Khái quát về Ngũ Uẩn Vô Ngã

Đã đọc: 17276           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Ngũ uẩn tiếng Sanskrit là Panca Skandhah, Pàli là Panca Khandhà, Trung Hoa dịch là Sắc uẩn (Rùpaskandha), Thọ uẩn (Vedanàskandha), Tưởng uẩn (Samjnaskandha), Hành uẩn (Samskaraskandha) và Thức uẩn (Vijnanaskandha).

Khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, sự dịch thuật kinh điển cũng tùy theo thời đại mà phiên âm hay dịch nghĩa các từ trong kinh. Sự cập nhật hóa này phản ánh khá rõ trong sự phiên dịch kinh điển ở Trung Hoa. Tựu trung có nhiều giai đoạn: Giai đoạn đầu, các Ngài chỉ dịch âm chứ ít dịch nghĩa; ví như Skandha là chữ Sanskrit, dịch âm là Kiền-độ hay là Tắc-kiền-đà, đó là vào khoảng năm 300 Tây lịch trở về trước. Chữ Kiền-độ hay Tắc-kiền-đà này có thể tìm thấy trong Luật tạng, như Ngũ phần luật ở chương nói về Giới, phần trì nói có 20 Kiền-độ... Giai đoạn hai, đến khi Ngài Cưu-ma-la-thập qua Trung Hoa vào năm 402 thì không dịch âm nữa mà chuyển sang dịch Nghĩa, tức là dịch thẳng từ tiếng Sanskirt ra chữ Trung Hoa; ví như Ngũ chúng, Ngũ ấm, Ngũ thọ ấm hay Ngũ thủ uẩn.

Bây giờ chúng ta tìm hiểu vì sao mà các Ngài dịch như vậy.

Chữ Skandha dịch đúng nghĩa là Ngũ uẩn. Ngài Huyền Trang mười sáu năm du học ở Ấn Độ, khi về nước bắt đầu phiên dịch kinh điển từ tiếng Sanskrit sang tiếng Trung Hoa thì chữ Skandha Ngài dịch là Uẩn. Uẩn (Skandha) nghĩa là một sự tu tập, tích tập theo từng loại, nhóm họp theo từng loại, cùng loại, cùng với tính chất giống nhau, nhóm lại một nhóm gọi là Uẩn. Ngũ thủ uẩn tức là năm nhóm bị Ái, Thủ chấp trước nên gọi là Ngũ thủ uẩn. Như vậy Skandha dịch sát là Uẩn, là dịch theo văn Hán.

Còn tại sao Ngài Cưu-ma-la-thập lại dịch Skandha là Ấm? Ngài dịch là Ấm tức là dịch ý, bởi vì lấy tính cách của năm thứ đó mà diễn dịch. Năm thú đó ngăn làm cho người ta không liễu đạt được thực tánh bình đẳng của vạn pháp, của sự vật, cho nên dịch là Ấm. Như vậy Ấm có nghĩa là che, ngăn lại, làm cho tối đi, mù đi, nên Ngài dịch là Ấm. Tóm lại Ngài Huyền trang dịch chữ Skandha là Uẩn và Ngài La-thập dịch là Ấm như đã giải thích ở trên. Ngài Huyền Trang dịch chữ Skandha là Uẩn và Ngài La-thập dịch là Ấm như đã giải thích ở trên. Ngài Huyền Trang dịch từ Skandha là Uẩn là dịch sát nghĩa, theo nghĩa đen của nó; ví dụ loại Sắc đi theo một nhóm, loại Thọ đi theo một nhóm, loại Tưởng, loại Hành và loại Thức cũng đi theo từng nhóm như thế, nên gọi Ngũ uẩn hay năm nhóm là lý do như vậy. Nếu lấy tiếng Việt mà dịch Ngũ uẩn là năm nhóm cũng không sai. Tại sao Ngài La-Thập còn dịch là Ngũ chúng? Chữ "Chúng" là nhiều người, đông đảo, ví dụ nói "Tứ nhơn thành chúng" là như trong Luật nói: "Bốn thầy Tỷ-kheo trở nên nhóm họp lại thì thành chúng". Ở đây có nhiều loại Sắc tập hợp lại, nhiều loại Thọ tập hợp lại, nhiều loại Tưởng, nhiều loại Hành, nhiều loại Thức tập hợp lại gọi là Ngũ chúng. Như vậy Ngũ ấm, Ngũ uẩn, Ngũ thọ ấm là những danh từ để chỉ năm loại hay năm nhóm: Nhóm Sắc, nhóm Thọ, nhóm Tưởng, nhóm Hành và nhóm Thức. Vì sao năm nhóm như vậy gọi là Ngũ thọ ấm? Theo Ngài La-thập, vì năm nhóm ấy chấp thọ, lãnh thọ nó cho nên gọi là Thọ.

Ngài Huyền Trang dịch là Thủ uẩn vì sao? Trong kinh có cắt nghĩa chữ Thọ và chữ Thủ này. Vì sao gọi là Thọ ấm? Vì sao gọi là Thủ uẩn? Trước hết chúng ta tìm hiểu vì sao gọi là Thọ ấm.

Đây là một chữ đặc biệt, thỉnh thoảng mới có trong kinh chứ không phải có nhiều, nhưng mà nó cũng là chữ đúng chứ không sai. Trong kinh Tạp A-hàm 3 số 51 có nói rằng: " Do mắt và Sắc sinh Nhãn thức, ba sự hòa hợp sinh Xúc, duyên Xúc sinh Thọ, thọ vui, thọ khổ, thọ không khổ không vui, nương nơi đó sinh lòng nhiễm trước. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý; Ý thức và pháp sinh ý thức, ba sự hòa hợp sinh Xúc, duyên Xúc sinh Thọ; thọ vui, thọ khổ, thọ không khổ không vui, nương thọ đó sinh lòng hỷ". Trong kinh Tạp A-hàm bản chữ Hán cũng có đoạn nói: "Bỉ nhất thiết tứ đại cập tứ đại sở tạo sắc, thị sắc thọ ấm, nhãn xúc sinh thọ lạc đẳng, lục thọ thân danh thọ thọ ấm; nhãn xúc sinh tưởng đẳng. Lục tưởng danh tưởng thọ ấm nhãn xúc sinh tư đẳng, lục tư danh hành thọ ấm, nhãn thức thân nãi chí ý thức thân, danh thức thọ ấm. Do thủ sinh cố, thuộc ư thủ cố, năng sinh thủ cố”.

Câu này cốt giải nghĩa cái gì? Cốt ý giải nghĩa chữ "Thọ". Bên kia dịch Ngũ ấm, tức năm nhóm, nhưng năm nhóm có chữ "Thọ" nữa, vì sao? Vì tất cả bốn đại và bốn đại sở tạo sắc thì gọi là Sắc thọ uẩn. "Nhãn xúc sinh thọ lạc đẳng, lục thọ thân danh thọ thọ ấm, nhãn xúc sinh tưởng đẳng... ". Thọ này phát sinh từ nơi Nhãn xúc, Tỷ xúc, Thiệt xúc, Thân xúc và Ý xúc, Xúc sinh Thọ. Trong Mười hai nhân duyên cũng có nói, có Xúc sinh Thọ. Nếu không xúc thì không sinh Thọ. Không xúc tức là không có căn đối với trần thì không có sinh Thọ được, vì vậy cho nên gọi là Nhãn xúc sinh thọ. Ta có sáu căn, tất nhiên có sáu sự xúc đối. Đã có xúc đối tất nhiên có sáu Thọ của nơi sáu sự xúc đối đó. "Lục tưởng danh tưởng thọ ấm, nhãn xúc sinh tư đẳng, lục tư danh hành thọ ấm, nhãn thức nãi chí ý thức thân, danh thức thọ ấm". [Chúng ta lưu ý chữ "Thân", tôi sẽ giải thích sau]. Nếu như không có Nhãn xúc, Nhĩ xúc... thì không có tưởng được. Nếu một người mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều hoàn toàn không có thì người ấy không tưởng được gì hết; ngược lại, có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý mà anh ta không xúc chạm gì hết thì anh ta cũng không tưởng gì được hết. Khi nào anh ta xúc thì mới có Thọ ấm. Còn trường hợp Thủ uẩn là nghĩa thế nào? Chữ Thủ uẩn theo luận Câu-xá có ba cách giải nghĩa: 1. Do thủ sinh cố. 2. Thuộc ư thủ cố. 3. Năng sinh thủ cố. Vì ba cách ấy cho nên năm thứ đó gọi là Năm thủ uẩn đó do Ái chấp thủ, nếu không Ái chấp thì không có gì để nói. Vì do Ái chấp Thủ nên gọi là do Thủ sinh cố, gọi là Thủ uẩn. Hai là Thuộc ư thủ cố. Những cái uẩn đó luôn luôn gắn liền với chấp Thủ, với Ái thủ, cho nên gọi là Thủ uẩn. Ba là chính tự nơi có thể sinh ra Ái, Thủ cho nên gọi là năng sinh Thủ cố. Vì ba lý do như vậy mà Uẩn đó mệnh danh là Thủ uẩn.

Chữ "Thân" trong Trung luận có thêm chữ "Thân", như Lục thọ thân, Tưởng thọ thân, Hành thọ thân, Ý thức thân... Vậy vì sao khi nói: "Uẩn", khi nói "Thân", khi nói "Ấm"... ? Chữ "Thân" đây cũng đồng nghĩa như chữ "Uẩn". "Thân" cũng có nghĩa là tụ tập, như khi đọc "Ngũ phần pháp thân". Chữ "Thân" thường người ta hay hiểu có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, miệng, tay, chân... hay thậm chí như thân cây... mới gọi là Thân. Chữ "Thân" trong câu "Ngũ phần pháp thân" ý nghĩa cũng tương tự như vậy. "Ngũ phần pháp thân" là Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến. Ở đây phải hiểu chữ "Thân" như thế nào? Như trên đã nói, chữ "Thân" ở đây cũng có nghĩa là tụ tập, tích tập một nhóm... gọi là Thân. Ví dụ như Giới cũng có sự tích tụ của nhiều loại Giới, Định cũng có nhiều loại Định, Tuệ cũng có nhiều loại Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến cũng có nhiều loại như vậy... nên gọi là Ngũ phần pháp thân. Cũng vì lẽ đó nên khi chúng ta gọi là Ngũ uẩn, Ngũ uẩn không phải chỉ riêng những cái gì có tính chất hữu lậu, ô trược, như hiểu cái thân này do Ngũ uẩn ô trược sinh ra nặng nề, xấu xa... mà chính chữ "Uẩn" đó cũng dùng cho cả pháp giới, pháp thân nữa. Vì vậy cho nên ngoài Ngũ uẩn ra còn có thể nói là Ngũ pháp uẩn nữa. Chữ "Uẩn" có nghĩa rộng rãi như vậy nên nó thông cả pháp hữu lậu và vô lậu. Chữ "Uẩn" nếu đưa thêm trước nó một chữ "Thủ" , "Thọ" thì nó trở thành hữu lậu, khi đặt trước nó một chữ "Pháp" thì nó trở thành vô lậu. Nguyên nghĩa chữ "Uẩn" là tích tựu, chứa nhóm... chứ nó không mang tính chất hữu lậu vô lậu gì hết. Khi nói nó là hữu lậu vì nơi nó có Ái, Thủ. Khi nói nó là vô lậu vì nơi nó có trí tuệ. Ớ đây chúng ta cần phân biệt Chữ "Ấm" chữ "Uẩn" và chữ "Pháp uẩn". Khi nói chữ "Ấm" thì nó mang tính chất ái trước, ngăn che nên không thể thành vô lậu được, mà hoàn toàn là hữu lậu. Khi nói "Uẩn" thì thông cả hữu lậu, vô lậu. Khi nói "Pháp uẩn" thì chỉ là vô lậu, không phải hữu lậu. Trường hợp nào để chúng ta biết rằng Uẩn đó cũng gọi là Pháp uẩn? Chính đức Phật có dạy [để thấy Pháp uẩn dùng trong trường hợp nào, làm sao dám nói năm uẩn đó gọi là Pháp uẩn]. Ở trong kinh Cung Kính thuộc Tương Ưng bộ: "Thế Tôn trong kinh Thiền định khởi lên ý nghĩ rằng: Với mục đích làm cho đầy đủ Giới uẩn chưa được đầy đủ, với mục đích làm cho đầy đủ Định uẩn chưa được đầy đủ, với mục đích làm cho đầy đủ Tuệ uẩn chưa được đầy đủ, với mục đích làm cho đầy đủ Giải thoát uẩn chưa được đầy đủ, với mục đích làm cho đầy đủ Giải thoát tri kiến uẩn chưa được đầy đủ, Ta hãy cung kính đảnh lễ và sống y chỉ một vị Sa-môn hay Bà-la-môn. Nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, Ma, Phạm hay loài người với Giới uẩn đầy đủ, Định uẩn đầy đủ, Tuệ Uẩn đầy đủ, Giải thoát uẩn đầy đủ và Giải thoát tri kiến uẩn đầy đủ tốt đẹp hơn Ta mà Ta có thể cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ. Vậy với pháp này Ta đã chơn chánh giác ngộ, Ta hãy cung kính đảnh lễ và y chỉ Pháp ấy". Trong kinh Tạp A-hàm số 1188 nói: "Bấy giờ Thế Tôn thành đạo chưa bao lâu, Ngài nghĩ rằng: Người không cung kính sẽ bị khổ, không có thứ lớp... thì đối với việc đại nghĩa sẽ bị giảm sút, còn người cung kính thì sẽ sống được an lạc. Những người có cung kính, thì đối với việc đại nghĩa được đầy đủ, có thể có ai trong chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người, Quỷ, Thần mà so với Ta họ có Giới đầy đủ hơn, có Tam-muội hơn, có trí tuệ hơn, có Giải thoát hơn và Giải thoát tri kiến hơ n, thì Ta sẽ cung kính tôn trọng, phụng sự cúng dường, nương tựa nơi đó”. Ngài lại nghĩ: "Nhưng không có một ai trong chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người hay Quỷ, Thần có thể so với Ta, họ có Giới đầy đủ hơn, có chánh định hơn, có trí tuệ hơn, có giải thoát và giải thoát tri kiến hơn, khiến Ta cung kính tôn trọng, phụng sư cúng dường, nương tựa nơi đó. Vậy chỉ có Chánh pháp làm cho Ta tri giác, thành tựu Bồ-đề, nên Ta phải đối với Chánh pháp, cung kính tôn trọng, phụng sự cúng dường, nương tựa nơi đó, vì sao? Vì chư Phật quá khứ cũng đối với Chánh pháp cung kính, tôn trọng, phụng sự, cúng dường, nương tựa nơi đó. Chư Phật đời vị lại cũng đối với Chánh pháp cung kính, tôn trọng, cúng dường, nương tựa nơi đó” [Tạp A-hàm 4 tr. 290].

Do chữ Uẩn này cho nên chúng ta cũng hiểu rằng Ngũ pháp thân, cái Pháp thân đó chính do Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến mà thành tựu. Nếu bỏ hay tách khỏi Giới, Định, Tuệ... ra ngoài thì Pháp thân đó cũng chả có gì gọi là Pháp thân. Cũng như cái thân chúng sinh là do Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức kết tập mà thành ra thân chúng sinh, chứ bỏ nó ra thành từng phần riêng lẻ thì cũng chẳng có gì gọi là thân chúng sinh. Vì vậy cho nên Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến, đó là những thành phần, những nhóm để tạo thành Pháp thân; cũng y như Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là những thành tố cần thiết để tạo thành thân chúng sinh ô trược này. Vì thế mà cả hai bên đều gọi là Uẩn, đều gọi là Thân. Kinh Nikàya còn giải thích như sau: Trong kinh Nikàya, đức Phật nói rằng: "Phàm Sắc gì quá khứ, hiện tại, vị lai, thô tế, liệt thắng, xa gần, gọi là Sắc uẩn. Được chấp thủ gọi là Sắc thủ uẩn - chấp thủ ấy không là năm thủ uẩn, cũng không ngoài năm thủ uẩn, nhưng chỗ nào co tham và dục, chỗ ấy có chấp thủ". Câu đó để giải thích nghĩa Thủ uẩn, trong Kinh nói như vậy và trong luận Câu-xá cũng nói như vậy.

Một trường hợp khác, trong kinh Nikàya, chữ Ngũ uẩn còn có một cách giải thích khác: Một là Trọng đởm (Đởm là cái gánh), hai là Sinh y. Cả hai từ đó đều chỉ cho Ngũ uẩn. Như vậy nhóm từ Ngũ chúng, Ngũ ấm, Ngũ uẩn là từ phần nhiều có trong Hán tạng, còn Nikàya còn dịch là gánh nặng, là Sinh y.

Bây giờ chúng ta tìm hiểu thêm ý nghĩa cụm từ "Gánh nặng". Trong kinh Tương Ưng Bộ tập 3 có ghi:

"Năm uẩn là gánh nặng,
Kẻ gánh nặng là người,
Cầm lấy gánh nặng lên,
Chính là khổ ở đời.
Còn bỏ gánh nặng xuống xong,
Tức là lạc không khổ,
Gánh nặng bỏ xuống xong,
Không mang theo gánh khác.
Nếu nhổ khát Ái lên,
Tận cùng đến gốc rễ,
Không còn đói và khát,
Được giải thoát tịnh lạc”.

Toàn bộ bài kệ trên nói Ngũ uẩn là đồng nghĩa với gánh nặng. Ngũ uẩn chính là gánh nặng, cho nên những ai chưa bỏ được gánh nặng xuống, thì chưa thành A-la-hán. Trong kinh Nikàya định nghĩa A-la-hán như sau: "Việc cần làm đã làm xong, đã bỏ gánh nặng xuống, phạm hạnh đã lập, không còn tái sinh nữa", gọi là A-la-hán.

Ngũ uẩn cũng gọi là Sinh y. Vậy thế nào là Sinh y? Chữ Sinh y như trong Pàli nói tức là Năm uẩn, là cái căn cứ cho một đời sống khác, là chỗ y cứ cho một cuộc đời, cho một sự sống, nên gọi là Sinh y. Trong kinh Tăng Chi Bộ tập 3a, tr. 395 có nói: "Vị Tỷ-kheo ly dục... chứng và trú Sơ thiền. Vị ấy, ở đây, đối với cái gì thuộc về Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là bệnh tật, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã; vị ấy né tránh tâm mình khỏi những các pháp ấy, sau khi tránh né, vị ấy hướng đến bất tử giới. Đây là tịnh lạc, thù thắng, đây là sự chỉ tức tất cả Hành, sự từ bỏ Sinh y, sự tận diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết bàn". Đó là một chữ mới mà kinh Nikàya đã nói là Sinh y, tức chỉ cho Năm uẩn, chính Năm uẩn này làm căn bản cho một đời sống khác.

Như vậy, đức Phật nói nhiều đến Ngũ uẩn. Nhưng Ngài nói để làm gì, có ích lợi gì mà Ngài nói, sao Ngài không nói cái gì khác? Ví như nói phi thuyền lên không gian, hoặc sản xuất như thế nào cho có lợi, mà Ngài lại nói Ngũ uẩn ? Ngài thuyết Ngũ uẩn là vì thương chúng sinh, muốn diệt trừ sự đau khổ cho chúng sinh.

Tại sao Phật không đau khổ mà chúng sinh lại đau khổ? Vì tham Ái nên chúng sinh đau khổ. Vì chấp Thủ nên chúng sinh đau khổ.

Thế vì sao chấp Thủ? Vì sao mà có tham Ái? Là vì chấp có cái Ta cho nên sinh tham Ái. Nếu không có cái Ta thì tham Ái sẽ không có mặt. Cho nên, Phật thuyết pháp là căn cứ nơi hiện thực, chỉ rõ hiện thực tính đó, để chúng sinh thấy, vì chúng sinh hay chấp ngã. Nhưng chấp cái gì làm ngã? Chấp Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức làm ngã. Nếu không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thì không có chúng sinh, không có con người. Vì vậy, không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thì cũng không được. Vì nếu không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thì không thành một chúng sinh. Nhưng khi có mắt, tai, mũi, lưỡi mà không biết vui; như đụng không biết đau, cho ăn không biết mừng, quạt không biết mát, thì có ra con người không? Vì vậy phải có "Thọ" mới ra con người. Nhưng nếu chỉ có "Thọ" không thôi, thì có thành con người không? Không. Vì vậy phải có "Tưởng". Tưởng cái nọ qua cái kia, so sánh đủ thứ; như so sánh cái này là khổ, cái kia là vui... cho nên mới có "Tưởng". Khi đã có "Tưởng" mà nếu tưởng không thôi; ví dụ như tưởng mình có cục vàng, mình đi xe hơi, máy bay, đủ thức... nhưng chỉ tưởng và ngồi một chỗ thì không thành vấn đề. Nếu tưởng mà hành động, như lấy trộm của người mới có tội, còn không thì thôi. Vì vậy cho nên có "Hành". Do đó, nếu thiếu "Hành" cũng không thành con người. Nhưng tất cả Sắc, Thọ, Tưởng, Hành phải y cứ vào đâu? Phải y cứ vào nơi "Thức". Như vậy "Thức" là nhân tố cần yếu, cùng với Sắc, Thọ, Tưởng, và Hành cấu thành con người.

Tóm lại, đó là Năm uẩn, năm nhóm kết hợp lại mà thành con người, thành ra một giả tướng của năm sự kết hợp đó lại thành ra con người. Nhưng nếu chỉ có năm sự kết hợp đó thì gọi con người cũng được, con vật cũng được, vì cả hai đều có đủ năm yếu tố đó. Ví dụ con Trâu cũng có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Như vậy chưa hẳn năm thứ đó kết hợp thành con người, mà cũng có thể thành con Gà, con Trâu, con Heo... con gì cũng được, chứ đâu phải kết hợp thành con người! Thế nhưng từ Năm uẩn đó kết hợp lại được là vì có Vô minh (không hiểu rõ) cho nên chúng ta nói năm sự đó kết hợp lại thành con người. Khi đã thành con người thì con người còn có thêm tên gì, chức gì, họ gì nữa... hễ nói sai là không được. Đi khai giấy tờ lãnh tiền mà khai không đúng tên thì không cho lãnh tiền...! Do không hiểu rõ Năm uẩn là sự kết hợp lại thành một cái giả tướng, cứ lầm tưởng mà chấp đó là một cái ngã hay là một cái Ta. Chính vì khư khư theo cái ngã đó cho nên cứ tham Ái, cứ chấp Thủ, và cứ thế Ái, Thủ, Hữu... như vậy mà tiếp tục mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Muốn phá trừ gốc rễ của sự luân hồi ấy, Phật dạy chúng ta phải đoạn gốc rễ chấp ngã. Nhưng gốc rễ chấp ngã trong mỗi chúng sinh nó bám chặt vào Ngũ uẩn (Năm nhóm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức) mà chấp thủ. Nó chấp thủ nơi Sắc thân làm Ta, chấp nơi Thọ làm Ta, chấp nơi cái tưởng tượng mà nói Ta tưởng làm ra... Như vậy cứ dựa vào năm thứ đó mà chấp ngã. Năm thứ đó không phải là ngã mà chấp là ngã, là Vô minh, là gốc của đau khổ. Phật muốn nhổ cái gốc đau khổ (chính là cái Ta) đó bằng cách chỉ cho chúng sinh thấy rõ là trong Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức không có cái ngã nào trong đó cả. Do vậy, Phật thuyết giảng lý Vô ngã. Và Phật cũng chỉ cho thấy có hai pháp mà Phật căn cứ vào đó để chỉ lý Vô ngã rõ nhất, đó chính là mười hai nhân duyên và Ngũ uẩn. Khi Phật lấy lý Nhân duyên để nói con người chẳng có gì khác là do các duyên hợp lại mà thành và Mười hai nhân duyên đó chả có cái gì là Ta cả. Có khi Ngài nói Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức kết hợp lại thành con người, nhưng Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đó chả có cái gì là Ta hết. Thành thử, muốn nhổ cái gốc Vô minh đau khổ cho chúng sinh thì Ngài chỉ phải nhổ tận gốc chấp ngã với hai phương pháp mười hai nhân duyên và Ngũ uẩn là vậy. Ngoài ra, có trường hợp lấy Lục nhập, Thập nhị xứ để chỉ cho chúng sinh thấy rõ lý Vô ngã, nhưng đây là trường hợp phụ thuộc, rất hiếm, ít khi nhắc tới.

Như chúng ta đã đọc và học các kinh, chúng ta cũng biết đức Phật chỉ lý Ngũ uẩn cốt để cho chúng sinh thấy rõ lý Vô ngã. Nhưng nếu khi mê lầm chấp ngã thì sẽ sinh Ái, Thủ, thành ra đau khổ. Khi đã rõ nguyên nhân và hậu quả của chấp ngã đó thì phải nhổ cái gốc của chấp ngã (cái gốc sinh ra đau khổ) thì không còn đau khổ nữa. Vì chấp Năm thủ uẩn nên sinh đau khổ, cho nên Năm thủ uẩn đó trở thành một gánh nặng. Hễ còn gánh cái gánh nặng đó trên vai thì luôn luôn phải đau khổ, không làm sao mà vui được. Vậy thì ai gánh? Chính là Ái, Thủ gánh. Ví như có thỏi vàng giữa đường, nếu không có Ái, Thủ thì chắc chắn không ai them lượm lên đâu. Do có Ái, Thủ nên người ta mới lượm thỏi vàng ấy lên. Năm thủ uẩn này nó cũng trở thành một gánh nặng. Vậy ai gánh? Chắc chắn là người (chúng sinh) gánh. Nhưng người là ai? Cũng là tham Ái gánh. Cho nên trong kinh nói: "Nếu nhổ khát Ái lên tận cùng đến gốc rễ, không còn đói và khát thì được giải thoát, tận lạc". Khi đã nhỗ hết gốc Ái , tức nhiên là bỏ gánh nặng xuống, khi ấy dù có thấy cục vàng cũng mặc kệ. Vì không có Ái, Thủ nên cục vàng dù có giá trị bao nhiêu cũng không còn tác dụng. Khi đã không còn Ái, Thủ thì không còn có sự so sánh. Vàng để đó mà không Ái, Thủ thì không sao hết, tại sao? Vì không dính Ái, Thủ nên không nặng. Ai tự mình gánh Ái, Thủ lên thì người đó mới nặng, nên trở thành gánh nặng. Khi đã trở thành gánh nặng, thì luôn luôn phải nặng, phải chịu đau khổ, phải đói khát. Do đó, một vị A-la-hán khi đã dứt hết Ái, tức là không mang lên gánh nặng nữa, vị ấ đã bỏ gánh nặng xuống - dứt hết Ái là bỏ gánh nặng xuống, không còn chấp thủ thân Ngũ uẩn này làm Ta nữa. Hiện tại không còn chấp thân Ngũ uẩn, thì ví như cục vàng trước mắt cũng không còn ý nghĩa. Ngày hôm nay không có tham Ái, thì ngày mai đâu có tham Ái gì được nữa. Thỏi vàng trước mắt hôm nay không tham, thì ngày mai mù mịt, ai mà them làm gì! Năm thủ uẩn trước mắt mà không tham Ái, thì năm ngủ uẩn đời sau mịt mù, ai mà thèm làm gì! Cho nên trong hiện tại bỏ được gánh nặng thì tương lai cũng không còn gánh nặng mà cũng không ai gánh làm gì nữa. Khi đã bỏ gánh nặng tức là không còn thọ cái thân đời sau, nên không còn tái sinh nữa. Vậy khi nói Ngũ uẩn, là ý đức Phật cốt chỉ rõ cho chúng sinh thấy chân lý vô ngã ở trong Ngũ uẩn. Ngũ uẩn đó chỉ là Ngũ uẩn chứ chẳng có gì là ngã cả. Sắc là Sắc, Thọ là Thọ, Tưởng là Tưởng, Hành là Hành, Thức là Thức, dù anh có chấp ngã cũng vậy, không chấp ngã cũng vậy, chứ không phải vì anh chấp ngã mà nó khác đi, hay vì không chấp ngã mà nó khác đi. Cũng vậy, khi không chấp ngã, thì thỏi vàng để giữa đất anh có lượm lên nó cũng chừng ấy, không lượm lên nó cũng chừng ấy, không ai cám ơn cả. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng vậy, có cần anh chấp thủ không? Không cần. Khi không cần thì mới tự tại vô ngại.

Xưa có một vị Thiền sư bị té què chân, vì thế mà đi đứng nằm ngồi đều bị chướng ngại, khổ sở vô cùng, nhất là phải di chuyển để tụng kinh, hành thiền. Nói tóm lại là bị lệ thuộc vào cái chân què, và làm gì cũng đi sau người ta cả. Nhưng đến khi phải chuẩn bị cho ngày thị tịch, Ngài muốn ngồi kiết già nhập Thiền mà đi luôn. Nhưng "hắn" (cái chân què) có nghe Ngài đâu. Cái chân què cứ trở ngại Ngài hoài, bắt Ngài phải dỗ dành ngon ngọt với hắn, hắn mới chịu để yên, như người qua sông phải lụy đò, nên Ngài phải chiều nó. Một hôm, Ngài quyết định nhập diệt, Ngài định ngồi kiết già để mà nhập diệt, nên vừa mới đưa chân lên, hắn đau quá, Ngài quyết tâm lấy nắm cái chân què lên và nhủ thầm: "Bấy lâu nay Ta theo mi, chiều mi đủ thứ, nay mi phải dứt khoát theo ta". Khi ấy Ngài không kể đau đớn gì cả, cố bắt chân ngồi kiết già, thế là hắn phải theo và ngồi yên. Nếu chúng ta có một sự tự tại đối với Sắc, đối với Thọ, đối với Tưởng, đối với Hành, đối với Thức như Ngài (vị Thiền sư) thì chúng ta mới giải thoát được. Phật dạy người tu phải biết quán vô thường, vô ngã, song đồng thời cũng phải biết nương theo cái thân này để vượt qua bờ bên kia, nhưng nếu cứ chấp chặt, yêu quý nó thì cũng giống như người bị rớt xuống nước, thấy xác chết ở giữa biển cả mênh mông, mừng quá chụp lấy mà tô điểm cho xác chết, không chịu vào bờ. Người khôn phản biết nương thân Ngũ uẩn như nương thây chết nổi trên biển cả để làm phương tiện vào bờ, nhưng không lụy vào nó, mà cũng đừng ruồng rẫy nó, vì không có nó không được.

Bây giờ, tôi nhắc lại một số từ liên quan đến Ngũ uẩn để cho dễ nhớ. Tại sao gọi là Ngũ chúng, Ngũ uẩn, Ngũ thủ uẩn, Ngũ ấm và Ngũ thọ ấm, giữa chúng có sự đồng nhau và khác nhau như thế nào?

- Năm ấm tức là chỉ cho năm cái ngăn che chân tánh.

- Thủ uẩn chỉ cho năm uẩn, nhưng có sự chấp thủ trong đó thành Năm thủ uẩn.

- Năm thọ ấm tức sáu căn tiếp xúc sáu trần thành có thọ, nếu không Xúc thì không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức... Chữ Thọ cùng nghĩa với chữ Thủ.

Ngũ uẩn là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, năm cái này xét về mặt thể tính thì nó giống nhau, cùng chỉ Sắc , Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Nhưng xét về mặt nghĩa thì khác nhau, vì sao? Trong khi nói năm uẩn tức là nói Năm nhóm, Năm sự tập hợp, Năm sự tích tụ. Còn nói Năm ấm tức là nói Năm sự ngăn che, thành Năm cái nghĩa khác nhau nhưng thể tính vẫn là một. Thể là đồng Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, nhưng giải thích theo kiểu này thì gọi là Ấm, giải thích theo cách kia thì gọi là Uẩn. Như vậy Ấm có nghĩa ô nhiễm, là hữu lậu. Nhưng khi nói về Uẩn thì nó vừa hữu lậu vừa vô lậu. Nếu ở trước chữ Uẩn có chữ "Thủ" thì trở thành hữu lậu, trước Uẩn có chữ "Pháp" thì trở thành vô lậu. Riêng chữ Ngũ uẩn là Năm nhóm. Như vậy Năm nhóm có thể là tốt, có thể là xấu, có thể hữu lậu, có thể vô lậu. Cho nên khi nói Ngũ uẩn là nói chung cho cả hữu lậu vô lậu chứ không phải nói tốt xấu gì cả. Nhưng khi nói Năm nhóm đó do Thủ phát sinh, do Ái Thủ phát sinh, lệ thuộc nơi Ái Thủ và nó có thể phát sinh Ái Thủ, thì Năm nhóm đó là Năm thủ uẩn. Chữ Thủ nghĩa là Ái Thủ, là chấp Thủ đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức mà Ái Thủ nó thì gọi là Thủ uẩn. Vì Ái Thủ cho nên mới có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Như vậy Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức do Ái Thủ mà sinh, nó lệ thuộc với Ái Thủ và chính từ nó cũng sinh ra Ái Thủ. Thế cho nên gọi là Thủ uẩn. Còn khi gọi Uẩn không thôi tức nhiên không phải là Thủ uẩn, hữu lậu cũng được, vô lậu cũng được. Nhưng thường thường trong kinh có khi nói Ngũ uẩn, có khi nói Ngũ thủ uẩn, tức nhiên chúng ta cũng nhận định biết rằng khi nói Thủ uẩn là cố nhấn mạnh về sự chấp thủ Ngũ uẩn. Còn khi gọi Ngũ uẩn là muốn chỉ về cái nhóm đó, của cái thực thể đó. Còn Ngũ ấm tức nhiên chỉ về sự ngăn che chân tánh, vì nó cho nên không nhận thức được cái tánh của pháp giới là vô ngã, vô thường, cho nên gọi là Ấm, Ngũ thọ ấm cũng y như Ngũ thủ uẩn, nghĩa của nó giống nhau. Chữ Thọ này có nghĩa là Ái thọ, chấp Thủ. Thành ra chữ Thọ ấm này là cái nghĩa người ta dịch chung chứ thật ra nói chữ Ấm không cũng đủ có cái nghĩa ô nhiễm rồi, không cần chữ Thọ cũng có nghĩa là ô nhiễm.

- Ngũ chúng: Có nghĩa tương tợ như Ngũ uẩn, là Năm nhóm, như nói "tứ nhân thành chúng" (bốn thầy Tỷ-kheo trở lên thành chúng), một nhóm trở lên gọi là chúng. Vì thế ngày xưa, trong luận Đại Trí Độ của Ngài Long Thọ trước tác, Ngài La-thập dịch ra tiếng Trung Hoa là Ngũ chúng, y như Ngũ uẩn có Năm nhóm. Năm cái tập hợp lại cho nên gọi là Ngũ chúng.

Tóm lại, có hai pháp môn mà Phật dạy cho chúng ta thấy rõ lý Vô ngã đó là Mười hai nhân duyên và Ngũ uẩn. Hai pháp môn này Phật thường nói nhất và cụ thể nhất. Ngoài ra, thỉnh thoảng Ngài cũng có khi đề cập đến pháp Lục nhập, Thập nhị xứ, Thập bát giới là Vô ngã, nhưng cũng chỉ là phần phụ. Vì Lục nhập, Thập nhị xứ, Thập bát giới nó cũng thuộc vào nơi Ngũ uẩn và Mười hai nhân duyên hết.

(Trích "Ngũ Uẩn Vô Ngã", NXB Tôn Giáo, 1999)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập