Chủ Đề: Phật Giáo đóng góp vào công bằng xã hội, ý nghĩa công bằng xã hội và giáo lý Phật giáo

Đã đọc: 2123           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bài tham luận Vesak: 1. Công bằng xã hội Theo lý thuyết, Công bằng nghĩa là ai có công nhiều thì sẽ được thụ hưởng nhiều, ai có công ít thì sẽ được thụ hưởng ít. Người giỏi và siêng thì buộc phải nhận được sự đãi ngộ của xã hội cao hơn người dở và lười biếng. Đó là công bằng xã hội.

 Chính sách công bằng này sẽ tự nhiên khuyến khích sự tiến bộ của xã hội, buộc con người phải nỗ lực rèn luyện bản thân và siêng năng đóng góp cho sự thịnh vượng chung của xã hội nếu người ta muốn nhận được đãi ngộ xứng đáng. Tuy nhiên, sự công bằng do con người tạo ra thì không hoàn hảo vì nhiều lý do khác nữa.

Một lý do dễ thấy là những người đứng ra làm vai trò đánh giá công lao tài năng của mọi người chưa phải là người sáng suốt tuyệt đối, chưa phải là người có công tâm tuyệt đối. Người giỏi quá nhiều khi bị bỏ quên; người nhiệt tình có khi bị ganh ghét. Và nhiều người làm nhiệm vụ đánh giá công lao tài năng của mọi người rất thường khi thiên vị với những người thân quen của mình. Chính vì thế mà ta thấy xã hội rất khó đạt được sự công bằng. Cũng chính vì thế mà ta cứ phải kêu gọi sự công bằng cho xã hội. Và diễn đàn Vesak 2008 tại Việt Nam lần này cũng quan tâm đến ý nghĩa Công bằng xã hội để mời gọi nhiều thức giả cùng có ý kiến.
Như đã nói, ta cho rằng xã hội chưa công bằng vì người có nhiệm vụ đánh giá công lao, tài năng, sự cống hiến của mọi người lại là người chưa hoàn hảo, chưa đánh giá chính xác, hoặc đánh giá chính xác nhưng cố tình thiên vị phe của mình. Để giải quyết sự Công bằng cho xã hội theo phương diện này thì trước hết ta đòi hỏi những người có nhiệm vụ cầm cân nảy mực của xã hội phải là những người giỏi và công tâm. Nhưng việc chọn ra những người giỏi và công tâm như thế lại kéo theo vô số sự bàn luận sôi nổi phức tạp khác mà phạm vi bài viết này không thể trình bày hết được. Nhưng dù sao, ta vẫn phải yêu cầu có phương pháp hiệu quả khi tìm chọn những người cầm cân nảy mực cho xã hội vì họ chính là những người làm cho xã hội có công bằng hay không.

Tính tương đối của sự công bằng xã hội
Nhưng sự Công bằng của xã hội không phải là mục tiêu của đạo Phật, cũng như của nhân loại. Vì sao, vì mục tiêu thật sự của đạo Phật cũng như của toàn nhân loại chính là mưu tìm sự thoát khổ, mưu tìm hạnh phúc cho chúng sinh. Ý nghĩa của Hạnh phúc lớn hơn ý nghĩa Công bằng, bao trùm ý nghĩa Công bằng, và đôi khi khác với Công bằng.
Trong xã hội, số người có ưu thế, có tài năng, có cơ hội thì luôn luôn là số ít. Chính vì họ có ưu thế, có tài năng, có cơ hội nên họ đã nhận được nhiều quyền lợi của xã hội. Họ đã giàu lên nhanh chóng và trở thành tầng lớp thượng lưu, bỏ xa rất nhiều người thuộc tầng lớp nghèo khổ phía dưới. Tài sản của quốc gia đã tập trung về cho một tỉ lệ rất ít người như thống kê của Trung quốc, 65% tài sản quốc gia lại thuộc về chỉ có 0,60% người giàu có ở Trung quốc. Những người này có quyền giàu theo luật pháp, và đã cực kỳ giàu có. Nhưng ai lại không đau lòng khi nhìn con số thống kê kinh hoàng này?
Họ đã hưởng được quy chế Công bằng của xã hội và thu tóm rất nhiều quyền lợi cho mình. Nhưng chính họ cũng đã tạo ra sự cách biệt giàu nghèo của xã hội. Xã hội đã công bằng, nhưng xã hội đã chênh lệch. Xã hội không bằng phẳng.
Nhưng lại là sai lầm nếu ta muốn tạo ra một xã hội bằng phẳng, ai cũng như ai, ai cũng sở hữu một số tài sản giống như nhau, dù cho tài năng, sự cống hiến khác nhau. Rõ ràng là không có công bằng nếu người giỏi hơn, công hiến nhiều hơn, lại cũng chỉ hưởng được sự đãi ngộ y hệt như người dở kém và cống hiến ít. Quy chế san phẳng như thế chắc chắn sẽ làm tê liệt nhiệt tình đóng góp cho sự phát triển xã hội của mọi người. Không ai nhiệt tình đóng góp, hoặc chỉ làm việc cầm chừng, thì trước sau xã hội đó cũng rơi vào khủng hoảng thiếu.
Rồi nếu ta buông ra cho sự Công bằng điều chỉnh, ai giỏi và siêng thì sẽ hưởng được nhiều, thì chẳng bao lâu xã hội, chẳng những hết phẳng, mà lại nghiêng dốc thẳng đứng, kẻ ở trên đỉnh cao, người ở dưới vực thẳm.
Rõ ràng là ta không thể can thiệp san phẳng xã hội cứng ngắt, cũng không thể để cho sự Công bằng tự do điều chỉnh khiến cho xã hội nghiêng lệch quá đáng. Cần phải có một cái gì khác hơn, nhân bản hơn, bao gồm cả công bằng và nhân ái. Xã hội không phải chỉ toàn người giỏi và có cơ hội như nhau, còn rất nhiều người chưa nhiều khả năng và ít cơ hội. Nếu ta không có chính sách nâng đỡ thì những người này sẽ rơi dần về phía đáy xã hội. Một xã hội hiện hữu nhiều những người nghèo khổ như thế lại chính là một xã hội kém văn minh, kém nhân ái, kém tính người. Đôi khi ta lại buột miệng gọi xã hội như thế là Bất công!
Ta dùng chữ Bất công là thiếu chính xác, vì thật ra đó là xã hội rất Công bằng, nên đã tạo ra sự nghiêng lệch. Đúng ra ta phải gọi xã hội Nghiêng lệch như thế là xã hội Bất bằng, không bằng phẳng. Công và Bằng, không ngờ lại mâu thuẫn nhau.
Những người chủ trương tự do thi thố tài năng và tự do hưởng thụ thành quả, chấp nhận xã hội nghiêng lệch, thì đi về một chủ nghĩa khác.
Những người chủ trương Kềm chế sự hưởng thụ của mọi người cho thật giống nhau, cho thật bằng nhau, bất kể sự đóng góp khác nhau, thì đi về một chủ nghĩa khác.
Sau nhiều thời gian thực hành các đường lối đó, một số quốc gia đã bắt đầu đi tìm sự điều chỉnh, dung hòa, để có thể thực hiện được mục tiêu mưu tìm hạnh phúc cho con người, vì đó mới chính là mục tiêu cao quý nhất. Bất công là đau khổ, nhưng Bất bằng cũng chẳng hay ho gì.
Bây giờ nếu ta đưa ra một quan điểm là không ép phẳng xã hội, cũng không cho chênh lệch quá đáng, chấp nhận một xã hội “nhấp nhô” vừa phải, thì cũng tiếp tục phát sinh ra các bất hợp lý khác nữa. Nhấp nhô đến mức độ nào thì chấp nhận được? Dùng biện pháp nào để cắt ngang mức độ nhấp nhô đó cho đúng quy định?

Quan điểm của đạo Phật
Đạo Phật nhắm thẳng mục tiêu thoát khổ để xây dựng cho con người cuộc sống an vui hạnh phúc. Để có được hạnh phúc, mỗi người phải tu tập theo Bát Chánh đạo rất dày công. Phạm vi bài này cũng không đủ sức trình bày hết ý nghĩa của Bát Chánh đạo vốn vô cùng uyên áo. Chúng ta chỉ nêu vài quan điểm của Bát Chánh đạo có liên quan đến ý nghĩa Công bằng xã hội mà thôi.
Theo đạo Phật, luật Nhân quả chi phối cuộc sống của con người chặt chẽ. Những gì ta đã gây nên cho chúng sinh thì bây giờ trở lại tạo thành cuộc sống của chúng ta. Nếu ta mang đến cho chúng sinh niềm vui, đạo lý, kiến thức, sự bình an… thì cuộc sống của chúng ta sẽ có sức khỏe, trí tuệ, hạnh phúc, thế lực… Nếu mang đến cho chúng sinh khổ đau, sự sai lầm, thì cuộc đời chúng ta phải chịu bất hạnh, ưu phiền, hèn kém…
Chính luật Nhân quả này đã chi phối rất nhiều sự Công bằng trong xã hội.
Một người làm được nhiều việc tốt cho đời, lẽ ra phải nhận được sự đãi ngộ tương xứng, nhưng Nghiệp xấu từ quá khứ đã ngăn cản sự đãi ngộ đó đến với họ. Họ vẫn phải sống trong cảnh bần hàn khổ sở, thậm chí còn bị tổn thương danh dự nặng nề. Nhìn vào những trường hợp đó, ta thấy xã hội giống như bất công, nhưng phải nhìn xuyên vào yếu tố Nghiệp để thấy Nghiệp cũng là một tham số quan trọng trong việc tạo nên sự công bằng cho xã hội.
Hoặc một kẻ chẳng tài cán gì lắm, cũng chẳng cống hiến gì lắm, nhưng chẳng hiểu sao cứ lên vù vù, nhận được nhiều quyền lợi ưu đãi của xã hội. Trường hợp đó cũng cho ta một sự ám ảnh về sự bất công của xã hội. Ở đây Nghiệp cũng là một tham số chi phối làm ta khó chịu nếu ta không hiểu tính chất của Nghiệp như thế.
Nhưng Nghiệp cũng chẳng phải là một loại định mệnh để ta nhắm mắt buông trôi. Ai hiểu Nghiệp là một loại định mệnh thì cũng là hiểu sai về Nghiệp.
Ta thấy đời mình khổ sở, biết là do Nghiệp xưa, có lẽ mình cũng làm điều gì không tốt, thôi thì bây giờ vui lòng chấp nhận, đồng thời nỗ lực làm các điều tốt để chuyển Nghiệp. Suy nghĩ này hoàn toàn chính xác. Cái vui lòng chấp nhận là một thái độ tích cực; cái nỗ lực chuyển nghiệp là một thái độ tích cực. Hai thái độ tích cực này làm cho ta có sức mạnh để vui sống và vươn lên.
Nếu ta biết Nghiệp xưa của mình xấu nên bây giờ đời khổ, rồi bỏ mặc, không chịu làm gì để chuyển Nghiệp, thì đó chính là sai lầm lớn. Hoặc khi ta trông thấy một người nghèo khổ khó khăn, ta đổ thừa tại Nghiệp của người đó xấu nên bây giờ ráng chịu, ta không phải bận tâm giúp đỡ gì cả. Quan điểm bỏ mặc như thế cũng là sai lầm. Ta phải có ý muốn giúp đỡ người khổ mới thật là người hiểu về Nghiệp.
Nghiệp là một sự Công bằng tuyệt đối, suốt từ Nhân đến quả.
Nhưng dòng đời của ta cùng một lúc chồng chất nhiều đường Nghiệp khác nhau. Ta đang chịu quả xấu từ Nghiệp A, đồng thời đang nhận quả tốt từ Nghiệp B, lại đang gây Nghiệp mới C… Thật ra cùng một lúc ta đang tồn tại cả mấy nghìn đường Nghiệp chồng chéo như thế. Chính vì quá nhiều Nghiệp chồng chéo một lúc nên ta dễ bị nhìn lầm, cứ tưởng Nhân này mà Quả kia, người tốt bị quả đau khổ, người ăn chơi phè phỡn lại được giàu sang. Và ta lại than thở xã hội bất công.
Thế thì ta không cần phải làm gì, cứ để cho Nghiệp đưa đến sự Công bằng cho xã hội à?
Nói như vậy thì ta lại rơi vào sai lầm của quan niệm buông trôi bỏ mặc như cũ.
Trách nhiệm của con người sống trên đời là tích cực góp tay đem đến sự Công bằng cho xã hội, người tốt phải được đãi ngộ nhiều hơn, đồng thời ta cũng ngăn chận người có ưu thế giành lấy quá nhiều sự đãi ngộ cho mình khiến tạo nên xã hội nghiêng lệch.
Sự bất công của xã hội xuất phát từ việc người tốt không được đãi ngộ xứng đáng.
Sự nghiêng lệch xã hội xuất phát từ việc người có ưu thế giành lấy nhiều sự đãi ngộ cho mình.
Nghiệp xấu có thể ngăn cản người tốt nhận được sự đãi ngộ công bằng.
Nghiệp tốt có thể giúp một người “chưa tốt” giành được nhiều đãi ngộ.
Người tốt bây giờ vẫn có thể đã vô tình hay cố ý gây một Nghiệp xấu ở quá khứ.
Người xấu bây giớ vẫn có thể đã vô tình hay cố ý tạo một Nghiệp tốt ở quá khứ.
Nhìn vào những yếu tố trên đây và ta xác định được thái độ của mình trong việc kiến tạo một sự Công bằng cho xã hội, và không hy vọng vào sự Công bằng tuyệt đối xảy ra trước mắt mình. Ta sẽ cố gắng hết sức mình, nhưng không cầu toàn.
Người tốt cần phải được đãi ngộ xứng đáng, nhưng đôi khi cơ hội để nhận sự đãi ngộ chưa đến kịp.
Người có ưu thế cần được khuyên bảo, thậm chí có chính sách thích hợp, để không trở thành tham lam giành lấy nhiều quyền lợi cho mình.
Ai cũng phải cố gắng tối đa để cống hiến nhiều cho xã hội, và đừng mong cầu mình phải được đãi ngộ công bằng sòng phẳng, vì nhiều khi nghiệp quá khứ chưa cho phép mình hưởng được quả báo lành. Thật ra một đệ tử Phật chân chính không bao giờ mong muốn làm phúc để được hưởng quả, họ chỉ làm phúc vì thương yêu chúng sinh.
Trong những việc phúc cần làm đấy, việc ngăn chận sự nghiêng lệch xã hội cũng rất có ý nghĩa. Không nên để cho tài sản quá lớn thuộc về sở hữu của số ít người. Ta phải khuyên người giàu có phải tích cực chia sẻ với người nghèo, tìm cách nâng đỡ người nghèo khá lên. Những bảng xếp hạng top ten những người giàu có là một ô nhục của xã hội hơn là sự hãnh diện. Xã hội chỉ nên tự hào vì ít có người nghèo nhất. Thay vì lập top ten người giàu nhất, ta nên lập top hundred những người nghèo còn sót lại dưới tận cùng bảng xếp hạng xã hội để buộc cộng đồng phải có trách nhiệm nâng những người đó lên.
Cuối cùng thì việc giáo dục đạo đức nhân quả cho cộng đồng xã hội để mọi người biết thương yêu giúp đỡ nhau tự nguyện thật lòng chính là biện pháp căn bản nhất để xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh, công bằng, ít nghiêng lệch ❀

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Đăng nhập