Phật giáo và xã hội

Đã đọc: 10347           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật giáo chính là một tôn giáo tích cực nhất, có một không hai trong thế giới loại người. Có thể nói, khó có một tôn giáo nào có thể bì kịp với Phật giáo về tinh thần tự lợi và lợi tha.

Khi đề cập đến Phập giáo, người ta sẽ nghĩ ngay đến cái thiện, cái tích cực. Nhưng cũng có người không am tường Phật Giáo luôn luôn  cho rằng Phật giáo là một tôn giáo yếm thế, bi quan, muốn đào thoát khỏi cuộc sống thực tại để ẩn náu trong một ngôi Chùa, một hang động hay trong rừng nhằm tìm cho riêng mình một lối sống nhàn hạ mà không cần đến xã hội bên ngoài. Nhưng họ lại quên rằng chính Đức Phật là người làm việc tích cực nhất, Ngài chỉ nghỉ mỗi đêm  hai tiếng đồng hồ. Thời giờ còn lại, Ngài làm việc suốt không ngừng nghỉ. Khắp đất nước Ấn Độ, Đức Phật đã đi bộ với công việc là hóa độ chúng sanh. Tất cả những ai có nhân duyên gặp Ngài đều được Ngài độ. Như vậy, chúng ta thấy rằng, ngoài việc tu tập, Đức Phật và hàng Thánh chúng trong thời Ngài luôn luôn hoạt động không ngừng. Ngài không bao giờ kỳ vọng hay bắt ép bất cứ một người nào phải tuân thủ giáo Pháp cao thượng mà Ngài  đã đạt được. Tùy ở trình độ hiểu biết của từng người, họ có thể nắm bắt theo những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, theo Ngài, Phật Giáo không thể tách rời  cuộc sống đạo đức, xã hội, vì chính tôn giáo này luôn giúp cho con người trong việc tự hoá bản thân theo những mức độ tuần tự mà người ấy lãnh hội.

          Cuộc sống  thật là đa dạng và cũng có đủ hạng người với những trình độ hiểu biết khác nhau, chính vì thế mà Đức Phật đã tuỳ ở trình độ cao thấp của chúng sanh mà giáo hóa. Trong nhiều bộ Kinh, Đức Phật cũng đã từng dạy các  Thầy Tỳ Kheo về vấn đề này.   Vì bất cứ một xã hội nào, con người không thể tách xa cuộc sống đạo lý căn bản, và Phật Giáo luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hướng con người đến một lối sống lành mạnh, đạo đức.

      Chúng ta nên nhìn lại những hoạt động xã hội hiện nay thì  sẽ thấy tôn giáo của Đức Phật có một hệ thống đạo đức toàn diện. Nó đã giúp con người giải quyết những uẩn khúc nội tại và làm giảm bớt sự căng thẳng luôn luôn đè nặng tâm lý của mỗi cá nhân. Trong bất kỳ một xã hội nào cũng đều gồm đủ nhiều tầng lớp, Phật giáo đều thích ứng được cả. Đối với những trình độ  thấp trong xã hội, nó đã cung cấp cho con người một quy tắc đạo lý, như cách đối xử cha mẹ, con cái, anh em, … một cách hoà thuận. Ngoài ra, nó còn cung cấp cho con người biết lễ nghĩa, trí tín và luôn luôn tôn trọng những người đã khuất bằng sự thờ phượng, nhang khói để cầu siêu hay cầu an cho Cha Mẹ còn sống hay đã mất. Đồng thời, Phật giáo luôn tạo cho con người có một niềm tin tuyệt đối với Tam Bảo. Nó không bao giờ dạy cho con người phải hoàn toàn dựa vào tha lực một cách tuyệt đối mà phải có niềm tin chính nơi sự nỗ lực của mình. Chẳng hạn như đối với những người mù chữ, đặc biệt là những ông già bà lão, Phật giáo không bao giờ bắt họ phải tuân thủ những điều luật khó khăn như thuộc những bài Kinh mà họ chỉ cần những pháp môn thích ứng với trình độ căn cơ của họ mà thôi, như niệm Phật hay bất kỳ một phương pháp dễ dàng nào khác. Phật Giáo còn thích ứng với những trình độ cao hơn. Với những lời dạy của Đức Phật  được dịch ra thành kinh sách, những nhà trí thức bác học có thể tự mình nghiên cứu và ứng dụng trong cuộc sống tu tập xuyên qua những triết lý cao thượng để đạt tới giác ngộ, giải thoát khỏi khổ đau.

      Đối với cuộc sống hiện nay, Phật giáo lại cung cấp một hình thức thực hành phổ thông trong những ngày lễ hội, như  lễ Vu - Lan (Tứ Trọng Ân), Ngày Phật Đản, rằm tháng giêng, rằm tháng mười,  … . Tất cả đã trở thành ngày truyền thống, tập tục của người dân khắp nơi trên thế giới.  Xuyên qua những ngày lễ này, con người có thể hoàn thiện tâm hồn bằng những hành động hay lời nói thiện, như giữ ngũ giới hay thập giới ….. Ngoài ra Phật giáo còn tạo ra một động cơ nhằm thúc đẩy về mặt giáo dục để giúp cho con em hiểu biết thêm về giáo lý của Đức Phật. Về mặt này, các tu sĩ Phật Giáo đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảng dạy giáo lý cho người dân, để họ có thể nắm vững giáo lý căn bản nhằm tự thanh tịnh hóa bản thân. Những tu sĩ Phật Giáo, bất cứ trong thời nào, cũng luôn luôn là hàng ngũ tiên phong đứng ra giúp nước, giúp dân, đem lại cảnh thái bình thịnh vượng cho nước nhà. Chúng ta hãy nhìn lại lịch sử   của những triều đại, như Lý, Trần. Các Ngài như Vạn Hạnh Thiền Sư, Vua Trần Nhân Tông, … vừa là những Bậc chân tu mà cũng vừa là những chiến  sĩ đại tài, sẵn sàng tham gia vào con đường chính trị để giúp dân, giúp nước. Đối với những tu sĩ trong thời đại hiện nay, các Ngài luôn hoạt động một cách tích cực không ngừng nghỉ trong các hoạt động xã hội, văn hóa, …..Cụ thể như những hoạt động trong gia đình, trong làng xã như ngày giỗ, cưới gả và những hoạt động mang tính từ thiện là những lúc Giáo lý Phật giáo được phổ cập và ứng dụng một cách có hiệu quả. Không chỉ thế, Phật giáo còn giúp cho con người tự mình giải phóng ra khỏi những buộc ràng về những định kiến hay tập tục mang tính chất đàn áp hay gò bó con người trong những lễ nghi không cần thiết. Dựa vào giáo lý Phật giáo, con người có thể phát triển về mặt tâm linh và tự mình chọn ra một pháp môn thích hợp với căn cơ và trình độ của mình.

         Ngoài những trình độ cá nhân, để giải phóng mình ra khỏi khổ đau của luyến ái buộc ràng, Phật giáo còn công nhận gia đình là một đơn vị của xã hội. Tất cả những thành viên trong gia đình như cha mẹ, anh em, vợ chồng … đều là những tác nhân có thể  góp phần làm cho xã hội ngày thêm vững mạnh. Điều quan trọng là tất cả những thành viên đó phải ý thức được trách nhiệm của mình về những công việc mang tính đạo đức hơn là sự ràng buộc lẫn nhau. Từ một người nội trợ tầm thường, nhưng có thể đạt được mục đích tối thượng, nếu người ấy ý thức được công việc và làm trong sự tỉnh giác hơn là phiền não sân hận. Ngay nơi ấy, họ có thể chứng được thiện pháp bằng niềm tin tuyệt đối là có thể sanh đến một cảnh giới thiện sau này. Và chính nguồn hào quang từ bi và trí tuệ của họ có thể giúp cho những người quanh họ giác ngộ xuyên qua những lời nói và hành động thiện của họ. Từ đó, cha mẹ, con cái luôn sống trong một mái gia đình đầm ấm và hạnh phúc với thiện pháp. Về vấn đề này, Đức Phật đã hướng dẫn 6 mối quan hệ trong cuộc sống như trong Kinh Thi-Ca-La-Việt thuộc Trường Boä, dạy cho tất cả mọi người phải luôn luôn tôn trọng lẫn nhau giữa con cái đối với cha mẹ, vợ đối với chồng. Tất cả đều phải xây dựng trên nguyên tắc đạo đức mà đối xử lẫn nhau một cách tốt đẹp và hoà thuận. Ngay cả những người đã khuất, người  còn sống phải cần lo chu toàn trong việc thờ phượng cúng kính, để tỏ lòng  hiếu kính của con cái đối với cha mẹ và ông bà.

      Chúng ta tiến tới một bước xa hơn nữa là sự thực hành, luôn luôn lấy giới luật làm kim chỉ nam để ngăn chặn những hành vi xấu, mang tính   tội lỗi, nhằm giúp cho con người sống một cuộc đời thanh tịnh, thánh thiện và từ bỏ mọi xiềng xích của các dục lạc trần tục. Đối với những Tăng Ni cần phải hoạt động tích cực hơn nữa trong việc nỗ lực hành trì những giới luật mà Đức Phật đưa ra, đồng thời họ còn phải khuyên dạy hay khuyến khích những con em tránh xa những điều xấu ác mà rèn luyện phẩm hạnh ngày một tốt hơn.

      Qua những hoạt động mang tính tiêu biểu của Phật giáo đối  với xã hội, chúng ta thấy rằng Phật giáo là một   trong những tôn giáo  tích cực nhất. Phật giáo luôn luôn mang đến sự hòa bình cho nhân loại, vì nó không chủ  trương chiến tranh dù dưới bất kỳ  hình thức nào. Điều này nói lên tinh thần từ bi, bất bạo động của Phật giáo. Chúng ta cũng thấy rõ từ khi Đức Phật thành Đạo cho đến ngày nay, Phật giáo không có một dấu vết nào thuộc về chiến tranh hay bạo động. Đức Phật, Ngài không bao giờ chấp nhận sự tranh đấu lẫn nhau về mọi phương diện mà Ngài chỉ chủ trương tinh thần dung hoà, bình đẳng, và khuyên mọi người cần phải có tinh thần đoàn kết, biết yêu thương, đùm bọc, che chở lẫn nhau. Cũng chính vì thế, Đức Phật đã bác bỏ việc sử dụng thần thông trong việc thách đố với đối phương. Ngài cho rằng  “Các phép lạ thần thông không được coi là chứng minh được chân lý mà chỉ trình bày thành thạo được một số ít thần thông phát triển nơi một số người” (Đạo Phật và Đời Sống Hiện Đại của Ngài K. Sri Dhammananda).   Như vậy, Đức Phật không bao giờ dạy đệ tử của Ngài đề cao cảnh giác việc thi triển bất cứ các loại thần thông phép lạ nào mà họ đạt được mà cũng không nên quan tâm quá mức về việc phát triển thần thông. Ngài chỉ chủ trương cho những ai dùng thần thông để cứu người hoặc giúp người ấy từ người ngu si trở  thành người giác ngộ. Swami Vivekananda nói về vấn đề này như sau: “Ý tưởng về siêu nhiên lên tới một mức độ nào đó, đem thần thông sức mạnh cho con người, nhưng nó cũng đem lại ỷ lại, đem lại sợ hãi và dị đoan. Nó suy thoái thành một niềm tin khủng khiếp trong cái yếu đuối tự nhiên của con người” (Trích trong tập “Đạo Phật và Đời Sống Hiện   Đại” của Ngài K.Sri Dhammananda)

       Lai nữa, với tình thương của Đức Phật đối với nhân loại, Ngài sẵn sàng tiếp nhận bất cứ một thành phần giai cấp nào trong xã hội, dù người ấy thuộc giai cấp hạ tiện. Có thể nói, tình thương của Ngài đã  vượt khỏi biên giới của nhân loại và không một từ ngữ nào diễn tả hết được. Cũng chính vì thế mà Albert Schweitzer nói như sau: “Trên quả địa cầu này, Đức Phật đem ý nhĩa chân lý giá trị trường cửu và tiến bộ cuả đạo đức không chỉ riêng cho Ấn Độ mà cho tất cả nhân loại. Đức Phật là một Bậc đạo đức kỳ tài vĩ đại nhất chưa từng có trên hoàn vũ.” (Trích trong tập “Đạo Phật và Đời Sống Hiện Đại” của Ngài K.Sri Dhammananda)

         Vì sự an lạc cho số đông, cho xã hội, Đức Phật đã khuyên dạy các Thầy Tỳ-kheo nên quan tâm đến mọi sinh hoạt của người dân bằng tấm lòng từ bi và sẵn sàng giúp đỡ họ ở mọi phương diện như sức khoẻ, bệnh tật. Đặc biệt là tuyệt đối đừng bao giờ gây phương hại hay làm thương tổn, khổ đau cho người dân. Ngày nay, vì áp dụng theo lời của Đức Phật, Tăng, Ni hay Phật tử đều có một tinh thần trách nhiệm rất cao trong những hoạt động từ thiện nhằm giúp đỡ những thành phần không may trong xã hội, như những người bị thiên tai lũ  lụt hay những trẻ em mồ côi, tàn tật và người già yếu không nơi nương tựa. Tại Việt Nam hiện nay, rất nhiều Chùa mở những phòng mạch miễn phí để chữa bệnh cho người nghèo hay mở những trung tâm khuyết tật cho những người không may.

             Tóm lại: Phật giáo chính là một tôn giáo tích cực nhất, có một không hai trong thế giới loại người. Có thể nói, khó có một tôn giáo nào có thể bì kịp với Phật giáo về tinh thần tự lợi và lợi tha. Hơn nữa, tinh thần của Phật giáo luôn chủ trương “lấy lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân”. Dựa trên những nguyên tắc cao thượng của Đức Phật, chúng ta càng thấy rõ hơn một tấm gương cao thượng vĩ đại của Đức Phật đã vượt trên hẳn loài người ở mọi phương diện. Chính vì thế mà Swami Vivekananda đã đề cập trong một thời thuyết giảng về tấm gương của Đức Phật như sau: “Toàn thể giống người của nhân loại đã tạo ra một con người như thế, một triết lý như thế, một cảm tình sâu đậm như thế. Nhà triết học vĩ đại thuyết giảng triết lý cao thâm nhất, thương cảm sâu xa đến loài vật thấp hèn nhất, và không bao giờ đòi hỏi một chút gì cho mình cả. Ngài là lý tưởng của Du-dà Karma, hành động hoàn toàn không động cơ nào thúc đẩy, và lịch sử nhân loại chứng minh Ngài là người chưa từng có, không thể so sánh, một sự kết hợp vĩ đại của con tim và khối óc chưa bao giờ thấy.” (Trích trong tập “Đạo Phật và Đời Sống Hiện Đại” của Ngài K. Sri Dhammananda) Vậy thì tại sao chúng ta lại cho rằng “ Phật giáo là một tôn giáo bi quan, yếm thế” ? Đây cũng là vấn đề đặt ra cho những ai còn hiểu sai lạc về Phật Giáo, cần phải tư duy nhiều hơn nữa.

Dharamsala, 25-10-2001 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập