Hai yếu tố căn bản của nền giáo dục

Đã đọc: 2660           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Hai nhân tố giáo dục này là cốt lõi vì nó làm cơ sở để thiết lập thước đo của năng lực trí tuệ. Và những bài học sơ đẳng nhất vẫn được tái nhận thức lại liên tục khi người ta có kinh nghiệm sống càng nhiều.

Khi vị trí của nhà giáo bị lung lay thì niềm tin của thế hệ trẻ bị mất. Niềm tin của thế hệ trẻ bị mất khi những điều đúng tốt và sai xấu không được phân tích rõ ràng mà chỉ nói chung chung. Hệ quả, khi niềm tin bị mất thì những điều sai xấu được hiểu nhầm thành đúng tốt và những điều đúng tốt trở thành ít ỏi, lạc lõng. Niềm tin bị mất khi người ta bất lực, không biết phải hành động như thế nào để hướng về điều đúng tốt. Niềm tin bị mất thì sự nghi ngờ những giá trị truyền thống lớn mạnh, giới trẻ để tâm thức mình hoang vu, những điều đúng tốt bị rời bỏ, những điều sai xấu có cơ hội phát triển. Và như vậy, ngay cả khi bề ngoài họ chưa làm điều sai xấu thì sự chấp nhận cái xấu đã nảy mầm trong tâm thức họ. Tâm hồn họ bị bỏ ngỏ nên thuốc lắc, ma tuý, game online… mới dễ dàng thâm nhập.

Câu hỏi của một học sinh lớp 7: “Vì sao chơi trò chơi điện tử là không tốt?”, đã được một nhà giáo trả lời như sau: “Trò chơi điện tử  là một loại trò chơi gây nghiện, khi chơi các em sẽ bỏ bê việc học, không giúp đỡ cha mẹ, gây lo lắng cho mọi người. Khi trả tiền cho những giờ chơi trò chơi điện tử, đồng tiền của cha mẹ đã bị các em tiêu phí vào những hoạt động mà cha mẹ không đồng ý, điều đó có nghĩa là các em đã ăn cắp tiền của cha mẹ. Chơi liên tục sẽ tốn tiền, các em phải viện nhiều lý do để xin tiền, do đó sẽ phạm lỗi nói dối. Chẳng những chơi trò chơi điện tử mà xem các loại phim, truyện tranh vô bổ cũng gây hậu quả tương tự”. 

Một học sinh hỏi tiếp: “Như thế chúng em giải trí bằng cái gì?”. Thầy giáo trả lời: “Giải trí là làm hồi phục lại sự sáng suốt của trí óc sau khi làm việc, suy nghĩ căng thẳng. Trò chơi điện tử làm thần kinh bị kích thích, ám ảnh không đáp ứng được yêu cầu đó. Giải trí không có nghĩa chỉ là xem phim, truyện, chơi trò chơi điện tử, hay đi chơi, tán gẫu… Nhặt rau, quét nhà, lau bụi cho kệ sách, quạt điện một cách vui vẻ cũng là giải trí. Làm việc đó các em còn khiến cho cha mẹ bớt nhọc nhằn. Chỉ vì các em thường nghĩ đó là công việc chứ không phải là giải trí nên mới không biết giải trí như thế nào để vừa có lợi cho sức khỏe, vừa tạo niềm vui cho cha mẹ”.

Người thầy khi trả lời đã nêu lên được hai yếu tố giáo dục nền tảng. Một là giáo dục nhận thức cụ thể những điều đúng tốt, điều sai xấu cơ bản sẽ xảy ra trong diễn trình phát triển của cuộc sống. Hai là giáo dục phương thức tự điều chỉnh hành động của mình. Điều đúng tốt (thiện) là điều đem lại niềm vui, sự hạnh phúc cho mình, cho mọi người và làm cho môi trường sống bớt ô nhiễm. Điều sai xấu (bất thiện) thì đem lại nỗi buồn, bất hạnh cho mình, cho mọi người và làm cho môi trường sống ô nhiễm thêm. Các câu trả lời này đơn giản, vì học sinh lớp 7 cũng hiểu được. Nó cụ thể, vì nói đến những bài học làm người sơ đẳng. Nó dễ dàng thực hiện vì không đòi hỏi các thiết bị hiện đại như máy vi tính, không đòi hỏi phải tốn nhiều kinh phí, mà có thể được giảng dạy cả ở những nơi xa xôi nhất của đất nước, nó ích lợi vì có kết quả ngay.

Hai nhân tố giáo dục này là cốt lõi vì nó làm cơ sở để thiết lập thước đo của năng lực trí tuệ. Và những bài học sơ đẳng nhất vẫn được tái nhận thức lại liên tục khi người ta có kinh nghiệm sống càng nhiều. Ngày nay, khi bước vào nền kinh tế tri thức, các phẩm chất nhân cách, năng lực trí tuệ càng được chú trọng hơn nữa. Theo cách hiểu phổ biến hiện nay, trí tuệ là các kiến thức, kỹ năng trội vượt. Với cách hiểu như vậy, sách giáo khoa luôn được cải cách theo định hướng bổ sung, sắp xếp các kiến thức mới, nhưng lúc nào cũng thấy không đầy đủ. Năng lực trí tuệ cần phải được hiểu là khả năng nắm vững và vận dụng hai nhân tố giáo dục cốt lõi chứ không phải là “khả năng nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định”.

Hai nhân tố giáo dục này là cốt lõi vì nó là kim chỉ nam định hướng cho việc giáo dục từng đơn vị tri thức bất kể tự nhiên hay xã hội. Trong thời đại chuyên môn hoá ngày nay, có quan niệm phổ biến cho rằng giáo dục nhân cách cho học sinh là việc của bộ môn đạo đức, giáo dục công dân hay của những môn khoa học xã hội. Ta thường nghe nói: “Văn học là nhân học” chứ không nghe ai nói những môn khoa học như Toán, Lý,…  là “nhân học” cả. Những người làm về công tác khoa học kỹ thuật cũng nghĩ rằng họ chỉ làm “chuyên môn”, còn các vấn đề nhân cách là do bộ phận chuyên trách đảm nhiệm. Thật ra, trong từng đơn vị tri thức cần truyền đạt, hai nhân tố cốt lõi luôn tồn tại. Để có thể nắm vững một đơn vị tri thức, người học cần phải có giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn tiếp nhận và giai đoạn vận dụng. Trong mỗi giai đoạn như vậy, người học cần phải được hướng dẫn để có thể tự điều chỉnh các nhận thức và thói quen sai xấu, đồng thời phát triển những yếu tố đúng tốt để có thể tiến hành quá trình học tập được trọn vẹn. Ngay cả việc khô khan, thuần tuý “khoa học tự nhiên, sơ đẳng” như dạy cộng trừ các con số, nhà giáo cũng có thể dựa vào đó để giáo dục cho học sinh sự cẩn thận, có ý thức trong công việc, tổ chức việc tính toán cho tốt và phân đoạn việc kiểm tra tính toán. Qua đó, học sinh được giáo dục yếu tố cơ bản: làm việc gì cũng nghĩ tới những kết quả do mình tạo ra. Khi tính toán, học sinh cần được dạy phải trình bày lớp lang để cho người khác dễ đọc, đồng thời các em cũng được giáo dục yếu tố cơ bản: làm gì cũng phải lưu tâm đến người khác. Nếu nhà giáo đưa được hai nhân tố giáo dục cốt lõi vào trong từng đơn vị tri thức thì chỉ cần dạy những điều đơn giản, làm những bài tập dễ mà vẫn thu được hiệu quả cao.

Hai nhân tố giáo dục này là cốt lõi vì nó đưa đến sự phát triển ổn định bền vững với phí tổn giáo dục thấp nhất. Sức mạnh của khoa học làm cho nhiều người và nhiều nhà giáo nghĩ rằng tri thức khoa học là chìa khoá làm người ta sống hạnh phúc. Các dự án giáo dục, xã hội thường tập trung vào việc nâng cao trình độ khoa học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những người có trình độ khoa học rất cao nhưng đời sống vẫn không hạnh phúc. Trình độ khoa học cao nếu không được dẫn đường bởi hai yếu tố giáo dục nền tảng trên thì sẽ mất định hướng và sẽ gây nhiều đổ vỡ. Còn nếu chỉ tốt nghiệp tiểu học nhưng lại nắm được hai yếu tố này thì lại là nhân tố làm ổn định và phát triển xã hội. Nhà giáo nếu truyền đạt được hai yếu tố này thì sẽ là chỗ dựa cho học sinh và các bậc cha mẹ. Môi trường giáo dục bảo đảm được hai yếu tố này sẽ là chỗ dựa cho toàn xã hội.

Nhà giáo là chỗ dựa của học sinh vì qua nhân cách, qua những lời dạy bảo của họ, học sinh có thể giải tỏa những thắc mắc nảy sinh trong cuộc sống xã hội; qua những biện pháp giáo dục có thể điều chỉnh suy nghĩ, hành động của các em và tạo cho các em một niềm tin vững chắc vào những điều đúng tốt. Nhà giáo cũng là chỗ dựa của các bậc cha mẹ vì có thể góp ý cho họ về việc dạy dỗ con cái, về việc điều chỉnh nếp sống gia đình để tạo điều kiện cho các em phát triển đúng tốt, về các việc liên quan đến thi cử và định hướng nghề nghiệp theo tố chất năng khiếu của các em. Nhà giáo cũng là chỗ dựa cho những người lầm lỡ, bởi vì nếu đã được biết về những điều đúng tốt và sai xấu cơ bản thì họ có thể tự hạn chế những việc sai xấu và điều chỉnh cuộc sống theo định hướng đúng tốt, làm giảm đi những hậu quả nặng nề mà họ đã tạo nên.

Chỗ dựa tin cậy của các bậc cha mẹ và học sinh vào môi trường giáo dục cần phải vững chắc. Nhà giáo tự làm vị trí này lung lay khi  nhân cách, hành vi trái với hai yếu tố giáo dục nền tảng. Tìm cách o ép học trò đến học thêm với mình, lãng công trong giờ dạy, bàn chuyện phiếm, chuẩn bị bài vở không kỹ càng,  nhậu nhẹt, không quan tâm đến học trò, thậm chí sự nghi ngờ về những điều đúng tốt như đã nêu trên. Các cấp quản lý làm lung lay vị trí của nhà giáo khi xem nhà trường là nơi kiếm lợi cá nhân, khi tạo áp lực với giáo viên để thay đổi các kết quả thi cử, chạy theo thi đua, thành tích ảo… Địa phương làm lung lay vị trí của nhà giáo khi ủng hộ cho việc hạ thấp chất lượng để đạt chỉ tiêu, không bảo vệ cho những nhà giáo có tâm huyết, để xảy ra những việc hành hung giáo viên, gian lận trong thi cử…

Khi vị trí của nhà giáo bị lung lay thì niềm tin của thế hệ trẻ bị mất. Niềm tin của thế hệ trẻ bị mất khi những điều đúng tốt và sai xấu không được phân tích rõ ràng mà chỉ nói chung chung. Hệ quả, khi niềm tin bị mất thì những điều sai xấu được hiểu nhầm thành đúng tốt và những điều đúng tốt trở thành ít ỏi, lạc lõng. Niềm tin bị mất khi người ta bất lực, không biết phải hành động như thế nào để hướng về điều đúng tốt. Niềm tin bị mất thì sự nghi ngờ những giá trị truyền thống lớn mạnh, giới trẻ để tâm thức mình hoang vu, những điều đúng tốt bị rời bỏ, những điều sai xấu có cơ hội phát triển. Và như vậy, ngay cả khi bề ngoài họ chưa làm điều sai xấu thì sự chấp nhận cái xấu đã nảy mầm trong tâm thức họ. Tâm hồn họ bị bỏ ngỏ nên thuốc lắc, ma tuý, game online… mới dễ dàng thâm nhập.

Trong xã hội hiện đại, thế hệ trẻ có đến 15 năm ở trong môi trường giáo dục, thậm chí có những người ở trong môi trường này đến 30 năm hay nhiều hơn. Nghĩa là một phần  cuộc đời từ lúc sinh ra đến lúc về hưu là ở trong môi trường giáo dục. Không phải các chỉ tiêu tốt nghiệp cao sẽ làm cho các địa phương phát triển. Sự phát triển chỉ có được và ổn định nếu hai yếu tố giáo dục nền tảng được thực hiện. Khác với nhiều lĩnh vực khác, giáo dục chỉ tồn tại được nhờ những nhà giáo xem hai yếu tố giáo dục nền tảng là điều cần phải được nhanh chóng thực hiện. Các nhà giáo ấy cần được ủng hộ, tôn trọng, bảo vệ và làm tăng lên về số lượng. Đây là điều kiện tiên quyết để cho địa phương nói riêng và đất nước nói chung phát triển.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập