Những Bài Giảng Tóm Tắt Của Khóa Thiền Minh Sát Mười Ngày - 05. Bài giảng ngày thứ tư

Đã đọc: 6435           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Ngày thứ tư là ngày rất quan trọng. Quý vị bắt đầu thâm nhập vào suối nguồn chánh pháp (Ganges of Dhamma) [1], và đang khám phá sự thật ở nơi quý vị qua những cảm thọ trên thân. Trong quá khứ, vì vô minh, những cảm thọ này là những nguyên nhân gây ra vô số khổ đau cho quý vị, nhưng chúng cũng có thể là những công cụ để đoạn trừ khổ đau. Quý vị đã thực tập bước đầu tiên của lộ trình giải thoát đó là quán sát những cảm thọ trên thân và giữ tâm xả ly.

Những vấn đề liên quan đến phương thức thực tập thiền Minh Sát Tuệ

Qui luật nghiệp báo

Tầm quan trọng của hành động thuộc về tâm

Bốn chức năng phối hợp của tâm: chức năng hiểu biết (ý thức), chức năng tưởng tri, chức năng cảm thọ và chức năng phản ứng

Duy trì tâm tỉnh thức và xả ly là con đường vượt khỏi khổ đau

Ngày thứ tư là ngày rất quan trọng. Quý vị bắt đầu thâm nhập vào suối nguồn chánh pháp (Ganges of Dhamma) [1], và đang khám phá sự thật ở nơi quý vị qua những cảm thọ trên thân. Trong quá khứ, vì vô minh, những cảm thọ này là những nguyên nhân gây ra vô số khổ đau cho quý vị, nhưng chúng cũng có thể là những công cụ để đoạn trừ khổ đau. Quý vị đã thực tập bước đầu tiên của lộ trình giải thoát đó là quán sát những cảm thọ trên thân và giữ tâm xả ly.

Sau đây là một số vấn đề thuộc về kỹ thuật hành trì (thiền Minh Sát Tuệ) thường được hỏi đến trong khi tu tập:

Tại sao di chuyển sự quán sát  trên toàn thân phải theo một  trình tự nhất định và vì  sao phải tuân theo trình tự  này?

Có thể di chuyển sự quán sát trên thân thể với bất cứ trình tự nào, nhưng chỉ nên hành trì theo một trình tự cần thiết. Mặt khác, quý vị sẽ mắc phải nhược điểm là xao lãng không quán sát một số nơi trên thân thể, những nơi cảm thọ hiện diện không rõ ràng và trống rỗng. Dĩ nhiên, cảm thọ có mặt khắp thân thể, và trong phương pháp tu tập này, yếu tố quan trọng là phát triển khả năng cảm nhận các cảm thọ trên toàn thân. Vì lý do này, sự di chuyển quán sát các cảm thọ trên thân theo một trình tự sẽ rất có lợi.

Nếu phần nào của thân thể không có cảm thọ, quý vị có thể duy trì sự chú tâm ở đó khoảng một phút. Thực tế, cảm thọ đang có mặt ở đó như những bộ phận khác của thân thể, nhưng nó thuộc dạng vi tế khiến cho tâm của quý vị không thể nhận ra, và vì vậy nơi này dường như không có cảm thọ. Duy trì khoảng một phút, theo dõi một cách yên tĩnh, lặng lẽ và xả ly. Đừng mù quáng sinh tâm  tham đắm hoặc có ác cảm với bất cứ cảm thọ nào. Nếu quý vị làm như vậy, quý vị sẽ đánh mất tâm xả ly, và tâm mất bình tĩnh không còn sáng suốt; chắc chắn quý vị không thể cảm nhận những cảm thọ vi tế hơn. Nhưng nếu giữ tâm bình tĩnh, nó sẽ nhạy cảm hơn và có nhiều khả năng khám phá các cảm thọ vi tế. Hãy quán sát từng phần trên thân thể trong niệm xả ly không quá một phút. Nếu trong vòng một phút, quý vị không thấy cảm thọ khởi lên, lúc đó mỉm cười và hãy dời sự quán sát đi nơi khác. Vòng quán sát kế tiếp, quý vị lại duy trì quán sát một phút nữa; sớm muộn gì quý vị cũng sẽ nhận ra những cảm thọ ở đó và khắp thân thể. Nếu quý vị duy trì đã một phút nhưng vẫn không nhận ra cảm thọ, khi đó hãy cố gắng nhận ra cảm thọ của thân thể xúc chạm với quần áo nếu chỗ ấy là nơi được phủ kín, hoặc sự tiếp xúc của thân thể với môi trường nếu chỗ ấy là nơi không phủ kín. Hãy bắt đầu quán sát những cảm thọ thô phù này, rồi tuần tự quý vị cũng sẽ nhận ra những cảm thọ khác.

Nếu sự quán sát đã được đặt định trên một phần nào của thân thể và có  một cảm thọ vừa sinh khởi ở một nơi khác, chúng ta có nên quay trở lại hoặc hướng đến để quán sát cảm thọ vừa sinh khởi này không?

Không nên làm như vậy; hãy tiếp tục di chuyển sự quán sát cảm thọ theo trình tự đã đặt định. Đừng tìm cách ngăn cản không cho những cảm thọ sinh ra ở những nơi khác của thân thể - quý vị không thể dập tắt cảm thọ theo ý muốn được- nhưng cũng đừng quá chú trọng đến chúng. Chỉ quán sát từng cảm thọ khi quý vị tuần tự hướng tâm đến nó. Nếu không, quý vị sẽ di chuyển sự quán sát cảm thọ theo kiểu nhảy vọt từ nơi này đến nơi khác, bỏ sót không quán sát nhiều phần trên cơ thể mà chỉ quán sát những cảm thọ thô. Quý vị phải tự huấn luyện chính mình để quán sát tất cả những cảm thọ khác nhau trong mỗi phần của thân thể, thô hoặc tế, lạc hoặc bất lạc, dễ nhận hoặc khó nhận. Vì vậy đừng bao giờ thực hành theo lối quán sát nhảy vọt từ chỗ này đến chỗ khác.

Chúng ta phải mất bao nhiêu thời gian  trong việc duy trì  sự quán sát cảm thọ từ đầu đến chân?

Điều này sẽ không giống nhau tùy theo tình huống mà chúng ta đang thực hành. Sự yêu cầu ở đây là hãy dán sự chú tâm của quý vị lên một khu vực xác định, và ngay lúc quý vị nhận ra cảm thọ ở đó hãy tiếp tục di chuyển đến khu vực khác. Nếu tâm quý vị có nhạy cảm tốt thì cảm thọ sẽ nhận rõ ngay lúc tâm vừa chú ý đến, và quý vị có thể tiếp tục di chuyển sự quán sát ngay. Nếu trường hợp này xảy ra khắp thân thể, thì tiến trình di chuyển sự quán sát từ đầu đến chân trong vòng 10 phút; nhưng không được di chuyển sự quán sát cảm thọ nhanh hơn khoảng thời gian vừa nói. Tuy nhiên, nếu tâm thức không bén nhạy, có thể nhiều khu vực cần phải chờ khoảng một phút để cho cảm thọ sinh khởi. Trong trường hợp này, có thể mất khoảng 30 phút hoặc một giờ để di chuyển sự quán sát từ đầu đến chân. Thời gian cần thiết để quán sát cảm thọ khắp thân thể không quan trọng. Chỉ hành trì một cách nhẫn nại và kiên trì; chắc chắn quý vị sẽ thành tựu.

Vùng quán sát cảm thọ rộng khoảng bao nhiêu để có thể dán tâm vào đó?

Hãy chú tâm vào một phần của thân thể có chiều rộng khoảng hai hoặc ba inch (1 inch =2.54cm); kế đó di chuyển sự quán sát đến khu vực khác cũng trong khoảng 2 hoặc 3 inch. Nếu tâm thức chưa nhạy bén, hãy quán sát theo kích thước rộng hơn, ví dụ như toàn bộ khuôn mặt, hoặc toàn bộ phần trên của cánh tay; rồi từ từ cố gắng thu nhỏ vùng quán sát lại. Cuối cùng quý vị có thể cảm nhận các cảm thọ ở mỗi phần của thân thể, nhưng trong giai đoạn này, mỗi vùng quán sát có kích thước khoảng hai hoặc ba inch là đủ.

Chúng ta chỉ nên cảm nhận những cảm thọ trên bề mặt của thân thể hay cũng phải cảm nhận những cảm thọ ở bên trong thân thể nữa?

Thỉnh thoảng có thiền giả cảm nhận những cảm thọ bên trong ngay lúc vị ấy bắt đầu hành trì thiền Minh Sát Tuệ; đôi khi ban đầu vị ấy cảm nhận những cảm thọ chỉ trên bề mặt. Quán sát cảm thọ trên cả hai phương diện ngoại tại hoặc nội tại đều tốt cả. Nếu cảm thọ chỉ xuất hiện trên bề mặt, theo dõi chúng qua nhiều lần cho đến khi quý vị nhận ra cảm thọ ở mọi nơi trên bề mặt của thân thể, sau đó quý vị tiếp tục quán sát những cảm thọ bên trong. Dần dần tâm thức sẽ phát triển khả năng cảm nhận các cảm thọ khắp mọi nơi, cả bên trong lẫn bên ngoài, tại mỗi phần của thân thể. Nhưng lúc mới bắt đầu, hãy quán sát những cảm thọ bên ngoài là đủ rồi.

Lộ trình tu tập hướng đến thực tại tuyệt đối vượt qua cảm nhận của các giác quan ngang qua phương pháp cảm nhận cảm thọ. Nếu quý vị tiếp tục thanh lọc tâm với sự hỗ trợ của cảm thọ, chắc chắn quý vị sẽ đạt đến giai đoạn tối hậu.

Khi nào chúng ta không ý thức, các cảm thọ chính là những nhân tố làm tăng trưởng phiền não trong chúng ta, vì chúng ta phản ứng lại những cảm thọ bằng tham ái hoặc sân hận. Ngay tức khắc, khổ đau xuất hiện, căng thẳng phát sinh, ở cấp độ cảm thọ về thân; vì vậy, ngay ở cấp độ này chúng ta phải luyện tập để loại trừ khổ đau và căng thẳng, để chuyển đổi thói quen của tâm thức. Chúng ta phải trau luyện sự tỉnh giác đối với các cảm thọ khác nhau mà không hề phản ứng lại, chấp nhận sự thay đổi và bản chất khách quan của chúng. Bằng cách thực hành này, chúng ta từ bỏ những thói quen phản ứng thiếu ý thức để tự giải thoát ra khỏi khổ đau.

Cảm thọ là gì?

Bất cứ điều gì mà chúng ta cảm nhận trên thân thì đó là một cảm thọ - bất cứ cảm thọ thông thường và tự nhiên nào thuộc về thân, như cảm thọ lạc hoặc khổ, thô hoặc vi tế, mạnh hoặc yếu. Đừng bao giờ bỏ qua một cảm thọ nào dù nó phát sinh từ điều kiện môi trường, hoặc phát sinh do ngồi quá lâu, hoặc do một chứng bệnh từ trước. Vấn đề là dù trong điều kiện nào quý vị đều phải nhận ra cảm thọ. Trước đây quý vị có thói quen từ chối những cảm thọ khổ và thích thú với những cảm thọ lạc. Bây giờ quý vị chỉ quán sát nó một cách khách quan nhưng không đồng nhất với chúng.

Ðây là một sự quán sát bình đẳng, đừng bao giờ cố kén chọn  những cảm thọ; thay vào đó, quý vị hãy chấp nhận bất cứ cảm thọ sinh khởi một cách tự nhiên. Nếu quý vị có ý tìm kiếm cảm thọ nổi bật hoặc cảm thọ đặc biệt, quý vị sẽ tự tạo trở ngại cho chính mình, và sẽ không thể tiếp tục tu tập theo phương pháp này được. Phương pháp hành trì cốt yếu để giữ sự xả ly đối với bất kỳ cảm thọ nào chứ không phải để cảm nhận các cảm thọ đặc biệt. Lúc trước, quý vị đã có những cảm thọ về thân tương tự như vậy, nhưng quý vị không tỉnh giác và đã phản ứng lại những cảm thọ này. Bây giờ quý vị đang tập luyện để tỉnh giác và không phản ứng lại, cảm nhận những gì đang diễn ra trên thân và giữ tâm bình thản.

Nếu thực hành theo cách này, dần dần quý vị sẽ nhận rõ toàn bộ qui luật của tự nhiên. Đây là những gì khiến giáo pháp có ý nghĩa: bản chất tự nhiên, qui luật, chân lý. Để hiểu chân lý trên bình diện thể nghiệm, chúng ta phải khảo sát nó trong phạm vi cấu trúc của thân thể. Sự khảo sát này đã được Thái tử Sidddhattha Gotama thực hành, chứng ngộ và trở thành một vị Phật. Và bất cứ ai thực hành như Ngài cũng sẽ thấu đạt chân lý một cách rõ ràng, chân lý có mặt khắp vũ trụ, có mặt ở trong và ngoài thân thể, vạn vật đang luôn chuyển dịch. Không có gì đoạn diệt hoàn toàn; mọi vật được liên kết theo tiến trình hình thành (bhava). Và một thực tại khác hiển bày rõ ràng: đó là không có điều gì xảy ra một cách ngẫu nhiên. Mỗi sự chuyển đổi đều có một nguyên nhân, nguyên nhân đó tạo ra một kết quả, và rồi kết quả lần lược trở thành nguyên nhân cho sự chuyển đổi khác, tạo thành một chuỗi nhân - quả không đầu mối. Và một qui luật nữa cũng hiển bày rõ ràng: đó là nguyên nhân như thế nào thì kết quả sẽ như thế ấy; hột giống như thế nào thì hoa trái sẽ như thế ấy.

Trên cùng một mảnh đất chúng ta gieo hai loại hạt giống, một loại mía và một loại "neem"- một loại cây nhiệt đới rất đắng. Giống mía phát triển thành cây mía có vị ngọt từng sớ mía, giống neem thành cây neem và có vị đắng trong từng sớ neem. Chúng ta có thể hỏi tại sao thiên nhiên lại tử tế đối với cây này và lại bạc đãi với cây khác. Thực tế, thiên nhiên không tử tế cũng chẳng phải bạc đãi; thiên nhiên làm việc theo qui luật đã đặt định. Thiên nhiên chỉ giúp mỗi loại giống hiển bày tính chất của nó. Nếu chúng ta gieo trồng những hạt giống ngọt, thu họach sẽ là trái ngọt. Nếu chúng ta gieo trồng hạt giống đắng thì kết quả sẽ là trái đắng. Khi hạt giống như thế nào thì kết quả như thế ấy; khi những hành động như thế này thì kết quả sẽ tương xứng như vậy.

Vấn đề là chúng ta rất tỉnh táo khi gặt hái kết quả, muốn nhận quả ngọt, nhưng trong suốt thời vụ gieo trồng chúng ta lại không tỉnh táo và đã trồng giống đắng. Nếu chúng ta muốn quả ngọt chúng ta nên trồng những loại giống tuơng xứng. Cầu nguyện hoặc mong ước một phép màu chỉ tự lừa dối mình; chúng ta phải hiểu và sống theo qui luật tự nhiên. Chúng ta phải cẩn trọng về những việc làm của chúng ta, vì những việc làm này là hạt giống liên quan đến tính chất của các hành động mà chúng ta sẽ đón nhận kết quả ngọt hoặc đắng.

Có ba loại hành động: đó là hành động của thân, của lời nói và của ý nghĩ. Trong quá trình tu tập quán sát tự thân, chúng ta nhận ra ngay rằng hành động thuộc về tâm thức là quan trọng nhất, vì đây là hạt giống sẽ dẫn đến kết quả. Các hành động của thân và lời nói chỉ là: những hình chiếu của hành động thuộc về tâm, những thước đo để trắc đạt cường độ của hành động tâm thức. Chúng phát sinh từ hành động thuộc về tâm, và kết quả của hành động này biểu hiện qua hành động của thân hoặc lời nói. Vì vậy đức Phật đã dạy:

Tâm dẫn đầu mọi hành động

Tâm làm chủ, tâm tạo

Nếu với tâm ô nhiễm

Nói lên hoặc hành động,

Khổ não sẽ theo sau

Như bánh xe theo chân vật kéo [2] .

 

Nếu với tâm thanh tịnh

Nói lên hoặc hành động

Hạnh phúc sẽ theo sau

Như bóng không rời hình [3].

Nếu đúng như thế, chúng ta cần biết tâm là gì và nó hoạt động như thế nào. Quý vị đã bắt đầu khảo sát hoạt động của tâm qua việc tu tập của chính mình. Khi hành trì, quý vị sẽ thấy có bốn yếu tố chính hoặc bốn chức năng của tâm.

Chức năng thứ nhất gọi là Viññāṇa, có thể được dịch là ý thức (consciouness). Các cơ quan cảm giác sẽ không hoạt động nếu “ý thức” không có mặt ngay lúc các giác quan  tiếp xúc với đối tượng. Ví dụ, nếu mắt chúng ta đang bị một vẻ đẹp cuốn hút, cùng lúc đó có một âm thanh phát ra nhưng có thể chúng ta sẽ không nghe được, vì tất cả ý thức của chúng ta đang tập trung ở mắt. Tâm thức trong chức năng này là để nhận thức và hiểu biết, không có sự phân biệt. Khi tai nghe âm thanh và ý thức chỉ lưu ý đến âm thanh đang hiện hữu.

Sau đó chức năng kế tiếp của tâm bắt đầu làm việc: tức saññā có nghĩa là sự tưởng tri (perception). Một âm thanh phát ra, chúng ta nhận ra nó là nhờ trí nhớ và kinh nghiệm quá khứ: âm thanh của lời nói, …những tiếng khen.. … tốt; hoặc ngược lại, một âm thanh của lời chê bai, … lời nói xấu. Chúng ta đánh giá tốt hoặc xấu, theo kinh nghiệm quá khứ của chúng ta.

Ngay khi đó, chức năng thứ ba của tâm thức bắt đầu làm việc: đó là vedanā, có nghĩa là sự cảm thọ. Ngay khi âm thanh phát ra, có một cảm thọ xuất hiện trên thân thể, nhưng khi tưởng tri nhận ra âm thanh và đánh giá về âm thanh, cảm thọ lạc hoặc khổ tuỳ theo sự đánh giá này. Ví dụ như âm thanh của lời ca ngợi … tốt đẹp, và chúng ta cảm nhận một cảm thọ lạc tỏa khắp thân thể. Hoặc ngược lại; âm thanh của những lời chê bai,… xấu xa, chúng ta cảm nhận một cảm thọ bất lạc tỏa khắp thân thể. Những cảm thọ sinh khởi trên thân và được tâm cảm nhận; chức năng này gọi là vedanā.

Sau đó chức năng thứ tư của tâm thức bắt đầu làm việc: đó là saṅkhāra, có nghĩa là sự phản ứng. Khi nghe âm thanh của những lời khen ngợi… tốt đẹp… cảm thọ lạc khởi lên và chúng ta bắt đầu thích thú lời ca ngợi ấy: "Đây là lời khen ngợi tuyệt vời! Tôi muốn được khen nhiều hơn nữa!" Ngược lại: khi nghe âm thanh của những lời chê bai…xấu xa… cảm thọ bất lạc khởi lên và chúng ta khởi niệm không thích nó: "Tôi không thích lời chê bai này, hãy chấm dứt ngay!" Tại mỗi căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân, tiến trình tương tự như trên xảy ra. Cũng vậy, khi tâm suy nghĩ hoặc tưởng tượng một điều gì, một cảm thọ sinh khởi trong thân, lạc hoặc bất lạc, và chúng ta bắt đầu phản ứng bằng sự thích thú hoặc chán ghét cảm thọ đó. Sự thích thú này phát triển thành tham ái; và sự chán ghét phát triển thành ác cảm mạnh. Chúng ta bắt đầu bị những triền cái trong tâm trói buộc.

Đây là hột giống mang lại kết quả hoa trái, sự phản ứng dẫn đến kết quả: đó là saṅkhāra, sự phản ứng của tâm. Trong mỗi sát na chúng ta gieo trồng hột giống này rồi phản ứng bằng sự thích thú hoặc chán ghét, tham ái hoặc sân giận, và cứ như vậy chúng ta tự tạo ra khổ đau.

Có những phản ứng chỉ để lại ấn tượng rất nhẹ, và nó sẽ tan biến ngay tức thời, còn những phản ứng để lại ấn tượng mạnh hơn thì nó sẽ hoại diệt chậm hơn, và những phản ứng nào có ấn tượng mạnh nhất thì phải mất cả thời gian dài mới loại bỏ được. Cuối mỗi ngày, nếu chúng ta cố gắng ghi nhớ lại tất cả những phản ứng của tâm đã tạo ra, chúng ta chỉ có thể nhớ lại một hoặc hai phản ứng đã tạo ấn tượng sâu nhất trong  ngày. Cùng một cách như vậy, cuối mỗi tháng hoặc mỗi năm, chúng ta có thể nhớ lại chỉ một hoặc hai phản ứng đã tạo ra ấn tượng sâu nhất trong thời gian ấy. Và đến cuối cuộc đời, chắc chắn những phản ứng thích thú hay chán ghét nào đã tạo thành ấn tượng mạnh nhất thì sẽ khởi lên trong tâm; và đời sống kế tiếp sẽ bắt đầu với tâm thức có cùng một tính chất ngọt hoặc đắng của đời sống trước. Từ những phản ứng, chúng ta tạo ra tương lai của mình.

Thiền Minh Sát Tuệ dạy nghệ thuật chết: đó là làm thế nào để chết nhẹ nhàng và an lạc. Và chúng ta học nghệ thuật chết bằng cách học nghệ thuật sống: làm thế nào để tự chủ trong giây phút hiện tại, làm thế nào để không phản ứng ngay sát na hiện tại, và làm thế nào sống một cuộc đời hạnh phúc tại đây và ngay bây giờ. Nếu hiện tại bình an, chúng ta không cần lo lắng cho tương lai, tương lai chỉ là sản phẩm của hiện tại, và vì vậy tương lai chắc chắn sẽ tốt đẹp.

Có hai vấn đề liên quan đến phương pháp tu tập:

Vấn đề thứ nhất là quý vị đang phá vỡ chướng ngại vật giữa ý thức và vô thức. Thông thường, ý thức không biết những gì mà tâm vô thức đã kinh nghiệm. Do sự cản trở này, những phản ứng luôn xảy ra ở vô thức; khi những phản ứng này đạt đến cấp độ nhận thức, chúng trở nên quá mạnh và có thể dễ dàng áp đảo tâm thức. Qua phương pháp tu tập này, tất cả những chức năng của tâm thức trở nên bén nhạy, tỉnh giác; nhờ đó vô minh sẽ được đoạn trừ.

Vấn đề thứ hai là sự xả ly. Chúng ta tỉnh thức tất cả những gì chúng ta kinh nghiệm trong mỗi cảm thọ, nhưng đừng phản ứng lại, đừng tạo thêm tham ái hoặc sân giận, đừng làm khổ chính mình.

Khi bắt đầu ngồi thiền, hầu như quý vị thường phản ứng lại những cảm thọ, nhưng sẽ có một vài khoảnh khắc nào đó quý vị ở trong trạng thái tâm xả ly, mặc dầu quý vị cảm nhận rất là đau. Những khoảnh khắc này có năng lực rất mạnh trong việc chuyển đổi những thói quen trong tâm. Dần dần quý vị sẽ đạt đến một trạng thái mà quý vị có thể mỉm cười với bất cứ cảm thọ nào, nhận biết nó là vô thường (anicca), chắc chắn nó sẽ trôi qua.

Để đạt được trạng thái này, phải chính quý vị thực hành; không ai có thể tu tập thế cho quý vị. Quý vị đã bước vào giai đoạn đầu của con đường tu tập này là điều rất tốt. Hãy tiếp tục tiến bước, tuần tự từng bước một, hướng đến sự giải thoát cho chính mình.

Cầu mong tất cả quý vị vui với chân hạnh phúc.

Cầu mong tất cả chúng sanh được an vui.

 

[1] Ganges: Là ám chỉ sông Hằng, được xem là dòng sông thiêng liêng nhất của Ấn độ là biểu tượng chân lý vĩnh hằng.

[2] Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu, câu 1.

[3] Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu, câu 2.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập