Ngân Hàng Phước Đức

Đã đọc: 849           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chúng ta thường nghe nói mọi việc thiện lành ta làm là để gieo vào Ruộng Phước hay Phước Điền. Chúng tôi xin mạo muội dùng từ Ngân Hàng Phước Đức để dễ so sánh.                                          

Ví dụ: quí vị có tiền gởi vào ngân hàng. Tiền đó quí vị dùng mỗi ngày mà không làm ra tiền thêm để gởi vào thì có ngày ngân hàng sẽ trống không. Lúc ấy, lấy tiền đâu để chi dùng. Cuộc sống sẽ gặp muôn vàn khó khăn.            

Phước giữ trong Ngân Hàng Phước Đức cũng vậy. Hàng ngày, mỗi việc lành, tốt đến với quí vị, coi như quí vị đang tiêu Phước đó. Tiêu Phước mà không tạo Phước thì có ngày Ngân Hàng Phước Đức sẽ cạn kiệt. Lúc ấy, việc xấu sẽ đến!

Xin mời quí vị đọc bài văn vần để biết thêm những việc cần làm để tạo Phước:

 

Ngân Hàng Phước Đức       

Một người thất bại, thành công

Là nhờ số Phước tích trong Ngân Hàng

Thành công, phởn chí tiêu hoang,

Cho mình tài giỏi, mới giàu sang thế này!

 

Vô minh: nghĩ vậy là sai!

Nhiều người bằng cấp, lại tài giàu đâu?!

Vậy, cố tích Phước làm đầu,

Bù vào số Phước tiêu hao mỗi ngày.

 

Nếu không, Ngân hàng Phước cạn ngay:

Kinh doanh, mọi việc,… chẳng may đến liền.

Tạo Phước chẳng cần nhiều tiền,

Miễn lòng rộng mở, Phước điền thêm ngay!

 

Gắng tu Tâm, tạo Phước ngày ngày,

Tứ Trọng Ân phải nhớ, hôm mai thực hành:

Ơn Tổ quốc, ơn Phật, ơn chúng sanh,

Ơn ông bà, cha mẹ chân thành báo ân.

 

Ấy, những ruộng Phước thiết thân,

Làm tốt, Ngân hàng Phước đầy tràn mấy khi:

Tâm tính, cuộc sống,… đổi tức thì.

Ôi sao hạnh phúc, còn chi tốt bằng!

***

Phần đọc thêm: Xin mời đọc:

(1): “Tạo Phước Bằng Tấm Lòng” ở: http://www.daophatngaynay.com/vn/files/file-nen/T___O_PH_____C_B___NG_T___M_L__NG__ph___n_1__311202995.pdf

(2): Nhiều bài khác về Tu Phước cùng tác giả đăng trên website Đạo Phật Ngày Nay.

(3): [KHAI THỊ]: Phước điền là gì? (hoiquanadida.com) trích từ :https://www.hoiquanadida.com/phap-am/khai-thi-phuoc-dien-la-gi-1160.html

[KHAI THỊ]: Phước điền là gì?

Phước điền rất nhiều, hay nói cách khác, cơ duyên tu phước quá nhiều quá rộng. Phước điền nhà Phật là vô lượng, được quy nạp thành ba loại lớn.

Loại thứ nhất gọi là “Bi điền”, từ bi, lân mẫn tất cả chúng sanh bần cùng khổ nạn. Vậy chúng ta muốn hỏi, những ai là chúng sanh bần cùng khổ nạn? Chúng sanh trong mười pháp giới đều là bần cùng khổ nạn. Bạn không nên cho rằng người hiện tiền không có cơm ăn, không có quần áo mặc là người bần cùng khổ nạn; còn người hiện tại có phước báo, ở phòng ốc rất tốt, đời sống rất dư dả thì là người không nghèo cùng. Họ cũng nghèo cùng như nhau, họ nghèo cùng chỗ nào vậy? Họ nghèo cùng ở trí tuệ, không có trí tuệ là nghèo cùng, hay nói cách khác, đời sống vật chất họ có thể trải qua được, nhưng đời sống tinh thần của họ rất khổ. Cho nên có loại nghèo cùng trên vật chất, có nghèo cùng trên tinh thần, có nghèo cùng trên đạo nghiệp, có nghèo cùng trên trí tuệ, phạm vi nghèo cùng thì quá rộng quá lớn. Ngày nay chúng ta nói năng lực kỹ thuật không thể so sánh với người khác đều là nghèo cùng, đều là lạc hậu, vậy mới biết được phạm vi nghèo cùng sâu rộng vô hạn. Bồ Tát thấy được, đại từ đại bi giúp đỡ họ, đó gọi là trồng phước, cho nên đó là phước điền. Phương pháp trồng phước điền cũng rất nhiều. Bạn không có trí tuệ thì bạn không biết được làm thế nào để tu phước. Bạn phải có trí tuệ, bạn liền thật biết được mỗi giờ đều là giờ để tu phước, nơi nơi đều là chỗ để tu phước báu. Chúng ta quay đầu nhìn lại thế gian hiện tại này, tình hình nghèo cùng của người thế gian hiện nay một người căn tánh trung hạ đều có thể rất rõ ràng quan sát được. Tu phước đến nơi nào để tu? Chính mình phải nên rõ ràng, làm thế nào cứu giúp tất cả chúng sanh khổ nạn nghèo cùng của thế giới.

Loại điền thứ hai gọi là “Ân điền”. Ân điền là báo ân. Người nào có ân với chúng ta vậy? Thứ nhất là cha mẹ. Ân cha mẹ nhất định phải báo đáp. Báo đáp ân cha mẹ là trồng phước điền. Thứ hai là thầy giáo. Sinh mạng của chúng ta có được là nhờ ở cha mẹ. Trí tuệ của chúng ta, nhà Phật nói “pháp thân huệ mạng” có được là nhờ thầy giáo. Ân đức của thầy giáo cùng với cha mẹ không hề khác nhau, ở trong cổ lễ Trung Quốc đã nói rất nhiều. Thời hiện tại không có hiếu đạo, cho nên sư đạo cũng không có. Sư đạo là xây dựng ở trên nền tảng của hiếu đạo. Phật pháp là sư đạo, chúng ta gọi Thích Ca Mâu Ni Phật là “Bổn sư”. Bổn sư chính là thầy giáo sáng lập đầu tiên. Giáo dục Phật Đà là từ nơi Ngài sáng lập, chúng ta gọi Ngài là thầy giáo căn bản, người sáng lập đầu tiên. Chúng ta mỗi niệm không quên đối với Ngài. Giảng đường của chúng ta muốn cúng dường tượng Phật, cúng dường hình tượng thầy giáo, ý nghĩa chính là báo ân, không quên nguồn gốc. Chúng ta ở nơi đây làm công tác giảng giải, cùng với đồng tu cùng nhau học tập kinh điển cũng giống y như ở ngay trước mặt Phật vậy, Phật Bồ Tát làm chứng  minh cho chúng ta, chúng ta biểu đạt một chút lòng thành kính này, đó là báo ân, là trồng phước điền. Ngoài thầy giáo và cha mẹ ra, chư Phật Bồ Tát, Tổ sư đại đức, tất cả thiện tri thức đều là ân điền. Lại mở rộng lớn hơn, quốc gia có ân đức bảo hộ hoàn cảnh đời sống của chúng ta được an ninh, tất cả chúng sanh có ân đức hỗ trợ hợp tác cúng dường đời sống thường ngày cho chúng ta. Đây chính là câu “trên đền bốn ân nặng” trong kệ hồi hướng mà thường ngày chúng ta đọc. Tất cả chúng sanh đều có ân đức với chúng ta, đó là ân điền.

Loại thứ ba chỉ riêng nêu ra Tam Bảo. Phật Pháp Tăng - Tam Bảo không chỉ có ân đức với chúng ta, các Ngài còn là ruộng công đức, nên gọi là “đức điền”, đó là chuyên chỉ Tam Bảo. Tam Bảo có đại trí tuệ, đại đức, đại năng, giáo hóa tất cả chúng sanh. Cho nên, chúng ta đến nơi đâu để trồng phước điền? Phải nên biết đi đến những nơi này để trồng phước. Cho dù năng lực của chúng ta không đạt đến, nhưng không thể không có tâm, nên gọi là “tâm có thừa mà sức không đủ”, đó không phải là không có tâm, mà là sức của chúng ta không đạt đến được. Nếu như có tâm và có năng lực thì nhất định phải làm, không phải ở nơi đó khởi vọng tưởng khống, mà thật có cái tâm này, thật muốn đi làm. Mọi người xem thấy ở trên báo, hiện tại ở Đại Lục nạn nước rất nghiêm trọng. Năm xưa, mỗi một lần bị nạn nước, chúng ta luôn tận tâm tận lực quyên một số tiền để giúp đỡ những cư dân khu vực tai nạn. Năm nay khu vực tai nạn mở rộng, đồng thời lại bị ảnh hưởng kinh tế, khiến cho chúng ta xem thấy tai nạn lớn này chân thật là không biết làm thế nào.

Nam Mô A Di Đà Phật!
Trích Kinh Vô Lượng Thọ Lần 10 - tập 18
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Khởi giảng năm 1998
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
                    ***
Cầu mong bạn đọc hữu duyên cùng chúng tôi cố gắng thực tập Tu Phước mọi nơi, mọi lúc để giữ cho Ngân Hàng Phước Đức luôn dồi dào.

Xin nhớ:

Thời gian trôi qua là mất hẳn,                                                                                                        Cố đừng lãng phí tấc thời gian.

Nếu có nhiều người hưởng ứng thực tập Tu Phước mỗi ngày, chúng tôi xin đem công đức này hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sanh tương lai đều trọn thành Phật đạo.

Thành thật cám ơn quí vị đã đọc bài viết và cố gắng thực hành./.                                                                      

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập