Những Bước Chân Sen

Đã đọc: 5275           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Kính dâng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Như Lai – vị cha lành của Thế giới hệ Ta Bà nhân ngày vía Thành Đạo của Ngài

THEO DẤU CHÂN XƯA

Sau khi thành đạo dưới cội Bồ Đề, Đức Thế Tôn quán chiếu nhân duyên và căn cơ của chúng sanh. Đồng thời, Ngài nhận lời thỉnh cầu của đức Đại Phạm thiên Sahampati quyết định khai mở cửa bất tử tại thế gian.

Đức Thế Tôn đưa trí quán xét về 2 vị đạo sư Alara Kalama và Uddaka Ramaputta và biết 2 vị đã mệnh chung và sanh về các tầng thiền. Ngài nghĩ đến nhóm 5 anh em Kiều Trần Như và quyết định sẽ giảng pháp cho nhóm Kiều Trần Như đầu tiên. Với thiên nhãn, ngài biết được nhóm 5 anh em Kiều Trần Như đang ở tại vườn Nai (Migadaya) thuộc vùng Isipatana, xứ Baranasi (Varanasi), vương quốc Kasi cổ đại và hiện nay địa danh này có tên là Sarnatha. Ngài quyết định đi đến vườn Nai để tế độ nhóm 5 anh em Kiều Trần Như và chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.

Theo thông lệ của đối với tất cả các Chư Phật, trong đó địa điểm Chuyển Pháp Luân luôn luôn là ở vùng Isipatana và tại ngay chỗ Migadaya. Theo tập “Chú giải Lịch sử Chư Phật” của Trưởng lão Buddhadatta – Tỳ khưu Siêu Minh dịch, điều thông lệ này là điều thông lệ thứ 15 trong 30 điều thông lệ của các vị Chánh Đẳng Giác.

CỘT MỐC LỊCH SỬ

Để xác định khoảng thời gian đi từ Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) đến Isipatana chúng ta sẽ căn cứ vào 2 cột mốc lịch sử là thời điểm Thành Đạo và thời điểm thuyết giảng Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammcakkappavattana-sutta). Việc xác định 2 điểm mốc thời gian này cũng ít nhiều khó khăn vì hai hệ thống Nam Truyền và Bắc Truyền có nhiều điểm dị biệt trong niên đại lịch sử của Đức Phật.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin được sử dụng niên biểu của hệ Nam truyền làm y cứ để xác định quãng thời gian Đức Thế Tôn đã đi từ Bodhgaya đến Isipatana. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn chưa kiếm ra được ngày Chuyển Pháp Luân theo hệ thống niên biểu Bắc Truyền để làm cơ sở y cứ trong lần khảo cứu này.

Theo hệ lịch sử Nam truyền, ngày Thành Đạo của Đức Phật là ngày rằm tháng Vesakha (lịch Ấn Độ) tương ứng khoảng rằm tháng 4 âm lịch. Đây cũng là ngày Vesak – đại lễ Tam Hợp (đản sanh, thành đạo và nhập Niết Bàn) của Đức Thế Tôn. Nếu đối chiếu theo truyền thống hệ Bắc truyền, thì ngày Thành Đạo được ghi nhận là ngày mùng 8 tháng 12 (tháng chạp) âm lịch. Ngày Đức Phật chuyển Pháp Luân được ghi nhận là ngày rằm Asalha (lịch Ấn Độ) tương ứng tháng 6 âm lịch – sau 2 tháng kể từ ngày Đức Thế Tôn thành đạo. Ngày này còn được ghi nhận với tên gọi là Asalhapuja – một từ ghép giữa từ Asalha và từ Puja – có nghĩa là “tôn kính” và là “ngày lễ lớn”.

Ngoài sự kiện khai mở cửa bất tử, ngày rằm Asalha còn được biết đến thông qua việc đánh dấu 3 sự kiện trọng đại khác của Đức Thế Tôn:

  1. Ngày giáng trần – nhập thai Thánh mẫu Maha Maya (hệ Bắc Truyền không đề cập nhưng nếu tính theo ngày tháng thì vẫn tương đồng).
  2. Ngày xuất gia (theo hệ Bắc Truyền là ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch).
  3. Ngày thị hiện song thông thu phục ngoại đạo – một trong những thông lệ của các Đức Phật.

Bên cạnh đó, cũng có tài liệu ghi nhận ngày rằm tháng Asalha lại là ngày rằm tháng 8 âm lịch (Vườn nai chiếc nôi Phật Giáo, Thích Nữ Giới Hương, NXB Phương Đông, 2008, trang 24). Tuy nhiên ý kiến này lại không được công nhận rộng rãi bằng ngày rằm tháng 6 âm lịch.

HAI THÁNG ĐẦU TIÊN

Chúng ta biết được rằng, sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn đã ở tại Bodhgaya một khoảng thời gian khá dài. Khoảng thời gian đó có thể được tóm tắt ngắn gọn như sau. Bảy tuần lễ đầu tiên:

  1. Ngự trên bảo tọa chiến thắng, suy nghiệm về Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca Samuppada).
  2. Nhìn không chớp mắt về phía cây Bồ Đề.
  3. Kinh hành trên đường châu báu (Ratana Cankamana).
  4. Ngự trong bảo điện (Ratana Ghara) quán xét tạng Luận (Abhidhamma).
  5. Ngự tại cội cây Ajapala Nigrodha (cây đa của những người chăn dê, Hán dịch: cây đa mục tử).
  6. Tại bờ hồ Mucalinda và ngự dưới cội cây Mucalinda.
  7. Dưới cội cây Rajayatana – độ hai cận sự nam đầu tiên nương nhờ Nhị Bảo.

Sau đó, Đức Thế Tôn rời cây Rajayatana quay trở về dưới gốc cây Ajapala Nigrodha, quán chiếu về căn cơ của chúng sanh và chấp nhận lời thỉnh cầu của Đại Phạm thiên Sahampati giảng pháp. Đây là tuần lễ thứ 8 ở tại Bodhgaya.

Quan điểm này công nhận rộng rãi trong hầu hết các nguồn sử liệu và được Thượng Tọa Bửu Trí (Bhikkhu Supanno) ghi lại trong tác phẩm “Cuộc đời Đức Phật Thích Ca” (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2009) như sau: “Từ ngày đắc đạo cho đến nay là 8 tuần lễ, chỉ còn 3 ngày nữa là đúng 2 tháng. Ngày mai là 14 tháng 6, Như Lai sẽ đến vườn Lộc Giả”.

Như vậy Đức Thế Tôn đã đi từ Bodhgaya đến Isipata chỉ trong khoảng thời gian 2 ngày 14 và 15 tháng Asalha. Thượng Tọa Bửu Trí có nói rõ hơn về khoảng thời gian Đức Thế Tôn đặt chân đến tại vườn Lộc Uyển như sau: “Chiều ngày rằm tháng 6 (…), năm thầy Kiều Trần Như tắm rửa xong ngồi đàm đạo với nhau, mới nhớ đến Đức Thế Tôn (…) Nói vừa dứt lời, thì Đức Thế Tôn cũng vừa ngự đến”.

TẠO DUYÊN LÀNH CHO DU SĨ UPAKA

Sau khi quyết định khai mở cửa bất tử, Đức Thế Tôn lên đường đi từ Bodhdaya đến Magadaya. Theo kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesana-sutta) số 26 thuộc Trung Bộ kinh (Majjhima-nikaya), chúng ta được Đức Thế Tôn kể lại câu chuyện Ngài gặp du sĩ Upaka thuộc giáo phái Ajvika (một giáo phái khổ hạnh và theo thuyết định mệnh) trên đường đi như sau:

Nhìn thấy oai nghi của Đức Thế Tôn, du sĩ Upaka vô cùng thán phục và đến thưa chuyện cùng ngài.

-  Các căn của Hiền giả thật sáng suốt. Da sắc của Hiền giả thật thanh tịnh, thật thanh khiết. Này Hiền giả, vì mục đích gì, Hiền giả xuất gia? Ai là bậc Đạo sư của Hiền giả? Hiền giả hoan hỷ thọ trì pháp của ai?

Này các Tỷ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với du sĩ Upaka bài kệ như sau:

– Ta Chiến thắng tất cả, bậc thấu triệt toàn bộ,

Ta vô nhiễm, không vướng; trong tất cả các Pháp,

Ta từ bỏ mọi vật, và đã được giải thoát,

Tự thân đạt tri kiến, ta còn ai làm thầy?

Ta không có đạo sư, không có người chỉ dạy.

Ta tìm cũng không thấy, không có ai bằng ta,

Trong thiên giới, nhân giới; không ai là thầy ta,

Trong thiên giới, nhân giới; không ai sánh bằng ta.

Chính ta A-La-Hán, bậc xứng đáng cung kính,

Ta - đạo sư tối thượng,

Bậc Chánh đẳng duy nhất,

Ta thanh lương, an tịnh; ta chứng đạt Niết Bàn.

Ta đi đến thành Kasi (Varanasi),

Để chuyển bánh xe Pháp,

Ta đánh trống bất tử, vang động khắp thế gian

Trong thế giới mù lòa.

– Như vậy Hiền giả đã tự xưng Hiền giả xứng đáng là bậc Chiến thắng Vô tận?

– Bậc Chiến Thắng giống nhau,

Đều diệt mọi ô nhiễm,

Ta chiến thắng ác pháp,

Nên được gọi Thắng giả.

Sau khi được nghe như vậy, du sĩ Upaka nói với Đức Thế Tôn:

– Này Hiền giả, mong rằng sự việc là vậy.

Du sĩ Upaka gục gặc đầu rồi rẽ sang con đường khác và đi đến Vankahara. Đây là một duyên lành đối với du sĩ Upaka vì sau này, khi ông lập gia đình và không hạnh phúc với đời sống vợ chồng; ông đã nhớ đến Đức Thế Tôn. Ông xin được xuất gia trong Giáo Pháp của Ngài và ông đạt được quả vị A-Na-Hàm. Có tư liệu ghi nhận Vua A Dục đã cho xây dựng bia kỷ niệm nơi Đức Thế Tôn gặp gỡ du sĩ Upaka.

SỰ THẬT LỊCH SỬ

Chúng ta thấy rằng, những lời cuối cùng của du sĩ Upaka nói với Đức Thế Tôn có ý nghi ngờ và với một thái độ mỉa mai. Gục gặc đầu là một hành động thể hiện sự đồng tình hờ hững – một tập quán vẫn còn thịnh hành ở Ấn Độ đến ngày nay. Việc Đức Thế Tôn chưa độ được cho du sĩ Upaka cho thấy rằng giáo lý của Đức Thế Tôn và của các giáo phái lúc bấy giờ hoàn toàn không tương đồng với nhau. Do đó mọi người không dễ dàng chấp nhận được những tri kiến rất mới mẻ và vượt trội của Ngài.

Về mặt tục đế, đây có thể xem là sự trở ngại đầu tiên trong con đường hoằng pháp, nhưng tất cả các sử liệu xoay quanh cuộc đời Đức Thế Tôn đều ghi nhận lại rất rõ ràng và chính Ngài cũng đã tự mình kể lại trong kinh Thánh Cầu. Nhận định về sự việc này, Tiến sĩ H.W.Schumann – một nhà Ấn Độ học người Đức đã đưa ra ý kiến như sau: “Các nhà kết tập Kinh Tạng Pali đã có thể dễ dàng cắt bỏ tiểu đoạn này. Song chư vị đã không làm như vậy chứng tỏ lòng tôn trọng sự thật lịch sử”.

Sau cuộc gặp gỡ với du sĩ Upaka, Đức Thế Tôn lại tiếp tục hành trình trên con đường đến vườn Nai (Migadaya) thuộc vùng Isipatana, xứ Baranasi (Varanasi) một cách tinh tấn và an nhiên.

VƯỢT DÒNG SÔNG HẰNG

Một trong những thử thách mà các lữ khách đối diện khi đi trên con đường này là phải vượt qua dòng sông Hằng vĩ đại. Ngài đến sông Hằng vào thời điểm nước sông đang mùa dâng cao.

Trong Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm hay là Kinh Thần Thông Du Hí (Lalitavistara-sutta) có ghi nhận lại câu chuyện Đức Thế Tôn vượt sông Hằng như sau. Đức Thế Tôn muốn vượt qua sông nên Ngài nói với người lái đò:

-          Tôi muốn đi qua sông

-          Tôi sẽ đưa ngài qua sông nếu ngài đưa tôi tiền. – người lái đò đáp.

-          Tôi không có tiền. – Đức Thế Tôn trả lời

-          Tôi sẽ không đưa ngài qua sông nếu ngài không đưa tôi tiền.

Tương truyền rằng, sau lời khước từ của người lái đò, Đức Thế Tôn đã vận dụng thần thông để bay từ bờ bên này sang đến bờ bên kia của dòng sông Hằng.

Một số học giả phân tích việc Đức Thế Tôn triển khai thần thông để vượt sông Hằng mang nhiều ý nghĩa ẩn chứa. Trong số đó, ý kiến cho rằng Đức Phật phản đối việc bắt các vị tu sĩ trả lệ phí trong khi các vị tu sĩ lại không được phép cầm và cất giữ tiền là một điều phi lý được nhiều học giả chấp thuận nhất. Hệ quả từ việc làm này của Đức Thế Tôn đó chính là việc vua Bimbisara (Tần Bà Sa La, vua Bình Sa) đã ban hành sắc lệnh miễn lệ phí giao thông cho các bậc tu hành sau khi đức vua nghe thuật lại chuyện này.

Tác giả Hajime Nakamura đã nhận định hành động của Đức Thế Tôn như sau: “Tình tiết nhỏ này biểu lộ một vấn đề quan trọng trong lịch sử tri thức tâm linh”.

ISIPATANA (RISHIPATANA) – CHƯ THIÊN ĐỌA XỨ.

Chữ “Isipatana” được ghép từ hai chữ là “Isi” có nghĩa là đạo sĩ, tiên nhân và chữ “Patana” có nghĩa là hạ xuống, giáng xuống. Do đó được dịch thoát nghĩa là “nơi chư tiên thường hạ xuống”.

Ngài Buddhaghosa (ngài Phật Âm hoặc có cách dịch khác là Giác Âm) có giải thích như sau: “Nơi đây, các Tiên nhân từ trên hạ xuống nên gọi là Isipatana”.

Nguyên nhân xuất hiện tên của địa danh, theo tài liệu hệ Nam Truyền có giải thích như sau. Tại Hương Sơn (Gandhamadana), chư Phật Độc Giác sau khi an trú trong Định Diệt Thọ Tưởng trong 7 ngày. Khi xuất định, các Ngài sẽ đến tắm tại hồ Vô Nhiệt (Anotatta). Tắm xong, các Ngài sẽ theo đường hư không đáp xuống vùng Isipatana để đến thành Baranasi khất thực. Do vậy mà vùng này được đặt tên là Isipatana.

Ngoài ra còn có một cách giải thích khác được ghi nhận trong kinh Đại Sự (Mahavastu-sutta) như sau.

Tương truyền rằng khi có sự “náo động về Đức Chánh Giác sắp hạ sanh tại thế gian”, tại núi Isigili (Thôn tiên), có 500 vị Phật Độc Giác trú ngụ – được ghi nhận trong kinh Thôn Tiên (Isigili-sutta) số 116 thuộc Trung Bộ kinh (Majjhima-nikaya).

Thời bấy giờ được đặt dưới trị vì của Đức vua Brahmadatta trị vì xứ Kasi, kinh thành đặt tại Baranasi. Một ngày nọ, sau khi Đức vua đi dạo trong vườn Thượng Uyển, ngài đến một lầu cao để nghĩ ngơi. Khi đó, ngài suy nghĩ: “Liệu có hay không bậc Thánh nhân trên đời?”. Khi ý nghĩ đó vừa khởi, 500 vị Độc Giác Phật ngụ tại núi Isigili liền hiện giữa hư không, ngự tại vườn Thượng Uyển giúp Đức vua đoạn được mối nghi hoặc đang nảy sinh. Thấy được sự xuất hiện của 500 vị Độc Giác Phật, Đức vua Brahmadatta hết sức vui mừng, cúi đầu đảnh lễ.

Ngài cho người sửa soạn nơi an tọa, thỉnh 500 vị Phật Độc Giác ngự vào, thiết lễ cúng dường vật thực đến cho 500 vị Phật Độc Giác. Thọ thực xong, 500 vị Phật Độc Giác nhận thấy đã đến thời gian thích hợp để nhập diệt. Các Ngài chúc phúc cho vua Brahmadatta rồi cùng nhau viên tịch tại nơi trai đường. Đức vua Brahmadatta tiến hành làm lễ trà tỳ nhục thân của 500 vị Phật Độc Giác. Và kể từ đó, vùng này được gọi là vùng Isipatana.

Trong tác phẩm Tây Vực Ký (Buddhist Records of the Western World) của ngài Huyền Tráng cho biết, vào thời điểm ngài đi sang Ấn Độ học đạo thì tại Isipatana vẫn còn một tháp ghi dấu nơi 500 vị Phật Độc Giác viên tịch.

MIGADAYA (MRIGADAYA) – VƯỜN LỘC UYỂN

Chữ “Migadaya” có nghĩa là: ban cho khu vườn lớn. Theo ngài Huyền Tráng, Vua Brahmadatta đã ban đặc ân cho nai và muôn thú ở khu rừng này không bị săn bắn. Nguyên nhân của đặc ân này được ghi nhận lại trong Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka-nikaya), Tập IV, phẩm 2: Giới, số 12: Chuyện con nai Cây Đa (Tiền thân Nigrodhamiga).

Câu chuyện gồm 2 phần, phần đầu liên quan đến thân mẫu của Tôn giả Kumara Kassapa (Cưu-ma-la Ca-diếp) – Đệ nhất thuyết giảng vi diệu trong chư vị Tỳ Khưu và phần thứ 2 là câu chuyện về con nai chúa Nigrodla (Cây Ða). Câu chuyện bổn sanh được tóm tắt như sau:

  1. Chuyện thân mẫu ngài Kumara Kassapa:

Thân mẫu ngài Kumara Kassapa là con của một triệu phú giàu có ở thành Vương Xá, nàng đầy thiện căn và sáng chói niềm hy vọng chứng quả A-la-hán. Cô xin cha mẹ xuất gia, nhưng cha mẹ không đồng ý. Cô nuôi chí nguyện và suy nghĩ: “khi về nhà chồng, chồng cho phép, ta sẽ xuất gia”.

Nàng lớn lên, đi về nhà chồng, trở thành người vợ trung thành, sống trong gia đình có giới hạnh và theo thiện pháp. Khi nàng sống trong gia đình, nàng thụ thai, nhưng không biết mình đã thụ thai.

Một lần nọ, thành Vương Xá có mở lễ hội để chúng dân vui chơi 7 ngày 7 đêm, nhưng nàng vẫn không trang điểm để tham dự lễ hội. Chồng ngàng ngạc nhiên hỏi nguyên nhân. Nàng trình bày cho chồng biết về thân thể với 32 bộ phận của thân xác, trang điểm cho thân này cũng giống như trang điểm bề ngoài cho một cái bình đựng đầy phân. Nghe như vậy chồng nàng bảo:

-          Nếu nàng thấy thân thể tội lỗi như vậy, sao nàng không đi xuất gia?

-          Nếu chàng đồng ý, thì em xin được phép xuất gia ngay trong ngày hôm nay!

-          Lành thay, lành thay, nàng hãy xuất gia theo như ý nguyện của nàng.

Rồi hai vị tổ chức bố thí rộng lớn và cúng dường đến chư Tăng, Ni. Nàng được xuất gia với chúng Tỷ-kheo-ni thuộc phái Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa). Sau khi xuất gia, nàng sống hoan hỷ với tâm tư viên mãn.

Thời gian sau, bào thai lớn dần lên, chư Tỳ Khưu Ni mang nàng đến trình lên tôn giả Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) vì nghi ngờ nàng giới hạnh không đầy đủ. Tôn giả Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) không điều tra mà đã trục xuất nàng ra khỏi Ni đoàn.

Nàng đưa thỉnh nguyện được gặp Đức Thế Tôn tại Tịnh xá Kỳ Viên. Đáp thỉnh nguyện của nàng, chư Tỳ Khưu Ni đưa nàng vượt 45 dặm từ thành Vương Xá đến Tịnh Xá Kỳ Viên trình bày sự việc.

Để tránh lời xuyên tạc của ngoại đạo, Đức Thế Tôn cho mời vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala, ông Cấp Cô Ðộc lớn, Cấp Cô độc nhỏ, nữ cư sĩ Visakha, và các nhân vật có tiếng khác; giữa bốn chúng đã đều tụ họp, Đức Thế Tôn giao trưởng lão Upali – Đệ nhất Trì giới giải quyết sự việc.

Nữ cư sĩ Visakha theo lời dạy của Tôn giả Upali, cho treo một cái màn. Sau màn, nữ cư sĩ quan sát tay, chân, lỗ rún, bụng, các phần thân khác của Tỳ Khưu Ni trẻ. Sau khi tính ngày tháng, biết được nàng thụ thai trong thời kỳ còn là gia chủ, nữ cư sĩ đi đến vị Trưởng lão và báo cáo kết quả. Như vậy, giới hạnh của vị Tỳ Khưu Ni vẫn trong sạch.

Hài nhi khi sanh ra đời, được vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nhận làm dưỡng tử và đặt tên là Kumara Kassapa. Lúc 7 tuổi, ngài Kumara Kassapa xuất gia với Đức Thế Tôn, đến tuổi thọ đại giới ngài đã là một vị thuyết pháp xuất sắc trong những vị thuyết pháp.

Về sau, chư Tỳ Khưu nhắc lại chuyện này trong giảng đường; nhân đó, Đức Thế Tôn thuyết lên bổn sanh Nigrodhamiga.

  1. Chuyện Nai chúa Nigrodha.

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì xứ Ba-la-nại, Bồ Tát sanh làm con nai chúa có tên là Nigrodha (Cây Đa) có 500 con nai tùy tùng. Đàn nai này sống chung với một đàn nai khác do con nai Sakha (Nhành) làm đầu đàn và cũng có 500 con nai trong đàn.

Cả hai con nai chúa đều có bộ lông màu vàng, mắt như hạt châu, sừng màu trắng bạc, miệng đỏ như tấm màn nhung, móng như màu sơn mài,…

Đức vua Brahmadatta rất thích ăn thịt nai, không có thịt nai là ngài không ăn cơm. Do đó, ngài thường triệu tập dân chúng tổ chức săn nai. Điều này làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, khiến công việc của nhân dân gặp nhiều trở ngại. Mọi người bèn nghĩ cách, lùa bắt 2 đàn nai tập trung lại một khu vườn để đức vua có thể tự mình săn nai một cách dễ dàng.

Nghe nhân dân báo tin đã bắt được cả 2 đàn nai, nhà vua đi đến khu vườn nhốt nai. Nhìn thấy 2 con nai chúa xinh đẹp, nhà vua thích thú ra lệnh tha chết cho 2 con nai chúa. Từ đó về sau, hằng ngày, hoặc vua tự đi săn hoặc là người bếp trưởng đi săn nai. Đàn nai không chỉ bị chết do bị bắt làm thịt mà còn chết do bị thương vì trúng tên độc.

Bồ Tát – nai chúa Nigrodha thấy tình thế, liền thảo luận cùng nai chúa Sakha: để tránh những cái chết vô ích, mỗi ngày, mỗi đàn hãy thay phiên nhau cử nai đi đến nộp mạng cho vua. Nai Sakha đồng ý. Vậy là mỗi ngày, một con nai hy sinh và được đầu bếp mang về hoàng cung.

Một hôm, đến con nai cái trong đàn của nai Sakha nộp mình. Nhưng vì đang có thai, nên nai cái xin nai Sakha hoãn việc nộp mình đến khi sinh nở xong. Nai Sakha không đồng ý. Con nai cái đến trình lên nai Nigrodha, nai Nigrodha chấp thuận tự mình sẽ thay thế cho con nai cái kia nộp mình lên cho đức vua.

Người đầu bếp thấy nai chúa Nigrodha nên không dám sát hại, liền trình sự việc lên vua Brahmadatta. Vua đến nơi, hỏi nguyên do tại sao đã được tha chết vẫn đi nạp mạng. Nai Nigrodha trình bày nguyên nhân lên đức vua. Vua vô cùng cảm động trước sự hy sinh của nai chúa Nigrodha. Vua liền ban an toàn cho cả đàn nai. Nhân đó Bồ Tát liền thỉnh cầu đức vua ban sự an toàn đến toàn bộ thú rừng trong khu vườn này. Đức vua chấp thuận. Do đó mà, rừng này có tên là Migadaya – ban cho nai.

Thời ấy, con nai Sakha là Devadatta, đàn nai là tùy tùng của Devadatta, nai cái là Trưởng lão ni, nai con là Kumara Kassapa, vua là Ananda, con nai chúa Nigrodha là Đức Thế Tôn vậy.

Đối chiếu giữa Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka-nikaya), số 12: Chuyện con nai Cây Đa (Tiền thân Nigrodhamiga) và Kinh Đại Sự (Mahavastu-sutta) thì chúng ta thấy có một đoạn bổ sung như sau. Trong kinh Đại Sự có ghi nhận, nai Nigrodha và nai Sakha đều là con của nai chúa Rohaka. Bên cạnh đó, phần sau của câu chuyện còn được ghi nhận thêm một phần nhỏ. Sau khi được đức vua ban lệnh tất cả các loài nai đều được sống bình yên, số lượng nai gia tăng đáng kể gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong kinh thành. Nhân dân thỉnh ý đức vua về việc ngăn chặn số lượng đàn nai. Nhà vua Brahmadatta không đồng ý, ngài khuyên nhân dân cố gắng vượt qua cơn khủng hoảng và bảo vệ lời hứa của ngài với loài nai. Cả hai chi tiết này không được đề cập ở Tiểu Bộ Kinh.

MIGADAYA QUA LỜI NGÀI PHÁP HIỂN

Chúng ta còn thấy một cái tên khác được sử dụng để chỉ cho vùng Migadaya đó là “Tiên nhân lộc dã uyển” – khu vườn của vị tiên và các con nai hoang sống. Theo Cao Tăng Pháp Hiển – Tỷ kheo Trí quang dịch (NXB Tổng Hợp TP.HCM), trang 116 có đoạn như sau:

“Ở đây vốn có vị Duyên giác ở, lại thường có dã lộc đến ở lại. Khi Phật sắp thành chánh giác thì chư thiên ở trong không gian hô lên, rằng người con trai của Bạch tịnh vương xuất gia học đạo, 7 ngày nữa sẽ thành một đức Phật. Vị Duyên giác nghe rồi liền nhập diệt, nên gọi chỗ này là vườn Tiên nhân lộc dã.”

SARNATHA – ĐỊA DANH HIỆN TẠI.

Theo tác phẩm “Vườn nai chiếc nôi Phật Giáo” của tác giả Thích Nữ Giới Hương ghi nhận lại, truyền thống cổ đại, người Hindu tại khu vực Sarnatha thờ con nai chúa Nigrodha – tiền thân Đức Thế Tôn như là thờ thần Mahadeva Saranganatha và họ đã chấp nhận Giáo Pháp của Đức Phật trong Phật Giáo là vị thần Dharma Thakura của họ. Theo sự giải thích của tác giả, nhiều nơi, thần Shiva còn được tôn thờ với hình ảnh con nai phía bên tay trái.

Ý nghĩa của từ kép Saranganatha có nghĩa là “lộc vương” – con nai chúa theo câu chuyện vừa dẫn chứng trong phần giải thích danh xưng Migadaya phía trên. Theo tác giả Giới Hương từ Saranganatha đã trở thành từ Sarnatha như ngày hôm nay dựa trên hai giả thuyết như sau. Thứ nhất có thể do sự thay đổi từ Sanskrit (Bắc Phạn) thành Prakrta (Nam Phạn). Thứ hai có thể chữ Sarnatha là danh xưng rút gọn của từ Saranganatha.

TỪ BI VÔ LƯỢNG

Thông thường chư Phật Chánh Giác lần đầu tiên đi khai mở cửa bất tử sẽ sử dụng thần thông đi trên hư không ngự đến chỗ thuyết giảng. Nhưng với Đức Thế Tôn vì thấy được duyên lành với du sĩ lõa thể Upaka, Ngài đã quyết định đi bộ đến vùng Isipatana.

Chúng ta thấy rằng, từ cuộc gặp gỡ với Đức Thế Tôn, rất lâu sau đó, du sĩ Upaka mới xuất gia và chứng đắc Thánh quả. Hơn thế nữa, đoạn đường từ Bodhdaya – cây Bồ Đề Đại Giác đến quận Gaya là 3 gavuta (tương đương khoảng 12km), rồi từ quận Gaya Đức Thế Tôn lại phải đi bộ một quãng đường dài khoảng 18 do tuần (có tác phẩm ghi nhận là 15 do tuần) mới đến được xứ Baranasi. Khoảng cách này tương tương hơn 200km đường chim bay và nếu đi bộ trong điều kiện lúc bấy giờ thì khoảng cách này có thể lên đến gần 300km. Ngài đã phải vượt dòng sông Hằng vĩ đại và một chặng đường dài như vậy, với đôi chân trần cùng chiếc bát để khất thực trong vòng 2 ngày đường; chỉ với một mục đích duy nhất là tạo duyên lành cho du sĩ Upaka – một du sĩ lõa thể có thể tiếp cận được với Giáo Pháp của Ngài; điều này cho chúng ta thấy được tấm lòng từ bi vô lượng của Đức Thế Tôn.

Không chỉ lòng từ bi của Ngài dành riêng cho du sĩ Upaka hay là lòng từ bi của nai chúa Nigrodha dành cho con nai cái và bầy nai, cùng muôn thú. Mà sau này, mãi mãi, lòng từ bi của Ngài sẽ thấm nhuận và nuôi dưỡng những hạt giống tốt đẹp trong lòng mỗi người con nguyện đi theo con đường của Ngài đã khai mở.

Đêm Thành Đạo, PL: 2557

Đệ tử

Pháp danh Tuệ Quý, tự Phước Châu

Cẩn bút.

Sách tham khảo:

  1. Cao Tăng Pháp Hiển, Tỷ kheo Trí quang, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2011.
  2. Tóm tắt Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2010.
  3. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Tiểu Bộ Kinh, Thích Minh Châu.
  4. Đức Phật và 45 năm hoằng pháp độ sinh, Tk Chánh Minh, NXB Tôn Giáo, 2009.
  5. Cuộc đời Đức Phật Thích Ca, bhikkhu Sapanno Bửu Trí, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2009.
  6. Chú giải Lịch sử Chư Phật, Trưởng lão Buddhadatta – Tỳ khưu Siêu Minh dịch, NXB Tôn Giáo – Hà Nội, 2007.
  7. Đức Phật Gotama, Hajime Nakamura – Trần Phương Lan dịch, NXB Phương Đông, 2011.
  8. Đức Phật và Phật Pháp, Narada – Phạm Kim Khánh dịch, NXB Tôn Giáo, 2010.
  9. Đức Phật lịch sử, H.W Schumann – Trần Phương Lam dịch, NXB TP.HCM, 2000.
  10. Sự tích Đức Phật Thích Ca, Trần Hữu Danh, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2007.
  11. Vườn nai chiếc nôi Phật Giáo, Thích Nữ Giới Hương, NXB Phương Đông, 2008.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

3.50

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập