Lễ Phật Đản tại Sài Gòn: Chuyện xe hoa mừng Phật Đản
Tôn chỉ của đạo Phật là tử bi, hỷ xả có nghĩa là cứu khổ, ban vui. Việc đem đến niềm hân hoan, an lạc cho chúng sanh, cho mọi người, việc quần chúng hóa đại lễ Phật đản trong nhân gian không thể nào quy đổi ra tiền, rồi lại sợ tốn kém. Việc cần làm dẫu có tốn kém hơn vẫn phải làm.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là Phật giáo đồ khắp nơi tưng bừng đón chào ngày Đức Thế Tôn ra đời, đem lại hạnh phúc bình an đến cho muôn loài. Lướt qua một loạt các trang web Phật giáo, tôi được biết là năm nay các tỉnh đã bắt đầu khởi động mùa Phật đản và đã “hướng dẫn và khuyến khích Phật giáo các quận, huyện tùy điều kiện tại địa phương …tổ chức diễu hành xe hoa”.
Cũng thật là chạnh lòng khi nhắc đến “xe hoa Phật đản”. Đã hai năm nay ở thành phố Hồ Chí Minh không có “điều kiện” cho hoạt động này và cũng chẳng có một chiếc xe hoa nào chạy trên đường cả. Việc này làm cho biết bao Phật tử buồn man mác, bùi ngùi tiếc nuối khi nhìn lại những Đại lễ Phật đản từ năm 2008 trở về trước.
Do Sài Gòn không tổ chức diễu hành xe hoa nên ngày Phật đản đã mất đi từ “Đại lễ”, không khí Phật đản giảm hẳn rất nhiều so với những năm trước. Chúng ta không thể nào quên mùa Phật đản 2008, báo điện tử tuoitre.vn và các trang báo điện tử xã hội khác đã có các bài viết về hoạt động này của thành hội. Thế là, sự kiện Đại lễ Phật đản đã được truyền thông báo chí đưa tin và góp phần quảng bá giúp Phật giáo về ngày trọng đại này.
Hai năm nay Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã không có được thuận duyên này, không hề có một chiếc xe hoa nào cả, lễ Phật đản cũng ít được quảng bá. Và dĩ nhiên là Phật tử Sài Gòn đã đón hai mùa Phật đản có thể nói là buồn nhất trong 30 năm qua kể từ ngày thống nhất Phật giáo Việt Nam 1981.
Năm nay, tôi cũng vui mừng khi Phật giáo Thừa Thiên Huế đưa tin đã có 32 xe hoa đã đăng ký diễu hành vào Phật đản, và dự kiến có thể hơn 60 chiếc. Điều mà Phật tử Sài Gòn có mơ cũng không thấy. Ai cũng biết rằng Thừa Thiên Huế là một vùng đất “mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn; Nắng thì cháy da, mưa thì tróc mái nhà”. Thật là đáng kính phục tinh thần yêu đạo pháp của chư Tăng Ni Phật tử đất cố đô trong điều kiện còn khó khăn như vậy mà vẫn một lòng hướng về ngày Đức Từ Phụ đản sanh. Thật đáng quý biết bao.
Chắc hẳn lúc này, trong lòng mọi người vẫn còn dư âm của Hội Thảo Hoằng Pháp Toàn Quốc ở Bình Dương gần đây. Mỗi huyện của tỉnh nhà đều làm một chiếc xe hoa chào mừng Hội thảo. Chỉ một cuộc Hội Thảo Hoằng Pháp mà được như vậy, lẽ nào ngày kỷ niệm Đức Thích Ca ra đời lại không thể tổ chức được bằng hay hơn như thế?
Trở lại thành phố của tôi, đến giờ này tôi cũng không biết là Sài Gòn năm nay có được một chiếc xe hoa mừng Phật đản nào không? Kế hoạch cho Phật sự này như thế nào? Lộ trình và thời gian ra sao, nếu có? Và cũng không biết là Phật đản năm nay Sài Gòn có theo kịp các tỉnh bạn hay không, có phục hồi được truyền thống của mình như xưa không? Và còn nhiều câu hỏi khác nữa. Xin chờ đến ngày 16/ 4 âm lịch mới có câu trả lời cho quý độc giả xa gần.
Lợi ích của việc diễu hành xe hoa thì mọi người đã biết, tôi xin không dài dòng chi tiết. Nhưng đó đây lại có các ý kiến giải thích cho sự vắng mặt của xe hoa Phật đản trong hai năm trước là: tổ chức như vậy rất là tốn kém, nên để tiền làm từ thiện; đường phố sài gòn lô cốt, kẹt xe; kinh phí tổ chức quá lớn…
Tôi thực sự lấy làm khó hiểu với các giải thích như vậy. Bao nhiêu năm qua, Phật giáo các nơi trong cả nước vẫn diễu hành xe hoa bình thường, vẫn bình yên. Những năm trước, việc diễu hành xe hoa năm nào tôi cũng xem, mà có năm nào gây kẹt xe nghiêm trọng đâu. Giờ tan tầm, cao điểm thường ngày không có xe hoa thì vẫn kẹt xe. Việc diễu hành xe hoa có diễn ra vào giờ tan tầm cao điểm đâu mà lại đổ thừa cho xe hoa Phật đản?
Không tổ chức xe hoa mừng Phật đản, để dành tiền làm từ thiện xã hội. Làm từ thiện thì Phật giáo làm quanh năm, bất kể dịp nào. Chỉ cần nghe tin thiên tai bão lũ, có ai gặp hoàn cảnh khó khăn thì chả cần ra thông bạch, chỉ đạo kêu gọi từ Trung ương… Phật tử cùng nhau hăng hái đóng góp, ủng hộ. Trong khi đó, ngày Phật đản chỉ có một lần trong năm, lẽ nào không thể tổ chức cho trọn vẹn, đúng nghĩa, đúng tầm với hai từ “đại lễ”? Tôi nghĩ nên tập trung vào từ thiện xã hội vào dịp Rằm tháng Bảy, ngày thương binh liệt sĩ thì hay hơn và có ý nghĩa hơn. Mà những năm trước, khi việc diễu hành xe hoa diễn ra bình thường, Phật giáo cũng làm từ thiện vào ngày Rằm tháng tư rất sôi nổi. Các chùa vẫn phát chẩn cho người nghèo, có gì ảnh hưởng đâu?
Không tổ chức xe hoa vì Thành phố nhiều lô cốt, đào đường, đào cống... Lý do này cũng không thuyết phục cho lắm. Đúng là ở Sài Gòn có lô cốt, có đào đường…nhưng không phải đường nào cũng có lô cốt, cũng đào đường, cũng cấm xe ô tô. Chuyện đào đường, lô cốt cũng giảm nhiều và việc diễu hành xe hoa Phật đản cũng đã và đang giảm theo. Một thực tế đáng buồn.
Vậy sao Thành hội lại không thể lên một lộ trình hợp lý cho việc diễu hành xe hoa, lại giải quyết vấn đề một cách đơn giản nhất mà cũng là cách dở nhất là: Không tổ chức? Chỉ khi nào toàn thành phố cấm xe ô tô hết, thì xe hoa mừng Phật đản cũng không ngoại lệ, mà đằng này có ai cấm cản gì đâu? Do đó cũng không thể đổ lỗi cho chính quyền.
Không tổ chức xe hoa Phật đản vì quá tốn kém? Lý do này theo tôi là buồn cười nhất. Tại sao những tỉnh khác còn nghèo hơn, còn khó khăn hơn, đông đảo Giáo dân hơn lại tổ chức được còn Sài Gòn nổi tiếng là đi đầu trong các Phật sự, kinh tế vững mạnh lại không đủ kinh phí để làm? Thật khó hiểu quá!
Mà nếu thực sự như vậy, thì chỉ cần ra thông báo kêu gọi các Phật tử chung tay lo liệu, kẻ của người công giúp cho nhà chùa. Xe thì Phật tử sẵn sàng cho mượn, vật liệu trang trí, đèn, cờ có thể sử dụng cho những năm sau. Ngày lễ Phật đản chúng ta đã biết trước, lẽ nào lại không có sự chuẩn bị từ trước?
Tôn chỉ của đạo Phật là tử bi, hỷ xả có nghĩa là cứu khổ, ban vui. Việc đem đến niềm hân hoan, an lạc cho chúng sanh, cho mọi người, việc quần chúng hóa đại lễ Phật đản trong nhân gian không thể nào quy đổi ra tiền, rồi lại sợ tốn kém. Việc cần làm dẫu có tốn kém hơn vẫn phải làm.
Không thể nào lấy tiền bạc ra mà so sánh, quy đổi với niềm hân hoan của quần chúng Phật tử, hoằng hóa độ sanh, xiển dương chính pháp, niềm tự hào tôn giáo… Nhìn người dân Thủ đô chào đón lễ diễu hành xe hoa mừng Phật đản, nét mặt tươi cười rạng rỡ từ các cụ già đến nam thanh nữ tú đất Hà thành. Từ anh công an, bảo vệ cho buổi lễ đến người dân xung quanh quay phim, chụp ảnh xe hoa Phật đản… thì lại càng thấy được lợi ích của diễu hành xe hoa, không gì có thể so sánh nổi.
Năm ngoái, các tỉnh bạn như Đồng Nai, Long An, Bình Dương và xa hơn là các tỉnh Tây Nguyên đều có xe hoa mừng Phật đản. Thành phố Hồ Chí Minh, có điều kiện hơn, đông đảo Tăng Ni Phật tử, cả ngàn ngôi chùa lớn nhỏ, 24 quận huyện… thì ít nhất cũng phải có được mười mấy chiếc xe hoa gọi là, nhưng cuối cùng lại chẳng có được một chiếc nào, lại không có “điều kiện” tổ chức. Thật là buồn.
Chỉ một buổi văn nghệ gây quỹ, chỉ một lời thông báo đóng góp xây chùa mà Phật tử đã ủng hộ cả tỷ bạc thì số tiền để tổ chức diễu hành xe hoa mừng Phật ra đời thấm vào đâu. Thật là không biết giải thích vấn đề này như thế nào?
Rõ ràng không có lý do nào đưa ra có thể chấp nhận được. Cũng rõ ràng, nguyên nhân chính được nhiều người đồng ý là chúng ta còn thiếu chữ tâm và tinh thần dấn thân phụng sự đạo pháp.
Chưa đầy một tháng nữa là đã đến ngày Phật đản. Ngay từ bây giờ, các chùa hãy kêu gọi Phật tử, các đạo tràng chuẩn bị cho ngày này, kẻ góp của, người góp công. Tùy theo khả năng của mỗi chùa, hay liên kết các chùa trong khu vực để làm xe hoa. Quý Thầy cần vận động mỗi quận huyện ít nhất là một xe hoa mừng Phật đản.
Nếu không thì xin hãy tổ chức thuyền hoa trên sông Sài Gòn như Đà Lạt, thành phố cao nguyên, làm trên hồ Xuân Hương. Những năm trước chùa Vạn Thọ có làm thuyền hoa Phật đản, nhưng năm vừa rồi chỉ có một hoa sen nở trên dòng kênh Nhiêu Lộc. Hy vọng là Phật đản năm nay, ở Sài Gòn sẽ có “7 đóa sen vàng nâng gót ngọc” trên sông như ở Huế năm ngoái.
Hy vọng rằng các chùa ở bên bờ sông như Vạn Thọ, Pháp Hoa, Quan Âm Tu Viện, Diệu Pháp… nếu có thể thì hãy làm thuyền hoa trên sông thay thế cho xe hoa trên phố.
Còn nếu không, thì những đạo tràng, các Phật tử hãy biến những chiếc ô tô con chở quý Thầy lãnh đạo, chở đạo tràng của chùa đi dự lễ thành những chiếc xe hoa Phật đản dã chiến.
Ngày nay, nhà chùa có xe ô tô riêng của không phải hiếm hoi gì, đặc biệt là ở Sài Gòn. Xe dùng để chở quý Thầy đi làm các Phật sự, chở các Phật tử đi làm từ thiện… có thể kết hoa, cắm cờ và đặt tôn tượng Đức Bổn Sư đản sanh trên mui. Mọi người cũng có thể căng các biểu ngữ “ Kính mừng Phật đản”, “ Vui thay Đức Phật ra đời”…ở phía trước xe, chạy khắp đường phố Sài Gòn.
Những chiếc xe hoa Phật đản dã chiến như vậy cũng không tốn kém là mấy, khâu trang trí đơn giản, nhanh chóng mà hiệu quả hoằng pháp của nó đem lại rất là lớn khi chạy trên đường phố Sài Gòn vào đầu tháng Tư cho đến ngày rằm.
Tôi cho rằng những chiếc xe hoa mừng Phật đản dã chiến như thế như lan truyền không khí ngày hội trên đường phố, làm cho mọi tầng lớp nhân dân biết về ngày đại lễ Phật đản đang đến gần. Những chiếc xe hoa Phật đản như vậy là lời nhắc nhở mọi người, đặc biệt là những ai còn vướng bận cơm áo gạo tiền trong cuộc sống thường nhật, những ai còn lăng xăng với công danh sự nghiệp, khi nhìn những hình ảnh này hãy nhớ đến ngày trọng đại bậc nhất của Phật giáo – Ngày Đức Từ Phụ ra đời.
Những chiếc xe hoa cho dù được trang trí cầu kỳ, đủ màu sắc âm thanh tươi vui như truyền thống hay đơn giản là chiếc ô tô con có đặt tượng Phật đản sinh nho nhỏ trên mui, được kết hoa xung quanh, trước có lá cờ Phật giáo tung bay chạy trên đường phố cũng là những bài thuyết pháp hay nhất, sống động nhất về ngày Phật đản.
Nếu như năm nay Sài Gòn và một số nơi nào đó không đủ duyên, không đủ điều kiện thực hiện được Phật sự này thì hãy cố gắng đưa ra những lý do, những lời giải thích sao cho hợp lý hợp tình, sao cho thuyết phục được lòng người, để người Phật tử có thể chấp nhận được, hoan hỷ, thông cảm cùng với Quý Chư Tôn Đức lãnh đạo.
Ai đó hãy đưa ra những lý do, nguyên nhân sao cho có thể dễ thuyết phục được một chút, để người Phật tử còn lại một chút ít niềm tin vào Quý Chư Tôn Đức lãnh đạo, còn thấy được một chút ánh sáng leo lét nơi cuối đường hầm và cũng để Phật tử chúng con vững lòng tin trước những cơn gió độc cải đạo.
Và cuối cùng, tôi cũng có một chút hy vọng le lói là năm nay Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đuổi kịp các tỉnh bạn, sẽ khôi phục lại truyền thống vốn có của mình. Không biết niềm hy vọng mong manh này của tôi có được toại nguyện không, cũng tự động viên, an ủi mình và cũng ráng chờ xem sao.
TPHCM, ngày 22/4/2011.
Minh Ngọc.
- Giấc Mơ Trường Sơn của Tuệ Sỹ - Món Quà Văn Học Đặc Sắc Của Việt Nam Dành Cho Phương Tây Tâm Thường Định lượt dịch
- Đọc Tuyển Tập Giải Văn Học Hương Pháp: Hiệu Quả Thực Nghiệm Phật Pháp Trong Đời Sống Tâm Huy - Huỳnh Kim Quang
- Đọc “Zen Poems from Early Vietnam”: Bản dịch Thơ Thiền Lý – Trần Nguyên Giác
- BUÔNG (Tập danh) Minh Đạo
- Đọc Tập Truyện Thơ "Diệu Tâm Ca" Của Nhà Thơ Tâm Nhiên Châu Thạch
- Vì sao con đi tu ? Hiền Huy Hòa Hiệp
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
- Đầu xuân ở ngôi chùa làng vùng đất Yaly
- Đại trùng tu Quốc tự Diệu Đế
- Hàng chục ngàn người trẩy hội chùa Hương
- Rằm tháng bảy, tiền tỷ lại hóa tro
- Kiến nghị xem xét lại dự án thiết kế chùa Báo Ân
- Mỗi Năm Đến Hè Lòng Man Mác Buồn
- Cung nghinh Xá lợi đức Phật và đúc Đại Hồng Chung
- Nghệ thuật thiền Phật giáo
- Tám triều vua Lý
- Nhật ký mùa Phật Đản 2010 tại Sài Gòn
Được quan tâm nhất

![]() |
Vì sao con đi tu ? 13/03/2010 19:51:00 |
Lễ Phật Đản tại Sài Gòn: Chuyện xe hoa mừng Phật Đản 20/04/2011 07:41:00 |

Năm nào cũng báo chỉ, bài viết góp ý rùm beng, đến cuối cùng lễ Phật đản vẫn buồn tẻ, co cụm trong 4 vách tường chùa, quần chúng không ai biết đến. Ki to giáo là tôn giáo phản bội dân tộc, phản bội tổ quốc, có bề dày lịch sử chưa đến 600 năm, chiếm chưa được 10 phần tăm dân số VN, thế mà lễ Nô-ăn của họ làm rùm beng, báo đài Nhà nước đưa tin quảng bá, quảng cáo cả mấy tháng trời, hết lễ vẫn còn hội hè đình đám, bằng mọi hình thức, mọi kiểu cách thế tục, tác động đến toàn thể xã hội. Trong khi Phật giáo mang tiếng chiếm hơn 70 phần trăm dân số, có bề lịch sử gần 2000 năm đồng hành cùng dân tộc, có một tổ chức mang tên gọi là GHPGVN lại tổ chức một lễ Phật đản không ra trò, số lượng người tham dự chỉ lèo tèo vài ba cụ già, co cụm trong 4 vách tường chùa, thua cả số lượng người tham dự một lễ xưng tội chủ nhật thường ngày của Kito giáo. Báo đài Nhà nước lại hạn chế đưa tin về lễ hội Phật đản,chưa kể một số báo còn có ác ý xuyên tạc ngày lễ này. Đã có nhiều nơi không cho treo cờ ở tư gia Phật tử, khu cực xung quanh chùa, hạn chế ảnh hưởng ra quần chúng... Thêm nữa, trong thông báo hướng dẫn lễ Phật đản của Hội PG chỉ cho phép lễ diễn ra trong khuôn viên chùa- là một văn bản hạn chế lễ Phật đản với quần chúng, thì hỏi lấy cớ gì để các chùa và toàn thể PG tổ chức lễ Phật đản mang tầm vóc lễ hội quần chúng ?
Theo kinh nghiệm, chúng tôi xin đền nghị các chùa nên LÀM LỄ TẮM PHẬT VÀO TỐI RẰM để toàn thể Phật tử có cơ hội tham dự, ban ngày người lớn đi làm, người nhỏ đi học, người già trông nhà, không có ai đi dự lễ Phật đản được. Hơn nữa tổ chức buổi tối với màu đèn hoa rực sáng chan hòa sẽ làm cho ngày lễ thêm khởi sắc.
Đề nghị HộI Phật giáo TP.HCM nên tổ chức LỄ ĐÀI TẬP TRUNG ở TRUNG TÂM TP hoặc ở SÂN VẬN ĐỘNG vào TỐI RẰM để tất cả Phật tử và quần chúng có cơ hộI tham dự
Đề nghị dù bất cứ trở ngạI gì cũng phảI DIỄU HÀNH XE HOA
Đề nghị mỗI quận phảI có ít nhất 10 xe hoa
Đề nghị làm việc vớI đài TRUYỀN HÌNH VTV và HTV để truyền hình trực tiếp các lễ chính và đưa tin toàn bộ LỄ PHẬT ĐẢN
: Đề nghị gởI bài này thẳng tớI quý ngài lãnh đạo hội phật giáo Trung ương và Phật giáo TP. HCM
Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)