Cuộc trao đổi giữa hai người bạn (Những ghi nhận từ thực tế)

Đã đọc: 4086           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Khi một người không có nền tảng căn bản về giáo lý thì người đó dễ bị lay chuyển hoặc dễ bị dính vào một giáo thuyết khác có tính chất linh nghiệm.

(Những ghi nhận từ thực tế)

Kỳ 2

Phật pháp thâm sâu khó nghĩ bàn, nhưng vì tình bằng hữu thâm sâu, lại có nhiều nghi nan về đạo pháp trong đời sống đã khiến cho tôi không ngại mình thuộc dạng học thiển tài thô cũng cố gắng đổi trao hầu cùng nhau chia sẻ để cùng tiến bộ. Nếu có điều gì sơ suất, kính mong chư vị hiền đức bổ chính và chỉ dạy thêm giùm. Thành thật tri ân!

Huệ Minh

Vấn: hôm trước có gặp lại người bạn, mình có khuyên nó trở về lo làm ăn và lo cho mẹ già ở nhà đi, như thế cũng là tu rồi. Bạn mình nói rằng, nó có sứ mệnh lớn lắm, nhưng không tiết lộ được, nó cho tôi là người phàm phu, ngu dốt nên không nhận ra nó là ai đâu. Tôi thật là buồn vì không khuyên được một người bạn thân của mình.

Đáp: cũng khó lắm bạn ơi, khi đã sa vào con đường ham linh nghiệm rồi thì khó mà thoát ra được. Tôi cũng có một người em họ đi theo ông thầy mà nó cho rằng như lai Phật tổ điển xuống. Tôi khuyên hết lời mà không được, cả gia đình theo người thầy đó sau này khốn đốn vô cùng, người em họ bị bệnh nặng tôi bảo đi bác sĩ không nghe, mà nghe lời ông thầy bảo cửu huyền quở, rồi dẫn lên núi làm phép, giải căn gì đó. Cuối cùng bệnh nặng qua đời, gia đình tan hoang, nghèo khổ vì tin lời ông thầy đó. Sau đó ông dượng vì buồn đời cũng bệnh mà chết theo. Bạn thấy đấy khi đã mê rồi ai nói gì cũng không nghe đâu, đợi khi hoạn nạn rồi mới chịu hồi đầu thức tỉnh, lúc đó đã muộn màng rồi.

Vấn: Người thân của bạn còn có tài sản. Còn bạn mình thì gia đình nghèo chả có gì hết, theo ông thầy thì được ngày hai bửa ăn, bỏ mặt mẹ nó đói khổ. Tôi thấy không chịu nỗi. Tôi có bảo nó rằng, tôi cũng có người bạn cũng nghiên cứu kinh sách từ nhỏ nhưng không có giống bạn, người này lo làm ăn, làm tự thiện xã hội rất mạnh lại chịu khó giữ giới tu hành, ở nhà lo cho cha mẹ, giúp đỡ con cháu học hành. Tôi thấy tu vậy mới phải, chứ không như bạn bỏ mặc mẹ mình như thế. Bạn mình hỏi lại là người đó có được tâm an lạc chưa. Chứ nó đã đắc được pháp an lạc rồi. Nó nói vậy đó?

Đáp: Đắc pháp an lạc à. Nếu được vậy thì mừng cho nó, chỉ sợ đắc an lạc trên lý thuyết thôi, chứ cả đời của một người tu mong muốn được bấy nhiêu thôi. Vì tâm an lạc là trạng thái không dính mắc, là sự an nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh, nó khác với vô tâm, vô tâm là bỏ mặc chuyện đời. Còn tâm an lạc, có được nó thì dù thuận cảnh hay nghịch cảnh người đó vẫn giữ được sự an lạc trong tâm và không có những dao động như những người bình thường khác. Bạn thử nghĩ xem trong lòng bạn có bao giờ không có lo lắng, tính toán, suy nghĩ, những hoài bảo, ấp ủ, vv hàng trăm thứ từ quá khứ đến hiện tại tràn về, muốn an tâm thì phải dùng đến thiền định mới mong có thể đạt được.

Vấn: Khó vậy sao? Vậy có khi nào bạn mình đạt được an lạc không? Vì thấy nó nói chuyện giống như là không có gì xảy ra trên đời vậy.

Đáp: chỉ e rằng An lạc theo kiểu An nhiên trốn tránh, Lạc lõng trách nhiệm đấy chứ. Vì né tránh trách nhiệm mới bỏ mặt tất cả, không đói hoài vì tới sự sống còn của cha mẹ, an lạc mà để cha mẹ khổ sở, người thân lo lắng thì có khác gì trốn tránh trách nhiệm đâu.

Vấn: mình cũng khó hiểu, trước đây bạn mình cũng theo đạo Chúa, nhưng tự nhiên đi theo mấy đứa bạn khác chơi, rồi gặp ông thầy này rồi nó quay qua bỏ đạo chúa, còn chê đạo chúa nữa. Vì nó bảo ông thầy nói nó là một trong những vị thần hộ pháp gì đó, nên nó theo ổng để sau này cùng với chúa phán xét. Tôi nghe mà rụng rời hết.

Đáp: Khi một người không có nền tảng căn bản về giáo lý thì người đó dễ bị lay chuyển hoặc dễ bị dính vào một giáo thuyết khác có tính chất linh nghiệm. Tôi ví dụ cho bạn thấy. Bạn biết cây đậu que không? Khi trồng nó người ta phải làm cái giàn cho nó bò và nó quấn vào đó để nó phát triển mà bò lên cao và ra hoa kết trái. Nếu trồng mà không làm cái giàn thì khi nó đâm đọt ra, nó sẽ không có chỗ để bám, thế là nó tự quấn vào thân mình nó, rồi quấn thành một nùi nằm ở dưới đất, lúc đó khó mà ra hoa kết trái được. Nếu bạn muốn tháo nó ra để quấn vào cái giàn thì e rằng nó bị gãy mất. Cũng vậy, người muốn theo một giáo lý nào thì phải nắm vững căn bản giáo lý đó (căn bản giáo lý giống như cái giàn vậy), có như thế thì mình mới không bị đánh đổ và sa ngã vào con đường linh nghiệm được, còn nếu không nắm vững thì giống như cây đậu mà thiếu cái giàn, tự nó quấn vào mình hoặc quờ quạng bám vào một chỗ nào đó để nương tựa, cuối cùng tự hại bản thân mình thôi. Giống như bạn của bạn đấy, căn bản giáo lý của chúa dạy không nắm vững, rồi nghe người khác bảo mình là thần hộ pháp gì đó, lập tức ham linh nghiệm rồi nghe theo mà bỏ mất cái đạo của mình.

Cho nên ngày xưa đất Phật dạy các đệ tử phải nắm vững ngũ minh trong quá trình học đạo và giảng giải đạo pháp thì mới trụ vững được.

Vấn: ngũ minh là gì vậy?

Đáp: đó là 5 thứ cần phải sáng tỏ gồm Nội Minh, Nhân minh, Thanh Minh, Công xảo minh và Y phương minh.

Vấn: Nhờ bạn nói rõ hơn một chút được không?

Đáp: Nội minh là bạn phải có kiến thức nền tảng về giáo pháp của trường phái mình. Ví dụ, bạn theo chúa, phải nắm vững những giáo lý căn bản mà chúa dạy, để khi cần suy xét điều gì bạn có cơ sở để tra cứu và áp dụng nó.

Còn Nhân minh tức là bạn phải có phương pháp luận để giảng giải vấn đề cho sáng tỏ.

Thanh minh tức là bạn phải nắm vững về mặt ngôn ngữ, văn chương. Như tôi không hiểu gì về đạo chúa thì bạn phải biết cách sử dụng ngôn ngữ nào dễ hiểu, dễ nắm. Chứ bạn nói từ chuyên môn thì tôi thua, cũng giống như bạn giải thích cho một người nông dân hiểu về một hiện tượng khoa học thì bạn phải dùng ngôn ngữ của nông dân để họ dễ nắm bắt.

Còn công xảo minh tức là bạn phải có một cái nghề vững chắc trong tay để có thể phục vụ lợi ích cho cộng đồng hoặc để hỗ trợ và giúp đỡ cho những người cùng đạo với bạn.

Cuối cùng là bạn phải biết về phương pháp chữa bệnh, hoặc am hiểu về thuốc để có thể cứu giúp người khác gọi là Y phương Minh.

Vấn: Công Xảo Minh có thể học được, nhưng Y phương minh mình thấy hơi khó, vì phải học y để trị bệnh như vậy thời gian đâu để mà học cái đó?

Đáp: Ừ, ví dụ như bạn đây, bình thường ăn học, bây giờ đi làm rồi thì có thu nhập, có thể phụ giúp gia đình, có thể làm việc từ thiện xã hội, có thể đóng góp vào hệ thống nhà thờ để xây dựng và phát triển mối đạo,.. thì xem như đã thực hiện công xảo minh. Còn đối với y phương minh thì mình nên hiểu thoáng một chút. Không nhất thiết bạn phải là bác sĩ mới giúp người, cứu người được. Nếu như bạn gặp một người bị bệnh tâm lý, bị stress, bạn biết cách dùng lời nói để khuyên giải, dùng những giáo lý của chúa dạy để giảng giải cho họ không còn đau khổ, họ không bị bế tắt thì xem như bạn đã thực hiện được y phương minh rồi. Đối với những người tu bên đạo Phật thì họ dùng lòng từ bi và trí tuệ để làm phương thuốc cứu độ chúng sinh, vì họ đã ban rãi tình thương đến với mọi người, họ mang đến trí tuệ để người mê mờ được sáng tỏ. Đó mới là căn bản của người tu đấy bạn.

Vấn: ừ, vậy cũng phải. Nếu được 5 thứ này thì tốt biết mấy, sẽ nắm vững đạo pháp khó mà lay chuyển.

Đáp: Đúng đấy, Ngày xưa Trần Quyền Trang (tức là tam tạng mà bạn xem phim tây du ký đấy) cũng áp dụng thành thục ngũ minh mà có thể biện thuyết thắng tất cả các cuộc tranh luận tại ấn độ lúc bấy giờ.

Vấn: ổng giỏi dữ vậy. Tôi tưởng tam tạng chỉ lả tưởng tượng chứ không có thật.

Đáp: Tam tạng là có thật, ổng tên là Trần Huyền Trang, vì dịch ba bộ kinh, luật, luận của Phật nên mới gọi là tam tạng. Còn trong phim tây du ký thì người ta dựng phim để chỉ ám chỉ về cái tâm của con người.

Vấn: là sao? Ám chỉ điều gì?

Đáp: Tam tạng thì tượng trưng cho cái tâm của mỗi người, Tề Thiên đại diện cho trí tuệ, Bát giới đại diện cho ham muốn, tham dục, còn Sa Tăng đại diện cho sự mê muội. Có tâm mà thiếu trí thì dễ bị lợi dụng và bị gặp nạn, giống như tam tạng không có tề thiên thì bị yêu quái ăn thịt rồi. Nếu có trí mà không có tâm thì mất đi lòng từ bi, như tề thiên mà không có tam tạng khống chế thì ổng lạm sát rất nhiều, mà còn không sợ ai nữa.

Vấn: ừ, mà thấy trong phim ông tam tạng ổng ngu quá, sao nghe lời chư bát giới không hà.

Đáp: không phải ngu đâu, mà ngụ ý rằng cái tâm con người luôn luôn bị thị dục cám dỗ như thích ăn ngon, thích ngũ, mê sắc, mấy cái này là tính cách của chư bát giới đấy. Bác giới hay nịnh nót, và tọc mạch với tam tạng cho nên ổng thích nghe lời Bát giới hơn là tề thiên. Con người cũng vậy thích sự khen tặng, tâng bốc là lời ngon tiếng ngọt hơn là sự khuyên can, răn bảo. Bởi vậy mới nói, nhiều khi có trí tuệ mà mình còn bị lầm lạc, nói chi là không có. Giống như tam tạng có tề thiên nhưng vẫn bị mắc nạn hoài.

Vấn: à, giờ mình mới biết ý nghĩa thực sự của phim là như vậy, chứ tam tạng thiệt ngoài đời thì thế nào.

Đáp: thì ổng cũng đi thỉnh kinh một mình, qua ấn độ tu học rất lâu, mười mấy năm gì đó. Nhưng ông ta rất giỏi, am hiểu kinh luật luận rất rành rẻ và có tài biện thuyết nữa. Công lao của ổng rất to lớn vì đã dịch rất nhiều kinh điển ra tiếng hán mà ngày nay vẫn còn lưu truyền.

Vấn: lúc nảy bạn nói, tam tạng tranh luận thắng hết mọi người à, ổng tranh luận với các đạo khác hả gì?

Đáp: không những đạo khác mà còn tranh luận trong đạo Phật nữa. Tiếc là ngày nay những tài liệu mà ổng biên soạn trong các cuộc tranh luận bị thất lạc đâu đó, nếu không đời sau sẽ học được rất nhiều.

Vấn: Ổng tranh luận với các nhà sư ấn độ hả gì?

Đáp: Ừ, Ông tranh luận để phá bỏ kiến chấp trong đạo Phật thôi. Vì sau khi Phật nhập niết bàn thì trong tăng đồ của Phật bắt đầu hình thành 2 dòng tư tưởng. Một bên thì giữ lại nguyên gốc của đạo Phật, những gì Phật dạy là không được sửa đổi. Và một bên thì sữa đổi cho nó phù hợp với hoàn cảnh mới. Hai dòng tư tưởng này không tương thích nhau và tạo ra sự tranh cải trong Phật giáo. Cũng vì thế mà có sự phân biệt trong ngôn ngữ như tiểu thừa, đại thừa, hay Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo phát triển,vv. Và tạo ra sự mâu thuẫn về quan điểm. Nhưng mâu thuẫn mà không triệt tiêu nhau. Vì có mâu thuẫn mới có phát triển, nên cả hai dòng tư tưởng đều tồn tại và phát triển cho tới ngày nay. Cũng giống như thiên chúa và tin lành vậy, cả hai đều có lý luận riêng của họ, tuy mâu thuẫn về quan điểm nhưng đều phát triển cho tới ngày nay.

Vấn: Đúng vậy. Tuy nhiên ông tam tạng bênh vực cho tư tưởng nào?

Đáp: Ông không bên vực cho tư tưởng nào hết mà đả phá hết những tư tưởng phân biệt. Nếu ai chê nguyên thủy thì ông đứng ra tranh luận và dùng giáo lý nguyên thủy để biện thuyết, và ông đều thắng. Ngược lại, nếu ai chê đại thừa thì ông cũng dùng lý luận của đại thừa để chứng minh và cũng chiến thắng. Vì thế, ông mới được những người tu thời đó kính trọng, nhất là những vị vua lúc bấy giờ, rất tôn trọng ông.

Vấn: vậy theo bạn thì cái nào mới đúng?

Đáp: Thật ra, sở dĩ có sự phân biệt tiểu thừa hay đại thừa là vì mình nhìn bằng con mắt của sự phân biệt, con mắt của chúng sanh. Chứ đứng trên góc độ của Phật thì vốn không có tiểu thừa hay đại thừa đâu bạn.

Vấn: Xin bạn cho ví dụ

Đáp: ví dụ như một đám mưa, cây lớn thì hút nhiều nước, cây nhỏ thì hút ít nước. Nhưng tất cả đều phát triển, đều tươi mát nhờ vào cơn mưa đó. Có bao giờ mưa bảo rằng cây lớn mình mưa nhiều chút, còn cây nhỏ mình mưa ít ít chút không? Cũng vậy, giáo pháp của Phật giống như cơn mưa, ban rãi cho tất cả chúng sanh mà không có sự phân biệt nào. Tùy theo căn duyên của mỗi người mà lựa chọn một phương pháp tu cho thích hợp, nhưng cho dù phương pháp nào thì cũng hưởng được hương vị giải thoát hết. Cho nên pháp Phật không có chia tiểu hay đại, mà có sự phân biệt là do nhân sinh quan của con người thôi. Tại sao vậy? Vì mình không thoát ra được cái giới hạn của ngôn ngữ, bị kẹt trong ngôn ngữ nên không thể diễn tả đúng bản chất của chân lý. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện, còn giải thoát mới là mục đích cuối cùng của người tu.

Vấn: tại sao ngôn ngữ không diễn tả được chân lý?

Đáp: Vì ngôn ngữ là tương đối, còn chân lý là tuyệt đối. Lấy cái tương đối để mô tả tuyệt đối thì làm sao đúng cho được.

Vấn: Xin cho ví dụ:

Đáp: Giả sử, lúc khai thiên lập địa, bắt đầu có sự xuất hiện của con ngườ. Trời đất lúc đó chỉ có hai người thôi, ví dụ như tôi với bạn đi đều là con trai hết. Vậy tôi hỏi bạn nhé, nếu dùng một từ ngữ để mô tả về giới tính thì lúc đó tôi với bạn được gọi là giới gì? Nam hay Nữ, Nếu gọi là Nam thì Nữ đâu? Hoặc gọi là người Cùng giới được không? Nếu cùng giới thì phải có khác giới. Vậy khác giới đâu? Lúc đó chỉ hiểu thôi chứ không nêu tên ra được. Cho nên mới nói, ngôn ngữ chính là những khái niệm được hình thành dựa sự đối lặp của các sự vật hiện tượng nhằm phân biệt sự vật này với sự vật khác, mà đã có sự phân biệt thì nó là tương đối. Vậy thôi.

Vấn: Nếu biết vậy tại sao họ còn tranh cải nhau làm gì? Mà không cùng nhau chia sẻ hay cùng nhau nghiên cứu.

Đáp: Nói chung thì sự phân biệt cũng đã có từ lâu rồi, cũng ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người, và bên nào cũng có cái lý của họ, khó thống nhất lắm. Nhưng với tôi, thì cả hai như là bàn tay vậy, đều là con lành của Phật. Khi nghiên cứu chân lý, mình không nên đứng trên quan điểm của bất kỳ trường phái nào, mà nên nghiên cứu một cách khách quan và tìm ra cái hay của mỗi tư tưởng. Từ đó mình áp dụng để tu tập, mục đích lớn nhất là để giải thoát bản thân mình khỏi sanh tử chứ không phải để phát triển học thuyết.

Vấn: Ừ, bên mình vậy, thiên chúa và tin lành mỗi người đều có lý riêng. Mình cũng không chống đối hay che bai người bên kia, nếu ai nói chuyện hay thì mình cũng nghe hết.

Đáp: Đúng vậy bạn. Nếu thực sự bạn muốn về với chúa thì đừng bận tâm đến tông này phái kia, mà hãy giành thời gian để nghiên cứu xem chúa dạy những gì, mình đã làm được gì thì mới mong chúa cứu vớt được. Chứ cứ hơn thua nhau ở ngoài từng câu chữ, lời nói thì khi gặp chúa, chúa có nhìn mình không mới là vấn đề.

Vấn. Cười. Tại mình có tu được gì đâu, lo suy nghĩ để biện bác không hà, cuối cùng quên mình tu để làm gì phải không.

Đáp: Chứ còn gì nữa. Nói chung ai làm gì làm, mình giữ tâm mình. Chạy theo đúng sai làm gì. Chạy theo chân lý là tốt nhất, cứ bám giáo lý mà tu thì không cần lý luận gì hết.

Vấn: Ừ, hôm trước tôi xem trong phim thấy ông Phật thích ca sao cũng chấp tay niệm A Di Đà Phật? Vậy Phật A Di Đà lớn hơn Phật thích ca sao?

Đáp: Phim nhiều khi làm không đúng bạn ơi. Chứ thành Phật thì đâu còn lớn nhỏ nữa, vì tâm đồng nhau thượng thiện vui vầy mà, lúc đó đâu có sự phân chia nhân ngã như cõi người nữa. Nhưng việc chấp tay niệm Phật khi hai người gặp nhau cũng có cái lý và cái hay của nó.

Vấn: Cái lý thế nào?

Đáp: thứ nhất khi hai người Phật tử gặp nhau thì họ chào nhau bằng câu niệm Phật, nhằm để nhắc nhở nhau nhớ niệm Phật. Thứ hai là khi hai người xá nhau là xá cái Phật tánh của nhau, vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, và tất cả cũng sẽ thành Phật. Vì vậy xá như thế để diệt trừ lòng ngã mạn và cũng là để nhắc nhau trở về với Phật tánh của mình.

Vấn: Ồ, như vậy cũng hay nhỉ. Tưởng đâu Phật tử gặp sư hay hòa thượng là phải xá chứ?

Đáp: tất nhiên khi Phật tử đến chùa gặp các vị chư tăng đều phải xá nhưng xá với ý nghĩa như vừa nói, chứ không phải Phật tử gặp sư phải xá, còn sư thì ngồi đó cho xá mà không xá lại thì cũng kỳ.

Vấn: sao kỳ, tưởng ổng tu có Đức hạnh thì mình phải xá chứ

Đáp: tất nhiên người có Đức hạnh thì nói làm gì? Nhưng nhỡ như người nhỏ tuổi mới xuất gia, công hạnh chưa đủ mà gặp một cụ bà Phật tử đến mộp xuống xá mình mà mình không xá lại thì hơi nguy hiểm. Thứ nhất xét về tuổi tác thì đáng bà của mình, nên mình không xá lại thì bị tổn đức không chừng. Thứ hai, người ta xá mình và niệm Phật tức là đã nhắc nhở mình nhớ tu, nhớ niệm Phật, ngược lại mình không xá lại tức là mình không nhắc lại người ta, không xá Phật tánh của người ta, đâm ra mình hơi ngược đời, vì mình xuất gia phải khuyên người ta mới đúng chứ. Nói chung, dù có công hạnh hay không thì việc xá nhau niệm Phật cũng thể hiện nét văn hóa của nhà Phật.

Vấn: nhắc mới nhớ. Sao có lúc tôi thấy có nơi để là chùa, có nơi để là tịnh xá. Khác nhau chỗ nào vậy?

Đáp: Nói chung chùa hay tịnh xá đều là nơi tu tập của tăng ni hết. Nhưng theo tôi hiểu thì tịnh xá thường gắn liền với hệ phái nam tông, tức là Phật giáo nguyên thủy đấy. Còn chùa thì liên quan đến hệ phái Bắc tông.

Vấn: tôi vẫn chưa rõ lắm, bắc tông và nam tông là sao? Có phải bắc tông là đại thừa còn nam tông là tiểu thừa không?

Đáp: Như nói lúc nãy đã nói, đạo Phật vốn không có nam bắc, cũng không có tiểu thừa hay đại thừa. Mà do mình phân biệt thôi nên mới tạo ra sự vướng mắc. Nhưng tôi tạm nói sơ cho bạn hiểu thế này. Bên giữ lại nguyên gốc của đạo Phật thì phát triển về phía nam của ấn độ truyền xuống Srilanka, miến điện, thái lan, vv nên người ta gọi là nam tông, còn nhánh cải tiến thì phát triển lên phía bắc truyền qua Tây tạng, trung quốc, nhật bản, vv người ta gọi là bắc tông. Nhưng khi Phật giáo tạm gọi là bắc tông vào trung quốc thì nó mới phát triển hệ tư tưởng mạnh lên. Lúc đó nó kết hợp với văn hóa bản địa để phù hợp với tập tục, văn hóa của nước đó. Nên khi bạn thấy nơi nào để chữ chùa thì thường là gắn với bắc tông, vì nó gắn với tín ngưỡng tôn giáo, tức là nơi thờ tự, lễ bái. Còn ngày xưa thời đức Phật thì chư tăng thường ở tịnh xá, hay còn gọi là tu viện, dùng để nghĩ ngơi, và tu dưỡng. Vì vậy khi bạn thấy chữ tịnh xá thì thường là những người bên nam tông. Giữa tịnh xá và chùa cũng có cách thờ hơi khác nhau. Tịnh xá thì thờ duy nhất Phật Thích Ca ở chánh điện, còn chùa thì thờ nhiều Phật ở chánh điện, cái đó cũng do ảnh hưởng bởi Phật giáo trung quốc mà có như vậy.

Vấn: à, hèn gì tôi thấy có nơi sao thờ nhiều Phật quá, làm sao nhớ hết không biết, rồi có nơi chỉ thờ có một tượng Phật thôi.

Đáp: Ừ, thì cũng xuất phát từ quan niệm như vậy. Nhưng nói chung việc phân chia như thế không có nghĩa là bên này tốt hơn bên kia hay cao hơn bên kia, mà vấn đề ở chỗ tu tập và công hạnh của mỗi người. Cho dù bạn theo tư tưởng nào đi nữa mà không chịu tinh tấn tu hành thì không giải thoát được đâu. Cũng giống như bạn theo tin lành hay thiên chúa gì cũng được, ai làm đúng ý chúa, lời dạy của chúa thì người đó mới gọi là tu cao. Còn hệ phái chỉ là phương tiện thôi, chứ nó không phải là mục đích cuối cùng. Vấn đề nằm ở cái tâm của người tu có chân chánh hay không thôi.

Vấn: Đúng rồi. Tôi cũng nghĩ như vậy. À, sẵn đây tôi hỏi lại câu nói của bạn tôi. Nó bảo vào chùa là phải lạy hết các vị Phật, nếu chỉ lạy ông này mà không lạy ông khác thì không linh. Đúng vậy không?

Đáp: thường người ta nghĩ như thế, nên cứ lạy và lạy mà nhiều khi không hiểu lạy người đó là ai nữa. Chỉ biết rằng lạy họ chắc họ độ mình. Ngày xưa đức Phật từng dạy, các đệ tử không nên tín ngưỡng Ngài mà không hiểu ngài là ai vì như vậy là mê tín. Thật ra khi lạy Phật chỉ lạy một vị Phật mà thành tâm cũng đồng nghĩa với lạy tất cả các vị Phật trong mười phương. Chứ không có chuyện lạy Phật này không lạy Phật kia thì ông kia sẽ không độ.

Vấn: có thể cho ví dụ được không? Tại sao lạy một vị Phật cũng đồng nghĩa với lạy tất cả các vị Phật.

Đáp: Ví dụ như bạn biết nước biển có vị mặn đúng không? Nếu bạn nếm một giọt nước biển thì đồng nghĩa với việc bạn đã nếm của tất cả các vị nước biển của các đại dương khác. Vì sao? Vì tất cả nước biển của đại dương khác cũng đều có vị mặn, bạn không cần phải bỏ công ra tất cả các đại dương để nếm rồi mới tin là nước biển có vị mặn đâu. Đức Phật cũng thế, khi đã thành Phật thì tất cả các vị Phật là đồng nhất thể như nước biển, vì thế bạn thành tâm cúng một vị Phật thì cũng đồng nghĩa với cúng các vị Phật trong mười phương vậy.

Vấn: Thì ra là vậy, nhưng thấy mấy đứa bạn vào chùa lạy quá trời luôn.

Đáp: nếu hiểu ý nghĩa mà lạy thì tốt, còn không hiểu mà thành tâm lạy các vị Phật thì cũng chẳng sao. Nhưng tốt hơn là mình nên hiểu hạnh nguyện cũng như nguồn gốc của người mà mình cúng để tránh rơi vào mê tín.

Vấn: ý bạn là không biết mà lạy hoặc thờ là mê tín à.

Đáp: Đúng vậy. Tín chính là tin, niềm tin. Còn mê là không rõ ràng. Tin vào một điều mà mình không rõ thì gọi là mê tín, cho dù người đó là Phật hay thánh đi nữa. Ngày xưa Phật cũng đã dạy như vậy mà.

Vấn: Giờ thấy nổi lên phong trào gọi hồn, nói chuyện với người chết nữa. Thật ra chuyện này có thật không vậy?

Đáp: Có câu linh bất linh tại ngã, tức linh hay không linh do mình. Nhưng theo giáo lý của Phật thì con người sau khi chết sẽ theo nghiệp mà luân chuyển đi lên hay đi xuống. Tất cả có mười cảnh giới mà hôm trước có nói với bạn rồi đó gồm tứ thánh và lục phàm. Vì vậy một người hiện tiền làm ác hay thiện thì khi chết tất theo nghiệp đó mà thọ chịu. Tùy theo nặng nhẹ mà đi về các cảnh giới khác nhau. Vì vậy tôi không tin lắm vào chuyện gọi hồn người thân về nói chuyện đâu. Vì nghe có vẻ vô lý lắm.

Vấn: sao vô lý, có thể nói rõ hơn được không? Vì mình thấy có người bảo họ nói đúng như người thân của họ trước đây vậy. Nên không tin không được.

Đáp: Tôi lúc trước cũng có người bà con bảo là tôi có muốn nói chuyện với cha tôi không? Có ông thầy này hay lắm ổng gọi về cho nói chuyện. Tôi cười và nói lại với người đó thế này nè. Giả sử có một người bị tội tử hình, và bị giam vào ngục chờ ngày tử hình. Vậy, người nhà của phạm nhân đó nhờ ông chủ tịch tỉnh bảo công an thả người đó về nhà nói chuyện với gia đình này nọ rồi sau đó nhốt trở lại, làm vậy có được không? Ông chủ tịch tỉnh có quyền làm thế không?

Vấn: tất nhiên là không. Vì như thế là phạm luật.

Đáp: Đúng vậy, ông chủ tịch tỉnh mà còn không dám làm điều đó, thì thử hỏi một người dân thường có quyền lực gì mà bảo công an thả người đó về nói chuyện với gia đình rồi nhốt trở lại. Cũng vậy, tôi nói với người quen là, nếu cha con có tội nặng bị đọa địa ngục, thì diêm vương cũng không dám thả ra để cho về nói chuyện với gia đình nữa, nói chi ông thầy đó gọi hồn về cho nói chuyện, thì thật là hoang đường. Trên dương gian còn khó khăn rồi, nói chi chuyện địa ngục phức tạp thế nào. Ngày xưa Mục Kiên Liên có thần thông bậc nhất trong hàng đệ tử Phật mà xuống địa ngục không cứu mẹ lên được, phải nhờ các vị a la hán hợp sức lại cầu nguyện mới giải hết tội căn cho mẹ Ngài đấy. Ngày nay những người tự cho có khả năng gọi hồn có lẻ giỏi hơn Mục Kiền Liên chắc.

Vấn: Còn nếu người thân mình được thành tiên thánh thì sao?

Đáp: Thì người kia càng không thể gọi người thân về được, vì không biết có đủ công lực để mời về không nói chi là gọi về. Ví dụ thôi, một người làm việc ở ngoài Bộ, có chức vụ cao và đang điều hành công việc đất nước. Rồi có người lạ vào bảo cho tôi gặp bộ trưởng để nói chuyện với ổng một chút được không? Bảo vệ có cho vào không nhỉ?

Vấn: Cười. Làm sao mà vào được, đâu biết là ai, có lịch hẹn hay không hay vào làm gì.

Đáp: thì đấy, nói chi người thân mình đắc thành tiên, ở cõi trời, thì ông thầy gọi hồn kia lên đó mời được không cũng nên suy nghĩ về điều này rồi. Đó là lý do tôi không tin chuyện gọi hồn. Ngược lại nếu mình cảm thấy cha mẹ mình lúc sinh tiền làm nhiều tội lỗi thì mình càng phải nên phấn đấu tu tập, làm thiện tích đức, cúng dường chư tăng hồi hướng công đức cho cha mẹ mình, như thế tốt hơn là đi gọi hồn, gọi vía gì đó.

Vấn: Ừ, hiểu rồi. Có chuyện này nữa, tôi cải không lại mấy đứa bạn nên tôi im lặng luôn. Hôm xem trên Ti Vi thấy có cô đó, nhận một đứa con về nuôi, đứa trẻ bị bệnh, rồi tật nguyền, cô ấy phải mang qua tận nước ngoài để điều trị, tốn kém rất nhiều. Sau này, cô ấy tiếp tục giúp những đứa trẻ có hoàn cảnh giống như đứa con nuôi của cô vậy, cho tiền điều trị, rồi thuê bác sĩ nước ngoài chữa trị, cô trả tiền hết, vì thấy hình như cô ấy giàu lắm. Tôi mới bảo cô ấy có lòng Bồ tát. Mấy đứa bạn tôi nói bả bị nghiệp báo chứ Bồ tát gì. Tôi cải không lại nên thôi im lặng, giờ thấy hoang mang quá, không biết phân biệt hạnh Bồ tát với nghiệp báo như thế nào nữa?

Đáp: Muốn phân biệt được nghiệp báo hay hạnh Bồ tát thì phải dựa vào cái tâm của người đó. Nếu một người làm một việc mà người khác khó làm, không dám làm, hoặc ghê sợ như tắm cho người cùi, người bị tâm thần, chăm sóc người bệnh nặng, vv mà họ làm với cái tâm từ bi, thương xót và thấy hạnh phúc khi làm điều đó chứ không phải cảm giác là gánh nặng thì bạn hiểu người đó đang thực hiện hạnh Bồ tát. Những việc chăm sóc bệnh nhân, gội đầu cho người tâm thần, rồi phụng dưỡng người già cả tàn tật tôi thấy nhiều bạn ở Việt Nam làm rất tốt. Họ rất phấn khởi và cảm thấy an vui khi làm điều này vì đây là tâm nguyện và hạnh nguyện của họ. Khác với một người bị bắt buộc làm công việc đó, nhưng tâm trạng khổ sở, không vui, uất ức thì đó là bị nghiệp báo ví dư chồng con bị bệnh, người thân bị ốm đau tàn tật, tuy chăm sóc nhưng khổ tâm lắm.

Nhưng nói chung tất cả chúng ta điều bị nghiệp báo hết, không nhẹ thì nặng. Vì thế không thể kết luận người này bị mà người kia không bị được. Tuy nhiên, nếu nghĩ trường hợp cái cô mà giúp những đứa trẻ đó là nghiệp báo thì không nên, nghĩ như vậy sẽ đánh mất hạt giống bồ đề của mình, mất đi hạt giống từ bi của mình. Vì mình nghĩ là nghiệp báo mình sẽ bỏ qua những việc làm khó làm đó thì từ từ lòng từ bi của mình nó bị dập tắt, phước báo mình sẽ không có. Cho nên cái nhìn nhận của bạn về người này là không có gì sai, bạn thông cảm và đồng cảm cũng như vui vẻ và mến phục việc làm của người này thì bạn cũng hưởng được phước báo đấy. Còn ngược lại chê trách đó là nghiệp báo thì có khi mang tội.

Vấn: Như vậy thì mình hiểu rồi, tất cả dựa vào cái tâm, nếu an lạc mà làm thì là thực hiện hạnh Bồ tát, còn làm trong sự đau khổ, bắt buộc thì là nghiệp báo.

Còn điều này nữa. Hôm trước nghe mấy đứa bạn nó hù, sắp tận thế rồi. Giờ phải lo tu nhanh lên, chứ ở đó mà lo danh lợi hoài, nữa chết không ai cứu. Một vài đứa còn bỏ làm theo ông thầy của nó để ông độ nó sống sót gì đó. Bạn nghĩ vấn đề này thế nào?

Đáp: vấn đề này tôi cũng có nghe nhiều rồi. Bạn bè tôi cũng có đứa hỏi tôi như vậy. Nhưng mà tôi nghĩ nếu có ngày đó xảy ra, bây giờ tu kịp không? Ví dụ nhé. Trước giờ bạn không lo ăn học, chỉ lo chơi bời. Tự nhiên giờ nhà nước ban hành lệnh sẽ mở đợt tổng kiểm tra trên toàn quốc, chỉ những người có trình độ đại học trở lên thì mới được sống và làm việc ở thành thị, còn lại cho về vùng xâu vùng xa ở hết. Tôi cho bạn có trình độ 12 đấy, nhưng có học kịp đại học không trong khi luật sẽ áp dụng trong 10 ngày nữa. Cho nên, vấn đề là ở chỗ, bạn phải đầu tư ăn học từ bé, hứng thú với việc học và phấn đấu để có bằng đại học thì khi nhà nước ban lệnh đó, bạn sẽ cảm thấy chẳng có chuyện gì mà phải sợ. Cũng thế, nếu một người thường xuyên tích phước hành thiện, tu tâm dưỡng tánh, thì ngày tận thế có xảy ra thì cũng có gì mà sợ, vì mình đã tích đủ phước, đủ đức để được cứu rỗi rồi. Ngược lại, bình thường làm ác, không lo tu tỉnh giờ nghe tận thế thì bán nhà bán đất để tu, liệu có kịp không? Có khác gì người không ăn học như mới nói nảy.

Vấn: Ừ đúng rồi, nhưng giờ người ta tin quá, biết làm sao bây giờ?

Đáp: Mình khuyên không nghe thì hết cách chứ sao. Hơn nữa vấn đề tận thế chỉ là viễn tưởng của các nhà làm phim thôi.

Vấn: Sao nghe nói họ đọc trong kinh gì đó có nói vậy?

Đáp: Bạn cho mình hỏi nè. Trong đạo thiên chúa có nói về ngày tận thế, hay ngày chúa phán xét không?

Vấn:

Đáp: Nếu vậy, từ xưa tới giờ có bao nhiêu người trong nhà thờ đã dự đoán đúng ý chúa rồi. Theo tôi biết thì có nhiều người tu trong nhà thờ, rất được lòng mọi người, rồi đưa ra kết quả dự đoán năm nào, ngày nào sẽ tận thế. Kết quả trãi qua mấy trăm năm mà những người dự báo đó chết hết rồi, mà có thấy tận thế gì đâu. Theo bạn nghĩ là chúa nói sai hay tại người dự đoán sai?

Vấn: Tất nhiên là những người dự đoán sai.

Đáp: Cũng vậy. Một vài người đọc kinh Phật rồi dựa vào đó dự đoán ngày tận thế. Mà tôi cũng không tin Phật nói có ngày tận thế nhân loại chết chung nhau như trong phim làm đâu. Theo tôi nghĩ thì tận thế là tận cái đời của mình nè, nếu mình không lo tu tâm dưỡng tánh, không lo làm lành lánh giữ mà lo chạy theo tham dục, để nó lôi cuốn rồi trầm luân trong biển khổ thì cái đời mình nó tận đấy. Chứ cứ ngồi đó mà canh để chết chung, rồi hồi hợp không lo tu tập, không lo làm ăn thì phí công vô ích lắm. Có câu: ngày mai chẳng biết ra sao nữa. Mà có ra sao cũng chẳng sao. Đúng không? Vì mình có chuẩn bị rồi.

Vấn: Tôi cũng nghĩ vậy. Nên tôi không tin lắm. Với lại chúa chỉ nói ngày phán xét chứ có nói chính xác ngày nào đâu. Tại người ta suy diễn thôi. Chứ với tôi ngày nào cũng là ngày mà con người chịu đau khổ, đương đầu với biết bao thứ, làm sao để mình sớm về thiên đàng để không còn đau khổ nữa.

Đáp: Chính xác. Với lại mình là người trần thì làm sao hiểu được không gian và thời gian của thánh chứ. Tôi hỏi bạn nhe. Giờ này mấy giờ rồi?

Vấn: 12 giờ tối rồi.

Đáp: Chưa đúng lắm.

Vấn: Sao chưa đúng.

Đáp: vì giờ này bên tôi là 7 giờ tối, cách việt nam 5 tiếng. Cho nên câu hỏi của tôi hỏi mấy giờ rồi, bạn muốn trả lời đúng thì phải hỏi lại tôi là hỏi giờ bên việt nam hay hỏi giờ bên Pháp, thì lúc đó nó mới chính xác được. Như thế, bạn đã rõ rồi đấy, 12 giờ tối ở việt nam thì chỗ khác là 7 giờ sáng, hoặc 12 giờ trưa. Cùng là một quả đất mà các giờ chênh lệch nhau như thế. Nói chi thời gian của trời, Phật ngụ ý thì làm sao chúng sanh như mình suy đoán cho ra. Nên tốt nhất là đừng có bàn thiên cơ, lo mà tu đi cho nó chắc ăn.

Vấn: Ừ, bàn trật rồi không có thì mất uy tín hết. Rồi người ta quay ngược lại cười cái tôn giáo mình chứ có phải cười cái người bàn thiên cơ đâu.

Đáp: thì đấy. Tại những người bàn đều là những người có uy tín trong đạo, nên mới có nhiều người nghe theo. Khi tới ngày giờ đó mà không có gì xảy ra thì mọi người mất hết niềm tin, chẳng những thế người ta không tin vào cái đạo nữa là khác. Bởi vậy, bạn bè mà cứ hỏi có ngày đó xảy ra không là tôi vẫn bảo họ cứ chuẩn bị sống tốt đi để mà chết. Vì trước sau cũng chết, nên hãy chết trong sự chuẩn bị chứ lo gì không được chết.

Nói tóm lại một câu là chuyện của trời đất để trời đất lo, chuyện của mình là tìm cách thoát khỏi sanh tử luân hồi, chứ ngồi mà bàn luận suy tính như bọn mình đây biết khi nào tu cho xong. Thôi cố gắng lên nhé bạn, “Ngày đêm hãy tự mình suy gẫm, Ngăn gió trần để lặng sóng tâm” nha.

Chắc bên bạn cũng khuya lắm rồi. Hẹn dịp khác trao đổi tiếp.

Vấn: Ok. Gặp lại sau.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

4.67

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập