Những lời khai thị của Tổ sư Minh Đăng Quang

Đã đọc: 5578           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Cảnh đời với biết bao đoạn trường thê lương, khổ nhiều vui ít. Từ trong con người, gia đình, xã hội,...đã chứa đầy những mầm móng của khổ đau và sanh tử, khi trong đó với biết bao sự hơn thua, đấu tranh, và khổ lụy.

Cũng vì thế mà đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã thị hiện ở đời, mang hạnh nguyện của ba đời chư Phật, đem ánh sáng chơn lý đại đồng và bình đẳng ban khắp muôn nơi, reo rắc chí nguyện độ đời, đưa con người thoát khổ, để hiểu thêm về hạnh nguyện của Tổ sư. Chúng ta cùng nhau ngồi ôn lại những lời dạy cao quý của Ngài, với những ngôn từ bình dị và gần gũi, nhưng chứa đầy những ý pháp nhiệm mầu, đã trở thành chân lý cao thâm, bất di bất dịch, một pháp bảo vô giá mà Ngài đã để lại cho cuộc đời này, nhằm đánh thức mọi người trở về lại chân như Phật tánh của chính mình.

Dưới đây là những lời dạy cao quý của Ngài:

* “Kìa trước mắt ta, từ xưa đến nay, cõi đời có gì không thay đổi? Có rồi chi đâu? Gia đình nào mà không còn tội lỗi? Xã hội nào mà được hoàn toàn trong sạch? Sự phiền não không sao kể xiết được. Như kìa ông cha ta đi cắp trộm, mẹ dì ta đi đánh bạc; anh ta là kẻ ngang tàn; chị ta là người chưởi rủa, em ta đi giết người, chú ta say rượu, bác ta ăn thịt, cậu ta tà dâm, cô ta hút xách. Gia đình của chúng ta thiếu chi cảnh ấy, nó bảo chúng ta phải đi tu.

……$$……

 

* Sự không tự do, sự bất mãn, các sự khổ ép ngặt, là bảo chúng ta phải đi tu. Chúng ta không đi tu là có tội, là tội nhơn bị nạn khổ, đành rằng; ta đi tu, là xã hội gia đình xấu hổ, như bị ta chỉ trích phiền hà, vì lẻ người hiền không thể ở được trong đời, và bao nhiêu kẻ ở trong xã hội, gia đình, mà không dung chứa được một người hiền, tưởng như thế họ mới phản đối ta, cản trở ma vương phá hại ta, bởi sợ ta hơn họ, sẽ bỏ họ, họ hiểu lầm, chẳng biết được sau này, ta sẽ dắt độ lại họ.

……$$……

 

* Ở trong tầng bụi ai mà không lem lấm. Một ông già kia như Phật, tuổi gần chết mà còn ở gần con cháu, để được miếng ăn ngon, không dạy ai được một câu, mà còn ăn của tứ đại, lại cho rằng: hết việc, ở không chờ chết, lại trẻ nhỏ cùng đều mất trí, cái nạn cha chết con già, cho vay đòi nợ vì tham, mãi mãi không được mở mang tấn hóa, chỉ nối xoay chuyền cái vòng luân hồi tội khổ, cha trở sanh làm cháu, sanh ra để phá hại tứ đại, làm khổ muôn loài, đụt chui ở trong trần bụi.

* Một người lớn nọ như trời, tuổi trên ba mươi như trái cây to đúng sức, không còn nở lớn xinh đẹp, thế mà cũng muốn sự ăn nhiều, ở không, tìm sự vui chơi cười giỡn, giành giựt khoe sắm, làm nói bộ tịch như trẻ con, chen lấn hiếp đáp trẻ con, giết hại chúng bằng sự xúi dục.

* Một trẻ nhỏ kia, lìa bỏ thôn quê hiền hậu, bước chân ra thành thị, để tập làm kẻ gian tham, một học trò trốn học ra ăn cắp trăm mưu ngàn kế giựt giành.

* Một người đàn bà nọ bỏ gia đình đi kiếm trai tơ, se sua chưng diện, đua chen xài phí đánh lộn chưởi rủa, sanh lứa đẻ bầy. Một bà già bảy mươi kia mắng con chưởi cháu, tật xấu càng sanh, thèm ăn tham của, thương nhớ lẫn khờ.

* Một em bé nọ tuổi mới mười ba, thoa son dồi phấn nhón chân uốn tóc, khoe sắc khoe thân, để bẹo như kẻ bướm ong.

* Một ông vua ngồi trên chiếc ngai vàng, của bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, xương thịt của những kẻ trung thành. Một vị tướng xua quân ra trận lát da đẫm máu.

* Một người giàu sang lúa trử đầy bồ, mà bỏ kẻ chung quanh đói khát. Ở một ngôi nhà to ấm kính riêng cùng con vợ, cười nói lãng quên, không dám nói nghe sự khổ chết, khốn khó, tai nàn của trăm họ. Lòng nhơn ái phải bị chôn sâu chết ngộp, không nhơn, mất nhơn, bỏ nhơn, cái nhơn khó mà thấy nghe kiếm gặp.

* Kìa con vua quan, con giàu sang, con người nghèo khó, con kẻ làng chơi nọ, già trẻ như nhau, lớn nhỏ lộn xộn cõi đời xao xuyến hỗn độn lăng loàn, trong trần thế có sẳn đúng y như vậy.

* Người mang tâm thú, con giết cha, vợ hại chồng, em gạt anh, phi ân bội nghĩa, bất lương vô đạo, .v.v.. Những cảnh ấy nó bảo ta phải tu cả thảy, nó không cho chúng ta bênh vực tư vị, những sự sái quấy ấy được.

* Trần tục nó tạo ra cõi đời bại xuội, ru hồn liệt nhược, yếu ớt tâm trí, bận con đông, bỏ việc làm lành,  tiếc của cải, mặc cho chết thảm, sanh con nhiều không lo dạy, xúi chúng trộm cướp giết người, đoạt vợ người, cướp gái tơ, cõng con họ, đốt nhà đoạt ruộng, biết bao nhiêu muôn ngàn thảm trạng của người tâm thú, mất trí điên cuồng, khói dậy mịt mù, kinh thiên động địa.

* Cũng vì vậy mà chúng ta phải tu, có ra đi khỏi bụi trần mới có tu, đi là để phủi sạch bụi trần, đứng trên trần bụi, đừng cho lem lấm, mới được sự yên vui, ích lợi. Đi tu là giác ngộ chơn lý chánh lý, là quí báu hơn hết.

……$$……

* Nầy đây là cái chìa khóa thành công của xứ Phật là giới luật; cớ chi mà đời nay, các xã hội gia đình trong thế giới này, vất bỏ đi tội lỗi, biết nhận ra món báu thiện lành, trong sạch, biết đến lẻ phải, đức hạnh đạo lý, thì quí ích quá.

……$$……

* Cũng như các ông vua ở trên đời, phải có hằng trăm giới luật hơn các ông quan, các quan phải có hàng chục giới luật thiện lành hơn dân, ông già có hạnh hơn người lớn, cao rộng hơn trẻ nhỏ, thì những kẻ lớp dưới làm sao chẳng quí tôn cho được. Cũng như ông vua không ăn thịt uống rượu, không có vợ con, thì cả thảy nhân dân mới không dám sát sanh, trộm cắp, tà dâm.

……$$……

*Thánh hiền xưa thường hay răn dạy: Phép làm vua không có vợ làm đầu, phép làm quan văn sĩ không tiền bạc làm gốc, phép binh tướng võ lực, không đánh giết người là bổn phận. Ông thầy giáo thì phải giữ gìn lời nói, làm cha mẹ thì không say sưa rượu thịt, như vậy thì con dân chúng nó mới hết lòng, lòng người là mạnh hơn hết, được lòng là được tất cả thành công không tai nạn. Mà muốn được lòng thì phải giới luật kỷ cương, con đường thì phải có bờ lề ngăn ranh, và đi đến nơi có mục đích.

……$$……

 

* Giới pháp hay kỷ luật là tư cách, bổn phận trình độ tuổi số của mỗi người, ai ai cũng đang có cả, có điều là chúng ta mảng lo việc đâu đâu xao lãng đó thôi. Chúng ta mà không có kỷ luật. Cũng như không có mặt đất, không có linh hồn thì lấy đâu làm sự thành công ích lợi. Cũng như ông vua mà không có kỷ luật thiện, cả thần dân cũng y như thế, thì làm sao yên ổn đặng, và tự mỗi người đã không yên ổn như thế thì dầu ông có giết hết dân, đoạt hết của cải, hăm dọa, góp thâu cách gì cũng không hết loạn đặng.

……$$……

* Đời đạo đức lấy giới luật đạo hạnh làm cây thước để đo trình độ tiến hóa và trong sạch của mỗi con người. Giới nào theo giới nấy chớ lộn xộn thì hạnh phúc sẽ toại lòng.

……$$……

* Người ta hy sinh bỏ xã hội để lo cho thế giới, và cũng không bao giờ trở lại xã hội gia đình. Mục đích của Khất sĩ là làm cho thế giới đều tu an vui, thì xã hội mới yên vui; xã hội yên vui thì gia đình yên vui; gia đình yên vui thì mình mới được yên vui. Tức là tấm lòng lo cho tất cả chúng sanh đều tu hết vậy. Một khi gia đình xã hội đã vui lòng cho Khất sĩ đi tự do rồi, thì cũng không còn sự đòi hỏi kéo lôi chi nữa, mà để cho người hoàn toàn thực hành theo chơn lý chí nguyện.

……$$……

 

* Cũng như giai cấp, phải có cho trẻ nhỏ, để cai trị trẻ nhỏ, mà không dùng cho ông già. Người tu Khất sĩ là ông già ở nơi giáo lý chúng sanh chung; một bộ ba cái mặc trong mình mặc không dư, một cái bát xin cơm , để đi cùng khắp non sông vũ trụ, không còn ở trong một lớp một xứ.

……$$……

* Đạo đức là pháp cản ngăn những sự bất hòa của gia đình xã hội, mà đạo đức thì không bao giờ làm việc và ở trong gia đình xã hội. Với lẻ biết ra sự lợi ích ấy, nên gia đình xã hội, cũng không còn nếu kéo tình nghĩa dính dấp đến đạo đức chỉ nâng đỡ đạo đức riêng ngoài trên cao, ủng hộ lại cho đời bằng cách gián tiếp thôi.

……$$……

* Những bậc Xuất gia, tuy không còn dính dấp với xã hội, gia đình, nhân loại, nhưng cũng đem thân mạng đền trả cho đời bằng gương nết hạnh hiền lương, lời nói, ý niệm, việc làm, đạo lý đem giúp đỡ cho xã hội, gia đình, bình yên, trong sạch, sáng lạng, nên mới đứng vững lâu dài, không rối loạn".

……$$……

* Cũng có khi trong đời giặc giã lớn lao, người ta không thể cản ngăn được, mà cần phải nhờ đến các nhà tu, các Sư tăng gom hiệp lại hết thảy, đi đến chỗ chiến tranh, xin tội cho các chúng sanh các Ngài khuyên lơn giảng giải sự ôn hòa. Vì lời nói của các Ngài rất công hiệu, ấy bởi sau, hành vi đạo đức cũng như sen kết lợp che trên mặt nước.

……$$……

 *Một người có địa vị chăn dân, mà không khắc kỷ được, không dùng lời nói dạy đời được, không tri được tâm lý, không dạy được chúng sanh, chưa được trọn sáng trọn lành, thì thiên hạ chỉ có một số ít quy tùng theo. Sánh lại sao cho bằng một nhà du tăng Khất sĩ, ta bà giáo hóa khắp nơi trong vũ trụ, đâu cũng là nhà cửa quyến thuộc sẳn, thật là an thân quá, rộng rãi, vui hay, quí ích quá.

Trích “Minh Đăng Quang pháp giáo”

Tinhxangocminh.net (thực hiện)

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.50

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập