Đêm bừng ngộ

Đã đọc: 3503           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thấy tất cả mọi cảnh trần, nhưng thấy rõ bản chất tất cả hiện tướng các pháp là vô tướng. Nghe hết thảy mọi âm thanh, nhưng thấu triệt bản thể hết thảy sóng âm là sinh diệt theo duyên tụ tán.

Một thí chủ nọ thường đến chùa lễ Phật vào ngày đầu năm, nhiều năm liền thí chủ thấy vị sư trụ trì vẫn mặc bộ cà sa ngả màu lá khô úa cũ kĩ. Thương quá, thí chủ xin phát tâm:

-Bạch thầy, sao thầy không đổi mới y phục cho hợp với trào lưu và thời tiết? Có là bao, con xin cúng dường hết chư tăng trong chùa.

Vị sư cúi đầu, vẫn đều tay quét lá trước thềm:

-Tăng phục vẫn màu hoại sắc không đổi từ hàng ngàn năm qua!

-Con đâu có bắt thầy bỏ tăng phục, con chỉ cảm thấy Phật giáo những nơi khác cũng đã thay đổi màu sắc cà sa để hòa nhập xã hội nên có ý muốn làm đẹp cửa thiền thôi mà!

-Khóm trúc biếc, cụm lan hồng, ly cà phê, chén đậu hũ, chiếc áo đỏ, đôi dép xanh... điểm xuyết cho đời, nó luôn thay đổi theo mùa, rồi xếp vào góc theo thời. Những thứ không màu không vị, không đẹp không xấu, không chuộng không chê... thì còn mãi mãi với thời gian.

Vậy đâu là sự vĩnh hằng đích thực của thế gian?

Ngôn ngữ là phương tiện, nghe nhìn là góp nhặt, suy tĩnh là gạn lọc, và thể nghiệm là chứng biết. Lấy phương tiện mà góp nhặt tinh hoa của vạn pháp giữa trùng trùng duyên khởi, dùng những tinh hoa góp nhặt để suy tư nguyên lí vận hành các pháp trong tâm niệm sinh diệt, bằng trí giác tĩnh chiếu mà khai quang mọi cốt lõi hiện tướng của các hành đã và đang ảnh hiện muôn màu muôn vẻ quanh cuộc sống đầy biến động này. Đại đa số người ta thường chọn giải pháp ngôn ngữ để định hình cho mọi kiến giải, cư xử nhằm trao đổi thông tin; trong khi đức Thế Tôn lại chọn thái độ im lặng trong những bối cảnh hết sức đặc biệt, điển hình như trường hợp im lặng suốt 49 ngày đêm bên gốc cây bồ đề sau hành trình 11 năm dài xuôi ngược tìm chân lý. Lỗi thời chăng? Hay là im lặng để nghe tiếng thét gào từ địa tầng sâu thẳm của tâm thức?

1. Thái độ im lặng 

Im lặng, vì phát hiện ra lời nói không có ý nghĩa trong bối cảnh hiện tại hay chẳng có giá trị với đối tượng. Đôi khi, im lặng để nhận ra sự dối trá của lòng người, và cũng có khi im lặng để chấp nhận mọi phũ phàng của cuộc sống, mong tìm thấy sự thường hằng vĩnh cửu của thế gian.

Im lặng chưa hẳn là đồng nghĩa với không nói thành lời, mà có khi lại lặng lẽ để nói lời vô ngôn:

Đã không là đá nên cười,

Lời không lời đã thành lời ru con.

(Lời ru của mẹ, Y Sa)

Có phải chăng, ngôn từ quá thừa cho một lời bày tỏ và quá thiếu cho ngàn lời phân minh? Khi ngôn ngữ không còn là gạch nối giữa chủ khách thì lặng thinh cũng toát lên triệu lóp âm ba vọng vào tâm thức mọi đối tượng trong đương niệm hiện tiền. Nói gì nữa đây? Nói với ai đây? Không người nỏi,không người nghe. Thật đơn giản, không có gì để nói, không có gì để nghe!

Tự tình với đá lời thiên cổ,

Ô, bất an nào giữa tịch không?

Hư không lặng lẽ há có gì để dung nạp thêm sinh tử mà có an, bất an! Lời tự tình với đá vọng từ ngàn xưa hay nói mãi đến ngàn sau thì cũng là lời vô ngôn. Nói thì được gì? Không nói thi thiệt gì? Được gì hay thiệt gì thì cũng loạn tâm mà thôi, bản thể của tâm vốn tịch tịnh thì đâu cần phải nói để yên, càng không cần cố im để lắng mọi vọng thức. Mây trời ngàn năm vẫn bay kia mà!

Kinh Phật ng[1] ghi: “Nếu có xứ ngữ là ma vương, là ma kiến ngữ, chẳng phải Phật ngữ. Này thiện nam, nếu không tất cả các xứ ngữ, đây gọi là Phật ngữ”.

Ngay trong không gian tịch mịch của đại ngàn, tiếng gió gào sóng vỗ ào ạt muôn trùng, từng ngày trôi qua ngang tâm thức của đức Phật suốt 49 ngày đêm: nhớ rồi quên, có rồi không, động rồi tịnh, hiện rồi mất... Ngài im lặng, thái độ im lặng của bậc trí giả trầm mặc: vững chãi như đá núi vực sâu, lặng lẽ như sóng vỗ đôi bờ, nhẹ nhàng như mây giăng đầu núi, bàng bạc như trăng soi lá biếc... đá núi cần gì biết đang nằm vực sâu hay cheo leo vách thẳng, con nước xuôi dòng nào biết vỗ vào đâu, mây giăng chẳng cố tình vướng đinh núi, ánh trăng nào phân biệt lá biếc hay rêu xanh... vạn vật như nhiên hiện tướng sinh diệt, tâm thức phản chiếu trần cảnh vô cầu. Hay nói khác đi, Ngài im lặng để quán chiếu dòng biến chuyển của tâm thức xuôi về uyên nguyên trước mọi cảnh duyên để mà nghe mà thấy, nghe thấy để mặc nhiên đến đi của tất cả những gì có tên, có tướng trong trời đất vô cùng.

 

2. Thái độ nghe, nhìn 

... Đan sa rã mộng phi thường,

Đào tiên trụi lá bên đường tử sinh.

Đồng hoang mục tử chung tình,

Đăm chiêu dư ảnh nóc đình hạc khô.

(Mộng trường sinh, Tuệ Sỹ)

Thấy tất cả mọi cảnh trần, nhưng thấy rõ bản chất tất cả hiện tướng các pháp là vô tướng. Nghe hết thảy mọi âm thanh, nhưng thấu triệt bản thể hết thảy sóng âm là sinh diệt theo duyên tụ tán. Chính vì thế, các bậc đại sĩ thấy để mà thấy, hoàn toàn không bị cái thấy chi phối; nghe để mà nghe, hoàn toàn không bị cái nghe nhiễu loạn. Thấy bằng tánh thấy thì thấy luôn sóng dậy đầu núi, nghe bằng tánh nghe nên nghe cả tiếng vỗ của một bàn tay.

Thiền sư Linh Vân[2] đời Đường, người Trường Khê, tỉnh Phúc Kiến lấy hình tượng kiếm khách để ký thác bản tâm giác ngộ từ một lần thoáng nhìn hoa đào nở. Bản tâm giác ngộ oai hùng cao cả, vĩ đại vạn lần bởi thể hiện sức mạnh nội tại thuần khiết do thiền định kiên cố. Sức mạnh của nội tâm sâu lắng trong thiền định kiên cố này có năng lực phá tan phút chốc mọi vướng chấp tù hãm tâm thức từ vô thỉ.

三十年來尋劍客.

幾回落葉幾抽枝.

自從一見桃花後.

直至如今更不疑.

 

Tam thập niên lai tầm kiếm khách

Kỷ hồi lạc diệp kỷ trừu chi

Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu

Trực chí như kim cánh bất nghi.

 

Ba chục năm tìm kiếm uổng thôi

Mấy phen lá rụng lại đăm chồi

Từ khi chợt thấy hoa đào nở

Nghi hoặc xưa nay dứt sạch rồi.

(Nguyễn Khuê dịch)

Thiền sư Linh Vân dốc chí bình sinh của mình vào định tâm kiên cố suốt ba mươi năm công phu, dường như còn tư niệm vi tế nào đó nên bao lần thấy hoa đào nở mà vẫn không “nhìn thấy đạo”. Sau, một lần bồng thức tâm vô niệm tuyệt cùng, ngài chợt nhìn hoa đào với cái nhìn vô phân biệt trí, cái nhìn trực kiến chớp nhoáng lao thẳng tới với nhứt như, chủ thể đối tượng nổ tung: bừng ngộ. Nhìn trần cảnh bằng tâm như chính là để đón ánh sáng kì diệu chưa từng có tràn dâng trên tâm thức, xóa sạch biên giới ngăn cách bỉ thử ngột ngạt, năng sở hư ảo, như con chim sẻ bồng chốc hóa thành chim thần vĩ đại bay vọt lên khỏi hang tối u minh, hòa mình cùng vạn dặm trời xanh yên bình. Người ngộ đạo bỗng thấy cả sông kia núi này là từng mảnh xương thịt của mình trong hòa điệu nhứt như không còn phân biệt. Mọi ngục tù ngã chấp phân biệt kiên cố bấy lâu phút chốc tan hoang sụp đổ hết, ngôn ngữ thiền gọi là “đi tới quê nhà” hay “phong quang kiến địa”. Ngài Linh Vân thấy hoa đào mà bừng ngộ là một trường họp cực kỳ hiếm có. Bài học này kết nối từ cái nhìn sâu thẳm của đức Thế Tôn khi ánh sao mai trong xanh chiếu vào mắt mà bừng ngộ.

Kinh Đại thừa lỷ thú lục ba la mật đa[3]có bài kệ:

... Tất cả pháp hữu vi

Như thành càn thát bà

Chúng sinh vọng tâm chấp

Tuy hiện chẳng phải thật.

Hiện tiền tác dụng chuyển

Không có lúc gián đoạn

Biển tạng thức củng thể

Gió cảnh giới dao động

Hằng khởi các sóng thức

Không gián đoạn cũng thể.

Như lạc chưa khuấy đều

Không thể thấy được tô

Ra sức không ngừng nghi

Mới có được đề hồ...

Sức mạnh nội tại của tự tâm chỉ được phát huy diệu dụng khi đối diện với sắc trần chợt nhận ra bản chất “hằng khởi của sóng thức”, không có vọng thức phân biệt thì có gì để nói, có gì để nhìn. Núi vẫn là núi, núi nào biết mình là núi; sông vẫn là sông, sông nào biết mình là sông... núi sông muôn đời vẫn thế!

Thế mới hay, dương trần huyễn mộng nhưng lắm cảnh ngọt ngào. Bừng ngộ tính huyễn mộng của ngọt ngào hay bừng ngộ sự ngọt ngào của huyễn mộng?

Đêm khuya khoắt ai một mình em ạ,

Đứng bên đường nghe mộng rã trên tay.

(Bùi Giáng)

 

Nguồn: Suối Nguồn tập 3 & 4

 


[1] Kinh Phật ngữ 佛語經(No. 832): 1 quyển, Bồ Đề Lưu Chi dịch đời Nguyên Ngụy.

[2] Thiền sư Linh Vân (靈雲禪師):Thiền tăng đời Ngũ Đại, hiệu Chí cần, nối pháp thiền sư Quy Sơn Linh Hựu, trụ núi Linh Vân, Phúc Châu.

[3]Kinh Đại thừa lý thú lục ba la mật 办大乘理趣六波羅蜜多經(No. 261): 10 quyển, đời Đường, tam tạng Bát Nhã dịch.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập