Yếu chỉ Diệu Pháp Liên Hoa kinh

Đã đọc: 6454           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật giáo Việt Nam hiện nay, Kinh Pháp Hoa được phổ biến toàn quốc và chư tăng lẫn Phật tử tại gia các Tự viện trì tụng hàng ngày như một thời khóa tu học. Giá trị của Kinh Pháp Hoa có tác dụng ảnh hưởng rộng lớn như thế. Kính trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc tập Yếu chỉ Diệu Pháp Liên Hoa kinh do tác giả Thiền sư Thích Duy Lực biên soạn. Kính mời quý bạn đọc cùng tham khảo nghiên cứu:

 GIẢI ĐỀ

*    Diệu là bất khả tư nghì.

*    Pháp là phương tiện để đạt đến giác ngộ cuối cùng.

*    Liên Hoa (Hoa sen) dụ cho Diệu Pháp sanh nơi đất sình ô uế mà chẳng nhiễm, mùi thơm càng xa càng dịu dàng.

*    Kinh là xuyên thấu cổ kim.

        Diệu Pháp Liên Hoa là một đại pháp bất khả tư nghì, độ cho chúng sanh ở cõi Ta Bà ác trược được không nhiễm, cũng như tự tánh chìm nơi ác thế đã lâu mà được hiện ra thanh khiết như hoa sen. Vì Diệu Pháp chẳng thể suy lường, người đọc khó hiểu, hiểu mà khó tin, tin mà khó hành, hành mà khó chứng. Cho nên nhiều người y văn giải nghĩa đuổi theo lời nói mà chẳng hiểu ý Phật, lại mê lầm hiểu theo mê tín, nghịch với ý chỉ trong kinh.

       Tác dụng của Phật pháp là muốn chúng sanh đều được thành Phật để giải thoát cái khổ sanh tử, tự giác giác tha. Muốn đạt đến mục đích này thì phải thực hành đúng theo phương tiện của Phật dạy trong kinh, nhưng người đời nay có một số cho đọc tụng là trì kinh, một số thì chỉ nghiên cứu Phật học để thêm kiến giải mà không chú trọng sự thực hành thành ra mất hết tác dụng của Phật pháp.

        Trích lục yếu chỉ kinh này là muốn giải quyết những cái khó kể trên một phần nào, khiến cho người đọc ở chỗ cao sâu mà nắm được căn bản, ở chỗ quảng đại mênh mông mà tìm được trung tâm, để thực hành đúng theo lời Phật dạy cho đến cứu kính thành Phật.

 

PHẨM TỰA THỨ NHẤT

        “Phật phóng hào quang chiếu soi” là một triệu chứng tốt đẹp để báo cho biết Phật sẽ giảng đại pháp hy hữu xưa nay chưa từng có. Ý muốn tất cả chúng sanh đều biết kính trọng pháp. Do trọng pháp mới có đủ lòng tin, đủ lòng tin rồi mới quyết chí thực hành theo, để đạt đến giác ngộ cuối cùng, vĩnh viễn tự do tự tại.

        Dù như vậy mà trong hội này vẫn có một số tứ chúng năm ngàn người, vì chưa đủ lòng tin, nên nghe Phật sẽ giảng đại pháp mà lại bỏ đi. Phật cho đó là những kẻ kém phước, tăng thượng mạn.

 

PHẨM PHƯƠNG TIỆN THỨ HAI

       Theo căn bản của Phật pháp chỉ có một Phật thừa, nhưng theo phương tiện thì giảng ra vô lượng vô biên để thích ứng với căn cơ và trình độ của mọi chúng sanh.

       *    Chúng sanh nào nghe được pháp này thì sẽ thành Phật.

       *    Chúng sanh do nghe pháp (Đọc tụng cũng như nghe pháp) mà tín giải là khai Phật tri kiến.

       *    Do tín giải mà thọ trì (Y theo chánh pháp thực hành) là thị Phật tri kiến.

       *    Do thọ trì mà chứng đắc là ngộ Phật tri kiến.

       *    Do chứng đắc mà thành đạo gọi là nhập Phật tri kiến.

        *  Chẳng lập tất cả tri kiến gọi là Phật tri kiến.

     Do một đại sự nhân duyên này (Nhất-Phật-Thừa) nên Phật thị hiện trên đời.

     Nói một Phật thừa vì tự tánh bất nhị. Tất cả pháp vốn chẳng có tự tánh. Chủng tử Phật do nhân duyên sanh khởi. Pháp nào trụ theo ngôi pháp đó. Cũng như ngọn đèn mỗi giây mỗi khác; ngọn đèn giây thứ nhứt trụ theo ngôi pháp giây thứ nhất, ngọn đèn giây thứ nhì trụ theo ngôi pháp giây thứ nhì; pháp sanh trụ ngôi sanh, pháp diệt trụ ngôi diệt v.v... Tướng thế gian luôn luôn thường trụ như thế.

     Muốn thấu suốt nghĩa “Thế gian tướng thường trụ” thì phải chứng ngộ tự tánh mới được.

 

PHẨM THÍ DỤ THỨ BA

       Chúng sanh ba thừa ở trong nhà lửa tam giới, cũng như con nít ham chơi ngũ dục tài lợi, không sợ cái khổ sanh lão bệnh tử, không chịu ra nhà lửa để tránh khỏi chết thiêu. Phật phải dùng các phương tiện dối gạt (Lời nói dối gạt là phương tiện để cứu độ chúng sanh nên không được coi là vọng ngữ) nói bên ngoài có đủ thứ đồ chơi, nào là xe dê, nào là xe nai, nào là xe bò. Hãy mau mau chạy ra mới được tùy ý lựa chọn món đồ chơi của mình ham thích.

      Khi tất cả được ra ngoài yên ổn rồi, Phật cho đồng đều mỗi đứa một xe bò lớn (Đại thừa) vì thật ra chẳng có xe dê, xe nai.

      Ở đây chỉ rõ dù lời Phật nói có ba thừa nhưng kỳ thực chỉ có nhứt Phật thừa mà thôi.

 

PHẨM TÍN GIẢI THỨ TƯ

     Hàng Thanh Văn Duyên Giác, sau khi được nghe đại pháp chưa từng có và thấy Phật thọ ký Vô Thượng Bồ Đề cho Xá Lợi Phất mới biết trước kia được ít cho là đủ, tự cho đã được Niết Bàn, chẳng cầu tiến lên. Đối với Đại thừa có vô lượng pháp tài để thành tựu cho chúng sanh mà tâm họ chẳng ham thích, cũng như cha là Trưởng giả giàu sang mà con ruột lại bỏ đi xin ăn các nơi, cam chịu nghèo khổ. Dầu đã gặp cha ruột giàu sang nhưng không dám tin nhận, phải trải qua hai mươi năm lao nhọc hốt phẩn, mới phát hiện được tất cả tài sản kia thuộc về mình.

     Kinh nói “cha cho” nhưng sự thật thì tự tánh vốn sẵn có.

     “Cha” là dụ cho tự tánh Phật.

 

PHẨM DƯỢC THẢO DỤ THỨ NĂM

     Pháp vương phá chấp ra đời, theo tâm ý chúng sanh mà tùy nghi thuyết pháp. Diệu pháp khó hiểu khó biết vì tự tánh vô hình vô thanh, lời nói chẳng thể diễn tả, ý thức chẳng thể suy lường, kẻ có trí nghe rồi thì được tin, được hiểu. Kẻ vô trí nghe rồi vẫn còn nghi ngờ, nhưng cũng được gieo trồng thiện căn.

     Ví như mưa xuống khắp nơi, tất cả cây cối và dược thảo tùy theo căn tánh lãnh thọ thấm nhuần mà sanh trưởng.

     Như Lai thuyết pháp cũng vậy, một tướng, một vị, gọi là tướng giải thoát, tướng lìa, tướng diệt. Chúng sanh y theo lời dạy tu hành, cứu kính sẽ được kiến tánh thành Phật.

 

PHẨM THỌ KÝ THỨ SÁU

      Ý của Phật ở phẩm này tỏ rõ rằng: Tất cả đệ tử Phật, bất cứ thượng căn, trung căn, hạ căn chỉ cần đầy đủ lòng tin, thực hành theo đúng phương tiện của Phật dạy, cuối cùng tất cả đều sẽ được thọ ký thành Phật.

 

PHẨM HÓA THÀNH DỤ THỨ BẢY

       “Đại Thông Trí Thắng Phật (Bích Chi Phật).

        Mười kiếp tọa đạo tràng”.

       Thân tâm chẳng động là trụ nơi Niết Bàn Tiểu thừa (hóa thành) chưa đến cứu kính (bảo sở) nên: “Phật pháp chẳng hiện tiền, chẳng đặng thành Phật đạo”.

       Sau này bỏ Niết Bàn Tiểu thừa tiến lên Đại thừa mới được thành Phật.

       Mười sáu Vương Tử thành Phật ở mười phương thế giới để tỏ rõ “Phật Phật bất nhị”. Chư Phật đều thuyết Kinh Pháp Hoa để tỏ rõ “Pháp pháp bất nhị”.

       Hàng Thanh Văn, Duyên Giác ham pháp Tiểu thừa, chẳng tin Đại thừa, nên Phật trước lập phương tiện nói Niết Bàn Tiểu thừa để tâm họ được tạm yên ổn, rồi sau mới dạy pháp Bồ Tát, để đi đến chỗ cứu kính.

Cũng như Đạo sư (Phật) dẫn dắt chúng Tiểu thừa đi tìm châu báu vì muốn thuận theo ý của đại chúng nên mới biến hóa thành lớn để tạm nghỉ, sau mới khuyên chúng bỏ nơi “Hóa Thành” tiến tới nữa, đến nơi “Bảo Sở” (quả Phật).

 

PHẨM NGŨ BÁ ĐỆ TỬ THỌ KÝ

THỨ TÁM và

THỌ HỌC VÔ HỌC NHƠN KÝ

THỨ CHÍN

        Phẩm tám, phẩm chín cũng như phẩm sáu, thất chúng đệ tử cho đến Thiên Long Bát Bộ, kẻ hộ trì chánh pháp, chẳng kể thứ lớp tốt xấu, quả vị cao thấp, hữu học (thấp), vô học (cao), nếu được nghe một câu, một kệ của kinh này cho đến một niệm tùy hỷ đều được thọ ký thành Phật. Vì gieo chánh nhân thì sẽ được chánh quả.

 

PHẨM PHÁP SƯ

THỨ MƯỜI

        Phẩm này dạy rằng phải tôn trọng, tán thán, cung kính, cúng dường pháp sư. Nhưng pháp sư thuyết pháp cần phải hiểu rõ ý Phật, như nói: “vào thất Như Lai” là tâm đại bi, “mặt áo Như Lai” là tâm nhu hòa nhẫn nhục, “ngồi tòa Như Lai” là tất cả pháp KHÔNG (Nghĩa là “có” “chẳng thực có”, “không” “chẳng thực không”, “chơn” “chẳng thực chơn”, “vọng” “chẳng thật vọng”, tất cả pháp đều chẳng thật gọi là tất cả pháp KHÔNG) rồi mới dùng tâm chẳng giải đãi vì tứ chúng thuyết pháp. Nếu chẳng hiểu rõ ý Phật mà tự ý vọng thuyết thì sẽ bị cái tội cuồng vọng thuyết pháp.

(Kinh Lăng Nghiêm có nói bốn thứ tội địa ngục :

           Ø    Một là phá Phật luật nghi.

           Ø    Hai là phỉ báng Đại Thừa.

           Ø    Ba là cuồng vọng thuyết pháp.

           Ø    Bốn là hư tiêu tín thí).

 

PHẨM HIỆN BỬU THÁP

THỨ MƯỜI MỘT

        Bảo tháp từ dưới đất nổi lên. Bảo tháp dụ cho tự tánh. Đất dụ cho tâm địa. Đa Bảo dụ cho sức dụng của tự tánh vô lượng vô biên.

        Phật thuyết kinh này, chúng sanh nào nghe theo lời tu hành thì sức dụng của tự tánh tự nhiên từ nơi tâm địa hiện ra. Nhưng muốn thấy sức dụng của tự tánh trước tiên cần phải chứng ngộ tự tánh bất nhị. Cũng như Phật nói: “Phải đợi khi mười phương phân thân Phật tựu tập lại rồi, Phật Đa Bảo mới chịu hiện ra cho thấy”.     Vậy thì vô lượng phân thân chỉ là một Phật Thích Ca là để thị hiện sự bất nhị của tự tánh mà thôi.

       Đã được chứng ngộ thì vô biên diệu dụng tự hiện. Sự việc ba lần biến uế độ thành tịnh độ tức là tỏ bày diệu dụng của tự tánh.

       Bởi vì tự tánh vô hình, vô thanh, lời nói chẳng thể diễn tả, ý thức chẳng thể suy lường, là một pháp rất khó hiểu, khó tin, nên kinh nói: Tất cả việc rất khó đều không khó bằng thuyết pháp này.

 

PHẨM ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA

THỨ MƯỜI HAI

       Phẩm này chỉ rõ đại pháp khó gặp. Tiền thân Phật Thích Ca nhiều kiếp làm Quốc Vương, vì cầu đại pháp mà trải qua vô lượng khổ mới được gặp Thiện tri thức, nghe pháp, phụng trì cho đến thành Phật. Vì muốn phá trừ chấp trước của những kẻ chấp ngôn hại nghĩa, chấp thật thời gian và nghiệp chướng nên khai thị Long Nữ tám tuổi thành Phật, như vậy thì được biết chẳng phải do tu lâu và năm thứ chướng của người nữ cũng chẳng phải có nhứt định.

 

 

PHẨM KHUYÊN TRÌ

THỨ MƯỜI BA

       Tất cả Đại Bồ Tát, A La Hán cho đến Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni đã được thọ ký rồi đều phát lời thệ trước Phật rằng: “Sau khi Phật nhập diệt sẽ hộ trì Kinh này dù cho bị chúng sanh tàn ác khinh bỉ, chửi mắng, cho đến dùng dao gậy đánh đập, đều cam tâm nhẫn chịu mà khuyên họ biên chép thọ trì đọc tụng, giải thích nghĩa Kinh, theo pháp tu hành”.

(Biên chép đọc tụng cũng như nghe Phật thuyết pháp, thọ trì tức là thực hành đúng như chánh pháp).

 

PHẨM AN LẠC HẠNH

THỨ MƯỜI BỐN

       Tư cách của người giảng Kinh này (cũng như các Kinh Đại Thừa liễu nghĩa khác) cần phải an trụ nơi bốn pháp An Lạc Hạnh:

      Đệ Nhất An Lạc Hạnh : An trụ nơi “Hành xứ” và “Thân cận xứ” của Bồ Tát. “Hành xứ” là phải nhu hòa nhẫn nhục tâm chẳng kinh sợ, quán các pháp như thực tướng (chẳng chấp thật), đối với các pháp đều vô-sở-hành, nghĩa là chẳng hành pháp năng sở, chẳng hành pháp phân biệt tương đối như nam nữ, hữu vô, v.v... chẳng hành pháp kiến văn giác tri, đối với các pháp đều vô-sở-đắc. 
      “Thân cận xứ” là chẳng thân cận các quí tộc quan trưởng, các tà ma ngoại đạo, các kẻ dùng thế pháp lập ngôn viết sách, các kẻ ác đáp ác vấn, kẻ đùa giỡn hung dữ, kẻ thần bí biến hiện, kẻ chăn nuôi săn bắn giết hại. Những người kể trên hoặc khi có đến thì vì họ thuyết pháp mà chẳng có tâm hy vọng. Còn đối với người nữ thuyết pháp cần phải trang nghiêm chẳng sanh tưởng ái dục, thu nhiếp tâm ý, gọi là nơi “Thân cận xứ” đầu tiên.

      Quán tất cả pháp KHÔNG, vô danh vô tướng, phi sanh phi diệt, vô lượng vô biên, vô ngại vô chướng, hiểu rõ pháp sanh diệt do nhân duyên điên đảo mà hiện, gọi là “Thân cận xứ” thứ nhì.

Đệ nhị An Lạc Hạnh: Chẳng khinh mạn pháp sư khác, chẳng nói thị phi tốt xấu hay dở của cá nhân, cũng chẳng chỉ tên khen ngợi, cũng không có tâm oán ghét; đối với kẻ nghe pháp chẳng nghịch ý họ, có người vấn nạn chẳng dùng pháp Tiểu thừa trả lời, chỉ dùng pháp Đại thừa giải thích để cho họ được Nhứt Thiết Chủng Trí.

      Đệ Tam An Lạc Hạnh: Chớ khinh bỉ chửi mắng kẻ học Phật và tìm hay dở của họ, đối với tứ chúng cầu pháp Tam thừa chẳng nên làm phiền não họ, cũng chẳng nên hý luận các pháp mà sanh ra tranh luận. Đối với chúng sanh khởi đại-bi-tưởng; đối với Như Lai khởi từ-phụ-tưởng; đối với Bồ Tát khởi đại-sư-tưởng. Vì thuận theo pháp mà bình đẳng thuyết pháp chẳng nhiều chẳng ít, dù kẻ ưa pháp cũng chẳng nói nhiều.

       Đệ Tứ An Lạc Hạnh: Đối với người tại gia, xuất gia, sanh đại từ tâm, đối với người chẳng phải Bồ Tát (ở ngoài Đại thừa) sanh đại bi tâm. Hãy nghĩ rằng họ bị tổn thất lớn, đối với phương tiện thuyết pháp của Như Lai chẳng thấy, chẳng nghe, chẳng biết, chẳng hỏi, chẳng tin, chẳng hiểu. Dù họ chẳng hỏi, chẳng tin, chẳng hiểu Kinh này, nhưng khi ta được Vô Thượng Bồ Đề, phải dùng sức thần thông trí huệ để dẫn dắt họ, làm cho họ được trụ trong pháp này, từ từ giải thoát tất cả khổ cho đến cứu kính thành Phật.

 

 PHẨM TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT

THỨ MƯỜI LĂM

      Phật Thích Ca ở cõi Ta Bà giáo hóa vô lượng vô biên Bồ Tát và quyến thuộc của Bồ Tát, số lượng chẳng thể dùng thí dụ toán số để biết được. Tất cả đều từ dưới đất hiện ra dù là dụ cho sức dụng vô biên của tự tánh.

      Nếu người nào theo đúng pháp tu hành thì sức dụng vô biên của tự tánh tất sẽ được tự hiện nơi tâm địa.

Bốn đạo sư trong vô lượng ức quốc độ chúng Bồ Tát hiệu là Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh, An Lập Hạnh đều là hạnh môn phương tiện do Phật thiết lập. Chúng sanh y theo phương tiện ấy mà hành thì được hiển lộ Phật huệ thị hiện ra sức tự tại thần thông, sức lực sư tử mạnh nhanh, sức oai thế mạnh lớn của tự tánh.

 

 PHẨM NHƯ LAI THỌ LƯỢNG

THỨ MƯỜI SÁU

       Di Lặc Bồ Tát thay mặt đại chúng hỏi rằng: “Tại sao Phật Thích Ca đắc đạo chẳng được bao lâu mà đã giáo hóa được vô lượng Bồ Tát như phẩm trên?”

       Phật đáp rằng: Ta thành Phật đã trải qua vi trần kiếp, chẳng phải suy lường tính toán có thể biết được (phá khái niệm thời gian), thường giáo hóa ở cõi Ta bà, đồng thời cũng dẫn dắt chúng sanh nơi vô lượng quốc độ (phá khái niệm không gian), quán xét căn khí lòng tin của họ mà tùy cơ hóa độ, tự nói danh hiệu tuổi tác chẳng đồng (phá khái niệm số lượng).

     Tại sao vậy? Vì Phật biết được tướng của tam giới như thực, vốn chẳng sanh tử, cũng không kẻ tại thế và diệt độ, phi thực, phi hư, chẳng đồng, chẳng khác. Không pháp nào chấp thật được.

 

 

 

 PHẨM PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC

THỨ MƯỜI BẢY

      Nghe Phật thuyết Phẩm Như Lai Thọ Lượng sanh một niệm tín giải, được công đức không thể hạn lượng. Nếu có người vì Vô Thượng Bồ Đề mà hành ngũ Ba-La-Mật, trừ Bát-Nhã Ba-La-Mật, trong tám mươi muôn ức na do tha kiếp, đem công đức này sánh với công đức tín giải trên thì trăm ngàn muôn ức phần chẳng bằng một, huống là kẻ y theo pháp mà thọ trì. Nên vô số Đại Bồ Tát của mười phương thế giới nghe xong liền được ngộ nhập, y theo căn lực của họ mà hiển hiện vô biên đại dụng của tự tánh. Nếu muốn phân biệt công đức, thật chẳng thể kể xiết.

       Sự lấy năm trong sáu Ba-La-Mật để so sánh công đức mà trừ ra Bát-Nhã-Ba-La- Mật là vì diệu dụng của Bát-Nhã bao gồm pháp giới, chẳng thể thí dụ được. Như Kinh nói:

           “Phật tử trụ thử địa (tâm địa cũng là tự tánh Bát Nhã).

            Tức là Phật thọ dụng (hưởng sự vui của Phật).

             Kinh hành và nằm ngồi (trong tự tánh Bát Nhã).

            Đều thường ở trong đó (chẳng ở ngoài tâm địa).

 

 

PHẨM TÙY HỈ CÔNG ĐỨC

THỨ MƯỜI TÁM

       Nghe Kinh tùy hỷ rồi y theo pháp đã nghe (phải đúng ý Phật), tùy hỷ chuyển dạy cho cha mẹ, bà con, bạn bè v.v... Người thứ hai, thứ ba, nghe rồi cũng tùy hỷ, chuyển dạy cho đến người thứ năm mươi cũng tùy hỷ chuyển dạy như thế.

       Nếu có người vì cầu phước báu mà bố thí vật chất cần dùng hằng ngày và vàng bạc thất bửu trong thời gian tám mươi năm, cho bốn trăm vạn ức A-tăng-kỳ thế giới chúng sanh, sau lại dạy họ tu hành, tất cả đều chứng được quả A-La-Hán, công đức vô lượng vô biên ấy, nhưng cũng không bằng công đức nghe Kinh rồi tùy hỷ chuyển dạy của người thứ năm mươi. Tại sao vậy? Vì cầu phước là thuộc pháp hữu vi. Công đức dù lớn đến mức nào, nhưng phước ấy vẫn còn có số lượng, trải qua thời gian lâu sẽ hưởng hết. Còn nghe Kinh tùy hỷ, theo pháp tu hành thì được chứng Phật quả, siêu việt số lượng, phước đức vĩnh viễn không hết được.

 

PHẨM PHÁP SƯ CÔNG ĐỨC

THỨ MƯỜI CHÍN

       Thọ trì đọc tụng, biên chép giải thích, theo pháp tu hành đúng như kinh này thì được công đức của lục căn viên mãn, cho đến thần thông trí huệ, diệu dụng vô biên, cứu kính thành Phật.

        Pháp sư đã được công đức của lục căn viên mãn, dùng tâm vô sở úy thuyết Kinh này, thì dùng nhục nhãn có thể thấy tất cả sắc tướng trong tam thiên đại thiên thế giới; dùng phàm nhĩ có thể nghe tất cả âm thanh; dùng phàm tỷ có thể ngửi tất cả mùi hương; dùng phàm thiệt có thể nếm tất cả thực vật không kể thơm thúi, đắng chát, tốt xấu, bất cứ thức ăn nào cũng biến thành thượng vị. Thân thể thanh tịnh như lưu ly, tất cả sắc tướng, âm thanh trong đại thiên thế giới đều được hiển hiện trong thân thể, ý căn thanh tịnh thì thực tướng của các pháp đều được thấu đạt, nên có thể dùng muôn ngàn lời nói khéo léo tùy cơ thuyết pháp khiến cho chúng sanh thích nghe Kinh, được dễ hiểu mà hoan hỷ, tín thọ, phụng hành.

 

PHẨM THƯỜNG BẤT KHINH BỒ TÁT

THỨ HAI MƯƠI

        Thường Bất Khinh Bồ Tát là Tỳ Kheo trong thời tượng pháp của Phật Oai Âm Vương, chẳng đọc tụng kinh điển mà chuyên hạnh lễ bái, tán thán, để đối trị tứ chúng tăng thượng mạn. Dù thường bị người nhục mạ, thậm chí bị họ dùng gậy đánh, dùng ngói đá liệng, cũng chẳng nổi sân, còn lớn tiếng tán thán rằng: “Ta chẳng dám khinh các Ngài vì các Ngài đều sẽ làm Phật”.

        Đây cũng là một pháp môn trì Kinh (phá ngã chấp) cứu kính được thành Phật. Nếu có người ác khẩu chửi mắng, phỉ báng kẻ trì Kinh, tất phải chịu tội báo lớn. Cũng như Kinh nói: “Ngàn kiếp đọa Vô Gián địa ngục, hai trăm ức kiếp chẳng được nghe Phật pháp”.

 

PHẨM NHƯ LAI THẦN LỰC

THỨ HAI MƯƠI MỐT

       Phật hiện đại thần lực, bày tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang, đều là sức dụng bất khả tư nghì của tự tánh, là để tán thán kẻ thọ trì Kinh này và tăng cường lòng tin cho họ, khiến họ quyết chí theo đúng pháp tu hành thì sức dụng của tự tánh mới được hiển hiện.

 

PHẨM CHÚC LỤY THỨ

HAI MƯƠI HAI

       Phật phó chúc vô lượng Đại Bồ Tát cần phải nhứt tâm truyền bá pháp Vô Thượng Bồ Đề này, để phổ biến cho tất cả chúng sanh đều được lợi ích của Phật pháp.

 

PHẨM DƯỢC VƯƠNG BỒ TÁT

BỔN SỰ

THỨ HAI MƯƠI BA

         Nhất thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát (tiền thân Dược Vương Bồ Tát) nghe Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức thuyết Kinh Pháp Hoa liền ham tập khổ hạnh, tinh tấn tu hành, được hiện nhứt thiết sắc thân tam muội. Trước dùng vật chất cúng dường Phật, sau nghĩ chẳng bằng lấy thân cúng dường, liền dùng sức nguyện thần thông mà tự thiêu thân, ánh sáng chiếu khắp tám mươi ức hằng hà sa số thế giới. Chư Phật trong đó đồng thời tán thán rằng: “Đó là chơn thật tinh tấn gọi là chơn pháp cúng dường Như Lai”.

       Trí Giả Đại Sư (Tổ thứ ba Tông Thiên Thai) đọc đến câu này liền được chứng ngộ.

       Đây tỏ rõ “ngộ pháp vô sanh” (phá hết ngã chấp) mới được gọi là “chơn pháp cúng dường”. Cũng như kinh nói: “Ư chư thí trung, tối tôn tối thượng”, chẳng phải dùng tất cả vật chất khác bố thí mà có thể so sánh bằng.

             “Ta xả bỏ hai tay (dụ cho pháp tương đối) ắt sẽ được thành Phật”. Nên nói: “Dùng thất bảo đầy đại thiên thế giới để cúng Phật, chẳng bằng thọ trì tứ cú kệ của kinh này”. (lìa có, lìa không, lìa chẳng có chẳng không, lìa cũng có cũng không, gọi là lìa tứ cú, cũng là lìa pháp tương đối, cũng là thọ trì tứ cú kệ của Kinh này).

 

PHẨM DIỆU ÂM BỒ TÁT

THỨ HAI MƯƠI BỐN

        Nơi quốc độ Tịnh Quang Trang Nghiêm có một vị Bồ Tát tên là Diệu Âm, bạch với Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí muốn đến cõi Ta Bà cúng dường Phật Thích Ca, nghe Kinh Pháp Hoa (việc này là để tăng cường lòng tin của chúng sanh đối với Kinh này) và gặp Văn Thù Bồ Tát. Phật nói: “Thân ông bốn mươi hai nghìn do tuần (Do tuần có ba thứ: bốn mươi dặm, sáu mươi dặm, tám mươi dặm). Thân ta sáu trăm năm mươi muôn do tuần, còn thân Phật cõi Ta-bà thì rất nhỏ. Ông đến cõi ấy chớ nổi ý khinh bỉ”. (Thân Phật vốn chẳng có lớn nhỏ, thân của chúng sanh cũng như vậy).

 

PHẨM PHỔ MÔN

THỨ HAI MƯƠI LĂM

        Phổ môn là phổ biến thị hiện sức dụng thần thông của tự tánh.

        Vô Tận Ý Bồ Tát hỏi Phật: “Quán Thế Âm Bồ Tát vì nhân duyên gì tên là Quán Thế Âm?”

Phật bảo: “Nếu có vô lượng chúng sanh chịu các khổ não, nhứt tâm xưng danh (nhứt tâm là chẳng có niệm nào khác) thì sức dụng tự tánh Quán Thế Âm hiện ra, tất cả đều được giải thoát nên gọi là Quán Thế Âm, cũng gọi là tự tánh tự độ”.

        Sức dụng của tự tánh được hiện ra thì vào lửa chẳng cháy, xuống nước chẳng chìm, dao chém chẳng đứt, thuốc độc chẳng giết được, ác quỉ chẳng hại được, lìa được tất cả tham sân si và tà kiến.

 

VỀ PHƯƠNG TIỆN TU HÀNH CỦA

QUÁN THẾ ÂM CÓ NĂM THỨ QUÁN

      1. Chơn quán: Là lập chơn để phá vọng. Trước tiên phải xoay cái tánh nghe trở về tự tánh, thoát lìa âm thanh (sở nghe). Sở nghe đã tiêu thì năng nghe cũng hết. Nên hai tướng động tịnh chẳng sanh, do đó sự dụng của lục căn dung thông lẫn nhau gọi là nhĩ căn viên thông cũng gọi là “phản văn văn tự tánh”.

      2. Thanh tịnh quán: Là dùng thanh tịnh để đối trị sự ô nhiễm của năng sở. Năng nghe sở nghe đã hết mà chẳng trụ nơi hết. Luôn cả tri giải về sự chẳng trụ cũng không.

      3. Từ quán: Là độ cho chúng sanh được vui mà chẳng có năng độ gọi là Vô Duyên Từ.

      4. Bi quán: Là độ cho chúng sanh lìa khổ mà chẳng có sở độ gọi là Đồng Thể Bi.

Khi từ bi thể hiện thì ngã chấp đều sạch. Tình cảm thương mến phát huy đến cùng tột, cũng như ánh sáng chiếu khắp mọi chúng sanh trong pháp giới vũ trụ, chẳng có thiếu sót. Như vậy được Hòa Quang Đồng Một (Nhiều đèn cùng chung một ánh sáng) Nên năng sở đều diệt.

      5. Quảng đại trí huệ quán: Là trí huệ chiếu khắp pháp giới, quảng đại siêu việt số lượng. Tất cả năng sở, sinh diệt đều diệt thì tịch diệt hiện tiền, đây là thực tướng vĩnh viễn tồn tại cũng như phẩm Phương Tiện đã nói : “Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng” vậy.

      Phẩm này chỉ rõ sự diệu dụng của tự tánh tự độ.

             “Quán Âm Diệu Trí Lực (diệu dụng của tự tánh)

               Năng cứu thế gian khổ”.

              Là nghĩa này vậy!

 

PHẨM ĐÀ LA NI

THỨ HAI MƯƠI SÁU

      Dược Vương Bồ Tát hỏi Phật: “Người thọ trì Kinh Pháp Hoa được bao nhiêu phước?”

Phật bảo: “Nếu có người cúng dường tám trăm muôn ức na do tha hằng hà sa số chư Phật, dù được phước nhiều nhưng cũng chẳng bằng cái phước của người thọ trì một tứ cú kệ của Kinh này, đọc tụng, giải nghĩa, đúng như pháp mà tu hành”. Nên Dược Vương Bồ Tát bạch Phật thuyết chú để bảo hộ kẻ thuyết pháp và trì kinh; kế đó Dũng Thí Bồ Tát, Tỳ Sa Môn Thiên Vương, Trì Quốc Thiên Vương và mười La Sát nữ v.v... đều ở nơi trước Phật lập nguyện thuyết chú để bảo hộ pháp sư và kẻ trì kinh.

       Phẩm này bảo đảm cho người chân thực tu hành được an toàn, chẳng sợ tà ma nhiễu loạn.

“Chú” là biểu thị cho mệnh lệnh và sức dụng của tự tánh. Người chân thật tu hành thì sức dụng của tự tánh tự hiện, mà được chư Phật (tự tánh Phật) hộ niệm, chớ chẳng phải do đọc chú mới được bảo hộ.

 

PHẨM DIỆU TRANG NGHIÊM VƯƠNG BỔN SỰ

THỨ HAI MƯƠI BẢY

       Diệu Trang Nghiêm Vương đã tin ngoại đạo và nhập tà kiến đã lâu, nhưng quá khứ từng gieo trồng thiện căn, hột giống chín mùi, nên được sanh hai đứa con làm thiện tri thức cho mình, dẫn dắt bỏ tà về chánh, liền được Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí thọ ký tương lai sẽ làm Phật hiệu là Ta La Thọ Vương.

       Phẩm này chứng tỏ nhân quả rõ ràng, đã gieo chánh nhân rồi ắt sẽ thành chánh quả. Dù sanh nơi nhà tà kiến, nhưng thiện nhân chủng tử cũng chẳng thối mất.

 

PHẨM PHỔ HIỀN BỒ TÁT KHUYẾN PHÁT

THỨ HAI MƯƠI TÁM

      Phổ Hiền Bồ Tát bạch Phật rằng: “Sau khi Phật nhập diệt, thế nào mới đắc được Kinh Pháp Hoa?”

Phật bảo: “Nếu người thành tựu bốn pháp sẽ được kinh này :

          _ Một là được chư Phật hộ niệm

          _ Hai là trồng nhiều công đức

          _ Ba là vào trong chánh định

          _ Bốn là phát tâm cứu độ tất cả chúng sanh”.

     Thật ra kẻ tu chánh pháp vốn sẵn đầy đủ bốn điều kiện này.

     Phổ Hiền Bồ Tát hứa với Phật là sau này ở trong đời ác trược, Ngài sẽ bảo hộ và giúp đỡ người trì kinh này được tu hành thành tựu và Ngài thuyết chú để bảo hộ.

     Ý của phẩm này cũng là muốn cho người trì Kinh này được tăng cường lòng tin và khiến họ được an ổn để chuyên tâm tu hành.

     Nói tóm lại, Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trên đời, thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội, thiết lập phương tiện tám mươi bốn ngàn pháp môn, qui nạp lại thành bốn đại loại:

          1. Tham thiền là Tổ Sư Thiền.

          2. Niệm Phật là Tịnh Độ Tông.

          3. Trì chú là Mật Tông.

          4. Quán tưởng là thiền quán của các tông về giáo môn như:

              *    Tông Thiên Thai có Chỉ Quán Thiền.

              *    Tông Hiền Thủ có Pháp Giới Quán Thiền.

              *    Tông Duy Thức có Duy Thức Quán Thiền.

              *    Tông Tam Luận có Tách-Không-Quán Thiền.

      Bất cứ tu pháp môn nào cần phải thực hành đúng theo tông chỉ của pháp môn đó, mới được thành tựu bất thối hoặc chứng quả. Tu đúng một trong tám mươi bốn ngàn pháp môn kể trên tức gọi là trì Kinh. Đọc tụng chỉ gọi là đọc tụng chẳng phải là trì Kinh.

 

PHỤ CHÚ

      Tông chỉ là đường lối thực hành của mỗi tông phái do Phật dạy và được truyền cho chư Tổ từ đời này qua đời khác (Tổ Tổ tương truyền).

“Hiểu đúng ý Phật” là phải phân biệt chánh tà và hiểu nghĩa bốn thứ tứ y.

      A. Phân biệt chánh tà: 

      Phá ngã chấp là chánh, không phá ngã chấp là tà, phá chấp thật là chánh, chấp thật là tà, cũng như đi đúng đường chánh thì đi cạn cũng là chánh, đi sâu cũng là chánh, nếu đi lầm đường tà thì hiểu cạn cũng là tà, hiểu sâu cũng là tà.

      B. Bốn thứ tứ y:

      1. Hạnh tứ y: là bốn thứ y về tu khổ hạnh.

       a. Phấn tảo y.

       b. Thường khất thực.

       c. Thọ hạ tọa (ngồi gốc cây).

       d. Hủ lạn dược (hủ lạn: mục nát).

      2. Pháp tứ y: Là bốn thứ y đi đúng chánh pháp.

      a. Y pháp bất y nhơn.

      b. Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa.

      c. Y nghĩa bất y ngữ.

      d. Y trí bất y thức.

      3. Nhơn tứ y: là bốn bậc người nên y chỉ.

      a. Người dứt được tất cả phiền não (ngũ trụ phiền não).

      b. Tu Đà Hoàn và Tư Đà Hàm.

      c. A Na Hàm.

      d. A La Hán.

Những người này bên trong đã chứng Bồ Tát đại thừa mà bên ngoài hiện tướng Thanh Văn để truyền pháp giáo hóa chúng sanh.

      4. Thuyết tứ y: là bốn thứ ý thú đều muốn chúng sanh thành Phật.

      a. Ý thú bình đẳng (ý thú là được ý quên lời, bình đẳng là thuyết pháp chẳng rời bất nhị của tự tánh).

      b. Ý thú thời khác biệt (*).

      c. Ý thú tùy nghĩa khác biệt (+).

      d. Ý thú tùy thuận theo tâm chúng sanh. 

(*) Có 3 thời khác biệt:

    1. Giáo thời thứ nhất: khi Phật mới thành đạo vì muốn phá chấp trước của phàm phu và ngoại đạo nên nói các pháp Tứ Đại, Ngũ Uẩn để sáng tỏ nhơn ngã không thật, tức là những bộ Kinh Tứ A Hàm (Tăng Nhất A Hàm, Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm).

     2. Giáo thời thứ hai: Phật vì phá sự chấp pháp của Tiểu Thừa nên thuyết tất cả pháp đều không thật, là những bộ Kinh Bát Nhã. 

      3. Giáo thời thứ ba: Phật vì phá sự chấp có của Tiểu Thừa và chấp không của Đại Thừa nên thuyết pháp chẳng có chẳng không để sáng tỏ nghĩa bất nhị của trung đạo, như những bộ Kinh Thâm Mật, Pháp Hoa, v.v...

(+) Có ba loại nghĩa khác biệt :

        1. Giải thích tất cả pháp “có” là đệ nhất thời.

        2. Giải thích tất cả pháp "không" là đệ nhị thời.

        3. Giải thích giáo pháp "trung đạo bất nhị” là đệ tam thời.

(Không kể thời gian trước hay sau mà chỉ phân theo nghĩa loại).

  Lược giải tứ quả của thừa Thanh Văn

       Sơ Quả Tu Đà Hoàn: người đã dứt hết tất cả kiến hoặc tam giới, vì chưa dứt được tư hoặc (tư tưởng mê lầm) của dục giới nên còn phải sanh cõi Dục giới bảy lần, dịch là Nhập Lưu.

        Nhị Quả Tư Đà Hàm: người đã dứt được sáu phẩm tư hoặc trước của Dục giới, còn ba phẩm sau chưa dứt được nên phải sanh lại cõi dục giới một lần nữa, dịch là Nhứt Lai.

       Tam quả A Na Hàm: người đã dứt thêm được ba phẩm sau (nghĩa là dứt hết chính phẩm tư hoặc của dục giới) không trở lại sanh nơi cõi Dục giới nữa, (chỉ sanh ở cõi Sắc giới và Vô sắc giới) dịch là Bất Lai.

        Tứ Quả A La Hán: người đã dứt hết tất cả kiến hoặc và tư hoặc của tam giới, đã ra khỏi phần đoạn sanh tử chẳng thọ sanh nơi lục đạo, dịch là Bất Sanh.

        Tam giới cửu địa: Tam giới gồm có cửu địa cũng gọi là cửu hữu : Dục giới một địa, Sắc giới bốn địa, Vô sắc giới bốn địa. Mỗi địa chia làm chín phẩm tư hoặc cộng chung là tám mươi mốt phẩm.

Cửu địa:

          1. Dục giới ngũ thú địa (ngũ thú tạp cư địa)

          2. Ly sanh hỷ lạc địa.

          3. Định sanh hỷ lạc địa.

          4. Ly hỷ diệu lạc địa.

          5. Xả niệm thanh tịnh địa.

          6. Không vô biên xứ địa.

          7. Thức vô biên xứ địa.

          8. Vô sở hữu xứ địa.

          9. Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa.

Ngũ trụ phiền não:

          1. Kiến nhứt thiết trụ địa phiền não, tức là tất cả kiến hoặc của Tam giới, dứt hết thì chứng quả Tu Đà Hoàn.

          2. Dục ái trụ địa phiền não, tức là tất cả tư hoặc của Dục giới, dứt hết thì chứng quả A Na Hàm.

          3. Sắc ái trụ địa phiền não, tức là tất cả tư hoặc của Sắc giới.

        4. Hữu ái trụ địa phiền não, tức là tất cả tư hoặc của Vô sắc giới, (dù không có xác thân nhưng còn chấp ngã nên còn có ái) dứt hết tất cả kiến hoặc và tư hoặc kể trên thì được chứng quả A La Hán.

          5. Vô minh trụ địa phiền não tức là chỗ nguồn gốc sinh khởi tất cả phiền não, phá được vô thỉ vô minh (căn bản vô minh) thì được Kiến Tánh Thành Phật.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

5.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập