TP.Hồ Chí Minh: Gieo Hạt Từ Tâm - Kì 28 Chủ đề: Bông Hồng Cài Áo

Đã đọc: 2267           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Vào lúc 07h45, ngày 27/07/2014 (01/07 Giáp Ngọ) tại Quan Âm Tu Viện (Quận Phú Nhuận) đã diễn ra khóa tu Gieo Hạt Từ Tâm kì 28 (dành cho lứa tuổi từ 13 đến 25) với chủ đề Bông Hồng Cài Áo.

Một hai ba, nào chúng mình bước nhanh đến Quan Âm Tu Viện để tham dự khóa tu GHTT kì 28 với chủ đề Bông Hồng Cài Áo, tiếng gọi tên nhau í ới hòa quyện với tiết trời trong xanh dịu hiền như lòng Mẹ đã tạo nên bầu không khí xúc cảm rất đỗi thân thương nhưng cũng khó diễn tả sự bồi hồi khi tu sinh ý thức được về ơn sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ qua phương tiện dẫn nhân nhập Đạo!
 
Tháng 07 Vu Lan là tháng có rất nhiều giọt lệ rơi…, giọt lệ của những người con còn Cha Mẹ và xót xa hơn là đã mất Cha Mẹ theo thuận thế vô thường (Sinh Lão Bệnh Tử) hoặc đau đớn hơn khi chính nghịch tử khiến Cha Mẹ phải ra đi sớm… Hơn 300 tu sinh huân tập tại chính điện tụng kinh Vu Lan, lời kinh nghe sao ngọt ngào in sâu khiến ta hồi tưởng về ân đức của Cha của Mẹ - nhưng cũng không ít giọt nước mắt ngẹn ngào đang tuôn chảy trên gò má của ai kia…? Khóa tu GHTT kì 28 trùng vào ngày thương binh liệt sĩ 27/7, vì vậy ban tổ chức đã chủ động điều phối tụng kinh và cầu an cầu siêu theo tinh thần Tứ Trọng Ân đến các chiến sĩ ngày đêm đối đầu với sóng gió để bảo vệ chủ quyền của đất nước cho thế hệ ngày nay được sống trong yên bình ấm no hạnh phúc.
 
Pháp thoại Bông Hồng Cài Áo do sư cô Hương Nhũ thuyết giảng đã tạo nên bầu không khí vui tươi ban đầu, nhưng khi đi vào ý chính về ý nghĩa bông hồng cài áo đã khiến tu sinh hiểu được tình thương của Cha Mẹ thương con như thế nào. Có biết bao nhiêu thơ văn ca ngợi về ân đức Cha Mẹ, nhưng nói về loài hoa biểu tượng cho hình bóng Cha Mẹ thì chỉ có hoa hồng là duy nhất, hoa hồng dù có sắc mầu như thế nào thì nó vẫn đẹp bất diệt - bên cạnh vẻ đẹp đó là sự vô thường nhưng hoa vẫn tỏa sắc lẫn hương thơm ngào ngạt dâng tặng cho nhân sinh. Thế nhưng thân cây hoa hồng lại có nhiều gai sắc, nếu không cẩn thận thì bạn bị gai đâm thấu vào da thịt rồi chảy máu để rồi rên la một cách xuýt xoa đau đớn, những chiếc gai nhọn từ thân cây hoa hồng khiến cho nhiều người ghét vô cớ rồi muốn cắt bỏ nó vì ý nghĩ gai nhọn hại mình - và còn hơn thế nữa là thù ghét hoa hồng…
 
Một bông hồng cho anh
Một bông hồng cho em
Và một bông hồng
Cho những ai, cho những ai đang còn Mẹ trên cõi đời này!
 
Lời bài hát nghe sao mà thương tâm qúa phải không…, hạnh phúc cho ai đó cài trên ngực áo có bông hồng đỏ - trĩu nặng trong lòng khi ngực áo ai cài bông hồng trắng… ngực áo kia có bông hồng đỏ nhưng rồi cũng đến một ngày nào đó là bông hồng trắng tang thương, còn bông hồng trắng kia có khi nào đã cài bông hồng đỏ của những năm trước khi ta còn Mẹ! Nhưng bất hạnh hơn có người cả đời cài bông hồng trắng trên ngực áo mồ côi, tôi cài bông hồng trắng trên ngực áo em - em không buồn mà còn vui, vì sao vậy?
 
Bởi vì:
 
Tôi không khóc khi tôi cài hoa trắng
Vì trong hoa tôi thấy Mẹ tôi cười.
 
Bạn đã từng nghe bài hát Đạo Làm Con chưa (ca sĩ Phạm Thanh Thảo trình bày)? Vậy bạn nghĩ gì qua lời bài hát này?

 

Khi đấng sinh thành sinh ta ra đời 
Cảm ơn ông trời cho ta kiếp người 
Phải sống thế nào để Cha đừng buồn 
Phải sống thế nào để Mẹ được vui.

Tình Cha bao la như núi cao ngang trời 
Tình Mẹ rộng lớn như biển cả mênh mông 
Chỉ mong cho ta lớn khôn nên người 
Chỉ mong nhìn thấy nụ cười của ta.

Dù Cha ra sao vẫn luôn là đấng sinh thành 
Dù Mẹ làm sao vẫn  luôn mang nặng đẻ đau.
Chỉ một giây thôi nhắm mắt quên cuộc đời 
Hãy nghĩ suy lại những việc làm của ta 
Chỉ một giây thôi nhắm mắt quên tất cả
Nghĩ tới Cha Mẹ vẫn đang đong đầy yêu thương!

Chỉ một giây thôi nhắm mắt quên cuộc đời 
Hãy nghĩ suy lại ta tìm Mẹ nơi đâu?
Chỉ một giây thôi nghĩ thấy Cha một lần!
Dấu vết chân chim vẫn đang từng ngày mong ta…!

 
Lời bài hát xoáy thẳng vào tâm can của người con, về mặt thực tế ít nhiều trong chúng ta được sinh trưởng có điều kiện tốt về vật chất và tinh thần - thế nhưng không ít các bạn đồng trang lứa lại không may mắn như các bạn khác...
 
Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
 
Cho dù ở bất kì hoàn cảnh nào, bạn cũng thấy rõ Cha Mẹ rất vất vả cực nhọc ngày đêm đối mặt biết bao hiểm nguy rình rập cũng chỉ vì lo cho tương lai của con tốt đẹp rạng ngời hơn Cha Mẹ, tuy nhiên ít người con nào thấu hiểu Đức Hy Sinh thầm lặng của Cha Mẹ, ngược lại còn ngỗ nghịch và bất mãn khi cha mẹ nghèo hoặc cha mẹ quê mùa trong hành xử, xấu xí về hình tướng, sao bạn không biết suy nghĩ sâu sắc khi cho con những điều tốt đẹp nhất thì Cha Mẹ sẵn sàng chấp nhận tất cả thiệt thòi về mình cũng chỉ tình thương lớn nhất dành cho tài sản lớn nhất chính là dành cho con.
 
Khi Cha Mẹ còn mạnh khỏe và có tài sản song hành cùng quyền cao chức trọng, nhưng liệu chăng bạn đã nghĩ đến Cha Mẹ chẳng may Bất Đắc Kì Tử chưa? - tài sản và danh văn lợi dưỡng kia thoáng qua như gió thoảng có khiến Cha Mẹ bất tử không? Tệ hơn có những người con đối xử tàn nhẫn độc ác khi Cha Mẹ về già - ấy vậy mà Cha Mẹ không trách móc mà còn thương con nhiều hơn…, vì Cha Mẹ nghĩ do con vô minh nên u mê mà hành động như vậy…rồi đến ngày nào con sẽ hiểu thôi! Thương con-hiểu con-hy sinh vì con-bao dung độ lượng-luôn nguyện cầu điều tốt nhất từ khi con chào đời cho đến khi con lớn lên theo từng ngày, vậy mà…
 
Chúng tôi xin đặt một câu hỏi: “Ai trong chúng ta sẽ giống như Lão Lai Tử trọn vẹn chữ Hiếu đối với song thân?”.
 
Khi bạn còn trong bụng Mẹ, Cha là người luôn lo âu hồi hộp về sự an toàn cho hai Mẹ con - nhưng điều Cha lo nhiều nhất không biết sau này con có Hiếu không? Cha Mẹ sinh ra nhiều người con, ngỡ rằng các con sau này đều hiếu tử, ai ngờ con nuôi Cha Mẹ con kể từng ngày, há chăng sau này các con lập gia thất thì các cháu nội ngoại sẽ hiếu thảo với các con ư? Chúng tôi thấy chữ hiếu thời @ ngày nay nghiêng về vật chất, 80% con cái ảnh hưởng văn hóa ngoại lai buông thả phóng dật, Cha Mẹ bệnh nặng thì không lo chạy chữa mà lo phân chia tài sản quan trọng hơn, ác hơn là những nghịch tử muốn Cha Mẹ chết sớm để khỏi nặng gánh cho con cháu (nghiệp chướng). Ở mảnh đất Sài thành phồn hoa đô thị được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông (24 quận huyện) có hơn mười triệu dân từ tứ phương hội tụ về đây để lo cơm áo gạo tiền, trong đó có rất nhiều hiếu tử làm công nhân với đồng lương ba cọc ba đồng với muôn vàn gian khó theo tính chất cuộc sống, nhưng họ vẫn tích cóp từng đồng tiền để gửi về cho Cha Mẹ nơi quê nhà, ấy vậy mà họ chẳng bao giờ oán than đất trời khi sống trong nghèo khổ của kiếp người, họ chia sẻ:
chỉ cần Cha Mẹ vui khỏe bình an hạnh phúc là con có thể làm tất cả vì Cha Mẹ, vì làm con hiếu hạnh vi tiên!”.
 
Còn nhiều lắm những tấm gương hiếu hạnh giữa đời thường, nhưng đau đớn hơn là những người con bất hiếu…
 
Chuyên mục Lắng Nghe Để Hiểu nhận rất nhiều câu hỏi về chữ Hiếu từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, để hiểu rõ về chữ hiếu đạo và đời - chúng tôi trích dẫn câu:
 
Hiếu trần thế bưng cơm trà nước
Hiếu xuất gia giải thoát luân hồi
 
Chữ Hiếu trong Đạo Phật có ý nghĩa: Nếu Cha Mẹ chưa liễu sinh thoát tử thì bổn phận chữ Hiếu làm con chưa vẹn toàn. Hiếu xuất gia là lý tưởng giải thoát giác ngộ, là người tu hành phải giải thoát thì mới hóa độ cho Cha Mẹ giải thoát được, chữ Hiếu và bổn phận của người xuất gia không chỉ báo hiếu riêng cho cha mẹ mà con phải Hiếu cho tất cả chúng sinh giải thoát.
 
Hiếu thế gian là đạo lý làm người đặt nền tảng làm chữ Hiếu (Bách Hạnh Hiếu Vi Tiên), Trong Muôn Hạnh - Hiếu Là Hạnh Đứng Đầu, Trong Muôn Phúc - Hiếu Là Lớn Nhất, Trong Các Tội Ác - Bất Hiếu Là Nặng Nhất.
 
Hiếu của Phật tử tại gia có ba điểm như sau:
 
1: Dưỡng Thân (nuôi Cha Mẹ)
2: Dưỡng Tâm (nuôi dưỡng tinh thần của Cha Mẹ không đau khổ)
3: Dưỡng Trí (khiến cho Cha Mẹ quay về với tam bảo, biết tu tập chính pháp)
 
Hiếu của Đức Phật và hiếu của Ngài Địa Tạng khiến cho Cha Mẹ liễu sinh thoát tử (vĩnh viễn không còn luân hồi, không còn phải đọa lạc, cha mẹ phải siêu thoát). Khi xưa Đức Phật về cung chăm sóc cho thân phụ bệnh nặng và hóa độ thân phụ sinh lên thành bậc Ala hán, đích thân Đức Phật thăng thiên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho thân mẫu của ngài liễu sinh thoát tử, cũng như thân mẫu Ngài Địa Tạng trở thành bậc giải thoát bồ tát, đó mới là trọn vẹn chữ hiếu của người xuất gia!
 
Trong Kinh Phạm Võng có nói: “Người Nam Là Cha Ta - Người Nữ Là Mẹ Ta”. Vì thế chúng tôi muốn nhắn nhủ một điều: “Cha Mẹ sinh ra con không chỉ có kiếp này, cha mẹ qúa khứ dù đã sinh thiên hay còn đang trong địa ngục - gần nhất là Cha Mẹ đang trầm luân theo nhân qủa, con luôn muốn báo hiếu đến tất cả chúng sinh theo tinh thần Đạo Phật! Bởi vì chư Phật - Bồ Tát- Ala hán - Hiền Thánh Tăng luôn là Hiếu Tử Vĩnh Hằng!”.
 











































Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
Quang Thien 10/09/2014 17:42:24
NAM MO DAI HIEU MUC KIEN LIEN BO TAT MA HA TAT!!!!
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập