Có nhân vật Đại Thiên 137 SN hay không ?

Năm 2006, Thầy Hạnh Bình có ấn hành tác phẩm Nghiên Cứu Về 5 Việc Của Đại Thiên (sau đây tôi sẽ viết tắt là Nghiên Cứu). Nghiên Cứu có nhiều vấn đề về lịch sử và cả giáo lý. Về phần lịch sử, trước hết, tôi muốn làm sáng tỏ nhân vật Đại Thiên.
Dựa trên bản dịch Dị Bộ Tông Luân Luận của ngài Huyền Tráng, Nghiên Cứu (tr.41) viết về nhân vật Đại Thiên như sau : “Nhân vật (Đại Thiên) đầu (xuất hiện sau khi đức Phật nhập diệt vào khoảng hơn 100 năm) là người đưa ra 5 việc, tạo thành sự chia rẽ trong cộng đồng Tăng gìa thành 2 phái Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ.”. Đối với nhân vật Đại Thiên này, Nghiên Cứu (bìa 4) lại ghi : “Đại Thiên là một nhà cải cách Phật giáo, là vị tổ lãnh đạo Đại chúng bộ, và cũng là người phát huy tinh thần Phật giáo Đại thừa; thế nhưng hơn hai nghìn năm qua, tư tưởng của Ngài đã bị các nhà Thượng tọa bộ làm mờ nhạt. Tác phẩm này nhằm làm sáng tỏ và phục hồi lại tư tưởng của Ngài.”. Do đó, tôi tạm gọi nhân vật Đại Thiên này là Đại Thiên Tổ 100 SN (100 SN : xuất hiện sau khi đức Phật nhập niết bàn khoảng hơn 100 năm).
Tôi có viết một tiểu luận nhan đề Đại Thiên là ai ? (đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ số 141, tháng 12-2007 và số 142, tháng 01-2008) chỉ rõ : không có nhân vật Đại Thiên Tổ 100 SN. Sau đó, Thầy Hạnh Bình có viết một bài (đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ số 143, tháng 02-2008 và số 144, tháng 3-2008). Trên Nguyệt san Giác Ngộ số 143, tr.69, Thầy Hạnh Bình ghi : “Nếu không chấp nhận nhân vật Đại Thiên sau Phật nhập diệt 100 năm, thì liệu nhân vật Đại Thiên sau Phật nhập diệt 137 năm có được chấp nhận hay không?”. Tôi chưa kịp trả lời thì tiếp theo đó, Thầy Hạnh Bình viết bài Kinh Đại thừa có phải do Phật thuyết hay không?[1] Trong bài này, Thầy Hạnh Bình viết : “Như vậy, chính thức công khai chia rẽ vào năm nào, đó chính là niên đại sau khi đức Phật nhập diệt vào năm 137, Đại Thiên đưa ra 5 việc mới chính thức làm tăng già chia rẽ. ”. Như vậy, bây giờ Thầy Hạnh Bình lại quay sang chủ trương thuyết có một nhân vật Đại Thiên Tổ 137 SN.
Trước khi đi vào nội dung chính, tôi xin đưa ra kết luận : Không có nhân vật Đại Thiên Tổ 137 SN.
Hãy truy tìm nguyên nhân mà dựa vào đó, Thầy Hạnh Bình đưa ra nhân vật Đại Thiên Tổ 137 SN. Trong Nguyệt san Giác Ngộ 143, tr.68, Thầy Hạnh Bình có trích dẫn ghi nhận của Bareau rồi đưa ra câu hỏi : “Nếu không chấp nhận nhân vật Đại Thiên sau Phật nhập diệt 100 năm, thì liệu nhân vật Đại Thiên sau Phật nhập diệt 137 năm có được chấp nhận hay không?”. Để trả lời câu hỏi này, tôi thấy cần trích dẫn lại nguyên văn của Bareau như sau :
“Nhiều nguồn tư liệu khác nhau đều đồng ý với sự giải thích rằng cuộc phân phái này bắt nguồn từ “năm đề thuyết của Mahàdeva” (Đại Thiên ngũ sự) liên hệ đến tính cách của La Hán, làm cho Tăng gìa bị phân thành hai nhóm : một bên phủ bác ‘ngũ sự’, gồm những Trưởng lão thông thái nhưng lại là thiểu số, gọi là Trưởng lão bộ, với bên khác, chấp nhận ‘ngũ sự’, gồm đông đảo những tu sĩ ít thông thái nhưng lại là đa số, gọi là Đại chúng bộ. Cũng theo các tư liệu ấy, sự kiện này diễn ra ở Pàtaliputra trong nửa đầu của thế kỷ 2 sau Phật nhập diệt; và các tư liệu Chính lượng bộ, do Bhavya ghi lại, còn xác định hẳn là : vào năm 137 sau Niết-bàn, dưới triều đại các vua Nanda và Mahàpadma, tức vào khoảng năm 343 (=480 - 137) trước Tây lịch.”[2].
Với đoạn trích dẫn này, Bareau ghi nhận rằng vào năm 137 sau khi đức Phật nhập Niết-bàn có xẩy ra sự kiện phân phái bắt nguồn từ năm đề thuyết của Đại Thiên. Bareau chỉ ghi rằng có một sự kiện phân phái chứ không ghi có một nhân vật Đại Thiên xuất hiện vào năm 137 SN. Trong nghiên cứu cần phải cẩn thận và trung thành từng câu, từng chữ được trích dẫn. Văn, chữ như thế nào, để nguyên như vậy, không thêm, không bớt, không nên tự diễn dịch theo cảm tính của mình. Và điều quan trọng hơn, nhà nghiên cứu cần phải tiếp cận với nguồn tư liệu gốc tức tư liệu bậc một chứ không thể chỉ dựa vào tài liệu tham khảo tức tư liệu bậc hai. Tác phẩm của Bareau là tư liệu bậc hai. Do đó, muốn làm sáng tỏ vấn đề, cần phải dựa vào tư liệu bậc một. Nguồn tư liệu mà Bareau sử dụng là ‘tư liệu Chính lượng bộ, do Bhavya ghi lại’. Đó chính là bản dịch Tạng văn của Dị Bộ Tông Tinh Thích. Sau đây là nguyên văn bằng tiếng Tây Tạng.
“Yang gzhan dag ni 'di skad smra ste. Bcom ldan 'das yongs su mya ngan las 'das pa bzung nas. Lo brgya sum cu rtsa bdun lon pa na rgyal po dga' po dang pad ma chen po zhes bya bas grong khyer pa ta li pu tra' nang du sdud par byed pa la sogs pa'i 'phags pa phal ni yang len pa med par bsil ba'i dngongs po thob par gyur ba na 'phags pa od srungs chen po dang. 'phags pa spu chen po dang. Gtong ba chen po dang. Bla ma dang. Re ba ta la sogs pa so sor yang dag par rig pa thob pa'i dgra bcom pa'i dge 'dun yin no de ltar bzhugs pa na bdud sdig can bzang po thams cad kyi mi mthun pa'i phyogs su gyur pa. Dge slong gi cha byed 'dzin pas dzu 'phrul sna tshogs bstan nas. Gzhi lngans dge 'dun gyi dbyen chen po bskyed de.”[3].
Bản dịch Việt văn :
‘Lại nữa, các (bộ phái) khác nói như sau : Sau khi đức Thế Tôn nhập niết bàn được 137 năm, các vị thánh tăng mà vua Nan Đà và Đại Liên Hoa cung thỉnh về thành Hoa Thị đều là những vị đã giải thoát khỏi khổ đau, được tự tại vô ngại như Thánh Ma ha Ca Diếp, Thánh Ma ha Lô Ma, Ma ha Đô Da Gìa, Uất Đa La, Ly Bà Đa, v.v... Đó là đoàn thể của những vị A la hán đã đạt được vô ngại biện tài. Vào lúc (chư vị thánh tăng) còn trụ thế như thế, ác ma (bdud sdig can) Bạt Đà La có kiến giải trái với tất cả, mặc y phục Tì kheo, hóa hiện vô số thần thông, đưa ra Năm việc, tạo thành sự phân phái lớn trong tăng đoàn.’.
Như vậy, theo Dị Bộ Tông Tinh Thích thì : Vào năm 137 SN, do Năm việc mà tăng đoàn có sự phân chia gốc. Nhưng xin chú ỵ́, Năm việc này do ác ma Bạt Đà La khoác áo Tì kheo đưa ra chứ không phải do Đại Thiên đưa ra như Thầy Hạnh Bình đã ghi. Trong bài Kinh Đại thừa có phải do Phật thuyết hay không?[4], Thầy Hạnh Bình viết : “Như vậy, chính thức công khai chia rẽ vào năm nào, đó chính là niên đại sau khi đức Phật nhập diệt vào năm 137, Đại Thiên đưa ra 5 việc mới chính thức làm tăng già chia rẽ. ”. Thầy Hạnh Bình viết như vậy là đã viết sai với nguyên văn. Nguyên văn không viết là Đại Thiên mà viết là ác ma Bạt Đà La.
Tại sao Thầy Hạnh Bình lại viết : “... sau khi đức Phật nhập diệt vào năm 137, Đại Thiên đưa ra 5 việc mới chính thức làm tăng già chia rẽ. ”? Có hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là Thầy Hạnh Bình đã không đọc nguyên văn, không đọc tư liệu bậc một. Đây là sự cẩu thả trong nghiên cứu. Nguyên nhân thứ hai là Thầy Hạnh Bình đã có một thành kiến bất di bất dịch trong đầu là : Năm việc là của Đại Thiên. Nhưng rất tiếc, do không tìm đâu ra một nhân vật Đại Thiên lịch sử nên cuối cùng thầy Hạnh Bình quay ra nhận ác ma làm Đại Thiên, một nhân vật được thầy ca ngợi hết lời “Đại Thiên là một nhà cải cách Phật giáo, là vị tổ lãnh đạo Đại chúng bộ, và cũng là người phát huy tinh thần Phật giáo Đại thừa.” (Nghiên Cứu, I.2006, bìa 4). Tội nghiệp cho Đại Chúng bộ và Đại thừa Phật giáo : Phải đi nhận ác ma làm tổ sư của mình!Tôi chưa từng thấy nhà nghiên cứu nào viết cẩu thả, đại ngôn như thầy Hạnh Bình. Nếu không đọc được cổ ngữ thì đừng nhắc đến tác phẩm. Còn nếu nhắc đến thì chính mình phải đọc nội dung, phải kiểm tra lại nội dung, đừng đọc bằng ngòi bút của người khác rồi tự suy diễn không đúng sự thật.
Về nguyên nhân thứ nhất tức sự cẩu thả trong nghiên cứu, đây không phải là lần đầu tiên. Thầy Hạnh Bình đã phạm vào lỗi lầm này nhiều lần. Lần thứ nhất, trong Nguyệt san Giác Ngộ số 143, tháng 02-2008, tr.70, Thầy Hạnh Bình cho rằng tác gỉa của Dị Bộ Tông Tinh Thích là Thế Hữu và phê bình tôi như sau :
“Ở đây tôi muốn nêu ra một sự kiện về sự thiếu sót của thầy (Giác Dũng) trong việc đưa ra dịch bản so sánh, đó là thầy vô tình hay vố ý bỏ qua bản dịch Nhật ngữ (Dị Bộ Tông Tinh Thích) như tôi đã đề cập ở trên.”.
Về vấn đề này, tôi đã trả lời trên Nguyệt san Giác Ngộ số 145, tháng 4-2008, tr.70 rằng tác gỉa của Dị Bộ Tông Tinh Thích là Thanh Biện (Bhavya) chứ không phải là Thế Hữu. Lần này, thầy Hạnh Bình lại không chịu đọc nguyên bản của tư liệu bậc một, chỉ nghe phong phanh rồi đoán mò rằng : “Như vậy, chính thức công khai chia rẽ vào năm nào, đó chính là niên đại sau khi đức Phật nhập diệt vào năm 137, Đại Thiên đưa ra 5 việc mới chính thức làm tăng già chia rẽ. ”.
Như tôi đã dịch nguyên văn đoạn văn của Dị Bộ Tông Tinh Thích ở trên, sau khi đức Phật nhập diệt 137 năm, không phải Đại Thiên mà là “ác ma (bdud sdig can) Bạt Đà La có kiến giải trái với tất cả, mặc y phục Tì kheo, hóa hiện vô số thần thông, đưa ra Năm việc, tạo thành sự phân phái lớn trong tăng đoàn.”.
Tôi viết bài này, chỉ mong thầy Hạnh Bình nên cẩn thận và nghiêm túc trong vấn đề nghiên cứu; không nên làm việc một cách cẩu thả, thiếu nghiêm túc!
Vĩnh Nghiêm, 29/12/2010
[1] Bài này đăng trên trang nhà http://www.thuvienhoasen.org vào ngày 14 tháng 10 năm 2008.
[2] André Bareau, Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa, Pháp Hiền dịch, Nhà Xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2003, tr.54.
[3] 寺本婉雅 平松友嗣 『蔵漢和三訳対校 異部宗輪論 異部宗精釈 異部説集』国書刊行会, 1974, 異部宗精釈, tr.22-23.
[4] Bài này đăng trên trang nhà http://www.thuvienhoasen.org vào ngày 14 tháng 10 năm 2008.
- Lạy Phật Minh Đạo
- Hòa âm cùng thiên lý độc hành Tâm Nhiên
- Hãy nương tựa vào bản thân, tạo nhân duyên tốt Việt Văn
- Suy nghĩ từ hồi âm nhận lỗi qua tiểu phẩm “Tuổi Trẻ Cười” của báo Tuổi Trẻ Nguyễn Đức Sinh
- BÀI TRẢ LỜI – Mộc Trầm (Thích Đạo Quang) Ngộ Trí Viên
- Quý hồ tinh bất quý hồ đa Thích Lệ Thọ
- Trước hiểm nạn người ơi biết không ? Thích Giác Tâm
- Cải đạo, một biến tướng của sự cuồng tín tôn giáo Thích Thanh Thắng
- Có nên ca hát không? Bình Anson
- Thiền là đưa thân tâm về với nhau Pháp Đăng, Tuyệt Sơn dịch Việt
- Câu chuyện về Barlaam và Joasaph hay một sự trùng hợp lạ lùng giữa các tôn giáo Hoang Phong
- Kết thúc của "Tây Du Ký", sự chống lại đạo đức Thích Nhật Từ
- Phỏng Vấn Nhanh Hòa Thượng: Thích Giác Quang Hiền Huy Hòa Hiệp
- Khoa học trong kinh Thánh Trần Chung Ngọc
- Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ Việt? An Chi (Theo antg.cand.com.vn)
Đánh giá bài viết này
Cùng tác giả
Được quan tâm nhất

![]() |
Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ Việt? 01/10/2010 08:55:00 |
![]() |
Khoa học trong kinh Thánh 09/10/2010 08:14:00 |

Tác phẩm Nghiên cứu về 5 việc của Đại thiên là một tác phẩm thể hiện sự nghiên cứu dày công và sâu sắc của tác giả. Những gì được trình bày trong tác phẩm này cũng chỉ là phần nhỏ trong sự nghiệp nghiên cứu của tác giả. Bởi vì đây cũng là đề tài nghiên cứu tiến sĩ PG mà thầy bảo vệ tại Đài Loan...Hơn ai hết, tác giả đã bỏ ra phần lớn thời gian và tâm huyết để nghiên cứu.
Bên cạnh tác phẩm này, tác giả còn có những tác phẩm khác viết rất rõ ràng và dễ hiểu như: Phật Giáo và Cuộc Sống, Đạo Phật Xưa và Nay, Tìm hiểu PG Nguyên Thủy, Triết Học Có và Không, Đức Phật- những vấn đề thời đại và mới đây là PG Việt Nam-suy tư và nhận định, cùng những dịch phẩm Bát Nhã - Dị Bộ Tông luận - (www.tuechung.net )
Với những gì Giác Dũng nhận xét, tôi nghĩ có lẽ Giác Dũng đọc tác phẩm này giống như một người mù sờ voi chẳng may sờ trúng chỗ nham nhám rồi cho rằng con voi mắc bệnh ghẻ... Tôi cũng search google để xem Giác Dũng có những tác phẩm nghiên cứu nào sâu xa cùng về vấn đề trên chăng, tuyệt nhiên không, mà chỉ là những bài chỉ trích tác phẩm này trên các diễn đàn, tôi thiết nghĩ, làm sao Giác Dũng hiểu được tác phẩm này bằng chính tác giả, bằng chính các giáo sư hướng dẫn cũng như phản biện đề tài tiến sĩ này.
Vậy mà Giác Dũng dám cho rằng tác giả nghiên cứu cẩu thả, thiếu nghiêm túc. Thật buồn khi lời nói không mất tiền mua, post lên mạng không tốn phí nên muốn phát biểu tùy tiện thế nào cũng được!
Tôi thành thật khuyên Giác Dũng nên dành thời gian để làm việc nghiên cứu viết ra những tác phẩm của chính mình hay hơn đi rỗi hơi bình luận để cho người ta thấy sự thiển cận và nhỏ nhen của mình
Chân Lê
Gửi bình luận của bạn
BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)