Trang chủ/Lịch sử/Đức Phật/Huỳnh Kim Quang dịch: Câu chuyện về cuộc đời Đức Phật
Đức PhậtPhật đảnTiêu điểm

Huỳnh Kim Quang dịch: Câu chuyện về cuộc đời Đức Phật

Do BHIKKHU BODHI kể
Huỳnh Kim Quang dịch

Lời người dịch: Ngày 15 tháng 5 năm 2022 là ngày trăng tròn tháng Vesak của Ấn Độ mà cũng là ngày Rằm Tháng Tư Âm Lịch kỷ niệm đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh.

Ngày Đại Lễ Phật Đản đã được Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần đầu tiên tổ chức tại thủ đô Columbo của Tích Lan năm 1950 ấn định là ngày Rằm tháng tư Âm Lịch hay ngày trăng tròn tháng Vesak của Ấn Độ, tức tháng 5 Dương Lịch. Kể từ đó, các tổ chức Phật Giáo trên thế giới đều lấy ngày này làm ngày lễ chính thức kỷ niệm Đức Phật Đản Sinh.

Theo đề nghị của 34 quốc gia có đa số người dân là Phật tử, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong phiên họp lần thứ 54 vào ngày 15 tháng 12 năm 1999 đã thông qua Nghị Quyết tuyên dương tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa bình của Đức Phật và chính thức tổ chức Ngày Đại Lễ Vesak vào tháng 5 để kỷ niệm đức Phật đản sinh, giác ngộ và nhập niết bàn.

Nhân mùa Phật Đản, xin trích dịch câu chuyện về cuộc đời của đức Phật do Bhikkhu Bodhi viết trong bài “The Buddha and His Dhamma” [Đức Phật và Giáo Pháp Của Ngài]. Bhikkhu là tiếng Nam Phạn (Pali) chỉ giới phẩm Tỳ Kheo của một vị xuất gia trong Phật Giáo. Vì vậy, Bhikkhu Bodhi là Tỳ Kheo Bodhi. Tỳ Kheo Bodhi có thế danh là Jeffrey Block là người Mỹ xuất gia theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy tại Tích Lan và hiện đang giảng dạy tại New York và New Jersey. Ông là Chủ Tịch của Hội Buddhist Publication Society và đã xuất bản nhiều tác phẩm về truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy.

Sau đây là câu chuyện Tỳ Kheo Bodhi kể về cuộc đời đức Phật.


Dù chúng ta không thể xác định chính xác tuyệt đối ngày sinh của đức Phật, nhiều học giả đồng ý rằng Ngài đã sống từ năm 563 tới 483 trước Tây Lịch; ngày càng có nhiều học giả chấp nhận một niên đại khác cho rằng ngày sinh của đức Phật trễ hơn 8 năm. Như lẽ tự nhiên với nhà lãnh đạo tâm linh là người có ảnh hưởng lớn đến nền văn minh của nhân loại, câu chuyện về cuộc đời của Ngài đã được thêu dệt với huyền thoại và truyền thuyết. Tuy nhiên, trong nguồn tài liệu cổ nhất về cuộc đời của đức Phật, Kinh Tạng bằng tiếng Pali, chúng ta thấy một số kinh mà từ đó chúng ta có thể tạo dựng bức tranh thật không thiên vị về sự nghiệp của Ngài. Điều nổi bật về bức tranh được đưa ra bởi các kinh văn này là nó cho thấy cuộc đời của đức Phật như một chuỗi các bài học thể hiện và truyền đạt những điểm then chốt trong giáo lý của Ngài. Vì thế, trong cuộc sống của chính Ngài, con người và thông điệp hợp nhất với nhau trong sự thống nhất không thể phá vỡ.

Vị đạo sư tương lai được sinh ra trong dòng họ Thích Ca (Sakya) tại một nước cộng hòa nhỏ nằm trong sườn núi Hy Mã Lạp Sơn, trong khu vực mà hiện nay là miền nam của nước Nepal. Ngài có tên là Tất Đạt Đa (tiếng Nam Phạn là Siddhattha, tiếng Bắc Phạn là Siddhartha) và họ là Gotama (Gautama).

Truyền thuyết kể rằng Ngài là con trai của một quốc vương đầy thế lực, nhưng trong thực tế triều đại Thích Ca là một nhà nước cộng hòa chính trị độc lập, như thế phụ vương của Ngài có thể là thủ lãnh của hội đồng cai trị của các bậc trưởng thượng. Vào thời đức Phật triều đại Thích Ca đã trở thành một nước triều cống của đế quốc Kosala, mà ngày nay là tiểu bang Uttar Pradesh. Ngay cả trong các bản kinh cổ xưa nhất cũng đã kể cho chúng ta nghe rằng ngày sinh của thái tử có sự xuất hiện của nhiều điều kỳ diệu. Ngay sau khi Ngài sinh ra đời, một hiền nhân có tên là A Tư Đà (Asita) đã đến thăm cậu bé, và nhận ra trên thân thể của cậu bé này nhiều dấu hiệu của sự kỳ vĩ trong tương lai, vị hiền nhân này đã cúi đầu trước cậu bé để tỏ lòng tôn kính.

Là một người con trai trong hoàng gia, Thái Tử Tất Đạt Đa được nuôi dưỡng trong giàu sang phú quý. Phụ vương của thái tử đã xây cho Ngài 3 cung điện, một cung điện cho một mùa trong năm, và Ngài ở đó tự hưởng thụ với các bạn bè. Tới tuổi 16 Ngài lập gia đình với em gái họ là một công chúa tuyệt sắc có tên Da Du Đà La (Yasodhara) và sống cuộc sống hài lòng trong thủ đô Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) của vương quốc Thích Ca; trong thời gian này Ngài có thể đã được huấn luyện võ nghệ và các năng khiếu trị quốc.

Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, khi quá hai mươi tuổi, thái tử ngày càng sống nhiều về nội tâm. Điều làm cho Ngài khó chịu là những vấn đề nóng bỏng mà chúng ta thường xem là đương nhiên — những câu hỏi liên quan đến mục đích và ý nghĩa của cuộc đời của chúng ta. Phải chăng mục đích của sự hiện hữu của chúng ta là để hưởng thụ dục lạc, đạt tới sự giàu sang, thi triển quyền lực? Hay có điều gì vượt hơn những thứ này, thực hơn và viên mãn hơn? Những điều này phải là những câu hỏi dậy sóng trong tâm trí của Ngài, mà chúng ta có thể tìm thấy phản ảnh của Ngài được ghi trong Kinh “The Noble Quest” (Kinh Thánh Cầu – Trung Bộ Kinh 26):

“Này các Thầy, trước khi giác ngộ, tự mình bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị buồn rầu và bị phiền não, ta lại đi tìm cái bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị buồn rầu và phiền não.

“Rồi ta suy nghĩ như thế này: ‘Tại sao, bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị buồn rầu và bị phiền não, mà ta lại đi tìm các bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị buồn rầu và bị phiền não? Nghĩ rằng, tự mình bị sinh, thì phải hiểu rõ sự nguy hiểm trong cái bị sinh, nên ta đã đi tìm cái bất sinh, sự an ổn tối thượng vượt khỏi khổ ách, Niết Bàn. Nghĩ rằng, tự mình bị già, bị bệnh, bị chết, bị buồn rầu và phiền não, ta tìm sự không già, không bệnh, không chết, không buồn rầu và không phiền não, an ổn tối thượng vượt khỏi khổ ách, Niết Bàn’.”

Vì vậy, năm 29 tuổi, trong lúc sung mãn của cuộc sống, với sự khóc lóc của song thân, Ngài đã cắt tóc và cạo râu, mặc y vàng của một khất sĩ và bắt đầu cuộc sống không nhà của sự viễn ly. Tiểu sử của đức Phật về sau này thêm rằng Ngài đã từ bỏ hoàng cung vào chính ngày hiền thê của Ngài hạ sinh đứa con trai duy nhất là La Hầu La (Rahula).

Để lại nhà và gia đình phía sau, Bồ Tát (Bodhisatta) hay “người đi tìm sự giác ngộ” (như Ngài hiện được gọi) đi về hướng nam của nước Magadha (ngày nay là Bihar, Ấn Độ), trong sự vây quanh của một nhóm nhỏ những người đi tìm sự soi sáng tâm linh mà thường được hướng dẫn bởi một vị đạo sư. Lúc đó miền bắc Ấn Độ đã có thể tự cho là có nhiều vị đạo sư nổi tiếng đối với các hệ thống triết lý của họ và thành tựu thiền định. Thái Tử Tất Đạt Đa đã tìm đến 2 trong số những vị nổi tiếng nhất là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Ngài đã học từ họ các hệ thống thiền định mà, từ sự mô tả trong các văn bản, có vẻ là những vị tiền bối của phương pháp Raja Yoga. Bồ Tát đã quán triệt các giáo pháp và hệ thống thiền định của họ, nhưng dù Ngài đã đạt tới các cấp bậc xuất thần của định (samadhi), Ngài đã phát hiện ra những giáo pháp này vẫn chưa đầy đủ, vì chúng đã không đưa tới mục đích mà Ngài đang tìm: sự giác ngộ cứu cánh và sự thành tựu Niết Bàn, giải thoát mọi khổ đau của chúng sinh.

Rời khỏi những vị thầy của Ngài, Bồ Tát thực hành con đường khác, con đường phổ biến tại Ấn Độ cổ thời và vẫn còn được tu tập ngày nay: con đường khổ hạnh, tự hành xác, theo đuổi niềm tin rằng sự giải thoát được chiến thắng bằng cách làm cho thân xác đau đớn hơn mức độ chịu đựng bình thường. Trải qua 6 năm, Bồ Tát theo phương pháp này với quyết tâm kiên cường. Ngài đã nhịn ăn nhiều ngày cho đến đỗi cơ thể của Ngài trông giống như bộ xương được da bọc lại; Ngài đã tự phơi nắng giữa trưa và chịu lạnh ban đêm; Ngài phải chịu đựng sự dằn vặt của mình đến nỗi Ngài suýt đến gần sát cửa tử thần. Tuy nhiên, Ngài phát hiện ra rằng mặc dù sự kiên trì và chân thành của mình, những khổ hạnh này là vô ích. Sau đó, Ngài nói rằng Ngài đã đi theo con đường tự hành xác hơn tất cả những người khổ hạnh khác, nhưng nó đã dẫn đến, không phải là trí tuệ và giác ngộ cao hơn, mà chỉ là sự yếu đuối về thể chất và sự suy yếu của các cơ năng thần kinh.

Rồi Ngài nghĩ đến con đường khác để giác ngộ, là con đường quân bình giữa sự chăm sóc thân thể đúng cách với sự suy ngẫm và chiêm nghiệm sâu sắc. Sau đó Ngài gọi con đường này là “con đường trung đạo” bởi vì nó tránh xa các cực đoan của đam mê nhục dục và tự hành xác. Ngài đã từng trải qua cả hai cực đoan, trước đó lúc làm thái tử và sau này lúc làm nhà tu khổ hạnh, và Ngài đã biết chúng cuối cùng đi đến đường cùng. Tuy nhiên, để theo đuổi con đường trung đạo, Ngài đã nhận ra khi lần đầu lấy lại được sức khỏe. Vì vậy Ngài đã từ bỏ việc tu khổ hạnh và nhận thức ăn bổ dưỡng. Lúc đó 5 nhà tu khổ hạnh khác sống gần Bồ Tát, hy vọng rằng khi Ngài đạt được giác ngộ Ngài sẽ hướng dẫn cho họ. Nhưng khi họ thấy Ngài nhận bữa ăn sung túc, thì họ trở nên chán ghét Ngài và rời bỏ Ngài, nghĩ rằng nhà khổ hạnh gốc thái tử đã từ bỏ nỗ lực của mình và trở lại với cuộc sống xa hoa.

Bây giờ Ngài một mình, và sự đơn độc hoàn toàn cho phép Ngài theo đuổi thánh cầu không bị quấy rầy. Một ngày nọ, khi thể chất của Ngài khỏe mạnh trở lại, Ngài đã tới điểm đáng yêu tại Uruveda bên bờ sông Neranjara (Ni Liên Thuyền). Ở đây Ngài chuẩn bị một chỗ ngồi bằng rơm dưới cây asvattha (tất bát la mà sau này gọi là Cây Bồ Đề) và ngồi theo tư thế kiết già, lập thệ nguyện kiên cố rằng Ngài sẽ không bao giờ đứng dậy từ chỗ ngồi này cho đến khi Ngài đã chiến thắng mục đích của mình. Khi đêm xuống Ngài vào sâu hơn trong các trạng thái thiền định cho đến lúc tâm Ngài hoàn toàn bình lặng và định tĩnh. Rồi, các bản kinh cho chúng ta biết, vào canh một của đêm ấy Ngài đã chứng túc mạng thông nhìn thấy suốt các đời quá khứ của mình. Dần dần mở ra trước nội quán của Ngài những trải nghiệm trong nhiều đời của quá khứ, ngay cả sự vô tận của vũ trụ; vào giữa đêm Ngài đã chứng “thiên nhãn thông” thấy các chúng sinh chết ở chỗ này và sinh ở chỗ kia theo hành nghiệp của họ; và đến cuối đêm, Ngài thể nhập vào chân lý sâu xa nhất của hiện hữu, nguyên lý cơ bản nhất của thực tại, và bằng cách ấy rũ sạch trong tâm Ngài màng vô minh vi tế nhất. Khi bình minh vừa lên, người ngồi dưới gốc cây không còn là Bồ Tát, người đi tìm sự giác ngộ, mà là đức Phật, vị Giác Ngộ Viên Mãn, vị đã đạt tới Bất Tử ngay trong cuộc sống này của Ngài.

Qua nhiều tuần khi đạt được sự giác ngộ đức Phật vẫn ở tại Cây Bồ Đề để chiêm nghiệm các góc độ khác nhau của Chánh Pháp, là chân lý mà Ngài đã khám phá. Rồi Ngài đi đến suy tư về sự nghiệp tâm linh mới: Ngài nên giảng dạy, để cố gắng chia xẻ nhận thức của Ngài với tha nhân, hay Ngài nên tiếp tục ẩn cư trong rừng, cảm thụ về niềm an lạc của sự giải thoát riêng một mình?

Với suy nghĩ đầu của Ngài nghiên về việc giữ im lặng, đối với tư duy chân lý mà Ngài đã chứng ngộ thì quá sâu xa để người khác hiểu, quá khó để diễn bày bằng ngôn ngữ, và Ngài lo ngại sẽ chỉ mệt mỏi khi cố gắng truyền đạt nhận thức của mình cho người khác. Nhưng sau này các văn bản đã đưa ra một yếu tố quan trọng vào câu chuyện. Ngay lúc đức Phật quyết định giữ im lặng, thì vị trời Phạm Thiên Sahampati, Chủ Tể của Một Ngàn Thế Giới, nhận ra rằng nếu Bậc Đạo Sư giữ im lặng thì thế gian sẽ bị lạc lối, bị tướt mất con đường không cấu nhiễm để giải thoát khổ đau. Do đó vị trời này đã xuống mặt đất, đảnh lễ trước Đấng Giác Ngộ, và xin Ngài giảng dạy Chánh Pháp “vì lợi ích của những người có ít bụi trong mắt của họ.”

Rồi thì đức Phật quán sát thế giới với tuệ nhãn sâu xa của Ngài. Ngài thấy rằng loài người như hoa sen trong ao ở các giai đoạn khác nhau của sự trưởng thành, và Ngài hiểu rằng một số hoa sen gần mặt nước chỉ cần tia mặt trời để vươn lên cao và nở hoa viên mãn, vì thế ở đó có người chỉ cần nghe thánh giáo để giác ngộ và đạt giải thoát cứu cánh của tâm. Khi Ngài thấy điều này thì trái tim của Ngài đã được rung cảm bởi lòng từ bi sâu xa, và Ngài đã quyết định đi trở lại thế gian để giảng dạy Chánh Pháp cho những người nào đã sẵn sàng lắng nghe.

Những người đầu tiên Ngài đến là nhóm bạn đồng tu khổ hạnh cũ, 5 nhà khổ hạnh đã bỏ Ngài vài tháng đầu và hiện cư trú tại vườn nai (Lộc Uyển) tại Sarnah gần Benares. Ngài giải thích cho họ về các chân lý mà Ngài đã khám phá, và trong lúc nghe đức Phật giảng họ đã đạt được kiến giải trong Chánh Pháp, trở thành những vị đệ tử đầu tiên của Ngài. Trong những tháng sau đó những người đi theo Ngài đã tăng vọt bởi những người tại gia và các nhà khổ hạnh nghe thông điệp giải thoát của Ngài, từ bỏ tín điều cũ của họ và tự tuyên bố họ là đệ tử của Đấng Giác Ngộ.

Mỗi năm, ngay cả khi tuổi già, Ngài cũng vẫn vân du trong các làng mạc, thị trấn, và thành phố của bình nguyên Sông Hằng, giảng dạy cho tất cả những ai muốn nghe; Ngài chỉ an cư trong 3 tháng vào mùa mưa, và rồi tiếp tục cuộc du hóa, đi từ nơi mà ngày nay là Delhi ngay cả xa hơn nữa về phía đông tới Vịnh Bengal. Ngài đã thành lập Tăng Già (Sangha), là những vị tăng và ni xuất gia, vì họ mà Ngài đã đặt ra các giới luật chi tiết; tăng già này vẫn còn tồn tại đến ngày nay, có lẽ (cùng với tăng đoàn của Kỳ Na Giáo) là cơ chế tồn tại lâu đời nhất trên thế giới. Ngài cũng cảm hóa được nhiều người tại gia trở thành những người phát nguyện hộ trì bật Đạo Sư và Tăng Già của Ngài.

Sau 45 năm vân du hóa độ, ở tuổi 80, đức Phật đi về thành phố Kusinara ở miền bắc. Nơi đó, nhiều vị đệ tử bao quanh, Ngài đã nhập vào “Niết Bàn không còn lại bất cứ sự hiện hữu theo duyên sinh” nào, cắt đứt vĩnh viễn sự trói buộc của Ngài vào vòng tái sinh.

Tôi đã nói ở trước rằng mỗi sự kiện lớn trong cuộc đời của đức Phật đểu cho chúng ta một bài học đặc biệt trong giáo pháp của Ngài. Bây giờ tôi sẽ rút ra một số bài học từ những sự kiện này.

Trước hết, sự thức tỉnh của Bồ Tát đối với thực tại khắc nghiệt của sự hiện hữu của con người —sự khám phá của Ngài về sự trói buộc của chúng ta đối với tuổi già, bệnh tật, và cái chết — dạy cho chúng ta sự quan trọng của việc tự phản tỉnh và suy tư sâu sắc. Sự thức tỉnh của Ngài phản ảnh trở lại đối với chúng ta về tình trạng mộng du mà trong đó chúng ta thường sống, bị sa lầy trong lạc thú và các mối quan tâm nhỏ, không biết gì đối với “đại sự” đang đối mặt với chúng ta mỗi khoảnh khắc của cuộc sống. Sự thức tỉnh của Ngài nhắc nhở chúng ta rằng chính chúng ta phải vươn lên từ cái tổ kén vô minh thoải mái nhưng nguy hiểm mà trong đó chúng ta đã cư ngụ; rằng chúng ta phải thoát khỏi sự suy nghĩ bồng bột với sự trẻ trung, sức khỏe, và sức sống; rằng chúng ta phải vươn tới mức độ mới của sự hiểu biết già dặn mà sẽ làm cho chúng ta chiến thắng trong cuộc đối đầu không thể tránh khỏi với Tử Thần.

Sự ra đi của Bồ Tát khỏi cung điện, “sự từ bỏ vĩ đại” của Ngài dạy cho chúng ta bài học về các giá trị. Nó cho chúng ta thấy rằng trong số rất nhiều giá trị mà chúng ta có thể rút ra để giúp cho cuộc sống của chúng ta trật tự, cuộc tìm kiếm giác ngộ và giải thoát sẽ ngự trị tối cao. Mục tiêu này vượt xa niềm vui, sự giàu có và quyền lực mà chúng ta thường ưu tiên, thậm chí vượt trên cả lời kêu gọi về nghĩa vụ xã hội và trách nhiệm thế tục. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả những ai muốn theo con đường của đức Phật phải sẵn sàng bỏ lại nhà và gia đình và chấp nhận lối sống của một nam nữ tu sĩ. Cộng đồng đệ tử của đức Phật bao gồm nhiều người tại gia cũng như các vị xuất gia, nam nữ cư sĩ sùng đạo đạt được mức độ thức tỉnh cao trong khi sống cuộc sống năng động trong cuộc đời. Nhưng tấm gương của đức Phật cho chúng ta thấy rằng tất cả chúng ta phải sắp xếp các giá trị của mình theo một thang đo mang lại vị trí cao nhất cho mục tiêu xứng đáng nhất, đó cũng là thực tế nhất trong tất cả các thực tại, Niết Bàn; và chúng ta không bao giờ nên cho phép các yêu sách về nghĩa vụ thế gian kéo chúng ta ra khỏi việc theo đuổi ước nguyện của chúng ta.

Kế đến, sáu năm đấu tranh của Bồ Tát cho chúng ta thấy rằng cuộc tìm kiếm mục tiêu cao nhất là một công việc vất vả đòi hỏi sự cống hiến sâu sắc và nỗ lực không ngừng. May mắn cho chúng ta, Bồ Tát đã phát hiện ra rằng việc thực hành tự hành xác là sự thực tập không có kết quả, và do đó chúng ta không cần phải theo hướng này. Nhưng việc theo đuổi chân lý không khoan nhượng của Ngài nhấn mạnh mức độ nỗ lực mà cuộc tìm kiếm giác ngộ đòi hỏi, và những người tìm kiếm mục tiêu như vậy một cách nghiêm túc phải sẵn sàng tham gia một khóa đào luyện khó khăn và đòi hỏi khắt khe.

Sự giác ngộ của đức Phật dạy cho chúng ta rằng trí tuệ tối thượng và sự giải thoát khỏi đau khổ là tiềm năng thực sự vốn có của con người, chúng ta có thể tự mình nhận ra mà không cần sự trợ giúp hay ân sủng của một vị cứu tinh bên ngoài. Sự giác ngộ của Ngài cũng làm nổi bật ý tưởng của sự tiết chế khôn ngoan, “con đường trung đạo”, đặc trưng của Phật Giáo trong suốt lịch sử lâu dài của nó. Cuộc tìm kiếm chân lý có thể là một công việc khó khăn, một trong những yêu cầu khắc nghiệt đối với chúng ta, nhưng nó không yêu cầu chúng ta phải chịu sự đền tội và tự trừng phạt. Chiến thắng cuối cùng là chiến thắng, không phải bằng cách hành hạ cơ thể, mà bằng cách phát triển tâm trí, và điều này diễn ra thông qua một khóa đào luyện cân bằng việc chăm sóc cơ thể với việc tu luyện tâm linh cao hơn của chúng ta.

Quyết định mà đức Phật đưa ra sau khi giác ngộ mang đến cho chúng ta bài học khác. Vào thời điểm quan trọng này, khi Ngài phải đối mặt với sự lựa chọn là giữ sự giác ngộ cho chính mình hoặc chấp nhận thử thách dạy người khác, mệnh lệnh của từ bi chiếm ưu thế trong trái tim của Ngài. Bỏ lại đằng sau sự im lặng của khu rừng, Ngài tự gánh lấy gánh nặng hướng dẫn loài người lầm lạc đi theo con đường giải thoát. Sự lựa chọn này đã có một tác động to lớn đến sự phát triển sau đó của Phật Giáo, vì trong suốt lịch sử lâu dài của nó, tinh thần từ bi là nhịp đập của sự phân phát của đức Phật, trụ cột sống động sâu thẳm nhất của nó. Chính tấm gương từ bi của đức Phật đã thúc đẩy các tăng ni, phật tử đi qua biển, núi và sa mạc, dù nguy hiểm của cuộc sống của họ, để chia sẻ sự an lạc của Chánh Pháp với những người vẫn còn lạc trong bóng tối. Chính tấm gương này đã truyền cảm hứng cho nhiều Phật tử ngày nay, bằng nhiều cách khác nhau, ngay cả khi họ chỉ có thể bày tỏ lòng từ bi của mình bằng những hành động khiêm tốn của lòng tốt và sự quan tâm tử tế đối với những người kém may mắn hơn mình.

Cuối cùng, sự thị tịch của đức Phật, sự chứng đắc Niết Bàn tối hậu của Ngài, dạy chúng ta một lần nữa rằng mọi pháp do duyên sinh đều phải diệt vong, rằng tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, rằng ngay cả những bậc thầy tâm linh vĩ đại nhất cũng không ngoại lệ đối với chính quy luật mà Ngài thường tuyên bố. Sự ra đi của Ngài cũng dạy chúng ta rằng hạnh phúc và bình an cao nhất chỉ đến khi từ bỏ tất cả, thông qua sự rỗng lặng của tất cả các pháp duyên sinh. Vì đây là lối vào cuối cùng để đạt được trạng thái không còn bị duyên sinh, Bất Tử, Niết Bàn.

Nguồn: https://hoangphap.org