Nhân Làm Biếng Đọa Làm Heo

Đã đọc: 3127           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Do chấp thân là thật nên tham lam mọi nhu cầu vật chất để phục vụ thân này. Lòng tham con người được ví như giếng sâu không đáy, như cái hang không cùng nên không biết đến đâu là đủ. Khi không có thì tham muốn cho có, khi có rồi thì tham muốn cho thật nhiều, tham được thì càng thêm tham, tham không được thì sinh ra buồn phiền, giận dỗi, tìm cách trả thù dẫn đến tàn sát, giết hại lẫn nhau, gây đau thương và làm tổn hại cho nhiều người.

Ngày xưa có một quốc gia tên gọi là Đại Quang Minh, vị vua trị vì là người có nhân cách đạo đức nên đất nước ấy rất giàu có, sung túc, mọi người đều được no cơm ấm áo, sống trong an lạc, thái bình. Người dân đa phần theo nghề chăn nuôi và làm ruộng sinh sống, đặc biệt nuôi heo bằng loại thức ăn cao cấp là bơ rang và lúa mạch; do đó heo ăn nhiều mau lớn, mau cung cấp thịt cho loài người. Mùi vị của lúa mạch rang bơ thơm phức làm bao tử một chú ngựa con cồn cào khó chịu, chú tò mò đến gần xem sự thể ra sao. Bầy heo đang nhốn nháo khi thấy con người mang thức ăn đến đổ vào máng, chúng tranh nhau táp phầm phập trông rất ngon lành, thoáng phút chốc các máng đều hết sạch, rồi mỗi con một chỗ nằm phè ra ngủ say sưa. Ngựa con nhìn thấy mà thèm chảy nước miếng, vừa buồn tủi, vừa giận trách loài người sao quá bất công, chú làm lụng vất vả cả ngày mà chỉ ăn toàn cỏ khô, loài heo kia chẳng làm gì mà lại được ăn lúa mạch, bắp rang thơm phức. Nghĩ vậy ngựa ta tức tối về nhà tìm gặp ngựa mẹ hỏi cho ra chuyện. “Mẹ ạ, sáng nay con vô tình đến chỗ chuồng heo thấy chúng được ăn món ngon thượng vị, con nào cũng mập ú ù ra vẻ oai phong lẫm liệt, chẳng phải nhọc nhằn làm việc vất vả mà được ăn no rồi nằm phè ra ngủ. Thật là sung sướng làm sao! Ước gì con cũng được như thế mẹ nhỉ”. Nghe con nói vậy ngựa mẹ chẳng thèm trả lời mà bình thản gặm cỏ khô. Ngựa con ấm ức quá mới phân trần với ngựa mẹ, “mẹ à, sao loài người quá bất công để loài ngựa chúng ta phải nhọc nhằn gánh vác, chuyên chở hàng hóa, đưa người đón bạn, xông pha chiến trường, bảo vệ tổ quốc mà vào sanh ra tử, chịu lao khổ trăm bề, vậy mà thức ăn chỉ toàn cỏ khô và nước lã, chẳng công bằng tí nào. Loài heo chúng nó thật có phước quá, chúng chỉ ăn no rồi ngủ, ngủ dậy rồi ăn, chẳng phải làm gì cực nhọc mà thức ăn lại thơm ngon đáo để”. Ngựa mẹ bảo, “con à, mỗi loài đều có phước báo riêng, con không nên vì thế mà than thân trách phận, hãy cứ chấp nhận cuộc sống hiện tại có gì ăn nấy, miễn sao no đủ là được rồi, đừng vì muốn món ngon vật lạ mà khổ lụy cả đời. Con muốn ăn loại thức ăn đó cũng được, nhưng con hãy ráng chờ thêm vài ngày nữa cũng không muộn màng gì đâu”. Tuy được nghe ngựa mẹ giải thích cặn kẽ nhưng ngựa con vẫn còn ấm ức.

Vài ngày sau, trong cung có khách nước ngoài đến, bầy heo bị trói gô lại tất cả, kêu la eng éc nghe thảm não vô cùng. Ngựa con nghe thấy bèn chạy đến xem sao. Thật là một cảnh tượng quá hãi hùng, khủng khiếp. Chú thấy một người đồ tể đi đến chỗ bầy heo đâm thẳng vào tim chúng làm máu chảy xối xả, kèm theo đó là những tiếng kêu thảm thiết, đau thương. Sau họ đổ nước sôi lên khắp thân thể chúng rồi cạo lông nghe sồn sột, cuối cùng tất cả đều bị chặt đầu, mổ bụng và cho lên xe chở đi. Ngựa con bây giờ mới vỡ lẽ liền nhanh chân bỏ chạy về nhà, vừa thấy mẹ chú ta liền nói, “mẹ à, giờ con đã hiểu ra rồi, con cám ơn mẹ rất nhiều”. Ngựa mẹ bảo, “nghiệp duyên của chúng ta là ngựa thì mình phải có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa, đưa đón con người, chuyên làm các việc nặng nhọc để tạo ra miếng ăn, sự sống cho loài người; chỉ chuyên tâm một điều làm việc nào biết việc đó. Loài ngựa chúng ta chấp nhận cuộc sống đạm bạc và rèn luyện trong gian khó, nếu sau này có sự cố gì ta còn có đủ khả năng để vượt qua. Con không thấy loài heo đó sao, chỉ vì ham ăn ngon, ngủ kỹ mà phải chịu quả khổ như vậy”. Nếu nói về nhân quả thì loài heo trước kia đã từng gieo trồng phước đức, từng bố thí thức ăn thức uống cho nhân loại; nhưng đồng thời gieo nghiệp nhân giết hại do ngu si mê muội mà hiện đời hưởng phước báo ăn ngon, ngủ kỹ nhưng phải đoạ làm heo để bị giết hại lại. Chúng ta thấy rõ ràng nhân quả rất công bằng, sòng phẳng, làm phước thì được hưởng phước, được ăn ngon ngủ kỹ mà không phải làm lụng nhọc nhằn, khổ sở; nhưng ngược lại vì nhân giết hại do ngu si, mê muội nên bị quả báo mạng sống ngắn ngủi và bị giết hại lại.

Đây là câu chuyện ngụ ngôn triết lý sâu sắc về nền tảng nhân quả, từ nghiệp nhân si mê mà bị đọa lạc vào các loài súc sinh để trả quả. Si là vô minh, là cái bất giác lầm lẫn không biết rõ sự thật nên thành ra có tham hay ham muốn quá độ. Do đó, si là cái khởi đầu bắt nhịp cầu cho tham lam, nóng giận bộc phát. Đúng ra, si là cái ngu tối thâm căn cố đế chẳng biết thế nào là đúng-sai, thật-giả. Con người vì không biết rõ thực tướng của vạn vật nên si mê chấp ngã. Loài heo vì tham ăn háu uống nên mới bị đọa lạc như thế, loài ngựa tuy phải nhọc nhằn, cực khổ làm lụng vất vả, ăn uống đạm bạc, phải ra công vận chuyển giúp đỡ loài người có phương tiện sinh sống nhưng nhờ vậy chúng lại được tôi luyện. Con người nếu đã từng trải nghiệm trong khó khăn, gian khổ thì dù cuộc sống có đổi thay hay gặp hoàn cảnh không thuận lợi cũng không bị sa đoạ, mê mờ. Ngược lại, nếu con người được sống trong vinh hoa phú quý từ lúc nhỏ, mọi thứ đều có người sắp đặt, lo lắng hết, đến khi gặp duyên xấu sẽ không đủ ý chí, khả năng để vượt qua, đành chịu chết trong biển tham dục như loài heo chẳng hạn. Chúng được cho ăn món thượng hạng hằng ngày rồi nằm phè ra ngủ, thấy thế tưởng như ngon lành nhưng không ngờ đang gần kề cái chết không hay biết. Ăn ngon ngủ kỹ là căn bệnh trầm kha của nhiều người, đa số ai cũng thích như vậy từ chỗ tham ái chấp trước mà ra.

Tóm lại, việc so sánh giữa loài ngựa và loài heo cho chúng ta thấy một bài học thiết thực ở đời. Loài ngựa là ẩn dụ chỉ hạng người thông minh trí tuệ, biết học hỏi rèn luyện, chịu đựng gian khổ từ tấm bé và có cuộc sống đơn giản nhưng giàu lòng nhân ái; khi trưởng thành luôn sống vì mọi người nhiều hơn cho bản thân, không tham cầu hưởng thụ cho riêng mình nên lúc nào cũng đem an vui, hạnh phúc đến mọi người. Một con người như vậy xứng đáng được nhân loại cung kính và tôn trọng, là tấm gương sáng cho mọi người nương theo. Thế gian này rất cần nhiều con người như vậy và ai cũng có khả năng sống tốt để làm đẹp cuộc đời. Loài heo là dụ cho người biếng nhác, thích ăn không ngồi rồi, thích ăn no ngủ kỹ, thích ăn sung mặc sướng. Hạng thấp kém thì hay trộm cướp, lường gạt của người khác, hút xách, đàn điếm, gây ra tệ nạn xã hội làm khổ cho nhiều người. Hạng có địa vị thì lợi dụng quyền cao chức trọng để được ăn trên ngồi trước, hưởng thụ xa xỉ quá đáng trong khi nhiều người còn quá thiếu thốn, khó khăn. Nhân đam mê hưởng thụ quá đáng sẽ khiến con người ngày càng sa đọa, gieo đau khổ cho mình và người, giống như loài heo được ăn no ngủ kỹ rồi chờ ngày bị con người phanh da xẻ thịt đau khổ vô cùng. Kẻ si chỉ biết hưởng thụ đam mê nhất thời mà phải chịu khổ triền miên không có ngày thôi dứt. Người trí vì lợi ích an vui lâu dài cho chính mình và tha nhân nên luôn sống đơn giản, muốn ít biết đủ để có cơ hội phục vụ và đóng góp cho con người nhiều hơn.

Tham có nghĩa là tham lam, ham muốn quá đáng như tham sống sợ chết, tham tiền tài, tham sắc đẹp, tham danh vọng, tham ăn ngon ngủ kỹ… Do chấp thân là thật nên tham lam mọi nhu cầu vật chất để phục vụ thân này. Lòng tham con người được ví như giếng sâu không đáy, như cái hang không cùng nên không biết đến đâu là đủ. Khi không có thì tham muốn cho có, khi có rồi thì tham muốn cho thật nhiều, tham được thì càng thêm tham, tham không được thì sinh ra buồn phiền, giận dỗi, tìm cách trả thù dẫn đến tàn sát, giết hại lẫn nhau, gây đau thương và làm tổn hại cho nhiều người. Cho nên, tục ngữ có câu:

Dò sông dò biển dễ dò

Đố ai lấy thước mà đo lòng người.

Quả thật, lòng tham con người vô cùng tận như giếng sâu không đáy, chúng ta có thể dò được đáy sông, đáy biển nhưng không thể đo lường lòng tham của con người vì nó không có bến bờ nhất định.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập