản đối Phật giáo. Họ cho rằng: “Nước ta làm vương thiên hạ, xưa nay che nhờ 180 thần trời đất, xã tắc xuân hạ thu đông là việc của ta. Nay bỗng thay đổi, lễ bái phiên bang, e sẽ làm cho thần nước ta giận dữ”[3]. Sau một thời kì đấu tranh quyết liệt, khi Thái tử Thánh Đức (Shoutoku Taishi) chấp chính (còn gọi là Hoàng tử Cựu Hộ, sinh năm 574) thì tư tưởng Phật giáo đã thắng thế. Trong Hiến pháp gồm 17 điều do Thái tử Thánh Đức xây dựng, điều thứ 2 ghi rằng: “Thành kính đối với Tam bảo. Tam bảo tức là Phật, Pháp, Tăng. Đời nào người nào mà không theo pháp ấy? Người ta ít lỗi lầm tội ác, có thể dạy bảo, cải tạo. Nếu không quy y Tam bảo, lấy gì làm rõ thẳng cong”. Điều 10 của Hiến pháp lại ghi: “Dứt phẫn, bỏ sân, không giận người làm trái, người người đều có tâm, tâm ai cũng có chấp. Kia đúng thì ta sai, ta đúng thì kẻ kia sai. Ta hẳn không phải Thánh, kẻ kia hẳn không phải ngu, đều là phàm phu cả thôi. Cái lẽ phải trái, hóa có thể định? Tướng công hiền ngu, như vòng tròn không biết đâu là đầu mối. Vì vậy kẻ kia tuy sân, vẫn e ta sai. Mình ta dù có đúng, phải theo chúng cùng làm”[4]. Như vậy, nếu so sánh tư tưởng của Thái tử Thánh Đức với Trần Thái Tông ta sẽ thấy hai người có một sự nhìn nhận khá tương đồng bởi Trần Thái Tông cũng đã cho rằng Phật giáo là phương tiện để dẫn dụ bầy tôi mê hoặc, là đường tắt để tỏ lẽ tử sinh. Cả hai người đều muốn dùng Phật giáo làm phương tiện để quy tụ nhân tâm bởi hoàn cảnh lịch sử thời Trần ở Việt Nam và của Nhật thời Thánh Đức có những nhu cầu cơ bản giống nhau. Trong sách Tuỳ Đường ngũ đại Trung Nhật quan hệ sử, Dư Hiệu Tôn có nhận định: “Thái tử đề xướng Phật giáo, hiệu quả thu được nói vắn tắt là:

  1. Dùng giáo nghĩa Phật giáo để xây dựng tinh thần hòa bình, hoà mục, dẫn dắt lòng người từ chỗ rối loạn mà hướng tới chỗ đường ngay.
  2. Tiếp nhận văn hóa Phật giáo để xúc tiến sự phát triển của văn hóa Nhật Bản.
  3. Đương thời Nhật Bản đang dừng ở xã hội thị tộc, mỗi thị tộc chỉ sùng tín thần của thị tộc mình, hình thành hiện tượng phân biệt. Thái tử đề xướng Phật giáo, vượt lên trên tinh thần thị tộc, làm cho nhân dân tín phụng Phật giáo một cách phổ biến để từ thống nhất tín ngưỡng mà xúc tiến thống nhất quốc gia”.

Nhận định trên đây của Dư Hiệu Tôn là có cơ sở và chứng tỏ rằng, ngay từ buổi đầu, Phật giáo đã đóng vai trò như là nhân tố cố kết cư dân Nhật Bản trong một quốc gia thống nhất. Sự cố kết đó cũng là nền tảng để hình thành giá trị chung của các tộc người trong nền văn hóa đa sắc thái của người Nhật hiện đại. Trong thời kì Phi Điểu (Asuka, 552 - 645), Phật giáo là trung tâm của văn hóa. Ngoài việc xây dựng nhiều chùa chiền, hệ thống kinh bổn Phật giáo cũng được phổ biến. Tăng ni tăng nhanh. Nền chính trị đã được xây dựng trên căn bản nguyên tắc Phật giáo: không dùng binh lực trong việc đối nội, đối ngoại và lưu dưỡng sinh lực. Nhờ vậy, Nhật Bản đã rất thành công trong việc mở rộng giao lưu với Trung Hoa và Triều Tiên. Trên nền tảng đó, nhiều trí thức văn hóa khác như thiên văn, địa lí, phương thuật, lịch thư... của người Trung Hoa cũng được du nhập.

Vào thời kì Nại Lương (Nara, 645 - 794), Phật giáo đã có những cơ sở vững chắc trong xã hội. Nhìn chung nó đã để lại nhiều dấu ấn trong văn hóa mà hiện vẫn tồn tại đến tận ngày nay.

Trước hết, trong việc từ thiện, ở các chùa đã có hai phòng: Thí dược (phòng phát thuốc miễn phí) và Bi điền (phòng từ thiện xã hội), vừa là đạo trường quy vinh Tam bảo của nhân dân (nghĩa là nơi thờ phụng Tam bảo) vừa là nơi cứu tế người nghèo, là viện dưỡng lão và trẻ mồ côi, đồng thời là nơi bảo vệ sức khoẻ công cộng. Như vậy, nhà chùa đóng vai trò là cơ sở y tế và phúc lợi xã hội mà đối tượng chủ yếu là người nghèo khó và gặp bất hạnh vì bênh tật, rủi ro trong cuộc đời. Ngoài ra các tăng ni còn là những đại biểu làm công ích như đào giếng và xây cầu, đắp đê, sửa chữa đường xá, dựng nhà, phát triển thuỷ lợi. Lịch sử Phật giáo Nhật Bản còn ghi nhớ công lao của nhiều cao tăng có công lớn như Đạo Chiêu (Đoushou), Khí Pháp Quân Ni (Wakino Hiromushi), Bổ Tát Hành Cơ (Gyoukibosatsu)... Cũng giống như Việt Nam thời kì đầu, Phật giáo ở Nhật Bản là một nhà trường vừa trau rổi giáo lí vừa truyền thụ tri thức. Nhiều nhà sư đã trở thành những nhà giáo dục lớn như Khai Nguyên (Kaigen), Thạch Thượng Trạch Tự.

Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, nền thơ ca, nghệ thuật Phật giáo cũng khá phát triển, đã để lại nhiều kiệt tác như: Phật túc thạch ca, bức tranh thêu Thiên thọ quốc tứ trường, hai bức tượng Nhật Quang và Nguyệt Quang, tranh Cát tường thiên nữ...

Còn từ thời kì Bình An (Heian, 794 - 1185) cho tới Khiếm Thương (Kamakura, 1185 - 1333), vai trò văn hóa của Phật giáo tiếp tục được duy trì. Điểm đặc biệt là giai đoạn này đã có sự dung hợp giữa Thiền tông và võ sĩ đạo, được xem như là một hỗn hợp tư tưởng giữa tinh thần Thần đạo, tư tưởng Nho gia và cốt cách Thiền tông. Điều này được khẳng định bởi trong yêu cầu về điều kiện võ sĩ có: Trung hiếu, vũ dũng, từ bi, lễ nhượng, cần kiệm, chất phác, trọng danh phận, chuộng tiết tháo, coi sống chết như nhau. Trong đó, từ bi, cần kiệm, chất phác, coi sống chết như nhau là cốt cách của Thiền tông. Cũng cần nhớ rằng, một mặt tư tưởng võ sĩ đạo góp phần hình thành chủ nghĩa quân phiệt nhưng cũng là động lực để người Nhật đứng dậy sau sự hoang tàn của thế chiến thứ II. Điều thú vị là trong thời kì Khiếm Thương, các tông phái mới của Phật giáo đã chủ trương phụ nữ cũng có thể được tín ngưỡng cứu vớt vì vậy đã góp phần làm nhạt tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn đã tổn tại lâu đời trong đời sống người dân.

Bước sang thời kì Nam Bắc Triều và Thất Đinh (Nambokushou - Muromachi, 1333 - 1600), Thiền tông nhờ có sự quy y của triều đình và tướng quân nên rất thịnh vượng. Ngoài Thiền tông, Tịnh Độ và Nhật Liên là những tông phái mới đều có quan hệ mật thiết với dân chúng và chùa viện cũng trở thành trung tâm kinh tế. Về phương diện giáo dục, từ trước thời Nại Lương tăng lữ đã đảm nhận việc giáo dục con trẻ. Sau đó, do sự suy yếu của giáo dục nhà nước nên từ sau thời kì Khiếm Thương, chùa viện đã trở thành các trung tâm học vấn, nền giáo dục nhà chùa chủ yếu dạy tiếng Nhật và chữ Hán. Ngoài việc truyền thụ kiến thức, giáo dục nhà chùa còn chú trọng rèn luyện đời sống tinh thần, sách giáo khoa do tăng lữ biên soạn thấm đậm tư tưởng Phật giáo.

Sự tổn tại và phát triển của Phật giáo ở Nhật Bản đã dẫn đến một hệ quả là góp phần thúc đẩy giao lưu với lân bang. Nhờ đó nền nghệ thuật Nhật Bản đã có thêm một phong cách khoẻ mạnh cả trong thư pháp và hội họa.

Trong thời kì Giang Hộ (Edo, 1600 - 1868), nhìn chung Phật giáo có phần sa sút về tư tưởng và trở thành một loại Phật giáo đọc kinh. Về nhân cách, nhiều tăng ni sa sút, đặc biệt trong dòng Chân Tông đã xuất hiện phái tả đạo, lưu hành pháp môn Mật sự và pháp môn Dạ trung.

Nguyên nhân sự sa sút của Phật giáo còn do thời kì này Nho học bột phát. Các nho sinh đông dần, trở thành một thế lực ngày càng hùng mạnh. Trước bối cảnh đó, các nhân sĩ xã hội lên tiếng chỉ trích tăng ni là vô tích sự. Nhiều nơi Nho học thịnh hành như vùng Thuỷ Hộ (Mito) đã mở đầu cho việc phế Phật, huỷ hoại chùa chiền, đào thải tăng ni, phá tượng Phật đúc đại pháo. Những sự kiện này xảy ra vào năm thứ 14 (1843) niên hiệu Thiên Bảo (Tenpou). Vào cuối thời kì Giang Hộ, cũng do Nho học và Quốc học phát triển mà chủ nghĩa “tôn vương nhương di” ra đời. Nhờ đó đã khởi đầu cho phong trào khôi phục quyền lực của Thiên Hoàng (lấy lại quyền lực cho Thiên Hoàng từ tay tướng quân Tokugawa), bài trừ ngoại bang, khôi phục Thần đạo và bài xích Phật giáo.

Kể từ cuối thế kỉ XIX, nhất là từ thời kì Minh Trị Duy Tân, vai trò của Phật giáo đã có nhiều thay đổi. Sự hồi sinh của Thần đạo cũng như sự du nhập của văn minh phương Tây đã làm cho Phật giáo suy thoái nghiêm trọng. Nhiều tăng ni phẩm hạnh sa sút, đi vào con đường ăn chơi hưởng lạc. Phật giáo mang tính “giáo điều” xa rời những nhu cầu của con người và xã hội. Trước tình hình đó cùng với những yêu cầu bức bách đặt ra là phải nhanh chóng canh tân, phát triển đất nước cho kịp sự phát triển của phương Tây, Phật giáo buộc phải phát triển theo hướng tăng tính thế tục. Nhiều tăng lữ tham gia chính trị. Phật giáo dần dần hướng về hoạt động xã hội. Phái Sáng giá học hội (Soukagakai), được xem là một trong những tôn giáo mới ra đời ở Nhật (Tân tôn giáo), được thành lập vào năm 1930, xuất phát từ một tông phái Nhật Liên giáo của Phật giáo. Sáng giá học hội hoàn toàn do các cư sĩ tại gia lãnh đạo, lấy kinh Pháp Hoa làm tư tưởng trung tâm, có sức mạnh tổ chức vững chắc, tinh thần truyền giáo sôi nổi, số tín đồ tương đối đông, ảnh hưởng khá lớn đến đời sống chính trị - xã hội trong nước Nhật và có nhiều hoạt động, nhất là về văn hóa giáo dục ở nước ngoài (đặc biệt ở Mỹ). Tuy vậy, trong nước Nhật cũng có rất nhiều sự phản đối đối với Sáng giá học hội, và khả năng thống nhất với toàn bộ các tông phái của Phật giáo là không có vì các tông phái cũ có khoảng cách lớn về tư tưởng với nó. Đảng đối lập Công Minh (Komeito), hay còn gọi là Đảng Chính phủ trong sạch, được thành lập vào tháng 11 năm 1964 từ một nhánh chính trị của Sáng giá học hội.

Đây là một đảng chính trị có xu hướng thân Mỹ, có thế lực lớn thứ 3 ở Nhật Bản. Mục đích của Đảng này là xây dựng một xã hội phúc lợi theo quan niệm của chủ nghĩa nhân đạo.

Nhờ Hiệp hội Phật giáo của người Nhật ở Mỹ và sự nỗ lực của các tông phái nên trong và sau thế chiến II, Phật giáo Nhật Bản dần dần lấy lại được vị trí của mình, nhưng vẫn loay hoay để tìm ra một đường hướng phát triển. “Ở Nhật Bản hiện nay đạo Phật chiếm ưu thế với khoảng 92 triệu tín đồ tính tới cuối năm 1985”[5].

Với ưu thế là một tôn giáo có bề dầy lịch sử, có số lượng tín đồ đông đảo, lại thêm tính chất thế tục ngày càng tăng nên Phật giáo Nhật Bản có một chỗ đứng khá vững chắc trong tâm thức của người Nhật hiện đại. Một sự kiện gây chú ý của nhiều người là vào năm 1999, Đảng Cộng sản Nhật Bản đã liên minh với các tổ chức Phật giáo và giành thắng lợi lớn trong cuộc tranh cử ở các địa phương.

Hơn 1000 năm tồn tại, Phật giáo đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong văn hóa Nhật Bản (ở cả 2 dạng văn hóa vật thể và phi vật thể) và được kết tinh sâu sắc trong nhân cách con người.

Có thể nói, mọi dân tộc trên thế giới đều có các lễ hội cổ truyền và những lễ hội đó là nơi giao lưu giữa những giá trị văn hóa truyền thống, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Ở Nhật Bản lễ hội cũng mang những đặc trưng văn hóa dân tộc. Có thể thấy nhiều lễ hội bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng đã được biến đổi cho phù hợp với đặc điểm lịch sử và văn hóa của người Nhật. “Khi theo dõi từng lễ hội hàng năm, ta sẽ thấy văn hóa Nhật Bản thấm đậm màu sắc của đạo Shintô, đồng thời lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đạo Phật. Ở Nhật Bản vẫn lưu truyền truyền thống hòa hợp tâm linh của con người đối với Thần, Phật và lòng cảm tạ những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng”[6]."

Trong các loại hình nghệ thuật như điêu khắc, kiến trúc, hội họa, ảnh hưởng của Phật giáo cũng rất sâu đậm. Dưới sự chi phối của thế giới quan, nhân sinh quan Phật giáo, văn hóa Nhật Bản đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ vào thời kì văn hóa Asuka (552 - 645), khi nghệ thuật được hoàng gia phát triển. Bằng chứng là hàng loạt ngôi chùa được xây dựng, trong đó có chùa Pháp Long (Horyuji) được xây dựng năm 607 tại tỉnh Nara, chánh điện và tháp 5 tầng được xem như kiến trúc bằng gỗ vào loại cổ nhất tổn tại cho đến ngày nay trên thế giới. Văn hóa cuối Nara (710-794) là thời kì hoàng kim của đạo Phật và nghệ thuật tạc tượng Phật ở Nhật Bản. Nghệ thuật này phản ánh một phong cách hiện thực lớn kết hợp với sự thanh thản hiếm có. Rất nhiều chùa chiền được xây dựng, mang bóng dáng tráng lệ của lục địa, trong đó có đại sảnh chùa Todai ở Nara, nơi đặt tượng Daibutsu (Đại bụt), công trình gỗ lớn nhất thế giới.

Trong các thời kì tiếp theo, Phật giáo cũng tạo được những ảnh hưởng đáng kể của mình, làm cho phong cách nghệ thuật Nhật Bản kết tinh được tính trang nghiêm và sự uy nghi với những đặc trưng được lí tưởng hóa, giữa sự duyên dáng đầy khí lực với sự thanh thản, giữa tính thực tế và sự tao nhã. Vào thời Kamakura (1192 - 1537), sự xâm nhập của Thiền tông vào Nhật Bản đã làm cho kiến trúc chùa chiền nhiều tầng phát triển, như Chùa Vàng (Kinkakuji) và Chùa Bạc (Ginkakuji) ở Kyoto. Phật giáo đã thực hiện một sự hỗn dung với Thần đạo không chỉ trong tâm thức mà còn cả trong nghệ thuật. Bách khoa thư của Nhật Bản đã nhận định: “Có liên hệ gần gũi hơn với hội họa Phật giáo, về phong cách cũng như biểu hiện là việc diễn tả các vị thần trong Thần đạo như là các Kami (là khái niệm chỉ một thế lực thần bí tổn tại trong thế giới vô hình như những năng lực siêu phàm. Đó là những quyền lực có trong vũ trụ, con người và trong cỏ cây, sông núi). Những biểu tượng ấy miêu tả Kami dưới hình hài một vị thần khoác áo hoàng bào hoặc dưới lốt các vị thần trong Phật giáo và các tôn giáo khác mà qua họ người ta tin đó là sự hiện hữu của nhà Phật. Miếu thờ Thần đạo lúc đầu không có các tòa nhà, hoặc các biểu tượng hình người, nhưng sự tiếp xúc với sự phong phú lộng lẫy của Phật giáo đã dẫn đến những thay đổi trong nhiều khía cạnh của tín ngưỡng bản địa cũng như trong thực tiễn”[7]. Không dừng lại ở đấy, ảnh hưởng của Phật giáo còn lan tỏa vào trong lĩnh vực ẩm thực và nâng nó lên hàng một nghệ thuật với một phong cách rất đặc trưng. Nói đến Nhật Bản không ai không nhớ đến một thứ trà trở thành “Trà đạo” cực kì nổi tiếng và mang màu sắc của Thiền (làm trong sạch tâm hổn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, tinh thần thật sự của nghi thức dùng trà là điềm tĩnh, chất phác, phong nhã và tiết kiệm tối đa các động tác... thể hiện tính thẩm mĩ của cái đơn giản khắc khổ và cái nghèo tao nhã), hoặc cội nguổn của nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản là nghi lễ dâng hoa trong các chùa chiền từ thế kỉ VI...

Như phần trước đã trình bày, ngay từ những ngày đầu các chùa viện Phật giáo đã đóng vai trò như là những cơ sở giáo dục. Cho đến năm Chiêu Hòa 42, Phật giáo Nhật Bản đã có 9 trường tiểu học, 51 trường trung học, 13 trường cao đẳng, 41 trường đại học ngắn hạn và 24 trường đại học. Còn số liệu mới đây của Tịnh Độ tông (một trong hơn 10 tông phái lớn nhất ở Nhật Bản hiện nay) đăng trong cuốn danh bạ tự viện, số phát hành năm 1998 thì riêng Tịnh Độ tông đã có tới 6 trường đại học, 4 trường đại học ngắn hạn, 16 trường cao đẳng, 10 trung học, 2 tiểu học...

Chỉ tính riêng từ năm Minh Trị 21 (Meiji, 1888) đến năm Chiêu Hòa 42 (Showa, 1967), trong 79 năm Phật giáo Nhật Bản đã cho ra đời 276 tiến sĩ văn học, (nghiên cứu Phật giáo), chỉ tính riêng sau chiến tranh thế giới II đã có tới 179 tiến sĩ. Con số thạc sĩ và học sĩ có thể phải “chở bằng xe đong bằng hộc”[8]. Về sự nghiệp xã hội, có 116 viện dưỡng lão Phật giáo, 13 viện cứu hộ, 26 viện chữa bệnh bảo hộ, 3 viện tàn phế, 16 sở thụ sản...[9] Về phương diện con người, trong tác phẩm nổi tiếng thế giới của Lee O Young Người Nhật Bản với chí hướng thu nhỏ, đã viết :”Những người Nhật đã tạo ra những vườn đá đẹp nhất làm cho mọi người trên thế giới đổng cảm sâu sắc, đã sinh ra nền văn hóa lặng lẽ thanh khiết của phòng trà, dù rằng có sự giết chóc của xã hội võ sĩ đạo đã rửa lịch sử bằng máu, nhưng họ đã tạo ra nền văn hóa rất đẹp đủ để chuộc lại những cái đó... Những người Nhật đó chẳng lẽ chỉ có thể được ghi nhớ bằng những nhãn hiệu hàng hóa điện tử trong 4 tỉ người thôi hay sao?”[10]. Cũng Lee O Young cho rằng: “tuy cũng là đạo Phật, song, trong khi phái Thiên Thai của Trung Quốc coi trọng cái “lí” (có thể hiểu là trọng những điều trừu tượng, xa rời những nhu cầu thực tế của cuộc sống) thì giáo phái Thiên Thai của Nhật Bản lại nhấn mạnh cái “sự” (có thể hiểu là trọng những nhu cầu hay hiệu quả thực tế). Trong cái thế giới không coi trọng cái “lí”, thế giới không có tư tưởng thì chỉ có “chủ nghĩa tiện nghi mới là thước đo của hành động”.

Trong điều kiện xã hội hiện nay - một xã hội mà guổng máy công nghiệp cực kì hiện đại đang đẩy con người càng ngày càng dường như xa lạ với bản chất của mình (với tính cách là một sinh vật có cảm xúc) thì tổn tại của Phật giáo càng có những hợp lí nhất định. Nó giúp con người khi bước ra khỏi một quy trình sản xuất đơn điệu và căng thẳng sẽ tìm thấy một khoảng nhỏ cảm xúc được hổi phục để rổi ngày mai, ngày kia... lại tiếp tục dấn thân vào guổng máy đó. Có lẽ vì thế, khác với người phương Tây khi công nghiệp và khoa học phát triển, niềm tin tôn giáo theo kiểu truyền thống dường như ít đậm đặc hơn thì ở người Nhật có lẽ biểu hiện lại khác: họ vẫn giữ được những tín ngưỡng cổ truyền, vẫn duy trì được nhiều lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Trong từng con người Nhật Bản bên cạnh hành trang tri thức và kĩ năng lao động hiện đại, vẫn tổn tại những khác biệt rất căn bản khi họ đứng cạnh người Châu Âu hay Châu Mỹ. Để chỉ ra những ảnh hưởng của Phật giáo đến con người và xã hội Nhật Bản hiện đại là công việc còn phải tiếp tục, song, cảm nhận của chúng tôi về vấn đề này là: có được nước Nhật, có được con người Nhật Bản như ngày nay, Phật giáo đã có một phần can dự và nhờ điều đó mà mặc dù hiện đại, nước Nhật vẫn giữ được hình ảnh đẹp đẽ và hùng tráng của ngọn núi Fuji thuở xa xưa, cũng như giữ được sự cảm nhận tinh tế của con người trong đời sống tình cảm khi giao tiếp với thiên nhiên. Có lẽ vai trò của Phật giáo đối với con người và văn hóa của Nhật Bản là ở đó chăng?

NGUYỄN THỊ THUÝ ANH

NCV, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản.

Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo

 


[1]  Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, số 5 (23) tháng 10-1999, tr. 46.

[2]   Lịch sử Phật giáo thế giới. Tập 1, Nxb Hà Nội, 1996, tr. 495.

[3]  Sđd, tr. 495.

[4]  Sđd, tr. 500.

[5]  Nhật Bản ngày nay. Hiệp hội quốc tế về thông tin-giáo dục, 1993, tr. 113.

[6]   Nhật Bản tăng cường hiểu biết và hợp tác. Nxb Jetro, 1997 - 1998, tr. 52.

[7]  Bách khoa thư Nhật Bản. Hà Nội, 1995, tr. 222.

[8]  Lịch sử Phật giáo thế'giới. Tập 1, Nxb Hà Nội, 1995, tr. 639.'

[9]  Sđd, tr. 640.

[10]  Người Nhật với chí hướng thu nhỏ. Nxb CTQG, 1996, tr. 32.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập