Khai mở hạnh phúc

Đã đọc: 2919           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đạo Phật và khoa phân tâm học dạy chúng ta rằng: việc tìm kiếm hạnh phúc thực sự đã ngăn không cho chúng ta tìm thấy nó.

Tại sao đối với một số người, hạnh phúc là điều không thể đạt được; và tại sao quét sạch những mầm móng của bất toại nguyện lại là một sai lầm?

Có một lý do khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn để đạt được hạnh phúc. Đó là: chúng ta thậm chí không biết “hạnh phúc” là gì. Chúng ta liên tục cố gắng để diệt trừ lo âu và phiền não. “Nhưng hạnh phúc liên quan nhiều  hơn đến việc mở rộng tầm nhìn của bạn”, một bác sĩ tâm thần xuất sắc, người đã kết hợp tư duy phương Tây và phương Đông đã phát biểu như vậy.

“Tôi chán ngấy cuộc sống này rồi”, một bệnh nhân của tôi đã nói như vậy vào một buổi sáng. “Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Khi nào thì tôi mới được hạnh phúc đây?” Đó không phải là một câu hỏi bất thường trong tâm lý trị liệu, nhưng có những khát vọng hạnh phúc nghe có vẻ ngây thơ, thậm chí tầm thường. Tôi tự nhủ: “Làm sao cô ta có thể mưu cầu hạnh phúc cơ chứ?” Chẳng phải Freud đã nói rằng điều tốt nhất có thể mong đợi ở việc điều trị là quay trở về với “những nỗi bất hạnh bình thường?” Tuy nhiên, mong muốn của bệnh nhân là chân thành. Làm thế nào tôi có thể giải quyết vấn đề đó mà không bị hiểu lầm?

Tôi đã tiếp cận với tình huống khó xử của cô ấy không chỉ với tư cách là một bác sĩ tâm lý trị liệu, mà còn trong vai trò của một Phật tử lâu năm. Bởi vì Đạo Phật hứa hẹn nhiều hơn những nỗi bất hạnh thường gặp trong cuộc sống, đạo Phật thấy rằng mưu cầu hạnh phúc là mục đích sống và dạy cho chúng ta các kỹ thuật phát triển tinh thần để đạt được nó. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng “Mục đích của cuộc sống là để được hạnh phúc.” Ông đã trịnh trọng viết những lời này ở phần lời nói đầu trong cuốn sách mới của tôi: Thoughts Without a Thinker: Psychotherapy From a Buddhist Perspective – Basic Books, 1995 (Những tư duy không có người nghĩ: Tâm lý trị liệu từ nhãn quan  Phật giáo).

Ông nói tiếp rằng: “Không có một mức độ phát triển công nghệ nào mà tự thân chúng có thể dẫn đến hạnh phúc lâu dài. Điều hầu như luôn vắng mặt là  một sự phát triển nội tâm tương ứng.” Với thuật ngữ “phát triển nội tâm” Đạt Lai Lạt Ma muốn ám chỉ một cái gì đó khác hơn là việc sử dụng thành thạo các phiên bản mới nhất của Microsoft Word. Ông đang nói về việc làm sạch môi trường tinh thần của chúng ta để hạnh phúc thực sự có thể được hiển lộ và  duy trì.

Người Mỹ chúng ta có mối quan hệ khá kỳ quặc với hạnh phúc. Một mặt, chúng ta xem hạnh phúc  là một cái quyền, và cứ chằm hăm vào nó, đây là điều mà giới quảng cáo hiểu rất rõ. Chúng ta làm tất cả mọi thứ có thể để có được hạnh phúc, đặc biệt là trên bình diện vật chất.

Mặt khác, chúng ta có xu hướng bôi nhọ việc mưu cầu hạnh phúc như là một cái gì đó nông cạn hời hợt, giống như việc tiêu khiển với nghệ thuật điêu khắc gỗ hay lặn dưới biển với bình dưỡng khí. Tuy nhiên, như Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn nhấn mạnh, hạnh phúc không phải là một sở thích, cũng không phải là một sự theo đuổi tầm thường. Nó là một động cơ chính yếu, cũng cơ bản như các động cơ về tình dục hoặc gây hấn, nhưng không đến mức thường xuyên để được hợp pháp hoá như trong nền văn hóa hoài nghi hậu hiện đại của chúng ta. Thực ra, quan điểm này của Đức Đạt Lai Lạt Ma đang dần dần thức tỉnh người Mỹ: Bản thân các tiện nghi vật chất không dẫn đến hạnh phúc lâu dài. Dù đã đi đến kết luận như vậy nhưng chúng ta thường không nhìn nhận vấn đề theo một cách khác mà lại rút lui vào tiện nghi của mình, rồi dựng lên một hàng rào ngăn cách bản thân với một thế giới có vẻ thù địch và đe dọa. Chiếm hữu và bảo vệ, chúng ta không ngừng khao khát một hạnh phúc mà dường như chúng vừa xứng đáng vừa ngoài tầm với của mình.

Vốn kinh nghiệm của một bác sĩ tâm thần được đào tạo trong nền y học phương Tây kết hợp cùng với các giáo lý và phương pháp thực hành của Đạo Phật đã cho tôi một cái nhìn độc đáo. Dần dần tôi đã nhìn thấy vấn đề nằm ở chỗ: chúng ta không biết hạnh phúc là gì. Chúng ta nhầm lẫn nó với một cuộc sống vắng mặt những cảm xúc như: lo lắng, giận dữ, nghi ngờ, và buồn đau. Nhưng hạnh phúc lại là một thứ gì đó hoàn toàn khác hẳn. Đó là khả năng đón nhận sự dễ chịu (lạc thọ) mà không nắm giữ, đón nhận sự khó chịu (khổ thọ) mà không chỉ trích.

Tất cả các quan điểm sai lầm

Đạo Phật và khoa phân tâm học dạy chúng ta rằng: việc tìm kiếm hạnh phúc thực sự đã ngăn không cho chúng ta tìm thấy nó. Sai lầm đầu tiên của chúng ta nằm trong việc cố gắng để quét sạch tất cả mầm móng của sự bất mãn và tìm kiếm một trạng thái hạnh phúc thường hằng, mà trong sâu thẳm trí tưởng tượng của hầu hết mọi người, trạng thái hạnh phúc này không có gì để diễn đạt nhiều hơn là cảm giác được chìm đắm trong hoan lạc ái ân. Một trong những bệnh nhân của tôi đã minh chứng rõ ràng cho điều này với trí tưởng tượng về tình yêu lãng mạn của ông thời trai trẻ. Ông ta mô tả mẫu phụ nữ hoàn hảo của mình là người luôn làm ông cương cứng mỗi khi ông thấy cô ta ra khỏi nhà.

Cách tìm kiếm hạnh phúc này mang tính bản năng, phát sinh từ những kinh nghiệm thời thơ ấu, khi mà những trạng thái cảm xúc mãnh liệt như sung sướng, hài lòng không khỏi bị cảm giác trống rỗng và thất vọng xen vào, làm dấy lên những trạng thái tức giận hoặc lo lắng dữ dội không kém. Phản ứng đầu tiên của mọi người sẽ là cố gắng duy trì trạng thái dễ chịu và loại trừ những trạng thái khó chịu. Ngay cả khi trưởng thành cũng vậy, chúng ta cũng ít khi chịu chấp nhận một sự thật rằng: tốt và xấu là hai mặt của một đồng tiền, rằng những gì có thể mang lại an lạc cũng chính là cội nguồn của khổ đau. Trong xã hội phương Tây, với cơ cấu gia đình mở rộng  và việc theo đuổi điên cuồng chủ nghĩa cá nhân, người ta thường không tìm thấy điểm tựa nào giúp họ đối phó với những cảm xúc này. Trong xã hội truyền thống phương Đông, có một cơ chế hậu thuẫn rộng lớn hơn trong gia đình và ngoài xã hội để giúp con người có thể kìm nén được những nỗi đau của mình.

Tuy nhiên, mặc dù hầu hết những người lớn chúng ta đều chấp nhận sự thật rằng: chẳng ai tốt hẳn cũng chẳng ai xấu hẳn; chúng ta vẫn không chịu chấp nhận khi những nỗi thất vọng xảy đến với niềm vui thú của mình. Chúng ta vẫn tiếp tục bám chấp vào những đối tượng đã từng làm cho mình thất vọng. Một bệnh nhân giàu có của tôi là minh chứng cho tình huống khó xử này. Sau một bữa ăn thịnh soạn, ông lại thèm uống rượu cognac. Sau rượu cognac là một điếu thuốc, sau khi hút thuốc ông lại muốn làm tình, sau khi làm tình, lại thèm thuốc. Ngay sau đó, ông bắt đầu thèm ngủ, nhất là một giấc ngủ không có những cơn mộng mị. Công cuộc tìm kiếm hạnh phúc thông qua sự thỏa mãn của các giác quan dường như không bao giờ có điểm dừng, và ông đã không cảm thấy hạnh phúc. Chúng ta chỉ nghĩ đến việc thao túng thế giới bên ngoài, mà chẳng bao giờ chịu dừng lại để quán xét bản thân.

Việc tìm kiếm sự thỏa mãn kéo dài thường diễn ra trong các mối quan hệ thân mật. Hãy lấy một thí dụ về người bạn của tôi, anh ta rất yêu cô vợ mới cưới của mình, nhưng anh đã vật lộn với sự giận dữ và cay đắng vì vợ mình không còn khả năng đáp ứng tình dục khi đã có thai. Anh không thể không thể chịu đựng cảm giác này một mình. Hạnh phúc với đứa bé trong bào thai người vợ đã bị lấn át bởi cảm giác bất lực trong việc chịu đựng những thôi thúc  tình dục của bản thân. Và anh ta không thể vượt qua cảm giác rằng nếu cô ấy thực sự yêu anh, cô sẽ hứng thú với việc quan hệ như đã từng hứng thú với anh ta trước đây. Anh ta đã bị bó buộc trong tầm nhìn thiển cận của mình; sự thỏa mãn hay bất mãn của anh ta chỉ là những điểm quy chiếu của chính bản thân anh ấy mà thôi.

Chúng ta tự đồng hóa mình với những cảm giác tội lỗi, vô tích sự hay tổn thương và luôn khát khao một hạnh phúc mà trong đó những cảm giác trên không thể phát sinh. Tuy nhiên, như Freud đã chỉ ra, ngay cả những khoái cảm hưng phấn tình dục cũng nhuốm màu đau khổ bởi lẽ tất cả đều đến lúc phải kết thúc, dưới hình thức giải tỏa căng thẳng. Chứng trầm cảm sau cực khoái là một hiện tượng rất phổ biến. Chúng ta không mong muốn điều này, nhưng đó là điều không thể về mặt sinh lý.

Những lời dạy của Đức Phật về hạnh phúc cũng tương tự như vậy. Chừng nào chúng ta vẫn còn tiếp tục tìm cách loại trừ những điều bất toại nguyên (khổ thọ), và chỉ muốn duy trì các lạc thọ để kéo dài cảm giác hạnh phúc, chừng đó chúng ta không thể có được hạnh phúc vĩnh hằng. Sân hận, đố kỵ và lòng mong muốn trả thù sẽ luôn xen vào. Đời sống và tất cả những phức tạp của nó chắc chắn sẽ tràn vào. Trong truyền thống Đạo Phật có một câu chuyện nổi tiếng về nàng Kisagotami đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc chấm dứt tìm kiếm hạnh phúc theo cách đó.

Kisagotami là một phụ nữ trẻ có đứa con đầu lòng chết đột ngột khi mới tròn một tuổi. Tuyệt vọng trong tình yêu dành cho con, Kisagotami đã ôm thi hài đứa bé đi hết nhà này sang nhà khác trong làng để xin thuốc hồi sinh cho con. Hầu hết những người láng giềng đều chùn bước khi nhìn thấy bóng dáng cô, họ cho là cô bị điên. Nhưng có một người đàn ông thấy cô không chấp nhận được sự thật về cái chết của đứa con, đã chỉ cô đến với Đức Phật và hứa hẹn rằng chỉ có Ngài mới có loại thuốc cô tìm. Kisagotami đã đến chỗ Đức Phật và cầu xin Ngài ban cho cô loại thuốc đó. Đức Phật hứa rằng: “Như Lai có biết một vài loại thuốc. Chỉ cần tìm cho Như Lai một nhúm hạt cải xin từ bất cứ nhà nào mà chưa có cha mẹ, vợ chồng, con cái, hay đầy tớ bị chết.”

Dần dần, Kisagotami cũng hiểu ra rằng trường hợp của cô không phải là bi kịch duy nhất. Cô đặt thi thể của con mình trong một cánh rừng và trở về chỗ của Đức Phật, “Con đã không mang hạt cải về”, cô nói với Thế Tôn như vậy. “Những người dân làng nói với con rằng: “Người sống thì ít, nhưng người chết rất nhiều.” Đức Phật trả lời: “Con nghĩ rằng chỉ có mình con chịu nỗi đau mất con; nhưng thực ra định luật về sự chết có nghĩa rằng với tất cả chúng sinh, không có gì là thường hằng cả.”

Câu chuyện của nàng Kisagotami đã đánh động chúng ta, không chỉ vì chúng ta đồng cảm với nỗi đau mất con của cô, hay vì chúng ta cũng sợ hãi cuộc đời đầy bi kịch; mà vì tất cả chúng ta, cũng như nàng Kisagotami, đều cảm thấy trường hợp của mình là độc nhất vô nhị, và nỗi đau của mình cần được cứu rỗi. Trong nội tâm sâu kín của mình, chúng ta cảm thấy đau khổ và  tự cho bản thân là trung tâm một cách duy ý chí. Chúng ta vẫn tìm kiếm sự hài lòng tuyệt đối mà ở đó tuyệt nhiên không có nỗi buồn phiền nào được phép tồn tại.

Hạnh phúc theo quan niệm của đức Phật

Nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta không hạnh phúc chính là vì chúng ta thiếu khả năng quan sát chính mình một cách toàn diện. Chúng ta vướng mắc trong chính quan niệm của mình, mà không thể tìm thấy cái hay trong quan niệm của những người xung quanh. Bạn cũng không nhận thức được rằng cách sống này đang không ngừng điều khiển cuộc sống của chúng ta. Hạnh phúc chỉ được tìm thấy khi bạn nhổ bật bản ngã của mình. Thực tập thiền quán trong Phật giáo là một trong những cách phát hiện ra quan điểm tôn thờ bản thân và đi vào tìm hiểu nó. Tuy nhiên, ngoài thiền tập, bạn cũng sẽ tìm thấy quan điểm đó một cách rất ngẫu nhiên. Người thầy của tôi là một ví dụ. Ông nhớ lại trong một khóa tu thiền tĩnh lặng, lúc đang đứng xếp hàng để đợi lấy thức ăn thì bất ngờ có ai đó làm đổ hết cả nồi súp lớn. Phản ứng đầu tiên trong suy nghĩ của ông chính là câu “Không phải tại tôi. Đó không phải lỗi tại tôi.”

Bằng cách đắm chìm vào trong tĩnh lặng của khoá tu thiền, ông chợt nhận ra phản ứng của mình thật đáng nực cười. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có phản ứng tương tự như vậy trong hầu hết mọi hoàn cảnh, mà chúng ta không hề hay biết. Thiền Phật giáo là một phương thức để vỗ về tâm thức nhằm đối phó với nỗi bực dọc theo một cách mới, trải nghiệm nó như một người quan sát chăm chú hơn là trở thành một nạn nhân đau khổ. Thay vì phản ứng với những nỗi bực dọc không thể tránh khỏi trong cuộc sống với câu hỏi “Tại sao lại là tôi?”, những người thực tập thiền quán thành công bắt đầu nhận thấy rằng, những phản ứng tiêu cực khi chúng ta thất vọng đã chi phối ý thức về cái tôi của chúng ta mỗi ngày như thế nào.

Bản chất thật sự của chúng ta

Bước đầu tiên để đạt được sự phát triển nội tâm là phải tìm ra và kiểm soát được quan điểm tôn thờ cá nhân. Đây là cảm xúc mà tất cả chúng ta luôn có. Bạn luôn cảm thấy mình là người quan trọng nhất trong một căn phòng, từng giây từng phút, rằng cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, bạn cũng chỉ quan tâm đến ảnh hưởng của nó đến bạn là như thế nào mà thôi. Bạn biết đấy, cảm giác đó giống hệt như lúc bạn đột ngột phải dừng lại vì tắt đường, hoặc phải đứng xếp hàng đợi rút tiền ở máy ATM khi mà người đứng trước bạn cứ thực hiện hết giao dịch này đến giao dịch khác. Phản ứng tự nhiên sẽ luôn là: ”Tại sao anh lại làm như vậy với tôi?” Tương tự như vậy, khi một anh chàng tìm đến một liệu phápđiều trị tâm lý sau khi bị từ chối bởi một cô nàng mà anh ta đang tán tỉnh, cảm giác của anh ta sẽ luôn là “Chuyện gì xảy ra với mình thế này?” Thiền quán trong Phật giáo giúp chúng ta tìm ra cảm xúc đó, và rồi chúng ta tự nhận thức nó, thay vì để nó điều khiển cuộc sống của mình. Nếu bạn làm được điều này, thường thì cảm giác tự do sẽ đến với bạn.

Ví dụ, một bệnh nhân của tôi kể lại cảm xúc của anh khi anh đến đón bạn gái của mình ở sân bay. Lúc anh vừa với tay để lấy túi của cô ra khỏi băng chuyền hành lý, cô bạn gái liền đỡ túi hành lý đó từ tay anh và tự mình xách lấy. Thay vì nghĩ rằng đó là hành động của tính độc lập, anh ta lại ngay lập tức suy nghĩ một cách tiêu cực, rằng cô ấy không muốn gặp mặt anh. Khi biến phản ứng tự nhiên đó thành một đối tượng để thực tập thiền  quán sát bản thân, anh cảm thấy nhẹ nhõm vì thoát khỏi cảm giác ám ảnh đeo bám về tâm trạng của người bạn gái. Anh ấy trở nên tự chủ hơn, cô ấy lại cảm thấy được ủng hộ nhiều hơn, và cả hai cảm thấy hạnh phúc hơn khi ở bên nhau.

Quan điểm về thế giới của Einstein bắt đầu được đánh giá cao khi khuynh hướng nắm bắt thế giới với quan điểm vị kỷ dần mất đi ảnh hưởng. Theo Einstein, mọi thực tại đều có mối quan hệ với nhau và mọi quan điểm đều là chủ quan. Vì vậy, hạnh phúc sẽ có mặt nếu chúng ta biết chấp nhận nhiều hơn, thay vì đi tìm kiếm sự hài lòng. Có một kĩ năng thiền quán đặc biệt giúp chuẩn bị cho tâm thức tiếp cận một quan điểm mới, rộng mở hơn, liên quan đến sự chú tâm đơn thuần. Kĩ năng đó đòi hỏi bạn phải hiện diện ngay trong thực tế trần trụi, trong chính thực tại đó. Bạn phải cho phép sự vật hiện tượng tự lên tiếng như thể nó chỉ mới xảy ra lần đầu tiên với những phản ứng rất khác biệt của cảm xúc đối với bản chất của sự việc. Ví dụ, trong hôn nhân, bạn thường lắng nghe bạn đời bằng cái tâm phán xét hoặc cho rằng sự rút lui của họ chính là một sự bỏ rơi. Trong trường hợp đó, một trong hai bạn hãy tự chịu đựng chính xác bên trong trải nghiệm đó, nhận diện các cảm xúc chống đối hiện hữu như là ý định muốn ly thân hoặc chỉ muốn ai làm việc nấy.

Khi thực tập sự chú tâm đơn thuần, các quan niệm hoặc cảm xúc vị kỷ mà chúng ta hằng nuôi dưỡng sẽ bộc phát thành các kiểu phản ứng, mà nếu quan sát kĩ, những phản ứng này sẽ tự động giảm dần. Bệnh nhân của tôi, anh chàng đã phản ứng thái quá ở sân bay kể lại rằng, anh cảm thấy rất xấu hổ khi nhận ra những điều mà anh ta đã khám phá ra  được khi xem xét kỹ càng  ý thức sâu thẳm về cái tôi. “Đây chính là nó đấy à?”, anh ta hỏi. “Một cảm xúc nhỏ nhoi đã dẫn đến biết bao nhiêu hành động của tôi? Tôi có quá yêu quý bản thân của mình không?” Câu trả lời cho hầu hết tất cả chúng ta, là một chữ “có” rất lớn. Rồi chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng, cảm xúc của chúng ta, chẳng qua chỉ là một ngôi nhà chứa đầy các quân bài.

Có một quan niệm sai lầm về thiền quán, đó là trong lúc đi sâu tìm hiểu vào các khuynh hướng phản ứng của cảm xúc, nó khuyến khích sự chấp nhận một cách khiên cưỡng những khổ đau trong cuộc sống. Tuy nhiên, chủ nghĩa chấp nhận nghịch cảnh không phải là mục đích của chúng ta. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta sẽ không trở nên trơ cứng mà sẽ phải mở rộng mình ra, để có thể thưởng thức, trải nghiệm những điều tốt đẹp, bên cạnh cả những điều không tốt đẹp.

Chúng ta không thể chỉ có hài lòng mà không có bất mãn. Càng cố gắng tách biệt hai cảm xúc này ra khỏi nhau, bạn chỉ càng tự đẩy mình vào hố sâu của bất toại nguyện. Câu chuyện mà một người bạn cũ vừa kể cho tôi nghe sẽ minh chứng cho điều này. Anh tìm đến tâm lý trị liệu tại một phòng khám tâm thần sau khi cuộc hôn nhân 10 năm của anh đổ vỡ. Lần đầu tiên gặp gỡ nhà tâm lý trị liệu đó, anh ấy đã cầu xin vị bác sĩ cứu mình ra khỏi những cảm xúc khó chịu mà anh đang phải mang theo. Mong ước duy nhất lúc đó của anh, chỉ là muốn được yên ổn trở lại.

Người bác sĩ này vừa mới hoàn thành chương trình học 3 năm tại một cộng đồng thiền. Gặp gỡ anh bạn của tôi đang phải chịu đựng những cảm xúc đau khổ, cô đã yêu cầu anh ở lại với cảm xúc của chính mình, mặc dù làm như vậy không hề dễ chịu chút nào. Những lúc anh phàn nàn về cảm giác lo sợ hồi hộp và cô đơn, cô động viên anh hãy cảm nhận đến tận cùng cảm giác đó. Người bạn của tôi đã không thấy khá thêm hơn chút nào, anh bắt đầu suy nghĩ và bắt đầu thực hànhthiền quán. Và đây chính là khoảnh khắc có tính quyết định. Đang cảm thấy cực kì khó chịu với cảm giác thiêu đốt, căng thẳng và đau đớn của thiền, anh chợt nhớ ra quá trình quan sát một cảm giác ngứa khi nó mới bắt đầu xuất hiện, khi cơn ngứa lên đến tột đỉnh, và rồi tự nhiên biến mất mà anh không hề gãi. Liền sau đó, anh lập tức nhận ra nhà tâm lý trị liệu đã có lý khi cô khuyên anh nên ở lại với chính trạng thái cảm xúc của mình. Từ khoảnh khắc đó, nỗi phiền muộn của anh cũng bắt đầu tan biến.

Cảm xúc của anh ấy bắt đầu thay đổi chỉ khi anh buông bỏ mong muốn thay đổi chúng. Điều này có mối liên quan lớn đến trạng thái xảy ra khi một người đang trải nghiệm cảm xác đau đớn về thể xác trong khi ngồi thiền, nhưng anh ta buộc phải giữ cơ thể bất động trong một tư thế bắt buộc. Phát hiện của anh bạn tôi cũng giống như cảm giác của người mắc căn bệnh ung thư sau khi sử dụng thuốc giảm đau cho những cơn đau mãn tính. Họ miêu tả rằng cơn đau vẫn còn ở đó, nhưng nó không còn làm cho họ đau đớn nữa. Vậy, cảm giác không hề mất đi, nhưng nó không còn khả năng đàn áp bạn. Tương tự như vậy, anh bạn tôi học cách nhận ra cơn đau cảm xúc của mình, nhưng không còn bị nó chi phối nữa.

Vui vẻ

Cũng giống như nhiều người khác, người bạn của tôi tìm kiếm cảm xúc vui vẻ và hi vọng rằng thông qua thiền (hoặc tình yêu, tiền bạc, thành công, bia rượu, hoặc phương pháp trị liệu), anh ấy sẽ đạt được điều đó. Nhưng vui vẻ là trạng thái không bền vững, nó không giống như hạnh phúc. Hạnh phúc là khả năng ôm ấp tất cả những tổn thương trong cuộc sống và sử dụng chúng như công cụ để tiến vào chinh phục “những tai ương nghịch cảnh”, như cách nói của chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực  giảm thiểu căng thẳng Jon Kabat-Zinn, với một trái tim và tâm thức rộng mở.

Trong quá trình theo đuổi học thuyết Phật giáo và tâm lý trị liệu, tôi bị thuyết phục rằng thực sự tồn tại một phương pháp phát triển tâm linh có khả năng giúp cho con người kiểm soát cảm xúc hoặc những tổn thương mà không cần phải phản ứng lại để hủy diệt nó. Thay vì phản ứng tức thì bằng một cảm xúc thịnh nộ hoặc lo sợ, bạn hoàn toàn có thể sử dụng những cảm xúc tổn thương đó để tập trung vào ý thức sâu thẳm về cái tôi, thứ mà vốn bản thân nó chỉ là ảo ảnh và không tồn tại. Nếu không tồn tại một cái ngã để ta bảo vệ, thì nhu cầu phản ứng một cách giận giữ và thịnh nộ cũng sẽ mất đi. Sự hài lòng và bất mãn giờ đây có thể được xem như hai cảm xúc gắn kết với nhau không thể tách rời. Cảm xúc vui vẻ sẽ được hiểu như là một phần không thể thiếu của một tổng thể lớn hơn, một tổng thể có thể chứa đựng luôn cả những tai ương nghịch cảnh.

Niềm hạnh phúc, cuối cùng, chính là niềm tin rằng ta hoàn toàn có thể chịu đựng được cả khổ đau và thất vọng, rằng tình yêu thương được chứng minh là mạnh mẽ hơn cả sự giận dữ. Hạnh phúc cũng có được từ sự gắn kết với cảm giác hài lòng, và niềm tin vào khả năng thức tỉnh sẽ dẫn dắt chúng ta đi xuyên qua những tổn thương của bản ngã vốn không thể nào tránh khỏi. Đó là nhận thức rằng bản ngã không tồn tại, và tận sâu trong tâm trí của chúng ta chính là khả năng chịu đựng mà chúng ta còn chưa bao giờ nghĩ đến. Hạnh phúc này hiếm khi có mặt nếu chúng ta không nỗ lực luyện tập tâm trí của mình.

Để đạt được hạnh phúc đó, đầu tiên cần khám phá ra rằngtầm nhìn của chúng ta đang hẹn hẹp thế nào. Đây chính là chức năng của thiền quán. Hãy bắt đầu bằng cách nhắm mắt lại trong năm phút và quan sát xem suy nghĩ của bạn hướng đến bản thân mình nhiều đến như thế nào. Bạn có thể tự hỏi: “Đến bao giờ thì tôi có thể dừng những suy nghĩ này lại?” Không ai trong chúng ta lớn hơn một đứa trẻ tám tuổi, chỉ quan tâm miếng bánh lớn nhất sẽ thuộc về ai.

Nguồn: Mark Epstein, Opening up to Happiness

Huyền Nữ & Đan Ngọc dịch

Đỗ Hoàng Tùng hiệu đính

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập