KINH PHÚNG TỤNG VÀ KINH THẬP THƯỢNG HAY TIỀN KẾT TẬP LẦN I

(Những suy nghĩ trong tu tập theo Phật pháp)
Kinh Phúng Tụng và kinh Thập Thượng là 2 bài kinh rất quan trọng trong việc tìm hiểu chánh pháp do Đức Phật thuyết giảng. Nội dung chứa đựng các phương pháp tu tập được Ngài Sariputta và 500 vị Tỷ-kheo tổng kết, tụng đọc, và được Đức Phât chấp thuận. Có thể xem sự kiện này như là lần kết tập Chánh pháp đầu tiên diển ra ngay thời Đức Phật tại thế, hay tiên khởi của lần kết tập thứ I diển ra không lâu sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn.
Do tính chất quan trọng trên, nên 2 bài kinh này thật cần thiết cho những ai đang nổ lực tìm hiểu về Chánh pháp, nhưng lại không có thời gian để nghiên cứu các Tạng kinh, đồng thời tránh cho những nổ lực trong quá trình tu tập không bị lãng phí, để lý tưởng tự giác, giác tha có đủ điều kiện thực hiện có hiệu quả, mang lại lợi ích thật sự cho mình và cho người.
Nội dung kinh bao gồm các pháp môn, phương pháp, vấn đề, chủ đề, đề tài, đề mục . . . (tám vạn bốn ngàn pháp môn) đã được Đức Phật thuyết giảng, được Ngài Sariputta theo lời dạy của Thế Tôn tổng kết lại. Về sau các nội dung tu tập này được tìm thấy trong 9 thể loại văn học, như: Kinh, ứng tụng, giải thuyết, kệ tụng, cảm hứng ngữ, như thị ngữ, phương quảng . . .
Tất cả các pháp trên hay Chánh pháp đều nhắm đến mục đích thực hành để đoạn tận khổ đau hướng đến giải thoát ngay trong hiện tại và trong tương lai.
I/ KHÁI QUÁT NỘI DUNG
Có thể tóm lược pháp được Đức Phật giảng dạy có tất cả 329 pháp, gồm:
- 229 pháp căn bản, từ một pháp đến mười pháp
- 100 pháp được sắp xếp theo mười đối tượng tu tập (tùy pháp), căn cứ theo tính chất, mục tiêu của 229 pháp cơ bản trên.
Mười đối tượng tu tập gồm: 8 đối tượng thiện, đưa đến an lạc, giải thoát và 2 đối tượng bất thiện, đưa đến đau khổ, sinh tử luân hồi. Mỗi đối tượng có 10 pháp như vậy có tổng cộng 100 pháp.
A/ 229 pháp căn bản: từ một pháp đến 10 pháp
1/ Một pháp có 1 ( Tất cả loài hữu tình do các món ăn (ahara) mà an trú, tất cả loài hữu tình do các hành (samkhara) mà an trú )
2/ Hai pháp có 33 ( Danh và sắc, Vô minh và hữu ái, Hữu kiến và vô hữu kiến, Vô tàm và vô quý, Vô hại và từ ái, Chánh niệm và tỉnh giac, Giới thiện xảo và tác ý thiện xảo, Chỉ và quán, Niệm lực và định lực, Tư duy lực và tu tập lực, Thất niệm và bất chánh tri . . . )
3/ Ba pháp có 60 ( Ba bất thiện căn, Ba thiện tưởng, Ba kiết sử, Ba bất thiện giới, Ba nghi, Ba điều Như Lai không cần gìn giữ, Ba dục sanh, Ba loại lạc sanh, Ba cử tội sự, Ba phước nghiệp sự, Ba sự tu tập, Ba thiện xảo, Ba định, Ba Thần thông . . . )
4/ Bốn pháp có 50 ( Bốn niệm xứ, Bốn thiền, Bốn Chánh cần, Bốn vô lượng tâm, Bốn trí, Bốn tu tập thiền định, Bốn y chỉ, Bốn Thánh chủng, Bốn giới, Bốn thức trú, Bốn ái sanh, Bốn pháp uẩn, Bốn sự cúng dường thanh tịnh . . . )
5/ Năm pháp có 26 ( Năm dục công đức, Năm xan tham, Năm Triền cái, Năm hạ phần kiết sử, Năm thượng phần kiết sử, Năm bất năng xứ, Năm sự thành tựu, Năm điều lợi ích của người giữ đủ giới, Năm tịnh cư, Năm cần chi, Năm tâm triền phược . . . )
6/ Sáu pháp có 22 ( Sáu nội xứ, Sáu tưởng thân, Sáu suy tư đến hỷ, Sáu suy tư đến xả, Sáu hòa kính pháp, Sáu tránh căn, Sáu xuất ly giới, Sáu hằng trú, Sáu quyết trạch phần tưởng . . . )
7/ Bảy pháp có 14 ( Bảy tài sản, Bảy giác chi, Bảy lực, Bảy diệu pháp, Bảy thù diệu sự, Bảy thức trú, Bảy kiết sử, Bảy diệt tránh pháp . . . )
8/ Tám pháp có 11 ( Tám tà, Tám chánh, Tám người đáng cung kính, Tám giải đãi sự, Tám tinh tấn sự, Tám bố thí sự, Tám thí sanh, Tám thế pháp . . . )
9/ Chín pháp có 6 ( Chín xung đột sự, Chín Phạm hạnh trú, Chín bất thời bất tiết, Chín thứ đệ trú, Chín thứ đệ diệt . . . )
10/ Mười pháp có 6 ( Mười hộ trì nhân pháp, Mười biến xứ, Mười bất thiện nghiệp đạo, Mười pháp vô học, Mười Thánh cư . . . )
229 pháp trên bao gồm cả giới định tuệ hay giới học, tâm học, tuệ học, và phần thực hành hay ba sự tu tập gồm Thân tu, tâm tu, tuệ tu.
B/ 100 pháp sắp sếp theo 10 đối tượng tu tập, được thành lập từ 229 pháp căn bản:
a/ Hai đối tượng bất thiện, đưa đến khổ đau trong hiện tại và trong tương lai lâu dài cần phòng hộ và diệt trừ trong tu tập: có 20 pháp
+ Pháp cần phải đoạn trừ có 10 pháp
- Một pháp cần phải đoạn trừ: Ngã mạn
- Hai pháp cần phải đoạn trừ: Vô minh và hữu ái
- Ba pháp cần phải đoạn trừ: Dục ái, hữu ái, phi hữu ái
- Bốn pháp cần phải đoạn trừ: Dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu.
- Năm pháp cần phải đoạn trừ: (Năm triền cái). Tham dục triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái . . .
- Sáu pháp cần phải đoạn trừ: (Sáu ái thân) Sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái . . .
- Bảy pháp cần phải đoạn trừ: (Bảy tùy miên). Tham dục tùy miên, sân tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên . . .
- Tám pháp cần phải đoạn trừ: (Tám tà). Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp . . .
- Chín pháp cần phải đoạn trừ: (Chín ái căn pháp). Do duyên ái, tầm cầu sanh, do duyên tầm cầu, đắc lợi sanh, do duyên đắc lợi, phân biệt sanh, do duyên phân biệt, tham dục sanh, do duyên tham dục, thủ trước sanh . . .
- Mười pháp cần phải đoạn trừ: (Mười tà pháp). Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn . . . tà trí, tà giải thoát
+ Pháp chịu phần tai hại có 10 pháp:
- Một pháp chịu phần tai hại: Bất chánh tác ý
- Hai pháp chịu phần tai hại: Ác ngôn và ác hữu
- Ba pháp chịu phần tai hại: (Ba bất thiện căn). Dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
- Bốn pháp chịu phần tai hại: (Bốn ách). Dục ách, hữu ách, kiến ách, vô minh ách.
- Năm pháp chịu phần tai hại: Năm tâm hoang vu. (như trong kinh Phúng tụng)
- Sáu pháp chịu phần tai hại: (Sáu bất cung kính pháp). Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ-kheo sống khộng cung kính, chống đối bậc Đạo sư, chống đối với Pháp . . . chống đối với Tăng . . .
- Bảy pháp chịu phần tai hại: (Bảy phi diệu pháp). Này các Hiền giả, ở đây, có vị Tỷ-kheo bất tín, vô tàm, vô quý, thiểu văn, giải đãi, thất niệm . . .
- Tám pháp chịu phần tai hại: Tám giải đãi sự. (như trong kinh Phúng tụng)
- Chín pháp chịu phần tai hại: Chín hại tâm. (như trong kinh Phúng tụng)
- Mười pháp chịu phần tai hại: Mười bất thiện nghiệp đạo. (như trong kinh Phúng tụng)
b/ 8 đối tượng thiện, đưa đến an lạc, giải thoát trong hiện tại và tương lai: có 80 pháp
+ Pháp có nhiều tác dụng có 10 pháp:
- Một pháp có nhiều tác dụng: Bất phóng dật đối với các thiện pháp
- Hai pháp có nhiều tác dụng: Niệm và tỉnh giác
- Ba pháp có nhiều tác dụng: Giao thiệp với thiện nhân, nghe diệu pháp, hành trì pháp và tùy pháp
- Bốn pháp có nhiều tác dụng: (Bốn bánh xe ). Trú ở trung quốc, thân cận thắng nhân, chánh nguyện tự thân, tạo phước trong quá khứ.
- Năm pháp có nhiều tác dụng: Năm cần chi (như trong kinh Phúng tụng)
- Sáu pháp có nhiều tác dụng: Sáu hòa kính pháp (như trong kinh Phúng tụng)
- Bảy pháp có nhiều tác dụng: (Bảy tài sản). Tín tài, giới tài, tàm tài, quí tài, văn tài, thí tài, tuệ tài.
- Tám pháp có nhiều tác dụng: Có tám nhân, tám duyên đưa đến chứng đắc trí tuệ căn bản phạm hạnh, nếu chưa chứng được, đưa đến bội tăng, quảng đại, phát triển, viên mãn . . .
- Chín pháp có nhiều tác dụng: (Chín pháp tư duy về căn pháp). Do chánh tư duy, hân hoan sanh; do hân hoan sanh, hỷ sanh . . . do ly dục sanh, vị ấy được giải thoát.
- Mười pháp có nhiều tác dụng: Mười pháp hộ trì nhân pháp (như trong kinh Phúng tụng)
+ Pháp cần phải biến tri có 10 pháp:
- Một pháp cần phải biến tri: Xúc hữu lậu hữu thủ
- Hai pháp cần phải biến tri: Danh và sắc
- Ba pháp cần phải biến tri: (Ba thọ). Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ
- Bốn pháp cần phải biến tri: (Bốn thực) Đoàn thực loại cứng hay loại mềm, xúc thực là thứ hai, tư niệm thực là thứ ba, thức thực là thứ tư.
- Năm pháp cần phải biến tri: (Năm thủ uẩn) Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn
- Sáu pháp cần phải biến tri: (Sáu nội xứ). Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ . . .
- Bảy pháp cần phải biến tri: Bảy thức trí (như trong kinh Phúng tụng)
- Tám pháp cần phải biến tri: (Tám thế pháp). Đắc và không đắc, không có thanh danh và có thanh danh, chê và khen, lạc và khổ.
- Chín pháp cần phải biến tri: 9 hữu tình trú (như trong kinh Phúng tụng)
- Mười pháp cần phải biến tri: (Mười xứ). Nhãn xứ, sắc xứ, tỷ xứ, hương xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ.
+ Pháp cần phải sanh khởi có 10 pháp:
- Một pháp cần phải sanh khởi: Bất động trí
- Hai pháp cần phải sanh khởi: Tận trí và vô sanh trí
- Ba pháp cần phải sanh khởi: (Ba trí). Trí đối với quá khứ, trí đối với tương lai, trí đối với hiện tại
- Bốn pháp cần phải sanh khởi: (Bốn trí) Pháp trí, loại trí, tha tâm trí, thế tục trí
- Năm pháp cần phải sanh khởi: (Năm chánh định trí). “Đây là định đưa đến hiện tại lạc và lạc quả tương lai”, tự mình khởi trí như vậy. “Định này thuộc hàng hiện thiện thực hành”, tự mình khởi trí như vậy . . .
- Sáu pháp cần phải sanh khởi: (Sáu hằng trú pháp). Này Hiền giả, ở đây vị Tỷ-kheo mắt thấy sắc không có hoan hỷ, không có ưu phiền, an trú xả, chánh niệm tỉnh giác; tai nghe tiếng . . . mũi ngữi hương . . .
- Bảy pháp cần phải sanh khởi: (Bảy tưởng). Vô thường tưởng, vô ngã tưởng, bất tịnh tưởng, quá hoạn tưởng, đoạn trừ tưởng, ly tham tưởng, diệt tưởng.
- Tám pháp cần phải sanh khởi: (Tám đại nhân tầm). Pháp này cho người thiểu dục, pháp này không phải cho ngườ đa dục, pháp này cho người tri túc, pháp này không phải cho người không tri túc . . .
- Chín pháp cần phải sanh khởi: (Chín tưởng) Bất tịnh tưởng, tử tưởng, thực yểm ly tưởng, nhất thiết thế gian bất lạc tưởng, vô thường tưởng . . .
- Mười pháp cần phải sanh khởi: (Như trên), thêm diệt tưởng.
+ Pháp cần phải tu tập có 10 pháp
- Một pháp cần phải tu tập: Niệm thân câu hữu với khả ý
- Hai pháp cần phải tu tập: Chỉ và quán
- Ba pháp cần phải tu tập: (Ba định) Hữu tầm hữu tứ định, vô tầm hữu tứ định, vô tầm vô tứ định.
- Bốn pháp cần phải tu tập: (Bốn niệm xứ). Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ-kheo quán thân trên thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm, để diệt trừ tham sân ở đời; quán thọ trên các cảm thọ . . .
- Năm pháp cần phải tu tập: (Năm chánh định chi) Hỷ biến mãn, lạc biến mãn, tâm biến mãn, quang biến mãn, quán sát tướng.
- Sáu pháp cần phải tu tập: (Sáu tùy niệm xứ). Phật tùy niệm, Tăng tùy niệm, Giới tùy niệm, Thí tùy niệm, Thiên tùy niệm.
- Bảy pháp cần phải tu tập: (Bảy giác chi). Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi . . .
- Tám pháp cần phải tu tập: (Bát Thánh đạo). Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp . . .
- Chín pháp cần phải tu tập: (Chín thanh tịnh cần chi). Giới hạnh thanh tịnh thanh tịnh cần chi, tâm thanh tịnh thanh tịnh cần chi . .
- Mười pháp cần phải tu tập: Mười biến xứ (như trong kinh Phúng tụng)
+ Pháp cần được thắng tri có 10 pháp
- Một pháp cần được thắng tri: Tất cả loài hữu tình do ăn uống mà an trú
- Hai pháp cần được thắng tri: (Hai giới) Hữu vi giới và vô vi giới
- Ba pháp cần được thắng tri: (Ba giới). Dục giới, sắc giới, vô sắc giới
- Bốn pháp cần được thắng tri: (Bốn Thánh đế). Khổ thánh đế, Khổ tập thánh đế, Khổ diệt thánh đế, Khổ diệt đạo thánh đế
- Năm pháp cần được thắng tri: Năm giải thoát xứ (như trong kinh Phúng tụng)
- Sáu pháp cần được thắng tri: (Sáu vô thượng chi) Kiến vô thượng, văn vô thượng, lợi đắc vô thượng, giới vô thượng . .
- Bảy pháp cần được thắng tri: Bảy thù diệu sự (như trong kinh Phúng tụng)
- Tám pháp cần được thắng tri: Tám thắng xứ (như trong kinh Phúng tụng)
- Chín pháp cần được thắng tri: Chín thứ đệ trú (như trong kinh Phúng tụng)
- Mười pháp cần được thắng tri: (Mười đoạn tận sự). Tà kiến do chánh kiến đoạn tận; do duyên tà kiến, các ác bất thiện pháp khởi lên, các pháp này được đoạn tận; do duyên chánh kiến các thiện pháp được tăng cường, viên mãn . . .
+ Pháp đưa đến thù thắng có 10 pháp:
- Một pháp đưa đến thù thắng: Chơn chánh tác ý
- Hai pháp hướng đến thù thắng: Thiện ngôn và thiện hữu
- Ba pháp đưa đến thù thắng: (Ba thiện căn) Vô tham thiện căn, vô sân thiện căn, vô si thiện căn
- Bốn pháp đưa đến thù thắng: (Bốn ly ách). Ly dục ách, ly hữu ách, ly kiến ách, ly vô minh ách.
- Năm pháp đưa đến thù thắng: (Năm căn). Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
- Sáu pháp đưa đến thù thắng: Sáu cung kính pháp. Này các Hiền giả, ở đây vị tỷ-kheo cung kính, không phản đối bậc Đạo sư . . . đối với Pháp . . . đối với Tăng . . . đối với học pháp . . . đối với bất phóng dật . . .
- Bảy pháp hướng đến thù thắng: (Bảy diệu pháp). Có lòng tin, có tàm, có quý, đa văn, tinh cần, niệm hiện tiền, có trí tuệ
- Tám pháp hướng đến thù thắng: Tám tinh tấn sự (như trong kinh Phúng tụng)
- Chín pháp hướng đến thù thắng: Chín điều phục hại tâm (như trong kinh Phúng tụng)
- Mười pháp hướng đến thù thắng: Mười thiện nghiệp đạo (như trong kinh Phúng tụng)
+ Pháp rất khó thể nhập có 10 pháp:
- Một pháp rất khó thể nhập: Vô gián tâm định
- Hai pháp rất khó thể nhập: Nhơn và duyên làm ác nhiễm các loài hữu tình. Nhơn và duyên làm thanh tịnh các loài hữu tình
- Ba pháp rất khó thể nhập: (Ba xuất yếu giới). Xuất ly khỏi các dục vọng, tức là ly dục; xuất ly khỏi các sắc pháp, tức là vô sắc; phàm pháp gì hiện hữu, hữu vi, do duyên khởi, sự xuất ly khỏi pháp ấy tức là diệt.
- Bốn pháp rất khó thể nhập: (Bốn định) Xả phần định, chỉ phần định, thắng phần định, quyết trạch phần định.
- Năm pháp rất khó thể nhập: Năm giới hướng đến giải thoát (năm xuất ly giới) (như trong kinh Phúng tụng)
- Sáu pháp rất khó thể nhập: Sáu xuất ly giới (như trong kinh Phúng tụng)
- Bảy pháp rất khó thể nhập: (Bảy thượng nhân pháp). Tri pháp, tri nghĩa, tri ngã, tri lượng, tri thời, tri chúng và tri nhân.
- Tám pháp rất khó thể nhập: Phạm hạnh trú, bất thời bất tiết (như trong kinh Phúng tụng)
- Chín pháp rất khó thể nhập: (Chín loại sai biệt) Do duyên giới sai biệt, xúc sai biệt; do duyên xúc sai biệt, thọ sai biệt; do duyên thọ sai biệt, tưởng sai biệt; do duyên tưởng sai biệt, tư duy sai biệt . . .
- Mười pháp rất khó thể nhập: Mười thánh tri (như trong kinh Phúng tụng)
+ Pháp cần được tác chứng có 10 pháp:
- Một pháp cần được tác chứng: Bất động tâm giải thoát
- Hai pháp cần được tác chứng: Minh và giải thoát
- Ba pháp cần được tác chứng: (Ba minh) Túc mạng trí minh, Hữu tình sanh diệt trí minh, Chư lậu tận trí minh
- Bốn pháp cần được tác chứng: (Bốn Sa-môn quả) Dự lưu quả, Nhất lai quả, bất hoàn quả, A-la-hán quả
- Năm pháp cần được tác chứng: (Năm pháp uẩn) Giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn.
- Sáu pháp cần được tác chứng: (sáu thắng trí) Này các Hiền giả, ở đây vị Tỷ-kheo chứng được thần túc sai biệt . . . với thân có thể đến Phạm thiên giới; với thiên nhỉ thanh tịnh vượt khỏi loài người . . .
- Bảy pháp cần được tác chứng: (Bảy lậu tận lực) Này các Hiền giả, ở đây vị Lậu tận Tỷ-kheo chánh quán như chân tánh vô thường của tất cả pháp hữu vi với chánh tuệ . . .
- Tám pháp cần được chứng ngộ: Tám giải thoát (như trong kinh Phúng tụng)
- Chín pháp cần được chứng ngộ: Chín thứ đệ diệt (như trong kinh Phúng tụng)
- Mười pháp cần được chứng ngộ: Mười vô học pháp (như trong kinh Phúng tụng)
II. ThảoLuận:
- A. Về chánh pháp:
Những điều do chính Đức Phật giảng dạy, và do các đệ tử thuyết giảng được Đức Phật chấp thuận, là Chánh pháp.
Có 329 pháp được Ngài Sariputta tổng kết gồm: 229 pháp cơ bản trong kinh Phúng Tụng và 100 pháp tùy pháp trong kinh Thập Thượng.
“ Này các Hiền giả, mười pháp này được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị này đã biết, đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Ở đây, mọi người phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư thiên và loài người.
Rồi Thế Tôn ngồi dậy và bảo tôn giả Sariputta:
_ Lành thay, lành thay Sariputta ! Này Sariputta, Ngươi đã khéo giảng, khéo tụng kinh này cho chúng Tỷ-kheo.
_ Tôn giả Sariputta thuyết giảng như vậy, Bậc Đạo Sư chấp thuận. các vị Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của tôn giả Sariputta”
( Kinh Phúng Tụng )
- B. Về nhân duyên thuyết kinh:
1/ Thời Đức Phật thuyết pháp, xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ có hai tổ chức tôn giáo rất hùng mạnh, đầy thế lực, được ưu tiên thụ hưởng những đặc quyền, đặc lợi rất lớn về địa vị, danh tiếng và vật chất, đó là tổ chức Bà la môn và các tổ chức Sa môn, du sĩ ngoại đạo với các tín ngưỡng, triết lý rất đa dạng, phức tạp, mâu thuẫn.
Giáo pháp của Đức Phật đi ngược với lối sống ngã chấp, ngã dục của phàm nhân, và phần lớn đi ngược lại với các chủ thuyết và phương pháp tu hành của hai tổ chức trên. Với tinh thần Bi Trí Dũng, vì lợi ích cho số đông, vì lợi ích cho chúng sanh, Ngài đã mạnh dạn tuyên thuyết con đường của sự thật và loại bỏ những sai lầm, mê muội, ru ngủ quần chúng về các ảo tưởng, để hướng mọi người đến với con đường chân chính, con đường của sự thật đưa đến an lạc, giác ngộ và giải thoát thật sự.
Do mất dần số lượng tín đồ, mất đi ảnh hưởng, danh tiếng và quyền lợi vật chất, các vị giáo chủ và tín đồ cực đoan hai tổ chức tôn giáo trên có ác cảm, ganh ghét thường tìm đến Đức Phật và các Tỷ-kheo để tranh luận, cật vấn, nạn vấn, chất vấn, công kích, vu khống, mạ lỵ . . . hay hơn nữa tìm cách lôi kéo đệ tử, phá hoại Tăng đoàn và hoạt động truyền bá Phật pháp. Rất nhiều trường hợp được ghi chép lại trong Kinh tạng.
2/ Do tổ chức Tăng đoàn đón nhận mọi đối tượng thuộc tất cả thành phần, giai cấp trong xả hội, ngoài các người nông dân, thị dân, quan lại, còn có nhiều người từ hai tổ chức tôn giáo trên xin gia nhập và thường được chấp thuận sau một thời gian ngắn thử thách. Trong số đó, có nhiều vị tìm đến Phật pháp với lý tưởng thoát khổ thật sự, nhưng cũng không it người tìm cách trà trộn, ẩn náo trong Tăng đoàn với dụng ý xấu: gây chia rẻ, làm suy giảm uy tín . . . và nguy hiểm hơn hết là tìm cách làm sai lạc phần giáo lý bằng nhiều biện pháp rất tinh vi.
Bên cạnh, có các trường hợp các vị Tỷ-kheo do yếu kém về trí tuệ hay do không đủ dũng lực thực hành giáo pháp để thoát ly vô minh, tham ái, nên từ đó chuyển sang mục đích mưu đồ lợi ích thế tục, hay có người gia nhập Tăng đoàn hoàn toàn không phải vì sự ngưỡng mộ và tu tập theo Phật pháp. Tất cả các vị trên đã hiểu sai về nghĩa lý các Pháp, như trường hợp:
Tỷ-kheo Sati con người đánh cá đã hiểu sai về Thức:
“Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì Thức này dong ruỗi, luân chuyển nhưng không đổi khác”
(Đại kinh đoạn tận ái)
Hay trường hợp Tỷ-kheo Arittha làm nghề huấn luyện chim ưng đã hiểu sai về các Dục
“Theo ta hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, khi thọ dụng những pháp được Thế Tôn gọi là chướng ngại pháp, thật sự không có chướng ngại gì”
(Kinh Ví dụ con rắn)
Và nhiều trường hợp khác được ghi lại trong các bộ Kinh, Luật.
3/ Như vậy ngay thời Đức Phật tại thế, do những nguyên nhân kể trên, trong Tăng đoàn đã có những bất đồng về quan điểm và nhận thức về Pháp đưa đến những tranh luận, tranh cãi trong nội bộ các vị Tỷ-kheo:
Như lời của Tôn giả Kassapa trả lời Đức Phật khi được hỏi về việc giáo giới các Tỷ-kheo
“Bạch Thế Tôn, ở đây, con thấy Tỷ-kheo Bhanda, đệ tử của Ananda, và Tỷ-kheo Abhinjika, đệ tử của Anuruddha, hai vị ấy nói với nhau: “Hãy đến, này Tỷ-kheo, ai sẽ nói nhiều hơn? Ai sẽ nói tốt đẹp hơn? Ai sẽ nói dài hơn?”
(Kinh Tương Ưng Bộ)
Có khi sự tranh luận đi đến tranh cãi rất gay gắt như trường hợp các vị Tỷ-kheo tại Kosambi:
“ Ở đây, bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo ở Kosambi sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh nhau, đả thương nhau bằng những bằng binh khí miệng lưỡi. Họ không tự thông cảm nhau, không chấp nhận thông cảm, họ không tự hòa giải nhau, không chấp nhận hòa giải ”
(Kinh Kosambiya)
Hay sự việc còn đi xa hơn nữa, vào một lần khác cũng tại Kosambi, khi các vị Tỷ-kheo cạnh tranh, đấu tranh nhau, Thế Tôn đến khuyên dạy, nhưng các vị Tỷ-kheo ấy vẫn phẫn nộ, ngã mạn không tôn trọng, buông lời vô lễ với bậc Đạo sư của mình:
“ Lần thứ ba, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy:
- Thôi vừa rồi, này các Tỷ-kheo! Chớ có cạnh tranh, phân tranh, đấu tranh nhau!
Lần thứ ba, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là bậc Pháp Chủ hãy dừng lại ! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn chớ có nhọc lòng ! Thế Tôn hãy an trú, chú tâm vào hiện tại lạc trú ! Vì rằng chúng con chịu trách nhiệm về sự cạnh tranh, luận tranh, phân tranh, đấu tranh này.”
(Kinh Tùy Phiền Não)
4/ Tổ chức Tăng đoàn ngày càng phát triển, có lúc lên đến 1250 vị hay hơn nữa đến từ nhiều thành phần, giai cấp trong xả hội. Theo đà phát triển ngày càng lớn về số lượng với những khác biệt về địa lý, chủng tộc, nguồn gốc xuất thân, trình độ tri thức, khuynh hướng tâm tánh, động cơ xuất gia . . . nên trong Tăng đoàn không tránh khỏi những dị biệt về nhận thức, cấp độ ý chí, động lực và mục đích tu tập, từ đó ngày càng có nhiều hữu lậu sinh khởi, ngã mạn sinh khởi, các luận tranh, cạnh tranh đấu tranh từ các cá nhân hay phe nhóm cũng phát triển theo đó..
“Này Kassapa hãy giáo giới các Tỷ-kheo! Hãy thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo! Ta hay Ông hãy giáo giới các Tỷ-kheo! Ta hay Ông hãy Hãy thuyết pháp thoại cho các Tỷ-kheo!
_Bạch Thế Tôn, khó nói là chúng Tỷ-kheo hiện tại. Họ ở trong tình trạng khó nói với họ. Họ không kham nhẫn, họ không kính trọng lời giáo giới!”
(Kinh Tương Ưng Bộ)
Tuy lúc đầu có rất ít, nhưng những tranh chấp đã thật sự có, báo hiệu tiềm ẩn những khả năng xảy ra những tranh chấp ở quy mô lớn hơn trong tương lai khi bậc Đạo Sư không còn hiện diện. Khi ấy, điều nguy hiểm lớn nhất được Thế Tôn cảnh báo sẽ xảy đến, Chánh pháp sẽ bị hiểu và diễn dịch sai lạc, và còn hơn thế nữa, đến một thời điểm nào đó Chánh pháp sẽ bị thay thế bằng các giáo lý khác nhưng vẩn được mang danh là Chánh pháp.
“Này Kassapa, diệu pháp (Chính pháp) không biến mất cho đến khi nào tượng pháp (pháp chỉ tương tợ như Chính pháp, nhưng không phải thật sự) không hiện ra ở đời. Và Kassapa khi nào tượng pháp hiện ra ở đời, thời diệu pháp biến mất.”
- Này Kassapa, địa giới không làm diệu pháp biến mất, thủy giới . . . hỏa giới . . . phong giới không làm diệu pháp biến mất.
- Ở đây, khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm diệu pháp biến mất
- Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, sống không tôn kính, không tùy thuận bậc Đạo sư, sống không tôn kính, không tùy thuận Chánh pháp, sống không tôn kính, không tùy thuận chúng Tăng, sống không tôn kính, không tùy thuận học giới, sống không tôn kính, không tùy thuận đối với Thiền định.
Này Kassapa, chính những thối pháp này đưa đến sự hỗn loạn, sự biến mất của diệu pháp”
(Kinh Tương ưng Bộ)
5/ Viễn cảnh trên càng rỏ ràng hơn, khi giáo chủ ngoại đạo là Nigantha Nathaputta vừa mới tạ thế, các đệ tử liền phân hóa, chia rẻ thành hai phái, chống đối, công kích, chê bai, hạ bệ nhau. Mỗi bên đều tự nhận phái mình là cao siêu, là trí tuệ, là đúng chân truyền của vị Giáo chủ.
“Lúc bấy giờ, Nigantha Nathaputta vừa mới tạ thế ở Pava. Sau khi vị này tạ thế, các vị Nigantha chia làm hai phái, chia rẽ, tranh chấp nhau, tranh luận nhau và sống tàn hại nhau với binh khí bằng miệng: “Ngươi không biết pháp luật này, ta biết pháp luật này. Sao ngươi biết pháp luật này ? , Ngươi theo tà hạnh, ta theo chánh hạnh. Lời nói ta tương ưng, lời nói ngươi không tương ưng. Điều Ngươi quan niệm, trình bày đã bị đảo lộn, quan niệm của Ngươi đã bị thách đố. Ngươi đã bị đánh bại. Các đệ tử của Nigantha Nathaputta muốn tàn hại lẫn nhau”.
(Kinh Phúng Tụng)
Sự kiện này khiến cho Ngài Ananda hết sức lo lắng cho tương lai của Chánh pháp và Tăng đoàn khi Thế Tôn không còn nữa. Giữa Tăng chúng sẽ xảy ra những tranh luận, tranh đấu với nhau, Dù rằng do sự tôn kính Thế Tôn nên sẽ không có những tuyên bố sai khác về Pháp, nhưng vẫn nảy sinh những tranh luận về sinh hoạt và giới bổn, điều này sẽ đưa đến bất an, bất ổn, đau khổ cho loài Trời và loài Người.
“ Bạch Thế Tôn, Sadi Cunda có nói: “Nigantha Nathaputta đã từ trần ở Pava. Sau khi vị này từ trần, các vị Nigantha chia làm hai phái . . . tháp y chỉ đã bị đổ vở, không có chổ y chỉ. “ Bạch Thế Tôn, con nghĩ như sau: “Sau khi Thế Tôn nhập diệt, chớ để cho tranh luận khởi lên giữa Tăng chúng. Tranh luận ấy đưa đến sự bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, thất lợi cho đa số, đau khổ cho loài Trời, loài người ” . . .
6/ Với cái nhìn từ bi, hỷ xả của bậc trí tuệ siêu phàm, Đức Phật đã chỉ bảo cho Ngài Ananda biết rằng, không phải chỉ có những tranh luận về giới, mà còn có những luận tranh về giáo pháp, đây là điều nguy hiểm nhất, xảy ra khi có sự bất đồng giữa Tăng chúng, đồng thời chỉ rỏ những nguyên nhân đưa đến sự luận tranh, phân hóa, chia rẻ ấy:
“ Là nhỏ nhặt này Ananda, là sự tranh luận ấy, tức là (tranh luận) về Tăng thượng hoạt mạng hay Tăng thượng giới bổn. Này Ananda, sự tranh luận khởi lên giữa Tăng chúng về con đường (magga) hay về đường hướng tu hành (patipada), sự tranh luận ấy mới đưa đến bất an cho đa số, thất lợi cho đa số, bất an, đau khổ cho loài Trời, loài Người”
“ Này Ananda, Tỷ-kheo nào sống không cung kính, không tôn trọng bậc Đạo sư, sống không cung kính, không tôn trọng Pháp, sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng, không viên mãn sự học tập . . .Tỷ-kheo nào tật đố, xan tham . . . gian manh, xảo trá . . . ác dục tà kiến . . . chấp thủ thế trí, cố chấp, khó thuyết phục. Này Ananda, Tỷ kheo nào chấp thủ thế trí {tự cao, tự mãn với kiến thức, bằng cấp, học vị, địa vị, chức vụ} cố chấp khó thuyết phục, vị ấy sống không cung kính, không tôn trọng bậc Đạo sư, sống không cung kính, không tôn trọng Pháp, sống không cung kính, không tôn trọng Tăng chúng, không viên mãn sự học tập, vị ấy khởi lên sự tranh luận giữa Tăng chúng”
(Kinh Làng Sama)
Đức Phật đã nhắc nhở các vị Tỷ-kheo như một sự nhìn thấy trước và cảnh bào rằng, nếu sự tranh luận nào đưa đến bất an cho đa số, bất hạnh cho đa số, đau khổ cho loài Trời, loài Người, các vị Tỷ-kheo phải tinh tấn đoạn trừ các ác căn bản tranh luận ấy, và hơn nữa nếu chưa xảy ra, phải theo một đường hướng để phòng ngừa, không để xảy ra trong tương lai.
“Này Ananda, nếu Ông không thấy căn bản tranh luận như vậy, giữa các Ông hay giữa những người khác; ở đây, này Ananda, Ông phải theo một đường hướng để không có sự tiếp tục diễn tiến đến tương lai về các ác căn bản tranh luận ấy. Có sự đọan diệt các ác căn bản tranh luận ấy, như vậy mới không có sự tiếp tục diễn tiến đến tương lai về ác căn bản tranh luận như vậy”
(Kinh Làng Sama)
7/ Trước tình hình trên, theo sư chỉ dạy của Đức Phật, Ngài Sariputta cùng sự hiện diện của 500 vị Tỷ-kheo đã tổng kết và tụng đọc lại các Pháp đã được Thế Tôn giảng dạy với mục đích để Chánh pháp được duy trì, tồn tại lâu dài, để những chúng sanh sau này được thừa hưởng đúng hương vị Chánh pháp thật sự, mang lại lợi ích và an lạc, hạnh phúc cho họ.
“ Này các Hiền giả, pháp này được Thế Tôn khéo giảng dạy, khéo trình bày, một Chánh pháp có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Đẳng Giác trình bày. Ở đây, tất cả mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không cãi cọ nhau, để Phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”
(Kinh Phúng Tụng)
III. Ghi nhận:
1/ Nguyên nhân trực tiếp của kỳ kết tập lần thứ I là do Ngài Maha Kassapa lo ngại về tương lai của Phật pháp sau khi Đức Phật nhập diệt, khi chứng kiến cảnh Tỷ-kheo Subhadda nghe tin Đức Phật nhập Niết-bàn liền vui mừng thốt lên những lời không kính trọng, không tôn trọng đối với Thế Tôn, Pháp và Luật, Ngài Kassapa liền đề nghị với Đại chúng tổ chức kết tập Giáo pháp lần thứ I.
2/ Trong thời kỳ Đức Phật tại thế, trong Tăng đoàn thỉnh thoảng đã xảy ra những tranh chấp, tranh luận rất gay gắt giữa các vị Tỷ-kheo. Nhân khi xảy ra sự kiện giáo chủ đạo Ni Kiền Tử là Nigantha Nathaputta mới vừa tạ thế, nhưng trong đạo các đệ tử lại phân hóa, chia rẻ thành hai phái, tranh chấp công kích, hạ bệ lẩn nhau, Ngài Sariputta theo lời dạy của Thế Tôn trước 500 vị Tỷ-kheo tụng đọc lại các pháp đã được Đức Phật giảng dạy trong suốt 45 năm hoằng pháp, để Chánh pháp được trường tồn, được duy trì lâu ngày mà không bị nhận thức và suy diễn sai lạc,.
3/ Thời gian Thuyết kinh Phúng tụng thuộc về kỳ Hạ sau cùng của Đức Phật, lúc ấy Thế Tôn du hành giữa dân tộc Malla và trú tại thành Pava, trong rừng xoài của thợ rèn Cunda, trước khi Đức Phật nhập Niết bàn tại Kusinara sau đó không lâu.
4/ Sự kiện được ghi lại trong các kinh Phúng Tụng và Thập Thượng có thể được xem như là Tiền kết tập kinh điển lần thứ I diễn ra trong thời Đức Phật tại thế, tại thành Pava của dân tộc Malla, lần này chỉ tụng đọc phần Kinh hay Chánh pháp, nội dung có 229 pháp cơ bản, tiếp theo là 100 tùy pháp.
5/ Tuy đã có nhiều lần kết tập kinh, luật và sau này là kinh, luật và luận, nhưng Tăng đoàn trong suốt thời gian dài về sau vẫn bị phân hóa, chia tách thành nhiều Bộ phái, tiếp đến là Đại thừa, Tiểu thừa, các Tông phái, Chi phái, Hệ phái . . . với các hệ thống giáo lý riêng, nhiều trường hợp hầu như khác biệt hoàn toàn với giáo lý thời kỳ Đức Phật tại thế. Dự báo thời kỳ diệu pháp bị hỗn loạn, bị biến mất, bị thay thế bởi tượng pháp.
6/ Tiến trình chia tách đã phát triển theo dòng chảy của thiện và bất thiện tâm: từ bất đồng, tranh luận, phân hóa, biến đổi, thay đổi từng phần, thay đổi toàn bộ nội dung, đến cấp độ chỉ còn duy trì một phần nhỏ về hình thức Phật giáo. Hiện nay, tiến trình này vẫn tiếp tục diển ra với nhịp độ nhanh hơn, do bị tập nhiểm từ sự phát triển quá mức của văn minh tính toán, tiêu thụ, hưởng thụ vật chất, đi liền theo đó là sự phát triển quá lớn về ngã chấp ngã dục, thiên về lý tính, lý luận, nặng về lý thuyết hơn thực hành.
7/ Sự phân hóa, phân chia trên đã được Đức Phật cảnh báo từ trước, khi xảy ra hiện tượng các Tỷ-kheo sống không cung kính, không tôn trọng năm pháp: Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thiền định. Không viên mãn tu tập giới, định, tuệ, không hướng về thực hành để nhiếp phục, diệt trừ vô minh, tham ái, các ác bất thiện pháp: tật đố, xan tham, gian manh, xảo trá, ác dục, tà kiến, cố chấp, chấp thủ thế trí, cống cao ngã mạn, hướng về kiến thức, bằng cấp, học vị, địa vị, danh vọng, quyền lợi . . .
8/ Chánh pháp do Đức Phật giảng dạy có các đặc tính sau:
- Cụ thể, rỏ ràng, minh bạch, mạch lạc, nhất quán, xuyên suốt, đơn giản, dể hiểu;
- Đúng ở mọi nơi, mọi lúc, không lệ thuộc không gian và thời gian, nên không cần cải biên, cách tân, cải biến, biến đổi để thích ứng thời đại, để hiện đại hóa, để thích hợp với đại chúng, để phân tích đúng sai . . . ,
- Áp dụng cho tất cả mọi người không phân biệt thành phần, giai cấp, giới tính, tuổi tác, dân tộc, tín ngưỡng, trình độ tri thức, cấp độ tâm thức ;
- Mục đích là để thực hành, không phải để tích lũy kiến thức, không phải để phân tích, diễn giải, lý luận suông nên có giá trị thiết thực, thực tế trong việc tu tập, thực hành hàng ngày;
- Kết quả tu tập được kiểm chứng trong thực tế với các cấp độ tâm thức tương ứng với các thành tựu đạt được, được nhận biết rỏ ngay trong hiện tại sau một thời gian hành trì dù ngắn hay dài;
- Tùy điều kiện của mỗi cá nhân, việc tu tập có thể áp dụng một hay nhiều pháp môn (phương pháp) thích hợp, tất cả đều có công năng đưa đến diệt trừ khổ đau, được an lạc bền vững ngay trong hiện tại, hay trong tương lai nơi cõi Trời hay cõi Người, không rơi vào khổ cảnh, đọa xứ;
- Mức độ thành tựu thế nào tùy thuộc vào ý chí, nổ lực thực hành của cá nhân, và mục đích sau cùng của việc tu tập theo Chánh pháp là giải thoát hoàn toàn, không còn sanh tử luân hồi.
9/ Đức Phật đã ban cho chúng ta rất nhiều phương tiện, đến những 329 loại công cụ để mỗi người tự mình khai phá, cày xới, vun trồng trên thửa ruộng tâm thức của mình, tùy ý thích mà sử dụng loại dụng cụ nào thích hợp để có thể thu hoạch vụ mùa đầu tiên sau bao tháng ngày lưu lạc quên mất cả đường đi lối về, quên con đường dẫn về ngôi nhà của mình, quên đến độ không còn biết là mình đang có nó.
“ Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình “
( Trần Thái Tông )
Thửa ruộng mà ta đã lãng quên ấy, tuy rất nhiều dưỡng chất, có vô vàn khả năng tốt đẹp, nhưng đã quá lâu rồi không người chăm sóc, nay trở nên um tùm, nhiều dây leo cùng cỏ dại, vô minh cùng với tham ái, chúng che phủ nhiều nơi quá, khắp mọi nơi, mà chỉ có chính mình mới có thể dọn dẹp, khai phá được.
10/ Có vị do có được kiến thức, có học vị cao, có chức vụ, quyền hạn lớn, có quyền lợi vật chất giàu sang theo thế tục, được cư ngụ những nơi chốn to lớn, đồ sộ, lộng lẩy, lại được rất nhiều người vây quanh tung hô, khúm núm, sợ sệt, ca tụng, tán dương, tán tụng, sùng bái, nên vị ấy tự nhận thấy mình là người có phước đức lớn, có duyên lành lớn, tự nghĩ mình là vị Tổ sư khai sáng một Tông phái mới, một Giáo phái mới, hay đã đắc quả vị A-la-hán, Bồ-tát . . . Vị ấy tự tạo cho mình cách hành xử, ứng xử mang vẽ ký bí, thần bí, ngang hàng với các Bậc chân tu đắc đạo, có quyền sáng tác, truyền dạy những pháp môn mới lạ để thích ứng với thời đại . . ., phát biểu, giải thích những điều, những vấn đề có trong kinh điển cổ xưa theo cách hiểu lạ lùng, xa lạ với Chánh pháp.
Dù như vậy, các vị ấy vẫn như tất cả chúng sanh khác, vẫn phải thọ nghiệp do mình tạo nên. Khi Tâm các vị ấy vẫn còn tham, vẫn còn sân, vẫn còn si, vẫn còn ngã chấp, ngã dục, thì dòng tâm thức của các vị ấy sẽ vẫn tăng trưởng, phát triển theo hai chiều hướng: về thiện hay về bất thiện, để rồi đến lúc mệnh chung, theo quy luật nhân quả, tất cả đều phải thọ nhận quả lành, hay quả dử từ thân, khầu, ý nghiệp của chính mình, điều này là chắc chắn.
Xuân Tân Mảo. 2011
Nguyên Nghĩa
Sách trích dẫn:
Kinh Trung Bộ, Kinh Trường Bộ, HT Thích Minh Châu, 1991
Kinh Tương Ưng Bộ HT Thích Minh Châu, 2000
Nguyên Nghĩa
- Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) Tỏ Bày Lòng Kính Mộ Đối Với Thế Tôn Tâm Tịnh
- Phật thị hiện thuyết pháp trong kinh Nikàya Tâm Tịnh
- Nghi Thức Tụng Kinh Di Giáo Song Ngữ Thích Trừng Sỹ
- Hồi hướng công đức như ngọn đèn thắp sáng nhiều ngọn đèn, công đức theo đó tăng trưởng (Pali tạng) Tâm Tịnh
- Kinh Trung Bộ (Phần 3) - The Middle Length Discourses of the Buddha [Song Ngữ Việt-Anh] HT. Thích Minh Châu
- Giới thiệu Tiểu Bộ Kinh Gs. U KO LAY - Tỳ khưu ni Huyền Châu dịch
- Giới thiệu Tăng Chi Bộ Kinh Gs. U KO LAY - Tỳ khưu ni Huyền Châu dịch
- Giới thiệu Tương Ưng Bộ Kinh Gs. U KO LAY - Tỳ khưu ni Huyền Châu dịch
- Giới thiệu kinh Trung Bộ Gs. U KO LAY - Tỳ khưu ni Huyền Châu dịch
- Kinh tạng Pali trích dẫn: Khi Một Người Ra Đi Nguyên Giác
- Tìm hiểu kinh Sa Môn Quả Thích Nhuận Thịnh
- Khái quát lịch sử truyền bá kinh điển và những đặc điểm của kinh tạng Nikaya Thích Viên Giác
- Thừa tự pháp Minh Tuệ
- Thi Hóa Trường Bộ Kinh (Tập 3) - 34. Kinh THẬP THƯỢNG Chuyển thể thơ : Giới Lạc MAI LẠC HỒNG
- Thi Hóa Trường Bộ Kinh (Tập 3) - 33. Kinh PHÚNG TỤNG Chuyển thể thơ : Giới Lạc MAI LẠC HỒNG
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
- Xem World Cup 2014
- Thành kính tưởng niệm HT. Thích Minh Châu: Người thừa tự pháp của Thế Tôn
- Kinh Thừa Tự Pháp: Chánh Pháp luôn tồn tại sinh động nơi những người con Phật
- Cư sĩ trong ngày Tự Tứ, lễ Vu Lan
- Kinh Vu Lan: ý nghĩa và thực hành
- Nhân nhớ về thi sĩ Bùi Giáng và những bài thơ Haiku, viết thơ cho bạn
- Những suy nghĩ về tu tập theo Phật pháp
- Nhân Lễ Vu Lan, Ngày Tự Tứ Thành Tâm Nhìn Lại Việc Mình Đã Làm
Được quan tâm nhất

![]() |
Tìm hiểu kinh Sa Môn Quả 07/12/2012 17:43:00 |
![]() |
Giới thiệu Tăng Chi Bộ Kinh 17/03/2013 00:32:00 |
![]() |
Giới thiệu Tương Ưng Bộ Kinh 11/03/2013 22:47:00 |

Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)