Thánh nữ Ma-Đăng-Già và pháp môn Tong Len vi diệu - phần 1

Một thời gian dài, Phật tử chúng ta thường dùng từ “Ma-đăng-già” với nhiều ý nghĩa tiêu cực trong các mối quan hệ có tính cách tình cảm, đã đến lúc cần chấn chỉnh lại điều này nhất là trong thời kỳ được gọi là mạt Pháp hiện nay.
Nhân dịp xuân về, xin trích tặng mọi người bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư (1052-1096), đời thứ 17, dòng Vô Ngôn Thông:
春去百花落 Xuân khứ bách hoa lạc,
春到百花開 Xuân đáo bách hoa khai.
事逐眼前過 Sự trục nhãn tiền quá,
老松頭上來 Lão tùng đầu thượng lai.
莫謂春殘花落盡 Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận.
庭前昨夜一枝梅 Đình tiền tạc dạ Nhất Chi Mai
Ngô Tất Tố dịch:
Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một nhành mai.
Một thời gian dài, Phật tử chúng ta thường dùng từ “Ma-đăng-già” với nhiều ý nghĩa tiêu cực trong các mối quan hệ có tính cách tình cảm, đã đến lúc cần chấn chỉnh lại điều này nhất là trong thời kỳ được gọi là mạt Pháp hiện nay. Từ “Ma-đăng-Già” có nguồn gốc từ Kinh Thủ Lăng Nghiêm, truyện kể như sau: (Xin tóm lược và ghi chú theo bản dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm của Tâm Minh Lê Đình Thám do Ban Văn Hóa-Thành hội Phật Giáo Tp Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Tp Hồ Chí Minh năm 07/1999)
“Nhân ngày các vị Tỳ kheo mãn hạ tự tứ, các vị Đại bồ tát từ mười phương đến, xin Phật giải quyết nghi hoặc, thỉnh cầu nghĩa thâm mật. Vua Ba Tư Nặc, nhân ngày kỵ vua cha, mời Phật và các vị Đại Bồ Tát tham dự tiệc chay, các trưởng giả cư sĩ cũng đồng thời cúng trai Tăng, Ngài Văn Thù vâng mệnh Phật chia lãnh các vị Bồ Tát và A-La-Hán đến nhà các Trai chủ. Trong lúc đó duy có ngài A-Nan đi xa một mình chưa về kịp; lúc vào Thành, đi ngang nhà dâm nữ Ma-Đăng-Già bị nàng ấy dùng Chú Tiên Phạm Thiên của Đạo Sa Tỳ Ca La bắt vào phòng riêng, dựa kề vuốt ve làm ngài A-Nan gần phá giới thể (Có lẽ giống Pháp môn Mát-sa ngày nay).
Đức Phật dùng trai xong cùng thính chúng về Tịnh xá, biết Ngài A-Nan lâm nạn, nhập Định tuyên đọc Thần Chú Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, khiến Ngài Văn Thù đến diệt tà chú, đưa cả Ngài A-Nan và Nàng Ma-đăng-Già về chỗ Phật.”
Có lẽ, Chúng ta căn cứ đọan mở đầu duyên khởi của Kinh, nên thường dùng từ “Ma-Đăng-Già” với ý hơi miệt thị để ám chỉ các phái nữ có các hành động trên. Nhưng càng đọc sâu vào Kinh, ta càng kinh hòang khi thấy mình phạm tội đại bất kính với tục danh của một vị Thánh nữ!!!, Tại sao lại như vậy?
Chúng ta là kẻ hậu bối sinh sau đẻ muộn cách Phật ra đời hơn hai nghìn năm, ai cũng biết Vũ trụ quan hay nói chính xác hơn là Pháp Giới Quan Phật giáo, xin được tóm tắt lại như sau: Tam giới còn luân hồi sinh tử gồm có Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, đặc biệt từ cõi Sắc giới trở lên phải tu Thiền Định mới vươn tới được. từ Thánh quả trở lên các chúng sinh mới thực sự thóat khỏi luân hồi sinh tử tiến lên trên con đường tự giác giác tha cho đến Phật quả.
Xin liệt kê các Thánh quả như sau:
- Tu-Đà-Hòan
- Tư-Đà-Hàm
- A-Na-Hàm
- A-La-Hán
Chúng ta sẽ lần lượt khảo sát các đọan văn của Kinh Thủ lăng nghiêm để xác định lại vấn đề đã được đặt ra:
“Phật bảo ông A-Nan: Nay tôi lại hỏi ông, hiện nay ông chưa được Đạo quả Vô lậu thanh tịnh (thóat sinh tử luân hồi), nhờ Thần lực của Phật mới thấy được cõi Sơ Thiền, không bị ngăn ngại . Ông A-Na-Luật thấy cõi Diêm Phù Đề như xem quả am-ma-la trong bàn tay . Các vị Bồ Tát thấy trăm nghìn cõi thập phương Như Lai, cùng tột các quốc độ thanh tịnh, số như vi trần, không chỗ nào không thấy. Còn chúng sinh thì thấy rõ được không quá gang tấc”.(Trang 110, Quyển hai, Đọan XI.)
Như vậy, cho đến lúc Ngài A-Nan bị Chú Tiên Phạm Thiên đánh bại!, Ngài mới thấy Sơ Thiền dựa vào Tha lực của Phật. và chúng ta khảo sát đọan khác:
“… Ông nói lý nhân duyên, tự nhiên chắc chắn rõ ràng, người đời gọi ông là đa văn bậc nhất. Với cái huân tập đa văn nhiều kiếp đó, ông không thóat được nạn Ma-Đăng-Già, phải đợi Thần chú Phật đỉnh của tôi, làm cho lửa dâm trong tâm nàng Ma-Đăng-Già hết đi và nàng chứng quả A-Na-Hàm, ở trong Phật pháp thành rừng tinh tiến, sông ái khô cạn, mới khiến ông được giải thóat…” (Trang 338, Đọan IV, Mục X, Quyển Bốn)
Theo đọan này, sau khi Ngài Văn Thù tuyên đọc Thần chú Phật đỉnh vào lúc hai người sắp đi vào cao điểm, thì nàng Ma-Đăng-Già chợt “tỉnh giấc chiêm bao” và đắc quả A-Na-Hàm, trong khi đó ngài A-Nan vẫn quả Sơ Thiền, đúng là khỏang cách một trời một vực, ai tu Thiền đều biết phàm phu chúng ta hiện nay khổ tu cật lực mong đạt trạng thái Sơ thiền (Ly sinh hỷ lạc) thì phải vất vả biết là bao nhiêu, còn A-Na-Hàm thì đúng là “Giấc mơ chỉ là giấc mơ...” (Ca sĩ Hồ Ngọc Hà). Vậy mà có người tu thiền đạt ít kết quả đã vội làm thơ Thiền:
“Hà hà, Tổ sư hiện đây rồi”,
Và đòi “nhẩy qua đầu thầy”, buồn cười đến nỗi anh chàng phàm phu tục tử, nhậu nhẹt và quậy tưng bừng cũng biết so với Ngài Thần Tú còn cách rất xa, chưa thấy cửa “Không” đừng nói đã tới nơi, chàng ta nhịn không nổi bèn cười lên rằng:
“Hô hố, phi khứ phi lai hiện cái nỗi gì?”
Xin tiếp tục:
“… Vậy nên ông A-Nan, tuy nhiều kiếp ghi nhớ những Pháp bí mật diệu nghiêm của Như lai, cũng không bằng một ngày tu nghiệp vô lậu, xa rời hai khổ ưa ghét thế gian. Như nàng Ma-đăng-Già trước kia là dâm nữ, do sức Thần chú, tiêu diệt lòng ưa muốn, nay ở trong Phật pháp, gọi tên là Tính Tỳ Khưu Ni, , cùng với mẹ La Hầu La là Gia Du Đà La, đồng ngộ nhân trước, biết đã trải qua nhiều đời, nhân vì tham ái mà khổ, một niệm huân tu Pháp Vô lậu thiện, thì người đã ra khỏi ràng buộc, người thì được Phật thụ ký; làm sao ông còn tự dối mình, mắc míu mãi trong vòng nghe thấy.” (Trang 338, Đọan IV, Mục X, Quyển Bốn)
Đọan này nói rõ hơn, nàng Ma-đăng-Già đã được Đức Phật xác nhận “ra khỏi ràng buộc” đắc quả A-Na-Hàm có Pháp danh là Tính Tỳ Khưu Ni- Ta cũng biết Tu Đà Hoàn phải bảy phen sanh tử còn gọi là Thất lai, Tư-Đà-Hàm một phen sanh tử được gọi là Nhất lai và A-Na-Hàm còn gọi là Bất lai (không sanh tử luân hồi), ở ngang cõi Tứ thiền được gọi là Bất hòan thiên hay Ngũ Tịnh cư Thiên tiếp tục tu tập diệt trừ 72 phẩm tư hoặc của sắc giới và Vô sắc giới, rồi chứng quả A-La-Hán.
Và Phật cho biết các kiếp trước nàng Ma-Đăng-Già và công chúa Gia Du Đà La (Vợ Thái tử Tất Đạt Đa) đã từng quen biết nhau rồi (Kinh không nói rõ, có lẽ hai người đã từng đồng tu với nhau, nhưng chưa diệt được tham ái nên thọ khổ?)
Còn ngài A-Nan thì sao? Ta hãy xem xét tiếp trích đọan Kinh như sau:
“Ông A-Nan bạch Phật rằng:
- Thưa Thế Tôn, làm sao ngược dòng hư vọng, đi sâu vào một căn, lại có thể khiến cho sáu căn một thời đều thanh tịnh?”.
Phật bảo ông A-Nan:
- Ông nay đã được quả Tu Đà Hòan, đã diệt được kiến hoặc của ba cõi thế gian chúng sinh, song còn chưa biết những tập khí hư vọng chứa nhóm trong căn tử vô thỉ; các tập khí kia nhân tu Đạo rồi mới đọan được, huống chi …”(Trang 357, Đoạn III, Mục XI, Quyển Bốn)
Như vậy đến giai đọan này, Đức Phật mới xác nhận ngài A-Nan đắc quả Tu đà Hòan, theo Giáo sử sau khi Phật nhập Niết bàn, tại kỳ kết tập Kinh Tạng lần thứ nhất các Trưởng lão và ngài Ca-Diếp đã không cho ngài A-Nan tham dự vì chưa đắc quả A-La-Hán, sau đó ngài A-Nan phải khổ tu mới chứng đạt quả vị trên và khi ngài Ca-Diếp nhập diệt, ngài A-Nan đã kế tục ngôi Tổ vị.
Tiếp tục mạch văn Kinh Lăng Nghiêm, Ngài Văn Thù lĩnh từ chỉ của Phật, từ trong 25 Pháp môn tu tập của các vị Bồ Tát và A-La-Hán đã trình bày, lựa chọn ra một Pháp môn phù hợp với căn cơ của ngài A-Nan và các chúng sinh cõi này dễ thành tựu sau khi Phật diệt độ. Cuối cùng ngài chọn Pháp môn nhĩ căn “Phản văn văn tự tánh” của ngài Quán Thế Âm Bồ Tát là thích hợp hơn cả. Lúc đó tình hình được Kinh diễn đạt như sau:
“… Trong Pháp hội, cả đại chúng, Thiên long bát bộ, hàng Nhị Thừa hữu học và tất cả các Bồ Tát mới phát tâm, số lượng bằng mười số cát sông Hằng, đều được bản tâm xa trần tướng, rời cấu nhiễm, được Pháp nhãn thanh tịnh. Bà Tính Tỳ Kheo Ni (Tức là nàng Ma-đăng-Già) nghe nói bài kệ xong, thành quả A-La-Hán; vô lượng chúng sinh đều phát tâm Vô đẳng đẳng vô thượng chính đẳng chính giác.”(Trang 546, Đọan V, Mục V, quyển sáu)
“…Vả lại, ông cùng nàng Ma-Đăng-Già do nhân duyên nhiều kiếp đời trước thành tập khí ân ái, không phải một đời hay một kiếp; song một phen tôi tuyên dương Thần chú, thì nàng Ma-Đăng-Già thóat hẳn khỏi lòng yêu, thành quả A-La-Hán. Nàng kia còn là dâm nữ, không có tâm tu hành, do sức Thần chú giúp cũng mau chứng quả vô học; thế thì bọn ông, những hàng Thanh Văn trong hội này, cầu tối thượng thừa, thì quyết định sẽ thành Phật, cũng ví như bụi bay gặp gió thuận, có khó khăn gì?” (Trang 570, Mục III, Quyển bảy)
Qua những đọan Kinh văn rời rạc trên đây, chúng ta đã có thể có một cái nhìn khái quát quá trình phát triển Tâm thức của ngài A-Nan và nàng Ma-Đăng-Già và được tóm lượt như sau:
- Trước “cao trào” nàng Ma-Đăng-Già đã có có một “công lực” nhất định trong việc biết sử dụng Chú Tiên Phạm Thiên của Đạo Sa Tỳ Ca La, còn ngài A-Nan phải nhờ Thần lực Phật mới thấy được cõi Sơ Thiền.
- Sau khi nghe Đức Văn Thù Sư Lợi đọc Thần chú, nàng Ma-Đăng-Già, nói theo ngôn ngữ nhà Thiền hốt nhiên “Đốn ngộ”, đắc quả vị A-Na-Hàm, còn ngài A-Nan vừa xấu hổ vừa mừng vì thóat nạn và tất cả cùng theo ngài Văn Thù về nơi Phật ở.
- Trong quá trình Phật thuyết Kinh Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm phải đến đọan “Chỉ rõ hư vọng của sáu căn”, Đức Phật mới xác định ngài A-Nan đắc quả Tu-Đà-Hòan còn nàng Ma-Đăng-Già phải đợi đến đọan “Phật khai thị về Mật giáo”, mới được xác nhận là đã đắc quả A-La-hán, Đức Phật cũng nhắc lại nhân duyên nhiều kiếp giữa hai người và nhấn mạnh nàng Ma-Đăng-Già là dâm nữ chỉ nương nhờ oai lực Thần chú trợ giúp mà đã đạt quả cao nhất của Tứ Thánh Vị nhằm động viên ngài A-Nan và chúng sinh đời sau cầu tối thượng thừa quyết định thành Phật; rõ ràng là quả vị ngài A-Nan lúc này vẫn còn cách xa Thánh nữ Ma-Đăng-Già. Đó là lẽ thật, một sự thật “bất khả phủ bác”! (cách dùng chữ của Gs Trần Chung Ngọc)
Đức Phật ca ngợi các Thánh quả như sau:
“… A-La-Hán là những vị có thể phi hành biến hóa, mạng sống lâu dài, an trụ ở đời, động cả trời đất. Kế là A-Na-Hàm, những vị A-Na-Hàm, khi mạng chung linh thần sẽ sanh lên cõi trời thứ 19 thì chứng được quả A-La-Hán. Kế đó là Tư-Đà-Hàm, những vị Tư đà Hàm nầy còn một phen sanh xuống cõi người thì chứng được quả A-La-Hán. Kế đó nữa là Tu-Đà-Hòan còn phải bảy lần sanh và bảy lần tử mới chứng được quả A-La-Hán. Những vị này đọan ái dục như đọan tứ chi không còn dùng nữa” (Trang 143, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Ngài Ca diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đồng dịch, Phật Tổ Ngũ Kinh, Thích Hòan Quan, Nhà Xuất Bản Tp Hồ Chí Minh, năm 1998)
Để dễ hình tượng, chúng ta hãy dùng các số mục trong Kinh trên để so sánh:
“Phật dạy rằng:
Cho 100 người ác ăn không bằng cho một người lành ăn.
Cho một 1000 ngàn người lành ăn không bằng một người trì ngũ giới ăn.
Cho 10.000 người trì ngũ giới ăn không bằng cúng dường một vị Tu Đà Hòan ăn.
Cúng dường 1000.000 vị Tu Đà Hòan ăn không bằng cúng dường một vị Tu Đà Hàm ăn.
Cúng dường 10.000.000 vị Tu Đà Hàm ăn không bằng cúng dường một vị A Na Hàm ăn.
Cúng dường 100.000 vị A Na Hàm ăn không bằng cúng dường một vị A La Hán ăn.
Cúng dường 1000.000 vị A La Hán ăn không bằng cúng dường một vị Bích Chi Phật ăn.
Cúng dường 10.000.000 vị Bích Chi Phật ăn không bằng cúng dường một Tam Thế Chư Phật ăn.
Cúng dường 100.000.000 vị Tam Thế Chư Phật ăn không bằng cúng dường một vị vô niệm vô tu vô chứng ăn.”
(Trang 179 Bố thí độ, chương XI, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đồng dịch, Phật Tổ Ngũ Kinh, Thích Hòan Quan, Nhà Xuất Bản Tp Hồ Chí Minh, năm 1998)
Căn cứ đọan Kinh trên bằng cách tính số học đơn giản ta nhận thấy:
Cúng dường một vị A-La-Hán = cúng dường 100.000 vị A-Na-Hàm
= cúng dường 100.000x10.000.000 vị Tư-Đà-Hàm
= cúng dường 100.000x10.000.000x1000.000 vị Tu-Đà-Hòan
= cúng dường 1018 vị Tu-Đà-Hòan (rút gọn)
(Một tỷ tỷ vị Tu-Đà-Hòan)
Như vậy vào thời điểm đó cúng dường Thánh nữ Ma-Đăng-Già phước đức gấp một tỷ tỷ lần phước cúng dường ngài A-Nan, dĩ nhiên nếu kính dâng Phước Đức này lên Tam Bảo và hồi hướng về Pháp giới chúng sinh thì Phước Đức sẽ chuyển thành Công Đức; ngược lại bôi bác tục danh một vị Thánh nữ A-La-Hán sẽ tổn phước tỷ tỷ lần bôi bác một vị Tu-Đà Hòan, là Phật tử ai dám bôi bác tục danh của Đức Phật là Thái tử Tất Đạt Đa! Đó là một “Lẽ Thật”. (Cách dùng từ của HT Thích Thanh Từ). Nghiên cứu Pháp Giới Quan của Phật giáo, nhận thấy các cảnh giới khác nhau tùy thuộc Công và Phước đức, ta mới thấy người Trung quốc có những câu thật là chí lý “Núi cao còn có núi cao hơn” hay “Trời này cao còn trời khác cao hơn nữa”, Là Phật tử, ít hay nhiều ai cũng biết luật Nhân Quả, lý Nhân Duyên và vòng Luân Hồi, việc bồi Công lập Đức qua tạo tác của Thân, Khẩu và Ý là một việc làm thường xuyên mà cũng chẳng dễ dàng gì? và dĩ nhiên chẳng ai muốn mất Phước Đức tỷ tỷ lần một cách vô tâm như vậy!!!
Rõ ràng hình tượng Ma-Đăng-Già “Vượt lên chính mình” làm ta liên tưởng đến cây Sen vươn lên từ bùn lầy và nở hoa phô hương sắc với đời, ngòai ý nghĩa Tâm linh mà tòan bộ thân, lá, rễ, hoa, nhụy, hạt …đã cung ứng cho đời các vị thuốc, thực phẩm …Một biểu tượng mà nhân dân ta từng ca ngợi “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đã đến lúc từ: “Ma-Đăng-Già” chỉ nên tặng cho những người nữ nào dù là Phật tử hay không, xuất gia hay chưa, đã từng hy sinh cho gia đình, xã hội, dân tộc, nhân lọai hay vì Đạo Pháp mới là hợp tình và hợp Đạo lý.
Xin kể một câu chuyện có thật: Tại Xã Phú Lộc, Huyện Định Quán, Tỉnh Đồng Nai có một Phật Tử phát tâm cúng dường Tam Bảo một khu đất xây Chùa, và thỉnh Sư cô Như Nguyện (xuất gia từ bé) về Trụ trì, trong lễ an vị Phật, Sư cô có mời Sư Bà ở Long Thành và các Phật tử về tham dự, sau lễ cúng Ngọ, lúc đó Phật tử rất khát khao Pháp, Sư Bà mắt lộ hồng quang (dĩ nhiên là nhận xét của tác giả), từ bi với những lời giản dị, khuyên nhủ một lời mà ai cũng nhớ mãi: “Lập công bồi đức phải nhớ hồi hướng Pháp giới chúng sinh, không hồi hướng hưởng phước một lần là hết, có hồi hướng phước còn mãi, đó là Phước Huệ song tu” và sư Bà kể cho mọi người nghe câu truyện: -sau 1975, đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, kinh tế khó khăn trăm bề, để duy trì điều kiện tu tập, Sư Bà và các Sư cô đều làm rẫy trồng mì. Một lần đi rẫy, có một con bò “phúc chí tâm linh” dứt dây thóat khỏi người chủ đang đưa đến lò mổ, chạy đến quỳ trước Sư Bà, nước mắt đầm đìa kêu lên sợ hãi. Sau khi hội ý Ni chúng, Sư Bà quyết định xuất hơn hai tấn mì vừa thu họach cứu con bò này và đưa về Chùa cột để ngày ngày nghe Kinh kệ. Một lần làm rẫy về con bò biến mất, sau khi tìm kiếm và tại một lò mổ con bò chỉ còn cái đầu và bộ da.- Kể xong Sư Bà im lặng, một Phật tử bật kêu lên:”Nó đã thóat nghiệp”, Sư Bà trả lời: “Đúng vậy!” (Nghe Kinh hàng ngày mà không thóat nghiệp bò mới lạ chứ!)
Câu chuyện trên làm ta liên tưởng đến Hư Vân Hòa Thượng, trong hồi ức của minh, Hòa Thượng cũng kể một câu truyện tương tự, một con trâu thóat khỏi lò mổ chạy đến quỳ trước Hòa thượng xin cứu, sau khi cho trâu quy y Tam Bảo, Hòa thượng đã chi tiền cho chủ lò mổ cứu được con trâu; hậu vận không thấy kể, nhưng có thể dễ dàng đóan ra được là đã vào tay một vị Thánh Tăng thì đúng là “Phúc đức ba mươi đời nhà nó”. Phàm phu chúng ta mấy ai có được uy lực như Sư Bà khiến bò phải quy phục, chúng ta đành như các Fan bóng đá nam và dân Việt ngưỡng mộ nhìn đội bóng nữ như những vị “Anh Hùng”.
Trong đạo Phật không sợ lỗi lầm, nhưng sợ nhất là biết sai mà không dám sửa, ngài Thế Thân tác giả Câu Xá Luận, đã từng phỉ báng Đại Thừa, sau biết lỗi đã định cắt lưỡi để chuộc tội, nhờ người anh là ngài Vô Trước khuyên răn: “Trước kia em đã đem lưỡi ấy phỉ báng Đại Thừa, thì bây giờ em vẫn đem nó ra mà ca ngợi Đại Thừa, tuyên dương Phật Giáo cũng đủ chuộc lại cái tội kia vậy”. Và ngài đã sáng tác 500 bộ luận Đại thừa Duy Thức lưu truyền đến ngày nay.
Các Phật tử nữ đã từng tỏ lòng tri ân ngài A-Nan và Kế mẫu Thái tử Tất Đạt Đa đã từng giúp cho nữ giới được xuất gia và hình thành Ni Đòan vẫn tồn tại và phát triển cho đến tận ngày nay, vửa phù hợp tinh thần bình đẳng của Phật giáo vừa là nơi nương tựa của phái nữ trong thời đại nhiễu nhương này.
Và chúng ta cũng vô cùng biết ơn Thánh nữ Ma-Đăng-Già đã “quậy” ngài A-Nan tạo Nhân Duyên để Đức Phật tuyên thuyết Kinh Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm được xuất hiện trên cõi đời này và lưu truyền đến tận ngày nay, một bộ Kinh vô cùng quý giá, theo cách nói của Hòa Thượng đã cung cấp một “bản đồ chính xác cho những người đã, đang và sắp leo núi”.
Hư Vân Hòa Thượng, vị Thánh Tăng thời cận đại mà nhiều người Miền Nam trước 1975 đều biết giai thọai về vị vua Quang Tự, khi mẫu thân mất đã mời các vị Tăng đến cầu siêu, để thử xem vị nào là Thánh Tăng, Bộ Kinh Kim Cương được chôn dấu dưới cổng nhỏ vào cung, khi đến trước nơi chôn kinh, Hòa Thượng đã quỳ xuống không dám bước qua sau ngài phải chổng ngược đi bằng hai tay để nhập cung. Hòa Thượng đã có công lớn trong việc phục hồi các dòng Thiền: Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Quy Ngưỡng, Pháp Nhãn. Hòa Thượng Tuyên Hóa là đệ tử của ngài, kế thừa dòng Thiền Pháp Nhãn, sáng lập Vạn Phật Thánh Thành trên đất Mỹ; cả hai vị đều đã ca ngợi bộ Kinh Lăng Nghiêm không hết lời và cho biết:
“Kinh Mạt Pháp thuyết rất nhiều biểu tướng suy vi, mà hiện nay đã xuất hiện: Tăng cưới vợ; Ni lấy chồng; sắc y Ca sa biến thành màu trắng. Người bạch y (cư sĩ) ngồi trên tòa, còn Tỳ kheo ngồi dưới tòa. Lúc con người thọ mạng khoảng ba mươi tuổi, thì pháp Đại Thừa sẽ bị diệt mất. Lúc con người thọ mạng chỉ còn hai mươi tuổi, pháp tiểu thừa cũng bị diệt luôn. Lúc thọ mạng của con người là mười tuổi, thì chỉ còn sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật". Trong đời mạt pháp, tất cả pháp của Phật thuyết ra, đều bị hoại diệt, mà đầu tiên là Kinh Lăng Nghiêm, rồi đến Kinh Ban Chu Tam Muội. Ví như ông Âu Dương Cảnh Vô dùng kiến giải của mình, viết trăm lời ngụy thuyết, để phản đối bộ kinh Lăng Nghiêm. Tại Hồng Kông, có ông pháp sư nọ, bảo rằng kinh Hoa Nghiêm, Viên Giác, Pháp Hoa, Đại Thừa Khởi Tín Luận, v.v... đều là ngụy giả. Đây là biểu tướng của đời mạt pháp.” (Nguồn: Khai thị 4, Hư Vân Hòa thượng, Thư Viện Hoa sen)
“Hỏi: Ngàn năm đã qua. Vậy chánh pháp đã bị diệt hết chưa?
Đáp: Chưa diệt hết. Trong một ngàn năm, tu đắc được quả Tam Đạt Trí. Ngàn năm sau, đắc được quả A La Hán, tức Vô Tam Đạt Trí, tận trừ ái dục. Ngàn năm kế (Thiên niên kỷ hiện nay, tính theo Phật lịch), đắc được A Na Hàm. Ngàn năm nữa, đắc được Tư Đà Hàm. Ngàn năm cuối, đắc được Tu Đà Hoàn. Năm ngàn năm đầu, đắc được đạo. Năm ngàn năm sau, tuy học mà không thể đắc được đạo. Sau mười ngàn năm, tất cả Kinh thư văn tự đều bị diệt hết, nhưng vẫn còn người cạo tóc đắp y ca sa.” (Nguồn: Khai thị 4, Hư Vân Hòa thượng, Thư Viện Hoa sen)
Nhân dịp đầu xuân khai bút, nương tựa vào Kinh sách và những lời chỉ dạy quý báu của các Thiền Sư, các vị Hòa Thượng …, có bài mạn đàm cùng độc giả, có gì sơ sót xin niệm tình khoan thứ, kính chúc mọi người và thân quyến một mùa xuân an khang thịnh vượng và sẽ đến ngày:
“Mạc vấn xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ Nhất chi Mai.”
(Hết phần 1, còn tiếp)
Thích Thông Kính
***
Ghi chú:
Cả hai phần của bài viết này, để tỏ lòng tri ân đến Ni Sư Thích Nữ Trí Hải, Dịch giả cuốn Tử Thư Tây Tạng, tác giả Sogyal Rinpoche, Nhà xuất bản Phụ Nữ Tp Hồ Chí Minh ấn hành, với lời văn trang nhã, rõ ràng, sáng sủa và súc tích, đã giúp ích cho nhiều người trong thời kỳ đất nước đổi mới định hướng lại, có lẽ sống và lối sóng phù hợp với Đạo Pháp và Dân Tộc, nguyện có công đức gì xin kính dâng Ni sư và ước mong Ni sư sớm tái sinh tiếp tục Hạnh nguyện Bồ Tát Đạo của mình.
Và cũng xin gởi lời cám ơn Ni sư Thích nữ Giới Hương tác giả sách: Luân hồi trong Kinh Lăng Nghiêm và Vòng Luân Hồi với kiến thức uyên bác và phong phú đã giúp ích rất nhiều trong việc bổ xung các thiếu sót bài: Vũ trụ quan và Nhân sinh quan Phật giáo, định hướng nghiên cứu mới trong ngành Sinh học.
Nhất Chi Mai cũng là biệt danh của Nữ Phật tử Phan Thị Mai là sinh viên của ĐH Vạn Hạnh và ĐH Văn Khoa SG phát nguyện đem thân làm đèn, đốt lên làm lễ khai mạc tuần lễ cầu nguyện Hòa Bình, vào lúc 7:30 sáng ngày mùng 8.4 Đinh Mùi (nhằm ngày 16.5.1967) tại chùa từ Nghiêm đường Bà Hạt Chợ lớn, nhiều học trò nhỏ ở miền Nam trước 75, đều coi các tên: Nhất Chi Mai, Trần Văn Ơn, Nguyễn Thái Bình … là ai-đồ (Idol) của mình, có hai cây Nhất Chi Mai được trồng gần Thư Viện (Tàng Kinh Các) của Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt.
- Khoá tu Một ngày an lạc tại chùa Địch Quang Quảng Ấn
- Một Ngày Ở Bồ Đề Đạo Tràng Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Nhắc Nhở Con Cháu Những Điều Cần Nhớ Thực Hành Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Cố Tu Tâm Tốt, Đời Sống Hạnh Phúc Hơn (phần cuối) Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Cố Tu Tâm Tốt, Đời Sống Hạnh Phúc Hơn (phần 1) Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Giây Phút Hiện Tại Thích Vô Trụ
- Đời Sống và Thực Hành Hằng Ngày Của Người Phật Tử Phương Tây Tuệ Uyển chuyển ngữ
- Đi Tìm Hòa Bình Nội Tại và Thực Hiện Tuệ Uyển chuyển ngữ
- Những cánh hoa trí tuệ - Phần 20 Thích Nữ Chân Nguyên sưu tầm
- Phật pháp cứu đời tôi Thích Chân Tính (Trích từ sách: Phật pháp cứu đời tôi )
- Phật tử đi chùa như thế nào mới đúng? TK Thich Phuoc Thai
- Mọi người đều có khả năng sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh Tỳ Khưu Thích Chân Tuệ
- Đến Một Lúc Thầy Nguyên Đạt gởi
- Những cánh hoa trí tuệ - Phần 19 Thích Nữ Chân Nguyên sưu tầm
- Những cánh hoa trí tuệ - Phần 18 Thích Nữ Chân Nguyên sưu tầm
Đánh giá bài viết này
Được quan tâm nhất


Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)