Bàn Về Con Số 7

Trong Phật Giáo, con số 7 được đề cập rất nhiều, vì thế những hành giả tu theo đức Phật đều đã từng gặp qua con số này. Chúng ta thường gặp nó qua truyền thuyết nói về đản sanh của đức Phật, khi ngài bước đi 7 bước; hay trong Kinh A Di Đà, cũng nói về con số 7, nói về việc nhất tâm niệm Phật cho đến 7 ngày thì liền vãng sanh…, như vậy, cần phải làm rõ về con số này, nó có ý nghĩa gì? Tuy có nhiều bài viết bàn về đề tài này, nhưng người viết không đánh giá hay bàn luận đúng-sai về những bài viết ấy, mà chỉ nêu lên quan điểm riêng của mình.
Có những lúc chúng ta cho qua khi nghe đến con số này, nhưng rồi có khi chính ta lại đặt vấn đề về nó. Tại sao một trẻ thơ lại có thể bước đi ngay khi mới chào đời như Thái Tử Tất Đạt Đa? Phi hiện thực chăng? Hay đó là huyền thoại? Trong Phật giáo đại thừa, huyền thoại trở nên rất gần gủi, nên ngài Tuệ Sỹ cho rằng: “đó là quy luật ở đời: cái gì đã thành lý tưởng thì cũng thành huyền thoại. Những nhân cách lý tưởng, là những nhân vật huyền thoại. Người dù hoàn thiện nhân cách mẫu mực thế nào đi nữa, cũng chỉ là nhân vật của xứ sở và thời đại nhất định nào đó. Chỉ có nhân vật huyền thoại mới vượt ngoài không gian và thời gian, để làm mẫu mực cho xứ sở và mọi thời đại.”[1] Như vậy, câu chuyện huyền thoại về việc đản sanh của đức Phật với 7 bước đi được tồn tại trong trường hợp như thế, tuy phi thực tiễn, nhưng được mọi người qua các thời đại hiểu, chấp nhận và thực tế câu chuyện đã được tồn tại cho đến ngày nay. Vậy, 7 bước đi của thái tử có ý nghĩa gì?
Câu chuyện này chỉ tồn tại trong Phật Giáo đại thừa, 7 bước đi được các nhà đại thừa thổi vào đó một triết lý mang dấu ấn thời đại, nó thể hiện tư tưởng cách tân để sánh vai với các trào lưu triết học đương thời. Thời kỳ bộ phái trong Phật giáo là thời kỳ xôn xao bàn về đức Phật, giáo lý…. Được đề cập rất nhiều trong tác phẩm Dị Bộ Tôn Luân Luận và đến thời kỳ đại thừa thì được cô kết những tinh hoa của những tư tưởng và từng bước câu chuyện về 7 bước đi này xuất hiện.
Mục đích duy nhất để đức Phật xuất hiện trong cuộc đời này là khổ và con đường diệt khổ; con đường diệt khổ là nguyên nhân đưa đến giác ngộ và giải thoát. Chưa giác ngộ thì không thể giải thoát, điều ấy đồng nghĩa với việc luân hồi trong lục đạo (6 cõi). Muốn ra khỏi 6 cõi đau khổ này, theo đức Phật phải tu tập thiền quán như ngài đã thực hành. Và để nói về cuộc đời của một bậc mô phạm như đức Phật thì tất cả những hành trạng nói về ngài đều được diễn tả một cách khác người. Đức Phật vừa hiện thực với những lời dạy, nhưng lại phi hiện thực với những huyền thoại, mà tiêu biểu là 7 bước đi. Đức Phật là con người quá tuyệt vời nên sự xuất hiện của ngài cũng phải khác người, 7 bước đi là sự khác người, nhưng rất có ý nghĩa. Bước đi, chính là sự tiến tới một mục đích nào đó, nhưng bước đi của người Phàm thì không thể ra khỏi 6 cõi, vẫn mãi luân hồi, sanh tử và đau khổ; chỉ có bước đi của bậc Thánh mới siêu xuất 6 cõi, mới thoát khỏi 6 cõi ấy, và hoàn toàn giải thoát, nên con số 7 chính là con số tuyệt vời nhất. Bước đi cuối cùng là bước thứ 7 để muốn nói lên một điều rằng bước thứ 6 vẫn còn khổ, vẫn còn sanh tử, vẫn còn trong 6 cõi, nên bước một bước nữa mới thoát khỏi đau khổ trong 6 cõi ấy và bước thứ 7 là bước đi siêu xuất của một bậc Thánh.
Chúng ta bước tới vực thẳm, chỉ cần một bước nữa là chúng ta rơi xuống, cơ hội bước thêm một bước nữa sẽ không thể. Nên không thể có nghi vấn là tại sao thái tử không bước 8 bước mà lại 7 bước. Nên khi nói đến con số 7 là muốn nói đến con số siêu thoát 6 cõi, như mục đích ra đời của đức Phật vậy. Dấu hiệu triết lý của con số 7 chính là nói lên được tính trọn vẹn của cả cuộc đời đức Phật với một mục đích duy nhất thoát khỏi đau khổ trong 6 cõi ấy.
Đó là vấn đề về 7 bước đi của thái tử khi đản sanh. Trong Kinh A Di Đà cũng nói đến con số 7, trong đoạn nói về cách tu tập theo Tịnh Độ Tông, là pháp môn Niệm Phật, bài kinh nói về việc tinh tấn niệm Phật nhất tâm bất loạn từ một ngày cho đến 7 ngày thì sẽ được vãng sanh. Được vãng sanh là mục đích giải thoát, nhưng để đạt được điều ấy hành giả phải trãi qua quá trình niệm Phật tinh tấn, tâm không loạn động. Đây là pháp môn tu tập của Tịnh Độ Tông tương đồng với pháp môn tu Thiền ở trạng thái tâm thanh tịnh.
Chúng ta thử hỏi tại sao không niệm Phật 8 ngày hay nhiều hơn, mà lại phải 7 ngày? Đã có nhiều hành giả niệm Phật vượt con số 7 ngày như kinh đã nêu, có hành giả nhập thất niệm Phật trong vài tháng, vài năm, nhưng giải thoát vẫn chưa diễn ra, đi tìm câu trả lời cho vấn đề này thì có rất nhiều nhưng không thể giải thích một cách thỏa đán. Vậy, chúng ta lý giải như thế nào về con số 7 ngày?
Theo Tịnh Độ Tông, vãng sanh nghĩa là hành giả muốn chuyển hóa thế giới phiền não ngay trong tâm mình thì phải tu tập pháp môn niệm Phật, để tâm được thanh tịnh. Chỉ có chính ta mới biết mình tham lam, nóng giận và si mê đang hoành hành như thế nào, mạnh mẽ hay âm ĩ, mức độ hoạt động như thế nào? Chúng ta chuyển hóa nó bằng phương pháp niệm Phật. Những lo toan, tính toán trong cuộc đời được hành giả thay vào đó bằng phương pháp niệm Phật, như một biện pháp ngăn chặn, không cho phiền não hoạt động hoặc xâm nhập. Khi chạy theo 6 trần thì ô nhiễm xuất hiện, tâm của chúng ta sẽ đón nhận cảnh khổ như ở địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, nên có câu: lục căn lục trần vọng tác vô biên chi tội, mê luân khổ hải ngạ quỷ đạo trung…
Chúng ta không thể biết niệm Phật đến khi nào thì được vãng sanh, nhưng chắc chắn rằng để được vãng sanh thì phải nhất tâm bất loạn. Nếu niệm Phật mà chưa nhất tâm thì phiền não chưa được chuyển hóa, thiện nghiệp chưa đủ mạnh để lay chuyển ác nghiệp và chúng ta vẫn còn rơi rớt lại trong 6 cõi. Niệm Phật trong 7 ngày mà chưa nhất tâm thì chưa được vãng sanh, nhưng nhất tâm bất loạn được kéo dài đến ngày thứ 7 thì việc vãng sanh đã xảy ra chưa hay có thể xảy ra trước hoặc lâu hơn? Vậy con số 7 này có ý nghĩa gì trong pháp môn niệm Phật?
Chúng ta tạm gọi pháp môn niệm Phật, khi nhất tâm bất loạn thì được vãng sanh như một công thức chung. Thời gian để được vãng sanh tùy thuộc vào yếu tố nhân duyên, nghĩa là tùy thuộc vào mức độ tinh tấn. Điểm khởi đầu của pháp môn này là muốn xa lìa đau khổ, và cao hơn nữa là ước muốn chung của Phật giáo, muốn ra khỏi những khổ đau trong 6 cõi. Vì hạnh phúc ở cõi Trời, cõi Người vẫn chưa rốt ráo, chỉ là tạm bợ; niềm vui ở các cõi thấp hơn như A tu la, Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh thì vẫn là đau khổ. Nên niệm Phật cầu vãng sanh nghĩa là cầu thoát khỏi 6 cõi để được an lành nơi thế giới của chư Phật, mà gần nhất là an lành nơi nội tâm của chúng ta. Con số 7 nói lên mục đích cao xa của đạo Phật, với bất kỳ pháp môn nào, đức Phật cũng hướng hành giả ra khỏi luân hồi trong 6 cõi, siêu thoát 6 cõi. Con số 7 ngày trong bản kinh muốn nói đến sức tinh tấn trong tu tâp- có ước muốn, có niệm Phật và có tinh tấn thì sẽ có nhất tâm và có nhất tâm thì hành giả có được kết quả giải thoát, đạt được con số 7 của siêu thoát 6 cõi khổ đau.
Tóm lại, mục đích rốt ráo của đức Phật luôn là giải thoát. Đau khổ của kiếp nhân sinh hay đau khổ trong 5 cõi còn lại là mối quan tâm nhiều nhất của đức Thế Tôn. Vì thế, chúng ta thấy rằng đức Phật rất trung thành với mục đích của ngài đặt ra, đó là khổ và con đường diệt khổ, ngài đã đặt ra và đi đến cùng để giải quyết nó, đã thể hiện qua cả cuộc đời hành đạo của ngài. Đây là điểm tương đồng của cả Phật giáo Bắc tông cũng như Phật giáo Nam Tông về đức Phật. Các nhà đại thừa đã thêm vào yếu tố huyền thoại về 7 bước đi của thái tử khi đản sanh, có dụng ý tô thêm vẻ đẹp của bậc Thánh lâm Phàm với hành trạng khác người, nhưng thể hiện trọn vẹn được tính triết lý bởi lý tưởng xuyên suốt, cao cả ấy. Bước đến bước thứ 7 là bước đi thong dong, tự tại ngoài 6 cõi, không còn bị chi phối bởi 6 cõi. Lý tưởng được gắn vào một huyền thoại như thế tạo nên một triết lý sống động và triết lý ấy đã đi vào thực tiễn với những pháp môn căn bản như Thiền hay Tịnh Độ (niệm Phật).
Khi đi vào con đường thực hành một pháp môn nào đó, không thể có mốc thời gian nhất định nào để đạt đến mục đích, mà phải dựa trên yếu tố tinh tấn. Đức Phật thiền định suốt 49 ngày đêm mới giác ngộ, giải thoát, trong khi kẻ Phàm Phu như chúng ta có thể giải thoát ngay trong 7 ngày niệm Phật ư? Không thể có điều đó xảy ra. Vậy, 49 ngày cũng là con số 7 được nhân lên 7 lần và con số 7 ngày trong kinh A Di Đà là một sự trùng hợp có dụng ý của Đại Thừa, muốn thể hiện một cách trọn vẹn con đường diệt khổ, muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi phải siêu thoát 6 cõi, và con số 7 chính là mục đích như thế.
(Địa chỉ của tác giả: Thông Khiêm, Chùa Báo Ân, 1431 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, tp. Hcm. Sđt: 012.670.777.47)
[1] Tuệ Sỹ, Du Già Bồ Tát Giới, Nxb Phương Đông, 2010, trang 47.
- Vị trí đạo Phật trong văn hóa Nhất Hạnh
- Truyện Tranh Thập Đại Đệ Tử Phật Thích Ca Lời: Lý Thái Thuận, Tranh: Trương Quân
- Những Sự Thâm Trầm Của Đạo Phật Nguyên Thảo
- Phật Học Văn Tập V Tác giả: Pháp sư Sướng Hoài, Phụ tá Tác Giả chọn lọc, Việt dịch Thích Thắng Hoan
- Giá Trị Của Đạo Phật Nguyên Thảo
- Những Tính Đặc Thù của Biển trong Phật Pháp Thích Trừng Sỹ
- Phật Giáo Với Sự Rửa Tội Maha Thongkham Medivongs, Thầy Nguyên Đạt gởi
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà sa Hoang Phong
- Vì sao tôi theo Đạo Phật ? Nghệ sĩ Bạch Tuyết
- Yếu tính thể nghiệm trong tôn giáo của đạo Phật từ Phật giáo nguyên thủy đến Phật giáo phát triển Thích Tâm Thiện
- Quan niệm về trợ tử (euthanasia) của đạo Phật Nguyễn Phúc Bửu Tập
- Quan niệm của Phật giáo về cuộc đời và hạnh phúc Nguyễn Thế Đăng
- Cốt tủy của đạo Bụt Pháp Đăng
- Lược Khảo Áo Hậu Trong Tăng Phục Phật Giáo Bắc Truyền Thích Tâm Mãn
- Phụ Nữ Dưới Cái Nhìn Phật Giáo Ngọc - Chơn
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất

![]() |
Bàn Về Con Số 7 10/01/2011 05:11:00 |
![]() |
Quan niệm của Phật giáo về cuộc đời và hạnh phúc 02/11/2010 11:06:00 |

Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)