Ân đức lan xa

Đã đọc: 3741           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong đêm tối, một tiếng cười vọng lại, có thể xoá tan không khí u tịch của mái chùa. Mái chùa ở đây phải đủ đầy hai ý nghĩa-vừa là phần thể chất vừa là phần tâm linh cho bá tánh chúng sinh nương tựa.

Phần thể chất, phải có đường cong tương hợp, màu sắc trong-ngoài hết sức dịu lắng thâm trầm, thanh thoát nhẹ nhàng.

Phần tâm linh, phải là nơi cho bá tánh chúng sinh thực sự tin tưởng, đặt trọn vẹn niềm tin vào khi còn sinh tiền cũng như quá vãng.

Một ngôi chùa đủ đầy hai phần quan trọng này, thì ngại gì khí thiêng không hội tụ, ngại gì chư Phật, chư Bồ tát không quan lâm gia hộ, phò trì. Hơn nữa, khí thiêng, ân đức của ngôi chùa phải được tích tụ từ những sinh hoạt bình thường, đến những sinh hoạt phi thường, giữa thế giới của những người còn sống lẫn thế giới của những tâm thức tiêu diêu, mà đôi khi chỉ có thể cảm nhận qua quá trình thành tâm tu tập.

 Suốt mùa đông giá lạnh, màn đêm không những làm cho tâm hồn ẩn sĩ tiêu diêu bềnh bồng giữa ngàn sương nội cỏ, mà còn khiến cho tâm linh của người hành giả thanh thoát nhẹ nhàng, như có cơ hội trở về trong vòng tay ngọt ngào, trong trái tim thương yêu dào dạt của những đấng Mẹ hiền. Cảm giác này, thật sự đã dẫn dắt tâm hồn lâng lâng thư thái, tự tại phiêu bồng, thong dong thoát tục, như đang sống trong cảnh Tây phương siêu tục. Đó chính là khí thiêng, là ân đức, là điểm linh thiêng cao quý nhất của người con Phật đang có cơ may tắm mình trong chánh pháp nhiệm mầu.

Hơn nữa, khí thiêng, ân đức của ngôi chùa phải được hiễn bày ngay nơi tấm lòng của mọi Phật tử, Đồng hương đến chiêm bái, lễ lạy hằng giờ, hằng ngày hay hằng tuần, hằng tháng, hằng năm.

 Ngôi chùa không nhứt thiết phải toạ lạc trên vách đá cheo leo, hay trên những đỉnh núi cao vót chập chùng. Nhưng ít ra, khí thiêng, ân đức của ngôi chùa có thể mang lại những phút giây yên bình trong tâm hồn người quá bước. Mặc dù, trước thời buổi chạy đua không ngừng tốc độ với cơm áo gạo tiền, với bon chen danh lợi, con người mãi mê bơi lội trong dòng đời vẩn đục, nhưng chí khí cao khiết, thanh tịnh tuyệt vời vẫn là niềm tự hào, là nổi khát khao mong đợi của tâm nguyện làm người.

Chính khí thiêng, ân đức thánh thiện, chính tâm nguyện tuyệt vời này, là môi trường tâm linh, trở thành mái hiên nương tựa cho những ai quyết chí hạ thủ công phu, quyết tử với cuộc tử sinh. Được vậy thì đời sống tâm linh chan chứa dạt dào, sức sống nội tại mảnh liệt khôn cùng từ ngàn xưa sẽ tuôn chảy bất tận đến hôm nay và sẽ hi hiến cho những người hữu duyên, muốn đạt tới cảnh giới thanh khiết nhiệm mầu, thánh thiện.

 Ôi, có hạnh phúc nào hơn, khi giữa chợ đời ồn náo, tranh giành hơn thua, mà vẫn còn vòng tay thương yêu chân thật của lòng người bao la, của tình người mênh mông.

 Khí thiêng và ân đức của ngôi chùa phải được thể hiện rõ ràng trong từng động thái. Hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, những con người đang tự khép mình trong giới luật tinh nghiêm, trong kỷ cương thánh thiện. Khí thiêng và ân đức của ngôi chùa phải được phác hoạ bằng những đường nét thanh thoát an nhàn, nhưng không nặng nề rãnh rỗi; thong dong tự tại, nhưng chẳng phải ăn không, ngồi rồi, vô trách nhiệm.

 Ngoài những thời khoá căn bản không thể thiếu của một người gia tâm tu tập, dâng trọn tấm lòng trong công việc, thi thoảng, tôi lại cầm chổi quét sân chùa, quét điện Phật, quét khung viên đài Quán Âm lộ thiên, quét Hội Trường Thanh Lương, với tâm thái nhẹ nhàng, an trú trong niềm hỷ lạc.

Ý nghĩa cầm chổi quét dọn cũng chính là phương pháp quét sạch những bụi bậm não phiền sở tri chướng trong tâm địa, quét bỏ những thói hư tật xấu trong tâm tư, loại trừ những bẩn chật của tâm hồn ra khỏi vùng tâm thức mênh mông.

 Còn những công tác dâng hương, lễ Phật, tưới cây, cắm nhang, đều phải hiểu như cơ hội hiếm có để hy hiến lòng thành, dâng trọn tâm thanh tịnh, trái tim tinh yêu của mình lên các đấng thiêng liêng, tôn kính.

 Lễ Phật là thành tâm lễ lạy 32 tướng tốt trang nghiêm tuyệt vời của đức Phật, nhất tâm tôn thờ hạnh nguyện và tâm đức của Ngài đã hy sinh tất cả cho chúng sanh vạn loại. Tướng tốt trang nghiêm của đức Phật là kết tinh của vô lượng ức kiếp tu hành, xả kỷ vị tha, mang hạnh phúc chân thật cho cõi Ta bà đượm thắm hương hoa. Song song, hình thức lễ lạy Phật, còn tạo cho hành giả có được những phút giây, trở về cõi lòng, nhận rõ những đức Phật tâm linh chân thật bên trong trái tim trinh trắng của mình và mọi người đang đưa tay đón chào. Bởi lẽ, mỗi người là một vị Phật đang là.

 Tưới cây, ngoài nguyện ước làm cho cây cảnh xung quanh vườn chùa có nhiều bóng mát thân thương, nhiều màu xanh tươi nhẹ nhàng, còn là cơ hội để thực hiện pháp tu tẩy trừ ưu não nặng nề. Đây quả là phương cách đoạn diệt phiền não nhiễm ô, phương pháp tận diệt lòng sân hận, để tưới thêm chút nước từ bi vào hạt mầm thương yêu thanh thoát. Hơn nữa, đối với hành giả, tưới cây cũng là phương pháp tưới mát tâm tư, tưới mát tâm hồn tha nhân, bằng những giọt nước yêu thương thơm ngọt mát dịu. Nó giống như những lời phát nguyện đối trước Tam bảo chứng minh, đều hướng đến chúng sinh, ước mong mọi người  có thể ban trải những giọt nước thanh lương đến vườn hoa thế gian khô hạn.

 Cắt tỉa nhánh lá tạo thành cây cảnh, cũng chính là phương cách giảm bớt những nhân duyên không cần thiết trong cuộc sống tươi đẹp, hay trong quá trình thực nghiệm tâm linh nhiệm mầu. Cắt tỉa những nhánh lá đã đến kỳ lão hoá, những cành cây không phù hợp với vị trí hiện tiền, là nghệ thuật cấm hoa trong lịch sử trồng cây tạo cảnh, trong lịch sử hoa đạo của Thiền tông Trung hoa-Nhật bản.

 Cắm nhang là cách thức gieo xuống những nghiệp thiện, những hành động tốt đẹp, thơm tho dịu mát vào mảnh đất tâm của chính mình và mọi người. Đốt hết tất cả những não phiền đang thiêu đốt con người. Vì vậy, cây nhang lúc nào cũng ngay thẳng, như cõi lòng lúc nào cũng an trú trong chánh niệm. Thẳng một đường đi, dù máu đổ lệ rơi, tiến đến đạo cả mênh mông, dù dòng đời lắm thăng-trầm, bỉ-cực. Nhưng một khi đã phát nguyện, ‘phát túc siêu phương’, một khi đã dứt khoát ‘tâm hình dị tục’, một khi đã hiến dâng dòng tâm thức tiêu sái ngàn đời ăn sâu vào tâm hồng hiện tại, thì dầu có ra đi cũng phải trong tư thế của kẻ ‘bạt tục siêu quần’. Hay ít ra cũng được phần thể hiện của chính nhân quân tử, lúc nào cũng ngẩng đầu cất bước, trọn vẹn trong ý nghĩa ban sơ.

 Những việc làm, những hành động công quả này, mới xem qua tưởng như thấp bé sơ sài, giống như những việc làm, những hành động bỏ biển, trôi sông, không một mảy may giá trị thiết thực cho tha nhân. Nhưng, đối với cái nhìn của kẻ phát tâm chân thật, những việc làm này hoàn toàn đủ đầy ý nghĩa, lợi lạc vô cùng. Nó vừa thâm trầm vi diệu vừa tiềm ẩn trong lòng hành giả và vượt thoát những hàng rào cản ngăn của ngã-nhân, bỉ-thử.

 Bài học này tưởng chừng rất bình thường, nhưng trong cuộc sống thường nhật, trong quá trình thanh lọc thân tâm, muôn kiếp ngàn đời không phải ai cũng thực hiện được.

 Bài học này không phải của học trò tiểu học, không phải của sinh viên đại học, không phải của giáo sư nổi tiếng, không phải của thầy thuốc, bác sĩ giỏi, lại càng không phải của những người tự cho mình là kẻ đã lịch lãm, lang thang tận chân trời, hay phiêu bạt, dọc ngang khắp bốn biển.  Mà bài học này chỉ có trong tâm hồn của những người không còn ‘bản ngã’ nơi mình, trong tâm khảm của những kẻ tiêu sái thong dong.

 Bài học này không phải của những kẻ đã từng vào sanh ra tử, chịu đựng mọi đắng cay ngọt bùi nơi trần thế; không phải của những người đã từng khắc khổ với những nỗi nhục phân ly đoạn trường; không phải của những người đã từng bước lên đỉnh vinh hoa đầy nhung gấm lụa là, hay những kẻ đã sống trong tâm thái thuận nghịch của cõi Ta bà mà không mảy may sợ sệt.

 Bài học này phải được cất chứa trong tâm thức lắng sâu nhiệm mầu, an bình thanh thoát, vượt ngoài dấu vết của tháng năm kỷ niệm, hoá thân như một chứng tích tuyệt vời, vừa oai hùng vừa trác tuyệt trong cuộc lữ tử sinh.

 Bài học này là bài học thuỷ chung với tất cả, đủ đầy tình cảm thương yêu, chan chứa bao la. Mọi cảnh cũ trong quá khứ phải được lắng chìm trong tâm tư, để những đoá hoa Bát nhã đại từ bừng khai trong chợ đời cay đắng.

 Được vậy thì, từ nay, ngọn lửa yêu thương trong mỗi ngôi nhà, mỗi gian phòng, trong mỗi trái tim, mỗi ánh mắt của tất cả mọi người được thắp sáng thiên thu.

Hành động nhỏ nhoi giống như hạt cát giữa sa mạc mênh mông bao la, nhưng trái tim và tấm lòng thì lớn hơn trời hồng vũ trụ.

Những động thái này phải xuất phát từ cõi lòng trinh trắng khẩn thành, phải được hun đúc, dưỡng nuôi trong tâm thức an bình nơi quê hương muôn thuở.

 Ồ, khí lạnh bên ngoài tạt vào, làm nát tan cả làn da xớ thịt, nhưng, không khí lạnh lẽo này cũng không lạnh bằng nỗi giá băng tình người nơi núi đồi Hi mã.

 Lắm lúc ngoảnh đầu nhìn lại, sao thấy dòng đời không như những dòng sông yên ả thâm trầm, mà cứ đêm ngày thét gào, giận dữ như những cơn sóng dữ nơi đại dương mênh mông. Nhưng, cũng nhờ những cơn cuồng phong đang đêm ngày gào thét, lại là chút cơ may để tẩy trừ nghiệp chướng, gội rữa thân tâm tinh sạch. Cuộc đời còn lại, nếu không hành hoạt được vậy, thì ít ra cũng phải thuỷ chung như tấm lòng của bao người Phật tử, luôn sắt son, bám trụ nơi mảnh đất quê cha khô cằn.

 Ô kìa, hãy như những khóm mía vườn rau, trầu cau buồng chuối nơi đất Mẹ ngàn đời, vẫn đêm ngày xanh ngát một màu, vẫn suốt đời hộ đạo, thuỷ chung đến phút công viên quả mãn.

 Ô kìa, khí thiêng, ân đức đã ứng hiện trong làn không khí trong lành, hay mùi hương thơm toả ngát, ngược gió lan xa từ ngôi đại hùng bửu điện!

 

Chùa Phật Tổ, Úc Châu
Tháng 10 năm 2008
Tỳ kheo Thích Thiện Hữu

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập