Nhân Mùa Phật Đản PL. 2565, DL. 2021, Nghĩ Về Tinh Thần, Quan Điểm Tôn Giáo Và Giáo Lý Trọng Tâm Của Phật Giáo Nguyên Thủy

Đã đọc: 716           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Giáo lý của Đức Phật luôn đứng trên lập trường thực tế. Đức Phật đối với một sự việc thì tìm về căn nguyện, rồi đưa ra giải pháp phù hợp, giáo lý của Ngài không hề mang tính giáo điều, hình thức, mê tín. Như Lai cũng không đi vào vết xe đổ của các nhà triết gia, ngụy biện đương thời, mãi lý luận nhưng quên thực tế. Ngài luôn nhấn mạnh nhiệm vụ chủ yếu của Phật Pháp là mở ra con đường giải thoát, giáo pháp này có 2 khía cạnh: triết học và tôn giáo, lý luận và thực tế.

1. Tinh thần của Phật giáo Nguyên thủy

Giáo lý của Phật giáo Nguyên thủy rất chất phác và đơn giản. Đức Phật không vòng vo trong sự bàn luận thế giới siêu hình. Tinh thần của Phật giáo Nguyên thủy là thiết thực hiện tại: “Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.[1].

Qua câu kinh trên, mục đích giáo dục của Đức Phật không phải chỉ giải thích hay lý luận về thế giới, nhân sinh để thỏa mãn yêu cầu của khoa học và triết học, mà mục đích quan trọng nhất của Thế Tôn là chấm dứt khổ đau và khiến người hữu duyên được giải thoát, giác ngộ như Ngài[2]. Vì vậy, những câu hỏi, vấn đề không trực tiếp đưa đến sự giải thoát, chấm dứt khổ thì Đức Phật cũng không chú ý đến. Những triết lý tinh túy nhất của xã hội Ấn Độ cổ đại dù Ngài đã trải nghiệm nhưng chỉ chắt lọc, vận dụng và phát triển chúng một cách thích đáng cho mục đích duy nhất: sự diệt khổ.[3] Bởi thế, Thế Tôn thường không quan tâm và không trả lời các câu hỏi siêu hình như “thế giới là hữu biên hay vô biên”, “tâm và thân là một hay khác”[4] [5]

Giáo lý của Đức Phật luôn đứng trên lập trường thực tế. Đức Phật đối với một sự việc thì tìm về căn nguyện, rồi đưa ra giải pháp phù hợp, giáo lý của Ngài không hề mang tính giáo điều, hình thức, mê tín. Như Lai cũng không đi vào vết xe đổ của các nhà triết gia, ngụy biện đương thời, mãi lý luận nhưng quên thực tế. Ngài luôn nhấn mạnh nhiệm vụ chủ yếu của Phật Pháp là mở ra con đường giải thoát, giáo pháp này có 2 khía cạnh: triết học và tôn giáo, lý luận và thực tế.

2. Quan điểm tôn giáo của Phật giáo Nguyên thủy

          Trách nhiệm cá nhân: Đức Phật không xem mình là vị lãnh đạo Tăng-già, không điều khiển Tăng chúng, và Tăng đoàn cũng không phụ thuộc vào đức Phật[6]. Trong giáo lý của Ngài, không có lý thuyết huyền bí, không có gì giấu giếm trong nắm tay của Đức Phật[7].

          Tự do tư tưởng: Niềm tin là căn bản của sự thành công, là nguồn gốc của muôn hạnh lành. Nhưng lòng tin của người Phật tử không phải là niềm tin cuồng nhiệt, nông cạn, thiếu suy xét[8]. Niềm tin để hướng con người đến nền tảng vững chắc cho đời sống đạo đức[9], nâng cao đời sống tâm linh không phải là tín ngưỡng mù quáng. Trong niềm tin của con người về tôn giáo, Đức Phật nêu cao tinh thần không mê tín, cuồng tín, giáo điều, mà sáng suốt chấp nhận và thực hiện những điều mang đến hạnh phúc an vui cho mình, cho người trong Kinh nền tảng đức tin[10] [11].

          Nhân duyên luận: sự hình thành và phát triển thế giới, tập khởi của sự vật, hiện tượng từ nhiều tác nhân, và không có một tác nhân ban đầu mà tạo nên tất cả. Nhân duyên luận khác với tất cả các triết thuyết của sáu vị Lục sư ngoại đạo thời bấy giờ, như thần ý luận, định mệnh luận, ngẫu nhiên luận[12] [13] [14] [15]

          Trung đạo: là sự tránh xa 2 cực đoạn (i). Hưởng thụ dục lạc (hệ quả của chủ nghĩa vật chất hay chủ nghĩa đoạn diệt, có tên gọi khác là đoạn kiến); (ii). Khổ hạnh ép xác (hệ quả của niềm tin một linh hồn bất tử của Nigaṇṭha Nātaputta, còn gọi là thường kiến).

3. Giáo lý trọng tâm của Phật giáo Nguyên thủy

Tứ Thánh Đế[16]: Bốn chân lý thánh (S. catvāri āryasatyāni, P. cattāri ariyasaccāni, C. 四谛, 四真谛、四聖諦), là phương pháp luận giải thoát do đức Phật chủ trương, có khả năng giải quyết tất cả các vấn nạn khổ đau. Công thức này có 4 bước: Thực chất các pháp (Dukkhaṃ ariyasaccaṃ, hoặc Dukkhasacca), nguyên nhân phát sinh các pháp (Dukkhasamudayo ariya-saccaṃ, hoặc Samudayasacca), sự diệt trừ chúng (Dukkhanirodho ariya-saccaṃ, hoặc Nirodhasacca), phương pháp diệt trừ chúng (Dukkhanirodha gāminīpaṭipadā ariya-saccaṃ, hoặc Magga-sacca)[17].

          Duyên khởi: Duyên khởi giải thích về sự hiện hữu của con người và thế giới. Các pháp hữu vi đều do nhân duyên quyết định và chúng không có thực thể. Duyên khởi có thể xem như là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo, giải thích lộ trình nhân quả của các pháp hiện tượng. Nguyên tắc của duyên khởi được tóm tắt trong một công thức:

Cái này có thì cái kia có (imasmim sati idamhoti).

Cái này sinh thì cái kia sinh (imassuppada idam uppajjati).

Cái này không thì cái kia không (imasmim asati idam na hoti).

Cái này diệt thì cái kia diệt (masmim nirodha idam airujjhata)[18]

Theo nguyên tắc tương đối tính và điều kiện tính, sự xuất hiện, tồn tại và hoại diệt của mọi hiện hữu được diễn giải trong một công thức mang tính phổ biến trong Phật giáo gọi là Thập nhị nhân duyên: Vô minh... lão tử. Đây là quá trình của mọi sự sống phát sinh, tồn tại và tiếp diễn. Nếu công thức này bị đảo ngược, chúng ta sẽ đi đến sự chấm dứt của quá trình. Điều quan trọng cần lưu ý: mỗi chi phần trong 12 nhân duyên vừa là nhân, vừa là quả. Nó là yếu tố bị định bởi (paticcasamupppanna), và đồng thời làm điều kiện cho (paticcasamuppada). Bởi thế, chúng tương đối, phụ thuộc lẫn nhau, liên quan với nhau, không có gì là tuyệt đối hay biệt lập. Từ đây, nguyên nhân đầu tiên không có lý do để tồn tại.

Vì vậy, theo luật duyên khởi, ý tưởng về một bản thể trường cửu bất biến ở trong hay ngoài con người, dù được hiểu với bất cứ khái niệm nào: linh hồn, atma, tôi, ngã… đều là một niềm tin sai lạc (tà tín), là bóng dáng của tâm thức. Do vậy, có một sự liên hệ mật thiết giữa Duyên khởi và vô ngã trong đạo Phật.

          Giáo lý vô ngã: Hai tư tưởng thâm căn cố đề trong tâm lý con người: tự vệ và tự tồn. Vì muốn tự vệ con người dựng lên thượng đế để nương tựa, che chở, được bảo đảm an ninh, như một đức trẻ được nương vào mẹ cha. Vì muốn tự tôn người ta đã sáng tạo ra ý tưởng về một linh hồn bất tử. Phật giáo phủ nhận sự hiện hữu của linh hồn, và không có một sự hiện hữu độc lập. Và khi ngã kiến được sáng tỏ, minh bạch hòa thì khổ và vô thường không còn. Theo Phật giáo, ngã kiến là một niềm tin sai lạc, không tương ứng với thực tại, nó phát sinh những tư tưởng “tôi” và của “tôi”, dục vọng, ích kỷ, sân hận, chấp thủ, ác độc, kiêu căng, ngã mạn... Nó là nguồn gốc của mọi rối ren trên cuộc đời, từ tranh chấp cá nhân cho đến chiến tranh giữa các dân tộc.

          Theo định nghĩa của duyên sinh, do vô minh có hành, do hành có thức…, do thọ nên có ái, do ái có thủ v.v… cho đến khổ ưu não. Như vậy, thọ là nhân của ái, và ái lại làm nhân của thủ, nên ái diệt thì thủ diệt, thọ cũng diệt và đồng nghĩa với Niết-bàn. Chính vì thế, 12 chi phần của duyên sinh mang tính tương đối và phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại, không có điều gì độc lập và trường tồn. Từ nền tảng của lý duyên khởi, Phật giáo bác bỏ mọi chủ thuyết về một đấng sáng thế, đại ngã… và không chấp nhận nguyên nhân đầu tiên[19].

Vô thường - khổ - vô ngã: Tại sao tư tưởng vô ngã lại được diễn đạt theo sau như là hệ quả từ thực tế khổ? Bởi vì không thể xem bất cứ cái gì là của riêng bản thân, những thứ chính tâm tưởng mình xem như thế đều có nguồn gốc từ khổ đau. Những điều mà mình xem là thuộc về mình chính là đối tượng của sự biến dịch không ngừng: bất cứ cái gì vô thường thì cái ấy khổ (yad anicacam tam dukkham), bất cứ cái gì khổ cái ấy vô ngã (yam dukkham tad anatta).

          Niết-bàn: Niết-bàn là sự dứt bỏ, sự tách rời (ni) ra khỏi ái dục (vana), sự thèm khác ái dục. Niết-bàn là tham sân si diệt, khát ái diệt, vô minh diệt. Ý nghĩa tích cực của Niết-bàn là bất tử (Deathlessness), tuyệt đối an ổn, mát rượi.

Niết-bàn của Phật giáo Nguyên thủy có thể trình bày qua 3 phương diện: luân lý, tâm lý, siêu hình:

-         Luân lý: “Niết-bàn độc nhất chỉ là một trạng thái luân lý, chứng được trong đời sống này bởi phương pháp luân lý, thiền định và trí tuệ”. Như vậy, Niết-bàn không phải siêu thế gian. Niết-bàn được diễn tả như sự đoạn trừ tham, sân, si, ái... phiền não, già chết. Về phương diện tích cực, Niết-bàn được tả như một trạng thái cực lạc (accantasukha), bất tử (accuta), an tịnh (santa) và vô úy (amata bhaya).

-         Tâm lý: nói về tu tập thiền định với mục đích hướng dẫn tâm tư vào một trạng thái không còn dục lạc thế gian và đau khổ. Mục đích này đạt được nhờ giải thoát tâm trí ra ngoài mọi vấn đề thế tục.

-         Siêu hình: Phật giáo Nguyên thủy không xem Niết-bàn như đoạn diệt, mà là một cách gì tích cực, nhưng vô biên không thể diễn tả như hư không. Niết-bàn vượt ra khỏi 3 giới (dục, sắc và vô sắc) và được gọi là siêu thế giới (lokuttaradhatu or aparyapanna). Trạng thái này cần sự tự chứng ngộ.

Hữu dư y Niết-bàn là người đã chứng đạt Niết-bàn, trừ diệt các phiền não, cắt đứt 10 kiết sử, nhưng nhục thân vẫn còn tồn tại (hữu thân giải thoát).

Vô dư y Niết-bàn là cảnh giới giải thoát hoàn toàn không còn nhục thể (vô thân giải thoát).

Niết-bàn là khái niệm siêu việt ngôn ngữ, tư tưởng, không thể thấu triệt mà chỉ có thể hiểu bằng sự thành tựu tuệ giác của chính bản thân.

          Lý tưởng giải thoát (Arahat): Mục đích của sự tu tập là A-la-hán quả (Arahat), Tu-đà-hoàn (Sotàpanna), Tư-đà-hàm (Sakadàgàmi), A-na-hàm (Anàgàmi), đoạn trừ 10 kiết sử (saṃyojana, mười chướng ngại trói buộc người[20]): thân kiến (sakkàya-ditthi), nghi (vicikicchà), giới cấm thủ (silabata-paràmàsa), dục (kàma-ràga), sân (vyàpàda), hữu ái (rùpa-ràga), vô hữu ái (arùpa-ràga), mạn (màna), trạo cử (uddhacca), vô minh (avijjà). Trong nhiều bài kinh, Đức Phật thường tóm tắt về bốn thánh quả đó như sau:

có những Tỷ-kheo là những A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn trừ, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã được đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí.

có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, từ ở đấy được nhập Niết-bàn, không còn phải trở lại đời này nữa.

có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, đã làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất lai, sau khi sanh vào đời này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau.

có những Tỷ-kheo đã đoạn trừ ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn sẽ được giác ngộ.”[21]

Người đã phá tung tất cả mười sợi dây trói buộc, trừ khử mười loại kiết sử ô nhiễm, lậu hoặc đã đoạn tận, tuệ giác đã khai mở, không còn tạo tác nghiệp thì không còn phải tái sinh trong các cõi luân hồi nữa. Nói cách khác, như mô tả trong Trung Bộ Kinh 1, Kinh Pháp môn căn bản, đối với người đã chứng ngộ: “các lậu hoặc đã tận, tu hành đã mãn, các việc nên đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát.[22]” Người ấy trở thành bậc A-la-hán, đắc đạo quả Niết-bàn, giải thoát rốt ráo tối hậu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bhikkhu Bodhi (1998). “A Look at the Kalama Sutta”. Newsletter No. 9. Sri Lanka: Buddhist Publication Society.
  2. Bhikkhu Nanamoli (trans.). Bhikkhu Bodhi (ed.). (1995). The Middle Length Discourses of the Buddha: A Translation of the Majjhima Nikaya. Kandy, Sri Lanka: Buddhist Publication Society.
  3. F.L. Woodward (2007). The Book of Gradual Sayings (Anguttara Nikaya) or More Numbered Suttas, Vol. 1. India: Motilal Banarsidass.
  4. Nārada Mahā Thera (2010). The Buddha and His Teachings. Mumbai, India: Jaico Publishing House.
  5. Thích Minh Châu (dịch). (2005). Tăng Chi Bộ kinh. Tp. HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
  6. Thích Minh Châu (dịch). (1999). Tiểu Bộ kinh. Tp. HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
  7. Thích Minh Châu (dịch). Trung Bộ kinh. Tp. HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992, 1998.
  8. Thích Minh Châu (dịch). (1993). Trường Bộ kinh. TP. HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
  9. Thích Minh Châu (dịch). (1993). Tương Ưng Bộ kinh. Tp. HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

10. Thích Minh Châu, Minh Chi (1931). Từ điển Phật học Việt Nam. Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội.

11. Thích Minh Châu (1961). Thích Nữ Trí Hải (dịch). (1998). So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pali. Luận án Tiến sĩ Phật học. Tp. HCM: ViệnNghiên cứu Phật học Việt Nam.

12. Thạc Đức (1998). Đạo Phật qua nhận thức mới. Kentucky, USA: Nguyệt san Phật học Louisville.

13. Thích Nhật Từ (2017). Đạo Phật pháp môn và đạo Phật nguyên chất. Hà Nội: NXB Hồng Đức.

14. Walpola Rahula (1966). Thích Nữ Trí Hải (dịch). (1998). Đức Phật đã dạy những gì. Tp. HCM: Tu thư Đại học Vạn Hạnh.

Web

15. A Lan Nhã (2012). Ai là kẻ bắn tên?. Nguyệt san Giác Ngộ số 192 (03/2012). Đăng trên Thư Viện Hoa Sen. Ngày 03/04/2012. [https://thuvienhoasen.org/a14972/ai-la-ke-ban-ten-a-lan-nha]. Truy cập ngày 18/05/2021.

16. Thích Đức Thắng (dịch). Kinh Tạp A-hàm. Tu viện Quảng Đức. Ngày 08/04/2013. [https://quangduc.com/a3861/kinh-tap-a-ham-50-quyen]. Truy cập ngày 18/05/2021.



[1] Tương Ưng Bộ kinh, tập 5: Thiên Đại Phẩm, chương 11: Tương Ưng Dự Lưu (a), phẩm 1: Veludvàra

[2] Kinh Tạp A-hàm, quyển 5, kinh 108: “Nếu vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp thiện, mà ngay trong cuộc sống hiện tại chịu khổ, chướng ngại, nhiệt não và sẽ đọa vào trong đường ác, thì Thế Tôn đã không dạy nên thọ trì pháp thiện, ở trong Phật Pháp phải tu phạm hạnh để đạt được rốt cùng mé khổ, bình đẳng giải thoát hết khổ. Vì thọ trì pháp thiện nên ngay trong cuộc sống hiện tại được an vui, không khổ, không chướng ngại, không phiền não, không nhiệt bức; sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nơi tốt lành. Cho nên Đức Thế Tôn khen ngợi việc dạy người lãnh thọ các pháp thiện, ở trong Phật Pháp tu các phạm hạnh để đạt dược rốt cùng của mé khổ, bình đẳng giải thoát hết khổ”.

[3] A Lan Nhã (2012). Ai là kẻ bắn tên?. Nguyệt san Giác Ngộ số 192 (03/2012). Đăng trên Thư Viện Hoa Sen. Ngày 03/04/2012. [https://thuvienhoasen.org/a14972/ai-la-ke-ban-ten-a-lan-nha]. Truy cập ngày 18/05/2021.

[4] Kinh Tạp A-hàm, quyển 16, kinh 408.

[5] Thích Minh Châu (dịch). “Tiểu Kinh Malunkyaputta”. Trung Bộ kinh. tập 2, kinh 63. Tp. HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992.

[6] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi” tập 5, đức Phật tuyên bố: “Này Ananda, Như Lai không có nghĩ rằng: ‘Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo’, hay ‘Chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta’ (Viện NCPHVN ấn hành, 2005, trang 239).

[7] Tương Ưng Bộ kinh, tập 5: Thiên Đại Phẩm, chương 12: Tương Ưng Sự Thật (a). Phẩm 4: Phẩm Rừng Simsapà: “Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thật là quá nhiều, những gì Ta đã thắng tri mà không nói cho các Ông! Thật là quá ít những gì mà Ta đã nói ra! Nhưng tại sao, này các Tỷ-kheo, Ta lại không nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, những điều ấy không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta không nói lên những điều ấy.”

[8] Thạc Đức (1998). Đạo Phật qua nhận thức mới. Kentucky, USA: Nguyệt san Phật học Louisville.

[9] Bhikkhu Bodhi (1998). “A Look at the Kalama Sutta”. Newsletter No. 9. Sri Lanka: Buddhist Publication Society.

[10] Thích Minh Châu (dịch). “Kinh Kalama”. Tăng Chi Bộ kinh, tập 3, Tp. HCM: Viện Nghiên cứu Phật học, 1998. “Này các người Kâlâma, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa môn (tên chỉ chung những ngườii tu hành của các đạo giáo thời bấy giờ) là thầy mình… Nhưng này các người Kâlâma, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là bất thiện, các pháp này là đáng chê, các pháp này bị người trí chỉ trích, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến bất hạnh, khổ đau, thời này các người Kâlâma, các người hãy từ bỏ chúng đi. Ðiều đã được nói như thế là do nhân duyên như thế.”.

[11] F.L. Woodward (2007). “Those of Kesaputta”. The Book of Gradual Sayings (Anguttara Nikaya) or More Numbered Suttas, Vol. 1. India: Motilal Banarsidass.

[12] Thích Minh Châu (dịch). (1992). “Đại kinh Sakulùdàyì”. Trung Bộ kinh, tập 2. Tp. HCM: Viện

Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

[13] Đại Tạng Kinh Việt Nam. “Kinh Sa-môn Quả”. Kinh Trường Bộ, tập 1. TP. HCM: Viện Nghiên

cứu Phật học Việt Nam, 1993, tr. 110.

[14] Bhikkhu Nanamoli, Bhikkhu Bodhi (trans.). (1995). “Mahasakuludayi Sutta: The Greater Discourse to Sakuludayin”. The Middle Length Discourses of the Buddha: A New Translation of the Majjhima Nikaya. Kandy, Sri Lanka: Buddhist Publication Society, p. 629-647.

[15] Thích Minh Châu (1961). Thích Nữ Trí Hải (dịch). (1998). So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pali. Luận án Tiến sĩ Phật học. Tp. HCM: ViệnNghiên cứu Phật học Việt Nam, tr. 65.

[16] Thích Nhật Từ (2017). Đạo Phật pháp môn và đạo Phật nguyên chất. Hà Nội: NXB Hồng Đức, tr. 19-37.

[17] Nārada Mahā Thera (2010). The Buddha and His Teachings. Mumbai, India: Jaico Publishing House, p. 65-70.

[18] Kinh Phật tự thuyết (Udàna), chương 1, phẩm Bồ Đề, thuộc Tiểu Bộ kinh, còn gọi là Cảm hứng ngữ Kinh: “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt.”.

[19] Walpola Rahula (1966). Thích Nữ Trí Hải (dịch). (1998). Đức Phật đã dạy những gì. Tp. HCM: Tu thư Đại học Vạn Hạnh, tr. 119-126.

[20] Thích Minh Châu, Minh Chi (1931). Từ điển Phật học Việt Nam. Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, tr. 326, 538-539.

[21] Thích Minh Châu (dịch). (1992). “Kinh Nhập tức, xuất tức niệm”. Trung Bộ kinh, tập 3, kinh 118. Tp. HCM: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

[22] Bhikkhu Nanamoli (trans.). Bhikkhu Bodhi (ed.). (1995). The Middle Length Discourses of the Buddha: A Translation of the Majjhima Nikaya. Kandy, Sri Lanka: Buddhist Publication Society, p. 88-89.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập