Lịch Sử Ðức Phật Tổ Cồ Ðàm - 03. Thiên Thứ Ba: Ðộ Ba Vị Ðạo Sĩ Tên Uruvelakassapa ở Uruvelapadesa

Đã đọc: 4127           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Riêng đức Thế Tôn mang y bát đi đến Uruvekapadesa một mình, khi Ngài ngự đến gần rẫy trồng bông vải, Ngài mới ngự dưới cội cây to bên vệ đường.

Ðồng thời có ba chục vị Thái tử con vua Mahakosala trị vì tại xứ Savatthi (Thất La Phiệt), ba mươi vị nầy cùng một cha khác mẹ với đức vua Ba Tư Nặc. Ba chục vị nầy thường gọi tên chung là BHADDAVAGGIYA (vì ba chục vị đều thật đẹp trai và ăn mặc lịch sự).

Ngày ấy ba mươi vị cùng dẫn vợ con đi chơi trong rừng, nhưng trong ba chục vị ấy có một vị không có vợ nên ông mới vào thành chọn một cô kỹ nữ thật đẹp đem theo cho có bạn. Thừa dịp đang vui chơi, cô ấy trộm lấy đồ trang điểm của vị Thái tử và trốn đi mất. Sau khi cuộc chơi ấy tan, ba mươi vị Thái tử trở lại mới biết đồ trang sức của vị Thái tử ấy mất.

Cả ba mươi vị đồng cùng nhau chia ra đi kiếm cô ấy, vị Thái tử bị mất đồ lại đi ngay đến nơi Phật ngự và hỏi rằng: Thưa Ngài, Ngài có trông thấy một cô gái đi ngang qua đây không?

Ðức Phật đáp: Tại sao ông tìm một người phụ nữ, vậy người phụ nữ ấy có giá trị cao quí hơn bản thân ông chăng? Tại sao chính ông không tìm thấy bản thân của ông?

Vị Thái tử ấy nghe qua lấy làm lạ và hình như ông đang mới tỉnh lại giấc mộng dài. Ông liền nói rằng:

- Bạch Ngài, nếu có thể tìm thấy cái gì cao quí trong thân nầy, tôi xin tìm lấy vật ấy.

- Nầy Thái tử người hãy ngồi xuống đây, Như Lai sẽ thuyết pháp độ người.

Khi ấy hai mươi chín vị kia cũng vừa đến và đồng cùng nhau ngồi xuống để nghe pháp.

Ðức Thế Tôn thuyết năm pháp tuần tự như thuyết cho ngài Yassa nghe và thuyết thêm Tứ Diệu Ðế. Ba mươi vị ấy đều đắc được Pháp nhãn. Vị lớn nhứt đắc quả A na hàm quả, vị nhỏ nhứt đắc Tu-đà-hườn quả còn những vị ở khoảng giữa đắc Tư đà hàm quả. Cả ba mươi vị đồng xin xuất gia theo chánh pháp. Ðức Thế Tôn cho xuất gia và cả ba mươi vị đều đắc A-la-hán quả sau khi xuất gia xong. Xong đức Thế Tôn cho các Ngài đi thuyết pháp độ đời. Ba mươi vị ấy đi đến xứ Pàvàya là một xứ nhỏ như thuộc địa của Sàvatthì là xứ của Phụ vương quí ngài. Vì vậy nên ba mươi vị ấy gọi là Tỳ Khưu PAVÀYA .

Còn đức Thế Tôn thì ngự đi đến Uruvela thuộc về đất của vua Bình Sa Vương xứ Ràjagaha (Vương Xá). Trong khi ấy có ba anh em họ KASSAPA xuất gia theo lối đạo sĩ Phạm Ngã gọi là Jatila , người anh cả ở tại rừng Uruvela nên có tên là Uruvelakassapa. Còn người em thứ nhì ở theo sông Nàdì nên gọi là Nàdìkassapa. Còn người em út ở theo sông Gayà nên có tên là Gàyàkassapa. Người anh cả có năm trăm đệ tử, người em thứ nhì có ba trăm đệ tử, người em út có hai trăm đệ tử.

Ðức Thế Tôn ngự đến gần tịnh thất của ông đạo sĩ Uruvelakassapa và nói với ông rằng: Nầy ông đạo sĩ Kassapa nếu không phải là điều làm phiền ông, Như Lai xin ông cho Như Lai tạm ở trong đền thờ thần Lửa mà ông đang bỏ không ấy một đêm có được không?

- Thầy đại Sa môn, với tôi thì không có chi trở ngại về việc tạm ở của ông chỉ trong một đêm, nhưng đều đáng lo ngại cho ông là có một con Long vương rất hung ác khác thường cũng ở trong ấy. Xin ông đừng để Long vương ấy làm hại ông là được.

- Long vương ấy không làm gì được Như Lai đâu ông an lòng, miễn là ông vui lòng cho Như Lai tạm ở thôi. Ðức Thế Tôn lặp đi lặp lại câu nầy hai ba lần.

 

Ông Uruvelakassapa mới nói rằng: Vậy xin cầu chúc ông được bình an trong đêm nay.

Khi đức Thế Tôn ngự vào đến đền thần Lửa liền trải tọa cụ ra ngồi tham thiền. Long vương trông thấy lấy làm tức giận nó mới hóa khói và lửa mịt mù để thiêu đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn nghĩ: Cũng nên dùng chút thần thông để độ Long vương hung hăng này, ta nên làm khói lửa ấy trở lại đốt Long vương cho nó kinh sợ.

Long vương thấy khói lửa của mình trở lại nên lấy làm tức giận càng làm cho khói lửa tăng gia bội phần, khói lửa của Long vuơng gặp thần thông của Phật càng làm cho cháy sáng rực cả một góc trời. Các vị đạo sĩ thấy lửa cháy rất mạnh lật đật lấy đồ múc nước đến chữa lửa, nhưng không dám đến gần, mới bảo nhau rằng: Các bạn ơi, ông đại Sa Môn ấy thật là đẹp người, tốt tướng nhưng thật đáng tiếc là ông ấy lại bị chết dưới oai lực của Long vương hung ác nầy.

Cũng trong đêm ấy đức Thế Tôn thâu phục được Long vương biến thành con rồng nhỏ nằm khoanh trong bát của đức Thế Tôn. Sáng ngày, Ngài ngự đi khất thực: Các ông đạo sĩ đến vấn an Ngài, Ngài liền giở nắp bát đưa ra cho các ông đạo sĩ coi và bảo rằng: Long vương đã phục tòng Như Lai rồi.

Ông đạo sĩ Uruvelakassapa mới nghĩ rằng: Ông đại Sa môn nầy thật là người có thần thông cao thượng, chinh phục được Long vương hung ác phi thường. Dầu vậy cũng chưa đắc đươc A-la-hán quả như ta. Mặc dầu, nghĩ thế nhưng ông vẫn trong sạch với đức Phật và nói với Phật rằng: Tôi xin thỉnh ông đại Sa môn đến tư thất tôi và tôi xin cúng dường cho ông vật thực hằng ngày.

Ðức Thế Tôn nhận lời ở một nơi trong rừng ấy gần tư thất của ông đạo sĩ Uruvelakassapa. Ðến đêm lại Tứ Ðại Thiên Vương đến hầu đức Thế Tôn để thỉnh pháp, bốn vị đứng bốn phía hào quang của quí vị làm cho sáng ngời rực rỡ, vị đạo sĩ nào cũng thấy. Sáng ngày, ông Uruvelakassapa mới đến hỏi đức Thế Tôn rằng: Xin mời ông đại Sa môn đến thọ thực, tôi đã sửa soạn xong rồi. Ðêm hôm nầy tôi trông thấy hào quang sáng ngời cả khu rừng. Ai đến hầu Ngài mà cho bốn phương sáng ngời như thế.

- Nầy thầy Kassapa , bốn vị ấy là Tứ Ðại Thiên Vương hằng đến hầu Như Lai như vậy.

Ông đạo sĩ mới nghĩ rằng: Thật ông đại Sa môn nầy là người có oai đức lớn thần thông cao đến đổi Tứ Ðại Thiên Vương còn phải đến hầu ông ấy. Mặc dầu vậy nhưng cũng chưa cao thượng bằng ta.

Sau khi thọ thực xong đức Thế Tôn ngự về chỗ cư ngự. Ðêm lại đức Thiên Vương Ðế Thích vào hầu đức Thế Tôn, làm lễ đức Thế Tôn xong đứng hầu nơi phải lẽ, hào quang của đức Ðế Thích còn sáng hơn cả Tứ Ðại Thiên Vương bội phần nên làm cho sáng ngời một góc trời. Ðến sáng ngày, ông đạo sĩ Uruvelakassapa đến nơi cư ngụ của đức Thế Tôn mời thọ thực và hỏi rằng: Ðêm hôm nầy ai đến hầu Ngài làm cho hào quang sáng ngời rực rỡ cả đêm vậy?

Ðức Thế Tôn đáp: Người đến hầu Như Lai đêm nay là Thiên Vương Ðế Thích.

Ông đạo sĩ Uruvelakassapa cũng nghĩ như trước. Sau khi thọ thực xong đức Thế Tôn mới trở về nơi cư ngụ. Ðêm hôm ấy có vị Phạm Thiên tên Sahampati vào hầu Ngài đảnh lễ xong ngồi nơi phải lẽ. Hào quang của một vị Phạm Thiên sáng vô lượng vô biên, sánh với hai đêm qua như đom đóm với mặt trăng.

Sáng ngày, vị đạo sĩ cũng đến thỉnh đức Thế Tôn thọ thực và cũng hỏi như trước, đức Thế Tôn đáp: Ðó là vị đại Phạm Thiên tên Sahampati. Ông Uruvelakassapa mới nghĩ như trước. Sau khi thọ thực xong đức Thế Tôn ngự về nơi cư ngụ của Ngài.

Sáng ngày hôm sau là ngày lễ cúng dường Thần Lửa rất trọng thể của các vị đạo sĩ. Ông Uruvelakassapa mới nghĩ rằng: Sáng mai nầy là ngày lễ quan trọng của chúng ta, tín đồ sẽ đem cúng dường trọng thể đến cúng dường cho chúng ta. Nếu ông đại Sa môn nầy dùng thần thông làm cho tín đồ đem lễ vật cúng cho ông ta, thì ta bị mất hết lợi lộc. Vậy ta phải làm sao ngăn không để cho ông đại Sa môn ấy đến đây?

Ðức Thế Tôn hiểu sự toan tính của thầy đạo sĩ ấy bằng Tha tâm thông. Sáng ngày, đức Thế Tôn ngự đi khất thực ở Bắc Cu Lư châu, đây là một châu khác ngoài vũ trụ nầy. Sau khi thọ thực xong đức Thế Tôn ngự nghỉ trưa tại ao Anotà đến xế chiều mới về chỗ cư ngụ.

Sáng ngày sau ông đạo sĩ Uruvelakassapa đến thỉnh đức Thế Tôn đi thọ thực và hỏi rằng: Hôm qua thầy đi khất thực ở đâu, không thấy đến thọ thực ở tư thất của tôi? Tôi đợi thầy rất lâu.

Ðức Thế Tôn mới bảo cho ông ta biết rằng: Ý của ông ta không muốn cho đức Thế Tôn đến vì sợ đức Thế Tôn dùng thần thông thâu phục tính đồ đến dâng cúng cho Ngài.

 

Ông đạo sĩ nghe đức Thế Tôn nói như thế lấy làm kinh sợ vì những đều chỉ nghĩ thoáng qua trong tâm mình thôi mà đức Phật biết rõ rệt như thấy trước mắt. Nên ông nghĩ rằng: Thật ông đại Sa môn nầy là người có thần thông quảng đại; nhưng cũng chưa bằng ta đã đắc A-la-hán quả.

Khi ấy đức Thế Tôn lại đi luợm vải gói tử thi của một người tớ gái tên Punna ở bãi tha ma về làm y. Khi xưa người chết thường gói vải rồi đem bỏ trong rừng già thanh vắng; chớ ít khi hỏa táng như thời bấy giờ, vì vậy đức Thế Tôn mới đi lượm vải ấy đem về làm y bận. Quí vị nên biết thêm rằng vải gói tử thi đem bỏ là thứ vải rất là rẻ tiền mà người chết nầy lại là một cô đầy tớ thì vải ấy chắc chắn rằng: Thật là rẻ tiền. Nhưng đức Thế Tôn vẫn lượm lấy làm y mặc. Ðời đức Phật chỉ có một lần nầy thôi. Ðức Phật không biết giặt miếng vải hôi thúi ấy ở nơi nào. Khi ấy đức Ðế Thích biết đức Thế Tôn đang tìm một chỗ giặt miếng vải hôi thúi ấy. Ngài đến và biến ra một cái ao rồi thỉnh đức Thế Tôn giặt vải ấy ở ao đó. Sau khi giặt xong, Ngài mới nghĩ làm sao cho hết mùi hôi thúi nầy. Ðức Ðế Thích lại dùng một tảng đá màu xanh trong như ngọc thật đẹp thành một cái chậu có nước thơm và thỉnh Ngài xả lại một lần nữa, khi xả xong hết mùi.

Ðức Thế Tôn lại nghĩ: Bây giờ phơi đâu đây? Chư Thọ Thần lấy làm hoan hỉ và được dịp cúng dường quí báu, nên bao nhiêu cây trong rừng đều hình như biết ý Ngài những nhánh dưới thấp đều từ từ hạ xuống thấp để Ngài phơi tấm vải ấy.

 

Trong khi đức Thế Tôn lượm và giặt phơi tấm vải ấy quả địa cầu rung chuyển ba lần là do nơi oai đức của đức Thế Tôn.

Ngày hôm sau ông đạo si Uruvelakassapa đến thỉnh đức Thế Tôn đi thọ thực tại tư thất của ông, ông mới hỏi: Tại sao hôm qua quả cầu lại rung động đến ba lần. Ðức Thế Tôn dạy tự sự. Ông lấy làm kinh sợ oai đức của đức Phật, nhưng cũng vẫn đinh ninh là ông cao thượng hơn vì ông đã đắc A-la-hán quả.

Sáng ngày hôm sau, ông đạo sĩ lại đến thỉnh đức Thế Tôn đến tư thất ông thọ thực. Ðức Thế Tôn dạy rằng: "Thầy hãy về trước đi Như Lai sẽ đến". Sau khi Ngài đưa vị đạo sĩ ấy ra khỏi tư thất, Ngày mang bát dùng thần thông bay đi khất thực, Ngày ngự lên trên núi Hy Mã Lạp Sơn lượm lấy những trái trâm to lớn trên núi Tuyết Lãnh, rồi Ngài lại đến chỗ thờ thần Lửa trước khi ông Uruvelakassapa về tới.

Ông Uruvelakassapa lấy làm lạ mới hỏi: Thưa ông đại Sa môn ông đi ngã nào lại đến trước tôi như vậy?

Ngài mới nói tự sự và nói rằng: Nầy ông Uruvelakassapa , đây là trái trâm quý trên Tuyết Lãnh sơn, vị nó rất ngon ngọt, và rất hiếm có ở các nơi, nếu thầy có muốn dùng thì cầm lấy mà dùng Như Lai cho thầy đây.

 

Vị đạo sĩ ấy càng kinh sợ hơn, nhưng chứng nào tật ấy. Ông cũng tự cho mình cao thượng hơn và đã đắc A-la-hán quả rồi. Nói về thần thông mà đức Phật dùng một lúc đến bốn điều là: Ðưa vị đạo sĩ ấy ra về. Sau lại lượm lấy trái trâm trên Tuyết Lãnh. Trở lên khất thực ở cõi trời Ðạo Lợi, và lượm lấy một trái cây trên cõi trời, rồi trở về tư thất của của ông đạo sĩ mà còn trước ông ấy nữa.

Ngày nọ, các thấy đạo sĩ muốn đốt lửa lên để tế thần Lửa. Nhưng các ông không làm thế nào chẻ củi được các ông ấy mới nghĩ rằng: Nguyên nhân chẻ củi không bể đây ch?c chắn là do oai lực của vị đại Sa môn nầy.

 

Khi ấy đức Thế Tôn mới ngự đến hỏi làm gì? Các ông đáp chẻ củi nhưng chẻ không bể. Ðức Thế Tôn cho phép chẻ nên củi ấy bể ra rất lẹ và dễ. Ðến ngày hôm sau nhóm lửa lên để đốt đặng cúng dường thần Lửa, nhưng không thế nào đốt cháy. Các ông cũng nghĩ như trước. Ðức Thế Tôn lại ngự đến cho phép nhóm lửa thì lửa lại cháy.

Ðến mùa lạnh tuyết đã rơi, mà các thầy đạo sĩ phải trầm mình trong sông Neranjarà (Ni Liên), đức Thế Tôn thấy thế lấy làm thương hại vì sự khổ hạnh của các thầy. Ngài mới dùng thần thông hóa ra năm trăm lò đầy than hồng cháy rực. Sau khi trầm mình trong nước xong lên có lửa cho mỗi thầy một lò để sưởi cho ấm. Năm trăm vị đạo sĩ nghĩ rằng: Ðây là cũng do oai lực của vị đại Sa môn ấy.

Ngày nọ trời mưa thật to cả ngày đêm làm cho khu rừng Uruvela bị ngập hết. Lẽ cố nhiên vị Chánh đẳng Chánh giác ngự nơi nào dầu cho nước lụt hay lửa cháy; chỗ cư ngụ của Ngài vẫn an nhiên vô sự. Khi ấy đức Thế Tôn mới nghĩ rằng: Ta phải dùng thần thông làm cho nước bao quanh chỗ ở của ta cao lên như một vách tường cao, ở giữa lại có một con đường để ta đi kinh hành. Xong Ngài liền dùng thần thông hiện ra như vậy.

 

Ông đạo sĩ Uruvelakassapa mới nghĩ bụng rằng: Không biết vị đại Sa môn ấy có bị nước lụt ngập không? Hay ông đã đi ở nơi khác rồi. Ông dạy chư đệ tử đem ghe lại và đồng đi đến nơi của Phật ngự. Khi đến nơi ông thấy nước bao quanh chỗ đức Thế Tôn ngự như một tấm vách thành kiên cố, còn đức Thế Tôn thì đi kinh hành trên một con đường khô ráo như không có mưa gió gì hết. Ông lấy làm cảm phục nhưng cũng vẫn đinh ninh rằng: Ta cao quí hơn vì ta đắc được quả cao thượng là A-la-hán. Ông liền hỏi đức Thế Tôn rằng: Ông đại Sa môn ông vẫn còn ở đây sao?

Ðức Thế Tôn đáp: Như Lai vẫn ở đây. Rồi Ngài bay lên hư không rồi đáp xuống ghe của các thầy đạo sĩ. Tất cả các vị đạo sĩ có mặt tại đó nghĩ rằng: Thật thầy đại Sa môn nầy có thần thông quảng đại, oai đức rộng vô lượng vô biên.

 

Thật ra từ khi đức Thế Tôn ra khỏi vườn Lộc Giã là ngày mười sáu tháng mười Âm lịch đến ngụ nơi rừng Uruvela hai tháng nghĩa là đến rằm tháng chạp. Ngài dùng thần thông đến Ba ngàn năm trăm lần. Nhưng vị đạo sĩ Uruvelakassapa vẫn ngã mạn cứng đầu không chịu phục thiện vẫn cho rằng: Ta đã đắc quả A-la-hán cao thượng hơn.

Ðức Thế Tôn nghĩ rằng: Như Lai phải làm cho tâm vị đạo sĩ nầy kinh khủng mới hòng phục thiện được. Nên Ngài mới dạy vị đạo sĩ ấy rằng: Nầy thầy đạo sĩ, ngươi chưa phải là vị A-la-hán đâu, hơn nữa người cũng không biết phương pháp hành đạo cho đắc được A-la-hán quả nữa... Tại sao ngươi lại chấp rằng: Ngươi là vị A-la-hán?

 

Khi nghe đức Thế Tôn dạy thế, ông đạo sĩ Uruvelakassapa liền quì xuống đảnh lễ và bạch rằng: Bạch đức Ðại Giác, tôi xin xuất gia hành theo giáo pháp của Ngài.

- Ngươi là một giáo chủ có đến năm trăm đệ tử, trước hết ngươi nên bảo cho đệ tử ngươi biết trước đã, Như Lai mới cho ngươi xuất gia.

 

Ông đạo sĩ đảnh lễ Ngài xong trở về tư thất triệu tập hết năm trăm vị đệ tử lại bảo cho biết rằng: Ông sẽ xuất gia theo giáo lý của đức Phật. Các đệ tử ai ai cũng bằng lòng xuất gia theo Phật giáo.

 

Các vị đạo sĩ tự cạo đầu bỏ tất cả đồ dùng và y phục của đạo sĩ theo dòng sông rồi đến hầu Phật xin xuất gia, đức Thế Tôn cho xuất gia theo như chư vị Ðại Ðức khác.

 

Nói về đạo sĩ thứ nhì là em của ông ở phía dưới dòng sông, khi thấy đồ dụng cụ của vị đạo sĩ trôi đến. Ông mới nghĩ rằng: Chắc có tai nạn gì đã xảy ra đến anh ta rồi.

Ông liền cho một đệ tử đến chỗ anh của ông coi và hỏi vì sao lại thả đồ dụng cụ của đạo sĩ trôi theo dòng sông vậy? Vị đạo sĩ đệ tử về bảo cho ông đạo sĩ em là Nàdìkassapa biết rằng: Ông Uruvelakassapa đã xuất gia theo Phật giáo. Ông liền dẫn ba trăm đệ tử đến hầu Phật và cũng xin xuất gia theo Phật. Ðức Thế Tôn nhận lời cho xuất gia.

Nói về người em thứ ba là Gàyàkassapa thấy đồ dùng của hai người anh từ dòng sông trên trôi đến, ông lấy làm lo sợ tai nạn gì đã đến cho hai anh mình, ông liền dẫn hai trăm đệ tử đến chỗ hai anh, khi thấy hai anh đã xuất gia theo Phật, ông cũng xin xuất gia theo. Thế là ba anh em của ba vị đạo sĩ họ Kassapa đều xuất gia, đức Thế Tôn lại được thêm một ngàn lẻ ba vị Tỳ khưu.

 

Sau khi chư vị đạo sĩ xuất gia xong đức Thế Tôn mới thuyết bài pháp gọi là ADITTAPARIYÀYA, bài kinh nầy dạy về lửa. Tất cả quí vị ấy đều đắc A-la-hán quả.

Nơi đây tôi xin nhắc lại Túc Sanh Truyện của ba anh em Ngài URUVELAKASSAPA.

Hai mươi chín Ðại kiếp trước Ðại kiếp hiện tại nầy có hai vị Chánh đẳng Chánh giác sanh trong kiếp ấy là vị thứ nhứt có Hồng danh là TISSA vị thứ nhì là PUSSA.

 

Nơi đây xin nói về thời kỳ của đức Thế Tôn PUSSA. Sau khi đạt quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Ngài độ đời lần lần về độ Phụ vương Ngài tên là Seyyasena. Ðức vua hay tin đức Phật ngự về gần đến thành cho quan đại thần ra thỉnh vào thành cúng dường trọng thể. Ðức vua có đức tin rất mạnh nên Ngài dành phần cúng dường cho chư Tăng và Phật hằng ngày, dân chúng không có dịp cúng dường cho chư Tăng và đức Phật. Thậm chí đức vua cho làm hai tấm vách thành từ tư thất của Phật chạy đến hoàng cung, Ngài không cho ai được cúng dường, trên đường ngài trải hoa rưới nước thơm, treo phướn cờ v.v.. cho đẹp mắt.

Ðức vua Seyyasena có ba vị Thái tử, ngài cho đi trấn nhậm những nơi trọng yếu. Trong khi ấy có loạn ở nơi biên cương, đức vua mới đưa chiếu chỉ gọi cả ba vị Thái tử về và truyền chỉ phải đi dẹp loạn.

Ba vị Thái tử vâng lời đem binh đi dẹp loạn. Người anh cả có năm trăm tùy tướng thân yêu, người thứ nhì có ba trăm tùy tướng thân yêu, người thứ ba có hai trăm tùy tướng thân yêu. Ngoài ra mỗi vị còn có nhiều quan quân của vua cha giao phó cho đem đi dẹp loạn. Khi đến nơi ba vị Thái tử dẹp trừ được trong thời gian không lâu. Khi ban sư về đức vua hay tin lấy làm hài lòng, cho ba vị vào chầu và hứa cho hạnh phúc nào mà ba vị mong ước.

Ba vị lui ra và cùng nhau hội lại định coi xin những gì, cả ba vị và ngàn quan hầu thân tính mới đồng lòng bảo nhau rằng: Trong thế gian nầy cái gì chúng ta cũng có thể tìm được khi mà ta chưa chết, mà những vật ấy không quí báu, vì chúng ta không thể đem những vật ấy về vị lai được, chỉ có phước báu là quí nhất mà chúng ta không thể tìm ra được, mà khi chết ta còn có thể đem theo về vị lai được. Vậy chúng ta nên xin đức vua cho phép chúng ta cúng dường đến đức Thế Tôn và chư Thánh Tăng. Tất cả ai ai cũng vui lòng và cho rằng: Ðiều kiện ấy là đúng hơn hết. Nên cùng nhau vào hầu vua cha.

Ðức vua dạy: Phụ vương lấy làm hài lòng việc làm của các con, vậy các con muốn được hạnh phúc gì phụ vương cũng vui lòng ban thưởng cho các con.

Các vị Thái tử cùng tâu: Tâu phụ vương, chúng con nghĩ kỹ không muốn gì hết, chúng con chỉ yêu cầu phụ vương ban cho chúng con ân huệ là được trai Tăng có đức Phật làm chủ tọa và chư Thánh Tăng.

- Ðiều nầy phụ vương không thể làm hài lòng các con được, sao các con không xin chuyện nào ngoài trai Tăng.

 

- Tâu phụ vương, tuổi thọ của con người hiện tại đây đến chín muôn tuổi, mặc dầu phụ vương cho chúng con cúng dường đến đức Phật và chư Tăng vĩnh viễn, cũng xin cho chúng con mỗi đứa bảy hạ thôi.

- Không được bảy hạ lâu lắm.

- Vậy thì sáu hạ.

- Cũng vẫn còn lâu lắm.

Ðức vua và ba vị Thái tử lại bàn nhau sụt xuống còn mỗi vị Hoàng tử có quyền trai Tăng một tháng thôi, nghĩa là cả ba vị được có một hạ là ba tháng.

Ba vị Thái tử mới thỉnh Phật và chư Tăng về nơi cai trị của mình làm lễ. Ba ngài làm chỗ Trai đường thật lớn, và cất chùa để đức Thế Tôn và chư Tăng cư ngụ. Ba vị Thái tử mới chọn một người coi về công khố còn một người coi sổ bộ phân phát tiền chợ. Các Ngài nói với hai ông ấy rằng: Chúng tôi phải dẹp hết công chuyện thế gian nầy vào chùa lo trì giới tham thiền nên không rảnh để coi việc trai Tăng, vậy chúng tôi xin giao trách nhiệm này lại hai ông, mong rằng hai ông không phụ lòng phó thác của chúng tôi đã giao phó. Thật là một trách nhiệm nặng nề, vì hai ông phải trông xem tới tám muôn bốn ngàn người coi lo việc nấu ăn, và hai muôn người lo cúng dường cho đức Thế Tôn và chư Tăng. Chúng tôi tin chắc rằng hai ông sẽ hoàn thành công tác nầy cho chúng tôi.

Ba vị Thái tử bỏ cả việc thế gian vào chùa lo trì giới tham thiền với một ngàn tùy tướng thân yêu.

 

Nói về con cháu của những người phụ trách về nấu ăn, thấy vật thực như bánh v.v.. Ngọt ngon nên thèm đòi ăn khóc lóc om sòm. Cha mẹ chúng chịu không được bực mình nên cho chúng ăn cũng có, hay thương con nên lén lấy cho chúng ăn cũng có. Vì những người ấy không hiểu rằng: Những của cải của ba vị Thái tử để ra đây tác ý là làm để cúng dường đến chư Thánh nhơn nhứt là đức Phật. Nên khi ăn những của ấy không khác nào ăn của chư Thánh nhơn. Nên sau khi chết phải đọa vào địa ngục, sau sanh làm quỉ đói gọi là Ngạ quỉ phải chịu đói khổ không biết là bao nhiêu triệu tỉ năm. Ðến đại kiếp nầy có năm vị Phật, vị thứ nhất là KUKKUSANDHO, vị thứ nhì là KONÀGAMANO, vị thứ ba là KASSAPO. Bọn Ngạ quỉ ấy đến hầu hỏi đức Phật thứ nhất, Ngài dạy hỏi đức Phật thứ nhì, hỏi đức Phật thứ nhì Ngài dạy hỏi đức Phật thứ ba, hỏi đức Phật thứ ba rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, đến bao giờ chúng tôi mới được thoát khỏi cảnh đói khổ nầy?

Ðức Phật KASSAPO (Ca Diếp) dạy rằng: Ðến khi hết giáo pháp của Như Lai hiện tại, lâu không thể đếm năm được, nhưng có thể nói rằng: Khi mặt địa cầu nầy đất mọc cao thêm lên được một do tuần nữa (mười sáu cây số ngàn). Chừng ấy có một đức Chánh đẳng Chánh giác sanh lên, vị ấy có hồng danh là Phật Cồ Ðàm, quyến thuộc của người sẽ là vua Bình Sa Vương, Ngài sẽ dâng cúng vật thực đến đức Phật và chư Thánh Tăng chừng ấy Ngài sẽ hồi hướng phước báu cho các người, các người sẽ được thọ thực và thoát khổ nầy.

Mặc dù phải chịu đói thêm một đời của vị Phật lâu không đếm năm được, nhưng những Ngạ quỉ ấy thấy rất vui vì biết rằng: Ta sẽ được ăn, như chúng ta đói mà biết người sắp dọn cơm cho ăn vậy.

Ðến đời của đức Th? Tôn chúng ta hiện tại. Vị quan coi sổ chi tiêu trong thời kỳ ấy sanh làm vua tại Vương Xá thành tên là Bình Sa Vương; và mười hai ngàn người lo phụ trách việc dọn vật thực cúng dường kia sanh làm người trong thành Vương Xá mà toàn là người giàu sang và con nhà quí phái thường đến hầu vua. Còn ba vị Thái tử sanh làm ba anh em ruột họ Kassapa xuất gia làm đạo sĩ cùng với một ngàn vị tùy tướng thân yêu.

 

Sau khi độ được một ngàn lẻ ba vị đạo sĩ, đức Thế Tôn dẫn cả thảy vào Vương Xá thành. Ðức Phật định đi độ đức vua Bình Sa Vương. Ðức Phật ngự vào vườn thượng uyển, người giữ vườn lật đật vào cho đức vua hay. Ðức vua được tin ấy lấy làm hoan hỉ lập tức dẫn mười hai ngàn người bạn đến vườn thượng uyển hầu Phật.

 

Khi đến nơi Phật ngự đảnh lễ Phật xong ngồi vào nơi phải lẽ. Mười hai muôn người theo đức vua Bình Sa Vương là hạng quí phái Trưởng giả, Bà la môn thấy đức vua đảnh lễ Phật cũng đảnh lễ. Có người ngồi yên, có người hỏi thăm sức khỏe của Phật theo phép xã giao. Có người lại nghĩ rằng: Ông đại Sa môn nầy là thầy của ông Uruvelakassapa hay ông Uruvelakassapa là thầy của ông đại Sa môn? Vậy ai là thầy, ai là trò?

Ðức Thế Tôn biết sự suy nghĩ của các người ấy bằng Tha tâm thông, nên Ngài mới phán hỏi ông Uruvelakassapa rằng: KIMEVA DISVA URUVELASI v.v.. Nầy Uruvelakassapa , ông suy nghĩ thấy gì nên ông bỏ sự cúng dường thần Lửa. Và Như Lai hỏi do nguyên nhân nào mà ông bỏ sự thờ cúng ấy?

Ông Uruvelakassapa đáp rằng: RÙPE CA SADDE CA ATTHORASO CA v.v.. Lẽ cố nhiên tiếng gọi là tế ấy có nghĩa là mong ước muốn được Ngũ trần Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc. Nay đệ tử hiểu rõ rằng: Những điều ấy toàn là phiền não; và cũng đã tìm thấy con đường đến Niết bàn là nơi không còn luân hồi, nên không còn tầm kiếm Ngũ trần, không còn sanh trong Dục giới, không còn ưa mến Ngũ trần, tâm không còn ưa thích tất cả các sự việc bên ngoài. Vì lẽ ấy nên đệ tử bỏ sự tế thần Lửa mà khi xưa kia đệ tử đã hành.

Sau khi nói xong câu ấy Ngài liền cúi đầu lạy sát bên chân của đức Thế Tôn để cho những người có mặt tại nơi ấy biết rằng: Ngài là đệ tử của đức Phật. Rồi Ngài lại nói thêm rằng: Ðức Ðại Giác chính Ngài là Tôn sư của đệ tử. Tôi là đệ tử của Ngài.

Nói xong Ngài dùng thần thông bay lên hư không cao độ một cây thốt nốt rồi trở xuống quì lạy y chỗ cũ, lại bay lên cao hơn lần trước một cây thốt nốt rồi đáp xuống nơi cũ và cũng cúi lạy lần thứ nhì, làm như thế bảy lần mỗi lần đều cao hơn một cây thốt nốt. (Mỗi cây thốt nốt cao độ mười hai thước).

 

Tất cả những người có mặt nơi ấy đều nghĩ rằng: Ðức Ðại Giác là thầy của ba đạo sĩ họ KASSAPA .

Ðại đức Uruvelakassapa bạch Phật: Khi xưa đệ tử cho rằng: Mình là bực A-la-hán, sau nầy nhờ ơn đức Thế Tôn giáo hóa nên mới diệt được tà kiến.

- Không phải Như Lai mới độ được người trong kiếp nầy. Lúc quá khứ Như Lai cũng đã độ người khỏi độc vật là tà kiến rồi.

Ðức Thế Tôn thuyết pháp Tứ Diệu Ðế. Sau khi dứt thời pháp hai muôn người theo đức Bình Sa Vương đắc Tu-đà-hườn quả, và một muôn người kia được thọ Tam qui làm thiện nam trong Phật giáo.

Ðức Bình Sa Vương mới bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn trong khi tôi còn là một vị hoàng tử có phát nguyện năm điều là:

1) Muốn được phong vương trị vì thiên hạ thay phụ vương.

2) Khi có vị Chánh đẳng Chánh giác trong cõi Diêm Phù nầy, xin hãy ngự đến xứ của trẫm trước nhứt.

3) Xin cho tôi được vào hầu Phật.

4) Xin đức Chánh đẳng Chánh giác thuyết pháp độ tôi.

5) Xin cho tôi đắc được Thánh quả.

Hiện nay năm điều nguyện vọng của trẫm đã đoạt thành. Trẫm rất hài lòng đối với đời sống nầy rồi, trẫm cũng chẳng thấy có gì cao cả hơn Pháp bảo. Kể từ vô thủy đến nay trẫm ví như cái chén úp, hôm nay người đến lật ngửa lên; hoặc cũng ví như một vật gì khác che đậy kín, nay có người đến đem vật che ấy ra; hay ví như người đi lạc đường có được người khác đến chỉ đường cho ra được, hoặc giả như người ở nơi tăm tối lại có người đem đèn đến đốt cho sáng, hay như người mù được vị lương y chữa cho được sáng mắt. Tôi xin qui y Tam bảo, xin đức Thế Tôn nhận biết rõ rằng: Trẫm là người Thiện nam trong Phật giáo kể từ giờ phút nầy. Trẫm xin kính thỉnh đức Thế Tôn và chư Tăng đến thọ thực nơi hoàng cung để trẫm được vun trồng thêm phước thiện.

Ý nói của đức Bình Sa Vương là Ngài là người mù, là cái chén úp v.v.. mà đức Thế Tôn là người đến chữa cho và lật chén lên.

Ðức Thế Tôn nhận lời bằng cách lặng thinh. Ðức vua biết rõ ý của đức Thế Tôn nên đảnh lễ xong ra về.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập