An cư

Thực chất nguyên nghĩa của “an cư” là an kỳ tâm, cư kỳ thân. Một người an định tâm hồn và nơi ở an tịnh cũng được hiểu là “an cư”. Nhưng theo luật học dành cho cộng đồng Tu sĩ, “an cư” có nghĩa là ở yên một nơi trong ba tháng hạ để thúc liễm thân tâm, trao dồi giới đức, tăng trưởng Giới – Định – Tuệ để xứng là ruộng phước cho bá tánh gieo duyên.
“An cư” là ở yên một chỗ. Truyền thống nầy có trước thời Đức Phật, một số ngoại giáo đã áp dụng. Khi Đức Phật thành đạo, Tăng đoàn còn thô sơ, giới luật chưa áp dụng rộng rãi; Lục quần tỳ kheo thong dong tự tại trong mùa mưa, gây nhiều tai tiếng trong tín đồ, dẫm đạp côn trùng và cây cối, trôi dạt y bát, làm mất oai nghi của bậc xuất trần; vì thế, đức Phật đã chế định “an cư” vào mùa mưa để chư Tăng an trú một chỗ, tránh làm tổn hại sinh vật, có thời gian tu tập, tăng trưởng nội lực, sách tấn chuyên cần để hồi hướng cho Tứ ân trọng.
Do truyền thống được duy trì mà trên 2555 năm vẫn tồn tại và được áp dụng hầu hết trên các quốc gia có mặt Phật giáo. Mục đích an cư ba tháng không tiếp xúc bên ngoài xã hội là để trao dồi giới đức, chuyên cần thiền định. Mùa “an cư” được thể hiện tinh thần Lục Hòa trong cộng đồng tu sĩ. Đồng thời trưởng dưỡng nội lực; trao đổi kinh nghiệm hoằng hóa và trãi nghiệm tâm linh. Tuổi Hạ được tính vào những mùa “an cư” của tu sĩ. Một Tỳ kheo trẻ dưới 5 tuổi Hạ không được rời bổn sư hoặc y chỉ sư. Cho dù đủ tuổi Hạ theo quy định nhưng chưa thông hiểu kinh luật cũng chưa thể xa thầy. Một Tỳ kheo đủ 10 tuổi Hạ mới có quyền nhận đệ tử hoặc được làm truyền giới sư.
Thực chất nguyên nghĩa của “an cư” là an kỳ tâm, cư kỳ thân. Một người an định tâm hồn và nơi ở an tịnh cũng được hiểu là “an cư”. Nhưng theo luật học dành cho cộng đồng Tu sĩ, “an cư” có nghĩa là ở yên một nơi trong ba tháng hạ để thúc liễm thân tâm, trao dồi giới đức, tăng trưởng Giới – Định – Tuệ để xứng là ruộng phước cho bá tánh gieo duyên. Lúc bấy giờ, một số tu sĩ hiều theo tinh thần cực đoan, an trú ba tháng mưa nhưng không ai nói với ai lời nào, lúc cần, chỉ ra dấu, bị Phật quở, mục đích an cư không phải biệt chúng mà phải cùng nhau chia xẻ sự hiểu biết và kinh nghiệm tu tập. Từ đó, các trường Hạ thường lập thời khóa tu tập và học hỏi Kinh Luật Luận. Vào thời Phật hiện tiền, sau ba tháng chuyên cần, một số đã chứng đắc từ sơ quả đến Alahan. Cư sĩ cũng chứng đắc một phần Thánh quả. Vì thế theo luật tạng, một tu sĩ không nhập hạ phạm vào tội Đột Kiết La. Trong thời gian Hạ không được vượt ra khỏi phạm vi Hạ đàn. Nếu có duyên sự chính đáng và quan trọng, có thể tác pháp yết ma trước đại chúng hoặc trình bạch với ban chức sự trường Hạ để xuất Hạ với thời gian được ấn định. Thời gian ra khỏi trường hương dưới 1/3 của thời gian ba tháng “an cư”. Nếu vi phạm đuợc coi như phá Hạ mà không được tính tròn tuổi Hạ. Lấy mùa “an cư” làm tuổi của một tu sĩ. Sau ba tháng Hạ, chư Tăng họp lại để tự kiểm điểm hành vi, ý nghĩ của mình, nếu phạm giới sẽ được đại chúng luận tội mà xét xử giúp đương sự tăng tiến trên đường tu tập. Vì thế rằm tháng bảy gọi là ngày tự tứ, kết thúc mùa “an cư”. Cũng trong mùa “an cư”, một số vị Thánh Tăng vượt qua nhiều cám dỗ, thắng chướng duyên đạt thánh quả, hoặc chư Tăng tinh tấn thiền định, tiến tu đạo nghiệp, được chư Phật hoan hỷ tán thán nên gọi là ngày Phật Hoan Hỷ. Sau ba tháng trọn vẹn, không bị một lỗi nào dù là nhỏ, Tu sĩ đó được tưởng thưởng một số điều kiện gia giảm luật lệ tiểu tiết như được thọ thực thêm trước ngọ chính, sắm thêm y hậu, đi lại tự do miễn xin phép, ngủ lại một nơi khi quên đem theo y và được khỏi ăn chung với chúng Tăng. Những ưu đãi nầy được hưởng trọn trong mùa Đông.
Trong luật Tứ Phần quy định “an cư” có thể ở dưới táng cây, trong hang động, trong tư thất, trên thuyền, trong thôn xóm,…nhưng không được ở nơi mất an ninh, nơi gò mã, cây không có táng, nhà lợp bằng da thú…Khai hạ cũng phải được sự chứng minh của chư tôn đức có phẩm hạ cao. Nếu tự ý tụ tập cấm túc mà không được khai giới, xem như không có tuổi Hạ, được gọi là tặc trú. Một tu sĩ không có tuổi Hạ, suốt đời không thể được coi là tu sĩ, không thể làm thầy ai được. Tuy nhiên, tùy hoàn cảnh, không thể nhập chúng, dù một tỳ kheo đủ 5 tuổi Hạ, am tường luật nghi khai-trì-giá-phạm, cũng có thể tự an trú nơi thuận tiện trong mùa “an cư”. Phải cung đối Tam bảo tác pháp “cấm túc”.
Truyền thống Bắc tông khởi đầu mùa “an cư” từ 16/4 a.l đến hết 16/7 a.l hàng năm. Theo Nam Tông thì bắt đầu từ 16/6 đến 16/9 a.l. Sau ba tháng an cư, tháng bảy là mùa báo hiếu và xá tội; hàng cư sĩ nương vào oai lực tu tập suốt mùa “an cư” của Tăng chúng mà dâng cúng tứ sự để hồi hướng phước báu đến cửu huyền thất tổ, mẹ cha quá khứ và hiện tiền.
Ngoài luật “an cư” kiết Hạ, còn có một vài trường phái kiết Đông, Kiết Thu hoặc kiết Xuân để tinh chuyên pháp môn riêng. Theo tinh thần an cư, tập thể Tăng già duy trì luật “an cư” là duy trì được sinh lực Phật giáo. Ngoại trừ những vùng chiến, tu sĩ không thể quy tập “an cư”, tất cả trên thế giới, dù theo truyền thống nào, luật “an cư” vẫn được duy trì nghiêm túc. Ở Việt Nam, tinh thần “an cư” tuy có duy trì, nhưng một số trường Hạ chưa có thời khóa tu học miên mật, chính vì thế nhiều tệ nạn không tránh khỏi.
Về mặt tích cực, “an cư” đem lại nhiều lợi ích cho Tăng Thân cả về nội lực lẫn đạo phong nếu áp dụng nghiêm túc luật nghi. Nhưng ngày nay, một số điểm trường Hạ, ban chức sự không phát huy hết chức năng, biến trường hương thành nơi tiêu cực cả về tu tập lẫn lợi dưỡng. Khai hạ và giải Hạ là nghi tắc của tôn giáo, một số Hạ đàn mời cả chính quyền đến tham dự chứng minh là không đúng. Những nghi lễ mang tính hành chánh phổ cập thì được, ngoài ra những gì thuần túy tôn giáo, kể cả giới đàn, tác pháp yết ma là việc riêng của nội tình tu sĩ Phật giáo. Ban tổ chức Hạ đàn, giới đàn cần tách riêng các loại hình sinh hoạt như thế.
Dẫu sao, “an cư” vẫn là chiếc vành giữ cho miệng thúng được an toàn, Phật giáo từ đó vẫn giữ được nề nếp cộng trụ sách tấn lẫn nhau.
MINH MẪN
25/5/2011
- Đọc Kinh Luận, cần đối chiếu Nguyên Giác
- Khái niệm "Pháp uẩn" trong văn học Pali TT. Thích Nhật Từ
- Chăm sóc tâm hồn với cuốn sách 'Thiền sư và em bé 5 tuổi' Thiện Minh
- Cảm hạnh Quan Âm, tương thông với Quan Âm, mọi việc tự tốt đẹp HT.Thích Trí Quảng
- “Sống” và “chết” với giáo lý vô ngã Thường Tịnh Văn
- Thế giới rỗng không - Tri thức luận Phật học K. Schmidt - Thái Kim Lan dịch Việt
- Vài lời giới thiệu về Hoa Sen và ý nghĩa tám cánh hoa sen trong Phật học TS Huệ Dân
- Ngũ thừa TS Huệ Dân
- Giáo lý căn bản nguyên thủy Phật giáo TS Huệ Dân
- Con đường Thánh gồm tám yếu tố Thích Nhật Từ
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất

![]() |
Vài lời giới thiệu về Hoa Sen và ý nghĩa tám cánh hoa sen trong Phật học 23/01/2011 17:59:00 |
![]() |
Giáo lý căn bản nguyên thủy Phật giáo 16/12/2010 16:00:00 |
![]() |
Ngũ thừa 22/01/2011 18:10:00 |

1.
Sách Phật giáo viết, dịch về kiết hạ an cư rất nhiều, mà bài viết "an cư" này lại hết sức cẩu thả, thậm chí chẳng cung cấp gì thêm hiểu biết cho người đọc về an cư một cách tạm được.
Bài viết mang đậm tính suy diễn, cóp nhặt một cách tùy tiện.
Tôi xin chỉ ra mấy cái quan trọng mà người viết cứ diễn đạt, cóp nhặt lung tung.
người viết đã viết như vầy:
"Khi Đức Phật thành đạo, Tăng đoàn còn thô sơ, giới luật chưa áp dụng rộng rãi;"
Tôi chỉnh lại như sau:
"Khi đức Phật thành đạo" phải sửa lại là "sau khi đức Phật thành đạo".
"Tăng đoàn còn thô sơ". Mô Phật, thô sơ theo ý gì? là ít người chăng? là sinh hoạt lung tung, sai quấy bừa bãi chăng?
Trật lất.
Sau khi Phật thành đạo, trong 12 năm đầu, theo luật Tứ phần, thì Phật chưa có chế giới luật chi cả, vì Tăng đoàn hoàn toàn thanh tịnh, chưa có pháp hữu lậu phát sinh. Từ đó, làm gì có chuyện "giới luật chưa áp dụng rộng rãi;"
Người viết đã viết rằng:
"Phải cung đối Tam bảo tác pháp “cấm túc”.
Tôi chỉnh lại như sau:
Ở Một mình, làm gì có Tăng mà đòi "cung đối Tam bảo" để mà "tác pháp cấm túc". Trong giới luật chẳng có cái luật nào được gọi là "tác pháp cấm túc" cả.
vì hoàn cảnh gì đó mà một mình tác pháp an cư, thì đó là "tâm niệm an cư".
Người viết dùng từ ngữ lung tung, lúc thì trường hạ, khi thì Hạ đàn. Mà cái Hạ đàn là cái chi chi vậy?
Cái nực cười nhất là cái đoạn này đây:
"Nhưng ngày nay, một số điểm trường Hạ, ban chức sự không phát huy hết chức năng, biến trường hương thành nơi tiêu cực cả về tu tập lẫn lợi dưỡng."
Phê phán ban chức sự "trường hạ" không phát huy hết khả năng, vì biến "trường hương" thành nơi tiêu cực cả về tu tập lẫn lợi dưỡng.
Trường hạ là sao? trường hương là như thế nào? mà nhồi hai cái lại thành một nhúm tiêu cực đến vậy.
Người viết với khả năng học và đọc sách còn yếu, kém mà lại chọn một đề tài rất quan trọng; nhưng ngỗ ngáo thay, lại có những phê phán hết sức tào lao.
Còn nhiều cái nữa, nhưng tạm chỉ ra 2 chỗ.
kết lại:
Học và đọc sách Phật một cách lười biếng, lại suy diễn, cóp nhặt tùy tiện; thì liệu rằng, nội dung bài viết, cũng như sự phê phán kia đã trúng trật và thấm thía vào đâu.
Minh Mẫn nên viết lại đi.
Trước khi viết, Minh Mẫn hãy đọc và học các tác phẩm sau đây:
- Tứ phần luật.
- Luật Tứ phần hiệp chú
- Yết ma yếu chỉ.
3 tác phẩm trên do Ôn Trí Thủ hoặc dịch hoặc hiệu chú.
Cố gắng học và đọc lại đi.
Với bài viết trên thì nên cho vào con số 0 khổng lồ, cũng có nghĩa đừng vội vã trong sự học và đọc.
hãy viết những gì mà mình hiểu rõ, hiểu chắc.
Nếu Minh Mẫn là đệ tử của tôi, tôi sẽ phải đào tạo kiến thức Phật học lại.
Thôi, cú vậy đi.
chịu khó học lại nhé.
Sai một ly, đi một dặm.
chúc an lạc.
trang PTVN cũng nên trích đăng phần "An cư" và "Tự tứ" trong Yết ma yếu chỉ do Hòa thượng Trí Thủ biên tập, Hòa thượng Đổng Minh - Thượng tọa Tuệ Sỹ hiệp chú, hầu mong, cho người đọc hiểu đúng. Cũng như, giúp Minh Mẫn biết mình sai nghiêm trọng như thế nào trong phần "An cư"
( Ban Biên Tập cũng nên đăng ý kiến này, vì bài viết của Minh Mẫn sai rất nặng, trong khi đó, chủ đề "an cư" lại rất quan trọng)
2.
Ban chức sự trường hạ không làm hết chức năng. Vậy chức năng nào còn chưa hết, hãy chỉ ra.
Vấn đề an cư kiết hạ không có dính dáng gì với cái trường hương cách đây 50 - 60 năm cả.
trong luật Phật, không có cái gọi là trường hương. Vậy cái trường hương đó nó vận hành theo điều luật nào, để từ đó mà nói rằng "biến trường hương thành nơi tiêu cực cả về tu tập lẫn lợi dưỡng"
Ở Việt Nam, vậy thì ở giai đoạn nào và cụ thể ở đâu, cũng như cái thời khóa tu học miên mật ấy được nhìn từ giới luật, hay là nhìn theo cách đánh giá của Minh Mẫn?
Chẳng có trường hạ nào vào thời đại này mà không đúng hoặc không miên mật cả.
Chỉ có trường hạ này được tổ chức nghiêm túc hơn chỗ khác về mặt này hoặc mặt kia.
Chứ trường hạ nào cũng giống nhau trên cơ bản cả.
Khi trường hạ bị phê bình, vị phê bình ấy phải biết và rành về luật Phật. Chính vì như thế thì sự phê bình ấy mới như Pháp.
Minh mẫn không nắm rõ điều đó, nên phê bình bừa bãi.
Cũng may, đó là sự phê bình vô giá trị, vì nó không như Pháp.
Một trường hạ bị phê bình là " nơi tiêu cực cả về tu tập lẫn lợi dưỡng", thì Tăng luân thời này bị vỡ vụng. Điều ấy cũng có nghĩa Tăng nơi trú xứ kiết hạ đó không được thừa nhận tuổi hạ, và mặt khác, Tăng tập hợp phi pháp, chẳng khác gì sự tụ hợp của Bà la môn.
Cái sai lầm nghiêm trong trong bài viết của Minh Mẫn nó ghê gớm như vậy đấy.
3.
Mô Phật.
Đọc đi đọc lại bài của Minh mẫn, rồi thấy bài "an cư" này được đăng nhan nhản tại nhiều trang web Phật giáo, mà chẳng thấy ai bình luận chi cả, lòng tự nhiên thấy buồn.
Phải nói ngay và thẳng rằng, an cư là một phương diện tối quan trọng cho mạng mạch Phật giáo. Ngay khi Phật còn tại thế cho đến nay đã trên dưới 2600 năm, an cư chưa bao giờ bị gián đoạn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đôi lúc vì điều kiện nào đó mà an cư bị biến thái thành một sự tập họp Tăng chúng theo điều lệ cho phù hợp với hoàn cảnh, chẳng hạn như trường hương cách đây trên 50 năm tại nước Việt nam. Thời ấy là thời đại Phật giáo đang xuống dốc bởi sự bành trướng văn hóa do ngoại xâm chủ trương, bên cạnh sự lơ là học tập kinh điển Phật đà của Phật giáo đồ.
Đến thời chấn hưng Phật giáo, An cư lại được tổ chức theo giới luật một cách cụ thể rõ ràng.
Từ ấy đến nay, dù là thời chiến hay thời bình, và cả thời khó khăn sau giải phóng, An cư vẫn được duy trì đúng luật và đúng Pháp.
Thế mà,
Vào đầu thế kỷ 21 này, Trường Phật học các cấp Sơ-Trung hầu như tỉnh nào cũng có, miền nào cũng thành lập Đại học Phật giáo. Một năm đào tạo mấy trăm Cử nhân Phật học, cho ra mấy chục tu sĩ Tiến sĩ và đang du học tại các nước trên thế giới. Ban nghành các cấp Giáo hội có đủ mọi mặt. Chùa, thiền viện được xây dựng, trùng hưng khắp nơi. Giới đàn "Tuyển người làm Phật" mở ra đều đặn và trang nghiêm, chỉnh túc.
Cái thời Phật giáo này đây, với bao sự phát triển chìm có nổi có, bề rộng chiều sâu đều được quan tâm cụ thể. Tinh thần tu sĩ thì trẻ mà năng động, dấn thân trên mọi lĩnh vực; Tôn túc thì mô phạm làm chỗ cho 4 chúng đồng khâm. Thái độ cư sĩ thì hướng cả lên cho Phật giáo, già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu cứ đăm đăm một hướng về tương lai Phật giáo, và tin tưởng tương lai ấy sẽ quật cường, nhiệt huyết, bởi nhìn vào hiện tại thấy tinh thần tự giác và giác tha của người con Phật hiện diện khắp nơi.
Thì có quá quắt, thiên lệch, hồ đồ, tự ti, vô thưởng vô phạt, thiếu trách nhiêm hay không, khi mà Minh Mẫn, trong bài "an cư" được viết vào mùa Phật đản Pl.2555 - Dl.2011, lại nói một cách vô cùng nặng nề như thế này,:
"Ở Việt Nam, tinh thần “an cư” tuy có duy trì, nhưng một số trường Hạ chưa có thời khóa tu học miên mật, chính vì thế nhiều tệ nạn không tránh khỏi."
Như thế nào thì vấn đề được gọi là "tệ nạn"? Minh Mẫn có biết hay không?
Dùng chữ "Tệ nạn" dính liền với trường hạ - một qui định cụ thể và rõ ràng đánh dấu chất lượng tự thân của Phật giáo, thì thử hỏi, cái Phật giáo này có còn "là nơi nương tựa tinh thần vững chắc, và là niềm tin chân chính cho những người tại gia sống giữa cuộc đời hỗn tạp, đầy những hận thù và tranh chấp" nữa hay không?.
Để cuối cùng xin hỏi thẳng rằng, Phật giáo mà "an cư" lại có "tệ nạn", thì cái Phật giáo ấy có còn là Phật giáo nữa hay không, và tồn tại để làm gì cái tổ chức "tệ nạn" ấy.
Kết lại:
Cái gì và hành động gì đi ngược với đạo đức nhân luân, thông thường người ta sẽ gọi cái ấy và hành động ấy là tệ nạn. Ví dụ "Tệ nạn mại dâm", "tệ nạn nghiện game online", "tệ nạn xì ke, ma túy"...
Nay lại có thêm cái "tệ nạn trong trường hạ".
Nam mô Phật đà.
Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)