Một Thoáng Thiên Thu-Khúc Thiên Nhạc Cho Đời Dung Nhịp

Đã đọc: 3273           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font

Đến với “Một Thoáng Thiên Thu”, mỗi người trong chúng ta sẽ dễ dàng buông xuống những gánh nặng trong tâm hồn. Bao phiền não khổ đau, bao thành bại được mất, bao toan tính hơn thua, bao bỉ thử ngã nhân sẽ tự động rơi rớt lại phía sau quá khứ. Còn chăng chỉ là những nổi khát khao tìm về cội nguồn, tìm về đạo đức tâm linh, tìm về sự sống đích thực cho tha nhân. Nơi đây, chúng ta sẽ không đơn lẻ một mình, sẽ không độc hành độc bộ, mà còn có rất nhiều bạn đường chung vai sát cánh. Nào những chú chim nhỏ, những dòng suối chảy, những giọt sương đọng và bầu trời trong xanh..., sẽ cùng chúng ta rong chơi, dạo bước vào cõi thiên thu.

“Một Thoáng Thiên Thu” là tuyển tập những thi phẩm của T.K.Thiện Hữu, người có nhiều điểm ưu việt trong nhiều lãnh vực, mà nổi bậc nhất là lãnh vực văn chương, thi phú Phật học và Thiền học.

Tôi có duyên may đọc được nhiều bài viết của T.K.Thiện Hữu trên một số trang điện toán Phật giáo như: Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay, Trang nhà Quảng Đức hoặc Trang nhà Phật Đà hay một số Tạp chí Phật học hoặc Tuần báo được phát hành tại Úc châu và một số nước ngoài Úc châu.

 

Qua những áng văn chứa đựng nhiều tư tưởng Phật học phong phú và kỳ đặc, cũng như nhiều bài thơ Thiền đã được đăng tải, tôi có cảm tưởng, hầu như những cái đẹp của cuộc đời, những tinh hoa mỹ diệu của ngôn từ và những tư tưởng siêu thoát đều được nhà thơ gom thâu tất cả vào những tác phẩm của mình để trao tặng lại cõi trần gian này.

 

Có một điều, trong văn chương và thi phú của T.K.Thiện Hữu, hầu như lúc nào cũng cao vút và chuyên chở hết mọi diệu áo của Phật pháp và những giá trị đạo đức tâm linh truyền thống.

Hơn nữa, không riêng “Một Thoáng Thiên Thu”, mà hầu hết những thi phẩm và tác phẩm của tác giả đều mang tính đặc thù, luôn được gói gọn trong vốn liếng tâm linh sẳn có nơi mình mà không hề có sự vay mượn, lạm hoá tư tưởng của bất kỳ ai.

 

Thú thật, để có thể nói lên điều gì về tuyệt thơ của thi sĩ, tôi tự thấy rằng, ngòi viết của mình còn nhiều giới hạn, khó có thể chuyển tải hết những tinh ba nghĩa lý và tinh thần thâm ảo mà thi nhân đã phát hoạ trong những áng thơ đầy ắp chất men thiền. Nói chất men là vì thơ của tác giả có sức cuốn hút mạnh mẻ đối với độc giả. Người ta có thể say trong đó và bước đi trong đó bằng những bước chân của hiện hữu nhiệm mầu:

 

Chân bước xuống để trùng muôn lặng sóng

Bóng vô dư rung động trái tim hồng

Em nhỏ xuống giọt chân không diệu hữu

Giữa đất trời bổng chốc hoá giao long

…………………………….

Chân bước xuống nét tinh cần giới thể

Không si mê, không cấu uế trinh tường

Em bước xuống giữa mười phương lá đổ

Để cuộc đời mãi giác ngộ tình thương!! (Bước Chân Hiện Hữu)

 

Tình thương mà nhà thơ muốn nói đến không phải là tình thương của một cá thể với đầy dẫy những tâm lý hẹp hòi, ích kỷ, chiếm hữu hay cuộc sống bất chánh, dối lừa tha nhân, làm tổn thương đến sự an bình của kẻ khác. Tình thương mà nhà thơ muốn nói nơi đây là sự có mặt của một tình yêu thương chân chất thành thật, cao khiết thanh liêm, vượt qua mọi bức tường của tư kỷ.

Tình thương yêu ấy là dấu hiệu của “trái tim cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn”, là sợi chỉ xuyên suốt từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây mà các triết gia, những nhà đạo đức trong mọi thời đại thường cố gắng xiển dương và đề cập. Từ đó, con người có thể đến với nhau bằng sợi chỉ nhiệm mầu của tinh thần vị tha vô ngã.

Tình thương yêu ấy phải chăng đã một lần thoát hoá, đi vào cuộc đời, nhỏ từng giọt mật tình người trên khắp hang cùng ngỏ hẽm, trên mọi nẻo đường thênh thang đầy bụi cát, sỏi đá, đầy những được mất, rong rêu, đầy những bất an thống khổ và đầy những ngọt ngào thương yêu:

 

Thênh thang trên đường bụi cát

Nghe sao tịnh lạc trong lòng

Ta đi trao đời nhựa sống

Ngọt ngào vào tận tâm không

………………………..

Thênh thang những nơi được mất

Nghe câu diệu mật diễm kiều

Trần gian trăm điều thượng diệu

Giờ cùng chấp cánh thương yêu!! (Trên Đường Bụi Cát)

 

Với ngòi bút đầy quán chiếu, thi sĩ đã hình thành những áng thơ theo từng cung bậc du dương. Khi thổn thức lúc reo vui; khi thanh thoát lúc ưu trầm, khi thì như xoa dịu hay phủi rũ bao nổi đoạ đày, đắng cay của trần thế. Từ những rung cảm hoà điệu đó, nhà thơ đã có được một cái nhìn tươi mát và đầy niềm tin yêu đối với cuộc đời:

 

Ôi cuộc thế như cành dương lất phất

Vẽ muôn ngàn những cung bậc thăng trầm

………………………….

Ôi cuộc thế trải dài bao dịu mật

Để mai sau chất ngất mảnh hương trầm (Mầu Nhiệm)

 

Qua đây ta thấy, từ những thăng trầm của cuộc lữ, từ những vùng sâu của khổ đau, T.K.Thiện Hữu vẫn có thể quyện mình vào cõi nhân sinh, biến mảnh đất khô cằn khổ đau bất hạnh thành những đoá hoa tươi thắm muôn màu hạnh phúc thương yêu. Thay tiếng khóc thở than bằng những nụ cười Chân-Thiện-Mỹ. Và cũng từ nơi đây, nhà thơ đã tự mình thoát ra khỏi lớp vỏ bản ngã, để trở về với chân tánh minh nhiên, chưa một lần thay lớp, chưa một lần điên đảo luân hồi:

 

Cuộc sống đã cho ta điều trinh bạch

Mảnh đất khô hoa lá vẫn xanh tươi

……………………………….

Tâm sáng ngời soi thấu cả vầng trăng

Tròn bản giác chưa một lần điên đảo!! (Ta Bà Diệu Thể)

 

Tuyệt vời làm sao khi tất cả là một trời hương vị thương yêu và tất cả đều chứa đầy trong toàn vũ trụ. Không có chi mất đi, cũng không có chi thêm vào. Vạn hữu đều có trong tôi và tôi cùng vạn hữu bất phân hai. Phải chăng, đây là tiếng nói nội tâm của Thi sĩ, là những biểu hiện nhiệm mầu của pháp giới tạng vô thỉ vô chung, bất sanh bất diệt.

Những dòng thơ thay cho dòng tâm thức cứ thế mà tuông trào. Khi thì chan hoà như sương khói, lấp lánh như trăng sao. Khi thì âm ỉ như than hồng, lúc thì lồng lộng như tiếng gió biển trùng khơi. Mỗi mỗi tạo nên những âm thanh vun vút như thay cho lời khấn nguyện đầy chân thành và tha thiết của Thi sĩ với tha nhân, với cuộc đời:

 

Ơn đời quỳ bái tạ

Cuộc trần hồng xa khơi

Ôi trăm điều mới lạ

Ngàn năm vẫn tuyệt vời

…………………….

Đêm mộng dài đã dứt

Chân diện mục tương phùng

Ung dung bao ngày tháng

Ánh sáng từ không trung!! (Trăng Sáng Ngàn Năm)

 

Mỗi người trong chúng ta sẽ tỉnh dậy sau giấc mộng dài. Mỗi lần tỉnh mộng là mỗi lần hồi sinh và một sự sống mới được bắt đầu bằng vào sự tỉnh thức tâm linh. Anh hay chị và tôi hãy bỏ lại sau lưng những tháng ngày làm thân cùng tử, hãy trở về nơi xưa chốn cũ để nhận diện rõ chính mình. Căn nhà của chúng ta, điểm dừng lại và cũng là điểm khởi đầu cho sự bừng sáng chân tâm. Vẫn khuôn mặt đó, ánh sáng đó, nụ cười đó, nhưng mỗi mỗi đều là ánh trùng quang dung cùng mười phương pháp giới:

………………………….

Mỗi trùng quang là mỗi nét yêu thương

Viên đá nhỏ cũng mười phương pháp giới!! (Tiếng Giã Từ)

 

Lại nữa, đọc qua “Một Thoáng Thiên Thu”, ta thấy được chất liệu của từ bi quán trong tâm hồn thi sĩ tràn đầy:

 

Tôi nằm xuống để nhường nơi đất sống

Cho nhân sinh, cho thế giới đại đồng

……………………………….

Tôi nằm xuống cho hương hoa diễm lệ

Dâng cuộc đời những tuyệt thế siêu phàm… (Hương Hoa Diễm Lệ)

 

Với một trái tim cháy bỏng tình người, T.K.Thiện Hữu đã cất cao lời nguyện cầu, thay cho tiếng nói yêu thương và khát vọng ngàn đời của nhân loại:

 

Hay tay dâng lá Bồ đề

Nguyện cầu thế giới đường mê dứt liền

………………………..

Hai tay dâng cả chân thường

Hai tay dâng hết tình thương ngọt ngào!! (Hai Tay)

 

Xuyên suốt Thi tập, điểm nổi bật khác và sâu sắc nữa, đó là, cái nhìn tương tức và tinh thần bất nhị của Đạo Phật. Nơi đây nhấn mạnh đến trí tuệ Bát nhã, đến sự bừng sáng tâm thức:

 

Em có một chỗ đến đó là nơi vô sở trụ

Không Phật thánh, Tiên hiền, không Bồ tát linh thiêng

Em có một nơi đi vẫn còn vạn vẻ trinh nguyên

Vượt ra khỏi ba ngàn kiến giải!! (Trinh Nguyên)

 

Dẫu rằng, nhà thơ chưa hẳn là một Thiền sư triệt ngộ, nhưng, với sức sống tâm linh dạt dào và với cái nhìn tuệ giác, Thi sĩ đã và luôn hoá thân vào tận ngọn ngành của cuộc sống. Khi là chú chim nhỏ líu lo vang hót, hay những bình hoa huyền diệu sắc màu. Khi là những giọt sương mai còn đọng nơi cọng cỏ, hay những hạt bụi, những khóm mây bạc lang thang trên bầu trời diệu hữu:

 

Sáng nay ngoài trời nắng ấm

Chim non hót điệu Từ bi

Giọt sương còn vương trên lá

Lặng im không nói điều gì… (Vui Thú Nhân Ông)

 

Hay:

………………..

Mây trắng nguyên trinh vô sắc

Không làm ngây ngất cuộc đời

Mây trắng thở nơi thành trụ

Chân không diệu hữu trùng khơi!! (Nhiệm Mầu Mây Trắng)

 

Kết lại, “Một Thoáng Thiên Thu” là một tặng phẩm tuyệt vời mà T.K.Thiện Hữu muốn dâng tặng cho đời với tất cả trái tim và nhịp thở của người.

 

Qua “Một Thoáng Thiên Thu”, chúng ta sẽ tìm thấy những dưỡng chất tâm linh, có thể nuôi lớn hạnh phúc và thăng hoa tâm hồn con người.

“Một Thoáng Thiên Thu” cũng là nơi mà con người có thể tìm đến, ngồi lại bên nhau trong ánh sáng tuệ giác và tình thương vô ngã vị tha.

 

Đến với “Một Thoáng Thiên Thu”, mỗi người trong chúng ta sẽ dễ dàng buông xuống những gánh nặng trong tâm hồn. Bao phiền não khổ đau, bao thành bại được mất, bao toan tính hơn thua, bao bỉ thử ngã nhân sẽ tự động rơi rớt lại phía sau quá khứ. Còn chăng chỉ là những nổi khát khao tìm về cội nguồn, tìm về đạo đức tâm linh, tìm về sự sống đích thực cho tha nhân. Nơi đây, chúng ta sẽ không đơn lẻ một mình, sẽ không độc hành độc bộ, mà còn có rất nhiều bạn đường chung vai sát cánh. Nào những chú chim nhỏ, những dòng suối chảy, những giọt sương đọng và bầu trời trong xanh..., sẽ cùng chúng ta rong chơi, dạo bước vào cõi thiên thu.

 

Riêng với T.K.Thiện Hữu, một thi sĩ trong giới Phật học, phải nhìn nhận rằng, đã là một trong những người tiên phuông, mạnh dạn dấn thân vào con đường hoằng pháp qua lãnh vực nghệ thuật thi ca nơi đất người.

Hơn nữa, gần đây, những thi phẩm của T.K.Thiện Hữu đã được một số nhạc sĩ chuyển tải thành những bản thiền ca và đã được được phổ biến cả trong lẫn ngoài nước Úc. Việc làm này không nhắm vào mục đích tư lợi cầu danh, mà ước mong của tác giả vẫn là làm sao đem đạo vào đời bằng ngòi bút tâm linh, bật phá thành những dòng thơ mang đầy ý nghĩa duyên sinh và chuyên chở tinh thần đạo pháp vô ngã.

 

Những dòng thơ có khả năng làm nên những khúc Thiên nhạc cho đời dung nhịp, cho con người cùng nối vòng tay yêu thương và luôn sống trong thế giới Chân-Thiện-Mỹ. Đây cũng là sắc thái và phong cách riêng của Thi sĩ. Và tất cả không chỉ dừng lại nơi đây, vượt qua những bến bờ của thời gian và không gian, T.K.Thiện Hữu sẽ và luôn mãi với ngòi bút trên tay, để viết lên những vần thơ xiển dương cho tình yêu thương chân thật và tuệ giác ngút ngàn vô tận. Mỗi lời thơ là mỗi ánh nến chiếu diệu Phật pháp vào trong trái tim con người.

 

Có thể tất cả chỉ là những ánh sao băng đi ngang qua bầu trời đại giác, chợt loé lên tia sáng thiên thu rồi vụt mất trong một thoáng qua. Dầu chỉ một thoáng nhưng vẫn là thiên thu vô tận.

Phải chăng đây là lời nhắn gởi của thi sĩ đến với bao người. Đâu đó những vần thơ của T.K.Thiện Hữu còn vương lại, tạm mượn thay cho lời kết:

……………………

Ta viết mãi bài thánh ca diệu mật

Dùng chân tâm vẽ nét mực vô tâm

Mong nhân gian hết những khối thăng trầm

Và chẳng thấy một lỗi lầm để viết

…………………………

Ta viết mãi bài mười phương nhật nguyệt

Cùng hát lên câu diễm tuyệt hương trần

Để hoà tan trong thế giới thường chân

Rồi biến cả khắp vạn lần pháp giới!! (Bài Thơ Viết Mãi)

 

Perth, Đầu Thu, 25/05/2007

Sen Hồng

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập