Từ Quy y đến Quy y nhất thừa

Đã đọc: 925           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Quy y hay nương tựa Phật, Pháp, Tăng là pháp tối yếu để người đệ tử Phật đối diện với khổ đau mà không hề khiếp đảm, đối diện với sống chết mà chẳng lo âu, làm lữ khách lên đường mà không hề có cảm giác lạc lõng, bởi vì ở nơi họ đã có sự bảo chứng của an toàn, có con đường sáng để đi và có đích điểm để đạt tới.

Quy y, tiếng Phạn Saranīa, có nghĩa là trở về nương tựa hoặc trở về với sự che chở và cứu hộ.

Nhưng, tại sao con người cần phải nương tựa, cần phải che chở, cần phải cứu hộ? Vì chính trong con người có những chất liệu của sự yếu đuối và sợ hãi.

Yếu đuối trước phong ba bão táp của cuộc đời, yếu đuối trước những cái thương và cái ghét, trước cái được, cái mất, trước những cái khen, cái chê, trước những nỗi sinh ly và tử biệt. Và sợ hãi, vì trước những biến thiên vô tận của cuộc đời mà con người không biết mình là ai, mình là cái gì trong trò chơi thiên diễn dâu bể ấy. Và sợ hãi, vì đứng trước cái sống và cái chết của con người, con người không biết thân phận của mình là gì, mặc dù con người đã có sự chinh phục được thiên nhiên phần nào, nhưng con người đã đầu hàng trước cái chết.

Bởi không chinh phục được cái chết, nên trong sự sống của con người sinh ra hoảng sợ, do đó:

“Loài người sợ hoảng hốt
Tìm nhiều chỗ nương tựa
Hoặc rừng rậm, núi non
Hoặc vườn cây rừng tháp”.[1]

Nhưng với sự nương tựa mơ hồ và hoảng hốt như thế, không có gì bảo chứng cho sự an toàn và hạnh phúc của con người cả:

“Các chỗ nương tựa ấy
Không nương tựa an ổn
Không nương tựa tối thượng
Không thoát mọi khổ đau”.[2]

Và sự nương tựa có thể giúp cho con người thoát ly khổ đau đến nơi an toàn, chính là sự nương tựa Phật, nương tựa Pháp và nương tựa Tăng.

“Loài người nương tựa Phật
Nương tựa Pháp và Tăng
Ở trong Tứ Thánh đế
Thường dùng tuệ quán sát
Biết Khổ, biết Khổ tập
Biết Diệt siêu các Khổ
Biết Đạo tám yếu tố
Đến Niết-bàn an ổn
Nương tựa này tối thượng
Nương tựa này tối tôn
Do nhân nương tựa này
Các khổ đều thoát ly”.[3]

Con người biết quay về nương tựa Phật, Pháp và Tăng đầu tiên là hai vị thương chủ gồm Tapassu (Đế Lệ Phú Sa) và Bhallika (Bạt Lệ Ca).[4]

Hai vị thương chủ này, từ Trung Ấn muốn về phía Bắc, khi họ đi ngang qua khu rừng nơi Đức Thế Tôn vừa mới thành đạo, họ gặp nhiều trở ngại tâm linh khởi sự lo âu, sợ hãi. Bấy giờ giữa không trung họ nghe tiếng nói của các vị thiên thần bảo rằng:

“Này các thương chủ! Quý vị đừng sợ hãi, ở nơi này không có tai họa, không có các ương lụy, quý vị không nên khiếp đảm.Này quý vị thương chủ! Nơi rừng này chỉ có Đức Như Lai, Bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác, mới thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ đề, hiện Ngài đang an trú trong rừng này, kể từ khi Ngài thành đạo đến nay, trải qua bốn mươi chín ngày, Ngài chưa thọ dùng bất cứ vật thực gì.

Vậy, quý vị hãy đem mạch nha, mật, tô lạc để đến cúng dường Ngài, quý vị sẽ được an ổn lâu dài, sẽ có an lạc và lợi ích lớn.”

Quý vị kia nghe vị thiên tthần bảo như vậy, họ liền vâng hành, đi đến chỗ đức Thế Tôn, thấy Ngài, họ sanh tâm cung kính, đảnh lễ, phát khởi niềm tin thanh tịnh và thành kính cúng dường Ngài.

Nhân ở nơi sự cúng dường thức ăn của hai vị thương chủ này, Đức Thế Tôn cũng nhận sự cúng dường bình bát của quý vị Tứ Thiên vương dâng hiến để nhận thức ăn.

Sau khi đức Phật nhận thực phẩm của hai vị thí chủ cúng dường xong, Ngài gọi hai vị thương chủ và quyến thuộc của họ mà bảo rằng: “Quý vị hãy nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng, thọ trì năm giới cấm thì quý vị sẽ được sự an lạc lâu dài, sẽ thâu hoạch được nhiều lợi ích cao quý và rộng lớn.”

Khi nghe Đức Thế Tôn dạy như vậy, tất cả họ đều bạch với Ngài rằng: “Đúng như lời dạy cao quý của Ngài, chúng con không trái”. Họ liền nhận lãnh ba pháp tự quy y, năm giới cấm và họ trở thành những vị cận sự đầu tiên đệ tử của đức Phật.

Bài pháp đầu tiên, đức Phật thuyết pháp cho hai vị thương chủ và thân quyến của họ, trong đó có đoạn nói như sau: “… Muốn được tự lợi và lợi tha cho tất cả, muốn mong cầu có đạo lý để dẫn đường cho thế gian, thì phải nương tựa Phật, Pháp, Tăng; phải phát khởi tâm thực hành chánh tín, vì do tín tâm mà được quả báu tốt đẹp, vì do thực hành được tín hạnh cao quý, rộng lớn mà chứng được giới hạnh khó nghĩ bàn chứng được đạo lý tối thắng vô thượng.

Người thực hành bố thí, có thể chứng đắc quả báo này, họ thấy rõ tính chân thật của toàn thể vũ trụ, và họ có thể chứng đạo, đầy đủ trí tuệ.

Do bậc Thánh có cách nhìn chính xác như vậy nên các Ngài được gọi là các bậc có chánh niệm, mở ra các trói buộc của trần lao, đạt được vô úy, chứng đắc Đại Niết-bàn, giải thoát tất cả các khổ về thế gian, đầy đủ tất cả thiện pháp, nên các bậc Thánh đều ca ngợi pháp này là pháp tôn quý, hoàn toàn không còn sanh, lão, bệnh, tử, diệt tận mọi sầu muộn về oán tắng và ái biệt, các đức Thế Tôn trong mười phương đều ca ngợi niềm vui này, vì đã đến nơi không còn sanh tử”.[5]

Như vậy, quy y hay nương tựa Phật, Pháp, Tăng là pháp tối yếu để người đệ tử Phật đối diện với khổ đau mà không hề khiếp đảm, đối diện với sống chết mà chẳng lo âu, làm lữ khách lên đường mà không hề có cảm giác lạc lõng, bởi vì ở nơi họ đã có sự bảo chứng của an toàn, có con đường sáng để đi và có đích điểm để đạt tới.

Vậy, quy y Phật, Pháp, Tăng hay nương tựa Phật, Pháp, Tăng là gì? Điều này, theo các nhà A Tỳ Đàm Đại Tỳ Bà Sa giải thích như sau:

“Quy y Phật chính là quy y Pháp thân, đó là pháp vô học thành tựu tuệ giác của Phật”.

“Quy y Pháp là quy y Diệt đế đó là pháp Niết-bàn vắng bặt mọi tham ái

“Quy y Tăng là quy y pháp học và vô học tạo thành phẩm chất của Tăng”.[6]

Và, ý nghĩa quy y của các Luận sư Đại Tỳ Bà Sa (Mahāvibhasa) này, lại được Ngài Thế Thân (Vasubandhu) tóm tắt lại trong bài kệ của Luận Câu Xá rằng:

“Quy y thành Phật Tăng
Vô học nhị chủng Pháp
Cập Niết-bàn trạch diệt
Thị thuyết cụ tam quy”.[7]

Nghĩa là: Quy y Phật là quy y Pháp vô học tác thành phẩm chất của Phật. Quy y Tăng là quy y hai loại Pháp học và vô học tác thành phẩm chất của Tăng. Và quy y Pháp là quy y sự an tịnh của Niết-bàn.[8]

Ấy là trình bày đầy đủ ba pháp quy y.

Như vậy, quy y Phật là quy y thể tính giác ngộ của Phật. Quy y Pháp là quy y Niết-bàn và quy y Tăng là quy y Pháp học và vô học tạo thành phẩm tính của Tăng.

Theo Ngài Chúng Hiền (Samïghabhadra) ở trong A Tỳ Đạt Ma Thuận Chánh Lý Luận thì Tăng già sai biệt có năm chủng loại.

  1. Vô Sỉ Tăng: Nghĩa là những con người hủy phạm giới pháp mà vẫn mặc y phục của Tăng, tạo ra tập thể Tăng không có liêm sỉ.
  2. Á Dương Tăng: Những thành viên Tăng đối với tam tạng giáo điển không liễu đạt. Ví như dê câm không có khả năng biện thuyết.
  3. Bằng Đảng Tăng: Những người kết cấu bè đảng dưới hình thức của Tăng, để đấu tranh, kiện tụng, kinh doanh dịch vụ, phần nhiều tạo ra những hành động phi pháp.
  4. Thế Tục Tăng: Còn gọi là phàm phu Tăng, ấy là những thành viên Tăng có phước thiện ở trong phàm phu, họ có những hành động đúng pháp và không đúng pháp.
  5. Thắng Nghĩa Tăng: Tăng là bao gồm những thành viên thành tựu pháp hữu học và vô học, là chỗ nương tựa của mọi người.

Thắng Nghĩa Tăng nhất định không chấp nhận những thành viên tạo ra những hành động phi pháp.

Như vậy, quy y Tăng là quy y Thắng Nghĩa Tăng mà không quy y với bốn loại Tăng kia.

Nên Luận có bài kệ ca ngợi sự quy y này như sau:

“Thử quy y tối thắng
Thử quy y tối tôn
Tất nhân thử quy y
Năng giải thoát chúng khổ”.[9]

Nghĩa là:

Quy y này tối thắng
Quy y này tối tôn
Do nhân quy y này
Các khổ đều thoát ly.

Lại nữa, quy Phật, Pháp, Tăng được Ngài Long Thọ (Nagārjuna) giải thích ở trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận như sau:

“Bất xả bồ đề tâm
Bất hoại sở thọ pháp
Bất xả đại bi tâm
Bất tham lạc dư thừa
Như thị tắc danh vi
Như thật quy y Phật”.[10]

Nghĩa là:

Không bỏ tâm bồ đề
Không hoại pháp được thọ
Không bỏ đại bi tâm
Không ham thích thừa khác
Như vậy mới gọi là
Quy y Phật như thật.

Ở đây, quy y Phật là nương tựa tâm bồ đề và phát khởi tâm ấy để mong cầu thành tựu địa vị toàn giác. Đối với các giới pháp đã lãnh thọ thì không để cho hủy phạm, vì lợi ích chúng sanh mà làm các thiện sự. Đối với tâm đại bi là vì muốn độ chúng sanh thoát khỏi khổ đau mà mong cầu Phật đạo, ngay ở trong giấc ngủ cũng không có lãng quên tâm đại bi ấy. Chỉ có niềm tin sâu xa và duy nhất là hướng đến Phật đạo mà không hướng đến Thanh văn thừa, Duyên giác thừa.

Quy y Phật đích thực là quy y với tất cả tâm nguyện và chí hướng ấy.

Thế thì theo Ngài Long Thọ (Nagārjuna) thế nào là quy y Pháp? Quy y Pháp được Ngài giải thích như sau:

“Thân cận thuyết pháp giới
Nhất tâm thính thọ pháp
Niệm trì nhi diễn thuyết
Danh vi quy y Pháp”.[11]

Nghĩa là:

Gần gũi Bậc thuyết pháp
Một lòng nghe thọ pháp
Ghi nhớ và tuyên dương
Gọi là quy y Pháp.

Ở đây, quy y Pháp là gần gũi vị Pháp sư, Bậc thông hiểu Pháp thâm diệu của Phật, vị ấy có khả năng trình bày diễn đạt nêu rõ thế nào là thiện – ác để hưng thiện diệt ác, đoạn trừ mọi nghi hoặc cho chúng sanh, do đó người muốn quy y phải gần gũi vị Pháp sư để lắng nghe, học hỏi và lãnh thọ Chánh pháp, ghi nhớ và hành trì Chánh pháp không để quên mất, vị ấy luôn luôn chiêm nghiệm nghĩa lý của Chánh pháp để thuận hành.

Sau đó, người quy y Pháp là người vì người khác mà trình bày Chánh pháp đúng như sự hiểu biết, sự hành trì của mình để thành tựu công đức Pháp thí và đem công đức ấy mà hồi hướng về Phật đạo, đó gọi là quy y Pháp.

Và theo Ngài Long Thọ (Nagārjuna) thế nào là quy y Tăng? Ý nghĩa quy y Tăng được Ngài giải thích như sau:

“Nhược chư Thanh văn nhân
Vị nhập pháp vị giả
Linh phát vô thượng tâm
Sử đắc Phật thập lực
Tiên dĩ tài thí nhiếp
Hậu nãi tài pháp thí
Thâm tín tứ quả Tăng
Bất phân biệt quý chúng
Cầu Thanh văn công đức
Như bất chứng giải thoát
Thị danh quy y Tăng
Hựu ưng niệm tam sự”.[12]

Nghĩa là:

Nếu những người Thanh văn
Chưa vào địa vị pháp
Khiến phát tâm vô thượng
Khiến đắc mười lực Phật
Trước nhiếp bằng tài thí
Sau nhiếp bằng pháp thí
Tín sâu Tăng tứ quả
Tăng bảo không phân biệt
Cầu công đức Thanh văn
Không cầu giải thoát ấy,
Đó là quy y Tăng
Lại cần nhớ ba việc.

Ở đây, quy y Tăng là quy y đoàn thể Tăng đệ tử của Phật, đoàn thể này là những thành viên chưa có tính quyết định theo hướng của Thanh văn thừa, hay Duyên giác thừa, do đó phải tạo điều kiện để họ phát tâm vô thượng hướng đến Phật đạo, hay Nhất thừa đạo. Họ là những người có niềm tin sâu xa đối với bốn Thánh quả của Tăng và là thành viên của Tăng bảo.

Tuy rằng, họ cần thành tựu các công đức của hàng Thanh văn như cụ túc về Giới, cụ túc về Định, cụ túc về Tuệ, cụ túc về giải thoát, cụ túc về giải thoát tri kiến, cụ túc tam minh, lục thông, tâm được tự tại, có đại oai đức, xả trừ niềm vui thế tục, vượt khỏi thế giới của ma… Nhưng không cầu chứng giải thoát theo cảnh giới của Thanh văn do các công đức ấy đem lại, mà tâm của họ tin tưởng sâu xa và mong thành đạt đời sống giải thoát vô ngại của Phật.

Như vậy, quy y Tăng là quy y với một đoàn thể đệ tử xuất gia của Phật có tâm chí, có công đức và hạnh nguyện như vậy.

Lại nữa, đã quy y Phật thì phải luôn luôn nhớ đến thể tính giác ngộ của Phật, đã quy y pháp thì phải luôn luôn nhớ đến thể tính tịch diệt của Pháp và đã quy y Tăng phải luôn luôn nhớ đến thể tính thanh tịnh và hòa hợp của Tăng.

Lại nữa, theo Ngài Long Thọ (Nagārjuna) là do nhớ đến Phật đạo mà thực hành bố thí gọi là quy y Phật; do thủ hộ Chánh pháp mà thực hành bố thí gọi là quy y Pháp và do bố thí mà khởi tâm hướng về thành tựu Phật đạo nhiếp phục hàng Bồ-tát tăng và Thanh văn tăng gọi là quy y Tăng.[13]

Theo kinh Thắng Man, quy y Phật hay quy y Như Lai chính là quy y Nhất thừa đạo.

Thắng Man nói: “Như Lai đồng với thời gian vô hạn. Như Lai, Bậc Ứng Cúng, Bậc Chánh Đẳng Giác tồn tại ngang với biên cương của thời gian tận cùng vị lai. Như Lai đồng với vô hạn, đại bi cũng đồng với vô hạn an ủi thế gian. Đại bi vô hạn an ủi thế gian vô hạn, nói như vậy là nói về Như Lai một cách toàn hảo.

Lại nữa, nếu nói rằng, pháp vô tận, pháp thường trú là pháp cho hết thảy thế gian nương tựa, cũng là nói về Như Lai một cách toàn hảo.

Do đó, đối với thế gian chưa được hóa độ, không có nơi nương tựa, thì làm nơi nương tựa vô tận, làm nơi nương tựa thường trú cho đến cùng tận biên cương vị lai, chính Đấng để nương tựa ấy là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác vậy.

Pháp chính là nói về một con đường duy nhất. Tăng là chúng ở trong ba thừa. Hai chỗ nương tựa này không phải là chỗ nương tựa tuyệt đối, chỉ gọi là nơi nương tựa thiểu phần.

Vì sao vậy? Vì nói về đạo pháp Nhất thừa, chứng đắc pháp thân tuyệt đối mà không nói còn có Pháp thân Nhất thừa nào ở bên trên nữa.”[14]

Như vậy, theo Thắng Man, quy y Như Lai chính là quy y Nhất thừa đạo và quy y Nhất thừa đạo là quy y chân lý tuyệt đối. Chân lý tuyệt đối chính là Pháp thân, Pháp thân chính là Như Lai. Từ nơi Như Lai mà pháp được duy trì và biểu hiện, pháp được tuyên dương và từ nơi Như Lai và lý tánh hòa hợp thanh tịnh của Tăng được duy trì và biểu hiện và cũng từ nơi lý tánh của Như Lai mà Tăng đoàn được thành lập.

Do đó, trong Như Lai có đầy đủ lý tánh tuyệt đối của Pháp và Tăng. Bởi vậy, khi mới thành đạo, đức Như Lai đã trao ba pháp tự quy y cho hai vị thương chủ Tapassu và Bhallika đầu tiên trong ý nghĩa quy y Nhất thừa đạo này.

Pháp và Tăng không khác biệt với Như Lai. Chính Như Lai đầy đủ cả ba sự nương tựa. Pháp và Tăng từ Pháp thân của Như Lai mà biểu hiện, nên Pháp và Tăng đồng nhất thể với Như Lai.

Chúng ta có thể là những lữ khách phong trần mãi mê theo cõi sắc thanh, bất chợt đứng đối diện với thác ghềnh sinh tử, ta không biết ta là ai trước khi cha mẹ sinh ra và ta là gì sau khi hình hài này hủy diệt và hoảng sợ nên sinh khởi cảm giác bế tắc, bơ vơ và hoảng sợ. Nên, bấy giờ tăng đoàn xuất hiện như là chỗ nương tựa cho ta, giúp ta thực hành Chánh pháp, tâm ta sinh khởi sự an ổn, tin tưởng và vui sướng, ta sinh tâm nương tựa nơi Pháp và càng thực tập Pháp thì phẩm tính siêu việt của Như Lai ở nơi ta càng ngày càng hiển lộ.

Bây giờ, Như Lai đối với ta không còn là một ước mơ mà là một hiện thực. Một hiện thực của vô tận không gian, vô tận thời gian và vô tận tâm thức, Như Lai không phải chỉ là nơi nương tựa duy nhất mà còn là nơi bảo chứng an toàn tuyệt đối cho ta và cho tất cả muôn loài.

Nên, quy y Như Lai chính là quy y Nhất thừa đạo, quy y Pháp thân thường trú, đó là sự quy y hay là sự nương tựa an toàn tuyệt đối vậy.

Thích Thái Hòa


[1] Kinh Pháp Cú 188.

[2] Kinh Pháp Cú 189.

[3] A tỳ đạt ma đại tỳ bà sa luận 34, tr. 177a, Đại Chính 27.

[4] Tăng Chi bộ kinh1, tr. 34, Phật Học Vạn Hạnh, 1980.

[5] Phật thuyết bản hạnh tập kinh 32, tr. 802, Đại chính 3.

[6] 所 歸 依 者,謂 佛 無 學 成 菩 提 法,即 是 法 身.所 歸 依 者,謂唯 滅 諦,愛 盡 涅 槃.所 歸 依者,謂 成 僧 伽 學 無 學 法. (A tỳ đạt ma Đại tỳ bà sa luận 34, tr. 177a, Đại Chính 27).

[7] 歸 依 成 佛 僧, 無 學 二 種 法, 及 涅 槃 澤 滅, 是 說具 三 歸. (A tỳ đạt ma Câu xá luận 14, tr. 76b, Đại chính 29).

[8] Trạch diệt: Là trong sự tương tục giữ tự và tha, giữa phiền não, hoặc, nghiệp và khổ quả đề là nhất tướng vắng lặng. (Câu xá thính luận 11, tr. 273, Đại chính 29).

[9] 此 歸 依 最 勝,此 歸 依 最 尊,必 因 此 歸 依,能 解 脫眾苦. A tỳ đạt ma Thuận chánh lý luận 38, tr. 557, Đại Chính 29.

[10] 不 捨 菩 提 心,不 壞 所 受 法,不 捨 大 悲 心,不 貪 樂 餘 乘,如 是 則 名 為,如 實 歸 依 佛. (Thập trụ Tỳ bà sa luận 7, tr54, Đại Chính 26).

[11] 親 近 說法 者, 一 心 聽 受 法, 念 持 而 演 說, 名 為 歸 依 法. (Luận đã dẫn).

[12] 若 諸 聲 聞 人, 未 入 法 位 者, 令 發 無 上 心, 使 得 佛 十 力, 先 以 財 施 攝, 後 乃 以法 施, 深 信 四 果 僧, 不 分 別 貴衆, 求 聲 聞 功 德, 而 不 證 解 脫, 是 名 歸 依 僧, 又 應 念 三 事. (Luận đã dẫn).

[13] Tham khảo Thập trụ Tỳ bà sa 7, tr. 55, Đại Chính 26.

[14] Thắng Man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện quảng kinh, tr. 220-221, Đại Chính 12.

Nguồn: https://thuvienphatviet.com

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập