Tránh Xa Ác Khẩu (phần cuối)

Đã đọc: 97           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

TU MIỆNG là rất cần cho mọi người vì người hay ác khẩu sẽ bị những người thường tiếp xúc với mình chê cười.

 

Tới đây, người viết xin nêu một kinh nghiệm nhỏ là có một vài hoàn cảnh xảy ra trong cuộc đời bị người ta đối xử rất tệ, nhưng kết quả sau đó mình lại gặp thuận duyên để trở thành tốt hơn. Vậy nên từ ấy, chúng tôi rất tâm đắc với lời Phật dạy: “Lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đỡ”:

 

Ý trên được tóm tắt qua mấy câu thơ 8 chữ sau:

         

“Lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đỡ”.

Đã trải nghiệm nên cố nhớ lời khuyên.

Dù ai xử tệ, ta cứ lặng yên.

Nhờ tâm nhẫn nhịn, gặp hên trong đời.

 

Quý vị cố nhớ lại xem trong đời mình, có lúc nào kẻ đối xử tệ bạc với mình lại là người giúp đỡ mình không? Nếu có, hãy áp dụng lời Phật dạy ở trên một lần thử đi. Biết đâu quý vị chẳng những không giận họ nữa mà còn thầm cảm ơn thì thật tuyệt vời. Bởi lúc ấy, tâm quý vị sẽ rất nhẹ nhàng, thư thái do không còn vướng mắc sự giận hờn, căm ghét nữa. Chính chúng tôi cũng đã có lần nhận được cảm giác ấy. Cho nên về sau này, chúng tôi cứ tự nhủ đó là việc “gặp rủi lại hóa may” và có câu thơ  tự nhủ như sau:

 

Gặp Rủi, Hóa May vẫn xảy ra.

Ai từng có gặp, nhận ra là:

Người gây ta khổ, đừng thù hận.

Họ, chính Ân nhân, giúp đỡ ta.

***

Vì thế khi đọc bài thơ “Buông Xả”, tác giả Quang Tuấn, ở dưới đây, chúng tôi đã rất thích thú:

         

BUÔNG XẢ

 

Năm chưa hết mà Đông về vội vã.

Những cành Thu đã đổ lá đưa chà.

Ngày tháng hỡi hững hờ trôi nhanh quá.

Nhìn lại mình mái tóc đã sương pha.

 

Đã biết vậy sao mà chưa tỉnh thức.

Cứ bon chen theo vật chất tiền tài.

Và trong lòng thù hận cứ dằng dai.

Đã biến đổi đời ta thành địa ngục.

 

Ôi có phải trần gian là cõi tạm.

Hành trình này tạm trú được bao lâu.

Kiếp phù sinh nào khác giấc chiêm bao.

Mà bám víu mà tưởng rằng vô tận.

              

Ôi cuộc sống sẽ còn chi ý nghĩa.

Người với người nếu chẳng biết yêu thương.

Bằng từ tâm người tìm thấy thiên đường.

Chứ đâu phải bằng vinh hoa phú quý.

 

Trời đất hỡi có sinh thì có diệt.

Mọi việc rồi đến một lúc rồi đi.

Cứ sắc không - không sắc đổi chu kỳ.

Đừng cố giữ những gì ta tha thiết.

 

Nay buông xả và lãng quên tất cả.

Những lợi danh những ngang trái hận thù.

Buông xả hết nghe đời tươi đẹp quá.

Như bình minh xóa sạch bóng đêm thâu.

***

Xin bấm vào đường link bên dưới và nghe ngâm bài thơ BUÔNG XẢ để thư giãn tâm hồn:

https://www.youtube.com/embed/TPnl9cJvUOs?feature=youtu.be

 

Thật vậy cứ ôm cảm giác tiêu cực với người khác ở trong lòng, chắc chắn tâm ta chẳng thoải mái chút nào, trái lại còn có cảm giác bực bội nữa. Chi bằng, hãy thử Hỷ Xả một lần đi, lòng ta sẽ thấy nhẹ nhàng ngay.

 

Nói tóm lại, ta cần thực tập tính Từ Bi và Hỷ Xả để Tránh Xa Ác Khẩu. Và vừa rồi, đọc bài thơ Buông Xả của Quang Tuấn, chúng ta cũng học được tính: không còn ghim gút, không ôm mãi mối hận thù trong lòng, tức sẽ Tránh Xa Ác Khẩu.

 

Còn bây giờ, chúng tôi xin ghi lại lời giải thích rất rõ về hạnh Tùy Hỷ Công Đức để chúng ta học hỏi và thực hành cốt tránh xa lòng ganh tỵ và cũng để Tránh Xa Ác Khẩu:

 

Tùy hỷ Công đức:

 

Phật dạy: “ Thấy người làm việc đạo đức, vui vẻ trợ giúp, được phước rất lớn.” Sa môn hỏi: “ Phước của người kia có hết chăng?”.

Phật đáp: “Ví như lửa một cây đuốc, mấy trăm ngàn người, mỗi người cầm đuốc đến mồi, đem về thắp sáng, nấu cơm... Ngọn lửa cây đuốc này vẫn như cũ, phước cũng như thế.”.

 

Ý nghĩa là sao? Lửa từ cây đuốc đầu tiên và lửa từ những cây đuốc do mấy trăm ngàn người tới mồi như nhau. Vậy người khởi tâm làm việc đạo đức và nhiều người vui vẻ trợ giúp, cả hai đằng cùng hưởng phước bằng nhau.

         

Tại sao vậy? Tâm của chúng sinh, không nhiều thì ít, thường mang những tính xấu như: đố kỵ, kỳ thị, ganh tỵ, kiêu ngạo, ngã mạn, tự cao, coi cái ta rất lớn, không chịu thua người...Do lẽ ấy nên hễ thấy ai làm được điều lành, điều tốt là có phản ứng hoặc bằng cách chê bai, gièm xiểm hay bôi nhọ... Họ hành động vậy có thể là để làm giảm uy tín người làm, có thể để việc làm tốt kia thất bại hoặc gặp khó khăn... Cũng có thể họ làm vậy để nâng cao giá trị của mình hoặc để thỏa mãn lòng ganh tỵ...Từ đây ta nhận thấy người phải có tâm lượng rộng rãi mới dễ dàng vui vẻ trợ giúp người đang ra tay làm việc đạo đức.

Vậy người phát khởi ra làm việc thiện có lòng thành, tâm rộng hưởng phước được bao nhiêu thì người trợ giúp với tâm hoan hỷ, mừng vui cũng hưởng phước bấy nhiêu.

 

Xin mời đọc tiếp phần giải thích “tùy hỷ công đức” của Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen dưới đây để học hỏi và áp dụng:

         

“Vậy “tùy hỉ” nghĩa là gì?

Tùy hỉ có nghĩa là vui mừng theo, thấy tâm mình bừng lên niềm vui theo với niềm vui của người. Thí dụ: thấy ai gặp điều may mắn, mình cũng mừng với người ta, ai được mọi người ca ngợi, mình cũng thấy vui y như mình được ca ngợi vậy.

         

Ở đoạn dưới có ghi như sau:

 

“Nhà Phật dạy rằng, nếu có người nào, dù nghèo quá đến nỗi không có tài vật để làm việc phước thiện, nhưng có tâm tùy hỉ với những việc thiện của người khác, thì người này cũng được hưởng thiện quả, bằng y như người có tài vật, để thực hiện được điều thiện đó.

Chúng ta biết rằng cốt tủy của Đạo Phật là chuyển tâm, từ tâm Mê thành tâm Giác. Cho nên, niệm tùy hỉ này phải từ chính tâm mình nổi lên, chứ không phải là trong lòng thì ghen ghét, nhưng ngoài miệng thì giả bộ nói lời “tùy hỉ”. Ý khởi lên là đã tạo ra ý nghiệp. Khởi tâm ganh tỵ mà lại nói lời giả dối “tùy hỉ”, thì còn phạm thêm nghiệp ác dối trá, chẳng có lợi gì trong việc tu tâm.”

         

Do thấy việc làm Tùy Hỷ Công Đức đem lại rất nhiều lợi lạc nên chúng tôi đã tóm tắt cho dễ nhớ như sau:

         

Hạnh Tùy Hỷ Công Đức là gì?

Thấy kẻ làm lành chẳng thị phi..

Lòng khởi mừng vui và tán thán.

(hoặc: Cùng góp một tay, lòng phấn khởi)

Hai đàng Công đức hưởng bằng y.

 

Xin luôn ghi nhớ và áp dụng “tùy hỷ công đức” với tâm chân thật, khi thấy:

*người làm điều lành, thiện.

*người hơn mình ( giàu có, tài giỏi...)
để bòn mót chút công đức và để tâm rộng mở thêm một ít mỗi ngày.
                       

Theo nhận xét của chúng tôi, để đạt được kết quả tốt nhất trong việc Tránh Xa Ác Khẩu, một người phải biết hổ nhục khi mình ác khẩu và lòng thực sự ăn năn, sám hối chừa bỏ lỗi lầm ấy. Việc tranh đấu với bản thân như thế thật rất khó làm nên Đức Phật mới dạy:

         

“Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình”.

         

Tuy nhiên, nếu so sánh giữa hai loại ác khẩu: một bên do người khác xử xấu, ác với mình và vì không tự kiềm chế được nên buông lời ác khẩu. Còn một bên, do tính mình ưa vạch vòi cái xấu của người. Chúng tôi nghĩ cái sau dễ trừ bỏ hơn với điều kiện người có tính ấy phải thấy nói xấu người là thiếu tâm từ bi hỷ xả.

         

Phần tóm tắt ý trên qua mấy câu thơ 9 chữ sau:

 

Nói xấu người: thiếu tâm từ bi, hỉ xả.

Gặp điều khó chịu, xả bỏ cả là xong.

Làm được vậy, không gì vướng mắc trong lòng.

Bệnh tật sẽ giảm, điều ước mong nào bằng.

 

Và có lẽ ai cũng nghe nói câu: “Tu cái miệng là đã tu nửa đời người”. Vậy xin ghi lại cho dễ nhớ bằng mấy câu song thất lục bát như sau:

 

Đâm thọc, Dệt Thêu và Nói dối,

Ác khẩu nữa: cùng tội mà thôi.

Từ nay, nói phải giữ lời,

Miệng tu tốt, việc nửa đời đã xong.

 

Còn bây giờ, chúng tôi xin muốn nhắc lại: những câu nói đùa mang tính ác ý cũng chịu quả báo nặng nề như trong câu chuyện đã kể ở phần 1. Vậy nên để khắc sâu điều ấy, xin mời quý vị đọc những câu thơ 8 chữ sau:

 

Đừng nghĩ nói đùa là không Ác khẩu,

Đôi khi hàm ý nói xấu người ta.

Biết rồi, nói đùa phải cố tránh xa.

Đừng để tai họa xảy ra, muộn rồi.

 

Nói chung TU MIỆNG là rất cần cho mọi người vì người hay ác khẩu sẽ bị những người thường tiếp xúc với mình chê cười. Còn quý Phật tử tu Tịnh độ cần sanh về Tây phương thì càng không nên ác khẩu vì cõi của Phật A Mi Đà là nơi thanh thịnh. Chẳng lẽ nào một người có miệng không thanh tịnh Phật lại đón về đó hay sao?! Vậy nên nhớ::

 

Ác mồm chết sẽ về đâu!?

Đọa ba đường ác khổ sầu khôn nguôi.

***

TU MIỆNG là TU nửa cuộc đời.

Nên chi ăn nói chớ buông lơi.

Nói ra ngẫm lại là sai phạm.

Sám Hối từ nay cố giữ lời!

***

Độc mồm nặng, khổ lắm người ơi!

Giường bệnh nằm nhiều năm tháng trời.

Để trả cái NHÂN gieo Ác khẩu.

Tĩnh tâm, sửa Miệng, vạ xa chơi!

 

Đọc xong đề tài này, kính mong quý vị nào thích, hãy cùng chúng tôi cố gắng thực hành, làm sao loại bỏ bớt lời ác khẩu cốt tránh đi những phiền não, buồn bực... Tập được điều này, chúng ta sẽ có những ngày thật đẹp với tâm tư thơ thới như vào những buổi bình minh sau dông bão vậy.

         

Cuối cùng, nếu phần trình bày ở đây có giúp được cho một ai bỏ bớt tính ác khẩu, người viết xin đem hồi hướng công đức này về cho hết thảy pháp giới chúng sinh tương lai đều trọn thành Phật đạo.

 

XIn chân thành cảm ơn quý vị đã đọc bài viết và cố gắng thực hành./.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập