Nghe tham luận của TT. Thích Nhật Từ suy nghĩ thêm về giáo dục đạo đức PG cho tuổi trẻ

Đã đọc: 7980           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Khi mà những vấn nạn do tuổi trẻ gây ra đã trở nên nhức nhối cho toàn xã hội thì vấn đề giáo dục đạo đức Phật giáo cho thanh thiếu niên là một việc làm vô cùng cần thiết và không thể chậm trễ hơn được nữa! Nếu không thì sẽ là quá muộn!

Hội thảo quốc tế với chủ đề "Giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam” đã diễn ra trong hai ngày 6 và 7 tháng 4 năm 2011 tại khách sạn Melia Hà Nội do Hội đồng trao đổi văn hóa Ấn Ðộ, Ðại sứ quán Ấn Ðộ tại Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đồng tổ chức.

Hội thảo đã qui tụ được nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo, nhiều giáo sư, Tiến sỹ của các nước Việt Nam, Ấn Độ, Srilanca , Trung Quốc, Camphuchia và Thái Lan.

Các báo cáo khoa học trong hội thảo đã đề cập đến mối liên hệ văn hóa từ hàng nghìn năm trước giữa Việt Nam và Ấn Độ thông qua hệ qui chiếu và chiếc cầu nối là Phật giáo. Một số báo cáo đã trình bày các vấn đề học thuật rất chuyên sâu về Phật giáo, về sự phát triển của Phật giáo ở Việt Nam từ cái nôi Phật giáo Luy Lâu ở miền Bắc hàng nghìn năm về trước.

Tôi rất quan tâm đến bản báo cáo khoa học về vấn đề giáo dục Phật giáo trong sự phát triển bền vững của Châu Á  do Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Trụ trì chùa Giác Ngộ trình bày.

Khi nghe bản báo cáo này tôi có thêm nhiều suy ngẫm về sự cần thiết phải giáo dục đạo đức Phật giáo cho tuổi trẻ. Đây là vấn đề mà tôi đã có dịp đề cập đến đôi lần.

Ai cũng biết rằng sự khát khao có một cuộc sống hòa bình và an lạc trên trái đất này là một hằng số chung bất biến của mọi dân tộc. Thế nhưng những ai quan tâm đến tình hình thế giới trong những năm gần đây đều thấy một thực tế là hàng ngày, hàng giờ đang diễn ra nhiều sự kiện đau lòng!

Đó là những xung đột sắc tộc và tôn giáo triền miên, các cuộc bạo động chính trị xuất phát từ lòng hận thù dai dẳng. Thêm vào đó là sự tàn phá dữ dội hơn bao giờ hết của sức mạnh thiên nhiên.

Báo cáo khoa học của Thượng tọa Thích Nhật Từ nêu lên vấn đề làm thế nào để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và của một châu Á đa văn hóa và đa tôn giáo nói chung.

Châu Á là một vùng lãnh thổ rộng lớn và đông đúc dân cư. Chỉ riêng hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm một nửa dân số toàn cầu. Châu Á cũng nổi tiếng trong lịch sử  nhân loại với nền văn minh sông Hằng và nền văn minh Trung Hoa hình thành từ hàng nghìn năm trước.

Châu Á cũng là nơi đan xen các nền tôn giáo trong đó có mặt tất cả các tôn giáo lớn nhất của nhân loại như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Hinđu giáo.

Từ xưa đến nay trong khu vực châu Á cũng đã diễn ra không biết bao nhiêu là xung đột và chiến tranh. Gần đây nhất là xung đột vũ trang và bạo lực không dứt ở Pakistan, Apganistan, Srilanca.

Đó là chưa kể đến những vụ đánh bom và bắt cóc con tin kinh hoàng xảy ra ở Indonexia, Thái Lan và Philippine.

Xuất phát từ thực tế đó, trong báo cáo khoa học của mình, Thượng tọa Thích Nhật Từ đề xuất một giải pháp Phật giáo cho vấn đề này. Đó là việc giáo dục tôn giáo, trong đó đặc biệt là giáo dục Phật giáo cho người dân châu Á.

Từ hơn hai nghìn năm trước Đức Phật đã ra đời để chỉ dạy cho chúng sinh hiểu được căn nguyên của những nỗi khổ đau muôn thuở của con người và cách vượt qua những nỗi khổ đau đó nhằm mang lại thái bình và an lạc cho mỗi con người, cho cộng đồng xã hội và cho toàn nhân loại.

Bản chất của nền giáo dục Phật giáo là Từ Bi Hỷ Xả, là tất cả vì con người, vì hòa bình và an lạc cho mọi chúng sinh.

Giáo dục Phật giáo có vai trò rất to lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân về sự cùng tồn tại hòa bình, về sự đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các nước không phân biệt qui mô dân số và lãnh thổ.

Mục đích của giáo dục Phật giáo là hướng đến xây dựng một xã hội dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng giữa các quốc gia và các dân tộc, một xã hội không còn bạo lực.

Trong xã hội thì vấn đề giáo dục sự đoàn kết đồng lòng có ý nghĩa sống còn. Ngoài cuộc sống vật chất thì các nhà lãnh đạo xã hội cũng phải đảm bảo cho người dân được bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình đối với những vấn đề quốc kế dân sinh có tầm ảnh hưởng quốc gia.

Đó chính là cái kế “sâu rễ bền gốc" mà Đức Thánh Trần đã truyền dạy lại cho hậu thế.

Trong phần trao đổi học thuật, một học giả tham gia hội thảo đã bày tỏ sự đánh giá cao tính khoa học và tính thực tiễn trong bản tham luận của Thượng tọa Thích Nhật Từ. Học giả này cũng đề nghị Thượng tọa Thích Nhật Từ nói rõ hơn về giáo dục Phật giáo theo quan điểm của Đức Phật.

Thượng tọa Thích Nhật Từ nói rằng trong Kinh Pháp cú chương 11 Đức Phật đã chỉ ra 4 nội dung giáo dục cho giới trẻ:

Thứ nhất là giáo dục Trí tuệ

Trí tuệ của mỗi con người không chỉ là tri thức mà còn cao hơn trí thức. Giáo dục trí tuệ giúp cho những người trẻ tuổi luôn luôn biết tư duy và hành động một cách đúng đắn.

Thứ hai là giáo dục đạo đức

Giáo dục đạo đức cho tuổi trẻ nhằm giúp họ biết về các chuẩn mức đạo đức trong xã hội, biết đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Thứ ba là giáo dục về sức khỏe

Giáo dục sức khỏe giúp tuổi trẻ hiểu rõ về Thân và đóng góp của Thân cho nhân loại.

Thứ tư là giáo dục thiên hướng nghề nghiệp

Một người trẻ tuổi khi đến tuổi trường thành thì phải thông thạo nghề nghiệp để nuôi sống mình và góp phần phụng dưỡng cha mẹ và người thân.

Thật kinh ngạc là từ hơn hai nghìn năm trước mà Đức Phật đã dạy những điều vô cùng xác đáng về nội dung giáo dục tuổi trẻ. Tôi cho rằng những nội dung ấy vẫn còn giữ nguyên giá trị tham khảo trong thời đại hôm nay.

Một vị học giả khác cũng cho rằng bản tham luận khoa học của Thượng tọa Thích Nhật Từ là rất đúng đắn về mặt tư duy. Nhưng vị học giả này còn băn khoăn về tính thực tiễn của giáo dục Phật giáo trong việc giải quyết các xung đột có yếu tố bạo lực.

Ông lấy ví dụ cụ thể về tình hình không ổn định ở 4 tỉnh miền Nam Thái Lan vốn trong lịch sử là một quốc gia Hồi giáo. Vị học giả hỏi  Thượng tọa Thích Nhật Từ là việc giáo dục Phật giáo liệu có thể góp phần giải quyết tình trạng bất ổn này hay không.

Đây là một câu hỏi khó và tế nhị vì nó không chỉ liên quan đến vấn đề giáo dục Phật giáo mà còn đến lợi ích của các tôn giáo khác nhau ở Thái Lan là Đạo Phật và Đạo Hồi. Thêm vào đó là sự có mặt của các nhà khoa học Thái Lan đang tham gia hội thảo.  

Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng mấu chốt để giải quyết các xung đột là phải thấy được sự khác biệt về tôn giáo trong một quốc gia. Không nên đào sâu thêm các dị biệt mà phải biết phát huy thêm các giá trị tương đồng. Trước hết nên thương nhượng với nhau  nhằm mục đích hòa giải. Nếu không thương nhượng được thì mới chuyển sang giai đoạn thương lượng mà cốt lõi là dựa trên luật pháp.

Thượng tọa Thích Nhật Từ nói cụ thể hơn rằng Thái Lan là một đất nước theo Đạo Phật là chủ yếu. Các vị Thủ tướng Thái Lan từ trước đến nay phần lớn đều là người theo Đạo Phật nên việc giải quyết các xung đột ở bốn tính miền Nam cũng được xử lý theo tình thần Phật giáo mà họ đã được giáo dục trong chùa.

Thượng tọa Thích Nhật Từ nói rằng vốn là Phật tử nên các nhà lãnh đạo Thái Lan đã không chủ trương dùng vũ lực để trấn áp mà luôn luôn kêu gọi giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình thương lượng.

Họ còn chủ động kêu gọi các nhà sư Thái Lan đã bị khủng bố, bị bạo hành, đánh đập hãy từ bi hỷ xả mà không lấy oán trả oán đối với những người đã gây ra tai vạ cho mình. Nhờ thế tình hình đã không bùng phát thêm lên.

Một vị Giáo sư người Thái Lan tham gia hội thảo đã đứng lên phát biểu làm rõ thêm về tình hình xung đột ở 4 tỉnh miền Nam Thái Lan. Ông cũng cảm ơn Thượng tọa Thích Nhật Từ về sự am hiểu và thông cảm tình hình đất nước ông và về lời giải thích thỏa đáng của Thầy.

Tôi rất quan tâm đến vấn đề giáo dục cho giới trẻ với 4 nội dung mà Đức Phật đã chỉ ra từ hàng nghìn năm trước.

Ai cũng biết từ thập kỷ 80 đến nay do tác động của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, nền kinh tế thế giới đã trải qua những biến đổi vô cùng sâu sắc. Đây là giai đoạn mà nền kinh tế chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức, nền văn minh nhân loại chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ.

Chưa bao giờ vai trò của tri thức, của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội lại trở nên quan trọng như thế. Chưa có thời kỳ nào trong lịch sử mà sự thay đổi trong xã hội lại diễn ra nhanh chóng, sâu sắc và toàn diện đến như thế. Điều đó buộc người ta phải hành động nhanh chóng, phải "làm việc theo tốc độ của tư duy" như lời của Bill Gates.

Xét trong bối cảnh ấy vấn đề giáo dục và đào tạo đã trở nên mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Tuổi trẻ là tương lai và là niềm hy vọng của mỗi gia đình và của toàn xã hội. Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ đã có lần nói rằng tuồi trẻ là mầm chồi của mỗi quốc gia. Nếu mầm chồi mà đã bị thui chột thì làm sao quốc gia có thể phát triển lên được.

Từ khi đất nước đổi mới và hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới thì cuộc sống vật chất của nhân dân khắp thành thị và nông thôn đã có sự tiến bộ đáng kể.

Chính phủ Việt Nam đã rất chú trọng đến giáo dục, coi giáo dục là quốc sách. Đầu tư cho giáo dục từ ngân sách quốc gia cũng không ngừng tăng lên qua các năm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu năm 1987 cả nước có 107 trường Đại học và Cao đẳng, thì năm 2009 con số này là  376 trường, tăng 3,7 lần. Chỉ riêng 2 năm 2006-2007 đã có gần 40 trường Đại học mới được thành lập hoặc nâng cấp từ trường Cao đẳng. Nhờ sự gia tăng nhanh chóng về số trường, tổng số sinh viên cũng tăng 13 lần, từ trên 133.000 năm 1987 lên trên 1,7 triệu năm 2009. Số lượng công nhân có tay nghề đã tăng từ 12,3% năm 1996 lên 27% trong năm 2005.

Tuy nhiên cùng với sự phát triển đáng trân trọng đó thì cũng đã xuất hiện những biểu hiện đáng lo ngại về hành vi và đạo đức của một bộ phận không nhỏ những người trẻ tuổi.

Phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế là hàng ngày, hàng giờ xung quanh chúng ta đang xảy ra biết bao nhiêu là tệ nạn liên quan đến tuổi trẻ. Nào là trộm cắp, bạo lực học đường, nghiện ngập ma túy. Nào là coi thường cha mẹ, vô lễ với Thầy cô. Thậm chí có trường hợp còn phạm tội ở mức gây ra án mạng đã làm dư luận xôn xao trong thời gian gần đây.

Chúng tôi cho rằng không thể giải quyết vấn nạn này bằng các mệnh lệnh cấm đoán của gia đình, nhà trường hoặc xã hội. Cũng không thể có hiệu quả lâu dài khi áp dụng các biện pháp quản lý mang nặng tính hành chính như đã làm lâu nay.

Không ai có thể giám sát được con cái mình mọi lúc mọi nơi. Vấn đề là phải làm sao để các em tự nguyện giám sát được chính bản thân mình. Muốn thế thì cùng với việc giáo dục học đường nhằm trang bị các kiến thức chuyên môn nghề nghiệp cho giới trẻ thì việc giáo dục đạo đức Phật giáo là một giải pháp căn cơ góp phần giải quyết tận gốc vấn nạn này.

Chỉ sau khi đã đạt được sự thống nhất chung về nhận thức như vậy giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Nhà nước thì chúng ta mới có thể bàn đến các giải pháp triển khai cụ thể.

Trước hết là việc lựa chọn các nội dung để đưa vào chương trình giáo dục đạo đức Phật giáo cho thanh thiếu niên. Bước tiếp theo là đề xuất các hình thức tổ chức nhằm từng bước thực hiện qui trình giáo dục này một cách hiệu quả nhất.

Nếu được thực hiện thì đây sẽ là một chương trình giáo dục đạo đức cho tuổi trẻ có tầm ảnh hưởng và qui mô to lớn nhất từ trước đến nay! 

Trong giai đoạn hiện nay, khi mà những vấn nạn do tuổi trẻ gây ra đã trở nên nhức nhối cho toàn xã hội thì vấn đề giáo dục đạo đức Phật giáo cho thanh thiếu niên là một việc làm vô cùng cần thiết và không thể chậm trễ hơn được nữa !

Nếu không thì sẽ là quá muộn!

Nguồn: Phật Tử Việt Nam

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (7 đã gửi)

avatar
TS. Hoang Minh 12/04/2011 07:49:46
Tôi công tác trong ngành giáo dục đã hơn 30 năm. Tuổi trẻ ngày nay có điều kiện hơn các thế hệ trước nhiều và cũng thông minh hơn , khôn ngoan hơn nhiều . Nhưng tiếc rằng các vấn nạn của tuổi trẻ cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận với sự thông minh và khôn ngoan ây
Bằng kinh nghiệm của mình tôi đã nghiệm ra là việc giáo dục đạo đức cho tuổi trẻ học đường của chúng ta còn quá nhiều thiếu sót.
Lâu nay đã có nhiều hình thức nói chuyện Phật pháp cho tuổi trẻ như tổ chức Hội trại Thiện Sinh, Hội trại Thắp sáng niềm tin, hoặc tuổi trẻ tu tập ở Thiền viện Sùng Phúc Hà Nội, Thiền viện Tây Thiên Vĩnh Phúc… vv . Kết quả rất tốt đẹp. Đó là những thí nghiệm thực tế cho thấy giáo dục đạo đức Phật giáo cho tuổi trẻ hoàn toàn là một giải pháp có thể giải quyết được các vấn nạn tuổi trẻ hiện nay
Tôi cũng cho rằng đây là một đề án giáo dục vô cùng to lớn và cũng vô cùng khó khăn . Trước hết là Giáo hội Phật giáo VN, thông qua các vị đại biểu Quốc hội là các Hòa thượng nên có những ý kiến chính thức về vấn đề này với Ủy ban giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc Hội. Đồng thời trong các phiên thảo luận tại Quốc Hội về các vấn đề liên quan đến giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng thì các vị Hòa thượng cũng phải có ý kiến. Như vậy giới lãnh đạo xã hội và dư luận mới dần dần hiểu được vì cho đến nay nhiều người còn hiểu rất sai về Đạo Phật.
avatar
Tran Vu 12/04/2011 19:42:59
Tôi rất tâm đắc với những suy tư của tác giả bài viết này !
Đúng là cuộc sống của nhiều gia đình VN đã sung túc hơn trước nhiều. Nhưng sung túc mà làm gì và còn có ý nghĩa gì nữa khi con cái chúng ta hư hỏng, nền tảng đạo đức của xã hội xuống cấp nghiêm trọng
Tôi cũng đồng ý với ý kiến của đọc giả rằng muốn đưa giáo dục đạo đức Phật giáo vào giảng dạy chính thức cho tuổi trẻ thì các Thầy lãnh đạo trong Giáo hội PGVN phải dấn thân. Trước hết phải đạt được nhận thức chung giữa GH PGVN và Nhà nước. Bời vì trong các nhà lãnh đạo đất nước hiện nay có mấy ai hiểu được bản chất khoa học và thực tiễn của Phật giáo ? Hay là cũng chỉ nghĩ một cách phiến diện rằng Phật giáo là mê tín dị đoan, là thuốc phiện ru ngủ quần chúng ? Khi các nhà lãnh đạo đất nước hiểu được Đạo Phật thì họ mới tin. Khi đó chương trình giáo dục đạo đức Phật giáo cho tuổi trẻ trong phạm vi cả nước mới có thể triển khai được
Xin cám ơn Đạo Phật ngày nay đã đăng tải bài viết này !
Đức Phật mãi mãi là ngọn đuốc sáng , soi đường cho chúng ta !
avatar
Hải Bằng 12/04/2011 22:58:59
Tôi cho rằng, song song với giao dục tuổi trẻ thì chúng ta cũng cần có các chương trình giáo dục cả tuổi già thì xã hội mới phát triển toàn diện về đạo đức.
Chúng ta thường lên án, chỉ trích, chê trách các bạn trẻ, nhưng nhiều người lớn lại quá dễ dãi với bản thân. Trong xã hội đang hình thành một xu hướng "càng già càng khôn". Trong khi người lớn chính là tấm gương cho giới trẻ, vậy người lớn nếu không là tấm gương sáng, thì chúng ta có nói hay, nói tốt đến mấy thì cũng bằng không, chẳng có ai nghe cả. Thực tế qua quan sát của cá nhân tôi, tôi thấy rất nhiều bạn trẻ mới ra trường rất trong sáng, đầy lý tưởng, nhưng đi làm một thời gian, bước vào "đời" dăm bảy năm thì "quái" hẳn so với trước. Vậy, nguyên nhân là do đâu? Đây là câu hỏi mà người lớn cần phải trả lời trước.
Cha ông ta có câu: "Trên kính, dưới nhường". Câu này có nghĩa là với người trên (cao tuổi) thì phải kính trọng, với người dưới (ít tuổi hơn) thì phải độ lượng, tha thứ. Chính sự độ lượng, gương mẫu của người lớn là điều khiến giới trẻ sẽ phải khâm phục, kính trọng. Đó là một diễn biến mang tính quy luật tâm lý.
Điều này khác hẳn với việc giáo dục theo kiểu giáo điều áp đặt, bắt lớp trẻ phải tuân theo những nguyên tắc, khuôn mẫu do người lớn đặt ra. Kết quả của cái giáo điều, áp này là việc giới trẻ đã không tâm phục khẩu phục, cho người già là phong kiến cổ hủ và vì thế đã tạo nên hố ngăn cách quá lớn giữa 2 thế hệ. Đồng thời với việc này là một làn sóng văn hoá pha tạp từ phương Tây tràn vào dẫn đến hệ quả là giới trẻ đã mất cả phương hướng lẫn lòng tin cũng như lý tưởng sống, ngả theo lối sống thực dụng, cá nhân, ích kỷ...
Tóm lại, để xây dựng một xã hội có nền tảng đạo đức vững vàng thì người lớn cũng cần phải học để biết làm người lớn. Tuổi trẻ thời nay được trang bị đầy đủ tri thức, trí tuệ nên các em không bao giờ chấp nhận các lý luận giáo điều nên sự giáo dục với giới trẻ không chỉ trên sách vở, lời nói (khẩu giáo) mà quan trọng hơn là phải dựa trên nền tảng thực hành (thân giáo - tức người lớn phải làm gương) thì tuổi trẻ mới tin, mới nghe, mới tâm phục khẩu phục.
avatar
Cao Minh Thai 13/04/2011 03:14:01
Cách đây mấy năm tôi được nghe bài Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thanh Từ với các nhà khoa học ngành Y khoa tại Hà Nội. Hôm vừa rồi một người bạn là Tiến sỹ ngành CNTT lại giới thiệu mấy bài giảng mới nhất của TT. Thích Nhật Từ.
Điều tôi nhận thấy trong các bài giảng Pháp của cả hai Thầy là tính khoa học, tính biện chứng và tính thực tiễn của Đạo Phật. Tôi đã tìm đọc thêm các bài giảng của Thầy Nhật Từ trên trang Đaophatngaynay.com và rất khâm phục
Mong rằng những bài giảng như thế được phổ biến rộng rãi trong giới trí thức, nhất là những người nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên !
Thank BBT !
avatar
13/04/2011 03:47:45
Bai viet nay cua mot nha khoa hoc khong ban ve dao duc cho toan xa hoi noi chung ( trong do co nguoi truong thanh) ma chi ban rieng cho thanh thieu nien thoi nen toi cho rang cach dat van de nhu trong bai viet la hop ly
Toi cung rat muon tac gia nghien cuu viet bai ve giao duc dao duc Phat giao cho nguoi truong thanh nhu y kien rat hay cua ban Hai Bang.
Rat mong ngay cang co them nhieu nha khoa hoc quan tam den Phat giao. Nhung nguoi lam cong tac giao duc ma co cai Tam Bo De thi con chau chung ta duoc nuong tua nhieu lam !
Tran trong kinh chao !
avatar
Le Thanh Cong- HN 13/04/2011 07:40:31
Cám ơn Đạo Phật ngày nay đã đăng bài viết này !
Đây là một vấn đề nhức nhối cho toàn xã hội và cho mỗi gia đình chúng ta. Con cái là của để giành của mỗi gia đình, là niềm trông cậy của cha mẹ sau này
Thế mà hàng ngày con em chúng ta đang bị tác động bởi biêt bao nhiêu là tiêu cực bởi các GameOnline đầy bạo lực, bởi truyền thông với những bộ phim bắn giết và ca ngợi anh hùng cá nhân, bởi các tin tức giật gân và hết sức nhảm nhí trên một số tờ báo.
Tương lai tuổi trẻ sẽ đi về đâu ?
Tôi đánh giá phần lớn tuổi trẻ là tốt. Thế nhưng chỉ cần 10% thanh thiếu niên hư hỏng thì tương lai của biết bao nhiêu gia đình sẽ bị đe dọa. Gánh nặng của xã hội sẽ chồng chất thêm bao nhiêu ?
Giải pháp giáo dục đạo đức Phật giáo theo tôi là giải quyết tận gốc của vấn đề thay vì lâu nay chúng ta chỉ giải quyết từ phần ngọn. Đạo đức Phật giáo với lòng từ bi vô lượng , thương yêu mọi chúng sinh nếu được giáo dục ngay từ tấm bé sẽ là hành trang đạo đức giúp các em vào đời tốt đẹp. Mọi biện pháp bạo lực hay hành chính chỉ giải quyết tạm thời như đá ném ao bèo mà thôi !
avatar
Nguyen Uyen 18/04/2011 03:32:35
Tôi xin kể ra đây một chuyện nhỏ hoàn toàn có thật.
Người bạn thân của tôi có 2 đứa con trai học cấp 3 ( một cháu lớp 10, một lớp 12). Tuy được sinh ra trong gia đình khá giả và trí thức, cha là bác sĩ, mẹ là một doanh nhân có bằng thạc sĩ, nhưng các cháu lại học hành rất kém, thích tụ tập ăn chơi, đua xe, theo băng nhóm đánh nhau..v.v.,tóm lại không thói xấu nào mà hai cháu không làm ngoại trừ chuyện hút chích xì ke, ma túy. Vợ chồng bạn tôi rất đau khổ và tìm đủ mọi phương pháp để uốn nắn, giáo dục cho các cháu trở về đường ngay nẻo thẳng, nhưng vô hiệu!
Đúng vào lúc tuyệt vọng nhất, tình cờ anh ấy được xem đĩa "Bóng Mây" ghi lại buổi giảng pháp dành cho các cháu thanh thiếu niên tham dự "khóa tu mùa hè" được tổ chức tại chùa Hoằng Pháp ( Hóc Môn-tp/HCM). Sau đó, khi biết chùa Hoằng Pháp có một khóa tu mới,bạn tôi quyết định "dụ dổ" cháu lớn cùng đi đến chùa với lý do nhờ quý thầy cầu nguyện cho cháu thi đỗ vào đại học. Đến nơi, duyên lành là cháu gặp một người bạn cùng trường PTTH đang tham dự khóa tu. Ngạc nhiên lẩn tò mò và qua sự động viên của bạn và quý thầy, cháu quyết định " tu chơi" thử một ngày. Hôm sau cháu trở về nhà và 3 ngày sau đó thì cháu thuyết phục đứa em cùng lên chùa với cháu cho vui(!). Những " hỷ nộ ái ố" của các cháu trong thời gian ở chùa thì nhiều lắm , nhưng may mắn đã đến với gia đình là: sau khóa tu đó hai cháu có những tiến bộ về tư cách sống rất nhiều.Ngoan ngoãn, lể phép, yêu thương và biết nghe lời cha mẹ hơn. Và, các cháu từ từ xa dần bạn bè xấu.
Chuyện vui, một hôm hai anh em cháu đi chơi cùng gia đình bằng xe máy, không may cháu lớn bị một thanh niên chạy ẩu đụng phải. Xe (xịn) bị hư hỏng, quần áo rách tươm, tay chân chảy máu. Bản năng, cháu nhảy xổ đến đối tượng túm áo định đánh nhau, lúc đó cháu nhỏ chạy đến can ngăn và bảo " thôi, anh niệm một tiếng A Di Đà Phật là xong liền à!". Đang xừng cồ, nghe em nói, cơn giận của cháu lớn dịu lại ngay. Một tình huống mà trước đó phải "đổ máu" thì bây giờ các cháu lại hóa giải rất dể dàng!
Hiện nay, một cháu đã vào đại học và cả hai cháu vẫn siêng năng đến chùa trong các dịp lễ. Đặc biệt là, thay vì theo băng nhóm đánh đấm, các cháu đã hăng hái tham gia vào một tổ chức thiện nguyện giúp đở người bệnh tật và trẻ mồ côi.
Bạn nói: "trước đây tôi đã từng nghĩ, nếu cần đánh đổi cả tài sản ( anh ấy có khách sạn gần sân bay và nhà cho thuê), chỉ giữ lại căn nhà nhỏ để ở nếu 2 cháu ngoan ngoãn, nên người tôi cũng không tiếc, nhưng chỉ sợ là không "đổi" được. Hôm nay, chỉ nhờ vào Phật pháp mà các con thoát được đường xấu và quay về lối thiện như thế thì quả thật là..phước đức quá!"
Qua chuyện trên, tôi nghiệm ra rằng, nếu thanh thiếu niên, sinh viên học sinh mà được tiếp cận, học tập giáo pháp của đức Phật thì quả thật là..phước đức lớn cho gia đình và xã hội vậy!
0
tổng số: 7 | đang hiển thị: 1 - 7

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.57

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập