SHAMBHALA SUN: An lạc từng bước chân (Chân dung Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Đã đọc: 18471           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

PSN - 31.5.2010 | SHAMBHALA SUN. Thầy Thích Nhất Hạnh khi còn trẻ photo courtesy of Parallax Press (photo by paul Davis)

Đứng hàng đầu trong những công tác từ bi trên mảnh đất Việt Nam tan nát vì chiến tranh, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã trở thành vị đạo sư được toàn cầu thương mến vì đã hiến đời mình cho hòa bình bằng những pháp môn thực tiễn của Bụt. Andrea Miller thuật cho mọi người nghe câu chuyện phi thường của ông thầy tu này.

 Nếp sống can đảm và từ bi của Thầy Nhất Hạnh

Thầy Thích Nhất Hạnh ngồi trên một trong bảy chiếc thuyền chài, chất đầy khẳm gạo, đậu xanh đường sữa, nồi xoong chảo mới và áo quần cũ giặt xếp ủi thẳng lại cùng với một nhóm nhỏ Sinh Viên, họ đi ngược sông Thu Bồn, dần vào sâu trong núi. Trên ấy binh sĩ của hai bên còn đang đánh nhau và còn nồng nặc mùi xác chết. Đoàn không có mùng và cũng không đem được nhiều nước uống. Gió lạnh như cắt da, đoàn người ngủ trên thuyền và phải tự nấu cơm lạt trên thuyền. Vì tình trạng vệ sinh giới hạn như thế nên thầy bị rét và kiết lỵ ...

Đó là hồi năm 1964 ở Miền Nam Việt Nam. Sau những trận mưa bão toàn vùng, nước đã dâng cao bao trùm nhiều tỉnh... khiến cho hơn 4000 người bị nước cuốn theo trong vài giờ và hằng chục ngàn người bổng chốc thành kẻ không nhà, vì nhà cửa của họ đã bị nước cuốn đi. Đồng bào trong toàn quốc cố gắng làm nhiều cách để cứu trợ những nạn nhân bão lụt nhưng chỉ riêng vùng thượng lưu sông Thu Bồn là không đoàn cứu trợ nào dám đi, vì ngoài chuyện bão lụt còn chuyện đụng độ nhau giữa Quốc gia và Giải Phóng. Ai cũng sợ bị kẹt giữa hai lằn đạn. Vì thế đoàn công tác do Thầy hướng dẫn phải đi đến chỗ mà không ai dám đi.

Năm ngày liên tiếp đoàn người đã thăm viếng an ủi và phát quà cho rất nhiều xóm làng nát tan. Khi gặp binh sĩ, đoàn người cũng chia phần cho họ, không phân biệt bên này hay bên kia. Đứng trước cảnh đau thương chừng ấy, kéo dài dai dẳng như vậy, thầy đã cắt đầu ngón tay và để máu rơi xuống dòng sông rồi phát lời cầu nguyện “Những giọt máu này là để cầu nguyện cho những người đã chết vì bão lụt và vì chiến tranh, chúng tôi xin hứa sẽ không bao giờ quên quý vị”. Đạo Bụt dấn thân: là đem áp dụng những tuệ giác mình đạt được từ thiền quán và từ những lời dạy của Bụt mà làm nhẹ vơi những khổ đau trong xã hội, trong môi sinh và trong chính trường.

anlac1_593581008

Thầy Nhất Hạnh về tới chùa Tổ sau 39 năm bị cấm về nước

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được toàn thế giới xem như là người đề xuất đầu tiên cách tu tập này, nhưng để trả lời riêng với Shambala Sun, Người nói: tất cả người thực tập theo Bụt đều phải dấn thân thôi, bởi vì: “Khi con người đang khổ đau, chết chóc vì bom đạn chúng ta đâu có thể ngồi yên suốt ngày trong thiền đường được. Thiền quán là ý thức về những gì đang xảy ra - không những xảy ra trong thân và cảm thọ của ta mà còn đang xảy ra xung quanh ta nữa. Thầy nói tiếp: “Từ khi còn là một tu sĩ trẻ ở Việt Nam chúng tôi đã chứng kiến quá nhiều khổ đau do chiến tranh gây ra. Vì thế chúng tôi rất mong áp dụng lời Bụt dạy như thế nào để có thể đem những pháp môn ấy vào cuộc sống thực tế của xã hội. Điều này không dễ gì làm được vì truyền thống xưa không trực tiếp dạy về đạo Bụt dấn thân cho chúng tôi. Thế nên chúng tôi phải tự chế tác cách tu tập cho thích hợp với hoàn cảnh, như thế là Đạo Bụt dấn thân vốn được khai sinh giữa chiếc nôi chinh chiến nhưng nó được đúc kết và hệ thống hóa lại tại phương Tây. Và hôm nay, Thầy - tiếng gọi thân thương mà các đệ tử của Người thường gọi - người khai sáng cách áp dụng đạo Phật dấn thân ấy, là một trong những vị đạo sư có ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu. Người cũng là một nhà văn viết khá nhiều tác phẩm và sáng tác của người phong phú về đủ mọi mặt.

Thiền sư đã viết hồi ký, nhật ký, thi ca, truyện ngắn, sách cho trẻ em và cả những chuyện dã sử với dữ kiện lịch sử rất gần với sự thực. Nhưng những sách làm cho Thầy nổi tiếng vẫn là những sách hướng dẫn mọi người tu tập. Trong những sách rất phổ cập và được yêu thích nhất như An Lạc Từng Bước Chân hay Tình Thương Chân Thật, người đã tháo tung ra những khối nguyên tắc căn bản Bụt dạy và đề nghị làm cách nào để áp dụng một cách thực tiễn vào cuộc sống hằng ngày. Còn trong một số sách khác, bác học hơn, như Kim Cương Gươm Báu Diệt Trừ Phiền Não, chú giải về Kinh Kim Cương hay là Chuyển Hóa Tận Gốc (Duy Biểu Học) thì Thầy đưa về một mối những dòng tư duy Phật Giáo quan trọng khác nhau để cống hiến cách trình bày mới về hệ thống A Tỳ Đàm (Abhidharma) khoa tâm lý học truyền thống mà Bụt dạy.

Ông Alan Senaute, nguyên Giám Đốc điều hành tập san Buddhist Peace Fellowship, đã phê bình về cách dạy của Thiền sư Nhất Hạnh: “Tư duy uyên bác của Người có căn bản thật vững chắc và không hề tối nghĩa. Thầy trình bày những pháp môn rất khó hiểu và thường thì ít người với tới được, thành rõ ràng, trong tầm hiểu biết của mọi người, Thầy làm cho các pháp môn này trở nên thật sống động. Và người nghe, người đọc, thật sự thấy rõ cách áp dụng những phương pháp ấy vào đời sống của họ”. Ông Jack Kornfield, tác giả quyển The Wise Heart (Trái Tim Thông Tuệ) nói thêm: “Thiền sư Nhất Hạnh có khả năng diễn tả những pháp môn thâm sâu Bụt dạy về tương tức và về không một cách vô cùng uyên áo mà đơn sơ, tôi chưa hề nghe ai trình bày được như thế. Thầy đưa lên một tờ giấy và với biện tài thật khéo của một thi sĩ, thầy dạy chúng ta rằng mưa, mây, người đốn những cây rừng... đều đang có mặt trong tờ giấy. Thầy là một trong những vị đạo sư quan trọng nhất đã đưa ngọn đèn chánh pháp của Bụt về phương Tây mà chúng ta đang có được bên ta.”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tên Nguyễn Xuân Bảo, được sinh ra ở Miền Trung Việt Nam năm 1926. Theo cuộc phỏng vấn thầy của nữ sĩ Oprah Winfrey thì kỷ niệm mầu nhiệm nhất trong thời ấu thơ của thầy là khi thầy được thấy hình Bụt trên bìa một tập san Phật giáo lúc bảy tám tuổi. Bụt đang ngồi trên cỏ, mỉm cười và bình an hơn tất cả bất cứ những ai mà chú bé từng được gặp. Chú bé quyết định là lớn lên mình phải trở nên một người như Bụt, trở nên một ông thầy tu như Ngài. Ba mẹ người khó mà chấp nhận điều đó, vì nghĩ rằng đó là một cuộc sống khó khăn; tuy nhiên đến năm 16 tuổi thầy cũng được ba mẹ cho đi tu tại một ngôi chùa thuộc tông Lâm Tế (tiếng Nhật là Rinzai) ở Huế.

Nơi đây, thầy bắt đầu học những bài học đầu tiên Bụt dạy từ vị bổn sư của người, Thiền sư Thanh Quý Chân Thật. Thầy được dạy rằng thiền quán là cánh cửa đưa vào sự hiểu biết thâm sâu. Tuy nhiên, ông thầy tu không thực tập ngồi thiền suốt ngày. Trong thiền môn, từ những vị thầy lớn đến các chú điệu nhỏ ai cũng thực tập thiền ngữ “bất tác bất thực” (không làm việc là không ăn). Thành ra, thầy Nhất Hạnh cũng biết làm phân chuồng, giã gạo, gánh nước đến phồng cả vai.

Sau nhiều năm tập sự, thầy mới thật sự nhận giới và được gửi tới Phật Học Viện Báo Quốc. Tuy nhiên, thầy không được hài lòng lắm với cách dạy dỗ nơi đây vì thiếu sự học hỏi về văn chương, triết học và ngoại ngữ. Những vị chức sắc trong Phật Học Viện không tiếp nhận những đề nghị của thầy và các bạn cùng tu của thầy và do đó cả nhóm rời bỏ Phật Học Viện để đi vào Nam tìm nơi trú ẩn ở một ngôi chùa thuộc Miền Nam. Nơi đó, thầy và các bạn học khoa học, văn chương, ngoại ngữ và tự nghiên cứu nội điển với niềm tin là học như thế sẽ mở rộng tầm mắt của mình và sẽ làm mới lại đạo Bụt.

Thầy Thích Nhất Hạnh cắt đứt tay và để rơi vào dòng nước những giọt máu của Thầy như một lời nguyền. Thầy nói “để cầu nguyện cho những người chết vì chiến tranh và vì bão lụt và hứa sẽ không bao giờ quên họ.”

 

anlac2a_384315686

Thiền sư Thích Nhất Hạnh với Linh mục Thomas Merton. photo courtesy of Parallax Press.

Những năm 1930, có nhiều nhóm Phật tử trẻ bắt đầu muốn làm mới lại đạo Phật. Sự kiện thầy rời chùa truyền thống Báo Quốc cho thấy rõ là thầy đứng chung vào hàng ngũ phong trào làm mới đạo Phật này. Để góp phần vào việc làm mới đạo Bụt thầy đã dạy học, viết sách. Vào khoảng hai mươi lăm tuổi, thầy đã viết xong vài quyển sách với những tư duy khá hiện đại và được các nhà xuất bản đương thời nhận xuất bản và phổ biến. Thời đó, thầy viết rằng để cứu vãn đạo Phật đã bắt đầu xuống dốc, đạo Phật phải biết phát triển về mặt giúp đời cùng một tốc độ với sự phát triển của văn minh thế giới. Sự thực thứ nhất bàn về khổ đau - điều đó không đổi thay - nhưng ở mỗi lứa tuổi, mỗi thời đại sự khổ đau có đổi thay. Thầy Nhất Hạnh dạy: “để làm vơi bớt khổ đau, người hành giả cần phải có kinh nghiệm trực tiếp với khổ đau trong phương diện này”. Những suy tư của Người đã nằm trong không khí của cuộc thế chiến thứ hai. Nhật Bản đã chiếm cứ Việt Nam và đẩy thực dân Pháp ra khỏi đât nước này. Khi Nhật đầu hàng năm 1945, Pháp chưa trở lại được. Mặt Trận Việt Minh nhờ thế đứng lên giành độc lập trong khoảng thời gian chưa có cường quốc nào kịp chen chân vào. Đây là một phong trào đòi độc lập mà cấp lãnh đạo đa phần là người Cộng Sản. Tuy nhiên, những nước đồng minh thắng Nhật và Đức đã đồng ý cho Pháp trở lại Việt Nam để nắm quyền. Vì thế, chiến tranh lại bùng nổ giữa người Việt yêu nước được hướng dẫn bởi Mặt Trận Việt Minh và những người Việt, nạn nhân của chính sách Cộng Sản đang liên minh với Pháp để tìm một thế đứng tự trị dưới sự bảo hộ của Pháp.

Năm 1954, khi quân đội Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, trong cuộc hòa đàm tại Geneve, Việt Nam bị chia đôi thành hai nước: Miền Nam thân Tây Phương và Miền Bắc do đảng Cộng Sản cầm quyền. Theo quyết định của cuộc hòa đàm 1954, hai miền Bắc Nam của Việt Nam sẽ thống nhất lại sau cuộc Tổng Tuyển Cử tự do hai năm sau đó. Nhưng người Hoa Kỳ rất sợ là Tổng Tuyển Cử sẽ đưa Miền Bắc lên cai trị trên toàn cõi Việt Nam từ Nam ra Bắc nên họ đã làm mọi cách để cuộc bầu cử ấy không bao giờ xảy ra. Và từ đó, quần chúng đều thấy rõ chỉ có thế lực Hoa Kỳ mới nắm vững và chống đỡ nổi cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa về ngoại giao, kinh tế và ngay cả quân sự.

anlac3_922451699

Mục sư Martin Luther King Jr. và Thiền sư Thích Nhất Hạnh ký tên đầu tiên trong Tuyên Ngôn Lương Tâm Quốc Tế (International Conscience on Vietnam) về Việt Nam. Mục sư King đã đề cử giải Nobel Hòa Bình cho Thiến sư Nhất Hạnh.

 

anlac4_438079769

Đây là sáu thành viên đầu của Dòng Tu Tiếp Hiện. Sư cô Chân Không đứng bên trái. Người thứ ba là Nhất Chi Mai - người đã tự thiêu để kêu gọi Hòa Bình.


anlac5_290723519

Thầy và sư cô Chân Không

Người Phật tử Việt Nam nào cũng mong mỏi một mặt trận liên minh ủng hộ một Miền Việt Nam dân chủ và độc lập. Thầy Nhất Hạnh là chủ bút một tập san khuyến khích toàn dân đi vế hướng quốc gia và nhân bản (tờ Phật Giáo Việt Nam bán nguyệt san). Cùng lúc ấy, thầy cũng viết trên một nhật báo (nhật báo Dân Chủ của Ông Vũ Ngọc Cát) mỗi ngày một bài bình luận có tính cách hướng dẫn người Phật tử và toàn dân nên đi về hướng nhân bản hoà giải. Đồng thời, Thầy cũng bắt đầu khởi xướng một tập san cho tăng ni sinh trẻ (Sen Hái Đầu Mùa) để hướng dẫn cách sống dấn thân làm mới đạo Bụt. Những cố gắng này cũng không qua mặt được những thành phần bảo thủ của Phật Giáo, những vị ấy đã tìm nhiều cách gây khó khăn cho đường hướng này. Đáng kể nhất là tờ bán nguyệt san Phật Giáo Việt Nam, tiếng nói của Tổng Hội Phật Giáo gồm ba Miền đất nước do thầy làm Chủ Bút đã bị các tôn túc thuộc phe bảo thủ cho đình chỉ.

Thầy đành rút lui về xây dựng Phương Bối Am ở trong Rừng Đại Lào tỉnh Lâm Đồng. Quyển Nẻo Về Của Ý được thầy phác họa rất thi vị và diễm tuyệt về nếp sống ở Phương Bối Am. Những buổi sáng tinh sương trinh nguyên như một tờ giấy trắng, với vài nét chấm phá quanh bờ rừng và những buổi chiều khi màn đêm xuống dần như chiếc màn dày đặc và huyền bí. Trong những ngày sống ở Phương Bối, thầy vẫn tiếp tục viết về Đạo Bụt dấn thân chia sẻ những tuệ giác của thầy về cách làm mới đạo Bụt. Thầy vẫn thỉnh thoảng rời Phương Bối Am để đi dạy ở những thành phố lớn ở Việt Nam. Một trong những chuyến đi dạy, người gặp được một số sinh viên trong đó có cô Cao Ngọc Phượng đang học về Sinh Vật Học nhưng rất dấn thân trong những công tác giúp trẻ em nghèo đường phố. Sau đó cô và các bạn của cô trở thành “mười ba cây tùng” trong ngôi nhà Phật giáo mới mà thầy muốn xây dựng. Đó là nhóm người trẻ rất hăng say trong việc theo học với thầy và tìm cách để thực hiện những hoài bão làm mới đạo Bụt của thầy bằng nhiều cách khác nhau. Trong khi đó, thầy vẫn tiếp tục bị khó khăn với cấp lãnh đạo truyền thống xưa. Họ khá lo ngại không hiểu vì sao cái ông thầy tu này lại cuốn hút quá nhiều sinh viên trẻ đến chùa chỉ để được học với thầy thôi. Trong khi đó, tại các lớp khác không có bao nhiêu người chịu học. Vì thế họ ra lệnh không cho phép các lớp học dành cho sinh viên do thầy hướng dẫn tại chùa (Xá Lợi) được tiếp tục !

Chính quyền Miền Nam thời đó cũng không dễ thương gì lắm với thầy. Và một thành viên trong Phương Bối Am bị bắt nên thầy phải về Sài Gòn và chính quyền buộc dời Am Phương Bối vào Ấp Chiến Lược (một chính sách của thời Ông Ngô Đình Diệm). Chán ngán về sự thúc đẩy của tình thế nên thầy nhận một học bổng thân hữu để đi Hoa Kỳ nghiên cứu về Tôn giáo Tỷ Giáo tại đại học Princeton. Nhật ký của thầy từ năm 1962 đã diễn tả về Princeton cũng thi vị diễm tuyệt như đã tả về Phương Bối Am: “Trời mát lạnh se se trong mùa này. Một cơn gió thoảng nhẹ lướt qua là lá lại lìa cành chạm nhẹ trên bờ vai ta. Chiếc thì vàng, chiếc thì đỏ như môi son bé thơ”. Tuy Princeton đẹp như thế nhưng thầy vẫn nhớ nhà, vẫn có cái cảm xúc ai oán của sự xa rời cộng đồng tu tập ngày xưa của mình. Princeton đẹp thật! thầy đã viết: “nhưng Princeton không có cái đẹp của Phương Bối. Không có sương mù bao quanh núi khiến ta có cảm tưởng như ta đang đứng trên bờ biển mênh mông. Princeton không thuần hòa đáng yêu như Phương Bối.”

anlac6_467464124

Thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn một cuộc thiền hành đi cho hoà bình tại Los Angeles 2006. Thầy được xem như là người sáng lập ra Phật Giáo Dấn Thân. Hình của Don Farber.

Tuy nhiên, Thầy cũng đã viết “Chúng ta sẽ không bao giờ mất Phương Bối thực sự đâu. Phương Bối đã trở thành một thực tại linh thiêng trong tâm ta rồi”. Tìm ra nơi trở về đích thực của mỗi người là khả năng mà Thiền Sư Nhất Hạnh tiếp tục khai triển và khuyến khích mọi người nên luyện từ nhiều năm nay. Giờ đây sự thực tập đó đã trở thành thiền ngữ để tu tập “tôi đã về, tôi đã tới!”. Thầy đã viết trong quyển sách “tôi đã tới, tới cõi Tịnh Độ, tới một nơi an toàn thật sự, nơi mà tôi nếm được thiên đàng của tuổi thơ và rất nhiều mầu nhiệm của sự sống. Tôi không còn phải lo lắng về hiện hữu hay không hiện hữu, đến hay đi, sinh hay tử. Trong ngôi nhà chân thật này, tôi không còn sợ hãi, không lo âu. Tôi có bình an, có giải thoát. Ngôi nhà chân thật của tôi là bây giờ ở đây.”

Năm 1962, trong nhật ký, thầy ghi ra những phương cách thiền quán hướng về nội tâm sau khi thực chứng một cách thâm sâu về không như một loé sáng tuệ giác xuất hiện bất chợt từ một nguyên nhân không chờ đợi – quyển sách cũ trong thư viện Đại Học Columbia. Sau khi làm xong công trình nghiên cứu Tôn Giáo Tỷ Giáo tại Đại Học Princeton, thầy được mời làm giảng sư cho Đại Học Columbia về Đạo Bụt. Từ đó, thầy dời về thành phố New York. Thầy được chia một căn phòng trong chung cư với một sinh viên Hoa Kỳ đang làm luận án. Anh này được thầy dạy nấu đồ chay để cùng ăn với thầy. Và anh cũng được thầy dạy cho vài ba câu tiếng Việt.

Mùa thu năm 1962, trong khi thầy rút từ kệ sách ở thư viện Butler ra một quyển sách được in năm 1892, cuốn sách cũng được tặng cho thư viện cùng năm ấy. Nhìn mảnh giấy nhỏ ghi tên những người mượn sách, thầy thấy quyển này chỉ có hai người mượn. Một lần mượn vào năm 1915 và một lần năm 1932. Bỗng dưng thầy thấy nhu yếu muốn gặp hai người kia của năm 1915 và 1932. Lúc ấy, cái quyết định làm người thứ ba mượn sách để đọc chợt tan biến. Đột nhiên, thầy thấy hai người kia đang tan biến đi và chính thầy cũng đang nhanh chóng tan loãng ra như thế. Thầy tự hỏi: thầy là ai ở bên dưới những cảm xúc này? Thầy đã là gì đâu? Và bỗng dưng thoáng loé lên trong thầy một cảm nhận bình an, nhẹ nhàng và thâm sâu. Sau đó, thầy đã ghi trong nhật ký: “Anh có thể đánh tôi, liệng đá hoặc giả giết tôi đi, tất cả những gì được gọi là “tôi” sẽ tan biến. Và những cái gì có mặt nơi đó, lúc ấy sẽ tự nó biểu hiện - tan ra như sương khói, loãng như hư không, thế nhưng đó không phải là khói, cũng không phải không khói, không xấu, không không xấu, không đẹp, không không đẹp... Như con châu chấu, tôi nhẹ nhàng bao la nhưng không thấy cần có tư duy về thánh thiện...” Theo thầy Nhất Hạnh, thầy đi tu ở Việt Nam, đã dạy nhiều thế hệ học tăng, học ni và cư sĩ ở Việt Nam nhưng chính ở Tây Phương, thầy mới thấy đạo và chứng đạo.

Trong khi ấy, trên quê hương thầy tình trạng ngày càng xấu thêm. Tháng tư năm 1963, trong ngày Đản sinh của Bụt, Tổng Thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng Hòa, người theo đạo Thiên Chúa, đã cấm treo cờ Phật giáo. Quần chúng biểu tình, nhiều người chết, hàng ngàn người bị bắt và tra tấn. Tháng 6 năm 1963, một vị Hòa Thượng Phật Giáo đã tự thiêu tại một nơi công cộng để kêu gọi chính quyền ngưng sự đàn áp. Thế giới giật mình, rồi sau đó nhiều sự tự thiêu khác lại xảy ra tiếp theo để phản đối sự đàn áp. Ở Hoa Kỳ, thầy Nhất Hạnh rất lo âu. Những giấc mơ kỳ lạ cứ liên tiếp xuất hiện làm thầy trăn trở rất nhiều. Trong giấc mơ, thầy thấy như mình vì muốn tránh làm tổn thương ai bỗng cảm nghe cơ thể mình như gãy ra làm đôi giống như hai mảnh sành. Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1963, thầy gặp ký giả các nhật báo, các tuần báo, các đài truyền thanh, truyền hình, thầy liên tiếp xuất hiện trên các đài truyền hình, để ủng hộ phong trào tranh đấu cho hoà bình và tự do ở nước nhà. Thầy cũng đã nhịn ăn năm ngày để cầu nguyện cho Việt Nam. Thầy đã dịch ra tiếng Anh rất nhiều thư kêu oan của hàng trăm nhân chứng đã bị chính quyền Diệm đàn áp, tra tấn và giết chóc và đóng thành một tập tài liệu để nộp cho Liên Hiệp Quốc. Cuối cùng, Liên Hiệp Quốc đã gửi một phái đoàn tới VN để điều tra. Tháng 11 năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, ông Ngô đình Diệm bị quân cách mạng bắn chết trong dịp ấy. Thầy Nhất Hạnh nhận được một điện tín của một vị trưởng thượng trong Giáo Hội Phật Giáo, vốn rất thủ cựu. Ngày xưa, vị này luôn tìm cách dẹp hết những tư duy mới, những đề nghị cải tổ Phật Giáo của thầy. Vậy mà hôm nay, chính vị ấy lại đánh điện mời thầy về VN gấp để giúp tổ chức lại ngôi nhà Phật giáo. Thầy đã khá cảm động và suy tư rất nhiều. Thầy nói với một người đệ tử thân tín (chị Cao Ngọc Phượng mà sau này là Sư Cô Chân Không) rằng đây quả thật là sự mầu nhiệm của vô thường. Cũng chính vị đó chống đối thầy và giờ thì cũng chính vị đó lại mời thầy về gấp.

Ngày 16 tháng 12 năm 1963, thầy Nhất Hạnh bay về Việt Nam. Sau khi tìm hiểu về tình hình Việt Nam với tăng thân đông đảo của thầy tại đây, ba tuần sau thầy nộp lên Hội Đồng Lãnh Đạo Giáo Hội Phật Giáo Viêt Nam Thống nhất ba điểm đề nghị. Thứ nhất là xin Giáo Hội kêu gọi ngưng chiến tức khắc giữa anh em người Việt với nhau Nam và Bắc (lúc này chưa có quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam)

anlac7_883351626

Hái mận (mai) với thiền sinh tại Làng Mai miền nam nước Pháp

anlac8_703313105

Thiền đường Thái Bình Dương ở Tu Viện Lộc Uyền, California. Hình của david nelson

Thứ hai là thành lập ngay một Viện Cao Đẳng Phật Học Ứng Dụng để đưa tới Viện Đại Học. Mục đích là để hướng dẫn cấp lãnh đạo Việt Nam được thấm nhuần tinh thần bao dung của đạo Phật đã áp dụng thật thành công trong lịch sử VN từ xưa. Thứ ba là thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, trung tâm đào tạo những người đi làm công tác xã hội để lo cho hạ tầng cơ sở, giúp đỡ tầng lớp nghèo khó, chuyển hóa bất công xã hội bằng tinh thần tình thương, trách nhiệm và tự nguyện.

Nhưng Viện Hóa Đạo chỉ chấp nhận ủng hộ Viện Cao Đẳng Phật Học và sau này trở nên Đại Học Vạn Hạnh. Đối với hai điểm kia, các vị trưởng thượng cho rằng quá lý tưởng, không sát thực tế. Đó chỉ là giấc mộng của thi sĩ thôi. Tuy nhiên, thầy Nhất Hạnh đã rất kiên cường. Dù không có sự đồng thuận của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thầy vẫn bắt đầu gửi người về hai thôn làng làm thí điểm giúp dân quê, bắt đầu cuộc cách mạng xã hội ngay. Dân quê được góp ý, tự đứng lên mở lớp học, lo y tế, vệ sinh công cộng, phát triển thêm kinh tế cho từng gia đình với sự góp sức của các tình nguyện viên đệ tử của thầy. Những người trẻ trong làng được huấn luyện để có thể tự mình học cách canh tác chăn nuôi hay trồng trọt, biết tự làm hố tiêu vệ sinh để làm mới vệ sinh cộng đồng. Khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) thấy sự thành công của thầy, quý vị mới bắt đầu làm hậu thuẫn cho chương trình đó. Đó là điểm đề nghị thứ hai - cách mạng hạ tầng cơ sở giúp đỡ dân quê, đa số quá nghèo bằng sự hiểu biết, trách nhiệm và tự nguyện. Quý vị ủng hộ bằng cách cho phép nhân danh Giáo Hội kêu gọi mọi người đóng góp tài chính. Và cho TNPSXH là một chi nhánh của Đại Học Vạn Hạnh.

Tháng 9. 1965, Thầy chính thức báo tin được Giáo Hội chấp nhận thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TNPSXH) như một phân ban của Viện Đại Học Vạn Hạnh. Toàn dân hưởng ứng thật nồng nhiệt, hơn một nghìn người trẻ ghi tên để thi tuyển vào trường TNPSXH. Trường chỉ có 300 chỗ. Nhưng đến năm 1966, khi thầy Nhất Hạnh lên tiếng kêu gọi Hòa Bình, Viện Đại Học Vạn Hạnh đã tuyên bố là bắt đầu từ năm nay, trường TNPSXH không còn là Phân Ban của Viện nữa, bởi vì lời kêu gọi hòa bình của thầy Nhất Hạnh là thân cộng sản. Tuy không còn chỗ đứng chính thức, hợp pháp trong Đại Học Vạn Hạnh hay trong Giáo Hội PGVN thống nhất trong chín năm liên tiếp, trường TNPSXH vẫn phụng sự vững vàng biết bao nhiêu chương trình giúp những người khốn khổ, xây dựng lại những thôn làng (như Trà Lộc, Quảng Trị) đã bị oanh tạc đến lần thứ tư mà vẫn tiếp tục xây dựng lại để nuôi dưỡng niềm tin nơi những người đã bị chiến tranh lấy đi tất cả. Vì phải đi công tác giúp đồng bào ở vùng sâu vùng xa, nhiều tác viên xã hội đã mất mạng vì bị bắt cóc rồi bị thủ tiêu. Những người lạ mặt đã quăng lựu đạn vào những đoàn đang công tác, nhiều người chết, nhiều người bị thương...

Tháng 2 năm 1966, thầy Nhầt Hạnh truyền 14 giới bồ tát Tiếp Hiện cho 6 người lãnh đạo trong Ban Điều Hành TNPSXH. Những giới luật mới do thầy Nhất Hạnh viết ra lấy từ những lời dạy thâm sâu nhất của các kinh Bụt dạy. Người cư sĩ hay xuất sĩ (xuất gia) đều có thể thọ nhận giới này, miễn là họ thực hành đúng giới luật tuyên đọc để tiếp tục nuôi dưỡng tâm bồ đề trên đường phụng sự. Điều kiện để được thọ giới Tiếp Hiện là giới tử phải hứa giữ 60 ngày chánh niệm trong một năm (mỗi tuần một ngày và mỗi năm một khóa tu 8 ngày với tăng thân). Những giới chánh niệm này do Thầy Nhất Hạnh rút từ những kinh thâm sâu nhất rồi cô đọng lại như một loại giới tướng mới có ý thay thế, hay ít nhất là bổ túc mấy trăm giới mà các tu sĩ Phật Giáo đang theo từ hàng ngàn năm nay. Giới này không có nghĩa là nhét thêm lý thuyết đạo Bụt mà là để giúp người giữ giới đi thẳng vào trái tim của những điều Bụt dạy.

Ba giới đầu nhằm dạy ta luyện cách vượt thoát cái thấy kỳ thị giữa người với người, vượt thoát cái thấy cuồng tín và thần tượng hóa, cho rằng tôn giáo của mình là hay nhất. Giới thứ tư khuyên mọi người không những quán sát khổ đau mà còn phải tập cách tích cực làm vơi bớt khổ đau. Giới thứ năm nhằm về cách tiêu thụ - tập sống đơn giản và tránh dùng những chất độc hại cho thân và tâm. Giới thứ sáu tìm cách hóa giải những cơn giận cá nhân bằng cách phóng cái nhìn xa hơn vào tập thể để thấy hậu quả của nó ảnh hưởng khá xa lên xã hội. Giới thứ bảy được xem như quan trọng nhất vì nhấn mạnh cái thiết yếu của thực tập chánh niệm, giữ nếp sống sâu sắc trong phút giây hiện tại. Giới thứ tám và thứ chín dạy cách tập nói lời ái ngữ.

Và năm giới sau cùng nhấn mạnh về việc giữ gìn thân trong chánh niệm, như là nhắc ta đừng giết chóc, tôn trọng sự sống (giới 12), đừng hành động dữ dằn, bạo động hoặc đừng phạm vào những hành động dâm dục sai trái * (về phương diện dâm dục trong giới thứ 14 thì có hai phần khác nhau, bên cư sĩ nhắc nhở chỉ ăn nằm với những người mình cam kết sống trọn đời, bên xuất sĩ thì nói rõ ràng là phải sống đời phạm hạnh, rằng hành động dâm dục sẽ tàn phá cuộc đời xuất gia của mình).

Sự trao truyền 14 giới Tiếp Hiện được chuẩn bị rất trang trọng. Mỗi giới tử được trao một chiếc đèn mà chụp đèn làm bằng giấy lụa, trên ấy thầy viết bút pháp từng câu như là Đèn Trăng Tròn, Đèn Trí Tuệ v.v... Sáu vị giới tử Tiếp Hiện đầu tiên, có ba chị chọn giữ 14 giới Tiếp Hiện xuất sĩ trong đó có chị Cao Ngọc Phượng và bây giờ là Sư Cô Chân Không vì các chị có thọ thêm giới tướng khất sĩ truyền thống. Còn ba anh thì chỉ giữ 14 giới Tiếp Hiện cư sĩ. Sau đó ba anh đều có gia đình. Sau khi truyền giới cho 6 người đầu tiên, vì Thầy phải đi kêu gọi hòa bình và bị lưu đày nên sự truyền 14 giới Tiếp Hiện bị gián đoạn cho tới năm 1981. Nhưng tính đến hôm nay thì đã có hơn một nghìn anh chị Tiếp Hiện thuộc chúng Chủ Trì, thuộc nhiều quốc gia.

Tháng 05 năm 1966, Thầy Thích Nhất Hạnh rời Việt Nam. Theo dự đoán, thầy chỉ đi vài tuần theo lời mời của Viện Đại Học Cornell ở Nữu Ước và đi thêm vài tuần nửa để thốt lên tiếng nói tha thiết của người dân chạy dưới bom đạn mà không theo Cộng Sản hay theo thành phần chống Cộng. Không ngờ thầy bị lưu đày từ đó, và mãi gần 40 năm sau thầy mới được về lại đất nước. Trong chuyến này, thầy đã gặp những nhân vật xuất sắc như Linh Mục Thomas Merton, Thượng Nghị Sĩ William Fullbright, Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Mac Namara và nhất là Mục Sư Martin Luther King Jr. Sau đó, ông này đã đề nghị trao giải Nobel Hòa Bình cho thầy. Nhưng ngày 01 tháng 06 năm 1966 khi thầy họp báo đề nghị điểm đưa tới hòa bình cho Việt Nam thì chính quyền Miền Nam tuyên bố thầy phản quốc. Thầy đề nghị quân đội Hoa Kỳ ngưng oanh tạc Việt Nam và giúp xây dựng lại những thôn làng bị tàn phá bởi bom đạn mà không phân biệt bên này hay bên kia, sự cứu trợ phải hoàn toàn vượt ra khỏi những chủ nghĩa và lý thuyết chính trị. Thầy cũng đề nghị nhiều điểm khác làm rõ hơn ý muốn của thầy là giúp đỡ cả hai bên xây dựng lại những gì chiến tranh đã tàn phá và tìm một giải pháp hợp tình hợp lý cho toàn dân. Nhưng vì lẽ đó mà cả hai phe lâm chiến đều xem thầy như thù nghịch vì không theo lập trường của họ.
 

Chánh quyền Cộng Sản lo sợ không hiểu vì sao lại có nhiều người đi tu như thế, nhất là giới trẻ, giới có học thức cao

Sau khi đi một vòng mấy mươi nước để kêu gọi chấm dứt chiến tranh, Thầy rút về Pháp, mướn một nơi gần Paris để có thể có mặt trong thành phố mà các cường quốc đang hòa đàm về Việt Nam. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) đã đề cử Thầy làm Chủ Tịch Phái Đoàn Hòa Bình của Giáo Hội PGVNTN. Phái đoàn này có bổn phận thông báo cho dư luận thế giới biết những gì đang xảy ra tại Việt Nam để cuộc hòa đàm đừng đi quá xa với thực tại khổ đau của người dân. Phái đoàn cũng kêu gọi giúp đỡ nạn nhân trong chiến tranh và nhất là tìm người bảo trợ cho trẻ em mất cha mẹ vì chiến tranh. Đây là những công tác thật quan trọng nhưng cũng là thách thức cho thầy. Đang ở môi trường Việt Nam với hàng triệu đồng bào, hàng ngàn cộng tác viên thân thương cùng phụng sự lý tưởng, thầy bỗng bị đẩy ra rơi trong xã hội tây phương như một tế bào bị tách ra khỏi cơ thể, như một con ong bị tách khỏi đàn ong. Dù hiểm nguy thầy vẫn mong quay về Việt Nam để cùng đi chung với tăng thân của thầy. Từ năm 1972 thầy đã nhờ một số bạn bè nổi tiếng ở Tây Phương vận động cho thầy được về nước nhưng không có kết quả và sau khi chính quyền Miền Bắc lên chiếm cứ Miền Nam năm 1975, thầy vẫn bị chính quyền mới từ chối không cho về lại quê hương. Năm 1976, thầy Nhất Hạnh tham dự Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới (World Conference on Religions and Peace) họp tại Singapour và trong khi thầy đang ở đại hội thì có một nhóm phụ nữ Việt Nam sinh sống ở đây tới báo cáo cho thầy biết là đang có hàng trăm ngàn thuyền nhân sống cơ cực rãi rác khá nhiều trong các trại tị nạn dọc theo bờ biển các nước Đông Nam Á. Họ sống khổ cực mà không thấy tương lai vì số người được cho phép định cư ở các nước Tây Phương quá ít, bởi lẽ con số di trú thẩm định (quotas) của các nước quá thấp. Những người tị nạn này là thuyền nhân bị bầm dập khá nhiều, đã trốn đi khỏi nước Việt Nam bằng những chiếc thuyền mong manh thật nguy hiểm, họ đã bị nhét như những con cá hộp. Sư cô Đẳng Nghiêm, thành phần xuất gia của những người nhận 14 giới Tiếp Hiện, gốc Việt, đã nói như thế. Sư cô nói những người này sống không nổi dưới chế độ Cộng Sản nên phải liều mình trốn đi trên những chuyến đi rất nguy hiểm. Nếu họ bị chính quyền Việt Nam bắt gặp thì sẽ bị rượt theo, nếu bị bắt thì sẽ bị tù hoặc bị bắn chết.

Hải tặc lại là một hiểm nguy khác. Khi gặp hải tặc thì thuyền nhân bị cướp và bị hãm hiếp. Có khi họ gặp nhiều nhóm hải tặc trong một ngày, vì vậy khó mà tới bờ được. Nhưng nếu thuyền nhân tới được bờ rồi thì Cảnh Sát dọc theo bờ biển cũng đã được lệnh đưa họ ra biển trở lại, không cho ghé thuyền vào nước mình, đẩy họ quay về với sự hiểm nguy biển cả. Có lần một thiếu phụ VN ở Singapour đã tới cho thầy biết là hiện tại có 9 người thuyền nhân VN mới vừa ghé bến Singapore và sắp bị đuổi, thầy có đến thăm họ không? Sau khi chứng kiến cảnh đau lòng của thuyền nhân, thầy bắt đầu làm việc giúp họ ngay. Đêm ấy, thầy thức suốt đêm để thiền quán. Và thầy đã viết ra một bài thơ thật cảm động. Ngày hôm sau cả Hội ĐồngTôn Giáo Thế Giới và Hòa Bình đã rúng động vì bài thơ ấy và đề cử thầy đứng ra lo cho chương trình cứu trợ này.

Thầy và các bạn của thầy quyên tiền và cấp bách mướn ngay hai chiếc tàu, một chiếc tàu chở hàng tên là Roland và một chiếc tàu chở dầu tên là Leapdal. Chỉ trong vòng vài tuần, đoàn cứu trợ của thầy đã vớt được gần 600 thuyền nhân. Kế hoạch là sẽ đưa thuyền nhân đi Guam (lãnh thổ Hoa Kỳ) và đi một nơi gần nhất của Úc châu và kêu gọi chính quyền hai nước này giúp đỡ họ. Nếu nhà nước hai nước đó không giúp thì Thầy và tăng thân của thầy sẽ mời báo chí Hoa Kỳ và Úc châu lên tiếng kêu gọi. Khi nghe tin này (dù là chuyền miệng) có nhiều thuyền nhân đã tới được các trại tị nạn ở Mã Lai hay Thái Lan rồi nhưng vì ở đây đã hơn một năm mà không thấy có tương lai được định cư bất cứ nơi nào nên họ đã tự tìm mọi cách rời trại tị nạn để lên tàu Leapdal hay Roland. Điều này khiền Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc nổi cơn thịnh nộ. Khi chương trình chưa đủ ba tháng, Thầy bị mời chấm dứt chương trình giúp thuyền nhân. Sư Cô Đẳng Nghiêm nói: Tuy bị buộc ngưng chương trình nhưng không vì thế mà thầy ngưng giúp đồng bào thuyền nhân về tâm linh và tình cảm. Hãy gọi đúng tên tôi là bài thơ thật cảm động và được nhiều người rất thích, vượt hơn cả những bài thơ khác của thầy. Thầy viết bài thơ này năm 1978 khi thuyền nhân khổ đau nhất vì hải tặc. Trong này có những câu như là :

Tôi là em bé 12 bị làm nhục đã trầm mình dưới biển

mà tôi cũng là người hải tặc chưa hề biết cảm biết thương.

Tôi là một đảng viên nắm quyền sinh sát trong tay

nhưng tôi cũng là người bị học tập ở trại giam

khổ đau cùng tận.

Và thầy kết luận :

Hãy gọi đúng tên tôi

Cho tôi giật mình tỉnh thức

và để cho cánh cửa lòng tôi mở ngỏ,

cánh cửa xót thương.

Lòng từ bi thật lớn đã biểu hiện qua bài thơ này. Bài thơ đã chữa lành được cho rất nhiều cựu thuyền nhân dù nhiều năm qua vẫn còn khổ đau. Họ viết cho thầy báo cáo rằng khi đọc bài thơ này họ đã ôm được niềm đau cũ, chấp nhận và chuyển hóa chúng và mở lòng ra được với những người khác.


Thầy Thích Nhất Hạnh cũng đào tạo từ từ một số lớn giáo thọ cư sĩ

Tháng 07 năm 1971, thầy và học trò của thầy phần đông là người Việt, bắt đầu tìm một ngôi nhà cũ hoang phế bán rẻ ở vùng rừng Othe, nằm phía Tây Nam Paris. Phái Đoàn Hòa Bình vẫn làm việc rất chuyên cần và hết lòng ở Văn Phòng Paris, nhưng cuối tuần họ thường rút lui về nơi đó để xây cất sơn sửa và xây lại từng căn phòng. Nhờ vậy mà có được một nơi an tĩnh để tu tập cuối tuần thường gọi là Am Khoai Lang Ngọt (Les Patates Douces hay Sweet Potatoes) hay Phương Vân Am. Năm 1975, thầy cùng khoảng 11 đệ tử trong Phái Đoàn Hòa Bình rút lui về chiếc Am bình an này nằm giữa núi rừng đông nam nước Pháp, đẹp đẽ và an lành để tự chữa những thương tích của cuộc chiến và giúp chữa những thương tích trong tâm hồn những người Việt bị lưu đày.

Năm 1982, Am Phương Vân trở nên quá nhỏ cho số người muốn đến tu học để chữa lành những vết thương lòng qua một tuần lễ tĩnh tu. Vì thế tăng thân đã mua được hai nông trại với những ngôi nhà đá điêu tàn, một ở tỉnh Lot & Garonne (gọi là Xóm Hạ Làng Mai) và một ở tỉnh Dordogne (gọi là Xóm Thượng Làng Mai).

Tăng thân Làng Mai có khá nhiều việc để làm, sửa nhà chứa rơm thành Thiền Đường, chuồng lừa làm Trà thất và nhất là đã trồng được 1250 cây mận rất ngon ngọt, loại mận đặc biệt chỉ trồng được ở vùng này. Đây là nguồn kinh tế có thể giúp cho trẻ em thiếu ăn ở các nước nghèo đói. Từ năm 1990 các cây mai (mận) đã bắt đầu cho trái và mùa mận năm 1992 Làng gặt được hơn sáu tấn mận.

Song song với việc trồng mận giúp trẻ em đói, cộng đồng tu học này tăng trưởng khá nhanh. Mùa Hè năm 1983 có 117 người về tu học trọn tháng. Nhưng đến năm 2000, số người đến tu học lên đến 1 800 người.

anlac9_625821583

Thiền hành tại chùa Từ Hiếu 

anlac10_368008159

Thiền hành tại Bát Nhã

Làng Mai ngày nay chia làm năm xóm khác nhau, nhưng vẫn còn đơn sơ và thanh bạch lắm. Trong quyền sách “Đã về, đã tới” : Ăn mừng 25 năm Làng Mai, thầy Nhất Hạnh giải thích: “Tôi không bao giờ có ý muốn xây dựng một tu viện sang trọng diễm lệ nơi đây. Khi tôi bán được sách, có được khá nhiều tiền bản quyền, tôi chỉ muốn dùng tiền đó để giúp trẻ em thiếu ăn hay cho những nạn nhân thiên tai bão lụt tại Việt Nam. Nhiều người trong chúng tôi vẫn còn ngủ trong túi ngủ ngay trên sàng phòng như sư cô Chân Không. Hồi mới thành lập Làng Mai, chúng tôi thường ngủ trên những chiếc giường làm bằng một lớp nệm mousse mỏng đặt lên phiến gỗ gác lên trên bốn viên gạch. Sống đơn giản, thanh bần như thế nhưng vẫn không làm cho chúng tôi bớt hạnh phúc”.

Năm 2000 Thiền Sư Nhất Hạnh xây dựng tu viện đầu tiên ở Hoa Kỳ: Tu Viện Lộc Uyển. Tu viện được xây dựng trên một lô nhiều dãy nhà xưa cũ. Ngôi nhà có một tiểu sử khá đặc biệt: Trước đây nó là trung tâm của những người lõa thể, sau đó trở thành trung tâm cai nghiện, kế đó là nhà tù dành cho hơn 300 tù nhân, rồi trở thành trường tập bắn cho những Công An Cảnh Sát đến tập bắn thiện xạ (bắn tỉa). Khi các đệ tử của thầy đến mua cơ sở này, nó chỉ là những dãy nhà tồi tàn, đổ nát và đầy những vỏ đạn trên nền đất, nhưng bao quanh đó là chập chùng những rừng hoa đinh hương và rừng cây sage ngát hương.

Trong quyển sách Tình Thương Chân thật (La Force de l’Amour), sư cô Chân Không đã viết: “Tôi biết là chúng tôi đủ sức biến những dãy nhà tồi tàn dơ dáy này thành nơi tĩnh tu thật đẹp như chúng tôi đã làm tại Làng Mai”. Và dĩ nhiên là sư cô nói đúng. Thiền sư Nhất Hạnh có hằng chục nghìn đệ tử cùng khắp thế giới. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ mà đã có hằng trăm nhóm tu học theo truyền thống của thầy. Năm 2007 thầy xây dựng thêm một trung tâm tu học nữa - Tu Viện Bích Nham, trải dài trên thung lũng sông Hudson ở Nữu Ước. Và cứ mỗi hai năm thầy lại có những khóa tu tại Miền Tây và Miền Đông Hoa Kỳ thu hút hàng ngàn thiền sinh về ghi tên tu tập trọn năm sáu ngày chung với nhau.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 45 quyển sách bằng Anh văn, sách của thầy luôn nằm trong hàng sách loại đơn giản bán chạy nhất cho đến loại sách rất sâu sắc và uyên bác. Thầy đã có những khóa tu cho Công An Cảnh Sát, cho quản giáo, cho tù nhân và cho những chính trị gia như Nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ.

Thầy cũng hướng dẫn nhiều đoàn đi thiền hành cho hòa bình, đã đưa được người Do Thái đến với người Palestine để cùng ngồi thiền chung, làm việc chung. Người là nguồn hứng khởi cho cả phong trào Đạo Bụt Dấn Thân.

Ngày 11 tháng 1 năm 2005 thầy Thích Nhất Hạnh có cơ hội đặt lại những bước chân của thầy lên trên mảnh đất Việt Nam. Thầy được phép cùng đi chung với tăng thân của thầy (100 tu sĩ và 99 cư sĩ) nhiều nơi trên đất nước, liên lạc nhiều người quen cũ và đặc biệt là với giới trẻ. Sư cô Tùng Nghiêm, người Hoa Kỳ có dịp theo thầy đi Việt Nam đã nói “Hơn phân nửa dân số Việt Nam đã được sinh ra sau khi thầy rời nước. Vì thế thầy thiết lập lại liên hệ với cả hai thế hệ Việt Nam. Điều này thật quan trọng vì ngày nay ở Việt Nam người trẻ xem đạo Phật như là đạo của bà ngoại bà nội. Họ chỉ ưa ra thành phố chạy theo những văn minh vật chất của người Tây Phương. Thầy là một trong rất ít những ông thầy tu cuốn hút được giới trẻ đến tu tập, nhất là sẵn sàng đi xuất gia trở đệ tử của thầy” Rồi sư cô tiếp: “Chính quyền cũng sợ hãi thật khi thấy quá nhiều ngươì trẻ đi theo thầy, nhất là những người trẻ có học thức cao”.

Năm 2007, Thầy Thích Nhất Hạnh lại trở về quê hương lần thứ hai và lần này thầy chú tâm chữa lành những vết thương đau nhức nhất trong cuộc chiến bằng cách cầu nguyện cho tất cả những người chết trong cuộc thương đau dai dẳng này từ những chiến sĩ bên này hay bên kia, chết ngoài biển cả hay chết trong ngục tù những trại cải tạo. Ban đầu chính quyền rất lo lắng vì sợ mất an ninh những cuối cùng những lời cầu nguyện cho các thành phần dân tộc đều được xướng lên đầy đủ trong không khí thành tâm nguyện cầu mà trang nghiêm, thanh tịnh không hề gây cản trở an ninh nên mọi việc có vẻ tốt đẹp. Sư cô Tùng Nghiêm nói rằng trước khi rời Việt Nam thầy đã đề nghị Chủ tịch nước Việt Nam một số điểm trong đó có đề nghị cho phép những người mang hộ chiếu Tây phương nhưng gốc Việt Nam được về nước mà không cần xin thị thực trước, đề nghị lập tượng đài kỷ niệm thuyền nhân quá cố. Nhưng điểm then chốt là ba buổi Câu Siêu lớn cho toàn dân. Theo Thiền Sư sự thực tập cầu siêu tập thể rất cần thiết cho sự làm lành những vết thương nhức nhối của hằng triệu gia đình khổ đau bằng nhiều cách khác nhau.

Tháng tư năm 2008, thầy và tăng thân còn trở về Việt Nam thêm một lần nữa để tham dự và thuyết pháp trong ngày Phật Đản Quốc Tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức cho mấy chục nước Phật giáo. Sau lần đó, có những dấu hiệu cho biết là nhà nước Việt Nam không mong chào mừng thiền sư nữa.


Chuyện Bát Nhã

Trong chuyến đi Việt Nam năm 2005, thầy Trụ Trì chùa Bát Nhã ở Bảo Lộc nhiều lần xin cúng dường chùa Bát Nhã cho Thiền Sư để làm trung tâm đào tạo những người tu theo pháp môn Làng Mai. Thầy Nhất Hạnh bảo chỉ chấp nhận biến chùa này thành tu viện nếu thầy Trụ trì chùa Bát Nhã tiếp tục ở lại làm Trụ trì và Thiền Sư chỉ giúp bằng cách cho các đệ tử giáo thọ từ Làng Mai về hướng dẫn tu học thôi. Thầy Trụ trì cũ đồng ý ở lại làm trụ trì và đứng ra xin phép nhà nước cho ông tổ chức tu học tại đây theo pháp môn Làng Mai. Tăng thân của Thiền sư Nhất Hạnh khắp nước Việt Nam và trên thế giới đã gửi tiền về đóng góp xây dựng cơ sở vật chất tu viện và sáu người giáo thọ Làng Mai gốc Việt Nam nhưng có hộ chiếu Tây Phương đã được gửi về tu viện Bát Nhã để hướng dẫn các tu sinh đến thực tập các pháp môn Làng Mai khá thành công.

Chùa Bát Nhã ban đầu chỉ có một Chánh Điện nhỏ có thể chứa năm mươi người đến tụng kinh. Sư cô Đẳng Nghiêm đã từng ở Bát Nhã nhiều tháng để hướng dẫn các sư cô trẻ nói rằng “từ năm 2005 đến 2008, chúng tôi đã xây được năm cư xá lưu trú cho hàng trăm tu sinh. Và số lượng các vị muốn đến tu tập ngày thêm đông, một thiền đường rất rộng có thể chứa 3000 người tới nghe hay ngủ tạm ban đêm khi có khóa tu đông đảo đã được xây dựng. Chúng tôi cũng đã mua rất nhiều đất xung quanh tu viện. Và số đất xung quanh giờ đã hơn ba lần số đất cũ (dĩ nhiên là thầy trụ trì đứng tên mua dùm, chúng tôi vẫn còn giữ giấy xác nhận của thầy chỉ đứng tên dùm). Nhà nước không ngờ tu viện Bát Nhã đã phát triển nhanh chóng như thế và đáp ứng nguyện vọng của mọi người. Hàng ngàn người tới tu viện để tham dự ngày chánh niệm và trong vòng dưới 4 năm thầy Nhất Hạnh đã xuất gia cho hơn 500 người trẻ nam và nữ trong tu viện này.

anlac11_593559501

Khoảng giữa năm 2008, sự thành công thu hút quá đông người đến tu học. Giờ đây, nó trở thành một mối lo, một đe dọa cho chính quyền Việt Nam (nhất là khi Thầy có những tư tưởng quá cách mạng và không chịu tuân theo luật lệ tham nhũng chung !). Bắt đầu họ chỉ đề nghị những thầy cô đến từ Làng Mai, có quốc tịch Tây phương nên rời khỏi trung tâm này. Họ nghĩ rằng đuổi sáu vị giáo thọ quốc tịch Tây Phương về Mỹ hay về Làng thì số còn lại sẽ ngoan ngoãn theo sự điều khiển của họ. Sau khi đuổi xong các giáo thọ quốc tịch Tây phương, công an bắt đầu cấm không cho Phật tử cư sĩ đến tham dự ngày chánh niệm hàng tháng. Năm 2009, một cánh tay của chính quyền đã thuê côn đồ đến thảy phân lên trên các vị tu sĩ và treo những bản hiệu đề “Làng Mai đến đâu, gieo sầu đến đó”. Tháng 09 năm 2009, sự xua đuổi lên đến tột đỉnh. Khoảng 100 công an mặc thường phục đã xuất hiện chung với côn đồ và đánh bật hằng trăm quý thầy và quý sư cô ra khỏi cư xá họ đang ở bằng vũ lực. Sau khi kéo xềnh xệch từ tầng trên xuống cầu thang xi măng tận tầng dưới và vất từng thầy ra ngoài trời mưa gió, sau khi chửi bới không thành công, họ kéo vất từng thầy lên xe taxi, một số thầy cưỡng lại đã bị đánh đập, bị bóp vào chỗ kín để phải chịu thua và bị bắt đưa lên xe taxi. Có hai thầy lớn bị bắt đi và tải về tận quê của từng thầy cách Bát Nhã hơn 1000 cây số. Số còn lại bị bắt ngồi dưới mưa nếu không chịu rời Bát Nhã vì họ cấm trở vào cư xá để lấy vật dụng. Tuy bị đối xử bạo động như thế nhưng không một người trong số mấy trăm người trẻ đó phản ứng lại bằng bạo động. Họ chỉ niệm danh hiệu Bồ Tát và giữ sự bình tĩnh. Sau khi bị cưỡng bức đuổi ra khỏi tu viện, các tu sĩ ấy đã đến xin tạm trú ở một ngôi chùa gần đó nhất. Nhưng nhân viên nhà nước vẫn đến ép họ phải đi và ép thầy trụ trì ngôi chùa này phải đuổi họ đi cho bằng được. Theo sư cô Đẳng Nghiêm, dù cho họ có về nhà họ, hay ẩn trốn thành từng nhóm nhỏ hoặc đến xin tạm trú trong một chùa khác thì họ vẫn bị cảnh sát đuổi xua. Gấn đây, các trung tâm tu học của thầy ở Pháp và ở Hoa Kỳ có tìm cách đưa các tu sinh này sang tiếp tục tu học ở Pháp hay ở Hoa Kỳ nhưng thủ tục khá rườm rà và lâu lắc và chưa có gì chắc chắn cả.

Sau khi nghe tin các môn đệ của người bị đuổi ra khỏi tu viện, Thầy Thích Nhất Hạnh đi thiền hành rất nhiều lần và rất lâu. Sư cô Đẳng Nghiêm thuật cho chúng tôi nghe là: nhiều khi chúng tôi ra thăm thầy và có dịp ngồi trong cái thất nhỏ của thầy. Thầy trò ngồi nhìn ra ngoài, gió thổi rất mạnh, các cành cây oằn oại trong gió lớn, Thầy đã nói: “đất trời cũng đang đau niềm đớn đau của các anh chị em của con bên kia trời đó”. Sư Cô nói tiếp “chúng tôi là những con người rất lý tưởng và cũng rất lạc quan. Chúng tôi thế nào cũng có một trung tâm Bát Nhã khác, tuy không y hệt như Bát Nhã nhưng có thể sẽ là với hình thái mới.” Sư cô lại cười “và chúng tôi sẽ xây 400 Bát Nhã”.

Mùa Hè 2009, trong một khóa tu ở ngoại ô thành phố Boston, căn bệnh nhiễm độc đường phổi trong thầy bị lan rộng ra nhanh chóng. Ban đầu ai cũng tưởng thầy vẫn có thể tiếp tục đi dạy ở khóa tu kế tiếp tại Colorado. Nhưng bác sĩ đề nghị thầy phải nhập viện gấp và trị bằng trụ sinh đưa thuốc mạnh thẳng vào phổi. Nhờ cách trị này, thầy đã được phục hồi sức khỏe và nhanh chóng trở về tiếp tục hướng dẫn các khóa tu liên tục như chưa hề có chuyện bệnh hoạn nào xảy ra cho ông thầy tu 83 tuổi này cả. Nay thì thầy tiếp tục chương trình dạy dỗ rất sít sao như chưa hề bao giờ bệnh! Sư cô Tùng Nghiêm nói: “Thầy trên đường tiến lên liên tục, đủ mọi mặt. Với tuổi 83, tuy lúc nào cũng nhẹ nhàng thảnh thơi nhưng thầy làm việc quá nhiều khiến cho chúng tôi, phân nửa tuổi của thầy hay một phần tư tuổi của thầy, vẫn theo không kịp, chạy theo sau chỉ kịp ngửi thấy bụi mà thôi ! Những ngày gần đây thầy viết rất nhiều, nhất là dạy dỗ học trò hành xử cho xứng đáng với tình hình Bát Nhã. Thầy viết: “Chúng ta phải thấy chúng ta là sự tiếp nối của tổ tiên. Chúng ta là một dòng sông đang chảy, không phải là một ao hồ cứng đọng, đọng tại một chỗ.” Thầy viết trong bức thư gần đây cho các đệ tử ở Bát Nhã “ta cũng có thể thấy sự hiện diện của các tu sĩ trẻ hơn, nhỏ hơn ta, thuộc thế hệ đi sau, thuộc đàn em, đàn con cháu của ta trong ta, và sự hiện diện của đệ tử của đệ tử họ trong ta. Chúng ta đã có duyên may trao trọn con người của ta đến cho thế hệ các em và con cháu chúng ta thì dù là tu sĩ hay cư sĩ, chúng ta thấy ta trong họ và họ trong ta. Ta có duyên may truyền đến họ những gì đẹp đẽ và trong lành nhất của ta cho họ. Đó đã là một niềm vui lớn và hài lòng lớn của ta rồi. Tổ tiên và con cháu chúng ta đang cùng hòa thành một dòng sông. Không còn chia cách, không tiếc nuối».

BBT xin cám ơn anh Nguyễn Đăng Hùng đã gởi bài.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.00

Đăng nhập