Niềm tin chơn chánh

Đã đọc: 6163           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hôm nay, ngày 13/7/2010 tại chùa Quang Thọ, huyện Hóc Môn, TT. Thích Viên Giác – Phó Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo TP. HCM đã có buổi chia sẽ chánh pháp với các bạn trẻ với chủ đề “Niềm tin chân chánh”. Trước khi vào bài giảng, Thượng tọa đã dạy cho các em bài hát “Dâng hương”, nhằm thắp sáng niềm tin chánh pháp cho từng trại sinh. Sau đây là bài giảng của thầy:

NIỀM TIN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Thích Viên Giác

 

Người Phật tử, cũng như mọi tín đồ của các tôn giáo khác đều có niềm tin vào đối tượng mà mình tôn thờ, cụ thể là Đức Phật, Giáo Pháp, Thánh chúng và những gì liên quan đến Đạo Phật. Niềm tin của người Phật tử có những nét đặc thù mà những nơi khác không có, niềm tin ấy phù hợp với quy luật đạo đức và phát triển tinh thần góp phần tạo nên cuộc sống có phẩm chất và hạnh phúc. 

  1. I.                  Định nghĩa về niềm tin:

Đức tin hay niềm tin, tiếng Phạn gọi là Saddhà, tức là lòng tin tưởng, nương tựa vào một đấng nào đó, một lý tưởng nào đó. Ở đây, với người Phật tử là tin tưởng, nương tựa vào Tam Bảo (3 ngôi báu): Đức Phật, Giáo Pháp và Chúng tăng. Kinh Tăng Chi Đức Phật dạy: “Ai nguyện nương tựa Phật Pháp Tăng, thì người ấy được gọi là người Phật tử”.

  1. II.               Ý nghĩa của niềm tin:

Niềm tin là một yếu tố tâm lý tích cực, nó rất quan trọng trong cho việc ổn định tâm hồn. Một người mất đi niềm tin thì như con thuyền không có bánh lái, tâm hồn người ấy sẽ phiêu lãng như cô hồn không nơi nương tựa.

Khi đã có niềm tin thì sẽ đưa đến tâm lý ước muốn hành động, muốn làm một cái gì đó để giải tỏa năng lương của niềm tin đang bành trướng trong tâm, nghĩa là khi đã có một hướng đi người ta sẽ bước tới hướng đó. Do vậy niềm tin và lý tưởng là một.

Niềm tin đầy đủ sẽ mang lại sức mạnh và sự nỗ lực do năng lượng của niềm tin và ước vọng. Trên cơ sở ấy, sẽ có những thành quả mà chúng sẽ tạo nên tâm lý hân hoan, phấn khởi và sự sáng tạo. Người không có niềm tin sẽ buông trôi cuộc đời, sống một lối sống hời hợt, buồn chán và dễ dẫn đến phạm tội hoặc là sinh ra các tật xấu.

Niềm tin là động lực tâm lý căn bản để tạo nên các đức tính, thành tựu, việc thiện, việc tốt. Nó là điểm tựa mà từ đó đời sống tâm linh được thăng hoa, và là nơi trú ẩn khi bị bão tố cuộc đời vùi dập. Nên Kinh Hoa Nghiêm nói: “Niềm tin là mẹ đẻ của các công đức”.

Trái với niềm tin là sự nghi ngờ do dự (Vicikicà), là một loại tâm lý nghi ngại, ngờ vực. Nghi được xem là thái độ “không muốn hiểu”, được biểu hiện bằng sự dao động, sự lãnh đạm, sự thiếu nhiệt thành. Lòng nghi ngờ lành mạnh được hiểu như là một thái độ trân trọng, không vội tin mà phải tìm hiểu.

Niềm tin có hai loại:

  1. Tín giải: Do nhận thức rõ về đối tượng mà có niềm tin, lòng không nghi ngờ. Niềm tin này do sự hiểu biết của chính mình, còn gọi là “Tự lực tín”.
  2. Thâm tín: Niềm tin theo lời nói của người khác, như tin theo lời nói của chư Tổ rằng “Niệm Phật được vãng sanh tịnh độ”, còn gọi là “Tha lực tín”.

 Niềm tin tín giải được Phật giáo nhất mạnh, còn thâm tín giải chỉ ở mức độ vừa phải, dành cho những căn cơ nhất định.

Niềm tin là tín giải hay thâm tín có thể đúng có thể không đúng. Chúng tùy thuộc vào hai khía cạnh chánh tín hay tà tín. Chánh tín là niềm tin tương ứng với vô tham, vô sân, vô si. Tà tín là niềm tin tương ứng với tham, sân, si. Đại sư Atisha nói: “Nếu rễ cây đã độc thì cành lá cũng độc, nếu rễ cây có dược tính thì cành lá cũng có dược tính. Tương tự nếu gốc rễ đã tham sân si thì bất cứ gì người ta làm cũng đều bất thiện”. Vì vậy xác định niềm tin là chánh tín hay tà tín đối với người Phật tử rất là quan trọng.

  1. III.           Đối tượng của niềm tin:

Người Phật tử tin tưởng, nương tựa vào Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng.

  1. Tin Phật: Đức Phật là người giác ngộ viên mãn, từ bi bình đẳng và có năng lực thần thông. Có nghĩa là trí tuệ của Ngài siêu việt, nhân cách của Ngài là hoàn thiện, tình thương của Ngài đối với chúng sanh như tình thương của người mẹ thương con. Ngài đạt được những năng lực siêu việt và có thể cứu độ muôn loài.

Tin tưởng nương tựa vào đức Phật phải được bắt đầu bằng thái độ hiểu rõ và sợ hãi nỗi đau khổ của cuộc đời. Thấy rõ rằng không có ai là chỗ nương tựa một cách vững chắc cho ta trên cuộc đời này; không ai hiểu được khi ta lâm vào những nỗi bất hạnh: gìa nua, chết chóc, tai ương hoạn nạn…

Tin tưởng theo Phật là đi theo con đường của Phật đã đi, học tập những đức tính mà đức Phật đã thành tựu, tập sống an lạc hạnh phúc và giải thoát như Phật đã giải thoát. Đó là thành quả của đức tin đối với Phật.

Khi đã tin tưởng vào đức Phật và nương tựa vào ngài thì ta không còn nương tựa vào một ai khác, bởi vì không có ai hoàn thiện như đức Phật. Hãy kính trọng những hình tượng của Đức Phật và các biểu tương liên quan đến Ngài.

  1. Tin Pháp: Là những lời Phật dạy, xuất phát từ sự giác ngộ, từ những kinh nghiệm tâm linh siêu việt. Pháp ấy là con đường đi đến giải thoát, đoạn diệt khổ ưu. Định nghĩa về Pháp là: “Pháp của Phật là thiết thực hiện tại, vượt thoát sự giới hạn của thời gian, có khả năng nâng cao đời sống tinh thần, pháp ấy người nào thực hành sẽ thấy rõ không mù mờ và những ai có trí tuệ đều có thể thực chứng” (Kinh Trung Bộ). Như vậy Pháp là mẹ đẻ ra chư Phật, thành tựu Niết Bàn, con đường giải thoát ấy là quy luật khách quan của tâm linh hướng thượng. Tác dụng rõ rệt nhất của Pháp là điều phục tâm thức ô nhiễm rối loạn của con người.

Nương tựa vào Pháp phải được bắt đầu bằng nhận thức về thực trạng của đời sống, thấy được mặt trái của cuộc đời, nhận thức cuộc đời là vô thường, không ngừng thay đổi, không bền chắc và trống rỗng. Nhận thức được quy luật nhân quả trên dòng đời biến động bất tận ấy và qua thực tế cuộc sống hàng ngày, thấy được điều gì là thiện, điều gì là ác. Nhận thức tính duyên sinh của vũ trụ, mối liên hệ chằng chịt của mọi sự vật… Nhờ nhận thức về Pháp như vậy mà đưa đến tuệ nhãn, vượt thoát sầu đau.

Tin Pháp, nương tựa vào Pháp là tin vào điều thiện, hướng về điều thiện, không để cho các tà thuyết và ác tâm xâm nhập ảnh hưởng tâm trí. Do vậy không được tin theo những lý thuyết trái chống với luật nhân quả, nghiệp báo, duyên sinh…

Người có niềm tin vào chánh pháp là người luôn có tâm hồn hướng thượng, sống phù hợp với đạo lý, giàu tình thương yêu, họ sống có hạnh phúc và may mắn trên đường đời.

Biểu hiện niềm tin vào Pháp là thái độ tôn trọng chân lý, luôn sẵn sàng lắng nghe giáo pháp, nghe điều hay lẽ thật, vô tư khách quan trong nhận thức, trầm tĩnh trong mọi tình huống.

  1. Tin Tăng: Tăng là tập thể người xuất gia, là đệ tử của Đức Phật, nguyện hiến chọn đời mình để thể nghiệm chân lý, là những người có kinh nghiệm tâm linh giải thoát, hiểu rõ các con đường đưa đến thiện đức và an lạc. Tăng là biểu tượng của đạo đức, thanh tịnh, hòa hợp và giải thoát. Định nghĩa về Tăng là: “ Chúng đệ tử của Thế Tôn đầy đủ oai nghi chánh hạnh, trực hạnh, diệu hạnh và như lý hạnh”. Nghĩa là cộng đồng đệ tử của Phật đầy đủ nhân cách ổn định, chất trực, đạo đức, sống đúng với chân lý.

Tin tăng phải bắt đầu bằng nhận thức rằng những người từ bỏ dục vọng vị kỷ là đáng tôn trọng; rằng những đau khổ, rối ren của cuộc đời thường do những người thiếu trí tuệ, đầy tham vọng và ác ý gây nên. Sự chém giết lẫn nhau, sự tàn phá hủy hoại môi trường sinh thái cho đến các thiên tai địch họa… đều xuất phát từ lòng tham vô độ của con người. Ngược lại là người đạt được giác ngộ và giải thoát hay đang đi trên con đường giác ngộ và giải thoát là những con người quý báu trên cõi đời này, có thể làm chỗ nương tựa cho ta, đem đến an ổn cho ta.

Khi đã tin tưởng nương tựa vào Tăng thì phải có lòng thương tưởng đến chư Tăng, luôn gần gũi giúp đỡ và học tập những điều thiện, hãy tôn trọng như tôn trọng vật quý giá, bởi lẽ trong tăng có những bậc A La Hán, Bồ Tát đầy thiện đức và năng lực vô biên. Đó là phước điền của nhân gian. Không nên nương tựa, tin theo những con người hay nhóm người có tâm ý hành vi sai lạc đầy tham vọng, ích kỷ gây những hậu quả khó lường.

  1. Kết luận: Niềm tin vào Phật Pháp Tăng đối với người Phật tử rất quan trọng, nó xác định hướng đi và lý tưởng của người Phật tử, có thể đúc kết niềm tin và lý tưởng ấy như sau:

-         Người Phật tử tin vào chân lý, vào sự giác ngộ và giải thoát mà Đức Phật là người đã chứng đạt và trao truyền.

-         Tin vào đường lối tu tập, phương pháp hành trì mà đức Phật đã dạy. Đó là toàn bộ giáo lý của ngài.

-         Tin vào sự thánh thiện mà chư Tăng là những con người thể hiện và khai mở sẽ đem đến sự soi sáng cho chúng ta.

-         Tin vào khả năng giác ngộ nơi bản thân, giác tánh ấy sẽ được phơi bày khi thực hiện một cách thuần thục con đường tu tập mà Đức Phật đã dạy.

-         Tin vào sự vận hành của đời sống là sự vận hành theo quy luật nhân quả, nghiệp báo. Điều đó có nghĩa là sự đau khổ hay hạnh phúc đều nằm trong tầm tay của con người chứ không phải tùy thuộc vào một năng lực siêu nhiên nào.

Tóm lại, niềm tin và lý tưởng của người Phật tử là nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng để mà hoàn thiện bản thân, để xây dựng hạnh phúc, vơi bớt khổ đau cho cá nhân, gia đình và xã hội.

 

Sau đây là chùm ảnh về buổi thuyết giảng:























Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
sang 22/08/2011 06:58:13
mẹ rất muốn tìm bài này. bi h tớ mới tìm được cho mẹ. chắc là mẹ thích lắm.
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập