Lược Khảo Nguồn Gốc Và Giải Mã Từ Góc Độ Nhân Tướng Học Về Vẻ Đẹp Cái nhìn Voi Chúa Của Đức Phật

Đã đọc: 1315           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Về phương diện tín ngưỡng văn hóa, vào thời kỳ tiền Veda thì voi được biết đến như một linh vật, là vật cưỡi của thần Sấm (Indra)[15] được biết đến như vị chủ thần với quyền năng cao siêu trong thế giới quan Veda, trong kinh sách Phật giáo thì vị thần này thường xuất hiện với danh xưng vua trời Đế Thích. Về sau tín đồ Hindu còn tôn thờ thần Ganesaha với nhân dạng mình người đầu voi và sau quá trình tiếp biến vị thần này được Phật giáo du nạp thành Hoan Hỷ Thiên[16]. Ngoài ra căn cứ từ việc đoán tướng của các Bà-la-môn khi thái tử Tất-đạt-đa (Siddhartha) vừa hạ sinh, thì gián tiếp cho thấy rằng tín niệm Chuyển Luân Thánh Vương không chỉ phổ biến trong giáo thuyết nhà Phật, mà còn là tín ngưỡng chung cho cả xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, với mô thức chung: Voi là một trong 7 vật báu (thất bảo) của Chuyển Luân Thánh Vương[17].

Tương tự như loài voi khi chúng muốn quan sát ở tọa độ nào thì toàn thân của chúng cũng quay về hướng đó. Đức Phật cũng vậy, khi quan sát xung quanh mình, Ngài luôn xoay cả phần thân mình về hướng đó. Trong Phật giáo Đại thừa đây là một trong 80 vẻ đẹp, thường gọi là Bát Thập Chủng Hảo (C. 八十種好, Sa. Aśīty-anuvyañjanāni)của Đức Phật. Dưới lăng kính Nhân tướng học, đây là hiện tướng của bậc quân tử, trái ngược với cái nhìn Lang cố ám chỉ cho những kẻ tiểu nhân, thâm độc.

  1. NGUỒN GỐC CÁI NHÌN VOI CHÚA CỦA ĐỨC PHẬT

Biểu hiện trong văn điển Đại thừa

Theo từ điển Phật học Hán Việt của Phân viện Nghiên cứu Phật học xuất bản cho rằng cái nhìn của con voi chúa (CNCCVC) là vẻ đẹp thứ 7 trong 80 vẻ đẹp[1] của Đức Phật, tập thể soạn giả cho biết điều này được tìm thấy trong Pháp Giới Thứ Đệ [2] quyển hạ và Đại Thừa Nghĩa Chương[3] quyển 20. Tuy nhiên chúng ta có thể truy nguyên nguồn gốc của vẻ đẹp này cũng như 80 vẻ đẹp của Đức Phật xuất hiện sớm hơn nữa.

Đầu tiên chúng ta có thể thấy 80 vẻ đẹp của Đức Phật được  tiên nhân A-tư-đà (阿私陀仙) miêu thuật cho Tịnh-phạn-vương (淨飯王) khi Thái tử vừa hạ sanh trong kinh Phật bản hạnh tập quyển 9 (佛本行集經) với tên gọi Bát Thập Tùy Hình (八十隨形), nhưng không hiểu lý do gì bản kinh chỉ thuật lại 77 vẻ đẹp và vẻ đẹp CNCCVC lại nằm trong 3 vẻ đẹp bị khuyết thiếu đó[4].  Chi tiết hơn, trong bộ Đại bát nhã quyển 381, 80 vẻ đẹp của Đức Phật được biết đến với tên gọi là Bát Thập Tùy Hảo (八十隨好), đây được xem là bản kinh tiên khởi chép đầy đủ và chi tiết về 80 vẻ đẹp của Đức Phật.  Ở đó CNCCVC được tìm thấy ở vẻ đẹp thứ 11: “Thế Tôn lúc ngoái nhìn lại thì bao giờ cũng quay về bên phải như voi chúa cử mình di chuyển là (vẻ đẹp) thứ 11”[5]. Như vậy trong kinh Đại bát nhã còn cho biết  rõ ràng hơn là Đức Phật khi quay đầu lại luôn bắt đầu xoay từ phía bên phải. Về sau trong Đại trí độ luận quyển 89, thì  80 vẻ đẹp được chính Đức Phật nói ra cho tôn giả Tu-bồ-đề (須菩提), trong  đó tuy không nói rõ rằng Đức Phật quay đầu nhìn lại như voi chúa, nhưng đề cập đến sự xoay mình như voi chúa ở vẻ đẹp thứ 7: “mỗi khi thân xoay chuyển như voi chúa”[6], điểm đáng lưu ý trong Đại trí độ luận lại cho chúng ta một thuật ngữ mới để chỉ 80 vẻ đẹp của Đức Phật: Bát Thập Tùy Hình Hảo (八十隨形好).

Như vậy mặc dù trong văn điển Phật giáo Đại thừa 80 vẻ đẹp được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau: Bát Thập Chủng Hảo, Bát Thập Tùy Hảo, Bát Thập Tùy Hình, Bát Thập Tùy Hình Hảo…Nhưng tất cả đều đi đến sự thống nhất là CNCCVC là một trong những vẻ đẹp đặc thù của Như Lai, tuy rằng thứ tự có sự sai khác trong từng bản kinh, luận.

Nguồn gốc trong kinh tạng Nikāya

Trong kho tàng kinh điển Pāli chúng ta không thể tìm đâu ra thuật ngữ 80 vẻ đẹp của Đức Phật, mà chỉ tìm thấy diễn tả 32 tướng tốt của Ngài[7], trong đó hoàn toàn không nhắc đến CNCCVC như là một tướng tốt. Nói thế không có nghĩa vẻ đẹp này không được đề cập đến, mà chúng ta có thể tìm thấy đâu đó tản mát ở một vài bài kinh khác nhau. Cụ thể trong kinh Trung bộ, thanh niên Uttara đã thuật lại vẻ đẹp này của Thế Tôn với sư phụ của mình là Brahmayu như sau: “Khi ngó quanh, Tôn giả Gotama ngó quanh với toàn thân”[8]. Để lý giải tại sao cách nhìn ngó quanh với toàn thân này là cách nhìn hay nói khác hơn là đặc tính của loài voi và đặc biệt là voi chúa, thì chúng ta hãy nghe luận giải của  Tỳ kheo Nāgasena về 5 phẩm tính quý báu của loài voi nên được học hỏi và hành trì cho vua Milinda: “Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài voi nhìn quay đi với cả toàn bộ thân hình, chỉ ngước nhìn thẳng, không nhìn soi mói hướng này hướng khác”[9]. Cũng chính cách nhìn này mà Đức Phật  đã quan sát thành phố Vesàli lần cuối trên hành trình đi đến Kusinàrà nhập diệt: “Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, đem theo y bát, vào Vesàli để khất thực. Sau khi khất thực ở Vesàli, ăn xong và trên đường khất thực trở về, Thế Tôn nhìn Vesàli với cái nhìn của con voi chúa rồi nói với tôn giả Ananda: Này Ananda, lần này là lần cuối cùng, Như Lai nhìn Vesàli”[10].

Theo thiển ý của người viết thì ngoài 32 tướng tốt của bậc đại nhân là “Pháp nhĩ như thị” đối với tất cả chư Phật trong ba đời như được diễn giải trong kinh Đại bổn, thì CNCCVC cũng là một đặc trưng “pháp nhĩ như thị” vốn có của tất cả chư Phật trong 3 đời. Vì rằng ngoài Đức Phật Thích Ca ra, thì trong kinh Hàng ma, tôn giả Moggallàna (Mục-kiền-liên) có thuật lại cho Màra (Ác-ma) về sự tích thời Đức Phật Kakusandha (Câu-lưu-tôn), trong đó Đức Phật Kakusandha cũng quan sát bằng CNCCVC: “Thế Tôn Kakusandha bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nhìn xung quanh với cái nhìn con voi chúa”[11].

Như vậy ảnh dụ CNCCVC trong Kinh tạng  Pāli tuy không  được đưa vào hệ thống mang tính quy chuẩn để biểu trưng vẻ đẹp của Đức Phật như đã thấy trong nền văn điển Đại thừa, nhưng sự xuất hiện của chúng trong vài bản kinh ngầm khẳng định đây là cái nhìn quý cách của Đức Phật Thích Ca, cũng như 3 đời chư Phật.

Nguyên do cách nhìn của Đức Phật được ví như cái nhìn của voi chúa

Về mặt thế tục, thì trong xã hội thời Đức Phật lúc bấy giờ, lãnh thổ Ấn Độ được chia làm 16 quốc gia lớn nhỏ khác nhau, với 2 thể chế chính là quân chủ và cộng hòa[12]. Do vậy việc tranh dành quyền lợi dẫn đến âm mưu thôn tính lẫn nhau là điều khó tránh khỏi[13]. Trong bối cảnh đó, voi thường được các bậc quân vương dùng trong chiến trận[14], và đội quân nước nào sở hữu voi chiến đồng nghĩa thể hiện sự cường thịnh của quốc gia với binh hùng tướng mạnh.

Về phương diện tín ngưỡng văn hóa, vào thời kỳ tiền Veda thì voi được biết đến như một linh vật, là vật cưỡi của thần Sấm (Indra)[15] được biết đến như vị chủ thần với quyền năng cao siêu trong thế giới quan Veda, trong kinh sách Phật giáo thì vị thần này thường xuất hiện với danh xưng vua trời Đế Thích. Về sau tín đồ Hindu còn tôn thờ thần Ganesaha với nhân dạng mình người đầu voi và sau quá trình tiếp biến vị thần này được Phật giáo du nạp thành Hoan Hỷ Thiên[16]. Ngoài ra căn cứ từ việc đoán tướng của các Bà-la-môn khi thái tử Tất-đạt-đa (Siddhartha)  vừa hạ sinh, thì gián tiếp cho thấy rằng tín niệm Chuyển Luân Thánh Vương không chỉ phổ biến trong giáo thuyết nhà Phật, mà còn là tín ngưỡng chung cho cả xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, với mô thức chung: Voi là một trong 7 vật báu (thất bảo) của Chuyển Luân Thánh Vương[17].

Trên hết, trong kinh tạng Pāli thì hình tượng con voi (chúa)  được nhắc đến dù dưới phương diện nào thì luôn ngầm chỉ cho những phẩm tính cao quý. Do vậy CNCCVC trở thành ảnh dụ ngầm chỉ cho sự thanh cao của oai nghi và phẩm tính giác ngộ của Đức Phật. Điều này chúng ta dễ dàng thấy rõ. Đầu tiên trong Duyên khởi luận (Nidanakatha) hình tượng voi trắng chỉ cho sự nhập thai của Bồ-tát [18]; Hay trong Tiểu kinh dụ dấu chân voi đưa ra ví dụ người thợ săn voi lần theo dấu chân voi để giải thích cách mà người đệ tử đạt được sự xác tín trọn vẹn đối với chân lý mà Đức Phật thuyết giảng[19];  Có lần tôn giả Xá-lợi-phất tuyên bố Bốn chân lý là lớn nhất trong tất cả thiện pháp, như dấu chân voi lớn nhất trong các dấu chân[20] trong Đại kinh dụ dấu chân voi; Đôi khi dấu chân voi được dùng ảnh dụ cho bất phóng dật là pháp bao trùm và mang lại lợi ích to lớn cho cả đời này và đời sau[21]; Ở bài kinh khác dấu chân voi dụ cho Tuệ căn là tối thượng để đưa đến giác ngộ[22]; Thậm chí thân thể và sự sinh hoạt của con voi còn được nhân cách hóa cho người tu tập Giới - Định - Tuệ, không phạm vào các lỗi lầm của thân, khẩu và ý[23]. Với những liên hệ trên, chúng ta cũng không bất ngờ khi mà có lần Đức Phật đã từng tự ví  mình như voi chúa (tượng chúa), sau khi thuần phục “con voi sát thủ” Nālāgiri tấn công Ngài, trong khi hàng đệ tử bỏ chạy tán loạn trước sát khí của Nālāgiri:

“Hỡi này voi, chớ có
đối đầu với Tượng Chúa. 
Bởi vì, hỡi này voi, 
đối đầu Tượng Chúa khổ”.[24]

Như vậy dù xét dưới góc độ nào từ chính trị, xã hội, văn hóa tín ngưỡng Ấn Độ cổ đại và ngay cả trong kinh tạng Pāli đều thống nhất hình tượng con voi/voi chúa luôn biểu trưng cho những giá trị vật thể và tâm linh cao quý. Từ đó mà hình tượng voi thường trở thành pháp dụ trong nhiều kinh văn, cũng như ảnh dụ oai nghi của Đức Phật và trong trường hợp cụ thể này là CNCCVC.

  1. GIẢI MÃ CÁI NHÌN CON VOI CHÚA CỦA ĐỨC PHẬT DƯỚI LĂNG KÍNH NHÂN TƯỚNG HỌC

Nhân tướng học chính thức ra đời ở Trung Hoa vào thời Xuân Thu - Chiến Quốc [25] trãi qua hàng nghìn năm lịch sử, khi thịnh khi suy tồn tại cho đến ngày nay. Bộ môn này xứng đáng được xem như bộ môn “Quản lý nguồn nhân lực” (MBA) trong thời cổ đại. Chúng ta không thể hoàn toàn công nhận Nhân tướng học là bộ môn khoa học, nhưng cũng không phải vì thế mà khoác lên nó tấm áo của định kiến mê tín, vì bộ môn này là một tri thức mang tính tổng hợp của hàng ngàn năm lịch sử, trong đó có cả Dịch học; Thống kê xã hội học từ những kinh nghiệm dân gian (đơn cử câu nói nổi tiếng trong nhân tướng học là không có kẻ ăn mày nào có mũi cao cả!); Cũng như là thu nạp vào nó những kiến thức của y học cổ truyền (thí dụ nhà nhân tướng quan sát anh A, thấy A mắt vàng hay da vàng là cơ sở để họ đưa đến kết luận người này có thể đang bị bệnh gan), điều này được Thiệu Vĩ Hoa đút kết khá thú vị trong tác phẩm Xem tướng biết người (khán tướng thức nhân): “Bộ môn này (nhân tướng học) lại có quá trình phát triển lâu đời, gắn liền với tiến trình phát triển lịch sử nên có thể coi như một bộ môn khoa học tổng hợp của y học, thống kê xã hội học và dịch học trong một thể thống nhất. Bạn đọc không thể phủ định hoàn toàn tính khoa học của bộ môn này”[26].

Trong hệ thống thuật từ Nhân tướng học, thì Lang cố  (soái ngoái đầu) là một thuật ngữ để chỉ những hạng người tiểu nhân, rất hung ác, nham hiễm, lắm mưu kế và rất biết che đậy, ngụy trang bản thân[27]. Đặc điểm nhận biết là khi người này nhìn lại phía sau hay xung quanh chỉ di chuyển phần đầu về phía mình muốn quan sát, còn phần thân bất động, hệt như những con chó sói khi nhìn lại đằng sau hay xung quanh đều không cử động thân thể. Do vậy Lang cố được định giải thích ngắn ngọn là “khi quay đầu lại phía sau, cổ xoay nhưng người vẫn bất động, giống như cho sói. Người có tướng này là người hung ác”[28]. Có giai thoại kể rằng Tư Mã Ý là người có tướng Lang cố này, bị con mắt tinh tường của Tào Tháo phát giác, nên đã dặn dò với Tào Phi là nên cẩn thận với Tư Mã Ý tranh quyền đoạt vị, nhưng với sự mưu mô của mình, Tư Mã Ý đã không cho bất kỳ ai cái cớ để hạ sát mình và ông là nhân vật tạo tiền đề cho Tư Mã Viêm (cháu nội Tư Mã Ý) trong việc lật đổ nhà Ngụy, lập nên triều Tây Tấn[29].

Từ giác độ trên, chúng ta thấy rằng Đức Phật với CNCCVC trái ngược hoàn toàn với tướng Lang cố. Theo Nhân tướng học đây là tướng nhìn của bậc quân tử, còn trong Phật gia thì đây là vẻ đẹp của bậc đại nhân. Với cách nhìn ấy thì người đó lời nói luôn đi đôi với việc làm, luôn mang lại an ổn cho bản thân và tha nhân bằng những năng lượng tích cực, không bao giờ mưu toan kế hiểm. Điều đó chúng ta có thể thấy rõ trong nhân cách cao thượng vô song của Đức Phật từ ngày thành đạo cho đến trước lúc nhập diệt.

Cụ thể, Thế Tôn sau khi giác ngộ, Ngài không có thủ đắc riêng sự giải thoát cho riêng mình: “Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy)”[30], mà luôn hướng tới sự giải thoát đó đến mọi giai tầng trong xã hội, con đường diệt khổ ấy đã được truyền thụ cho những vị đệ tử và Thế Tôn khuyến khích hàng môn đệ hãy ban rãi con đường thanh lương đó đến mọi ngõ nghách và không gian của xã hội Ấn Độ đương thời:  “Này các Tỷ-kheo, ta đã giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỳ kheo, các ông cũng được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các thầy Tỳ-kheo, hãy lên đường thuyết pháp, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người, chớ có đi hai người một chỗ”[31]. Vĩ đại thay, sự nghiệp cứu khổ ban vui đó được Đức Phật thể hiện lên đến mức độ tột đỉnh, khi mà Ngài đã xả thọ hành[32] và sắp diệt độ với thể trạng “sức cùng lực kiệt” nhưng vẫn thuyết pháp khai mở con đường giải thoát cho du sĩ Subhadda và không lâu sau đó Subhadda chứng đắc thánh quả A-la-hán và trở thành vị đệ tử cuối cùng được đức Thế Tôn hóa độ[33]. Ngang qua việc khuyến giáo chư đệ tử hãy thực hành “Tự độ, độ tha” và Như Lai là hiện thân cho bản hoài đó đến những phút giây cuối đời, đã toát lên phẩm tánh cao quý của Đức Phật trên con đường hoằng hóa là “ngôn hành hợp nhất”: “Này các Tỳ-kheo, Như Lai nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy. Vì rằng nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy, nên được gọi là Như Lai”[34].

Mặt khác trong suốt cuộc đời hoằng hóa độ sanh, Đức Phật đã năm lần bảy lượt gặp các ách nạn có chủ ý từ người khác. Hết việc Devadatta thuê người hành thích [35], lăn đá[36] và thả voi say[37] để hạ sát Đức Phật. Rồi đến bị các ngoại đạo với những mưu hèn bần tiện nhất có thể, như vu khống Đức Phật thông gian và là chủ nhân của cái thai (giả) trong bụng của Ciñcā-mānavikā[38] hay chúng thuê người giết nàng  Sundarī[39] rồi vùi vào đống rác trong tinh xá Kỳ Viên để vu cáo cho Đức Phật cùng Tăng đoàn đã gây ra cái chết trên, với chủ đích hạ bệ và làm mất thanh danh của Ngài. Nhưng đối diện với các nghịch cảnh ấy, tâm Ngài luôn thản nhiên bất động, không oán hận, không khởi sân tâm và đặc biệt là không nghĩ đến việc dùng mưu hèn kế hạ để báo thù, vì Ngài đã liễu tri rõ rằng:

      “Chớ có đập Phạm chí!
       Phạm chí chớ đập lại!
       Xấu thay đập Phạm chí
       Ðập trả lại xấu hơn!”.[40]

Rằng nếu còn hơn thua lấy oán trả oán thì oán càng thêm chồng chất, không giải quyết được cốt lõi vấn đề mà còn làm cho tình hình càng thêm “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Lấy oán trả oán cũng như hai điện tích cùng chiều, luôn đẩy con người ngày một xa nhau hơn. Trái lại từ bi hóa giải hận thù, tựa hai điện tích trái dấu, mới có thể gắn kết con người lại gần nhau, để mà “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” nhau hơn:

“Hận thù diệt hận thù

Đời này không thể có

Từ bi diệt hận thù

Là định luật ngàn thu”![41]

 

 

 

  1. KẾT LUẬN

Theo nền văn điển Đại Thừa thì CNCCVC là một trong 80 vẻ đẹp riêng có của Đức Phật. Tuy rằng trong kinh tạng Pāli không tồn tại khái niệm 80 vẻ đẹp, cũng như trong 32 tướng tốt cũng không có đề cập đến CNCCVC của Đức Phật. Thế nhưng bàng bạc đâu đó trong kinh tạng Pāli thì CNCCVC được đề cập đến và gián tiếp khẳng định đây là một quý cách của Đức Phật Thích Ca và xa hơn là “pháp nhĩ như thị” đối với 3 đời chư Phật như đã minh chứng ở trên. Tuy đây là một chi tiết rất nhỏ nhưng đằng sau những con chữ, cái nghĩa  là bài học vô cùng sâu sắc.  Đó là sự phát triển của Phật giáo nên được nhìn nhận là một chỉnh thể thống nhất tựa hồ như một cái cây gồm rễ, thân, cành lá và hoa trái, như những gì mà cố HT. Thích Quảng Độ đã từng nhận định [42], nếu không sẽ dẫn đến tình trạng bài xích lẫn nhau giữa các học phái rồi dẫn đến sự suy bại chung cho cả Phật giáo, hệt như sự cảnh báo của cổ đức qua ngụ ngôn hai vị đệ tử vì ghét nhau dẫn đến đập gãy đôi chân của thầy mình vốn đã bị đau và nhờ hai vị đệ tử này xoa bóp[43]. Văn điển Phật giáo Đại thừa tuy là sự phát triển của tư tưởng Phật giáo để phù hợp với xu thế thời đại, nhưng vẫn không xa rời với tư tưởng Nguyên thủy Phật giáo, đôi khi còn hệ thống lại những gì còn khôi sơ, đơn cử như trường hợp CNCCVC này chẳng hạn. Từ đó giúp chúng ta tránh được hai cực đoan trong đời sống tâm linh là tự tôn hay tự ti trong bản phái của mình.

Hơn nữa, CNCCVC này được Nhân tướng học cho rằng đây là hiện tướng của đấng trượng phu, trái ngược lại với tướng Lang cố ám chỉ những người bất chánh, nham hiểm…Quãng đời hành hóa của Đức Phật chính là những thuyên giải vững chắc cho quý tướng CNCCVC trong lĩnh vực Nhân tướng học. Để từ đó là bài học cho mỗi chúng ta hoàn thiện nhân cách cùng oai nghi tế hạnh của tự thân và có điểm nhìn tham chiếu về việc “xem tướng biết người” ở chừng mực nhất định, trong xã hội hiện thời, vốn luôn rình rập những mối nguy khốn của tình người!

                                               

Hậu Chú:

  1. Phân Viện Ngiên Cứu Phật Học Việt Nam (1992), Từ Điển Phật Học Hán Việt, I, Phân Viện Ngiên Cứu Phật Học Xuất Bản, tr. 125.
  2. 法界次第初門: Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn  thường được gọi tắt là Pháp Giới Thứ Đệ, tác phẩm gồm 3 quyển, do ngài Trí Khải soạn vào đời Tùy.
    1. 大乘義章:  Đại Thừa Nghĩa Chương, tác phẩm gồm 26 quyển, đây là bộ từ điển giải thích các thuật ngữ Phật Giáo do Huệ Viễn đời  nhà Tùy  biên soạn.
    2. 大正新修大藏經: T. 03, No. 0190, 佛本行集經, 第9卷,p. 0696a04-b26; 第10卷, P. 0696c06- 0697a01.
    3. 大正新修大藏經: T. 06, No. 0220, 大般若波羅蜜多經, 第381卷, P. 0968a09/ Nguyên Văn:  世尊迴顧必皆右旋,如龍象王舉身隨轉,是第十一.
    4. 大正新修大藏經: T. 25, No. 1509, 大智度論 第89卷, P. 0684b13/ Nguyên văn: 七者、身一時迴如象王.
      1. Thích Minh Châu dịch (2015a), Kinh Trường Bộ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 237-238. Xem thêm. Sđd, Kinh Tướng số 30,  tr. 591-593. Xem thêm.  Thích Minh Châu dịch (2015b), Kinh Trung Bộ, II, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 163-164 v.v…
      2. Minh Châu dịch (2015b), Sđd, tr. 164. Xem thêm. 大正新修大藏經: T. 01, No. 0026, 中阿含經 第41卷, P. 0687a11/  Tức bản kinh tương đương trong Hán tạng, kinh Trung A-hàm q. 41, kinh Phạm ma số 161, tuy nhiên trong bản kinh này lại cho biết rõ hơn Đức Phật khi quay lại thì quay về phía bên phải, nhưng quán sát như cái nhìn của một con rồng: 身極右旋,觀察如龍.
        1. Tỳ Khưu Indacanda dịch, Milinda Vấn Đạo [Phẩm Mối]: http://tamtangpaliviet.net/VHoc/45/Mil_11.htm#01. (Truy cập ngày 16/07/2020).
        2.  Viên Trí (2009), Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Phương Đông, tr.34.
        3.  Như việc Vua Ajàtasattu (A-xà-thế), vua nước Magadha (Ma-kiệt-đà), muốn thôn tính dân Vajjì (Bạc-kỳ) bèn sai  Bà-la-môn Vassakara (Vũ-xá) đến tham vấn Đức Phật về việc này, Xem: HT. Thích Minh Châu dịch (2015a), Sđd, tr. 277-280.
        4. Xem Đăng Nguyên dịch, Biểu Tượng Của Các Con Vật Trong Phật Giáo, Nguyệt san giác ngộ: https://giacngo.vn/nguyetsan/tulieu/2014/02/20/12E419/. (Truy cập ngày 16/07/2020).
        5.  Xem Huỳnh Thanh Bình (2018), Biểu Tượng Thần Thoại Về Chư Thiên & Linh Vật Phật Giáo, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, tr. 192.
        6.  Sđd,  tr. 147-162.
        7.  Thích Minh Châu dịch (2015c), Kinh Tương Ưng Bộ, II, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 521. Xem thêm.  Kinh Chuyển vương thất bảo quyển 1 大正新修大藏經: T. 01, No. 0038, 輪王七寶經 第1卷, P. 0821a22. Xem thêm. Kinh Tăng Nhất A-hàm quyển 33: T. 02, No. 0125, 增壹阿含經 第33卷, P. 0731b15. Xem thêm kinh Đại bảo tích quyển 76: T. 11, No. 0310, 大寶積經 第76卷, P. 0428a21…
          1.  Dẫn theo Trần Phương Lan dịch (2011), Đức Phật Gotoma-Một Tiểu Sử Căn Cứ Vào Những Bản Kinh Uy Tín Nhất, Nxb. Phương Đông, tr. 76.
          2. Thích Minh Châu dịch (2015b), Sđd, tr. 227-236.
          3.  Sđd, tr. 237.
          4.  Thích Minh Châu dịch (2015d), Kinh Tăng Chi Bộ, II, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 101. Xem thêm.  Thích Minh Châu dịch (2015c), Sđd, I, tr. 155.
          5.  Thích Minh Châu dịch (2015c), Sđd , II, tr. 636.
          6.  Thích Minh Châu dịch (2015d), Sđd , II, tr. 81-84.
          7.  TỲ KHƯU INDACANDA dịch (2013), Tiểu Phẩm [VII. Chương chia rẽ hội chúng], II: http://tamtangpaliviet.net/VHoc/07/07_03.html#07.  (Truy cập ngày 06/07/2020).
          8.  Xem Lê Huy Tiêu, Nguyễn Đức Sâm, Thụ Âm dịch (2004), Bí Ẩn Của Tướng Thuật, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, tr. 61-69.
          9.  Thiệu Vĩ Hoa (2014), Xem Tướng Biết Người, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, tr. 18.
          10.  Sđd, tr. 126.
          11.  Sđd, tr. 442.
          12.  Xem Minh Ngọc, Đây Chính Là Nhân Vật Có Tướng Mạo Phản Trắc Nhất Tam Quốc: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/day-chinh-la-nhan-vat-co-tuong-mao-phan-trac-nhat-tam-quoc-1260890.html. (Truy cập ngày 06/07/2020).
          13.  Thích Minh Châu dịch (2015a), Sđd, tr. 298.
          14.  Thích Minh Châu dịch (2015c), Sđd, I, tr. 178.
          15.  Thích Minh Châu dịch (2015a), Sđd, tr. 303.
          16.  Sđd, tr. 334-337.
          17.  Thích Minh Châu dịch (2015d), Sđd, I, , tr. 358.
          18.  Tỳ Khưu Indacanda dịch (2013), Tiểu Phẩm [VII. Chương chia rẽ hội chúng, tụng phẩm 2 đoạn 16-17], II: http://tamtangpaliviet.net/VHoc/07/07_03.html#07. (Truy cập ngày 06/07/2020).
          19.  Tỳ Khưu Indacanda dịch (2013), Tiểu Phẩm [VII. Chương chia rẽ hội chúng, tụng phẩm 2 đoạn 18], II: http://tamtangpaliviet.net/VHoc/07/07_03.html#07. (Truy cập ngày 06/07/2020).
          20.  Tỳ Khưu Indacanda dịch (2013), Tiểu Phẩm [VII. Chương chia rẽ hội chúng, tụng phẩm 2 đoạn 20-21], II: http://tamtangpaliviet.net/VHoc/07/07_03.html#07. (Truy cập ngày 06/07/2020).
          21.  Thích Minh Châu dịch (2015e), Kinh Tiểu Bộ, V, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 203-213.
          22.  Thích Minh Châu dịch (2015e), Sđd, IV, tr. 221-225.
          23.  Thích Minh Châu dịch (2015e), Sđd , I, tr. 98.
          24.  Xem Thích Quảng Độ dịch (2012), Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 5.

10.                        Thích Minh Châu dịch (2015a),  Sđd, tr. 314. Xem thêm. T. 01, No. 0001, 長阿含經 第2卷, P.0012a28/  Tức bản kinh Hán văn tương đương  trong kinh Trường A-hàm quyển 2, kinh Du hành, người viết chưa tìm thấy cách nhìn con chúa của Đức Phật, chỉ thấy diễn ta cảnh Đức Phật ngồi dưới gốc cây Ba-lăng với dung mạo uy nghi như một con rồng.

11.                        Thích Minh Châu dịch (2015b), Sđd, tr. 411. Xem thêm. T. 01, No. 0026, 中阿含經 第30卷, P.0622a11/  Tức Bản kinh tương đương trong Hán tạng: Kinh Trung A-hàm quyển 30, Kinh hàng ma số 131, tuy nhiên trong bài kinh này miêu tả  đức Phật nhìn giống như Rồng: 猶如龍視.

41.                         Sđd, tr. 41-42.

43.                         大正新修大藏經: T. 04, No. 0209, 百喻經 第3卷,(五三)師患脚付二弟子喻.

 

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập