Bát Chánh Đạo: “Mỗi lời là châu ngọc”- Chánh ngữ

Đã đọc: 9181           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Chánh ngữ là lời nói dễ thương, nhẹ nhàng và bình tĩnh. Lời nói có tính chất xây dựng tin yêu, hòa giải và thông cảm giữa người với người. Ta hãy thực tập hơi thở ý thức cho an tịnh lại cõi lòng để soi sáng vào dòng tư duy, bởi vì ngôn ngữ phát ra từ luồng điện của suy tư. Suy tư trong sáng thì ngôn ngữ mới thật sự trong sáng; suy tư dễ thương thì ngôn ngữ mới dễ thương. Trái lại, suy tư đen tối thì ngôn ngữ nặng nề, đắng cay và chua chát.

            Ta không thể nào suy nghĩ một đường mà nói một ngã. Bằng mặt mà không bằng lòng là lối suy tư đen tối, làm như thế sẽ tạo ra sự mâu thuẫn trong tâm hồn ta. Nói theo ngôn ngữ bình dân là ‘có sao nói vậy’, ‘nói toẹt móng heo’. Đó là con người chất phát, chân thật và thẳng thắn. Tư duy có tầm và tứ thì ngôn ngữ có ngôn và luận. Ngôn tương đương với tầm, còn luận tương đương với tứ. Ngôn là nói, còn luận là sự phân tích, chứng minh, mổ xẻ, diễn tả.

        Thế nào là chánh ngữ? Chánh ngữ là không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác và không nói lời thêu dệt.

       Nói dối chính là vọng ngữ, có nói là không, không nói là có, trắng nói đen, đen nói trắng, tức là nói không đúng sự thật. Các bà bán hàng thường hay nói dối nghĩa là nói quá đáng. Giá mười ngàn thì nói tới hai mươi, ba mươi ngàn. Một hôm ở cạnh Hồ Tây, em gái tôi hỏi mua mấy cái giỏ đan bằng mây rất khéo và mỹ thuật. Chị bán hàng có khuôn mặt trong sáng và đôn hậu. Chị ấy bảo: “con xin bán rẻ cho cô bảy mươi lăm ngàn.” Thấy hoàn cảnh tội nghiệp của chị, em tôi mua liền theo giá đề nghị của chị với một niềm tin yêu. Chúng tôi rẽ sang ngã ba đường cái đi vào phố, chỉ khoảng ba mét, chúng tôi gặp một quầy hàng bán toàn là giỏ mây với nhiều kiểu mẫu dễ thương và xinh xắn. Thấy mấy cái giỏ y chang như em vừa mới mua, tôi thử hỏi xem giá bao nhiêu. Chị bán hàng trả lời rằng ‘‘thưa cô, giá hai mươi ngàn đồng.’’ Em gái của tôi nhìn tôi mỉm cười! Chúng tôi vừa mới về thăm quê hương sau hai mươi mấy năm xa cách nên trái tim có rất nhiều thương yêu đối với quê hương và đồng bào. Bởi thế, dù biết người ta nói thách, chúng tôi cũng sung sướng được mua những món hàng quê hương. Chúng tôi mua là vì tình cảm, vì thương xót và cũng muốn chia xớt một phần vật chất của mình cho bà con. Trong trường hợp này, người nói dối không làm cho chúng tôi ghét bỏ và khinh thường, mà trái lại chúng tôi nuôi dưỡng được sự xót thương và chấp nhận trong lòng.

         Nói hai lưỡi tức là nói với người như thế này rồi lại nói với kia như thế kia. Lời nói này thường đưa tới sự chia rẽ và hiểu lầm. Đa số chúng ta muốn được lòng người khác nên nói ngược lại với lời nói ban đầu; lời nói này không đúng với sự thật. Ta có thể nói khéo nhưng không được nói hai lời, hai ý khác nhau hoặc ngược lại với nhau mà phải thống nhất cùng một ý, một lời. Thương nói thương, ghét nói ghét, buồn giận nói buồn giận. Chánh ngữ là nói đúng với sự thật. 

        Lời độc ác là nói to tiếng, thô tục, quát mắng, chửi thề. Lời nói này thường tạo đau khổ, buồn bực và tủi hờn cho người khác. Người nào mang trong lòng quá nhiều sự bực bội, bất mãn và giận hờn thì mỗi khi nói ra, lời nói nghe sao nặng nề, chua chát! Ai nghe cũng cảm thấy ngao ngán và khó thở! Vì thế lời nói là sự biểu hiện của tâm tư và ý nghĩ, cho nên ta phải thực tập suy tư nhẹ nhàng, cởi mở và thương yêu thì lời nói của ta mới thật sự dễ thương.

       Khi nào buồn giận hay bực tức, ta phải thực tập làm êm dịu lại cảm xúc rồi tìm cách chia sẻ để cởi trói cơn giận hay sự bực tức ấy đối với người làm khổ ta. Đó là phương pháp làm mới, tức là ‘‘chia đắng xẻ bùi’’ cho nhau. Xin đừng sợ mất lòng người thương mà tiếp tục tồn trữ quá nhiều nỗi bực bội, khó chịu và bất mãn, vì làm như thế lâu ngày, nó sẽ tạo một khối nội kết như núi lửa đang bị ức chế trong tâm, có ngày nó sẽ bùng nổ và chi phối lời nói của ta. Do đó, ta phải thực tập nói ra những khó khăn thật sự trong lòng và học lắng nghe tâm sự của người thương thì tâm thức mới được thông suốt. Hai cha con ngồi bên nhau để tâm sự một cách cởi mở. Ba ơi! Con đang giận ba lắm. Ba thường hay la con trong khi đó ba cứ bênh cho em hoài. Ba lại hay chê con làm cho con thường có mặc cảm tự ti với chúng bạn. Người cha phải có khả năng lắng nghe con nói, có như vậy người con trai mới không ôm giữ nỗi hiềm hận trong lòng. Bởi vậy, lời nói chính là cửa ngõ truyền thông.

        Ỷ ngữ là lời nói thêu dệt, tức là vẽ vời cho sự việc thêm đẹp gấp bội lần hoặc xấu xa hơn nhiều. Nói như thế, người nghe sẽ cảm thấy câu chuyện thê lương hơn, mỹ miều hơn hoặc hấp dẫn hơn mà không đúng với sự thật. Nhà bà hai có một con quạ đen bay tới đậu ngay ở trên tầng nhà. Bà hơi lo! Không biết gia đình mình có điềm gì xui xẻo hay không nên bà mới đem chuyện ấy kể lại cho bà hàng xóm. Bà này lại kể cho em gái vừa mới tới thăm từ làng cạnh bên nghe về chuyện ấy. Cứ như thế, câu chuyện quạ đen cứ tiếp tục truyền miệng, thay vì một con quạ đen thì nó trở thành một bày quạ đen. 

       Nếu không cẩn trọng, thiếu chánh niệm thì lời nói dễ bị thêm bớt, sai lạc hoặc không đúng với sự thật. Cho nên giới thứ tư trong năm giới là: “Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo các hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết rõ. Con nguyện thực tập lắng nghe với tâm từ bi để có thể hiểu được những khổ đau và khó khăn của kẻ khác và để làm vơi đi những khổ đau của họ. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.” 

        Tóm lại, biết lắng nghe tức là biết nói năng. Biết nói lời dễ thương, nhẹ nhàng, xây dựng tức biết lắng nghe ngôn từ, cảm thọ và tâm tư, cho nên ta hãy nghe cho được cường độ và âm điệu của lời nói. Ta phải chú ý cho rõ ý nghĩa của lời nói và thấy cho được sự thúc đẩy của nó. Tại sao ta nói lớn tiếng như thế? À! Thì ra ta đang bất an, bức xúc và nóng giận. Có khi, ta nói huyên thuyên mà không biết ta đang nói gì. Có lúc, ta nói dối để tâng bốc bản ngã lên với mọi người. Nghe được tiếng nói là hiểu được nội dung của tâm tư và tình cảm. Những lúc như thế, tốt nhất là đừng nói, hãy mở cửa đi dạo một vòng trong thiên nhiên để thở và làm cho tâm tư lắng yên trở lại.

       Phẩm chất của lời nói tùy thuộc rất nhiều ở nội dung của tâm thức. Nếu tâm ta có quá nhiều tà kiến, giận hờn, bức xúc thì lời nói nặng nề, hung dữ. Ngược lại, nếu tâm ta an ổn, trong sáng, thương yêu thì lời nói dễ nghe, hài hòa. Nói năng là một nghệ thuật, là phép tu quán sát lựa lời và lắng nghe. Ta hãy thử thực tập bài ca dao này:

     “Lời nói không mất tiền mua

     Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
Trung 24/10/2010 07:42:42
cám ơn rất nhiều!bài viết rất hay,tôi sẽ áp dụng nó rất nhiều trong cuộc sống rất nhiều!
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập