Chơn Lý Cẩm Nang Khất Sĩ

Đã đọc: 10409           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

                                    Bậc cổ đức có nói:

                “Nước không luật nước loạn, nhà không luật nhà vong”

         Thật vậy! nước có luật mới được phú cường và thạnh trị. Nhà có giữ luật mới được an vui.Trên có thuận dưới mới hòa. Ở xứ nào mà người ta có giữ hạnh thì dân chúng được bình an, không có tai nạn phiền hà. Ngược lại, thiếu luật hạnh lẽ tất nhiên bị đào thải vô giá trị. Chẳng những gia đình,chính trị, tôn giáo hay các nghề nghiệp chi mà thiếu kỷ luật trật tự thì nghề nghiệp cũng hư hỏng thất bại…

          Học trò không tuân kỷ luật ở nhà trường học trò ấy bị đuổi, tài xế không luật có ngày tán gia bại sản…

           Nói chung lại: sĩ, công, nông, thương mà không luật thì không được an vui và bền vững mà sau sẻ ra người vô dụng…

           Được giàu sang quan quyền, vua chúa là công hạnh biết giữ gìn các giới luật…

          Trong kiếp hiện tại hay quá khứ mà có chư Phật, Thánh, Tiên đều do giữ gìn giới luật mà đắc quả Tiên, Thánh, Phật vậy.

          Chẳng những loài người hay Trời Phật, Thần Thánh có giới luật mà thôi, nhẫn đến súc vật cũng có giới luật nữa. Như chim nó bay có hàng, kiến mối bò có lối, ong cũng có hàng, có qui tắc trật tự đoàn của nó. Xét như thế thì đủ biết và chứng tỏ rằng: Giới  luật tuy mỗi trường hợp có khác nhưng ở trường hợp nào hay cương vị nào cũng không thể thiếu giới được.

        Nếu một người không giới luật thì ắt người là hư Tâm mất nết, một gia đình không giới luật thì gia đình ấy lộn xộn mất hạnh phúc, và mua chuốt lấy sự khổ nguy.

        Một nước không kỷ luật thì nước ấy sẽ suy đồi, hung bạo, không còn phong hóa, đạo đức kỷ cương gì nữa!!!

         Thế giới không qui luật là thế giới hung tàn bạo ngược, loạn ly ghê gớm. Muốn tránh tai họa khỏi những sự nguy hiểm cho chúng ta và xã hội thì moị người nên lấy giới luật làm căn bản, hộ thân và truyền bá giới lành ấy để cùng nhau chung sống, trên con đường quang minh và chánh đại, lẽ sống tinh khiết trong sạch cao thượng: “ Giới luật là chỗ đứng, ngồi,ngủ nghĩ, an vui, của tất cả vậy”

         Vì thế ai cũng nên,  phải có giới luật. Cẩm nang Khất sĩ có hiệu năng giúp cho bất cứ ai có nhiệt tâm muốn thực hiện cho mình một đời trong sạch, cao đẹp và giải thoát.                                            

    *  Đạo Phật được thành lập trên nền  tảng qui chế giới luật là qui điều Đạo đức mà Phật đã ấn định những phương pháp cư xử và hành động cho Tăng sĩ cùng thiện nam tín nữ lo thực hành theo, để có thể tạo nên những phương pháp đặc tính: nhân vị, tự do, cao thượng hầu sống hợp với bản tính thiên nhiên và không trái với công lý.

       Tuân theo qui luật đạo đức không có nghĩa là bị bắt buộc hay mất quyền tự do và mê tín mà là khuynh hướng cao cả của con người tri giác, có bổn phận tìm tòi và vạch rõ một chiều hướng quang minh chánh đại mà mình đã ra công thực nghiệm để cùng nhau đi tới sự toàn chơn, toàn thiện, toàn mỹ, toàn năng, toàn trí,toàn đức,toàn hảo và toàn nhân.Trọn sáng, trọn lành… và hoàn toàn trọn vẹn.

      Khi con người chưa được giải thoát vì còn bị lôi cuốn của dục vọng thì chưa được tự do thật sự  và còn kẹt trong vòng đấu tranh sanh tử luân hồi.

       Do đó tuân theo qui luật của Đạo đức là một quan niệm hướng thượng có thể coi là bổn phận thiêng liêng. Mỗi người tự tạo cho mình một đời sống thanh cao và thực sự tự do giải thoát, tức là hạnh phúc cứu cánh trong tư tưởng truyền thống của đạo Phật.

       Đức Thích ca Ngài để lại cho chúng ta một quan niệm chính xác về qui chế giới luật là con đường quang minh trọng đại chánh giác mà mỗi Tăng sĩ có thể thực hiện cho mình một đời sống trong sạch cao đẹp và giải thoát.

 

* PHẬT NGÔN: “ Lời của đức Từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni: Hãy giữ lời nói của ngươi và làm cho tâm ý của ngươi trở nên thanh bạch, đừng làm một việc gì sai quấy giữ ba điều ấy là theo chánh đạo, đạo của Chư Phật đó…”

      Lời Phật dạy tuy chỉ có vài hàng gọn ngắn gồm 37 chữ tất cả nhưng nội dung của bài đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa rất cao đẹp và sâu xa …

      Với sự hứa hẹn tiến dẫn cho con người có thể đạt tới mục đích, mục tiêu tối hậu: chơn- thiện-mỹ.

      Nhưng tiếc thay! Nếu chúng ta để mặc cho dục vọng mù quáng lôi cuốn thì than ôi! Nó trở thành xấu xa nguy hiểm và bắt đầu mở ra con đường thoái hóa cho tương lai đen tối phũ phàng …!

     Thật vậy! người tu mà không luật tất nhiên phải bị đào thải…Do đó mỗi Phật tử chơn thành tuân theo qui luật của Phật để tu hành mưu cầu cho mình con đường giải thoát và cứu độ chúng sinh đền ơn trong muôn một thì phải luôn luôn tự kiểm tư tưởng, hành động và ngôn ngữ của mình để tương quan với lời phật dạy. Có như thế mới  thể hiện được danh từ Phật tử…và hưởng ứng lời kêu gọi thống thiết của muôn triệu sanh linh đang bị lầm than chìm đắm trong bể khổ, đặng hoàn tất sứ mạng tự độ,độ tha của chính mình vậy.

   Tóm lại: qui chế giới luật là giúp con người biết cách cư xử và hành động  chơn chánh, sống hợp với bản thân,bản tánh thiên nhiên không trái công lý và đem lại hòa hiếu an vui …cho gia đình xã hội mà từ lâu đã được thừa nhận là con đường Đạo, Trung đạo chánh giác có hiệu lực đưa chúng sanh ra khỏi đường sanh tử luân hồi, hưởng quả vui làm gương giải thoát.

   Qui chế giới luật là thể hiện của sự sống quang minh bất diệt là con đường  thanh cao chánh giác cứu cánh đưa chúng sanh đến cõi chơn phước cực Đại không thể nghĩ bàn.

 * SỐNG CÒN VÀ HẠNH PHÚC: Sự sống còn và hạnh phúc của mỗi người ở chổ “vô tranh”. Tự thắng mình…Con đường phải đi ấy là trung đạo chánh giác và đi bằng cách duy trì baỏ vệ qui điều giới luật không tham vọng … Để có thể ta quên đi những tư tưởng lỗi thời hầu tạo cho mình một uy thế: Khả dĩ có đủ hiệu năng phù hợp với cả toàn thể đó là điểm chính, lẽ tất yếu rất cần thiết để đem lại sự “ sống còn và hạnh phúc”

                               - Giới như Trái đất

                                - Định như cây trồng trên trái đất

                                - Huệ như trái cây

                                - Giới năng sanh định

                                - Định năng phát tuệ

                                - Huệ năng minh tâm kiến tánh

                                 Minh tâm kiến tánh sẻ thành Phật

                                                    “Lời Tổ Sư Minh Đăng Quang”                    

 

NHỮNG QUY CHẾ GIỚI LUẬT

                                                     Như sau:

                                    -Giới tại gia

                                              A- Ngũ giới

                                              B- Bát giới

                                     - Giới xuất gia

                                       A- 10 giới tập sự Sa-Di

                                       B- 250 giới tập sự Tỳ kheo

                                            Tỳ kheo Tăng khất sĩ

                                       C- 348 giới Tỳ kheo Ni

                                       D- Bồ tát giới 10 giới trọng 48 giới khinh

                                       E- Cẩm nang Khất sĩ

                                       H- và 114 giới Giáo Hội Tăng già khất sĩ                

                                                                                                                   

LUẬT CẨM NANG

 

Bất cứ ai thấu hiểu được yếu lý của bài: Luật cẩm nang này và sống đúng tinh thần cao cả ấy thì quyết chắc rằng người ấy là bậc “ Siêu nhân”

1-     Khất sĩ triệt để tôn kính ngôi Tam bảo và tín ngưỡng về Đạo đức “ Ân Tam Bảo”.

2-     Khất sĩ trọng Tổ quốc và thương nòi giống “ Ân Tổ quốc và Đồng bào”

3-     Khất sĩ kính mến cha mẹ vâng lời thấy dạy không nghịch ý. Biện bác tất cả chúng sanh là cha mẹ và thầy dạy “ Ân cha mẹ và thầy dạy”.

4-     Khất sĩ thương yêu nhân loại và tất cả các sinh vật “ Ân chúng sanh”

5-     Khất sĩ kính trọng các bậc Tôn trưởng, thiện tri thức và người cộng sự về Phật Pháp. Nói chung không nên làm nặng lòng ai hết…!

6-     Khất sĩ không tham- sân- si, nói chung không nói dối khoe khoan đâm thọc, uống rượu, cờ bạc, từ tư tưởng lời nói và việc làm.

7-     Khất sĩ trọng danh dự: làm cho ai cũng có thể tin tưởng vào khả năng và chức vụ của mình, cũng như của đoàn thể …

8-     Khất sĩ sáng suốt thi hành lý tưởng chơn chánh, nói ít nghe nhiều, học nhiều, gặp dở phải sữa chữa.

9-     Khất sĩ không kiêu căng, tự tôn, tự ti, không tự cho mình là hoàn toàn và hơn ai về những lời nói chỗ ăn ngồi danh dự.

10- Khất sĩ là kẻ đang tu tìm học với tất cả lẻ phải, vui chịu mọi cảnh ngộ, hy sinh sự vui thú để thực hiện mục đích: Tự độ, độ tha và giải thoát. Hiểu rõ Bi- Trí và Dũng là tôn chỉ, là đường lối tiến thân có thứ tự để đạt được tới mục đích tối hậu là ( Chánh đẳng chánh giác).

11- Khất sĩ tự kiểm tư tưởng, ngôn ngữ và hành động. Nói ít làm nhiều lấy lễ nghĩa sống với đời. Tha thứ kẻ lỗi lầm thương yêu người nghèo khó, giúp đỡ kẻ yếu đuối cơ hàn thiếu kém.

12- Khất sĩ không để mang lấy tiếng phụ người ăn ở phải có nhân hậu, ôn hòa, thanh nhã và đề phòng sự cẩu thả.

13- Khất sĩ phải tự tin vào lý công và làm cho bá tánh có lòng tin tưởng để cho ai nấy có thể họ phát huy với những tư tưởng lành. Hồi tâm hướng về đạo đức. Nhất là những người cộng sự, có tin tưởng mới có gắng thực hiện lý tưởng chung.

14- Khất sĩ không tỵ hiềm. trả đũa có ý ác với ai, dù gặp nghịch cảnh!

15- Khất sĩ kiên nhẫn trầm tĩnh tự tại dầu gặp phải nghịch cảnh vẫn lễ độ vui tươi.

16- Khất sĩ không ố nghịch sự tín ngưỡng của các Tôn giáo.

17- Khất sĩ không óc bè phái gây chia rẻ và phong kiến ố báng lẫn nhau về danh lợi thờ chơn lý chúng sanh chung.

18- Khất sĩ không phân chia màu da, sắc tộc, tôn giáo, chủng loại gia đình coi mọi người như anh chị em quyến thuộc chung, đúng chơn lý Đại đồng của Vũ trụ.

19- Khất sĩ lấy tình thương xóa bỏ hận thù ( oán thù nên cởi mở và không nên thắt buộc thêm).

20- Không cố ý bất hòa, bất hòa là phải trục xuất.

21- Có thiện chí sống chung tu học theo lý Bát Chánh Đạo. Không nói hành tật đố, xuyên tạc trái sự thật.

22- Phải ghi nhớ ơn chư Thiên hộ Pháp và thương yêu giúp đỡ mọi người tùy theo khả năng và trong sạch…

23- Không quy y theo chiều hướng trái với chân lý và không bàn luận việc chính trị.

24- Không được nín thinh khi có ai hỏi đến, trừ khi nhập định (nên phải dùng câu niêm phật mà đáp).

25- Đã thọ trì những điều Phật dạy (luật giới) thì phải hết lòng tôn kính như phụng thờ cha mẹ, như là thương con đẻ.

26- Không lợi dụng danh nghĩa Chơn lý để ngăn đường : Phản sự tiến hóa của dân tộc và nhân loại

27- Vì lòng Từ Bi và nhân cách không nên lợi dụng lòng tốt của ai, nhất là người mới mộ Đạo.( Đừng gắn ép công quả hoặc gài Pháp Danh khi người chưa có đủ đức tin và lòng cung kính. Hãy để tự ý người ).

28- Khất sĩ thực hiện gương thanh bần tiết độ trong sạch và giải thoát.

29- Không trau chuốt lời nói và phỉnh nịnh dối gạt người là tự dối gạt mình.

30- Không làm văn thơ lảng mạn, nêu gương trong sạch cho người tín phục.

31- Không nên bới móc chê bai nói lén người để tâng công hay trã đũa. Chê bai bới móc người để tăng công trả đũa là hành động khiêu khích không nên làm đối với nhà hiền đức.Muốn chỉ dùm chổ lỗi, phải nói trước mặt và xây dựng, là người lớn thì đừng hẹp lòng dung túng kẻ nịnh, nên thưởng kẻ có công. Thương người chậm tiến. Năng dạy theo Đạo đức, đừng kiếm chuyện gây uất ức cho người, chớ nên quá nghiêm khắc hay hách dịch thì mới được an vui và sẻ tránh khỏi các sự rối loạn truyền kiếp…

32- Ghi ơn người chỉ giùm chổ lỗi và tự nghiêm răn sửa trị cải hoán ở mình trước và sau khi phạm lỗi.

33- Thẳng thắn vô tư và tôn trọng quyền lợi “ Đệ tam nhân”

34- Triệt để đề phòng những thái độ thiếu thẳng thắn của mình trong mỗi lúc, để phục vụ về Đạo đức.

35- Phải bình tĩnh và sáng suốt không nóng nảy, giận hờn, lo âu quan trọng hóa điều gì. Dẫu đứng trước nghịch cảnh nào cũng vậy.

36- Không bi quan, than trách và tu hành theo lối máy móc quá, gây ác cảm lan rộng để sau cùng ăn năn không kịp.

37- Phải biết rằng dầu là người đại ác cũng vẫn có một phần trăm thiện. Vậy ta nên nhìn nhận một chút thiện nhỏ ấy.

38- Khất sĩ muốn có Đức tin với tất cả, phải triệt để giữ lời đã hứa và trọng danh dự, đừng phản phúc vì phản phúc là tự phản mình!

39- Không bắt buộc đòi hỏi ai phải theo ý của mình dầu là các lý tưởng cao đẹp ích lợi chung cũng vậy. Hãy để tự ý người : Được lòng người khó – Mất lòng người dễ !

40- Học hỏi chút ít điều lành của Chư Phật, hiền triết lấy đó làm sự trau Tâm sửa mình hơn là đi tìm danh lợi, giả bộ cao siêu pháp thuật, bày trò ma quỉ để gạt người. Những hành động ấy không nên làm. Nếu là người Khất sĩ chánh giác.

41- Nên biết rằng tu là diệt nghiệp cũ và không gieo thêm nhân xấu ác nữa mới mong thoát khỏi vòng sanh tử khổ. Có người tu đi tìm vui khi gặp khổ thì liền thối chuyển chán nản. Còn tu để tìm sự giải thoát thì khổ và sướng nào có luận bàn. Đó mới là người giác ngộ.Gặp vui không mừng gặp khổ không lo ngại mới phải là người tu theo chánh giác vậy.

42- Tìm sự thành công cho mình bằng cách ố báng chỉ trích kẻ khác là một khuyết điểm lớn và sẻ đưa đến thất bại hoàn toàn. Kẻ thất phu khi lòng bị xúc động còn xả thân cứu người trong cơn hoạn nạn thay. Nay ta là người Phật tử noi theo (Khất sĩ )gương lành của Phật, lại biết xem Kinh hiểu lý há chẳng biết rằng: Tánh ghen ghét tật đố là một chướng ngại lớn lao cho người tu giải thoát ư?

43- Khất sĩ tự sửa lấy mình mới mau dứt nghiệp và lẹ bước trên đường tu giải thoát. ( Bồ tát sợ nhân –Chúng sanh sợ quả)

44- Đức khoan dung và lòng quảng đại là món ăn tinh thần rất thích hợp để nuôi sống linh hồn và là gương cảnh giác tốt đẹp cho chính ta trước xã hội, một phương tiện nhiệm màu giúp ta tiến bước mau lẹ trên con đường giải thoát.

45- Tự cảnh giác nơi Tâm mình trước xã hội, để thực hiện một tình thương díu dắt đồng loại hầu đạt đến lý chơn tuyệt đối.

46- Không tranh đấu xen lẫn theo đời, vì danh lợi chỉ chăm lo trau dồi về đức hạnh làm gương quí báu cho đời.

47- Có thể sống mai danh ẩn tích, nhưng không có nghĩa là tắt mất, mà sẻ sáng bừng lên như buổi bình minh rạng rỡ…(Nhập đại định tu tịnh ).

48- Tự xét mình không nên trách người và tôn trọng quyền tự do sống bình đẳng. Nhất là về phần nội bộ. Nên săn sóc giúp đỡ an ủi nhau khi gặp những rủi ro đau yếu v.v…

49- Tiết chế điều độ sự ăn uống, giữ vệ sinh cho thân thể. Tiết kiệm của mình và của Tam Bảo. Làm việc phải cẩn thận đừng để cho tổn phí hư hao. Nơi Tịnh xá nhà thờ, am cốc, nhà khách .v.v..giữ gìn cho sạch sẽ, mỗi người siêng năng làm công việc chung để tỏ ra có thiện chí và tinh thần tự giác.

50- Khất sĩ khi tiếp xúc với bá tánh phải giữ giới hạnh trang nghiêm lễ độ ôn hòa, ai có hỏi chi nói chút ít, bằng không thì thôi, nghĩ yên không tìm vọng động. Thế tôn chẳng tự tôn. Nhất là phải biết rõ chánh tà, trình độ trí thức tu học của mỗi người, nói giảng cho có thứ lớp và hợp thời để người sanh niềm tin.

51- Nói làm có ra là vì bổn phận, ai tin thì nghe, bằng không thì thôi, chớ đừng phiền não chỉ trích và cũng đừng bao giờ nói ra rằng : việc làm của ta là giúp đời, hãy để người tự biết! Nói như thế là còn duy trì bản ngã, nguồn gốc của sự khổ. Phải làm dứt bỏ. Nói là để trau Tâm mà thôi.

52- Có thể khuyến khích bá tánh, bá gia gieo trồng thiện nghiệp. Nhưng không ngoài lý Bát chánh Đạo, không tín mê và phải giữ thể diện Tam Bảo trong khi thi hành phận sự, để tránh về dư luận không tốt. Đừng để cho danh lợi, tình lôi cuốn …!

53- Khất sĩ tiếp chuyện thường hay đăng đàn thuyết pháp cũng vậy. Trước phải bình tĩnh và sửa tập nói giọng cho quen, lời nói chậm rãi dịu dàng thành thật cử chỉ ôn hòa thanh nhã, lễ độ vui tươi …để cho thính giả có thể ghi nhận được và sanh lòng mến trọng. Đừng quá cao giọng hoặc diễn giải tự đại, tự cao ! Đừng nói dài dòng hay lặp đi lặp lại nhiều lần vì thế làm người khó nghe khó thông cảm để sanh chán nản hoặc buồn ngủ .v.v… Nhứt là cấm nóng nảy( quạu quọ) làm xúc phạm đến danh dự quyền lợi của bất cứ ai.

54-  “ Trên đường tu giải thoát, từ tự độ đến độ tha các Tu sĩ còn phải gặp rất nhiều lỗi lầm. Vậy ta phải dè dặt thường lệ và thường duyệt xét lại tư cách tác phong của mình, coi có đủ thực chất, thực lực của một nhà tu xuất sắc hay chưa”.

55- Muốn độ đời là người có tâm hồn vị tha rất đáng khen, nhưng nên nhớ muốn độ đời, trước ta phải tự độ. Nghĩa là phải có Đạo lực, đức hạnh có hơn mọi người mới được. Cũng như ta muốn làm Thầy giáo thì cần phải có bằng và đức hạnh. Nếu Thầy không có bằng và đức hạnh học trò sẻ sa thải…! Vì vấn đề Nhơn sanh người ta thường chú trọng đến sự thực tế. Đức Phật dạy: “ Người còn bị trói, là không thể nào cởi trói cho kẻ khác khỏi chết đuối được”.

56- “ Lấy nhân cách mà ăn ở với đời, để giữ thành tín với tất cả. Người có thành tín với tất cả, mới được kính nể trọng dụng và dễ thành công, Trái lại thiếu thành tín tức là thiếu tín nhiệm sẻ bị thất bại đau khổ”.

57- Người ta rất khó chịu và xấu hổ vì có một ông Cha, một Thầy giáo, một cấp chỉ huy, một người bạn, một thuộc hạ, một đệ tử hay một đứa con “ Hư Tâm”.

58- Không nên tự phụ, tự cao chỉ trích, phiền trách,rầy la lớn tiếng bất cứ với ai. Dù đối với học trò tập sự cũng vậy. “ Dạy chớ không trị”. Nghĩa là mỗi khi gặp việc gì cực chẳng đã thì dùng lời lẻ ôn hòa nói chút ít cho có bổn phận thế thôi. Vì công lý lẻ phải sẵn có nơi lòng người, nào đợi ai xử phạt mình?...Hơn nữa  tư cách Phật tử Khất sĩ không cho phép chúng ta nặng lời với bất cứ ai!

59- Khất sĩ tư cách và oai nghi là yếu tố cần thiết giúp ta hoàn tất sứ mạng tự độ, độ tha và mối thiện cảm sâu xa duy nhất trong quảng đại quần chúng. Bao giờ cũng chỉ dành cho những người có tư cách.

60- Làm thế nào để có thể : Trở nên bậc hiền minh và được sự lưu ý của các bậc ấy? Hãy chịu khó suy tưởng điều lành, dứt bỏ ác dục …Thì sẻ phát sanh những năng khiếu tốt đẹp và trở nên bậc hiền minh, tư cách con người là yếu tố định đoạt trong nhiều trường hợp có quan trọng và cảm thông với các bậc ấy.

61- Đừng vội lo việc sửa trị người khi mình còn xấu xa tội lỗi mà lo việc sửa trị người khác chẳng phải là sai quấy ngờ nghệch lắm ư?

62- Mỗi khi muốn ai thừa nhận ý kiến của mình, trước ta phải đặt mình vào chổ người ấy đã và coi họ muốn gì? Cái gì lưu ý được họ. Chú ý nhất vào sự bày tỏ thái độ của người ấy. Điều cốt yếu của mình là phải có thực chất và thực lực của một nhà chơn tu mới được người sùng kính mình là bậc người lớn, Mà dè dặt hơn nữa để chứng tỏ đức khiêm cung của một nhà tu vô ngã.

63- Khất sĩ không nên yêu ghét người vô lý, yêu ghét người là một sai lầm phụ người trên, bậc hiền tài thì “ Tổn đức”. Phụ kẻ tiểu nhân thì mang tiếng ác. Vậy phải trên kính dưới nhường đừng gieo “Hận thù”.

64- Cây chịu mưa lạnh nhiều thì cây tươi tốt và mau sanh hoa trái. Cũng thế, người tu chịu sự khổ là Pháp giác ngộ, khổ nhiều là giác ngộ nhiều.Đức Phật dạy : “vui chịu nhiều cảnh ngộ” .Vậy thì chúng ta cứ lo tu đừng sợ khổ nữa.

65- Dèm pha điên đảo dua nịnh cho sướng miệng là một căn bịnh độc hại cho kẻ tiểu nhân. Thuyền không lái thì tới lui bậy bạ. Cũng như thế người không chí thì vất vả suốt đời. Tu là trả bao nghiệp củ.

66- Theo lẻ thường ở thế gian mỗi khi công nợ ai, đến khi trả được là rất mừng, vì mình đã trả sạch nợ …Và đôi khi trả được là hai bên rất vui còn có lời cảm ơn để hài lòng nhau…Thế thì trong lòng an vui. Nhà Đạo cũng vậy. Mỗi khi gặp nghịch cảnh…chúng ta nên nghĩ rằng : trãi qua nhiều số kiếp, từ vô thỉ đến nay chúng ta đã vay tạo biết bao công nợ, nào là nợ máu …tiền bạc, cơm áo v.v…Nay gặp nghịch cảnh tức là gặp chủ nợ của mình đó. Ta hãy lo nhẫn nhịn vui lòng mà trả cho xong và đừng chống nghịch thì sẻ lần hồi sạch nợ tức là giải thoát. Nếu gặp nghịch cảnh mà chống đối tức là trốn nợ và gây tạo thêm nghiệp dữ đó.Làm sao mà sạch nợ để mà giải thoát được và nên nhớ nợ để lâu ngày càng thêm té lãi nhiều có ích chi. Vì vậy nên những người có hạnh nguyện tu giải thoát thường bị nhồi quả dồn dập rất dữ dội mà vẫn vui chịu trả cho rồi. Xong một kiếp một.

                  Ấy là: ĐẠI HÙNG – ĐẠI LỰC-ĐẠI TỪ BI vậy

67- Nghiệp bịnh: Đừng sợ bịnh, bịnh là chướng ngại của dục vọng      giúp ta tu  dể dàng, người tu mà sức khỏe sung mãn thì dục vọng càng sanh, thì đường tu trở ngại và thử xét lại trên đời có xác thân nào không có bịnh.

Phật dạy xưa các chư Phật cũng bịnh, bịnh có ra là do những nguyên nhân dưới đây:  

a-      Bởi nghiệp quả, b- làm việc nhiều quá, c- Thời tiết thay đổi máu

huyết không đều, d-Do thân giữ bệnh-sợ bệnh Tâm không sợ bịnh thân ! đừng liều mạng khi có bịnh, đừng bổ dưỡng khi sung sức.

68- Nghiệp khẩu: Người tu tịnh khẩu, nhập thất phải dè dặt khẩu nghiệp   

       Sau khi xả tịnh, nghĩa là có thể nói rất ít và nói lời ôn hòa thanh nhã            

          mà thôi. Có nhiều vị sau khi xả tịnh lại nói nhiều và nói lời thiếu suy

          nghĩ. Nói hung dữ …trái với nghĩa thanh tịnh, vậy phải dè dặt  “Để ta

          trị vọng căn và giữ thiện căn mới được”.

69- Tu Hành: Tu là sửa, hành là làm. Cũng như thế nên mỗi người tu cần                      tập bỏ lần tật xấu …Và nên thay vào đó những hạnh kiểm tốt. “ Ta có thể huân tập theo một hai đức tánh, phong độ cách xử thế tự nhiên của một người mà ta rất kính mến”. Sự huân tập lâu ngày sẽ đến thành thói quen, ta sẻ trở nên người siêu việt.

70- “ Việc đời cũng như việc đạo nếu không mến trọng và cẩn thiết thì không tinh siêng cố gắng. Không cố gắng thì khó thành công và tiến bộ

71- Khất sĩ về văn học cổ hay kim cũng vậy.Ai người học giả phải nên châm chước không nên chấp nhứt chỉ biết dung hòa cả cổ lẩn đến kim mới được. Có cổ mới có kim, kim được phát triển và thịnh là do nhờ cổ

72- Mỗi khi đến đâu, ở đâu cũng vậy cần phải tỏ ra nhã nhặn, giữ gìn phong độ, nhân cách cho người ta tin tưởng,kính nể,không nên khoe khoang và giỡn hớt hay nóng nảy, tự cao,  đốn phá việc nhà người mà gây sự bất tín, thù nghịch mâu thuẫn làm phiền lòng ai và tổn thương đến danh dự của mình và đoàn thể.

73- Chúng sanh tư tưởng tuy đồng nhưng về nhân diện thì không ai giống ai giống ai hết. Thật vậy nhân chủng khác nhau. Cũng vì thế nên trong mọi đẳng cấp và mỗi người đều được tự do tiến theo lối riêng của họ và sau đó sẻ tùy theo phương tiện mà người hướng đạo phải khéo léo để dìu dắt họ bước lần vào chánh đạo thâm huyền. Đúng như vậy mới gọi là hợp lý và thõa mãn sở vọng của người.

74- Đừng xúc phạm đến tín ngưỡng của ai hết.Dù là phải nương theo tà thuyết dị đoan cũng vậy. Đừng quấy rối làm phiền lòng họ, phải thương yêu tất cả và thích nghi cho các trình độ tiến hóa mới được.

75- Khất sĩ để tránh những sai lầm và dị đồng trong cuộc sống xã hội, ta không nên xét đoán ai, người theo lý tưởng của ta mà phải xét đoán theo kiến thức của họ. Xét người theo lý tưởng của ta là một lầm lỗi khó tránh, đã phạm mãi từ cổ di lai. Gây ra nhiều sự chia rẻ đáng tiếc.

Nay chúng ta lấy qui luật nầy để khai thông cho những cuộc tranh luận hầu dẫn đến lý tưởng Đại đồng.

76- Người thiếu suy nghĩ đinh ninh rằng Phật ngự nơi vạn vật, cả chúng sanh đều có Phật tánh, lòng thành là Phật chứng.

77- Đừng tỏ vẻ thần thánh hóa khi Tâm mình còn chứa đựng đầy những sự chẳng lành …Vì chữ Đắc do công phu tu tập trau sửa tùy theo lâu mau sẻ đến, ví như trái cây từ xanh đến lúc chín và khi nó chín rồi thì nào có che dấu được ai đâu. Đó là lẽ tự nhiên chớ nào phải tìm vọng động! Vậy muốn giúp đời và người kính nể trọng dụng, thì trước ta phải lo trau Tâm là điều thiết yếu đừng quên.

78- Khất sĩ đừng tự cao, trèo cao té nặng xuống khổ, cây cao gió lớn, núi cao đứng một mình, người tự cao tự đại ít ai muốn lại gần để sanh tai họa. Biển thấp mà thâu chứa muôn ngàn sông rạch! Bậc hạ biết mình thấp là người cao (Thiện) Bậc trung biết mình thấp ấy là người trí (Đức) Bậc thượng biết mình thấp là bậc đã siêu phàm (Huệ).

79- Trong một vấn đề nhân sinh người ta thường chú ý đến sự thực tế vì thế nên việc truyền giáo chỉ có mấy bậc đạo hạnh cao minh thường trầm tư mặc tưởng có đại hạnh mới đủ uy tín để thuyết minh những sự thật và cứu sinh thoát vòng luân chuyển …Tại sao? Vì chữ Đắc và chữ Độ hàm chứa một ý nghĩa rất sâu xa thâm huyền! Thật vậy chỉ có mấy tâm hồn phi thường lảnh thiên mạng giáo truyền mới kinh động nổi khối quần chúng chóng bước vào đường đạo hạnh mà thôi! Ta không nên có ý khinh thường mạo muội về việc truyền giáo ấy mà dụng đâu giảng đó. Tuy nhiên với thời cơ sàng xảy hiện nay các bậc hữu học có thể tùy theo phương tiện độ sinh. Song cần phải có đức hạnh mới được

80- Khất sĩ hãy tận dụng mọi khả năng và ý chí để đồng hóa vào việc cứu sinh mà các bậc phi hùng đã vượt lên mấy cao độ không thể lường ấy.Đây là  sở kiến của các Phật tử chánh giác đã dứt sạch luyến ái phàm trần.

81- Tiếp xúc với chư thiện tín như thể hiện tinh thần hiểu biết tự do và bình đẳng, mới cảm thông sự cao thượng, trong sạch tinh khiết vô giá của tình sư đệ mà người giác ngộ có cảm nghĩ rằng: Gương cao đẹp ấy,sẻ thực hiện được danh nghĩa siêu nhân loại.

82- Phải giúp đỡ người bằng không thì thôi, chớ đừng nên phá hoại chi cả.Cũng không nên thốt một lời nào chạm đến lòng tự ái về đức tin của bất cứ ai.Nếu đức tin ấy thành thật,  hơn nữa phải để yên cho người sống trong cảnh ngộ của họ và có thể giúp họ vượt lên lần về trên con đường đạo hạnh cao hơn…

83- Hãy chia sớt gánh nặng và giúp đỡ những kẻ thiếu kém trên đường về quê củ của người. Hãy cho họ những báu sản không hư, không hoại, cũng không thể ai cướp mất, chỉ có sự nghiệp giải thoát là báu sản tuyệt đối. ( bỏ tất cả để được tất cả )

84- Khất sĩ hãy tận dụng khả năng và sinh lực ý chí vào công phu tu Tâm luyện tánh để tiến tới cảnh giới tinh thần và cũng do công phu ấy mà tế độ cho quần sanh thoát vòng luân chuyển không nên vì bã vinh hoa mồi phú quí mà quên rằng: Bao kẻ ở chung quanh ta đang lạc trong vòng luân chuyển mà đời sống và cả chức vụ của ta là để giúp đỡ họ vượt khỏi vòng “luân chuyển”.

85- Hành vi cử chỉ của ai Khất sĩ …là phải một chứng minh cụ thể của tâm tính chân thật yêu đời vì đời và chỉ sống để giúp đời không hay nói chỉ cặm cụi làm và làm mãi để thực hiện lý tưởng giác tha đến ngày viên mãn, hầu đưa cả chúng sanh ra khỏi luân chuyển…

86- Ở cương vị mình người Khất sĩ phải giữ gìn phong độ và sáng suốt hơn. Để giữ thành tín đặng khỏi phụ lòng tin cậy của người.Đó là điều thiết yếu làm tỏ sáng chức vụ của mình.

87- Mỗi khi hứa với ai điều gì trước phải giữ thành tín để bảo tồn danh dự cũng như lời đã hứa của mình và phải suy xét sự việc ấy cho kỷ càng.

88- Đức khiêm cung sẻ được kính nể. Đức khiêm cung và khen ngợi thành thật là mối thiện cảm duy nhất làm trơn tru bộ máy giao tế hàng ngày giúp ta phục vụ về Đạo đức được đắc lực.

89- Khất sĩ đừng nghe những lời thất đức. Đừng nghĩ tưởng sự bất nhân,đừng làm việc bất nghĩa, thì trí không còn chứa đựng những ấn

   tượng hiểm ác, lần hồi sẻ được khai thông và bước lần vào cửa huyền vi.

90- Dùng lý trí lãnh hội chánh pháp là rất tốt, nhưng chưa đủ Phải dụng công phu thực hành để đạt tới mục đích.

-Tâm đức, tâm đức mới là phần chánh yếu và khi ánh sáng Huyền vi hé mở qua đạo nhãn thì phải cẩn trọng. Bi giáo chánh đạo chỉ dành riêng cho những tâm hồn hiếu hạnh.

91- Xả kỷ lợi tha đời sống cho trong sạch là đức độ cao cả được người        kính nể và điểm lên cảnh giới chí phúc. Thật vậy các bậc Hiền minh ra khỏi đời vì trong sạch và đức hy sinh.

92-Đức hy sinh và lòng vô tư có chơn thật là (sợi chỉ vàng) kết liền những tư tưởng bất đồng giữa nhân loại.Thật vậy chỉ có lòng hy sinh và chánh đáng mới biểu lộ rõ rệt đức khoan dung. Lòng quảng đại và thực tiễn dẫn đến lý tưởng Đại đồng.

93- Ta hãy chia sớt gánh nặng với những kẻ thiếu kém trên đường về thiên lý xa xăm diệu vợi để cùng nhau vượt lên mấy cao độ hoàn toàn thanh khiết và giải thoát.

94- Khất sĩ giải thoát, giải thoát không có nghĩa dứt bỏ tình thương đối với tha nhân, mà vẫn chung gánh nặng với bạn lữ trên đường thiên lý để cùng nhau tiến tới miền an lạc cỏi chí phước.

95- Đức hy sinh và lòng chân thật vô tư có sức thần diệu cảm hóa mảnh liệt phi thường là cây chìa khóa thần của kho vàng vô tận là tàu xe bí huyền rước đưa người về cõi chơn phước.

96-Đức khoan dung và lòng quảng đại thương xót người vật không bao giờ thiếu xót nơi người Khất sĩ chánh giác …Thật vậy người khất sĩ chánh giác là người yêu thương an ủi vô tư nơi trở về và đáng trông cậy của những kẻ đã từng bị gian lao và hất hủi.

97- Trần thế là bãi chiến trường ngôi vương tôn đại đế, bá tước công khanh giàu sang trưởng giả, lâu  đài dinh thự, điện ngọc nguy nga, ngọc ngà châu báu, nhung lụa êm đềm mỹ lệ …Không kích động nổi với những tâm hồn ít muốn. Vì đã phát giác được bí ẩn của hang sâu, vực thẳm …Nhưng không có nghĩa là phế tục, vô động để hưởng nhàn cảnh tư riêng, mặc cho đời người và số phận rủi may. Mà vẫn chung một gánh nặng với những kẻ yếu đuối để cùng nhau tiến tới cõi hoàn toàn hết khổ!..

98- Khất sĩ trên cõi tạm này ta sẻ làm việc với bản tính tự nhiên do thiên nhiên ban bố cho và cần phải dụng công như vậy. Ta sống đời chỉ vì mục đích duy nhất ấy. Phận sự của ta giúp đời, giúp công, giúp của, giúp lời nhưng chẳng bao giờ mong ai đền đáp! Chỉ làm với tinh thần vị tha (chánh giác). Không ham cầu công danh phúc lợi, khoe theo thế sự, để thoát ra vòng ngoài thống khổ, hệ lụy mà thôi.

99- Hãy cố gắng vượt lên cõi tự tại, không còn tùy thuộc hạn định nào nữa thì lúc ấy hưởng phần giải thoát thật sự. Thật ra  con người vẫn được tự do từ vô thỉ nhưng hỡi ơi! Phàm trí hạn định nên con người lầm nhận là bị trói buộc đó thôi.

100- Đừng chiều theo thị dục, thị dục ấy là tên độc giết người, là gươm đao của ma quân đó. Ta hãy ráng làm việc lành, và làm cho kỹ càng trong sạch. Việ không đáng làm thì bỏ qua, cứ lập hạnh sống mãi như thế là lần hồi sẽ đắc Đạo.

101- Khất sĩ những sản phẩm tốt là do thiện chí công phu của nhà sản xuất tận tâm. Cũng như thế, người ta mà có được trong sạch, xuất sắc là do ảnh hưởng của nền giáo dục thanh cao và tinh thần cưởng chế thị dục.

102- Khất sĩ nhục thể thường hay chiều theo thị dục, bởi linh hồn không

cưỡng nổi phàm tánh, kẻ trí thì bất phân thắng bại, phàm tính thì tâm suy. Phải, nhưng lại làm sai, do đó mà chúng sanh mãi đọa lạc trong vòng luân chuyển không tìm ra được lối thoát. Thật là tai hại thay…!

 Đây chính là giai đoạn tâm hồn bị giao động nên phải nhờ đến sức phù trợ thiêng liêng, tức là tha lực nhưng cũng cần phải tự lực mới là mong giải thoát đặng. Đã tỉnh ngộ rồi đừng để cho một lần nữa sẩy chân …! Chơn lý ở tại lòng ta, đừng để cho ma tâm che khuất thì sau khỏi hối tiếc. “ và giác ngộ an vui”.

103- Sen sống trong bùn, nhưng bùn không thể làm cho Sen ố nhiễm. Cũng như thế những sản phẩm mỹ lệ, khéo tay không mê hoặc cám dỗ được những tâm hồn đã tẩy sạch nhơ nhớp.

 104- Đừng lừa nhau từ tiếng và tranh nhau từng lời để mưu đồ lợi danh.         Đó là việc làm của phàm phu mà thôi, há ta là người tu mong thoát vòng sanh tử khổ, lại ta không biết sắc, danh, lợi là sản phẩm để mua chuộc của chúng ma. Nó hằng giết hại, đọa đày vô số chúng sanh xuống hang sâu vực thẳm đó sao? Trước cơn giông tố hãi hùng của cuộc đời vô thường, người lữ khách đã giác ngộ thì không bao giờ bước thêm vào bóng tối hang ma, mà trở nên tốt, để tự giải thoát lấy mình.

  105- Khất sĩ muốn tự tại vô ngại thì đừng cố chấp mà nên phải nghĩ rằng:Việc đời không có gì hay, cũng không có gì dở. Sao cũng được cũng bằng nhau…      

  Đối với gia đình hoặc xã hội,đoàn thể cũng vậy. Việc giáo dục học trò con em có ra là để khỏi thiếu bổn phận mà thôi, và( dạy chớ không trị ) Vì chúng sanh đa bệnh, nặng nghiệp. Sự tiến hóa khác nhau vậy, để phải tùy cơ theo căn bệnh, căn tánh hay trình độ mà ta hướng dẫn…!

  106- Mỗi khi gặp ai dù là thân sơ hay quen là gì cũng vậy, phải giữ lễ lịch sự, không nên nói nhiều hoặc bàn luận việc xấu tốt, hay dở khen chê để tỏ vẻ hơn người. Có giảng Đạo ta cũng biết sức mình và lúc nào nên nói. Đừng thuyết pháp cho kẻ đói lòng, hãy cho ăn rồi hãy nói.

 107- Không nên kêu gọi người đi xuất gia hay tại gia theo mình tu, hãy để tự ý người, muốn làm cho sáng tỏ chức vụ của mình, là ta có thể thuyết minh lý Bát Chánh Đạo: Vô thường, khổ não, vô ngã. Hay một nghĩa Chơn đế nào khác v.v… Để người nghe có thể xác nhận được một đường lối, một học thuyết chính xác duy nhất, có thể đưa họ đến hạnh phúc, cứu cánh. Do đó họ sẻ phát tâm cầu Đạo, lúc ấy ta sẻ hết lòng giúp đỡ hơn là sự kêu gọi khuyến rủ, Tại sao? Vì Đạo Khất sĩ quá cao thâm “ Sẵn cơm ngon để đãi người. Nhưng đừng ép, khi họ chưa đói”.

 108- Khất sĩ đừng tạo duyên sống chung với những kẻ còn nặng nghiệp trần, đa ngôn, vọng ngữ,ỷ lại, hách dịch, ngoan cố thiếu thiện chí, vô trách nhiệm hay bới long tìm vết. Đến đây nó nói kia, đến kia nói đây gây xáo trộn tình huynh đệ, chia rẻ thầy trò… Những kẻ dữ không biết phục thiện, ta cần xa tránh, để giữ gìn bảo toàn thiện cảm. Đức Phật Tổ có tài đức song toàn, nhưng Ngài cũng chỉ độ người nhẹ nghiệp, có đủ duyên lành mà thôi. Vậy hãy để tùy cơ duyên, đừng vọng cầu thì khỏi khổ cho ngày sau!

 109- Mỗi khi muốn tiếp nhận một người xuất gia phải hội đủ điều kiện : Như đã ấn định ở nội quy(điều 4)  ngoài ra còn phải cứu xét kỹ càng về hạnh kiểm, lý lịch. Nhận diện coi có đủ đầy phước đức nhân duyên, có làm Tăng Ni được không? Và phải tập sự ít nhất 2 năm mới có thể trau truyền Y Bát, giới luật. Trừ trường hợp đặc biệt có thể sớm hơn “ Đặc trách cho những vị có đức hạnh”.

 110- Những người mới xuất gia hay các vị ở giáo đoàn khác họ muốn nhập chúng vào giáo hội để sống chung tu học đều được như ý và đón tiếp    

     bình đẳng, nhưng điều kiện phải xin tình nguyện sống chung với giáo hội

     một thời gian ít nhất là 2 năm và điều cần thiết là phải có giấy giới thiệu

     của đoàn thể, liên hệ củ là mới được giáo hội chấp thuận. Trừ trường

     hợp đặc biệt có thể đặc cách cho những vị có ( thể có ) duyên lành và

      đức hạnh.

    111- Sư trị sự cũng như các vị sư có trách nhiệm không nên vội vàng

      thâu nhận. Những người nông nổi là thiếu thiện chí vô trách nhiệm cho

      nhập đạo và phải lưu tâm dìu dắt, dạy bảo nâng đỡ những người đã

      thâu nhận cho chu đáo. Trong thời gian ít nhất 2 năm và tiến tu.

    112- Muốn trao truyền giới luật y bát cho Sa Di hay Tỳ Kheo cũng vậy

       Trước phải cho đương sự được học hỏi qua thời gian cho có kinh

        nghiệm đã, không nên vội vàng thi hành việc truyền trao ấy một cách

        nông nổi vì sẻ có thể hậu quả không được như ý.

     113- Đừng ghen ghét và nói xấu ai, mà khen ngợi thành thật đặc tính ấy

     Là phương tiện mau lẹ nhất làm cho tính thần thiện cao hơn và được 

      người ta kính mến.

   114- Đừng bới xấu ai, bới xấu người là xúi bảo họ hảm hại mình đấy! vô tình sẻ đưa nhau xuống hố thẳm, khó mà lên được “ Con Ếch chết vì cái miệng”. Vậy mõi khi nói phải cẩn ngôn, cẩn hạnh, gặp kẻ ác, lòng kiêu mạng hãy kính mà xa lánh.

   115- Khất sĩ tự trọng lấy mình trước, sẻ được người kính sau, tự khinh người trước, sẻ bị người khinh sau. Trọng người sẻ được ngược ta kính lại. Khinh người tất bị người ta khinh lại. Sinh sự tức sự sinh là vậy.!

   116- Hãy tạo thêm bạn mới, và đừng để mất bạn cũ. Tạo bạn thì dễ, giữ được mới là khó. Những người bạn chân thành khó mà kiếm, kết bạn như núi. Trên hai, dưới hai mà giữ lòng chơn thật mới phải là người quân tử trượng phu.

   117- Cưỡng chế đè nén thị hiếu để biểu dương đức tánh khoan dung và hạnh nhẫn nhục mới có thể đem lại sự sống hiền hòa và ích lợi, cộng đồng. Một xã hội được lành mạnh không bị nứt rạn là nhờ đức hạnh khoan dung và lòng kiên nhẫn.

   118- Chẳng những tha thứ cho kẻ nhục mạ mình, Mà còn phải thật lòng thương xót, vì là những kẻ vô phước mới phải những tật xấu ..ưa làm các việc hung bạo vô ý thức. Nhẫn nhục lâu ngày thành thói quen sẻ đắc Đạo.

    119- Người có lòng thành không thẹn với trên, không hổ với dưới. Được người kính trọng. Gia đình êm ấm “ Lòng lành là nơi dung thân chắc chắn”.

    120- Khất sĩ đừng chống đối ai. Nhất là những kẻ cường bạo! Đừng ỷ lại vào thế lực: Thế lực có ngày suy. Đừng ỷ giàu, giàu có nghèo. Đừng sợ yếu, yếu có ngày mạnh. Hãy tự tin vào chính ta và quan Thầy tối cao của ta là đức hy sinh và lòng chơn thật vô tư.

    121- Thấy việc gì phải thì làm, làm cho có bổn phận và mục đích làm để trau Tâm, không nên kể công khó nhọc hoặc cầu danh. Tức là người chánh giác.

    122- Mình là người thợ khéo tự xây dựng đời mình là lòng nhân nghĩa. Đừng phụ bạc, dù là bất cứ nghịch cảnh nào…

    123- Phải biết trọng danh hơn cầu danh, lo tạo phước hơn cầu phước. Trọng danh là quí, tham danh là tiện. Gieo phước là trí tìm cầu phước là mê. Phục thiện là sang, ỷ tài là hạ. Quý, tiện, trí,mê,sang, hèn, đều do nơi mình tạo hết!

    124- Lấy chơn Tâm làm thầy, lấy việc chánh trị tà, lấy trung trị bạc, lấy bố thí trừ gian  lam, lấy giới hạnh trừ tệ đoan, lấy nhẫn nhục trừ sân giận, lấy siêng năng trừ biếng nhác, lấy sự thanh tịnh trừ vọng tâm, lấy trí huệ trừ si mê, lấy từ bi bác ái trừ lòng bỏn sẻn, hẹp hòi, điên đảo và hung ác!

     125- Khất sĩ có hai con đường khổ và vui, tức là sự trong sạch và ô trược. Trong sạch thì nhẹ nhàn cao thanh, sống yên vui bền dài, ô trược thì khổ thấp, nặng ngắn ngủi, mỗi người tự chọn lấy đường đi.

    126 Nhỏ tự lợi, lớn lợi tha, già hưu trí, là con đường vui. Ham chơi say sưa bẩn thỉu, là con đường khổ, tội lỗi mà biết ăn năn sửa mình, thì cũng trở nên người minh triết … Đừng tạo tội ganh ghét đồng loại, đồng nghiệp.

   127- Hãy xua đuổi những ý xấu đã có, hay đang xâm nhập nơi lòng. Và nhận lấy cho mình trách nhiệm tương xứng vừa phải, đặng góp phần vào việc công ích.

    128- Người đắm đuối theo sắc, tài, danh,lợi ắt phải tranh cướp, xâu xé lẫn nhau, người tu mà ham sắc, tài, danh,lợi, thì xác tuy còn nhưng hồn mất.Có gì trong sạch cao đẹp? Tốt hơn! Làm kẻ sĩ, xa lánh bụi trần,gần gũi thiên nhiên, chẳng phải là nhẹ nhàn và sung sướng lắm ư!!! Ham sắc thì sẻ mất Đạo hạnh, ham lợi bỏ nghĩa. Ham danh là hư thân mình!

     129- Biết phán đoán giá trị loại bỏ những đam mê phóng đản. Có tinh thần trách nhiệm và hướng dẫn kiểm soát diệt bỏ bản ngã là thực hiện được tự do nhân vị là người biết tự trọng.

     130- Khất sĩ có lý trí phán đoán mới cấu tạo được đặc tính nhân vị, tự do, cao thượng, khi lý trí chưa sáng tạo, hay có lý trí mà bị những lôi cuốn mù quáng của dục vọng làm tổn thương đến giá trị đời sống, thì gọi là trí ngủ phải đâu là khất sĩ chánh giác.

     131- Tự nguyện lãnh lấy bổn phận tùy theo khả năng và sở trường để khỏi mang tiếng là vô trách nhiệm ( Nhưng phải nhờ Thầy dạy của mình giúp đỡ ý kiến và quyết định cho).

      132- Không an thân thủ phận, vui theo lớp sống thừa nô lệ …để rồi sẽ chôn lấp cuộc đời theo thời gian quên lãng.

       133- Giữ giới hạnh thanh bần ôn hòa, lễ độ trang nghiêm, để khỏi phụ lòng tin cậy và sự cung kính của bá tánh hoặc mỗi khi gặp ai thấy được Khất sĩ như gặp Phật vậy.

      134- Muốn được lòng tin cậy và sự cung kính của bá tánh, thì phải cẩn thận tự xét mình đừng quá trớn. Nhất là sáng suốt và thẳng thắn, có thiện chí hiền lành, quyết hy sinh trọn kiếp để phục vụ Đạo đức không hề chán nản!

     135- Phải thận trọng không nên lầm lẫn về chức sắc, hoặc cao niên tu học và hành đạo của mình. Khi chưa được sự chứng minh của Tam Bảo. Chứng nhận có mới được tôn và nên nhớ những học trò thi đậu hay rớt!!!

      136- Khất sĩ không chấp nhận những tệ đoan … xâm lấn lòng mình là duy trí, bảo vệ sự thuần mỹ, tượng trưng cho nếp sống lý tưởng cao đẹp tuyệt hảo mà mỗi người có thể thực hiện được. Để hòa bình trong cõi tinh thần huyền diệu vô biên.

      137- Tự lực giải thoát:  Muốn được giải thoát cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của tha lực. nhưng ta không có thể ỷ lại hoàn toàn vào tha lực, mà phải có tự lực, để đạt tới quả vị tối hậu của chánh đẳng –chánh giác.

                                            GƯƠNG CAO ĐẸP

     138- Nhân ái, ôn hòa, trung hậu, thật thà, tử tế là phép cư xử của bậc Đại hiền, Đại trí . Ngược với tính nết khắt khe, lạnh nhạt, khó khăn, đơn độc, riêng tư vô hữu ích. Chung qui dù tài giỏi cũng không phải là Khất sĩ Đại giác.

    139- Tuy chưa độ đời được rốt ráo, nhưng đời sống của những bậc trong sạch vẫn là tấm gương cao đẹp giúp ích cho những tâm hồn hướng thượng.

     140- Tự đặt mình trong căn nhà lá nhỏ hẹp với bộ áo quần đơn sơ, cùng sự sinh sống nghèo nàn mà thật trong sạch có Đức thì đời sống vẫn được tỏ và tín phục.

     141- Khất sĩ vì giác ngộ chơn lý vì sợ tội lỗi nên phải tu:là ý tưởng cao đẹp, duy  trì …Bảo vệ sự thuần mỹ, lẻ sống tinh khiết trong sạch và cao thượng.

     142- Nên biết rằng Đức Thế Tôn ngự trên vạn vật. vậy ta hãy tôn nghiêm sùng kính tất cả. Cứ niệm tưởng như thế và thật hành cho quen đi rồi lần hồi sẻ nhập cõi linh diệu.

      143- Khi nào đủ nghị lực chế ngự được lòng ham muốn hư danh, thì lúc ấy sẻ trở nên người hiếu hạnh  và điển linh quang từ cõi xa xăm bắt đầu chiếu diệu pháp nhiệm màu.

      144- Hãy nổ lực canh tân có gắng thi hành phận sự, đừng thiếu bổn phận bất cứ lúc nào. Để tỏ ra xứng đáng là người có thiện chí và tinh thần trách nhiệm. Chỉ có thể tìm thấy sự yên ổn cho linh hồn và thể xác là khi nào làm tròn bổn phận con người của mình.

     145- Muốn giúp đời bằng cách truyền bá chánh pháp, phải học hỏi và nghiên cứu kinh- luật- luận cho được uyên thâm đã. Điều cốt yếu hơn phải lập nguyện và giữ gìn giới luật trong thời gian từ 6 đến 12 năm. Tuy nhiên có thể sớm hơn sự ước tính đối với những bậc có trí tuệ.

     146-Khất sĩ làm gương tự trọng : Chư Tăng Ni lấy danh dự hứa triệt để tuân theo những giáo điều ấn định trong luật này và tự nguyện cố gắng làm tròn bổn phận của bậc Khất sĩ chánh giác biết sửa mình và được lãnh Đạo.

                                 PHƯƠNG PHÁP LÃNH ĐẠO

      147- Trước sự bất công của Tăng chúng hay quần chúng. Người lảnh đạo không quy tụ những hiền tài được. Hoặc có những phản ánh thoái hóa chứng tỏ sự suy nhược hư hại của Tăng chúng. Hay quần chúng thì người hướng đạo phải vận động phối hợp ước tính cứu nguy bằng cách: Thiết thực Tăng chúng sinh hoạt tu chỉnh bản thân trong mọi trường hợp. Cố gắng để phục vụ thiện. Nổ lực làm tròn bổn phận khuyến khích các cấp vui lảnh trách nhiệm là khả năng chơn chánh. Để biện minh cho một ý thức tiến bộ. Chuyển bại thành thắng, là do sáng kiến giác ngộ mà được kết quả như thế ..

     148- Tưởng cũng nên duyệt xét lại cho thật kỹ càng, về một học thuyết, một đường lối mà mình muốn theo. Coi chủ trương ấy có thể đưa con người đến hạnh phúc cứu cánh được không?

   Rồi sẻ quyết định và cố tiến thủ hầu đạt tới nguyện vọng tối đa của mình hoặc tối hậu chánh đẳng –chánh giác.

    149- Tóm lại : Hành Đạo mới đắc Đạo …Sau khi ra về người lữ khách hiểu biết được tất cả sự thật.Giá trị của tòa nhà làm bằng thất bảo và sự trang trí của tòa nhà rất là lộng lẫy, nguy nga chứa đựng nhiều vật báu quý. Nhưng khách lữ hành vần chỉ là lữ khách, thì ta có cần bận lòng chi? Cũng như thế: Học Đạo và hiểu Đạo chưa phải là đắc Đạo. Mà cốt yếu là phải: Hành Đạo (sửa Tâm ) mới là Đắc Đạo. “ Gương hạnh lành hơn chỉ trách”

     * Thường nói lời dịu ngọt

     *  Chinh phục được tính xấu

     *  Diệt tận ngã chấp

    Thành tựu ngũ trí, tức là siêu Đạo A-La-Hán,Bồ Tát, Phật Thế Tôn.

 

           -    Giới là nguồn cội của Đạo Phật

-         Giới còn thì Đạo Phật vẫn còn

-         Giới mất thì Đạo Phật phải mất

-         Giới ví như bầu không khí để hộ lấy sự sống

Của muôn loài

-         Giới ví như bức tường để ngăn các nẻo phóng Tâm

Chẳng cho lục trần thâm nhập.

-         Có giới mới có thể phân biệt được nẻo chánh tà

Có giới mới có sự an vui hoàn hảo, giới là cái nhân sanh của giống người trời .

-         Nghĩa là giới mới có thể bảo giữ cho con người được hoàn toàn tấn hóa. Giới luật dắt dẫn người hành đạo từ thấp chí cao, tùy đẳng cấp, chớ sự tu hành chẳng phải không chuyên mà thành, không hành mà đắc.

-         Giới ví như bờ biển bao giờ cũng lài, cũng thấp, cũng

bằng thẳng chớ không phải dốc đứng và hỏm sâu như các giếng ao vậy.

  Vì thế nên vị nào hiểu rõ giới luật ấy rồi, thì hết lòng vui thích mà hành theo điều luật mà Phật đã giáo huấn cho các thinh văn rồi ví dầu có điều chi uất trắc đến đổi phải chịu luật tử hình đi nữa, cũng không thể nào ai dám bạo gan mà bỏ điều luật ấy.Cũng như nước trong biển cả hằng giữ lấy mực cũ chớ không vì một nguyên nhân gì mà phải đầy vơi như nước ở sông ở rạch.

 Bởi thế nên vị nào hiểu biết điều luật ấy lấy làm vui thích mà hành theo./.  

 

(Thành kính ghi chép nguyên văn cuốn CHƠN LY Khất sĩ cẩm nang)        

 

  * Nhận thấy Cẩm nang Khất sĩ  có thể dành cho tất cả Giới xuất gia và tại gia, tất cả ai muốn sống đời sống trong sạch, cao đẹp và giải thoát. Nên xin trân trọng giới thiệu đến với mọi người;                                                                                                (Kinh luật gội nhuần Tâm trẻ dốt, cẩm nang trau chuốt ấy mùi ngon)                                                                                                 *   Ở đây người viết chỉ đề cập đến luật cẩm nang Khất sĩ mà thôi, còn những luật trên thuộc bộ CHƠN LÝ: Đại đồng 69 cuốn sẻ lần lượt giới thiệu đến độc giả trong thời gian tới.

                        

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (2 đã gửi)

avatar
28/10/2010 21:17:35
rất hay và rất chân thật
avatar
28/10/2010 21:22:50
nếu như trên đời nay tất cả mọi người đều thực hành như vậy thì tốt biết bao?!sẻ không có việc đao binh xảy ra, người người đều tin tưởng lẫn nhau, cuộc sống thật vui và êm đẹp biết chừng nào .!.
tổng số: 2 | đang hiển thị: 1 - 2

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.67

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Chơn Lý Cẩm Nang Khất Sĩ Chơn Lý Cẩm Nang Khất Sĩ
28/10/2010 07:29:00
Next

Đăng nhập