Phật ở nhân gian

Đã đọc: 4351           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trong Phật giáo, có khá nhiều quan niệm về đức Phật, nhưng quan niệm chính xác là Phật ở nhân gian, nó mang ý nghĩa đức Phật vốn là con người, điều đó cũng có nghĩa con người có thể thành Phật.

1. Tiểu sử của đức Phật

Bậc đạo sư của chúng ta là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Theo truyền thuyết cho rằng, ngài sinh vào ngày mùng 8 thánh 4 âm lịch, cách đây hơn 2450 năm, thuộc dòng tộc Thích Ca (Sakyas), nước Ca Tỳ La Vệ, miền trung nước Ấn độ, phụ vương là vua Tịnh Phạn (Suddhodana), vua nước Ca Tỳ La Vệ, mẹ là hoàng hậu Ma Da (Maya). Thái tử được sanh ra, trong lúc mẫu hậu đang trên đường về thành Câu Lợi, tại vườn Lâm Tỳ Ni. Đây là niềm vui lớn, chẳng bao lâu tin vui này đã lan truyền đến khắp. Thế giới tự nhiên cũng nhân đó mà vui lây, những con chim trên cành cất cao tiếng hát với khúc ca hoà bình, những nụ hoa cũng hé nở đón chào, tràn đầy niềm vui như tiết xuân. Tin vui này dần dần lan truyền đến thành Ca Tỳ La, vùng sông Hằng, và khắp cõi Ấn độ. Sự ra đời của đức Phật là một vinh quang không riêng gì cho đất nước và nhân dân Ấn mà cho cả nhân loại, được mọi người kính ngưỡng và tôn thờ.

Đức Thế Tôn không những sinh vào dòng tộc cao quí, thân tướng của Ngài lại trang nghiêm oai hùng hơn. Dưới cặp mắt của người dân Ấn, thân tướng này biểu hiện một vị lãnh đạo tài ba cho cõi người, tất cả những ích lợi đều xuất phát từ bàn tay và khối óc của Ngài mà hoàn thành. Do đó, khi Thế Tôn còn ở tuổi thơ ấu, được tôn xưng là 'Tất Đạt Đa' (P. Siddhattha, Sanskrit: Siddhàrtha), có nghĩa là thành tựu. Vào lúc 7,8 tuổi ngài bắt đầu học tập các kinh điển Vệ đà, từng được huấn luyện qua ngành quân sự, điều đó có thể chứng minh khi ngài tranh hôn, đã biểu hiện tính am tường siêu việt trong quân sự.

Khi Ngài là Hoàng tử, tuy sống trong cung điện, hưởng thụ qua tất cả những gì vui sướng thuộc về vật chất của trần gian, nhưng trong tâm của ngài cảm thấy, trong đó dường như có một cái gì đó bất an, ngược lại cảm thấy cuộc sống của chúng sanh thật đáng thương, chung quanh là những đau khổ, tàn sát lẫn nhau để được sinh tồn, bản chất của cuộc sống mang đầy khổ đau và bất hạnh. Chính những thực trạng này đã cảnh tỉnh, nhắc nhở ngài không nên lưu luyến cảnh sống xa hoa giả tạm trong Hoàng cung, quên đi thật chất của cuộc sống là khổ đau.

Lúc ấy, Ngài vừa 25 tuổi, vào một đêm nọ, Thái tử quyết định từ bỏ cương vị ngôi vua, từ giả hoàng cung, phụ vương lẫn người vợ xinh đẹp và đứa con thương yêu của mình, để trở thành một người vô gia cư, vô gia đình và vô tài sản, sống trong rừng núi, làm sa môn với mục đích duy nhất là tìm chân lý và sự tự do cho chính mình và mọi người.

Sau khi xuất gia, ngài đã từng tham bái vị đạo sư rất nổi danh của xã hội Ấn độ lúc bấy giờ, đồng thời ngài cũng đã từng trải qua 6 năm tu tập khổ hạnh, nhưng sự thật cho ngài thấy rằng, đời sống khổ hạnh không giúp ích gì cho ngài trong sự nghiệp cao cả là truy tìm chân lý và tự do. Từ đó ngài quyết định từ bỏ đời sống khổ hạnh, thọ nhận một bát sữa từ người chăn cừu, trầm mình dưới dòng sông Ni liên thiền, gội sạch những vết bẩn bám trên thân ngài từ 6 năm qua.

Sau đó ngài đến Bồ-đề già-da, thuộc nước Ma Kiệt Đà, ngồi kiết già với tâm dũng mãnh phát nguyện: 'Kể từ hôm nay, nếu ta không chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác, thà thịt nát xương tan, quyết không rời khỏi nơi đây'. Tại nơi đây, ngài ngồi thiền suốt 49 ngày đêm, trầm tư thiền quán, kết quả Ngài đã giác ngộ chân lý, trở thành đức Phật.

Chân lý mà Thế Tôn giác ngộ dưới cội cây Bồ đề cùng với những gì mà các tôn giáo ở Ấn độ chứng ngộ và chủ trương hoàn toàn không giống nhau,. Ví như Bà la môn cho rằng tế tự sẽ được sanh Thiên, hay Kỳ na giáo cho rằng tu khổ hạnh sẽ được giải thoát, đó là những trào lưu chủ trương của các tôn giáo xã hội đương thời. Nhưng Ngài lại không chủ trương như vậy, vì nó không phù họp với sự thật. Đó là lý do tại sao Thế tôn than rằng: 'Giáo pháp mà ta chứng ngộ, thậm thâm vi diệu, thật khó hiểu được…do vậy, ta không nói pháp ấy, muốn nhập Niết bàn.’.

Trải qua một thời gian khá đài tư duy về vấn đề làm thế nào để tuyên bố những điều chứng ngộ của Ngài. Cuối cùng, vì để thích nghi từ nhu cầu của con người trong xã hội, cho nên Ngài đã dùng vô lượng phương tiện, vì chúng sanh nói pháp. Dẫu rằng là pháp môn phương tiện, nhưng trong đó vẫn hàm chứa tinh thần hay bản hoài của đức Phật.

Tại vườn Ba la nại lần đầu tiên vì 5 anh em Kiều Trần Như,Ngài vì họ nói pháp Tứ Thánh Đế, Nhân đó Ngài cũng nói lên rằng: 'Các pháp đều từ nhân duyên sanh, cũng từ nhân duyện mà diệt, pháp này gọi là Duyên khởi'.

Sau đó, những người theo ngài tu học càng ngày càng đông, cho đến 1.250 người, cho nên Ngài đã tổ chức thành tăng đoàn.

Sau khi thành đạo, ngài vì chúng sanh nói pháp trải qua thời gian gần 50 năm, Phật pháp truyền đi khắp vùng sông Hằng. Trên con đường hoằng hóa đức Phật từ nước Ma Kiệt Đà đến Tỳ xá Ly, rồi dần dần đến Câu Tát La…Ngài thọ nhận sự bữa cơm cúng dường lần cuối là Thuần Đà, người được Ngài giáo hóa cuối cùng là Tu Bạt Đà La. Dưới cây Ta la song thọ, ngài vì đệ tử dạy những lời cuối cùng: 'Từ nay trở về sau, các người y theo những lời ta giảng dạy mà hành trì, những lời ta dạy là Pháp thân thường trụ ở đời'. Vào lúc nửa đêm ngày 15 tháng 2 âm lịch, năm ấy ngài 80 tuổi, đức Thế Tôn nhập Niết bàn, một đời giáo hoá của ngài đến đây kết thúc. Sự nhập diệt của Thế Tôn là nổi buồn cho nhân loại, giống như ngọn đèn hải đăng đã tắt, hình bóng đó chỉ còn lưu lại trong lòng của mỗi người Phật tử chúng ta, nổi bi thương và tưởng nhớ thật vô biên !

2. Thân mạng của đức Phật

Phật giáo là một tôn giáo đặc biệt chú trọng vai trò lý trí. Như thế chúng ta không nên làm mất đi đặc tính đặc thù này của đức Phật dưới tư cách là vị đạo sư của loài người, lại không thể chuyển đổi một Tôn giáo đề cao trí tuệ thành một Tôn giáo đề cao vai trò tín ngưỡng mang tính huyền bí. Nếu chúng ta chỉ đơn giản dựa vào những yếu tố như là: thanh tịnh, thân tướng tốt đẹp viên mãn, yếu tố xuất gia, thành Phật, nhập diệt để hình thành ý nghĩa Phật giáo, điều đó cũng không nói lên được ý nghĩa tôn giáo của Ngài.

Là một người Phật tử thuần thành và chân chánh, cần phải nắm rõ lý do nào mà đức Phật có được sự sùng kính của con người, chính là lòng từ bi và trí tuệ của Ngài, cho nên gọi ngài là Phật. Chỉ có ở đây và con người mới có thể thành Phật, mới có thể hoàn thành nhân cách một vị Phật. chính vì vậy mà chúng ta mới nuôi dưỡng lòng tin và ước muốn trở thành một vị Phật như Ngài. Con người vốn có hai yếu tố lý trí và niềm tin, bắt nguồn từ hai yếu tố này mà con người đi tìm chân lý và tự do. Đó là mục tiêu của Phật giáo ở tại thế gian.

Sở dĩ Ngài được gọi là Phật (Buddha), vì Ngài có khả năng như thế nên gọi Ngài là Phật, tức là sinh mạng và thể tánh của Ngài. Như trong kinh nói: “Người nào thấy được Duyên khởi là người ấy thấy pháp, người nào thấy pháp người ấy thấy Phật”, đây là pháp thân của Phật. Tại sao một vị  sa môn Cù đàm tu khổ hạnh được mọi người tôn xưng là Phật? Điều này chắc chắn không phải Ngài là vị hoàng tử xuất gia, tu khổ hạnh, hoặc nói pháp, mà yếu tố chính Ngài là người đã giác ngộ. Giác ngộ chân lý của nhân sinh là pháp Duyên khởi. Bản chất của pháp Duyên khởi là chỉ cho chúng ta thấy: sự tồn tại của các pháp đều do nhân duyên, không có pháp nào mang tính thường hằng, độc lập tồn tại, hay tự nhiên mà sanh. Tất cả mọi pháp đều có quy luật chung là đầy đủ nhân duyên thì sanh, hết nhân hết duyên thì tan rã, là sự tồn tại trong mối quan hệ mật thiết. Đức Phật khi thực hành thiền định, với trí tuệ Ngài thấy được sự huyễn hóa của tính duyên khởi mà chứng ngộ sự tịch diệt của duyên khởi. Chính vì Ngài đã thành tựu sự giác ngộ này, cho nên thế nhân gọi Ngài là Phật. Thế thì, nếu như chúng ta cũng giác ngộ tính sanh diệt của duyên khởi này, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đạt được sự giác ngộ như Phật, được cái gọi là Phật. Đây chính là vấn đề trung tâm của Phật giáo, nếu chúng ta có được sự hiểu biết như thật như Ngài, thì chúng ta không có sự hiểu biết tưởng tượng của chúng sanh.

Để vấn đề được rõ hơn, chúng ta lấy một ví dụ để thuyết minh. Nếu chúng ta đứng hai bên một vật lớn, vật đó ngăn cách chúng ta không thấy nhau. Vật này vốn là tướng hòa hợp của duyên khởi, nhưng chúng ta lại xem nó là một vật chân thật. Đây chính là cái làm cách ly giữa hai người. Giả sử tuệ nhãn của chúng ta so với tia laser còn sáng hơn, thì đối với vật cách này, không đủ sức làm chướng ngại, đến lúc ấy chúng ta cũng rõ được thật tướng của nó, không những trí tuệ đôi bên sáng suốt, cùng quan sát tiếp xúc cùng một đối tượng, đến một trình độ không còn thấy bỉ thử, có thể cùng thấy nhau. Đây gọi là ‘tâm tâm tương ấn’, có nghĩa là tâm mình cảm nhận được tâm của người, cùng mười phương chư Phật có chung một tỷ căn để hít thở. Là người Phật tử, cần phải sống bằng ‘văn tư’, (là sự học tập và tư duy) để có được chánh kiến, thấy được pháp duyên khởi này, đây chính là niềm tin chân chính, sự biết và thấy như Phật.

Nếu như chúng ta sử dụng định tuệ để quan sát các pháp, chúng ta sẽ chứng ngộ và thấy Phật. Khi đức Thế Tôn còn tại thế, có lần Thế tôn tham gia đại hội, mọi người đều muốn gặp Phật. Lúc bấy giờ ngài Tu Bồ Đề ngồi bên triền núi trầm tư. Ta có nên đi gặp Phật không? Do duyên khởi như vậy mà Phật nói: “Người nào thấy pháp Duyên khởi thì người ấy thấy Phật.

Tại sao chúng ta không quán pháp duyên khởi? Phật quan sát tất cả pháp đều do duyên khởi sanh, đều mang tính vô thường diễn biến. Do quan sát thấy rõ các pháp là vô thường, nên thấu rõ các pháp vốn là không tánh, do đó thể nhập pháp tịch diệt của cảnh giới bậc Thánh. Lúc bấy giờ Thế tôn với người đến gặp Ngài nói rằng: Ông cho ông là người gặp ta trước phải không? Không phải như thế, Tu Bồ Đề chính là người trước tiên thấy ta. Đây là một trong những phương diện để gọi ngài là Phật.

Trong kinh nói: Giải thoát giới kinh thị nhữ đại sư. Câu này có nghĩa: “Kinh giải thoát giới” là vị thầy cao cả của chúng sanh. Lại nói: Năng cúng dường tăng, tức cúng dường ngã dĩ. Nghĩa là: Cúng dường chúng tăng là cúng dường Phật. Đây là tuệ mạng của đức Phật, hay nói cách khác là sinh mạng của Phật.

Sự tồn tại của đức Phật là sự tồn tại trong tập đoàn sinh hoạt của tăng già, có tăng tức có Phật. Căn cứ từ điểm này, chúng ta thấy đức Phật là người vĩ đại. Sự vĩ đại của Ngài vượt ra ngoài sự suy nghĩ của con người. Pháp tánh duyên khởi là pháp tắc trọng yếu của vũ trụ và nhân sanh. Thế thì việc tu dưỡng thân và tâm của chúng ta, chính là ý nghĩa "cộng tồn". Tất cả sự tồn tại đều không thể tương phản pháp tánh duyên khởi này. Nói một cách khác là, thế và xuất thế gian không thể có nguyên tắc thứ hai, do vậy cần y cứ theo đó mà phụng hành. Bản chất của Phật pháp là bình đẳng, không có giai cấp, tự do không áp chế, tập thể không phải cá nhân. Từ bản chất của đức Phật là nội dung giác ngộ của pháp duyên khởi, nó trở thành yếu tố sống một cách sinh động, được biểu thị qua tập thể của tăng già, do sự tồn tại của tăng già mà nó được tồn tại. Sự tổ chức của tăng đoàn, có thể nói là sự biểu hiện một cách cụ thể của pháp tánh. Do đó sự tồn tại của Phật pháp không phải do sự tồn tại tự viện, Phật tượng, kinh điển, các hình thức…, mà sự tồn tại đó tùy thuộc vào yếu tố có thể hiện được bản hoài của đức Phật, và sự thanh tịnh của Tăng già hay không. Vì tăng có trách nhiệm hoằng dương Phật pháp, không phải là sự vĩ đại của cá nhân, cũng không phải là một người ẩn cư trong rừng sâu. Vấn đề gia đình hóa, thương nghiệp hóa là sự xuất Phật thân huyết, cùng với Phật pháp không quan hệ gì.

Duyên khởi tánh là pháp thân của Phật, sự hòa hợp của chúng tăng là tuệ mạng của Phật. Trong đức Phật có khả năng như thế, nên gọi ngài là Phật, toàn bộ thân và tâm của những đệ tử của Phật tác thành tánh chất của Phật.

3. Ân tình của Thế tôn đối với cố quốc

Thế tôn là người có tư tưởng quốc tế hóa. Quốc tế hóa không đồng nghĩa dùng vũ lực đi xâm chiếm kẻ khác, là việc Thế tôn không đồng tình. Ngài từng phát biểu: Chiến thắng càng thêm nhiều thù oán. Người chiến bại không ngủ yên, kẻ chiến thắng lòng them kêu ngạo, do vậy thắng bai đều nên từ bỏ, giấc ngủ thật an vui. Đây là lời giáo huấn rất nổi tiếng của Thế tôn đối với kẻ xâm lược. Giả sử căn cứ điểm này mà nói rằng, đức Phật xem nhẹ quốc gia dân tộc, để cho nó bị nô dịch, bị tàn sát, đó là suy nghĩ rất sai lạc, chúng ta có thể thảo luận mối quan hệ Thế tôn sau khi xuất gia và trách nhiệm của ngài đối với quốc gia dân tộc.

Tổ quốc của Thế tôn là nước Ca-tỳ-la, nó giàu có và cường thịnh như thế nào? Theo sự ghi chép trong sử liệu Phật giáo, hiển nhiên là sự biên chép quá phô trương. Trên sự thật, nước Ca-tỳ-la đương thời, từ rất sớm đã bị phụ thuộc nước Kiều-tát-la của vua Ba-tư-nặc. Có lúc vua Ba-tư-nặc cầu hôn với dòng tộc họ Thích của nước Ca-tỳ-la. Vấn đề này, mọi người đều cho rằng, Ba-tư-nặc vốn không phải là họ Thích, nhưng không dám từ chối. Kết quả, Kiều Trang là một tỳ nữ, giả mạo làm Thích nữ để chịu hôn. Việc này, chúng ta chỉ cần nghĩ đến Di nữ nhập Ngô của Tề Cảnh Công, Tông nữ Hòa Phan của thời Hán Đường, thì chúng ta có thể suy ra và hiểu rõ tình hình nước Ca-tỳ-la lúc bấy giờ. Ấn độ vào lúc ấy, là thời đại tranh giành chiếm thuộc địa của hai cường quốc Kiều-tát-là và Ma-kiệt-đà. Ca-tỳ-la là nước rất nhỏ hẹp nằm về phía Bắc nước Ấn. Trước tình hình chính trị của hai nước lớn tranh giành chiếm thuộc địa, điều đó trở thành nổi âu lo cho nước Ca-tỳ-la là sự thật không thể tránh khỏi.  Hơn nữa Ca Tỳ la vốn là một bước nhỏ bé, quân lực lại yếu, lại không tự tin, khi thấy quân lính của nhà vua Tỳ-lưu-ly vây hãm cung thành, thì lập tức thành Ca-tỳ-la bị khống chế, không thể chống cự. Trước tình hình như thế nên giải quyết như thế nào? Hòa hay chiến ? nếu đầu hàng thì nhân dân thành Ca Tỳ la chắc chắn phải chịu sự tàn sát của địch quân. Tình hình của đất nước Ca Tỳ La như thế, Thế tôn không phải là người không biết, không phải Ngài không có tinh thần đối với quốc gia dân tộc, nhưng cách giải quyết của Ngài không như các nhà làm chính trị, Ngài đã dùng một con đường khác để giải quyết, con đường đó chính là động cơ chủ yếu khiến Ngài để trở thành một người xuất gia.

Tình thương của Thế tôn đối với mọi người như con ruột, nhưng trước tình hình các nước lớn xâm chiếm nước nhỏ, cùng nhau tranh giành, tương tàn tương sát là tình trạng bi thảm, không những hại nước mà còn hại dân. Điều này không giới hạn chỉ có nước Ca-tỳ-la, mà còn nhiều nước khác nũa, không chỉ có nước Ca-tỳ-la mong muốn sự hòa bình, yêu cầu chánh nghĩa và sự giúp đỡ mà còn biết bao nước khác cũng mong muốn như vậy. Đây là điều khiến Thế tôn đau lòng trước sự tàn sát với nhau của chúng sanh. Trước tình trạng đất nước và nhân tình như thế, Ngài phải tìm một con đường bình an hạnh phúc là nhu cầu hết sức cấp thiết. Có lẽ do nguyên nhân này, mà Thế tôn sau khi chứng đạo, đề cao con đường giải thoát, con đường đó dĩ nhiên có liên hệ đến con người và xã hội mà chúng ta đang sống. Có thể nói, đây là quan điểm rất đúng, tất nhiên phải tịnh hóa thế gian, Thế tôn chủ trương bình đẳng giữa các chủng tộc, nhằm xóa bỏ những vấn đề đối lập, khinh thị giữa các chủng tộc, nhất là sự cưỡng bức một cách phi pháp. Phê phán sự tàn sát của kẻ xâm lược, cổ vũ tinh thần hòa hợp không chiến tranh và hận thù. Không những chỉ có thế, ngoài ra Ngài còn tổ chức một đoàn thể tự do sinh hoạt trong tinh thần hiểu biết và bao dung, cũng là một chủng tộc tự do mang tính xã hội.

Tư tưởng sống trong tinh thần hòa bình của Ngài, nhiều ít gì cũng có ảnh hưởng tốt đến tính phân tranh của xã hội Ấn đương thời, có thể nói đây là sự giúp đỡ rất có hiệu quả. Những hoạt động này, xuất phát từ góc độ tôn giáo mang tính luân lý thực tiễn, luôn luôn gắng liền với thế gian, nhất là những vấn đề tổ quốc của ngài. Tin tức về vua Tỳ-lưu-ly đem quân tấn công thành Ca-tỳ-la truyền đến toàn thể sống tự do vì mục đích giải thoát, tức là đoàn thể tăng già của đức Phật. Có người đề nghị với đức Phật rằng, đem thực lực của tăng đoàn giúp đỡ Ca-tỳ-la. Từ truyền thuyết này, chúng ta suy đoán, có thể có sự kiện này xảy ra. Tuy nhiên, chịu sự hạn chế phong trào thời đại về việc khổ hạnh yếm ly, không thể thực hiện sự giúp đỡ có hiệu quả, nhưng cuối cùng Thế tôn đã dùng tinh thần đại bi vô úy, xuất hiện trước đại quân của vua Tỳ-lưu-ly, dùng đạo lý để cảm hóa nhà vua . Trên sự thật thì như thế này: Khi quân đội của của Tỳ-lưu-ly đi ngang qua đại lộ, Thế tôn an nhàn ngồi dưới gốc cây xá di khô trơ trụi, không có cành lá. Vua Tỳ-lưu-ly nghe Thế tôn ở đó, liền đến lễ lạy và thăm hỏi. Thật sự vua không rõ dụng ý của Thế tôn một mình ngồi dưới gốc cây khô để làm gì, cảm thấy cũng thật ly kỳ. Nhân cơ hội này, Thế tôn nói với vua rằng, tôi hiện nay không có người thân thiết, một mình như thân cây khô trơ trụi này. Vua Tỳ-lưu-ly nghe đến lời này rất cảm động bèn ra lịnh thối binh. Theo truyền thuyết, thời gian mà giòng họ Thích bị tiêu diệt, Thế tôn buồn khổ mấy ngày. Đây là một vài sự kiện tượng trưng của Thế tôn đối với quốc gia dân tộc. Từ lập trường Phật ở nhân gian nghiên cứu, đức Thế Tôn tuy là người xuất gia, nhưng không có thái độ không quan tâm đến sự thịnh suy của tổ quốc và sự đau khổ đói nghèo của dân tộc. Thế thì mẫu chuyện ân tình của Thế tôn đối với tổ quốc là một mẫu chuyện khá lý thú. Những gì Thế tôn chỉ dạy hàng đệ tử của Ngài, phải chăng Ngài khuyên các hàng đệ tử của Ngài cần quan tâm đến sự tồn vong của đất nước nền độc lập của dân tộc và sự tự do hạnh phúc của những người dân của họ. Quan điểm này có người cho rằng, là người xuất gia tu học Phật pháp không nên quan tâm đến sự tồn vong của quốc gia dân tộc. Quan điểm của những người này, dù họ có tu như thế nào, chứng đến quả gì đi nữa, không thể không nghi ngờ họ là kẻ phản đồ của đức Phật của chúng ta.

4. Xuất gia là người càng gần gũi nhân gian

Sự xuất gia của Thế tôn thường bị người bên ngoài, là những hạng người học giả tiểu thừa ngộ nhận cho Ngài là người tiêu cực yếm thế. Thật ra, động cơ chính khiến Thế tôn xuất gia, không chấp nhận sự nhẫn tâm cùng nhau sát hại một cách tàn khốc, cũng không chấp nhận người nông dân tay lấm chân bùn mà cơm không đủ ăn, áo mặc không đủ ấm, những quan điểm tư tưởng này chúng ta có thể tìm thấy trong “Phật Bổn Hành Kinh”. Nếu chúng ta căn cứ đạo lý của pháp duyên khởi được Thế tôn đề xướng, chúng ta cũng có thể hiểu được điểm này. Lão bịnh tử ưu bi khổ não và sanh là 8 điều khổ của con người, không chỉ có thế mà sự đau khổ của con người cũng được xuất hiện ngay cả khi con người tiếp xúc với xã hội, con người tiếp xúc với tự nhiên.v.v… đây đều là đối tượng Phật giáo quan sát tìm hiểu, để cống hiến cho mọi người phương pháp thích hợp để giải quyết nổi khổ đau của con người. Nếu không thấy rõ ái là nguồn gốc, sanh ra sự khổ đau, điều đó có nghĩa là ái và thủ xuất hiện. Ái là sự tham luyến sinh mạng cùng sự chấp trước đối với tất cả tài vật. Thủ là sự phát huy lòng ái dục về tự ngã, là yếu tố chính để phát sinh sự cạnh tranh giữa người này với người nọ, giữa gia đình với gia điình, giữa quốc gia với quốc gia, vì mong muốn chiếm đoạt thành cái của mình. Trong kinh đề cập đến ‘ái và thủ’, là muốn nói đến nhân loại vì có ái thủ nên có sự mong cầu. Mong cầu mà không được liền phủ nhận hay hoài nghi giá trị về sự nổ lực làm việc của con người, cho nên dẫn đến tín ngưỡng, tin tưởng vào Thượng đế có khả năng ban bố ân huệ cho con người, đó là chủ trương ‘vô nhân luận’ (học thuyết chủ trương  không có nhân duyên) hay ‘túc mạng luận’ (học thuyết chủ trương đều do kiếp trước định đoạt). Nếu như mong cầu mà toại ý, thì phải cất dấu, nếu như lỡ bị mất, đau khổ không lường, giống cá phơi trên bãi cát nóng. Vì nhân loại lấy ái dục làm gốc, cho nên giữa cha mẹ anh em cùng nhau tranh đấu giận hờn, cùng nhau chê bai trách móc. Tình trạng này càng ngày càng phổ biến, nó cũng là động cơ giữa quốc gia này với quốc gia khác tranh đoạt xâm chiến, từ đó mới có sự khổ đau về người chết hay bị thương tật vì chiến tranh, những nổi khổ vì lòng tranh giành không làm sao kể cho hết. Thế thì, những nổi khổ mà Phật giáo đưa ra, không giới hạn chỉ có lão và tử.

Muốn giải quyết những thống khổ này, cần phá trừ ái thủ của tự ngã, chúng ta phải cải đổi những hành vi sai trái của thâm tâm. Khi thân tâm của con người đã được cải thiện, thì đó là nhân tố cho sự tiến bộ của xã hội, muốn giải quyết một cách căn bản là cần phải xuất thế. Thế gian và xuất thế gian không phải là vấn đề tương phản đối nghịch với nhau. Sự cải thiện và tịnh hóa thế gian, chắc chắn không phải là sự chướng ngại cho sự giải thoát của tư tưởng xuất thế gian, ngược lại cũng giống như vậy. Một số học giả chú trọng mặt triết học tư biện một cách thuần túy, tách thế gian ra khỏi xuất thế gian, quên đi sự tu tập đoạn trừ ái và thủ của thế gian. Do đó, những người này,  không hiểu được đặc tính quan trọng của việc nhờ vào nhân tố của con người (thế gian) mà thành đạt sự giải thoát giác ngộ, là yếu tố xuất thế gian..

Thế tôn là con của vị vua nước Ca-tỳ-la, được nuôi dưỡng trong hoàng cung, hưởng thọ ngũ dục, đây không phải là sự tôn vinh hạnh phúc. Dưới cái nhìn của Thế tôn, đây là sự bất hạnh bi ai của con người. Đó là lý do tại sao Ngài  rời khỏi cung điện, để hoàn thành mục đích cao cả là sự giác ngộ và giải thoát, đây mới đích thực là con đường nhập thế của Ngài. Những gì thuộc về tự nhiên cuối cùng nó cũng trở về với tự nhiên, tất cả đều trở về chỗ cũ của nó. Cái mà chúng ta tranh giành chiếm đoạt, tạo thành của riêng tư thuộc về tự ngã đó, nó có thể giúp cho mình thành đạt mục đích tự do và giải thoát không ? Đây là tinh thần nhất quán trong đạo Phật. Khi Thế tôn còn tại thế, giáo hóa chúng tăng và được mọi người sùng kính tôn trọng, nhưng Thế tôn lại dạy như thế này: ‘Tôi không có khả năng lãnh đạo chúng tăng’. Không muốn làm người thống trị, vì đức Phật là người thực hành và hiểu rõ giáo lý duyên khởi hơn ai hết. Sự việc mà Ngài giúp cho Tỳ kheo bị bịnh giặt y áo, giúp cho Tỳ kheo mù mắt cất y bát, biểu thị lòng từ mẫn và bao dung. Điều này đủ để chứng minh câu nói của Ngài là chân thật. Thế tôn không chỉ là người thân cận vua quan, tể tường, học giả, mà còn là người gần gũi của tất cả mọi người. Ngài là bậc đạo sư có lời khuyên trung thực nhất. Những đệ tử của Ngài có người làm vua, đại thần, hoàng hậu, làm cung phi mỹ nữ, cũng có người làm kỷ nữ hay nô tỳ.v.v…, ngoài ra cũng còn có những học giả nổi danh nghiên cứu 4 bộ Veda và 18 đại kinh, nhưng cũng có người học chỉ một câu kệ đến 3 tháng vẫn không thuộc; cũng có những bậc kỳ cựu trưởng lão tướng mạo oai nghi, cũng có những người đồng tử vui đùa nhảy nhót. Bước chân hoằng hóa của ngài đã dẫm khắp vùng, dọc theo hai bờ sông Hằng. Thử hỏi bạn cho Ngài là người tiêu cực yếm thế hay người tích cực ? Thế tôn vì chân lý và tự do, sống cuộc đời đạm bạc, nhưng niềm vui của Ngài ở trong chánh pháp. Ngài kham nhận tất cả sự hủy bán của người ngoại đạo, nhưng không vì thế Ngài sân hận, ngược lại tâm của Ngài luôn luôn có lòng từ bi và vô úy, nhờ vậy mà Ngài chiến thắng tất cả. Trước khi nhập diệt, Ngài vẫn còn giáo hóa Tu-bạc-đà-la, một cách nhiệt tình dạy dỗ đệ tử. Thế thì có phải Ngài là người ruồng bỏ thế gian không? Ngài là người yếm thế chăng? Sự xuất gia của Ngài chỉ có mục đích, vì muốn giải quyết sự thống khổ của chúng sanh, đặc biệt là con người, vì chân lý và tự do của nhân loại, để nhân loại có cuộc sống tốt đẹp hơn; Ngoài mục đích này không có mục đích nào khác, cũng không mưu cầu gì cho cá nhân chính Ngài. Trong lịch sử nhân loại, có ai bằng Thế tôn có quan điểm gắn chặt với thế gian ?

Câu nói: Vì gia đình mà quên đi một người, vì thôn xóm mà quên đi một nhà, vì đất nước mà quên đi một thôn, vì thân mà quên thế gian. Ở đây,. ‘vì thân’ không phải vì một người; Quên đời không phải là ẩn cư trong rừng núi. Vì thân mà quên đi thế gian, có nghĩa là vì sự sanh tồn của quốc gia dân tộc không làm chuyện thất đức, cần phải vì quốc gia dân tộc làm những việc cao cả.. vì sự giác ngộ giải thoát cho chính mình, cần hy sinh tình cảm riêng tư. Đây chính là ý nghĩa vì tự thân mới có thể vì đại chúng, quên mình mới thật sự là tinh thần nhập thế mang tính tích cực.

5.  Phật vốn ở nhân gian bị xem thành Thiên giới

Thế tôn là một vị Thầy rất từ hòa và bình đẳng, đối với những vị Tỳ kheo đã đoạn trừ lậu hoặc và thanh tịnh đều gọi chung là A la hán là quả vị tối cao mà ngài đã chứng. Trong cuộc sống, mấy ai lại đề cao người khác như thế. Nhưng những hoạt động vĩ đại của Thế tôn thể hiện tinh thần đại trí đại bi đại tinh tấn, trên thực tế những việc mà Ngài làm còn siêu việt hơn thế nữa. Đức tánh vĩ đại và cao khiết, với trí tuệ uyên thâm của Ngài, chính nhờ định tuệ này mà Ngài có được năng lực siêu việt, đặc biệt những việc làm trong quá khứ mang tính tự lợi và lợi tha được miêu tả trong “Bổ Sanh đàm”, điều đó đã hiển lộ bản lai diện mục của Phật. Đây là những hoạt động vĩ đại trong sinh mạng vô hạn của Ngài, không ngừng truyền trao cho những đệ tử, khiến cho hàng đệ tử Thanh Văn không thể không thừa nhận sự vĩ đại của Ngài. Có lẽ cũng chính vì vậy mà Thế tôn được người đời tôn xưng là ‘Thập lực đại sư’, cùng những bậc đệ tử Thinh văn không giống nhau. Có câu: Người nhân nghĩa thì muốn gặp người nhân nghĩa, kẻ thông minh thì muốn gặp kẻ thong minh (Nhân giả kiến nhân, trí giả kiến trí). Do vậy, trong lòng của những đệ tử của Ngài, hình ảnh đức Phật chắc chắn cũng có những cái nhìn khác nhau về ngài.

Trong Phật giáo, có khá nhiều quan niệm về đức Phật, nhưng quan niệm chính xác là Phật ở nhân gian, nó mang ý nghĩa đức Phật vốn là con người, điều đó cũng có nghĩa con người có thể thành Phật. Trong kinh Phật nói: Khi Như lai còn ở thế gian, ngài không nói "có" cũng không nói "không", sau khi Như lai nhập Niết bàn Ngài cũng không nói "không" cũng không nói "có" (Như lai tại thế gian, bất ngôn hữu dữ vô; Như lai Niết bàn hậu, bất ngôn hữu dữ vô).

Là người có chánh kiến, khi tiếp xúc đến vấn đề sanh mạng của Phật, tất nhiên phải có sự hiểu biết thâm sâu và chính xác, không nên có cái nhìn phi thực tế hay tưởng tượng. Nhưng đối với kẻ dung tục đã quên đi Phật thân vô lậu, cho rằng cuộc sống của Ngài với chúng ta giống nhau. Cái vĩ đại của đức Phật là công đức, nhưng họ đã quên đi lời giáo huấn của tôn giả Xá lợi Phất về Ngũ phần pháp thân bất diệt, (tức giới, định tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, 5 pháp thân này không bị mất), do đó nói, Công đức đầy cả Tam giới, ngọn gió vô thường không thể phá hoại. Cho rằng sự nhập diệt của Phật là sự hoại thân diệt trí (thân và mạng không còn). Những quan niệm về đức Phật như thế là sự tưởng tượng của những hạng người yếm thế tu khổ hạnh. Quan niệm chính xác về đức Phật không phải là như thế. Trong “Bốn sanh đàm” biểu thị cho thấy, đức Phật là vị Bồ tát thực hành Bồ tát đạo, cùng với cái biết của người thế tục không giống nhau. Bồ tát là người đã đoạn phiền não, vượt qua khả năng của những người Thinh văn. Do đó, quan niệm đúng đắn về đức Phật là vị bồ tát chứng vô sanh pháp nhẫn, tuy rằng tùy căn cơ mà làm lợi ích cho chúng sanh, nhưng khi ngài thành Phật vẫn ở tại nhân gian. Như trong kinh A hàm, Phật nói: Chư Phật Thế tôn đều là con người sanh ra từ nhân gian, cũng từ nhân gian mà thành Phật, không phải từ trên trời mà thành Phật (Chư Phật Thế tôn, giai xuất nhân gian, bất tại thiên thượng thành Phật giả). Trong thời Đại thừa kinh điển cũng nói như thế. Chính xác về đức Phật không thể tách khỏi nguyên tắc này. Nhưng trên thực tế, thật khó để mô tả về đức Phật như thế cho chính xác, lại nghĩ rằng: Bồ tát chứng vô sanh pháp nhẫn tức thành Phật. Nhưng có người không cho như thế. Thế Tôn đã thành Phật từ lâu, đức Phật trong hiện tại chẳng qua là vấn đề thị hiện. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, Như Lai thọ lượng vô biên không có hạn lượng. Ý kiến này được xuất hiện khá sớm có từ thời kỳ Tiểu thừa bộ phái. Từ rất sớm đức Phật đã được thành Phật. Thành Phật ở đâu ? Ở nhân gian. Nếu như thế thì quá bình thường chăng ? Nếu không như thế thì Ngài  thành Phật ở trên cõi Thiên chăng ?. Thiên thượng là nơi rất cao, thân tướng viên mãn và to lớn. Cho rằng Thiên thượng thành Phật là chân thật, nhân gian thành Phật chỉ là ‘thị hiện’. Mối quan hệ giữa ‘thiên thượng thành Phật’ và ‘nhân gian thành Phật’ được xem như mặt trăng cùng với ánh trăng trong nước. Vì rằng, Thế tôn thành Phật ở nhân gian, Ngài trải qua 6 năm tu tập khổ hạnh nhưng không thành Phật, bấy giờ ngài không thể không hỏi ý kiến đức Phật ở trên Thiên thượng. Giáo pháp mà đức Phật dạy, Phật là vị đạo sư của nhân thiên, nhưng căn cứ quan niệm này, thành ra Phật thỉnh giáo chư thiên. Đây là tư tưởng điên đảo và nghịch lý.

Có người cho rằng, nếu Phật ở nhân gian là nhân gian Phật, nếu ở cõi thiên là Thiên Phật, có gì đâu mà thắc mắc. Thật đúng vậy. Nhưng có một điều chúng ta cần nhận thức rằng, hiện nay chúng ta là người ở nhân gian, chúng ta phải nhận thức rõ ràng đức Phật ở nhân gian. Chúng ta cần phải xác định đức Phật là nhân gian, là để chúng ta từ bỏ những suy nghĩ hoang đường. Lý giải Phật ở nhân gian là sự thật, nó giúp ta có cái nhìn đúng đắn có chánh kiến về đức Phật. Nếu đức Phật từ vị trí con người mà thành, do vậy không nên có những ảo tưởng về Ngài, rõ ràng tư cách của Phật, để tìm hiểu sự thể nghiệm của Ngài, cũng là cách giúp chúng ta hiểu đúng nghĩa về đức Phật xuất thế. Thật ra đức Phật ở thế gian và xuất thế gian là hai khái niệm không có gì chướng ngại, chẳng qua ý nghĩa Phật ở nhân gian là muốn giải thích Phật do con người mà thành, còn Phật xuất thế gian là ý đề cập đến công đức tu tập của Ngài, đây là ý nghĩa chân thật về Ngài. Trong sự phát triển của Phật giáo Đại thừa, có đề cập: Y nhân thừa mà phát khởi Đại thừa, và cũng có y thiên thừa mà phát khởi Đại thừa. Dù gì đi nữa chúng ta cũng phải hiểu rằng, nhân gian thành Phật và thiên thượng thành Phật là vấn đề phân định rất rõ ràng. Tại sao đức Phật thành thiên thượng. Thế mà chúng ta vẫn cứ như thế hoan nghinh mời Ngài đến với nhân gian. Người tín ngưỡng nhân gian Phật giáo, nếu Phật không ở nhân gian thì cũng ở thiên thượng, ngoài hai nơi này ra không còn nơi nào khác. Rất mong mọi người cần học và hiểu rõ những lời dạy của Ngài, để chúng ta có quan điểm về ngài chính xác hơn, trong kinh có câu: Chư Phật Thế tôn đều xuất hiện ở nhân gian, không thành Phật tại thiên thượng (Chư Phật Thế tôn giai xuất nhân gian, bất tại thiên thượng thành Phật dã).

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.50

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập