Đức Phật A Di Đà Màu Gì?

Có phải Đức Phật A Di Đà màu xanh, hay màu trắng, hay màu đỏ, hay màu vàng, hay màu tím? Hay là những màu khác? Chúng ta chỉ có thể dựa trên kinh điển hay là kinh nghiệm riêng của mình, nếu đã có ai từng nhìn thấy Phật A Di Đà.
Khi dựa theo Kinh, theo truyền thống Tịnh Độ các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn... Đức Phật A Di Đà sẽ có màu vàng. Nếu dựa theo Phật Giáo Tây Tạng, Đức Phật A Di Đà (Amitabha Buddha) tại Cõi Cực Lạc (Pure Land of Dewachen) sẽ có màu đỏ hồng ngọc (ruby red color). Như thế, kinh điển cũng có chỗ bất đồng, ít nhất là về phương diện màu sắc.
Còn nếu dựa theo kinh nghiệm riêng của các vị đã chứng ngộ, có thể sẽ thấy khác nhau, và cách mô tả chưa chắc dùng lời nói cho vẹn toàn, cho trọn ý? Thí dụ, đã có cả triệu người Việt tại quê nhà nhìn thấy tượng Phật Ngọc khi tượng được cung thỉnh tới nhiều chùa ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc trong tháng 3 và tháng 4 của năm 2009, nhưng nếu được yêu cầu mô tả lại màu của tượng Phật Ngọc, chưa chắc đã có một câu trả lời thống nhất.
Dù vậy, trong cả triệu câu trả lời về màu tượng dị biệt đó, chúng ta có thể hy vọng một lời chia sẻ chung nhất phần nào hay không? Thí dụ, câu trả lời chung là màu xanh. Nhưng màu xanh nào? Tất nhiên là cũng có vô số sắc độ màu xanh, từ xanh nhạt tới xanh sậm, từ xanh biếc cho tới xanh đen, và vân vân... vậy thì màu xanh như thế nào.
Đẩy câu hỏi thêm một bước: nếu gặp người mù, chưa từng biết gì về màu xanh, làm sao bạn có thể mô tả về màu của tượng Phật Ngọc cho người này hiểu? Thêm nữa, nếu gặp người bị loạn sắc, màu xanh có thể bị nhìn ra các màu khác, tùy mức độ bệnh.Và, nếu tượng Phật Ngọc đặt trong căn phòng nhiều màu đỏ, hay nhiều màu vàng, sẽ có những phản chiếu đỏ hay vàng tùy thuộc. Như thế, màu xanh này không có tự ngã, mà cũng là từ các nhân duyên khác nhau. Và do vậy, chỉ tạm gọi là xanh, vì xanh không thật là xanh.
Thêm nữa, pho tượng Phật Ngọc khi đặt ở sân một ngôi chùa để Phật tử chiêm ngắm, từ sáng cho đến tối, tức từ khi mặt trời mới mọc cho tới khi mặt trời lặn và rồi bật đèn điện lên, sẽ có các màu biến đổi khác nhau tuỳ theo nắng mặt trời ban ngày và tùy ánh sáng đèn điện ban đêm. Màu xanh chỉ là màu xanh đối với mắt của một ai nhìn. Khi cả trăm người đứng quanh tượng nhìn, có thể mỗi người sẽ thấy các màu khác nhau, tùy theo hướng mình đứng nhìn, và cũng tùy theo thời điểm trong ngày.
Câu hỏi là: khi tượng Phật Ngọc trưng bày ở sân chùa, và suốt cả ngày hôm đó không có ai tới nhìn, thì tượng có màu gì? Nếu vạn pháp duy tâm, và nếu trước ngôi tượng Phật Ngọc không có một tâm nào nhìn chiêm ngắm, thì pháp có thành tựu không, và màu có thật là màu không?
Nếu nói rằng lúc đó là Không màu, thì sẽ rơi vào đoạn kiến; nếu nói Có màu, sẽ rơi vào thường kiến. Nếu nói theo Tâm Kinh Bát Nhã, rằng Có vốn thật là Không, rằng Có vốn không khác với Không... thì với tâm nào để chúng ta chứng ngộ được cảnh giới của bài Tâm Kinh?
Thêm nữa, cái nhìn của chúng sinh không phải là cái nhìn như thật, vì hầu như luôn luôn bị ảnh hưởng và dắt dẫn bởi đủ thứ dầy đặc trong quá khứ và sẽ chạy lan man sang đủ thứ về tương lai. Chúng ta biết tượng Phật Ngọc có màu xanh là nhờ ký ức, nhờ kiến thức về màu mà chúng ta huân tập trong kiếp này, và nhờ khả năng phân biệt, đối chiếu với các màu sắc khác.
Khi nhìn màu tượng, có thể có người sẽ nhớ tới màu lá chuối non trong vườn nhà thời tuổi nhỏ. Và có thể sẽ có họa sĩ sẽ suy nghĩ rằng sau này, phải tìm cách pha màu làm sao cho đúng màu xanh của tượng này. Trong khi đó, một chuyên gia thiết kế điện toán có thể thấy rằng trong bảng các màu sắc của màn hình Windows, chưa hề có màu xanh này, và vị này sẽ suy nghĩ là sẽ tìm ra cách làm được màn hình vi tính cho có màu này; anh sẽ còn thắc mắc thêm, màu xanh trên tượng không đồng nhất, vì các nếp áo trên tượng và các hốc mắt sẽ xanh sậm hơn, thậm chí có thể sẽ là màu đen. Thế nên, sẽ không ai mổ tả đúng hoàn toàn như nhau.
Mỗi người sẽ có một thế giới hình thành từ kho quá khứ và từ các niệm khởi lên trong tâm. Niệm về màu xanh đã bất đồng, thế giới mỗi người tất nhiên là bất đồng.
Lấy thêm một thí dụ. Như trường hợp một thiếu nữ đang đi trên phố. Một vị bác sĩ nhìn thấy, có thể nhận ra rằng cô này có thể đang bị đau khớp đầu gối, giả sử như thế. Một võ sư có thể nhận ra đó là tướng đi của người trải qua nhiều năm học võ Thiếu Lâm. Một nhà thiết kế thời trang có thể nhận ra thiếu nữ từng tập đi giày cao gót với dáng đi trên sàn người mẫu thời trang kiểu New York. Một nhà thơ có thể chợt thấy thiếu nữ đi như từng bước nở hoa sen. Một thiếu nữ khác có thể sẽ chê cô này đi kiểu chi mà điệu ơi là điệu... Cũng có thể, tất cả đều đúng, nếu thiếu nữ đã trải qua các chủng tử như thế. Và một thế giới trùng trùng duyên khởi hiện lên.
Như thế, màu xanh của tượng Phật Ngọc cũng có thể không được nhìn như là màu xanh, hay ít nhất, để nói cho an toàn, sẽ được nhìn thành vô lượng màu dị biệt nhau. Như thế, đúng ra có phải là “không màu” hay không? Có phải rằng Sắc tức là Không hay không? Có phải rằng thấy màu xanh mà không phải là xanh, nên mới gọi là màu xanh hay không?
Câu hỏi có thể đẩy thêm một bậc, rằng nếu thực sự không có ai đang nhìn, hay nếu được nhìn bởi người đã chứng ngộ vô ngã, thì cái gì được nhìn, và cái màu nào được nhận ra? Đây chính là chỗ vi diệu của bài Bát Nhã Tâm Kinh vậy.
Trở về trường hợp quán Phật A Di Đà. Giả sử rằng chúng ta đang tu phép quán theo Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Chúng ta nên quán Phật A Di Đà cao bao nhiêu? Một trăm mét, hay một ngàn mét? Giả sử chúng ta quán ngài cao 100 mét. Nhưng khi quán ngài ở xa, thì hình tướng sẽ nhỏ hơn khi quán ngài ở gần ngay trứơc mắt. Nghĩa là, ngay cả các vị sư các nước, và cả các vị lạt ma Tây Tạng, cũng sẽ quán Phật A Di Đà bất đồng nhau. Vì không ai đo chính xác trong tâm mỗi người quán thân Phật cao chính xác bao nhiêu và đứng ở độ xa bao nhiêu trứơc mắt mình.
Chính xác, theo bản Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, ấn bản do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch sang Việt ngữ, thì Phật A Di Đà cao “sáu mươi muôn ức na do tha hằng hà sa do tuần,” nghĩa là một số đo cao lớn kinh khủng, mà tâm mỗi người quán chắc chắn sẽ nhận ra khác nhau.
Một đoạn trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật còn viết, trích: “Ðức Phật bảo A Nan và Vi Ðề Hi: ‘Người muốn chí tâm sanh Cực Lạc thế giới, trước nên quán tượng Phật Vô Lượng Thọ cao một trượng sáu xích ở trên mặt nước ao báu’...” (hết trích)
Thế nào là một trượng sáu xích? Mỗi người sẽ quán khác nhau, như đã dẫn các trường hợp trên. Nếu đã bất đồng về thân tướng được quán như thế, có thể hiểu rằng thân tướng được quán dị biệt thực sự không có đúng sai, và do vậy thực sự, quán thân tướng Phật A Di Đà cũng chỉ là quán Tướng Không của tâm mình.
Làm sao có thể nói rằng độ cao của Phật A Di Đà được quán trong tâm mình sẽ giống hệt độ cao của Phật A Di Đà được quán trong tâm người khác? Tương tự, màu sắc của Phật A Di Đà cũng thế. Do vậy, thực sự quán thân Phật A Di Đà cũng chính là tự quán hiện tướng của tâm mình. Và khi niệm khởi lên tướng Phật, đó chính là Sắc. Khi tâm không khởi quán, và khi niệm trở về cội nguồn của tâm lặng lẽ, trong sáng... thì đó chính là Không. Lúc đó, thấy ngay, Sắc với Không không phải là một, không phảỉ là khác, và thấy ngay Sắc chính là Không, và ngược lại.
Trong bản Kinh này, Ðức Phật bảo Vi Ðề Hi: " Nay Thái phu nhơn có biết chăng? Phật A Di Ðà cách đây chẳng xa, bà nên nhiếp niệm quán kỹ cõi nước ấy thì tịnh nghiệp được thành.”
Đức Phật nói rằng “cách đây chẳng xa,” nhưng với các đơn vị như muôn vạn ức na do tha do tuần, hiển nhiên là phải xa vô lượng. Nhưng có đơn vị nào vừa “cách đây chẳng xa” mà vừa là xa thật xa? Như thế, chỉ có thể là tâm. Vì trong tâm, niệm về xa cũng thật là rất gần. Và khi niệm trở về nơi của tâm lặng lẽ, trong sáng, thì các khái niệm xa và gần biến mất – đó là khi Sắc cũng là Không, cũng là khi sóng trở về nước.
Bản Kinh còn viết, trong bản dịch của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, trích:
“Ðức Phật bảo A Nan và Vi Ðề Hi: "Thấy hoa tòa rồi kế nên tưởng Phật. Tại sao vậy? Vì chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào khắp trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh, nên lúc các ngươi tâm tưởng Phật, tâm ấy tức là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Chư Phật Chánh Biến Tri hải từ tâm tưởng sanh, vì vậy nên nhứt tâm buộc niệm, quán kỹ đức Phật ấy, đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.” (hết trích)
Nghĩa là, Phật dạy: Đức Phật là thân pháp giới, tức là toàn tâm của chúng sanh... tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật... Biển trí huệ của Chư Phật là từ tâm sanh... vậy nên, nhất tâm buộc niệm, quán kỹ Đức Phật này...
Nếu không phải là Kinh, thì chúng ta dễ dàng, theo thói quen ưa biện biệt của mình, sẽ mệnh danh, xếp loại rằng đoạn văn này là chủ trương Duy Thức Tông, hay Thiền Tông, hay Hoa Nghiêm Tông, và vân vân. Tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật... Như thế, quán Phật tức là quán Tâm.
Nhưng, tâm như thế nào? Bản Kinh cũng giải thích, trích:
“Ðức Phật bảo A Nan và Vi Ðề Hi: "Người sanh Cực Lạc thế giới, bậc Thượng Phẩm Thượng Sanh ấy. Nếu có chúng sanh nguyện sanh Cực Lạc thế giới phát ba thứ tâm liền được vãng sanh. Những gì là ba tâm?
Một là chí thành tâm, hai là thâm tâm và ba là hồi hướng phát nguyện tâm. Người đủ ba tâm này ắt sanh Cực Lạc thế giới.”(hết trích)
Có thể thấy rằng, có vẻ như Đức Phật không nói gì ngoài tâm. Ngay cả bước đầu tu học, cũng là tâm. Vì trong Kinh này cũng ghi, “Một là từ tâm bất sát, đủ các giới hạnh...” Và tương tự, chúng ta thấy lời dạy cũng là tu giới, tu định, tu huệ... và ngoài tâm không có pháp nào khác.
Trở lại câu hỏi ban đầu, Phật A Di Đà màu gì. Bản Kinh viết:
“A Di Ðà Phật thần thông như ý, nơi mười phương quốc độ biến hiện tự tại. Hoặc hiện thân lớn đầy trong hư không, hoặc hiện thân nhỏ một trượng sáu xích, hoặc là tám xích. Thân hình Phật hiện ra đều màu chơn kim, viên quang Hóa Phật và hoa sen báu như đã nói ở trên. “ (hết trích)
Như thế, Phật A Di Đà màu chơn kim, tức vàng ròng. Trong kinh, các đoạn khác cũng nói, “Ánh sáng ấy kim sắc...” và “sắc vàng diêm phù đàn...”
Nếu đã quán Đức Phật hiện thân lớn, hiện thân nhỏ đều được, có cần phải nhất định quán chỉ duy một màu vàng chơn kim?
Các vị sư Tây Tạng lại dạy phép Phowa (Chuyển Di Thần Thức) cho người muốn về Cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, rằng phải thấy Phật A Di Đà màu hồng ngọc, tức là màu “red ruby color.” Các trang web của Phật Giaó Tây Tạng đại đa số cũng ghi như thế. Có thể vào trang www.google.com và gõ nhóm chữ “Amitabha Buddha red ruby” sẽ thấy ngay rất nhiều câu mô tả sắc đỏ hồng ngọc của Phật A Di Đà.
Tuy nhiên, một trang web nghệ thuật của Tây Tạng lại cho rằng Đức Phật A Di Đà trên các tranh thangka nên là màu vàng (gold). Như thế, tranh thangka, thực ra cũng là tranh thờ, lại hình dung Phật A Di Đà là màu chơn kim, hệt như bản Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã viết.
Trang web này có tên là Lama Thangka Art Center, và link ở đây:
http://www.thangkapaintings.com/Content/AmitabhaBuddhaThanka/amitabha_buddha_thanka.php
Trong đó có viết, trích:
“...All our Amitabha thangka or thangka paintings are wonderfully painted. Most of the parts are painted with gold color which makes this Amitabha Thangka or Thanka Painting beautiful and glow the color of gold when light is given to it...”(hết trích)
Dịch là:
“...Tất cả các tranh vẽ Phật A Di Đà của chúng tôi, hay các tranh thangka, đều được vẽ màu tuyệt vời. Hầu hết các phần của tranh đều vẽ bằng màu vàng chơn kim, và màu này làm tranh thangka Phật A Di Đà đẹp tuyệt và lấp lánh màu của vàng ròng khi ánh sáng chiếu vào...”
Như vậy, tại sao các đạị sư Tây Tạng dạy pháp quán Phật A Di Đà màu đỏ hồng ngọc, mà các hoạ sĩ Tây Tạng lại vẽ tranh Phật A Di Đà màu vàng ròng?
Hay, muốn cho màu nào cũng được? Đã là pháp tu để giải thoát, làm sao tự ý muốn cho tùy thích được? Tranh thangka còn để thờ, đặt trên bàn thờ Phật, đâu có phải tùy thích như tranh lập thể, trừu tượng treo ở các phòng triển lãm.
Tuy nhiên, đó là chuyện của các đại sư Tây Tạng và của các hoạ sĩ Tây Tạng. Không phải chuyện của chúng ta nơi đây.
Bây giờ, để nói về “nhìn.” Hay gọi là “thấy” cũng được. Nghĩa là, một hành động của mắt.
Chúng ta thử ra hè phố đứng nhìn tia nắng phản chiếu ở góc phố, ở bờ tường từ sáng cho tới chiều, rồi có thể nói là màu nắng màu gì hay không?
Thậm chí, ngay khi nhìn một mảng bờ tường (lấy khoảng diện tích một thân người, hay thậm chí diện tích nhỏ cỡ bàn tay) chỉ trong một khoảnh khắc, có ai dám nói chỉ là một màu thuần túy hay không, hay thực sự nó là mosaic, một kết hợp đa sắc (chưa cần nói tới duyên khởi, chỉ cần nói theo mắt nhìn họa sĩ)?
Như thế, khi quán thân Phật, chúng ta nên quán như một kết hợp đa sắc để thành một màu biểu kiến là vàng ròng, hay chỉ đơn giản quán là vàng ròng trơn? Thêm nữa, các nếp sậm và nhạt, nên quán là màu gì? Thí dụ, như hốc mắt, nếp nhăn ở bàn tay và ngón tay, vân vân... tất phải là sậm màu, vậy là màu gì? Ngay trên khuôn mặt, màu ở trán phải khác màu ở cằm, ở cổ... không lẽ quán thuần nhất một màu như quán bức tường. Mà như đã nói, một mảng bức tường cũng không thể thuần nhất màu. Nếu tâm mình chưa bao giờ thấy một màu thuần nhất, thì làm sao quán được? Và có ai dám nói thực sự là quán được một màu thuần nhất, khi trên đời này không hề có màu nào thuần nhất – vì luật vô thường chi phối tất cả các pháp, và vì màu sắc tất sẽ biến đổi theo mắt nhìn, hướng nhìn, thời điểm, môi trường ánh sáng...
Do vậy, tất cả các phép quán, dù là quán thân Phật, thực ra là quán tâm mình.
Bởi vì, nếu không có ai đứng trước mặt Phật, nếu không có mắt ai để nhìn Phật, nếu không có nhãn căn và nhãn thức để nhận ra thân Phật, thì thân Phật màu gì?
Khi mình nhìn màu vàng của bờ tường thì sẽ thấy tâm mình màu vàng của bờ tường, nhìn màu xanh của lá thì sẽ thấy tâm mình màu xanh của lá. Nghĩa là, thực sự tâm mình không có màu, nên thấy hiện ra vô lượng sắc màu. Chính vì có tâm, nên mới thấy sắc màu. Tâm và cảnh không lìa nhau, nên gọi là nhất như.
Khi mình nhìn mái ngói cong, sẽ thấy tâm mình có hình mái ngói cong. Khi mình nhìn cột điện thẳng, sẽ thấy tâm mình có hình cột điện thẳng. Khi mình nhìn mặt trăng tròn, sẽ thấy tâm mình có hình mặt trăng tròn. Do vậy, tâm mình không có hình tướng nhất định, nên mới có thể thấy vô lượng hình tướng. Nghĩa là, tâm vốn vô tướng, nên biến hiện ra vô lượng hình tướng. Chính vì có tâm, nên mới thấy hình tướng. Tâm và cảnh không lìa nhau, nên gọi là nhất như.
Khi mình nghe tiếng nhạc trầm bổng, sẽ thấy tâm mình vang âm trầm bổng. Khi mình nghe tiếng chim kêu ngang trời, sẽ thấy tâm mình là âm vang tiếng chim kêu ngang trời. Khi mình nghe tiếng chuông chùa bên bờ sông vắng, thì tâm mình sẽ là tiếng chuông chùa. Do vậy, tâm mình vốn thực sự là vô thanh, nên biến hiện ra vô lượng âm thanh. Chính vì có tâm, nên mới nhận ra âm thanh. Tâm và cảnh không lìa nhau, nên gọi là nhất như.
Như thế, khắp pháp giới đều từ một niệm tâm mà sanh khởi. Khi không nhìn, không nghe, thì tất cả các pháp đều lặng lẽ, đều vô tướng và đều vô thanh. Khi nhìn và nghe với tâm lặng lẽ đó của vô ngã, thì không bị buộc vào tất cả hình tướng, âm thanh nào cả. Đó là khi tâm và cảnh không ngăn ngại nhau. Đó là khi Nhân và Cảnh không đoạt nhau.
Do vậy, kinh Phật là để chỉ ra tâm, không chỉ gì khác, tất cả đều là phương tiện, kể cả chú thuật và quyền phép thần thông. Đó là lý do tại sao ngài Quán Âm (Avalokestivara) có nhiều màu khác nhau, tùy pháp môn mà hiện màu trắng, đỏ, vàng... Cụ thể, Kinh nói rằng Đức Quan Âm hiện ra 32 sắc tướng khác nhau để tùy duyên độ chúng sinh. Nói rằng 32 sắc tướng, nhưng thực sự là vô lượng, và ở vô số cõi nước.
Tương tự, tâm của mỗi người chúng ta cũng biến hiện vô lượng sắc tướng âm thanh. Khi tu pháp Quán Phật A Di Đà, là đưa vô lượng sóng niệm trở về một biển tâm lặng lẽ, thuần một màu, và đúng ra, nói cho tận cùng, là trở về “màu sắc của cái không hề có sắc màu.”
Bây giờ, giả sử, hôm nay chúng ta ra đứng một nơi ở ven biển bờ rừng. Một nơi thật hoang vắng. Chúng ta nghe tiếng sóng biển rì rào, tiếng gió thổi ào ạt, tiếng lá rừng xào xạc, tiếng chim kêu vọng lại, vân vân... Nghĩa là, chúng ta nghe một dàn hòa tấu vĩ đạị của thiên nhiên. Tất cả các âm thanh đó vang trong tâm chúng ta, dù là âm thanh dồn dập thế nào, dù âm thanh nhiều tới mức nào... cũng vẫn dung chứa gọn trong tâm chúng ta. Nghĩa là, tâm mình không gọi là ít, mà cũng không gọi là nhiều được.
Giả sử, ngày hôm sau, chúng ta không ra nơi ven biển bờ rừng đó. Chúng ta biết nơi đó thật hoang vắng, không ai tới đó cả. Câu hỏi là: các âm thanh của dàn hợp tấu kia hôm sau có hay không, và nếu có thì có thế nào? Rằng, có tiếng sóng biển không, có tiếng gió gào không, có tiếng chim kêu bờ rừng không... khi không có một ai đứng đó như hôm qua?
Do vậy, quán Phật A Di Đà hay quán Cõi Cực Lạc thực ra là đi đứng nằm ngồi đều quán tâm mình. Để nhắc lại đoạn kinh đã dẫn trên trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật , bản do Thầy Thích Trí Tịnh dịch:
“Ðức Phật bảo A Nan và Vi Ðề Hi: "Thấy hoa tòa rồi kế nên tưởng Phật. Tại sao vậy? Vì chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào khắp trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh, nên lúc các ngươi tâm tưởng Phật, tâm ấy tức là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật. Chư Phật Chánh Biến Tri hải từ tâm tưởng sanh, vì vậy nên nhứt tâm buộc niệm, quán kỹ đức Phật ấy, đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.” (hết trích)
Thế đó: lúc các ngươi tâm tưởng Phật, tâm ấy là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo, tâm ấy làm Phật, tâm ấy là Phật...
Ngắn gọn, nếu bạn theo học pháp Phowa với các đạị sư Tây Tạng, hãy quán Phật A Di Đà màu đỏ hồng ngọc; nếu bạn theo Tịnh Độ Tông, hãy quán Phật màu vàng ròng. Không có gì cần thắc mắc về màu dị biệt.
Trường hợp, nếu bạn tu Thiền Tông, thì nên luôn luôn tự hỏi mình câu này: Ai đang nhìn, đang nghe này... Ai đang đi, đang đứng, đang ngồi này... Cứ giữ chữ Ai đó là đủ, tới một lúc sẽ thấy rằng mình vẫn đang đi đứng nằm ngồi, nhưng thực sự là vô ngã. Lúc đó, mới hoàn toàn không còn chỗ nào nghi ngờ lời của Phật dạy.
- Nhân Hạnh Vãng Sanh Trí Khiêm biên soạn 2023
- Cõi An Lành – Hạnh Phúc Thích Viên Thành
- Niệm Phật Cần Phải Kí Số (phần 2) Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Niệm Phật Cần Phải Kí Số (phần 1) Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Niệm Phật Chế Ngự Ngũ Dục, Tam Độc Tâm Lương Đào Mạnh Xuân
- Pháp môn Tịnh Độ trong kinh điển Pàli ĐĐ. Uyên Minh
- Dự Tri Thời Chí Thích Như Điển
- Tịnh Độ Vấn Đáp Thích Vân Phong
- Bài Phát Nguyện Vãng Sinh Cực Lạc Tác giả: Đại Sư Tông Khách Ba, sơ tổ Tông Hiền Nhân (Gelugpa), viết năm 1395, Anh ngữ: Robert Thomas hiệu đính, Tuệ Uyển chuyển ngữ
- Pháp môn niệm Phật HT. Tịnh Không - Việt dịch: Vọng Tây cư sĩ - Biên tập: Giác Minh Duyên - Diệu Thuý
- Tịnh Độ Vấn Đáp Hòa Thượng Tịnh Không, Thích Nhuận Nghi dịch
- Tây Phương Cực Lạc là Quê Hương Hòa Thượng Tịnh Không, Thích Nhuận Nghi dịch
- Cách Trợ Niệm Cho Người Khi Lâm Chung Thích Nhuận Nghi dịch
- Khuyến Tu Pháp Môn Tịnh Độ Cư Sĩ Thiện Thông
- Phật A-Di-Đà và cõi Tịnh-Độ Nguyên Thảo
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất

![]() |
Đức Phật A Di Đà Màu Gì? 12/01/2010 08:14:00 |
![]() |
Phật A-Di-Đà và cõi Tịnh-Độ 29/10/2009 01:35:00 |
![]() |
Tây Phương Cực Lạc là Quê Hương 29/10/2009 02:33:00 |
![]() |
Cách Trợ Niệm Cho Người Khi Lâm Chung 29/10/2009 02:01:00 |
![]() |
Tịnh Độ Vấn Đáp 29/10/2009 02:39:00 |
![]() |
Pháp môn niệm Phật 10/11/2009 09:53:00 |
![]() |
Pháp môn Tịnh Độ trong kinh điển Pàli 11/01/2010 05:18:00 |
![]() |
Tịnh Độ Vấn Đáp 05/01/2010 05:51:00 |
![]() |
Bài Phát Nguyện Vãng Sinh Cực Lạc 24/12/2009 00:26:00 |

Xin mời quý vị Phật tử hãy yết lên Trang Mạng này tập kinh mỏng tựa đề "sự tích Phật A Di Đà" rồi tôi sẽ chỉ ra tất cả những sai trái mang tính chất mê tín dị đoan.
Theo tự giới thiệu thì xem ra anh và tôi cùng thời Saigon 1963 nên xin gọi nhau bằng Anh.
Các câu hỏi của Anh, Phật tử trong nước,nhất là pháp môn tịnh độ,đã được chỉ dẫn rất nhiều.Phật A-Di-Đà là Phật truyền thuyết(không phải nhân vật lịch sử)và cũng không ở hành tinh này.Do đó
chúng ta nên theo lời dạy của Phật tổ "... chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết." Nếu không tin được thì tạm cho đó là phương tiện khuyến tu cho một số đông Phật tử vậy.
Còn nghi vấn pháp môn niệm Phật có mê tín hay không ? Theo tôi thì còn tùy người thuyết giãng : Ai nói chỉ cần 10 niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà lúc lâm chung ,hoặc Ai nói chỉ cần niệm đến nhất tâm bất loạn thì ắt được tiếp dẫn về cỏi cực lạc...thì người đó truyền bá mê tín. Ai giãng phải cần đủ cả 5 điều kiện mới được vãng sanh thì đó là đúng theo chánh pháp.
Pháp môn chỉ là phương tiện,tùy duyên và căn cơ mỗi người mà chọn thọ hành.Con đường đi khác nhau nhưng cứu cánh không khác nhau mấy.
Anh thử so sánh : niệm đến nhất tâm bất loạn đạt vô niệm thì có khác gì sơ quả thiền định ? Đầy đủ căn lành(diệt hết tham sân si)thì có khác gì liểu ngộ lý vô thường,vô ngã...bất thoái chuyễn như A-la-hán...
Vì Anh đang ở xa,tôi xin giới thiệu các web trong nước như tusachphathoc.com -chuahoangphap.com.vn-thientongvietnam.net(Thiền Trúc Lâm). Anh thử vào nghe vài pháp thoại xem trong nước giãng Phật pháp như thế nào.
Mến chúc Anh an khang.
Em thiết tưởng bác im lặng đi là hơn, bác càng nói càng sai.
Đạo hữu hỏi bác Kim Sinh nói sai ở đâu, tôi xin chỉ: Bác KS bảo Phật A di đà là phật truyền thuyết? Mô phật! Phật A di đà mà bác ấy cứ làm như CHIẾC LÔNG NGỖNG MỴ CHÂU (tên 1 truyện ngắn của Hồ Trung Tú)
A di đà nghĩa là vô lượng ánh sáng. Quán phật A di đà hay quán cõi cực lạc là quán tâm mình. Có thể dùng phương pháp hồi quang phản chiếu để quán, thật ra là để chiếu phá sự vô minh chấ trước của mình.
Hi!
Giỡn chút xíu thôi nha.
HH
bye
Rất cám ơn những lời hồi âm của anh Kim Sinh. Tuy nhiên để không bị lạc đề tài, tôi đề nghị chúng nên đi thẳng vào chủ đề, đó là "Phật A Di Đà màu gì ?".
1)- Khi tôi nêu câu hỏi để biết A Di Đà có hiện hữu trên thế giới loài người, hay ít nhất trên quả địa cầu này không chính là tôi muốn có một bằng chứng hiển nhiên A Di Đà là một sinh vật hiện hữu và mọi người đã từng chứng kiến, nhìn qua rồi mới biết "A Di Đà màu gì". Bàn luận công khai nơi công cộng mà không có chứng từ, chứng cớ hoá ra chúng ta là "những người mù sờ voi" sao ?
2)- Hai nữa là câu hỏi của tôi liên quan đến danh tự PHẬT, nếu tôi không lầm HT Thích Thanh Từ đã định nghĩa danh tự PHẬT từ tiếng Phạn (BOUDHA) là người đã GIÁC NGỘ, có nghĩa là người đã hiểu thấu và thấy được sự thật. Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni hiển nhiên manh danh hiệu PHẬT là vì Ngài đã chứng đắc (hiểu thấu và khám phá) được chân lý Tứ Diệu Đế, ngoài ra Ngài còn thấy được rất nhiều sự thật khác nữa, đại để: thuyết Nhân Quả, Nhân Duyên, Trùng trùng duyên khởi, Nghiệp Quả, Luân Hồi, Vô Thường, Vô Ngã, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, Sắc Sắc Không Không ..vv...Thế thì Ông (?) A Di Đà đã chứng đắc được điều chi để được người đời xưng tụng là Phật ?
3)- A Di Đà là ai ? Cha mẹ là ai ? A Di Đà được danh xưng Phật trong bối cảnh nào ?Mời bạn Kim Sinh yết lên đây tập kinh mỏng "Sự tích Phật A Di Đà" để mọi người có dịp chiêm ngưỡng "sự thật". Bàn về sự kiện A Di Đà Phật mà không bao giờ biết nguồn gốc từ đâu ra, tin vào một hình tượng mà không bao giờ biết hình tượng đó như thế nào, Tin mà không Biết, Nhà Phật gọi là MÊ TÍN đó anh Kim Sinh à !
Tôi chỉ vắn tắt vài hàng thế thôi, mong hồi âm sớm của quý vị Phật tử xa gần,
Cám ơn nhiều
Cùng là tượng Phật, tượng Chúa nhưng mỗi hệ phái, mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa đều có đặc điểm riêng, có sự khác biệt riêng.
Phật A Di Đà, hay chúa Kito, hay Mẹ Maria có màu gì, mặc áo gì, có đặc điểm gì thì còn tùy vào con mắt thẩm mỹ, quan niệm, suy nghĩ của mỗi người. Không thể tìm ra được đáp số. Đây là nét chung của các tôn giáo. Ví dụ, đức Quan Thế Âm của Phật giáo vốn là nam giới, khi qua Trung Hoa, Việt Nam... thì hóa thân là nữ. Đức Mẹ Maria khi sang Việt Nam lại mặc áo dài, khăn đóng.
Chúa Giesu khi thì mặc áo chùng trắng, khi thì mặc khố. (Vào thời Chúa bị đóng đnh lên cây thánh giá, thì tất cả những ai bị đóng đnh đều phải trần truồng, không có trường hợp ngoại lệ, chiếc khố chỉ là sàn phẩm của tín đồ tặng chúa mà thôi.)
Tôi vốn là tín đồ Công Giáo nay đang học Phật nên chỉ có thể nói được như thế. Còn về phần thân thế, công hạnh, sự tích về Phật A Di Đà thì xin để cho các thầy, các phật tử trả lời. Rất mong nghe câu trả lời từ các thầy và mọi người và nhận được sự giúp đỡ của mọi người trong quá trình học Phật.
Bạn hung hăng quá vô tình lộ tẩy không phải là Phật tử .Lời tự giới thiệu của bạn đương nhiên là giả dối,bạn vào web không phải để học Phật pháp mà để tranh luận bôi nhọ Đạo Phật.
Xin đọc lại lời bình bên trên của tôi,đã là truyền thuyết mà đòi bằng chứng thật lố bịch.
Vậy thì theo anh Kim Sinh, thế nào mới gọi là Phật tử ? Anh là Phật tử ư ? Thế thì anh hiểu nghĩa PHẬT là gì hở anh Kim Sinh ? Tôi dẫn giải lời giảng của HT Thích Thanh Từ về danh hiệu PHẬT là Giác Ngộ, không đúng sao anh ? Tôi quy y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) vậy thì tôi tán dương, thán phục Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là quá chính xác, tôi tìm hiểu Đạo Phật môt cách nghiêm túc, lý luận mạch lạc, có cơ sở khoa học rõ ràng, anh lấy chứng cớ gì kết án tôi bôi nhọ Đạo Phật? Anh Kim Sinh là Phật tử, thế thì giữa Phật Thích Ca và Phật A Di Đà, ai thật ai giả, xin cho tôi biết ?
Chủ đề "Phật A Di Đà màu gì ?" rõ ràng là thế, cho nên tôi mới hỏi xem có ai đã nhìn thấy Phật A Di Đà chưa để được biết "màu mè ra sao", thế mà anh lại kết án tôi là "hung hăng", tôi hung hăng chỗ nào ? Từ lúc nói chuyện đến giờ tôi vẫn dùng lời lẽ nhẹ nhàng thưa gửi anh rất ư lịch sự, chưa hề to tiếng đấy nhé.
Thôi, anh Kim Sinh không có can đảm yết lên đây "Sự tích Phật A Di Đà" thì tôi thông cảm, tạm thời không nói chuyện với anh nữa.
Vậy thì quý vị Phật tử nào đã nhìn thấy Phật A Di Đà thì nói cho biết Phật màu gì, và luôn tiện giới thiệu lý lịch vị Phật này cho mọi người rõ.
Cám ơn nhiều,
Chính thái độ ngạo mạng của Bạn (vì Bạn đã tự nhận là Phật tử và còn diễn bày ngây ngô nào là Tam Bảo Phật Pháp Tăng..để đóng dấu ấn là thứ thiệt !)đã khiến không có nhiều hồi đáp ,chứ không phải không có ai biết cách trị cái thói này của Bạn đâu .Vì vậy chỉ mỗi mình Bạn Kim Sinh "làm việc "với Bạn theo tôi Kim Sinh quá tôn trọng Bạn đấy chứ.
Tôi thấy Bạn nên "tắt đài" đi là vừa (tôi nói thế xin đừng "hung Hăng" lây sang tôi tội nghiệp !).Chào !
Chỉ có Đức Phật Thích Ca là vị Phật lịch sử trên trái đất này, có sử sách ghi chép cuộc đời, có đệ tử đời sau ghi lại lời dạy. Và Đức Bổn Sư của chúng ta có nói rằng ngoài Ngài ra còn có hằng hà sa số các Đức Phật khác đã thành tựu công đức vô lượng vô biên trong mười phương thế giới.
Nếu bạn đòi các vị Phật khác phải có lịch sử, phải có hiện hữu trên thế gian này, nói rõ chứng ngộ được gì... thì tất nhiên bạn phải gạch bỏ tất cả các vị Phật khác do Đức Phật Thích Ca tuyên thuyết, như Đức Phật Đa Bảo trong Kinh Pháp Hoa, các vị Phật trong Kinh Hoa Nghiêm, v.v...
Sẳn đây tôi có vài ý kiến về việc có người cho rằng khi các Phật tử nguyện được về cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà là giống với tín đồ ngoại đạo xin được về nước Thiên đàng.
Thật không giống chút nào đâu.
Người xin về Thiên đàng tin là để hưởng cuộc sống sung sướng mãi mãi trên đó.
Còn người nguyện về cõi Cực lạc tin là về đó để có nhiều thuận duyên mà tiếp tục tu, như được nghe Phật thuyết pháp, được cúng dường chư Phật mười phương, được ở chung cùng các Thượng thiện nhân mà tu tập, học hỏi... Và còn có thể trở về thế gian này để cứu độ chúng sinh.
Mục đích cuối cùng là thành tựu vô lượng vô biên công đức, giải thoát hoàn toàn mọi đau khổ, là thành Phật.
Xin mọi người hoan hỷ chỉ giáo.
WOW ! Các bạn đã hồi âm tôi rất ư nhiệt tình, xin thành thật cám ơn nhiều.
Một lần nữa tôi xin nhắc lại ai ca tụng Phật A Di Đà xin hãy can đảm yết lên đây tập kinh mỏng "Sự tích Phật A Di Đà" rồi tôi sẽ diễn giải hết cho nghe. Tôi là Phật tử quy y từ thuở nhỏ, chỉ biết có mỗi một vị Phật Thích Ca Mâu Ni là người xứng đáng danh vị PHẬT, bởi Ngài là người giác ngộ thứ thật, tên tuổi lý lịch Ngài rõ ràng, giáo pháp Ngài truyền dạy minh bạch có tính khoa học siêu việt khiến nhiều người Âu Mỹ phải khâm phục. Tôi quy y theo thứ tự ưu tiên PHẬT (Thích Ca), PHÁP (giáo pháp do Phật Thích Ca giảng dạy), sau cùng mới đến TĂNG (những vị cao tăng thấm nhuần Phật Pháp chính thống).
Đức Thế Tôn thường tuyên bố: "Ta là Phật đã thành (đã giác ngộ), chúng sinh là Phật sẽ thành (sẽ giác ngộ)", vậy thì ai giác ngộ thật người đó là Phật. Trong lịch sử nhân loại này có cả hàng ngàn vị Phật đã giác ngộ đã đem trí tuệ và tình thương phụng sự nhân loại, họ đâu cần tôn thờ tôn vinh và tôn sùng, và chúng ta đang thừa hưởng công đức của họ mà đâu có ai nhận ra. Tôi quy y Phật, Pháp do đó tôi biết Bát Chánh Đạo là gì, tôi biết Chánh Kiến Chánh Ngữ là chi, tôi biết phân biệt của giả của thật, đâu là Chánh đâu là Tà.
Một lần nữa đề nghị các bạn yết lên đây "Sự tích Phật A Di Đà" cho mọi người chiêm ngưỡng, không có can đảm đối diện sự thật thì thôi.
Thân mến chào các bạn,
Nếu các vị đó không muốn được nhận ra thì thôi vậy. Bao giớ có duyên thì tự mình sẽ gặp.
Xin chúc mừng bạn, bạn Lê Quốc Trinh.
Bạn muốn biết hàng ngàn vị Phật trong lịch sử từng đem trí tuệ và tình thương ra phụng sự nhân loại ư ? Khi nào bạn thật tình cởi bỏ lớp áo "duy ngã thần thánh" ra thì bạn sẽ thấy ngay. Khi nào bạn thật sự hiểu GIÁC NGỘ là gì thì bạn sẽ thấy thôi. Tôi chưa cần phải tiết lộ ra vội, tên tuổi họ rành rành còn đó, họ không cần mang chức danh PHẬT làm gì.
Còn chuyện "Sự tích Phật A Di Đà" bạn cho rằng không cần thiết phải biết, thế thì bạn tụng niệm "Nam Mô A Di Đà Phật" để làm gì ? Trong Bát Chánh Đạo do Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni truyền dạy có đề cập đến Chánh Kiến, bạn biết chứ, bạn tin tưởng vào một hình tượng ảo ảnh để đi tìm cái gì ?
Mến chào,
Những người mà bạn cho là những vị đã giác ngộ đó không cần mang chức danh Phật; thế còn Đức Thích Ca thì cần mang chức danh Phật chứ gì?
Bạn ơi, thế là đã rõ. Càng nói càng sai.
Tôi đã giải thích gì đâu nhỉ ! Đã có ai đủ can đảm yết lên đây "Sự tích Phật A Di Đà" chưa ? Đã có ai đủ can đảm đọc từng lời, từng chữ trong tập kinh mỏng đó chưa ?
Tôi đâu cần bạn tin tôi làm gì, bạn là Phật tử (?) từng quy y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) bạn hãy tin nơi đức Phật Thích Ca trước đã rồi sau đó bạn hãy có can đảm tin ở ông Phật nằm tâm khảm bạn (Phật tại Tâm, Tâm tức Phật). Bạn tụng niệm Nam Mô A Di Đà Phật mà chẳng cần biết vị Phật đó là ai, đó phải chăng là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Niệm ?
Mến chào bạn,
Đúng là bạn chưa giải thích gì, nhưng có gì khác đâu. Bạn cứ hấp tấp gán cho người ta nào là không có can đãm đối diện sự thật, nào là duy ngã thần thánh, tất cả những điều đó làm cho lời nói của bạn không còn bao nhiêu giá trị nữa đâu.
Tôi thấy chấm dứt ở đây được rồi.
Thân
"hàng ngàn vị Phật trong lịch sử"- ở đâu ra vậy ? "Giác ngộ...sẽ thấy thôi"- trong khi LQT biết tên tuổi họ rành rành, vậy LQT hẳn đã giác ngộ rồi !
Hoang tưởng quá nặng !!!
"họ không cần mang chức danh Phật làm gì"- hẳn là vì họ đã có giáo phẩm khác rồi chứ còn gì nữa!
"duy ngã thần thánh"- trong đạo Phật làm gì có , Phật tử có ai thèm làm thần thánh đâu ? ý niệm này là của đạo khác, thờ thần.
Một đằng LQT nói tôn kính, tin Phật, một đằng đòi chứng minh "Sự tích phật A-Di-Đà" một trong số các đức phật quá khứ do chính Phật thuyết giãng, chỉ có Phật mới chứng minh được thôi . Mặt khác , LQT nói đã quy y Phật nhưng lại công kích Tịnh độ mê tín, tức chỉ trích Phật vì đã dạy Pháp môn niệm phật này. Một Phật tử dù theo pháp môn nào cũng không thể có thái độ xấc xược đối với Phật như vậy.
Thế là dấu đầu lòi đuôi nữa rồi!!!
Bất cứ ai muốn tìm hiểu Thiền Định và Tịnh Độ giống nhau khác nhau như thế nào , thì ngay trên đầu trang này click "PHÁP MÔN" sẽ rỏ suốt . Hoặc muốn nghe ý kiến của thiền sư về cùng đề tài thì vào thientongvietnam.net nghe HT Thích Thanh Từ qua pháp thoại "Phương pháp tu đồng khác giữa thiền và tịnh" và "Phương pháp cứu cánh là một,nhưng phương tiện rất nhiều".
Thực tâm muốn học muốn tìm hiểu thì quá dể,còn LQT huênh hoang thách thức chỉ là vì ý đồ gây chia rẻ trong Phật giáo mà thôi.
Lộ liểu quá !
Tôi vốn là người Công giáo, học Phật chưa nhiều, nên cũng không dám lộng ngôn bàn về Phật pháp. Tôi không đồng tình với lời nói của bạn vì tôi nhận ra nó có phần cao mạn, đề cao cái tôi của mình. Bạn là Phật tử thì nên hiểu câu : Chiếc áo không làm nên nhà sư. Cũng vậy, một con người đức cao vọng trọng, được mọi người kính trọng là vì những công lao to lớn của họ, là đạo đức, là tư cách, là công hạnh, là lòng từ của họ...chứ không phải là lý lịch, tiểu sử của họ, không phải là màu da, màu áo, hay dân tộc của họ. Hẳn là bạn đồng ý với tôi về điểm này chứ ạ. Vậy thì người ta tu theo pháp môn tịnh độ là bởi do công hạnh của đức A Di Dà hay thân thế, tiểu sử của Ngài, màu áo, màu da, màu sắc của Ngài.
Trong lịch sử Phật giáo, ngay cả năm sinh và năm mất của Đức Phật Thích Ca cũng có nhiều tài liệu khác nhau, chứ chưa nói đến ngày sinh. Do đó các nước Phật giáo mới họp lại, bàn bạc, căn cứ vào các tài liệu còn lại để thống nhất thời gian đản sinh, nhập diệt của Phật. Bạn là một phật tử, chắc bạn rành về điều này hơn tôi. Ngay cả Đức Thích Ca còn thế, thì các vị Phật, Bồ tát khác có ai dám chắc chắn thân thế, cha mẹ của các ngài. Do vậy mà chúng tôi không dám lộng ngôn, nói bừa. Nếu bạn quan tâm nghiên cứu về phật A Di Dà, thì mong bạn chia sẻ cho chúng tôi rõ. Cũng xin nói rõ hơn, mỗi quốc gia, truyền thống Phật giáo khác nhau thì có truyền thuyết về các vị phật, bồ tát cũng khác nhau bạn à. Do đó không thể tìm ra được đáp án bạn à.
Bạn cho rằng người Phật tử mê tín, mù quáng khi tin theo phật A Di Đà mà không rõ sự tích về ngài, không rõ lai lịch của ngài. Điều này theo tôi hơi có phần ngã mạn bạn à bởi vì không ai đi chứng minh các sự tích, truyền thuyết kể cả các học giả bạn à. Bởi lẽ thời học sinh cấp 2 chúng tôi đả được học là truyện cổ tích, sự tích, huyền thoại, truyền thuyết vốn pha nhiều yếu tố hoang đường, nếu không có yếu tố này thì không còn là sự tích, truyền thuyết nữa. Hơn nữa kinh Phật không nói rõ về vấn đề này nên tôi không dám đánh giá, nhận xét bừa theo cảm tính của mình. Và tính chân thật, đạo đức của Phật giáo còn hơn nhiều tôn giáo như các đạo Chúa vì Phật không dạy đệ tử là Kinh Phật không thể sai lầm, là chân lý, là mạc khải... và Phật cũng không bắt tín đồ, bắt mọi người phải tin theo kinh điển của mình, những đều mình nói. Đức phật dạy hàng đệ tử : Hãy nương theo ngón tay ta mà nhìn mặt trăng chứ ngón tay ta không phải là mặt trăng. Điều này hẳn các phật tử như bạn phải rành hơn tôi chứ ? Chính vì những lý do này mà tôi đã theo học Phật bạn à.
Kính chào,
Sau vài ngày nghỉ xả hơi để cho bầu không khí thảo luận lắng xuống, tôi xin phép được trình bầy quan điểm trước những lời chỉ trích của vài vị, nghĩ rằng tôi không thực tâm đàm đạo, không phải là Phật tử và "bị lộ tẩy" theo ý của anh Kim Sinh và bạn abc.
Trước hết tôi đề nghị mọi người tìm đọc lại lời phi lộ của tôi viết cho Đại Đức Thích Nhật Từ khi mới bước chân vào Diễn Đàn này. Tôi không có gì dấu diếm, tôi đã nói từ đầu là quyết tâm tẩy trừ "những ngộ nhận" đưa Phật Giáo VN đến tình trạng "mê tín, dị đoan" như hiện nay. Tôi quy y Tam Bảo, đối với tôi chỉ có một người xứng đáng danh hiệu Phật là Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni, tôi chỉ quy y vị Phật đó mà thôi, vì đó là con người thật, có cha mẹ, có tổ quốc, có gia đình, và là người đã hy sinh gian khổ suốt cuộc đời để đi tìm chân lý giải phóng nhân loại khỏi bức màn Vô Minh, tức là diệt trừ Khổ Đau. Vậy thì tôi hãnh diện là Phật tử chính tông, tôi không chấp nhận thờ phụng thần thánh, hình tượng. Tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tính, tôi là một trong những chúng sinh đó, tại sao tôi không quay vào trong TÂM, tìm kiếm Phật tính, lau chùi, đánh bóng nó, phát triển nó, mà phải lần mò đi tìm ở tận nơi đâu ?
Tôi tôn trọng tự do tín ngưỡng, do đó tôi tôn trọng ai đó: muốn thờ phụng Phật A Di Đà thì cứ thờ, nhưng khi tụng niệm danh hiệu Phật thì hãy chứng minh A Di Đà đã giác ngộ được điều gì ? Tôi đã khẩn khoản đề nghị quý vị yết lên đây "sự tích Phật A Di Đà" để chúng ta có dữ liệu mà thảo luận. Tuyệt nhiên quý vị cố tình đánh trống lảng, và chỉ trích tôi thậm tệ. Đối với một Phật tử, khi đã thấm nhuần giáo pháp, mang tính vô uý, thì tôi chẳng có gì phải sợ, tôi chỉ ngại mình nói không đúng sự thật.
Khi tôi click vào Google search "Phat A Di Da" thì rõ ràng hiện ra mục "Sự tích Phật A Di Đà" do chính Trang Nhà Đạo Phật Ngày Nay in ấn, đánh máy và yết lên. Vào đây:
http://www.buddhismtoday.com/viet/botat/sutich_PhatAdida.htm
Hãy đọc kỹ những câu cú, từ ngữ trong cuốn kinh này sẽ thấy nó chứa chất rất nhiều chuyện hoang đường, mê tín, không những thế còn kỳ thị giới tính, trọng nam kinh nữ, ví dụ:
1)- Tại sao chỉ có đàn ông con trai mới được chấp nhận vãng sanh lên miền Tây Phương Cực Lạc ? Tại sao nữ giới phải sửa đổi thân phận thành nam giới mới được cho vãng sanh ?
2)- Tại sao khi sống thành tâm tụng niệm hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật, khi chết mới được Đức Phật A Di Đà dẫn dắt lên miền Tịnh Độ ? Tại sao không dẫn dắt vãng sanh khi còn sống tại thế ? Thế thì những người tu hành chân chính, giữ giới nghiêm nhặt, khi chết sẽ bơ vơ không ai dẫn dắt linh hồn ? và Đạo Phật chính thống có bao giờ tin vào linh hồn không ?
3)- Tại sao chỉ có vào miền Tây Phương Cực Lạc mới hưởng được hết những vinh hoa phú quý, vàng bạc châu báu, quần áo sang trọng, thức ăn sơn hào hải vị ? Được ban bố sáu phép thần thông để có thể tha hồ đi chơi khắp thế gian, khi trở về đã có mâm cơm bày sẵn ? Phải chăng đó là những lời đường mật dụ dỗ những ai nhẹ dạ, nghèo khổ trên dương thế, chỉ còn mong ước khi chết sẽ được lên "thiên đàng" ?
4)- Tại sao ông vua Vô Tránh Niệm chỉ cần buông lời thệ nguyện như thế thôi mà đã được tuyên dương thành Phật A Di Đà, chẳng cần tu tập gian khổ chi cả ? Ai đã ban danh cho ông chức vị Phật nếu không phải là một vị Phật khác, gọi là Đức Bảo Tạng Như Lai, ông Phật này tu hành ra sao ?
Thôi, tôi nói bấy nhiêu đó đã đủ rồi. Quý vị Phật tử có tin hay không là chuyện của quý vị, tôi không xuyên tạc, không nói xằng nói bậy, nói có sách mách có chứng, trước sau như một, chẳng có gì phải dấu diếm cho nên không có gì phải "bị lộ tẩy". Còn ai "bị lộ tẩy" thật, thì hãy tự nhủ lòng và sám hối.
Kính chào quý vị,
TB: Tôi còn lưu giữ một cuốn kinh mỏng 12 trang "Sự tích Phật A Di Đà" in ấn trên giấy, thỉnh từ chùa Huyền Không (2006, Canada) và thấy không có gì khác. Quý vị nào có version khác hãy yết lên đây để đối chiếu.
Và ý đầu tiên mà tôi muốn nói với bạn là bạn hấp tấp quá, đọc lời mà không thấu được ý.
1. Không phải "chỉ có đàn ông con trai mới được chấp nhận vãng sanh lên miền Tây Phương Cực Lạc", mà là những người được vãng sanh lên đó (dù là nam hay nữ) sẽ mang thân nam, vì nơi cõi đó không có thân nữ. Vậy cũng tốt thôi, chắc cũng có rất nhiều người nữ phiền não với thân người nữ của mình. Và ở cõi đó chỉ có hóa sanh thôi, thì cần thân nữ làm gì.
2. Trong bài này không có từ nào là "linh hồn" như bạn nói cả. Chỉ có từ "thần thức" mà thôi. Và thần thức thì khác với linh hồn, chẳng lẽ bạn không để ý. Bạn lẩn thẩn quá. Con người sống trên đời phải cho hết kiếp mới chuyển qua kiếp khác. Sao lại chưa chết mà đòi "vãng sanh khi còn sống tại thế"? Và "những người tu hành chân chính, giữ giới nghiêm nhặt, khi chết sẽ" không "bơ vơ không ai dẫn dắt linh hồn" như bạn nói đâu. Người tu hành chân chính có sức mạnh nội tại, điều khiển được nghiệp lực của mình, đi đến nơi mình muốn; chỉ có những người khi sống không chịu tu tập, còn làm điều không tốt, khi chết, làm cô hồn, vô phúc, mới phải bơ vơ thôi bạn ơi!
3. Cõi Cực lạc hoàn toàn khác với Thiên đàng. Nguyện về Cực lạc là để có thuận duyên tiếp tục tu tập, chớ không phải để hưởng vinh hoa phú quý. Cõi Phật mà cũng có vinh hoa phú quý nữa ư? Ai cũng đều được như vậy thì còn vinh hoa phú quý với ai?
4. Cũng đâu phải ông vua Vô Tránh Niệm "chỉ cần buông lời thệ nguyện như thế thôi mà đã được tuyên dương thành Phật A Di Đà, chẳng cần tu tập gian khổ". Bạn đọc kỹ lại xem: Ông vua này đã "...kiếp nào cũng giữ lời bổn nguyện, tu hạnh Bồ Tát cứu độ chúng sanh, trải vô lượng kiếp quả mãn công viên hiện thành Chánh Giác".
Tuyên dương thành Phật là lời thọ ký của một vị Phật cho những người có hạnh nguyện tu hành giải thoát. Như trong phẩm "Thọ ký" của Kinh Pháp hoa, Đức Phật đã thọ ký cho các đệ tử của Ngài sẽ thành Phật. Và ông vua Vô Tránh Niệm đâu đã thành Phật ngay lập tức đâu mà đã phải tu hành vô lượng kiếp đấy thôi.
Bạn nói bạn không chấp nhận thờ phụng "hình tượng". Vậy là bạn rất giống Thượng đế Jéhovah của Cựu ước rồi đấy.
Khi bạn quy y Tam bảo, hẳn là vị Bổn sư truyền giới của bạn phải cho bạn quy y ở ngoài sân chớ không phải trong chùa vì chùa nào cũng có hình tượng Phật, mà bạn thì lại không chấp nhận hình tượng.
Một lần nữa cảm ơn bạn rất nhiều vì bạn đã chân thành nói ra kiến giải của bạn. Dù chúng ta có khác nhau điều gì thì cũng cùng là đệ tử Phật. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, mỗi người tự chọn cho mình một pháp môn thích hợp căn cơ của mình. Chúng ta không nên trẻ con, muốn ai cũng giống mình.
Thân
Trong kinh Phật cũng chỉ ra có "những người nữ, bực tức nhàm chán, chịu nhiều nỗi đau khồ lo buồn..." và "thân đàn bà nhiều bề cực nhọc, sanh đặng con thập ngoạt cưu mang" và " sanh con ba đấu huyết ra, tám hộc, bốn đấu sữa hòa nuôi con". Do đó, ở cõi Cực Lạc mọi người được chuyển hết thành thân trai là vậy. Nếu nói đức Phật bất bình đẳng giới tính, phân biệt nam nữ là không đúng, hơi vội vàng, hấp tấp. Mọi người hãy suy nghĩ, nếu Phật xem thường phụ nữ, bất bình đẳng giới thì làm sao trong kinh Phật lại có những lời như thế. Ngày nay, nhiều người cứ cho mình là tiến bộ, nam nữ bình quyền...thử hỏi họ có nghĩ được, nói được như đức Phật ngày trước không. Và tại sao Cõi Cực Lạc mọi người lại hóa thân thành nam giới vì nếu còn có những nỗi đau khổ lo buồn, sanh tâm nhàm chán, cực nhọc,lo toan thì làm sao mà gọi là cõi Cực Lạc được?
Thứ hai, nhà Phật cho rằng phải hết kiếp, hết nợ trần thì mới giải thoát được. Trong Truyện Kiều có câu
"Người này nặng kiếp oan gia
Còn nhiều nợ lắm sao đà thác cho".
Một người nếu may mắn trúng số cả tỷ đồng. Về lý thuyết mà nói thì người ấy trở thành tỷ phú với đều kiện là người ấy không mắc nợ ai, không còn thiếu tiền ai. Bằng không thì số tiền ấy cũng không còn thậm chí còn có khi là số âm vì những khoản nợ nần trước đây. Không lẽ mình cứ ôm tiền khư khư mà không lo trả nợ cho người ta...
Về lập luận" lời đường mật lên thiên đàng" của bạn Le quoc trinh, tôi xin có vài lời bàn thêm. Các bạn nên đọc kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đoạn mà ông trưởng giả phải nói dối đàn con dại, để chúng ra khỏi căn nhà đang cháy thì các bạn sẽ có câu trả lời.
Tôi xin kể một câu chuyện sau để mọi người nhận xét: có anh sinh viên nọ do mải ăn chơi chè chén, bị nợ nhiều môn học, có nguy cơ đuổi học. Cha mẹ, thầy cô khuyên bảo hết lời: cố học, đừng ăn chơi lêu lỏng mà phụ lòng cha mẹ. Học để có cái chữ sau này kiếm được đồng tiền nuôi thân, sung sướng tấm thân, không thua bạn kém bè...Anh ta suy nghĩ lại, cố gắng học tập nhưng cũng không kéo được là bao. Vất vả, khó khăn lắm mới trả hết nợ các môn học, tốt nghiệp với tấm bằng trung bình, xin được công việc với đồng lương khiêm tốn, vừa đủ sống, chứ không hề sung túc hơn người, thậm chí còn thua bạn bè anh ta. Xin hỏi mọi người: lời khuyên bảo của cha mẹ, thầy cô người này có phải là lời "đường mật dụ dỗ lên thiên đàng" hay không? Hay đây chỉ là "đem lời phương tiện mở đường hiếu sinh"? Nếu anh sinh viên kia có đầu óc suy nghĩ thì sẽ biết ơn cha mẹ thầy cô đã kéo mình từ dưới vực sâu lên? Hay là oán trách cha mẹ, thầy cô lừa dối mình, mình không sung túc như bạn bè, thà hồi đó mình nghỉ học ăn chơi sướng hơn, học hành vất vả mà lương cũng đâu có cao, cũng thua kém bạn bè chứ có hơn ai...???
Qua vài câu chuyện đời ý đạo, mình hy vọng đã giải đáp được những câu hỏi nghi vấn của mọi người. Tôi có trích dẫn vài câu Kiều và đôi lời kinh Phật, còn kinh nào, phẩm nào thì chắc quý vị Phật tử cũng biết rồi, tôi xin được thông qua.
Kính chào mọi người.
Tôi xin phép Đại Đức chấm dứt cuộc thảo luận về đề tài "Phật A Di Đà" tại đây bằng một lời kết.
Tôi nhớ không lầm xưa kia Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã từng tuyên bố: "Suốt 45 năm nay ta không hề nói một lời nào" và "Ai tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta".
Thưa Đại Đức, bây giờ thì tôi hiểu thấm thía lời Ngài nói rồi. Đạo Phật nổi danh là Đạo của Trí Tuệ, có nghĩa đi vào Đạo Phật là để hiểu để khai phá Phật tính, chứ đâu phải để tin, nhất là tin vào ảo ảnh và hình tượng vô thường. Đạo Phật ngày nay thể hiện qua Trang Nhà của Đại Đức đã dần dần xa rời tôn chỉ Giác Ngộ của Đức Thế Tôn và trở thành một tôn giáo đặt tín ngưỡng lên hàng đầu. Như thế thì theo định luật Nhân Quả Nhà Phật, ai gieo Nhân nào sẽ phải hái Quả ấy, đi vào con đường tín ngưỡng chỉ Tin nhưng không tìm hiểu, thì sẽ gánh nhiều hậu quả tất nhiên của một tôn giáo. Chỉ cần quan sát kỹ tình hình các tôn giáo khác (Công Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo) sẽ thấy rõ mà thôi.
Xin phép Đại Đức để kết luận rằng: "Suốt hơn một tuần nay, tôi không nói một lời nào".
Mến chào chư vị Phật tử trong Diễn Đàn này,
Lê Quốc Trinh, Canada
1/- web ĐPNN không phải dành riêng cho Tịnh Độ,lại càng không phải nơi dung chứa các phỉ báng bất cứ tông môn nào. Trên huy hiệu cùa trang có 3 cụm từ “ĐẠO ĐỨC - THIỀN ĐỊNH - TRÍ TỤÊ” ,chẳng phải là tôn chỉ của trang hay sao ? Vào trang này mà không đọc,không nghe,không học,không hành theo kinh điển,giáo pháp là lãng phí thời giờ.
2/- Đức Phật dạy nhiều phương cách để giải thoát, không có cái cao cái thấp,lại không có cái nào là mê tính, nhưng sẽ có cái trở nên hiệu quả hơn nếu phù hợp với căn cơ của hành giả.Bệnh (nhân) nào thuốc ấy.Phỉ báng bất kỳ pháp môn nào tức là phỉ báng Phật tổ vậy.
3/- Dù đã chọn hay chưa chọn pháp môn cho riêng mình, thì việc tham cứu các pháp môn khác cũng hữu ích, khéo vận dụng phối hợp sẽ bổ dưởng thêm chứ không có tác hại gì. Công đức của Phật,của chư vị Tổ,của biết bao Thầy,của biết bao vị thiện tri thức soạn nên vô số kinh sách luận, có rồ dại mới kiêng kỵ, không chịu thọ hưởng.
4/- Phật học bao la,càng học càng thấy dốt,càng muốn học thêm. “Học thầy chưa đủ tranh thủ học thêm bạn bè”. Cái tối kỵ là cống cao ngã mạn “Ta Đây” ”Thầy Của Ta” "Chùa Của Ta" ”Pháp Môn Của Ta”…rốt cuộc chỉ bị thiệt thòi , chỉ có lùi chứ không sao tinh tấn thêm được.
còn rất nhiều vấn đề nếu chúng ta nghiên cứu kỹ hơn sẽ thấy. Phật pháp đại thừa mang tính chất giải thoát, giải thoát ngay chính trong đời sống hiện tại, ngay trong từng giây từng phút chúng ta sống, nó là bằng chứng hữu hiệu nhất chứ kô cần phải đi đâu xa mà tìm chứng cứ. " Pháp luôn luôn vận hành đúng với trật tự của nó, chỉ có con người mới làm hiểu và làm sai pháp ..." đó cũng chính là quy luật của phái Tiểu Thừa...
Hơn 10 năm nay tôi có dịp đọc một bộ sách gồm 4 cuốn do Thành Hội Phật Giáo Tp Hồ Chí Minh xuất bản năm 1966 (PL 2540) tựa đề là NHẬP PHÁP GIỚI (Diễn giảng Nhập Pháp Giới trong Kinh Hoa Nghiêm) của nhà văn cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng. Tôi đọc đi đọc lại hơn 10 năm rồi, mỗi lần đọc lại, dù chỉ vài trang, lần nào cũng thấy hay và ích lợi. Nay tôi xin trích lại đây một vài dòng hầu quí vị.
Quyển 4, trang 107 + 108: "... thông điệp của Đại Thừa là gì? Thông điệp nói thứ nhất: "Pháp giới này toàn là huyễn mộng", tất cả đều là hư không, chỉ do tâm thức chúng sanh nó ảnh hiện ra thôi. Thứ hai là "con người có thể tu hành lên đến chỗ biến hóa không cùng". Vậy, những người có óc duy lý hay hơi bị ảnh hưởng của tập quán Tây phương nhiều thì không chịu tin, không chịu hiểu, chỉ muốn nắm lấy vật, nghĩ rằng, vật này có thật và không thể biến hóa được... Vì vậy họ không chấp nhận thông điệp ấy, và nghĩ rằng kinh Đại Thừa đều giả tạo. Nhưng đối với một người thành thực, nếu dở một trang kinh ra đọc thì thấy rằng không có một người nào ở thế gian này có thể viết được một trang kinh Hoa Nghiêm chứ đừng nói đến bốn ngàn trang... Cho dù để ông học thuộc lòng và nói lại cũng không nói được lưu loát như trong kinh đã nói. Như vậy, phải là một bậc Đại Giác mới có thể nói được như thế..."
Quyển 4, trang 167: "... khi có người hỏi, đáp, chúng ta nên tránh nhất là tâm sân, mạn, dù người kia có nói trái ý ta cũng không nên khởi lòng sân, vì như thế ta còn chấp ngã rất nặng. Và theo giáo lý nhà Phật, người hỏi cũng như người đáp, thường ta chỉ nên nói lên cái kiến giải của mình thôi, chứ không có thái độ bắt ai phải theo cái sự hiểu biết của mình. Ngay cả đức Phật ngồi thuyết pháp cũng thế, ngài không bao giờ bắt các vị đệ tử của ngài nghe ngài đâu, mà lại nói rằng, các ông hãy lắng nghe cho khéo, nghĩ cho kỹ nếu đúng hãy theo, nên không bao giờ có sự tranh cãi với thế gian."
Quyển 4, trang 256: "Cõi Cực Lạc của Đức A Di Đà vẫn còn có hàng Thanh Văn và phàm phu, còn phải nghe pháp để đắc cái này, cái nọ. Nhưng sở dĩ chúng ta cầu vãng sanh Cực Lạc là vì căn cơ chúng ta chỉ có được từng đó thôi, thứ nữa cõi ấy gần chúng ta hơn và có nhiều tầng lớp để chúng ta có thể dần dần tu lên nữa. Còn những cõi tịnh độ kia thì cao quá, căn cơ chúng ta không thể với nổi. Và trong kinh thì lúc nào cũng nói trùng trùng những những cõi tịnh và uế, và nói rất rõ. Ấy vậy mà vẫn còn có những vị tu hành vẫn bài bác tịnh độ và không chịu tin, lại còn chê những người tu theo pháp môn tịnh độ là những người ngu xuẩn, chỉ dành cho những bà già nhà quê..."
Tôi chỉ có thể trích dẫn vài hàng trong quyển 4. Cón những quyển 1, 2 và 3 tôi cho các bạn tôi mượn đọc chưa trả.
Và mục đích theo đạo phật là học những gì phật dậy.cần gì phải quan tâm đến những vấn đề khác để rồi các bạn lạc lối, rồi không thoát ra được.
Đức Phật A Di Đà là do Phật Như Lai giới thiệu,vậy nếu ai theo Phật thì đương nhiên phải tin những điều Phật dậy chứ.
Các bạn đều nói mình theo đạo Phật vậy các bạn đa làm được điều đó chưa.???
Chúc các bạn sớm tỉnh ngộ!
Tất cả phật tử chúng ta, đều đang tại quá trình tu tập, hiểu để tu, và đương nhiên là chưa thể hiểu thấu.
Thưa anh Lê Quốc Trịnh
Đọc những bài viết của anh, tôi cũng như mọi phật tử khác, không thể đồng ý với anh được.Có lẽ vì anh cũng chưa thể hiểu được nhiều về giáo lý nhà phật, nhưng chưa hiểu thì cần phải có lòng tin có phải không anh?
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là giáo chủ cõi Ta Bà, là cõi mà các Phật tử chúng ta đang sống nên chúng ta mới thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện hữu,
Cái sự hiểu biết, sự nhìn nhận của chúng ta mới chỉ ở trong phạm vi cõi Ta Bà này thôi, giồng như khi anh LQT 5 tuổi thì nghĩ thế giới này chỉ có một nước Việt Nam thôi, nhưng thực ra còn nhiều cõi khác nữa mà chúng ta hiện nay chưa thể nhìn thấy được.
Và, Đức Phật A DI ĐA là giáo chủ của thế giới Tây Phương Cực Lạc, thế giới Tây Phương Cực Lạc được tất cả Chư Phật Như Lai trong mười phương tán thán, khen ngợi.
Tôi nói thế này mong anh LQT hiểu, các Phật tử cũng hiểu ý tôi chứ? Chúng ta hiện nay hãy có đức tin, là điều quan trọn nhất. Chúng ta đều là con nhà Phật, giáo chủ của chúng ta là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chúng ta tin Phật, theo Phật thì hãy làm theo những lời Đức Phật đã dạy.
Thân ái!
đứng trên hoa sen 5 cánh ( nếu nhìn trực diện) và 8 cánh ( nếu nhìn từ trên xuống)
các bạn đồng tu đừng bàn về lý thuyết mà hãy tự tu tập rồi tự thấy! đạo phật mình là đạo của thực hành mà! Quả báo của đọc kinh là thuộc kinh , ông phật có kêu mình tụng kinh lại cho ông phật nghe đâu , ổng kêu mình là đọc kinh để hiểu và làm theo lời ổng!
" Dùng sắc không thể thấy Phật, dùng thanh không thể nghe Phật".
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
NAM MÔ ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT
tat ca do tam sanh
a di da phat than kim sac
kim la sang sac la vo so mau
neu hoi PHAT ADIDA la ai ,AI la PHAT ADIDA. ??? ban noi co hay khong ??? ,
dao huu chi tin co PHAT THICH CA .vay PHAT THICH CA thi hien coi TA BA lam gi ???????
49 nam khong co thuyet mot phap nao. do la phap tanh. moi nguoi deu co . con tat ca loi PHAT NOI la phuong tien , nhung nhung phuong tien deu chi co PHAT THICH CA moi hieu ro. Ngai chan gat chung ta. Ai cung biet deu nay. neu noi KHONG CO PHAT ADIDA. VAY QUAN AM ,DAI THE CHI, VAN THU SU LI . CO KHONG ???? VA THAP PHUONG CHU PHAT CO KHONG ??? DO CUNG CHIN TRONG CAC KINH VIET RA. NEU NOI KHONG CO , VAY TAT CA LOI PHAT THICH CA LA GIA DOI VAY TAI SAO CON TIN NGAI NUA. CHIN KINH VO LUONG THO CUNG DO NGAI NOI MA .PHAT THICH CA NOI VE TAY PHUONG CUC LAC.CHAN LE NGAI GAT CHUNG TA SAO? NEU DAO HUU TU THEO TONG NAO CUNG CHAN SAO NHUNG DUNG PHI BANG TINH DO , HAY HOI ADIDA PHAT LA AI??? CHUNG NAO MINH CO THE THAY BANG TAI, NGHE BANG MAT THI MOI BIET DUOC.. XIN DUONG TRANH CAI CHI THEM TOI NGHIEP MA THOI.
"Ngoai canh khong phanbiet tot xau chi tam phan biet tot xau ma thoi" La loi chu Phat day cac vi a!!!
(trich loi kinh phat) vay ai nghi ngho phat a di da tuc la ko tin luon ca duc thich ca. vi the nen cac vi phat tu ko nen dat cau hoi nay nhat la doi voi nguoi tu tinh do chung ta cu tiet doi tin loi phat thic ca va bon nguyen tiep dan cua phat a di da ma tin tan niem hong danh a di da phat la duoc vang sanh a di da phat
cõi đó xa 10 vạn cõi nước Phật,là cõi oai nghiêm nhất,Phật rủ lòng thương xót mà bày phương thiện chân thật,nói lời hữu ích cho chúng sinh,chúng ta phải nguyện tin! Tuyệt Đối - 100%.
dù cõi đó xa như vậy,nhưng chúng ta vẫn có thể vãng sanh đến đó chưa đầy 1 sát na? tại sao? Khoa học hiện nay cũng đưa ra nhận định:tất cả các hạt cơ bản đều có chung 'cơ sở thực tại' nên ý niệm về 'nơi này' hoặc 'nơi kia' và vô nghĩa.Với nguyện lực công đức to lớn không thể nghĩ bàn của Phật Di Đà - không gì là không có thể - bạn Le Quoc Trinh nói rằng 'sao không vãng sinh ngay lúc còn sống?', nếu bạn tu đến đắc Tam Muội thì có thể tự tại vãng sanh bất cứ lúc nào.Bạn muốn biết rõ lịch sử cha mẹ Vua Vô Trách Nhiệm? vào thời hàng A Tăng Kỳ Kiếp ( 10^140 kiếp) về trước? bạn muốn biết rõ Phật Đà đã thành Phật vào 10 Đại Kiếp trước (13 tỷ năm) trước như thế nào ư?Chỉ có Phật với Phật mới hiểu nhau thôi! bạn nói rằng mê tín ư?ngu si thấp kém ư? sao hàng thánh Tăng,Long Thọ bồ Tát,các vị Tổ Ngẫu Ích,Liên Trì trí tuệ hơn ta bao nhiêu lần mà vẫn theo? căn cơ chúng sinh thời nay 'phước mỏng nghiệp dày' chẳng tin nhân quả,nên Phật nói Pháp này khó nghĩ khó tin khó bàn là vậy,Kinh Vô Lượng Thọ sẽ bị diệt sau cùng trong 100 năm,Kinh Lăng nghiêm bị diệt đầu tiên (kinh Đại Niết Bàn).Bạn không tu học Tịnh Độ vào thời này là một thiệt thòi vô cùng lớn cho bạn,những người Tu Tịnh Dộ mà không chuyên tu,mà cứ thích song tu thiền tịnh cũng là 1 thiệt thòi nữa!khó mà vãng sanh,5 ngàn người may mắn có 4 ,5 người vãng sanh! kể cả Tụng 5 bộ kinh của Tịnh Tông cũng là tạp tu rồi,mong mọi người chuyên Tu Tịnh Độ đạt nhất tâm! A DI ĐÀ PHẬT! mong mọi người tinh tấn!
Và Mình xin nói với bạn Le Quoc Trinh lần nữa,kể cả bạn có lý luận như thế nào đi chăng nữa,nó không hề mảy may động chạm gì tới niềm tin của mình,kể cả có Phật Thích Ca hiện ra chỉ bảo mình đi Pháp môn khác,đi Pháp môn này là không được thì mình cũng không bỏ,kể cả có Vị Bồ Tát nào đó nói là Phật Di Đà không có thật mình cũng chẳng quan tâm!
A DI ĐÀ PHẬT!
Lý lẽ thâm sâu, càng đọc càng hay. Đúng hay sai, Vàng hay Đỏ, Có hay Không có, Cao hay Thấp ...
Chỉ là chúng ta đã hiểu Phật Pháp Huyền Diệu đến đâu mà thôi.
Vài lời xin mạo muội nói ra.
A DI ĐÀ PHẬT
Mình cảm thấy thương cho bạn khi bạn nhận mình là Phật tử mà không thông hiểu giáo lý Phật. Mình tin chắc là bạn chưa tham học nhiều về kinh điển, sách Phật, thêm vào đó mình cũng tin là bạn rất ít khi chọn một trong các pháp môn để tu học Phật Pháp do vậy bạn đã có những suy nghĩ, cảm nhận, bình phẩm chính chắn cho lắm. Qua đó nhiều bạn có cảm tưởng bạn đang mạo nhận con Phật hoặc cũng có khi bạn là ngoại giáo và cảm thấy bức xúc khi có nhiều bình phẩm về đạo bạn đang theo.
Trên tinh thần xây dựng, trao đổi và học tập lẫn nhau, mặc dù mình không đi tu tuy nhiên mình cũng xin có đôi lời đến bạn nhằm giúp bạn cách tu học Phật Pháp nhé.
Đầu tiên bạn tìm đọc kinh giảng về TỨ NIỆM XỨ, BÁT CHÁNH ĐẠO cho mình, mặc dù kinh có thể ngắn gọn súc tích nhưng khi bạn đọc và cảm nghiệm, suy nghĩ thấu đáo, tìm hiểu triệt để ngữ nghĩa của kinh, mình tin là một niềm tin, xác tín sẽ đến với bạn.
Thứ hai, bạn chịu khó đọc thêm nhiều kinh sách Phật ( Chú ý rằng bạn chỉ đọc những kinh Phật mà thôi, chưa nên đọc các bài thuyết giáo của các Thầy) với cái Tâm tĩnh lặng, không phân biệt bình phẩm đánh giá gì cả. Nếu bạn là ngoại giáo, khi làm được điều này sẽ giúp tri kiến của bạn tăng trưởng lên, khi tri kiến của bạn tăng trưởng có nghĩa là Đức Tin của bạn đã được xây dựng trên nền móng vững chắc. Đối với các Phật tử giai đoạn này sẽ giúp cho bạn củng cố Đức Tin của mình thêm nữa sau đó các bạn sẽ cãm nhận, đánh giá trình độ tri thức của mình tới đâu để chọn pháp môn tu tập cho phù hợp. (Lưu ý rằng Đức Tin này được xây dựng và củng cố không dựa trên niềm tin mù quáng, mà dựa trên tri kiến của chính mình)
Tại sao nói tri kiến được tăng trưởng và đức tin của mình được củng cố vững chắc, bởi vì lúc đó mình sẽ biết Đức Phật là ai? Người như thế nào? Ý nghĩa của việc lập và thờ hình tượng Phật. Những gì là hữu ích và cần thiết trên con đường tìm Đạo của mình. Bạn cũng sẽ phát hiện ra liệu có cần thiết phải tìm hiểu quả đất này được hình thành như thế nào? tại sao mình sinh ra đời? Mình sinh ra đời để làm gì? Liệu điều đó có ích cho mình trên con đường tìm Đạo hay không? mình sẽ cần phải làm gì?
Để đánh giá trình độ tri thức của mình tới đâu, bạn thử nghĩ xem bạn đã đọc được nhiều kinh sách Phật, tham học, trau dồi với nhiều thiện tri thức, liệu bạn thông hiểu được ngữ nghĩa của bao nhiêu kinh, liệu bạn có thể kham nổi hay tu tập theo được không?
Dựa vào hai điều trên bạn đã có điều kiện cần đó là CHÁNH KIẾN, CHÁNH TƯ DUY VÀ ĐỨC TIN của bạn.
Điều kiện đủ là tinh tấn tu học, thực hành theo Phật Pháp chứ không phải chỉ là đọc cho biết, để tranh luận cãi lý với nhau.
Bởi vô minh che phủ, do chưa có trí huệ Phật nên chúng ta nên lưu ý một số điều sau có thể làm cản trở chúng ta tìm hiểu, tu học tiến về Đạo quả:
_ Không dính chấp vào văn từ, ngôn tự bởi chúng chỉ là phương tiện truyền tải thông điệp, không thể có văn từ ngôn tự nào có thể diễn đạt hết nghĩa thâm sâu nhiệm mầu của Phật. Chúng ta chỉ nên cảm nhận, suy niệm nghĩa của chúng, trau dồi với nhiều bậc thiện tri thức để làm rõ nghĩa và phận biệt đúng sai.
_Luôn ghi nhớ suy nghĩ và hành động của mình nên dựa trên cái Tâm không phân biệt. Ví dụ nhé: Tại sao khi mới nhìn bạn này thì có người thích, có người ghét, có người chê xấu có người cho rằng đẹp. Bạn phải quán xét, suy niệm đối chiếu...
_Việc mong cầu thần thông, phép màu có giúp ích gì cho chúng ta trên con đường cầu Đạo hay không? Liệu có cần thiết phải quan tâm đến thần thông, phép màu hoặc các thế giới quan khác khi chúng ta còn bị vô minh che phủ?
Có lẽ sự góp ý của mình cũng hơi dài, nếu được các bạn hãy đọc nhiều kinh sách Phật trên tinh thần quán niệm, suy xét thấu đáo nghĩa của kinh. Việc này hãy nhớ không phân biệt kiến thức con người có đâu nhé, Khi các bạn làm được các điều trên, mình tin chắc là sẽ không còn các câu hỏi vớ vẩn nữa
Tịnh độ là lòng trong sạch chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương
Di Đà là tính sáng soi mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.
Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích-ca;
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thật ấy là Di-lặc.
Khi ta cảm thấy an lạc, trong lòng không gợn lo âu, tính toán, hờn ghen v.v..Tâm ta rộng khắp rỗng rang không chấp lê vào câu chữ, ngoại duyên tức là ta đang gần Phật. Khi ta chấp vào cái ta thấy, ta nghe, ta biết mà cho đấy là đúng là sai, là cao là thấp, là ngoại đạo là trong đạo (trong đạo ngoại đạo đều có Phật), tức là dời xa Phật.
Gìn tánh sáng, mựa lạc tà đạo;
Sửa mình học, cho phải chánh tông.
Mô Phật!
Thì cớ làm chi có muộn phiền
Cũng bởi lòng hay mong cầu vậy
Vạn phần buông bỏ ấy tùy duyên
Đã nói là Phật thì không có hình, không sắc, không mùi vv.. thế thì làm gì có chuyện Phật là màu này hay màu nọ, nếu mà có sắc tướng thì đó là hư huyễn là không thật, trong kinh kim cang đức Phật đã nói nhưu vậy rồi.
Còn Phật A di Đà theo tôi là không có thật, còn nói Đức Phật thích ca giới thiệu Phật A Di đà là giáo chủ phương tây cực lạc là nói bậy. Cả một đời của đức Phật ngài không bao giờ tự xưng mình là giáo chủ, nếu có là do các đệ tử sau này tự tôn mà thôi. Nếu Đức Phật A di Đà là giáo chủ Phương Tây Cực lạc, Phật thích Ca là giáo chủ Ta Bà thì mặc nhiên công nhận với việc Chúa Jesu là giáo chủ ở Thiên Đàn.
Chào Bạn .
Bạn nè ! Nếu như Bạn là một Phật Tử chân chánh , Bạn nên biết Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật , Ngài như là một Người Cha . Còn Chúng Ta la những Phật Tử ( con Ngài ) , cho nên Ngài đã giới thiệu cho Chúng Ta một vị Thầy , là Đức Phật A Di Đà mà trường học đó chính là cỏi Tây Phương Cực Lạc . Đã là một Người Cha thì lúc nào cũng hết lòng yêu thương Con Cái của mình . Và lúc nào cũng mong Các Con của mình Thành Đạt . Vì thế chúng Ta bổn phận là Con phải nên nghe lời Người Cha đáng kính .
Còn Bạn muốn biết về Đức Phật A Di Đà màu gì , thì Bạn nên ra sức cố gắng nghe lời của Đức Bổn Sư . Nên gia nhập vào trường Đào Tạo Phật Học ở Tây Phương Cực Lạc . Thì lúc đó Bạn sẻ gặp được Người Thầy ở ngôi trường đó . Vị Thầy đó chính là Đức Phật A Di Đà , Lúc đó Bạn sẻ biết được Đức Phật A Di Đà màu gì , và hình tướng của Ngài như thế nào ma thôi Bạn ah !
A DI ĐÀ PHẬT ! chào Bạn
xin cho mình nói ít lời thôi.tất cả các bạn đều đúng. bạn LQT có cái đúng của bạn ấy vì bạn ấy nghiên cứu tới đó thì phải nói như vậy thôi,cac bạn muốn bạn ấy hiểu sâu hơn ko thể được.niềm tin là mẹ sinh ra các công đức lành,ai ko tin thì thôi,các bạn cũng đừng bắt người ta phải tin như các bạn .thấy người ta sai la cái sai của mình nằm ngay bên cạnh. xin hãy cẩn thận
chúc các bạn vui vẽ và an lạc
thương mến các ban
Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)