Nghe kinh, một văn liệu Phật học sinh động

Đã đọc: 11217           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Đúng ra thì nghe kinh không phải là một thuật ngữ Phật học. Nó chỉ là sự mô tả về quá trình tiếp cận kinh pháp của người Phật tử, hay những ai có cảm tình với đạo Phật, suy rộng ra là đối với mọi loài chúng sinh, đều nên được nghe kinh Phật, để từ đó thức tỉnh tu tập, lìa bỏ sông mê, tìm về bến giác.

Kho tàng kinh điển của Phật giáo vô cùng phong phú, nên chỉ xét riêng về số lượng thuật ngữ Phật học cũng đã hết sức dồi dào. Từ lãnh vực thuật ngữ mang tính chất tư tưởng, triết lý, nhiều thuật ngữ Phật học đã đi vào văn chương, góp phần làm phong phú cho kho tàng văn liệu dân tộc. Chẳng hạn, từ thuật ngữ từ bi, trong văn học cổ điển, chúng ta có nào cửa từ bi, bến từ bi, gió từ, trăng từ, thuyền từ, doành từ và cả lửa từ bi trong thi ca hiện đại.

 

Bài viết này, chúng tôi xin bàn về một văn liệu Phật học rất nôm na mà cũng rất sinh động, đó là "nghe kinh".

 

Đúng ra thì nghe kinh không phải là một thuật ngữ Phật học. Nó chỉ là sự mô tả về quá trình tiếp cận kinh pháp của người Phật tử, hay những ai có cảm tình với đạo Phật, suy rộng ra là đối với mọi loài chúng sinh, đều nên được nghe kinh Phật, để từ đó thức tỉnh tu tập, lìa bỏ sông mê, tìm về bến giác.

 

Chính từ ý nghĩa rộng này, kết hợp với tính chất gợi hình trong thi ca, mà từ ngữ nghe kinh đã được dùng theo ngả nhân cách hóa và trở thành một văn liệu Phật học sinh động: ở đây, trong khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh, không chỉ có con người mà cả các loài vật khác cũng cùng được nghe kinh.

 

-- Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) đời Trần, vị Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, có lẽ là nhà thơ đầu tiên đã sử dụng văn liệu ấy đối với loài vật:

 

"Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng, vượn bồng con kề cửa nghe kinh.
Nương am vắng, Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu, mây nhè nhẹ:
Ghé song thưa, thầy ngồi thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh".
(Bài Vịnh Hoa Yên tự phú. Đinh gia Khánh phiên âm. Hợp tuyển Thi Văn VN - Thế kỷ X-XVII, 1976, tr 164).

 

-- Đến Đào Duy Từ (1572-1634) thì đối tượng nghe kinh vẫn còn là những chú vượn, nhưng thay vào đàn chim đông đảo kia là những chú chim đẹp như oanh, yến, hạc:

 

"Nghiêm thay tướng pháp Như Lai
Cao giơ tuệ kiếm, sáng ngời thủy tinh
Thời lành cả mở hội lành
Reo đưa gió Phật, quét thanh bụi tà
Vầy đoàn yến múa, oanh ca
Vượn xanh dâng trái, hạc già nghe kinh"
(Tư Dung Vãn, câu 171 -176, dẫn theo Hợp tuyển Thi Văn VN - Thế kỷ X-XVII, 1976, tr 811).

 

-- Tới Chu Mạnh Trinh (1862-1905), nhà thơ của danh lam thắng cảnh chùa Hương thì những đối tượng được nghe kinh kia đã được thu gọn lại là chim và cá, ở đây không chỉ là lời kinh mà còn có tiếng chuông điểm xuyết, vang vọng, thúc dục:

 

"Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe Yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giắc mộng..."

 

Đó là những vần thơ theo ca trù (của Hương Sơn Phong Cảnh ). Còn đây là những câu thơ lục bát (của Hương Sơn Nhật Trình Ca ):

 

"... Muôn hồng nghìn tía tưng bừng
Suối khe thét nhạc, thông rừng dạo sênh
Chim cúng quả, cá nghe kinh
Then hoa cài nguyệt, chày kình nện sương..."

 

-- Sẽ rơi vào con đường mòn sáo nếu nhà thơ, văn chỉ bằng lòng với sự lặp lại những hình ảnh đã có, đã được những người đi trước nêu dẫn. Vì vậy, đối với thi hào Nguyễn Du (1765-1820) văn liệu này cần được phát hiện, soi sáng; nói cách khác, đối tượng được nghe kinh vẫn là các loài chúng sinh đau khổ, nhưng lần này là những chúng sinh rất đặc biệt:

 

"Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra
Lôi thôi ẵm trẻ, dắt già
Có khôn thiêng hỡi, lại mà nghe kinh..."
(Văn tế thập loại chúng sinh, câu 153-156).

 

Lời thơ như những lời kinh cầu, tha thiết đến nghẹn ngào.

 

Tiếp theo đấy, Nguyễn Du đã nhấn mạnh về tính chất nhiệm mầu của kinh pháp Phật trong cái diệu dụng làm thức tỉnh muôn loài:

 

"Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao
Mười loài là những loài nào
Gái trai, già trẻ, cùng vào nghe kinh..."
(Văn tế thập loại chúng sinh, câu 165-168).

 

-- Âm vang của những vần thơ trên chúng ta còn thấy nơi nữ sĩ Anh Thơ, tất nhiên khung cảnh vẫn là ngày Vu Lan Rằm tháng Bảy - xá tội vong nhân:

 

"Trong chùa điện hương đèn nghi ngút sáng
Tiếng mõ chuông hòa nhịp trống bên đình
Lời cầu cúng truyền theo làn gió thoảng
Quyến cô hồn nương gió lại nghe kinh..."
(Bài Rằm tháng Bảy, dẫn theo Thi nhân Việt Nam, 1986, tr 180).

 

-- Cũng có thể dẫn thêm một tiếng thơ hiện đại, trong cái nỗ lực tìm tới cửa thiền khi đôi chân đã chồn bước trên bao dặm đường đời:

 

"Con quỳ trước điện nghe kinh
Nhỏ nhoi một chấm nhăn sinh tìm về
Mịt mù Tây Trúc cội quê
Thì xin quét lá bồ đề tịnh viên ..."
(Tường Linh, bài Cổ Tự, Phật Đản 1997).

 

Hòa cùng với sự chân thành là những soi rọi, khám phá về mình, về đời:

 

"... Con về góp khói hương bay
Chờ chuông cổ tự cuối ngày vọng thanh
Và quên, dù bại hay thành
Còn đêm đầy gió trăng lành xưa sau
Bụi trần hạt khổ hạt đau
Hay thinh lặng ghép theo màu nhân gian
Sông mê, bờ ngập, sóng tràn
Lời kinh chở ý đạo vàng gọi ai".
(Tường Linh, bài Cổ Tự, Phật Đản 1997)

 

Nghe kinh, qua những nêu dẫn trên, quả đã gắn bó với suốt cả chiều dọc của thi ca Việt Nam, từ ca dao: "Rủ nhau xuống biển xem đua; Lên non ngắm nhạn, vô chùa nghe kinh", đến thi ca cổ điển, hiện đại, xứng đáng là một văn liệu Phật học xuất sắc. Đó là sự thể hiện những nỗ lực của con người, cũng như các loài chúng sinh, nhằm vươn lên từ thế giới khổ đau, lầm lạc để tìm về một thế giới thanh tịnh, an lành, là điểm tiếp giáp giữa thế giới hiện thực và cảnh giới siêu nhiên mầu nhiệm.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
dao huy binh 24/02/2010 22:16:17
hay nho lay ...con nguoi lot xac nhu loai ran ay ma ...
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.50

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập