Thực hành vô úy thí từ Bát nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Bản kinh này không chỉ sử dụng để đọc tụng. Mà Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật được xem là một công cụ Bồ Tát Quan Thế Âm ban cho Phật tử để thực hiện sự giải thoát cho bản thân và cho tất cả chúng sinh. Nó là phương tiện thực hành vô uy thí.
Bát nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh[i] thuộc, Đại thừa Bát Nhã Bộ, quyển 16. Kinh dạy Phật tử thực hành vô úy thí, vượt qua nỗi sợ hãi của sinh tử. Kinh văn rất ngắn và thông dụng với Phật tử.
A. Bản dịch âm
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh.
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách. Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành thức. Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc, thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.
Tam thế chư Phật, y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.
Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
B. Phần chú giải
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật, soi thấy năm uẩn đều là không, vượt qua mọi khổ đau ách nạn.
Bồ Tát (菩 薩), có gốc từ chữ Boddhisatava, dịch là người tỉnh thức và đang giúp người khác tỉnh thức. Quán Tự Tại (觀 自 在) có gốc từ chữ Avalokiteshvara. Người học Phật ở Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, và Nhật Bản, dịch Avalokiteshvara là Quan Âm, có nghĩa là lắng nghe. Quan Âm là người biết lắng nghe và nghe được tiếng kêu cứu của chúng sanh đang đau khổ.
Khi Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thực tập thâm sâu về Bát Nhã Ba La Mật Đa ( Prajana Paramita ), ngài giác ngộ năm uẩn đều không.
Không (空) là rỗng, trống rỗng. Bồ Tát Quán Thế Âm giác ngộ năm uẩn đều là không, tức là năm uẩn đều không có tính riêng biệt. Không có uẩn nào tồn tại một cách độc lập. Năm uẩn, là năm yếu tố của con người. Bao gồm sắc (hình tướng), thọ (cảm xúc), tưởng (nhận thức), hành (tinh thần), thức (ý thức).
Năm uẩn luôn hoạt động không ngừng nghỉ và có liên hệ tương tức với nhau. Phổi và não là hai bộ phận có chức năng riêng rẻ, nhưng không thể tồn tại độc lập. Phổi cung cấp oxygen và thải cabonic là hoạt động thể chất thuộc phạm trù sắc. Hoạt động của não bộ thuộc phạm trù nhận thức. Phổi cung cấp oxygen để máu tuần hoàn lên não. Đến lượt não bộ giúp phổi có được nhiều oxygen bởi sự chánh niệm của não bộ trong hít vào và thở ra ( Kinh An Ban Ý thủ ). Vì vậy phổi và não bộ có quan hệ mật thiết với nhau. Tương tự trong cơ thể con người, từng bộ phận tạo ra mối quan hệ đan xen với nhau. Không có bộ phận tồn tại độc lập.
Bồ Tát Quan Thế Âm nhìn sâu ( hành thâm) vào năm uẩn của sắc, thọ, tưởng, hành, thức và nhận thấy rằng không có uẩn nào tồn tại độc lập và Bồ Tát Quán Thế Âm đã “độ nhất thiết khổ ách”
Hành thâm là thâm nhập vào, không chỉ đứng bên ngoài mà nhìn. Trong cuộc sống, muốn hiểu rõ điều gì, ta không thể chỉ đứng bên ngoài mà nhìn vào rồi nhận xét. Ta phải đi sâu vào bên trong để thực sự thấu hiểu. Nếu muốn hiểu rõ người ta yêu thương, ta phải biến cái cảm xúc của người ta yêu thương thành cảm xúc của ta, phải đau khổ với đau khổ của người đó, phải vui với niềm vui của người đó. Người mà hiểu được người khác như vậy mới gọi là tri kỷ.
Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Thầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính thực là không, không chính thực là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng đều như vậy.
Bồ tát Quan Thế Âm dạy sắc chẳng khác gì không. Sắc là tất cả những hiện tượng sinh lý, vật lý của con người. Trong Kinh văn, chữ gây khó khăn cho nhiều người nhất là 空Không. Chữ Không, tiếng Phạn là Sunyata, dịch tiếng Việt là trống rỗng, không có một tự tính riêng biệt. Chúng ta đừng hiểu lầm “Không” này là “không có”. Uẩn nào trong năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cũng không, vì uẩn nào cũng không thể tự mình tồn tại độc lập. Uẩn nào cũng phải nhờ các uẩn khác phụ giúp mới có thể có được. Tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ đã phối hợp lại để làm thành một hiện tượng. Hiểu được tính không của giáo lý Phật giáo, là phương pháp giúp mọi người trên hành tinh chung tay bảo vệ môi trường có hiệu quả nhất. Bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước là chính bảo vệ mạng sống của bản thân chúng ta và con cháu chúng ta sau này.
“ Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.”
“ Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt. ”
Chư pháp tức là mọi hiện tượng. Thị chư pháp không tướng nghĩa là bản chất của mọi hiện tượng đều không, không có tự tánh riêng biệt.
Không sinh cũng không diệt. Các pháp chưa bao giờ sinh ra, cũng không bao giờ diệt. Quan điểm an táng theo nghi lễ Trà tỳ của đạo Phật xuất phát từ giáo lý bất sinh bất diệt. Trong ta có hình hài của cha mẹ, sự tiếp nối của tổ tiên. Một đám mây khi gặp khí lạnh biết được không sinh cũng không diệt, mây vui vẻ ở thành mưa, để rơi xuống trên ruộng đồng, trên cây cỏ, trên hoa lá.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức. Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố.
Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới. Không có vô minh,mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.
Kinh văn phân tích mười tám giới. Đầu tiên có sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sau đó có cảm nhận ( sáu trần ) về sắc, thanh, mùi, vị, xúc giác, và tâm. Sắc là đối tượng nhận biết của mắt, âm thanh là đối tượng nhận biết của tai, và tiếp tục như vậy bạn có sáu thức. Từ sắc tức là cái thấy cho đến ý thức có mười tám giới. Mười tám giới, từ nhãn giới cho đến ý thức giới, đều nương nhau mà được thành lập. Không giới nào có thể tồn tại độc lập. Một giới có mặt là do mười bảy giới kia có mặt. Chữ không ở đây có nghĩa là không có sự tồn tại biệt lập.
Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba La Mật Đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.
Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.
Mộng tưởng điên đảo là những tri giác sai lầm của mình. Chúng tạo ra những sợ hãi và căm thù mà mình đã là nạn nhân lâu nay. Viễn ly điên đảo mộng tưởng thì thân tâm an lạc. Khi đám mây biết rằng nó không sinh cũng không diệt mây an nhiên biến thành mưa.
Tam thế chư Phật, y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.
Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã này mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.
Kinh văn khẳng định các đức Phật thành đạo ở ba đời cũng chỉ nhờ phương pháp quán sát trí tuệ Bát Nhã này mà thôi, chứ không nhờ phương pháp nào nữa.
Cố tri Bát nhã Ba La Mật Đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Cho nên phải biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.
Chú, tiếng Phạn là Dharani, có nghĩa một câu nói thoát ra trong trạng thái hết sức vững chãi. Thân, tâm và ngôn ngữ hoà hợp lại trong một định lực thật lớn, một câu nói có thể thay đổi được hoàn cảnh thì gọi là linh chú.
Bồ Tát Quán Thế Âm khi quán chiếu năm uẩn, ngài nhìn thấy bản chất của tương tức của năm uẩn và ngài đã vượt qua mọi nỗi đau. Bồ Tát Quán Thế Âm đã hoàn toàn được giải thoát. Đó là trạng thái thiền định, an lạc, giải thoát, vì vậy mà Bồ Tát Quán Thế Âm thốt ra một điều quan trọng. Đó là lý do tại sao Bồ Tát Quán Thế Âm nói ra câu thần chú.
Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
Cho nên khi nói đến Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức là phải nói câu chú:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
Thần chú Quan Thế Âm là " Gate Gate paragate parasamgate bodhi svaha." Đọc theo âm hán là yết đế, yết đế, ba la yết đế, bồ đề tát sa va. Gate Gate: có nghĩa là qua rồi. Paragate: qua bên kia rồi. Parasamgate: tất cả vượt qua bên kia rồi. Bodhi: tỉnh thức. Svaha: tiếng reo gọi vui mừng.
Bản kinh này không chỉ sử dụng để đọc tụng. Mà Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật được xem là một công cụ Bồ Tát Quan Thế Âm ban cho Phật tử để thực hiện sự giải thoát cho bản thân và cho tất cả chúng sinh. Nó là phương tiện thực hành vô uy thí.
Trong đạo Phật có ba loại bố thí. Bố thí thứ nhất là bố thí tài vật. Thứ hai là bố thí trí tuệ, hay còn gọi là pháp thí. Thứ ba, là loại bố thí cao nhất, vô úy thí. Quan Thế Âm Bồ Tát là vị bố thí cho chúng ta loại vô úy thí, giúp chúng ta tự giải phóng khỏi nỗi sợ hãi.
Tóm lại, Tâm Kinh Bát Nhã ban cho Phật tử một nền tảng vững chắc vô vượt qua nỗi sợ hãi của sinh tử. Trong ánh sáng của tánh không, tất cả mọi vật đều có liên hệ với nhau, mỗi vật đều có trách nhiệm với mọi điều xảy ra trong cuộc sống. Nụ cười đang nở trên môi, nó không những làm cho bản thân được an lạc mà những người xung quanh bạn cũng an lạc, cả thế giới cũng an lạc.
Mỗi hơi thở, mỗi bước đi, mỗi hành động, mỗi nụ cười đều có đóng góp tích cực cho sự sống an lạc của mình và của mọi loài.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ths Hoàng Phước Đại – Pháp danh Đồng An
- Khoá tu Bát quan trai đầu năm tại chùa Đức Hoà Quảng Ấn
- Tránh Xa Ác Khẩu (phần cuối) Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Tránh Xa Ác Khẩu (Phần 2) Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Bát Chánh Đạo Trong 37 Phẩm Trợ Đạo (Phần cuối) Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Điềm Lành Tâm Tịnh cẩn tập
- Cố Thực Tập Đúng Tám Điều Để Tăng Thêm Phước Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Học lời Phật dạy qua Kinh Chúng sanh Hoàng Phước Đại – Đồng An
- Cư sĩ thực hành Phật Pháp Đạo Sinh
- Học lời Phật dạy qua Kinh Tử Pháp Hoàng Phước Đại – Đồng An
- Hà Nội: Khai giảng lớp Thiền Vipassana online K2 tại chùa Long Hưng Như Quỳnh
- Lớp Phật học cơ bản Online giữa Thủ đô Hà Nội Như Quỳnh
- Tăng Đoàn Phổ Môn-Suối Từ Hoằng Pháp Tại Chùa Hương Sen Thích Nữ Giới Hương
- Yếm ly Hoàng Phước Đại – Đồng An
- Vui thích với sắc Hoàng Phước Đại – Đồng An
- Vượt qua sợ hãi của sanh, lão, bệnh, tử Hoàng Phước Đại – Đồng An
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất


Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)