Tham vấn: tại sao khi ngồi thiền ta phải biết rõ toàn thân ?

Đã đọc: 3287           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

1/ Hỏi: Kính thưa Thầy, tại sao khi ngồi thiền ta phải biết rõ toàn thân ?

Đáp: Giống như khi mình học Toán thì diện tích hình chữ nhật là dài x rộng, mình không cần biết tại sao. Nhưng khi lớn lên tới lớp 12 thì phải biết tại sao. Do đâu biết tại sao ? Do ta học tích phân. Giống như hồi nhỏ ta học diện tích hình tròn thì bằng bình phương bán kính nhân cho π (pi). Cứ học thôi không cần biết tại sao. Nhưng lên lớp 12 ta phải biết tại sao, khi ta học được môn tích phân thì ta biết tại sao nó như thế.

Thì cũng vậy, khi ta mới đến học Thiền thì căn bản là biết rõ toàn thân. Biết rõ thân này vô thường, bắt đầu biết hơi thở. Biết hơi thở vào, hơi thở ra rõ ràng và không điều khiển. Ta cứ học vậy thôi, từ từ tâm ta thanh tịnh. Từ từ phá vỡ hết những phiền não cấu trúc trong não ta, ta đi vào thanh tịnh. Nhưng ta không cần biết tại sao. Nhưng mà khi không biết tại sao thì trong lòng ta vẫn có cái gì đó hồ nghi nho nhỏ. Còn khi ta biết tại sao như thế thì ta vững lòng ứng dụng pháp môn của mình.

Bây giờ Thầy giải thích. Mình sẽ hiểu được các pháp môn khác họ tu đúng chỗ nào, sao chỗ nào.

Theo sinh lý học về não của y học, ghi trong y văn, thì nguyên vùng vỏ não của chúng ta, mỗi vùng vỏ não gánh một bộ phận của cơ thể. Toàn cơ thể phía dưới đều được phản ứng trên vỏ não. Ví dụ cái chân nằm ở đây, ngón chân nằm ở kia, gan, thận, lá lách, phổi, cánh tay, lưng, bụng, đùi… đều nằm trên vỏ não. Bây giờ ta dùng kim chích vào phần vỏ não của đầu gối thì đầu gối đau liền mặc dù không có tác dụng gì tới đầu gối.

Hoặc là có những người họ bị tật nguyền mà họ mất cái chân, họ cứ thấy bị ngứa ngón chân cái, nhưng mà có để gãi không ? Ngón chân cái không có để gãi nhưng vẫn bị ngứa, thì cái đó ngứa ở đâu? Vùng não của ngón chân cái còn, vùng não bị cái gì đó nên ngứa nhưng mà nó phản ánh toàn thân là có ngón chân cái mà rờ không có chỗ nào để gãi hết. Ta hiểu như vậy, vỏ não của ta phản ánh toàn cơ thể chúng ta. Tự nhiên, bình thường và bình yên như thế.

Thế nào, khi ta sống mà ta bị căng thẳng, khi ta sống mà ta được thư giãn ? Tức là võ não làm việc đúng chức năng của nó. Ví dụ như phần vỏ não thể hiện về cánh tay của ta mà nó được an trú nơi cánh tay của ta thì nó là thư giãn, nó bình yên. Vỏ não đó buộc nó phải suy nghiệm vấn đề khác, về vấn đề triết học cao siêu, tính toán v.v. Tức là nó rời khỏi chức năng của nó thì nó trở nên căng thẳng dần dần, gọi là tâm ta động. Ta mệt ta phải làm việc.

Khi não ta làm việc nghĩa là gì? Là nó không thực hiện đúng với cái chức năng tự nhiên của nó, bắt đầu nó phải động qua vấn đề khác. Nhiều ý niệm khác đi vào. Như cái vùng đó là chịu trách nhiệm về cái lưng nhưng bây giờ nó không chịu cái lưng nữa mà lúc đó đang suy nghĩ về người hàng xóm, về việc hơn thua, cãi lẫy… là nó rời khỏi chức năng đó. Gọi là não ta bắt đầu đi vào stress, căng thẳng. Còn nếu vùng não của cái lưng mà nó phản ánh đúng cái lưng, an trú đúng cái lưng thì nó trở nên thư giãn, nhẹ nhàng, bình yên. Đây là mấu chốt phải hiểu được chỗ này mới hiểu sâu hơn nữa vào Thiền từ từ.

Nói lại, một ví dụ khác. Ví dụ như một người canh trước cửa Chánh điện, họ ngồi đó, biết hết mọi vấn đề từ hồi nào tới giờ rồi, như là cửa trên có mấy phần, cửa dưới có mấy phần, ai đi ra đi vô, biết hết. Nhưng bây giờ họ ngồi đó mà không cho họ canh Chánh Điện nữa, bắt họ ngồi đó tính toán kế toán của chùa thì lúc đó họ phải mệt hơn. Còn bây giờ không tính toán, cho họ đứng yên đó, trở lại làm công việc của họ là chỉ coi người đi ra đi vô thôi thì họ thoải mái, bình yên lại liền vì làm đúng chức năng.

Từng vùng não phản ánh mọi điểm trên toàn thân chúng ta, đó là mấu chốt làm cho mình định hay động. Vì thế, khi ngồi thiền mà ta an trú toàn thân, ta không nghĩ chuyện khác nữa, có nghĩa là cái vỏ não bình yên. Nó trở lại trạng thái tự nhiên của nó. Đó là bước thứ nhất để đi về phía thư giãn chứ Thầy chưa nói định. Đó là lý do tại sao ngày xưa Đức Phật bảo ta là phải cảm giác toàn thân, là để cho não nó trở lại đúng chức năng từng vùng của nó. Bây giờ ta mới thấy sợ Đức Phật. Mà thời đó thì Đức Phật không thể giải thích. Vì lúc đó chưa có khoa sinh lý học của não ra đời. Nên Đức Phật bắt ta làm như thế thôi mà không giải thích.

2/ Hỏi: Tại sao phải biết thân vô thường và biết sâu xa, biết cho tới khi mà xương sau này sẽ tan thành bụi bay mất ?

Đáp : Bởi vì: Ví dụ ta biết toàn thân thì não ta bình an lại, thư giãn lại, nhẹ nhàng lại, nhưng mà thẳm sâu bên trong thì những bản năng còn. Bản năng là cái ham muốn của thân, những khát vọng của cuộc sống, những cái cố chấp của tâm nó tiềm tàng là do ta chấp thân. Vì khi ta biết thân thư giãn rồi nhưng mà ta vẫn quý cái thân này. Và đây chính là chỗ khác nhau giữa đạo Phật và ngoại đạo. Ngoại đạo họ tu họ cũng biết thân. Họ biết cái luân xa này, biết cái luân xa kia, mà họ biết để khi mở từng luân xa họ đạt được quyền năng thì như vậy họ quý thân.

Ngang chỗ này là phân biệt ra đạo Phật với ngoại đạo liền. Tại sao khác nhau giữa thiền và Yoga, khí công của ngoại đạo ? Cũng là chỗ này. Ta biết thân, ta quý thân, ta biết huyệt này huyệt kia, ta trở thành ngoại đạo. Ta biết thân nhưng biết thân này là vô thường thì lần lần ta phá tan hết những bản năng, những cố chấp trong thẳm sâu, trong tâm hồn mình, trong cuộc đời mình luôn. Ví dụ, cái khó nhất của người tu là vấn đề ái dục. Ái dục nó là bản năng tự nhiên. Nó mãnh liệt ghê lắm, không có gì cản lại được. Nhưng nếu ta ngồi thiền ta thấy thân vô thường thời gian dài, thì những cái đó mất. Bắt đầu ta mới thấy được điều Đức Phật nói, ví dụ như khi một người nam nhìn một người con gái đẹp thì nếu trước đây ta thích thì bây giờ bỗng nhiên nhìn vào người con gái đẹp đó, ta không hề quán họ là vô thường, không hề quán họ là bất tịnh, không cần, ta chỉ quán chính ta.

Ta chỉ quán chính ta là vô thường. Nhưng nếu người con gái đẹp xuất hiện là mình nhìn ra: Người này đẹp như thế nhưng rồi nhan sắc họ sẽ tàn phai, tánh tình họ sẽ thay đổi, họ nhăn nheo, già nua. Ngày hôm nay thấy vậy ngày hôm sau nhìn khác. Mọi chuyện trên đời là vô thường, thay đổi. Mà cái nhìn đó nó xuất hiện chính là do ta quán thân vô thường, khi cái bản năng của ham muốn hết thì mình nhìn vấn đề ra rất là rõ và nhìn trùng hợp như Đức Phật đã dạy trong kinh. Nên cái quán thân vô thường lâu ngày nó phá dần các bản năng của ta hết. Những cái ngày xưa ta tham bây giờ hết tham, những cái ngày xưa ta sân, bây giờ hết sân. Rất là vi diệu.

Cho nên thầy nói bước thứ nhất mà biết rõ toàn thân làm cho não chúng ta trở lại đúng chức năng, thư giãn. Và nếu ta không thấy thân vô thường, ta quý thân thì những bản năng tiềm tàng vẫn nằm trong đó. Tuy thư giãn mà trong người đầy ham muốn thì vẫn ẩn chứa một sự sa đọa dữ dội về sau. Còn khi ta biết rõ toàn thân, rồi biết thân vô thường thì nó mất dần và hết luôn. Đó là lý do mà ta phải biết thân vô thường và biết vì sao Đức Phật dạy ta chiêm nghiệm cho tới khi xương thành tro thành bụi.

3/ Hỏi: Tại sao biết hơi thở mà không điều khiển ?

Đáp : Khi mà thần kinh thở được hưng phấn thì vùng thần kinh não khác tự nhiên đi vào ức chế. Nghĩa là khi ta chú ý thở thì tự nhiên não không động tâm vì những chuyện khác, tự nhiên nó vào định. Đó là bên y học và thần kinh não họ phát hiện ra điều đó, rất phù hợp với thiền của đạo Phật, như với khí công của Trung Hoa, Yoga của Ấn Độ. Nhưng khí công của Trung Hoa, Yoga của Ấn Độ đều thua thiền của đạo Phật ở chỗ là thiền của đạo Phật là biết hơi thở mà không điều khiển.

Hơi thở phản ánh hoạt động của tâm thức. Ví dụ như ta động tâm những vấn đề bình thường thì hơi thở nó sẽ thở như thế, ta căng thẳng tập trung thì hơi thở nó sẽ nặng như thế, nếu ta có thêm cảm xúc, sợ hãi thương ghét, hơi thở nó càng thấy rõ hơn nữa. Tức là mọi hoạt động của tâm thức nó biểu hiện qua hơi thở. Nên vì vậy, khi ta biết hơi thở tức là ta biết hoạt động của tâm thức nó biểu hiện qua hơi thở.

Do đó, khi ta biết hơi thở tức là ta biết hoạt động tâm thức của ta. Ta không cần nhìn trực tiếp vào tâm ta đang vui hay đang buồn mà chỉ cần biết hơi thở ra vào như thế nào là ta đang biết tâm của ta. Khi hơi thở nhẹ nhàng, biết tâm đang yên dần, khi hơi thở mạnh, biết tâm đang động. Bây giờ ta thấy hơi thở mạnh nên kìm lại cho tâm êm lại, được không ? Đó chỉ là cách chữa trên ngọn. Giống như là nói tay mình thiếu đường chỉ này nên nghèo, lấy dao cắt một cái cho nó giàu vậy. Cho nên, hơi thở là biểu hiện của tâm, nhưng không phải là ta ép, điều khiển hơi thở mà làm tâm hết vọng tưởng.

Đúng là hơi thở thì tâm yên, nhưng một nguy cơ thứ hai phát sinh. Đó là sự tăng lên của bản ngã. Cái ý điều khiển hơi thở trong khí công hay Yoga ta thấy bản ngã họ tăng lên dần dần. Còn những người khi nhìn thấy hơi thở mạnh, liền biết tâm mình động. Chỉ cái biết đó thôi là như đã sám hối rồi nên chỉ lát sau hơi thở tự dịu lại, ta không điều khiển. Thì như vậy, tâm thức cũng giảm động mà không tăng trưởng bản ngã.

Cái ưu việt của việc biết mà không điều khiển hơi thở là tâm thức lắng xuống mà không tăng trưởng bản ngã. Mấu chốt nằm chỗ này, đó là lý do tại sao Phật dạy ta “ Hơi thở dài biết hơi thở dài, hơi thở ngắn biết hơi thở ngắn, hơi thở ít biết hơi thở ít, hơi thở nhiều biết hơi thở nhiều.” Chỉ cái biết thôi là đã điều chỉnh được tâm thức, còn nếu ta điều khiển, bản ngã tăng trưởng dần dần liền. Những điều sâu xa trong việc tu tập như thế này là ưu việt của đạo Phật. Chúng ta may mắn được làm đệ tử của Đức Phật. Có nói như thế nào cũng không bày tỏ được hết lòng biết ơn của chúng ta với Đức Phật.

Qua một thời gian dài tu tập thì ta được rỗng suốt từ thân tới tâm. Lúc đó, những vọng tưởng manh nha thì ta biết hết. Tới chỗ này ta mới biết được cái tri vọng của Sư Ông Thanh Từ. Mỗi pháp môn giao nhau ở chỗ tri vọng. Tu đúng rồi vọng tưởng khởi biết liền. Nhưng dù biết vọng tưởng rồi, rỗng suốt rồi thì ta sẽ bị hai nhược điểm là lúc đó mình rời khỏi thân mình để mình chiêm ngưỡng sự rỗng rang đó. Lúc đó ta rời khỏi cái thân nữa, bắt đầu sai. Cái thứ hai nữa là ta thích thú, ta quan sát cái vọng tưởng vì nó nhớm nhớm rồi, liền làm ta rất thích cái công phu đó.

Vọng tưởng tế vừa mới phát triển, ta thấy là phải buông liền. Lúc đó ta không rời thân để nhìn tâm. Nó sẽ dụ ta nên hãy nhớ là nhiều lúc xuất hiện trạng thái rỗng suốt rồi những vọng tưởng vi tế xuất hiện, ta thấy, ta phát hiện ngay từ đầu thì chớ dại mà bỏ thân của mình.

Tiếp tục biết rõ toàn thân, biết thân vô thường, biết hơi thở vào ra mà không điều khiển. Cứ như vậy mà đi. Giống như mũi thuyền đi phía trước, nhưng mình điều khiển thuyền thì mình cầm bánh lái ở đằng sau. Đừng thấy mũi thuyền đi phía trước qua những thác những ghềnh, những bãi hoa đẹp thì ta đi điều khiển mũi thuyền. Tâm ta có biến chuyển qua bao nhiêu trạng thái thì kệ nó, ta chỉ cần biết thân. Biết thân vô thường, biết hơi thở vào ra mà không điều khiển.

Hôm nay Thầy trả lời câu này, cũng là nâng cấp lý luận rất lớn về công phu tu tập thiền cho mọi người hiểu như vậy./.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Đăng nhập