Hướng đến ngày Lễ Kỷ niệm Xuất gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Ngày mùng tám tháng hai âm lịch hằng năm, hàng con Phật chúng ta tổ chức Lễ Kỷ niệm Xuất gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây là một ngày lễ đặc biệt quan trọng trong Phật giáo Việt nam nói riêng và Phật giáo trên khắp thế giới nói chung.
Sự kiện Thái tử Tất-đạt-đa xuất thành trong đêm, ngài cưỡi con ngựa Kiền-trắc (Kanthara) cùng với người hầu tên Xa-nặc (Channa) vượt sông Anoma. Từ đây, Ngài bỏ lại con ngựa quý, trang phục vương giả cho người hầu mang về. Ngài đã để lại những thứ trân quý của đời, để lại những phồn hoa thị thành, để lại những danh vị chức tước của thế gian mà tìm cầu đạo giải thoát, tháo gỡ những triền phược, khổ đau của của cuộc đời.
Tôn tượng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni
trong tư thế ngồi kiết già với Xúc địa Thủ ấn (Bhumisparsha mudra)
được an trí tại một địa điểm ở Gaya, Bihar, India; đánh dấu cho sự kiện
Đức Phật vượt qua những thử thách
của binh đoàn và ba cô con gái của Ma vương sai cử đến.
Thật vậy, khổ đau là một hiện thực mà tất cả chúng hữu tình phải đối diện, và tuỳ theo từng mức độ nghiệp duyên sai biệt mà thọ nhận. Nhưng dù hình thức này hay hình thức khác, sanh lão bệnh tử là cái khổ chung của chúng hữu tình. Cái khổ đó được nung nấu bởi ý chí ham muốn và chấp thủ, ham muốn chấp thủ cái thường trong khi thế giới là vô thường và biến động. Đức Phật nói đến thực tế khổ đau (dukkha), nhưng Ngài không nói một thực thể ngã nào chịu nổi khổ đó, khổ đau không phải được gây ra bởi ta, không phải được gây ra bởi người khác, mà khổ đó là do duyên khởi; do vô minh duyên hành, hành duyên thức, … đó chính là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn. Như trong Kinh Tương Ưng, Ngài dạy rằng:
“Một người làm và chính người làm ấy cảm thọ (kết quả). Này Kassapa, như Ông gọi ban đầu “khổ do tự mình làm ra”, như vậy có nghĩa là thường kiến. Một người khác làm và một người khác cảm thọ. Này Kassapa, như vậy đối với người bị cảm thọ, được xảy ra như: “Khổ do người khác làm ra”, như vậy có nghĩa là đoạn kiến. Này Kassapa, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo. Vô minh duyên hành, hành duyên thức... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham và đoạn diệt hoàn toàn vô minh, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.”
Ngài đã quyết tâm ra đi để tìm ra nguồn chơn lý, mở ra nguồn tuệ giác vô tận, soi sáng cho tất cả chúng sinh, từ bỏ những tà kiến, để trở về với bến bờ giác ngộ. Thử thách cuối cùng của Ngài trước khi thành đạo dưới cội cây Bồ-đề là đối mặt với ba cô con gái của Ma vương sai cử đến, đó là Taṇhā, Arati, and Rāga; Taṇhā biểu tượng cho ái dục, Arati biểu tượng cho sự bất mãn, và Taṇhā biểu tượng cho sự tham muốn, nhưng rồi Thái tử Tất-đạt-đa đã vượt qua tất cả những thử thách đó, để rồi sau khi nhập thiền định, ngài chứng ngộ giải thoát với mười danh hiệu cao quý: Như lai, Ứng cúng, Chánh Biến tri, Minh Hạnh túc, Thiện thệ, Thế Gian giải, Vô Thượng sĩ, Điều ngự Trượng phu, Thiên Nhân Sư, Thế tôn.
Gaya, Bihar, India – địa điểm này được cho là nơi mà Bồ-tát Tất-đạt-đa
hàng phục chúng quân của Ma vương cử đến để phá hoại sự tu hành của Ngài,
đây là nơi thử thách sau cùng trước khi ngài giác ngộ giải thoát
dưới cội cây Bồ-đề
Hôm nay, hướng đến ngày kỷ niệm Xuất gia của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, chúng con một lòng hướng đến công hạnh sâu rộng, ý chí xuất trần của Ngài, quyết tâm từ bỏ những tà kiến cố chấp, thực hành nếp sống từ bi và trau dồi trí tuệ, góp phần giải thoát những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống, đem lại bình an và hạnh phúc cho tự thân, cho nhân loại.
Ngày mùng bảy, tháng hai, năm Canh Tý, Phật lịch 2563.
Ấn Độ,
Thiền Minh
- Câu chuyện về cuộc đời Đức Phật Do BHIKKHU BODHI kể, Huỳnh Kim Quang dịch
- Truyện Tranh Lịch Sử Phật Thích Ca Lời: Lý Thái Thuận, Tranh: Trương Quân
- Những thế hệ kế thừa Trần Kiêm Đoàn
- Cuộc hành trình cuối cùng của đức Phật với những thống khổ muôn đời của nhân loại HT. Thích Phước An
- Đức Phật Nhà Đại Cách Mạng HT. Thích Thắng Hoan
- Cuộc đời đức Phật lịch sử theo kinh điển Pali Thích Nhật Từ
- Hiểu thế nào về câu “Duy ngã độc tôn” Thích Phước Tiến
- Dưới Cội Cây Bồ Đề Nguyễn Văn Tiến
- Đức Phật - Tinh hoa của thế giới cổ đại Hồng Ngọc
- Câu Chuyện Về Sư Bà Bahūputtika, Kệ 115, Kho Báu Sự Thật Weragoda Sarada Maha Thero - Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến
- Đức Phật Là Nhà Cách Mạng Tư Tưởng, Xã Hội Tiền Phong Nguyễn Thành Công
- Vua Khỉ Và Thủy Quái Tâm Minh Ngô Tằng Giao phỏng dịch
- Chú Khỉ Nhân Từ Tâm Minh Ngô Tằng Giao
- Đức Phật A Di Đà là ai ? Thích Vân Phong (Nguồn: Cư sĩ Truyền Bình)
- Đức Phật Là Người Chỉ Cho Ta Tấm Bản Đồ Thích Đạt Ma Phổ Giác
Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)