Mong rằng những ai liên đới đã vô tình hoặc cố ý làm nên "hiện tượng nhân tài" Phước Nguyên hãy lên tiếng

Đã đọc: 3165           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trên thực tế, ai và cơ quan nào là người và đơn vị đầu tiên phát hiện và quảng bá Phước Nguyên cho quần chúng Việt Nam? Đọc nội dung 3 bài viết trên Giác Ngộ online, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng Ng.Huân và Hải Hạnh muốn quy đổ trách nhiệm đó cho TT. Nhật Từ?! Sự thật, TT. Nhật Từ có phải là người đầu tiên quảng bá Phước Nguyên không?

MONG RẰNG NHỮNG AI LIÊN ĐỚI ĐÃ VÔ TÌNH HOẶC CỐ Ý

LÀM NÊN “HIỆN TƯỢNG NHÂN TÀI” PHƯỚC NGUYÊN HÃY LÊN TIẾNG[1]

Tâm Đại Dương

 1. HAI NÚT THẮC QUAN TRỌNG CỦA VẤN ĐỀ

Là độc giả lâu năm của Báo Giác Ngộ và Nguyệt san Giác Ngộ, cơ quan ngôn luận của GHPGVN TP.HCM, tôi đã theo dõi 3 bài viết của Ng.Huân và Hải Hạnh trên Giác Ngộ online ra từ ngày 07/3 đến 13/3/2020. Tôi cũng là độc giả thường xuyên của trang web Đạo Phật Ngày Nay và Thư viện Hoa Sen. Đọc kỹ nội dung 3 bài báo về Phước Nguyên trên Giác Ngộ online và bài tự sự của TT. Nhật Từ trên 2 trang web nêu trên, tôi có 2 thắc mắc mà theo tôi đó mới chính là 2 nút thắc của vấn đề về Phước Nguyên và những người “liên đới”.

Vấn đề thứ nhất, tại sao 3 bài viết này không ra đời trong đầu tháng 8-2019 khi TT. Tâm Hải, Phó tổng biên tập – Thư ký tòa soạn Báo và Nguyệt san Giác Ngộ, cung cấp thông tin cho TT. Nhật Từ về Phước Nguyên, theo đó, TT. Nhật Từ ngay lập tức đến gặp TT. Hạnh Viên, “đệ tử và người đang quản lý tùng thư Hương Tích, đảm trách việc ấn hành sách nghiên cứu của Hòa thượng Tuệ Sỹ, người trực tiếp liên quan đến Nguyễn Thành Long”[2] để xác thực thông tin? Thể hiện trách nhiệm của mình với thông tin về Phước Nguyên nêu trên, TT. Nhật Từ đã quyết định “không tiếp tục mời” Phước Nguyên làm trợ giảng, cũng như “không tiếp tục bảo trợ ấn tống” sách của Phước Nguyên, mặc dù vào thời điểm tháng 8-2019, tính thực hư của nghi vấn đạo văn của Phước Nguyên chưa được chứng minh như trong ngày 14/3/2020! Điều đáng khen là những ngày sau đó, TT. Nhật Từ “đã chủ động trình báo và sám hối Hội đồng Điều hành về việc bất cẩn trong việc đề xuất đặc cách cho Phước Nguyên trợ giảng tại Học viện” cũng như vào ngày 20/8/2019, TT. Nhật Từ cũng đã “đã nhận lỗi về sự sơ suất trong trách nhiệm với NXB Hồng Đức và HT. Thích Giác Toàn” về việc ấn tống sách của Phước Nguyên dưới danh nghĩa Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.[3]

Hãy đọc lại chia sẻ của TT. Nhật Từ trong lời tự sự: “trong ngày hôm đó, tôi có nói với TT. Hạnh Viên và vài lần nói với TT. Tâm Hải rằng nếu có bằng chứng về việc đạo văn, tôi chính là người đầu tiên yêu cầu Phước Nguyên công khai xin lỗi.”[4] Cuối đêm 14/3/2020, khi bài báo thứ 3 của báo Giác Ngộ đăng cho thấy khoảng 4 trang Phước Nguyên đã đạo văn của GS. Lê Mạnh Thát thì TT. Nhật Từ đã yêu cầu Phước Nguyên có “Thư xin lỗi”[5] chính thức và đã gửi cho TT. Tâm Hải cùng đêm nhận được. Điều này cho thấy TT. Nhật Từ đã làm rất nghiêm túc.

Tôi cho rằng tháng 8-2019 là thời điểm thích hợp nhất để cho ra đời 3 bài viết trên báo Giác Ngộ online, chứ không phải thời điểm 07-14/3/2020. Người không hoài nghi như tôi mà vẫn thắc mắc rằng tại sao 3 bài báo này được ra đời trong giai đoạn TT. Nhật Từ vừa được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng thường trực Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM mà chưa chính thức làm việc tại Học viện, do nghỉ tết âm lịch và dời ngày tựu trường bởi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp? Tôi cho rằng việc trả lời thấu đáo câu hỏi này sẽ giúp chúng ta xác định được mục đích của 3 bài viết đăng trên Giác Ngộ online trong thời điểm rất nhạy cảm này. 

Vấn đề thư hai là TT. Nhật Từ hay Ban thư ký báo Giác Ngộ và Nguyệt san Giác Ngộ là người đầu tiên lăng xê Phước Nguyên trên diễn đàn học thuật Phật giáo? Theo 3 bài báo nêu trên thì TT. Nhật Từ là người bị báo Giác Ngộ online buộc phải có trách nhiệm “lên tiếng” vì đã “liên đới đã vô tình hoặc cố ý làm nên “hiện tượng nhân tài” Phước Nguyên”[6]. Để trả lời câu hỏi thứ hai này, tôi kính mời Ban thư ký Báo Giác Ngộ và Nguyệt san Giác Ngộ cùng quý bạn đọc hãy cùng suy ngẫm thời điểm các bài nghiên cứu và sách của Phước Nguyên được in chính thức trong Nguyệt san Giác Ngộ và trên Thư viện Hoa Sen từ năm 2016 đến nay.

 

2. BAN THƯ KÝ BÁO GIÁC NGỘ HAY TT. NHẬT TỪ LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN QUẢNG BÁ PHƯỚC NGUYÊN TRÊN DIỄN ĐÀN HỌC THUẬT PHẬT GIÁO?

Trong bài “Phước Nguyên đã “chun qua lỗ khóa”, đạo văn ra sao?”, tác giả Hải Hạnh đã tha thiết yêu cầu những người có “liên đới đã vô tình hoặc cố ý làm nên “hiện tượng nhân tài” Phước Nguyên hãy lên tiếng”[7] và hùng hồn phán quyết như đinh đống cột rằng nếu người “liên đới” không lên tiếng sẽ bị xem là người “biểu hiện hay ngấm ngầm dung dưỡng” Phước Nguyên “tiếp tục làm những điều bất thiện, di hại về sau”[8]. Nguyên văn của Hải Hạnh trong bài viết trên báo Giác Ngộ như sau:

“Mong rằng những ai liên đới đã vô tình hoặc cố ý làm nên “hiện tượng nhân tài” Phước Nguyên hãy lên tiếng. Nếu không có thể xem như một sự tiếp tục biểu hiện hay ngấm ngầm dung dưỡng cho kẻ mà với những gì có được, cộng thêm sự lanh lẹ biến hóa theo hoạt cảnh, tiếp tục làm những điều bất thiện, di hại về sau.”[9]

Không quá khó để quý độc giả nhận ra rằng dụng ý của tác giả Ng.Huân trong bài “Học viện PGVN tại TP.HCM nhận định về Phước Nguyên”[10] và tác giả Hải Hạnh qua bài “Tác giả Phước Nguyên có đạo văn hay không?”[11] muốn “ám chỉ”, và nói chính xác hơn, muốn “khẳng định” không ai khác hơn là TT. Nhật Từ, người đã nâng đỡ Phước Nguyên cho làm trợ giảng môn “Thành duy thức luận” và ấn tống quyển “A-tì-đạt-ma pháp uẩn túc luận” do Phước Nguyên dịch và chú thích vào thời điểm 2018-2019.

Trên thực tế, ai và cơ quan nào là người và đơn vị đầu tiên phát hiện và quảng bá Phước Nguyên cho quần chúng Việt Nam? Đọc nội dung 3 bài viết trên Giác Ngộ online, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng Ng.Huân và Hải Hạnh muốn quy đổ trách nhiệm đó cho TT. Nhật Từ?! Sự thật, TT. Nhật Từ có phải là người đầu tiên quảng bá Phước Nguyên không?

Là một độc giả lâu năm của Báo Giác Ngộ và Nguyệt san Giác Ngộ, trong nhà tôi có phần lớn các báo và Nguyệt san Giác Ngộ. Chỉ khi nào tôi đi làm việc ở tỉnh xa thì tôi mới không mua báo và Nguyệt san Giác Ngộ. Ít nhất, hiện tại trong nhà tôi có 05 số Nguyệt san Giác Ngộ, vốn là phụ trương của báo Giác Ngộ, cho thấy Ban biên tập báo Giác Ngộ nói chung và Ban thư ký Nguyệt san Giác Ngộ nói riêng mới là “những người cũng như cơ quan ngôn luận chính thức” của GHPGVN TP.HCM đã chẳng những “liên đới đã vô tình hoặc cố ý làm nên “hiện tượng nhân tài” Phước Nguyên” mà còn là nơi đầu tiên “công bố” việc đó, tức là “quảng bá” Phước Nguyên cho cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước và nước ngoài, qua Nguyệt san Giác Ngộ, ấn bản sách in và ấn bản online.[12]

Điều làm cho tôi rất ngạc nhiên đến khó hiểu là tại sao chính Ban biên tập báo Giác Ngộ nói chung và Ban thư ký Nguyệt san Giác Ngộ nói chung đến nay chưa từng lên tiếng về việc mà họ đã “lăng xê” Phước Nguyên, đang khi, chính báo Giác Ngộ trong ngày 13-3-2020 lại đặt vấn đề “trách nhiệm” và vội quy kết rằng những người liên đới trách nhiệm mà không lên tiếng là những người “tiếp tục biểu hiện hay ngấm ngầm dung dưỡng cho” Phước Nguyên? Chẳng lẽ Ban thư ký báo Giác Ngộ duyệt và chọn đăng 3 bài về Phước Nguyên trên Giác Ngộ online mà lại không đọc câu kỹ câu này do họ duyệt, hay Ban thư ký báo Giác Ngộ cố tình quên hẳn câu này nhỉ? Khó hiểu quá! Vậy ẩn ý đằng sau câu chuyện trốn trách nhiệm trả lời với dư luận mà Ban thư ký báo Giác Ngộ muốn nhắm đến là gì?

Về việc thể hiện trách nhiệm “trả lời” theo yêu cầu của báo Giác Ngộ, cho đến thời điểm hiện nay (ngày 16/3/2020), chỉ có TT. Nhật Từ là “người duy nhất” lên tiếng qua bài tự sự “Về việc tôi giúp đỡ Thích Phước Nguyên làm trợ giảng và in sách” đăng trên trang facebook Thích Nhật Từ[13] vào cuối đêm 14/3/2020 và trên trang web như Đạo Phật Ngày Nay[14] và Thư viện Hoa Sen.[15] Đang khi, báo Giác Ngộ nói chung và Nguyệt san Giác Ngộ nói riêng, cơ quan ngôn luận của GHPGVN TP.HCM vừa là cơ quan đưa ra yêu cầu đó một cách hùng hồn, cũng vừa là cơ quan “đầu tiên quảng bá” Phước Nguyên lại im lặng đến độ thiếu trách nhiệm một cách đáng ngờ?

Tôi tin rằng Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ đệ nhất của GHPGVN, kiêm Tổng biên tập báo Giác Ngộ và Nguyệt san Giác Ngộ và Hoà thượng Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, kiêm Phó Tổng biên tập, không có chủ trương mâu thuẫn theo kiểu “tự ngữ tương vi” như thế. Đây rất có thể là sự tắc trách của Ban thư ký báo Giác Ngộ, cụ thể TT. Thích Tâm Hải, thư ký và Đại đức Thích Chúc Phú, Phó thư ký báo Giác Ngộ.

Để nghiêm túc thực hiện điều mà báo Giác Ngộ đã đặt ra: “Mong rằng những ai liên đới đã vô tình hoặc cố ý làm nên “hiện tượng nhân tài” Phước Nguyên hãy lên tiếng”, tôi tha thiết kiến nghị Ban thư ký báo Giác Ngộ hãy sớm trả lời với quý độc giả các câu hỏi sau đây:

(i) Nguyệt san Giác Ngộ có phải là cơ quan đầu tiên đăng các bài nghiên cứu của Phước Nguyên từ tháng 3-2016 hay không? Phước Nguyên trên Nguyệt san Giác Ngộ là Nguyễn Thành Long mà 3 bài viết của báo Giác Ngộ đã đề cập đến từ ngày 07-14/3/2020 hay một người trùng tên?[16]

(ii) Nếu Phước Nguyên trên Nguyệt san Giác Ngộ là người được 3 bài viết của báo Giác Ngộ chứng minh là kẻ đạo văn của GS. Lê Mạnh Thát thì tạo sao báo Giác Ngộ lại trốn trách trách nhiệm trả lời công khai như cách TT. Nhật Từ đã công khai trước dư luận. Đang khi yêu cầu thể hiện trách nhiệm lên tiếng về Phước Nguyên là do báo Giác Ngộ đặt ra! Chẳng lẽ Ban thư ký báo Giác Ngộ cho phép mình được cái quyền đứng lên trên điều mà mình đề nghị “Mong rằng những ai liên đới đã vô tình hoặc cố ý làm nên “hiện tượng nhân tài” Phước Nguyên hãy lên tiếng” ? Hãy cho biết các bài viết của Phước Nguyên đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ có đạo văn hay là nghiên cứu của Phước Nguyên?

(iii) Về phương diện trao đổi học thuật và nghi vấn đạo văn, tại sao Ng.Huân và Hải Hạnh đã thể hiện quan điểm và chứng minh Phước Nguyên đạo văn 4 trang của GS. Lê Mạnh Thát, đăng trên Giác Ngộ online, nhưng khi Phước Nguyên gửi Thư xin lỗi, nhờ TT. Nhật Từ chuyển đến Báo Giác Ngộ cùng đêm 14/3/2020 mà báo Giác Ngộ vì lý do gì lại không đăng? Đây là sự thiếu công bằng về học thuật. Trong trao đổi học thuật (academic communication), điều tối kỵ là đăng tin một chiều, mà không cho phép “bị can” được quyền lên tiếng?!

(iv) Khi phỏng vấn TT. Nhật Từ và TT. Giác Hoàng thì tôi được hai vị trả lời rằng hai Thượng tọa không biết Ng.Huân đăng bài trên Giác Ngộ online ngày 07/3/2020 là ai. Chỉ có TT. Tâm Hải chính là người trực tiếp phỏng vấn hai vị Thượng tọa về nghi vấn đạo văn của Phước Nguyên thôi. Theo thông tin này, TT. Tâm Hải, Phó tổng biên tập – Thư ký báo Giác Ngộ và Nguyệt san Giác Ngộ, có khả năng rất cao, chính là Ng.Huân và cũng có thể là người chủ trương đăng 3 bài viết trên Giác Ngộ online từ ngày 07-14/3/2020, chứ không phải Hòa thượng Tổng biên tập Thích Trí Quảng và Phó Tổng biên tập Thích Giác Toàn.

Điều này cho thấy TT. Tâm Hải và Đại đức Chúc Phú biết rõ các bài nghiên cứu của Phước Nguyên đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ từ tháng 3-2016, đang khi theo TT. Nhật Từ, do dựa vào các công bố học thuật của Phước Nguyên trên Nguyệt san Giác Ngộ năm 2016 và các xuất bản về sách học thuật khác của Phước Nguyên từ năm 2016 để đề xuất Hội đồng Điều hành Học viện đặc cách cho Phước Nguyên làm trợ giảng vào khoảng quý 2 của năm 2019. Khoảng thời gian Nguyệt san Giác Ngộ quảng bá Phước Nguyên hơn 3 năm so với TT. Nhật Từ giới thiệu Phước Nguyên với Học viện là điều mà chúng ta nên xem xét về việc ai và cơ quan nào đầu tiên giới thiệu Phước Nguyên với công chúng?

Với những điều trình bày trên, với tư cách là độc giả lâu năm, tôi kính kiến nghị Ban biên tập Báo Giác Ngộ và Nguyệt san Giác Ngộ hãy chính thức thể hiện trách nhiệm “liên đới” trong việc lên tiếng về những điều tôi nêu ra trong bài này.

Tôi xin trích nguyên văn của Hải Hạnh trên báo Giác Ngộ online ngày 14/3/2020 để thay lời kết luận cho bài viết này: “Mong rằng những ai liên đới đã vô tình hoặc cố ý làm nên “hiện tượng nhân tài” Phước Nguyên hãy lên tiếng. Nếu không có thể xem như một sự tiếp tục biểu hiện hay ngấm ngầm dung dưỡng cho kẻ mà với những gì có được, cộng thêm sự lanh lẹ biến hóa theo hoạt cảnh, tiếp tục làm những điều bất thiện, di hại về sau.”[17]

T.Đ.D

Hóc Môn, ngày 16/3/2020

 



[1] Mượn câu văn của Hải Hạnh trong bài viết: “Phước Nguyên đã “chun qua lỗ khóa”, đạo văn ra sao?” trên Giác Ngộ online ngày 13/3/2020:  https://giacngo.vn/sukien/diendanxaydung/2020/03/14/36C2D3/

[2] https://giacngo.vn/sukien/diendanxaydung/2020/03/07/16D2DA/

[3] Như facebook Thích Nhật Từ và 2 trang web đã dẫn trên.

[4] Trên facebook Thích Nhật Từ cuối đêm 14/3/2020: https://www.facebook.com/266805340010104/posts/3113050622052214/?d=n và trên Thư viện Hoa Sen: https://thuvienhoasen.org/a33589/ve-viec-toi-giup-do-thich-phuoc-nguyen-lam-tro-giang-va-in-sach cũng như trên web Đạo Phật Ngày Nay: http://www.daophatngaynay.com/vn/dien-dan/doi-thoai/29503-ve-viec-toi-giup-do-phuoc-nguyen-lam-tro-giang-va-in-sach.html

[5] Đăng trên Facebook của Phước Nguyên: https://www.facebook.com/116312539320281/posts/341163750168491/?d=n . Không biết vì lý do gì, sau khi nhận được sự chuyển Thư xin lỗi, Ban thư ký báo Giác Ngộ vẫn không đăng Thư xin lỗi của Phước Nguyên trên Facebook và trang web của báo Giác Ngộ. Đây là điều vốn trái với nguyên tắc trao đổi học thuật nghiêm túc.

[6] https://giacngo.vn/sukien/diendanxaydung/2020/03/14/36C2D3/

[7] Bài báo Giác Ngộ đã dẫn trên.

[8] Các cụm từ trong dấu ngoặc kép là nguyên văn của báo Giác Ngộ: https://giacngo.vn/sukien/diendanxaydung/2020/03/14/36C2D3/

[9] Trích nguyên văn bài báo thứ 3 trên báo Giác Ngộ nêu trên.

[10] https://giacngo.vn/sukien/diendanxaydung/2020/03/07/16D2DA/

[11] https://giacngo.vn/sukien/diendanxaydung/2020/03/13/32C2D2/

[12] Hãy xem các bài tiêu biểu sau đây. Nguyệt san Giác Ngộ số 240, tháng 3-2016: Danh hiệu Avalokiteśvara trong Tịnh Độ giáo (từ trang 10): https://giacngo.vn/nguyetsan/2018/01/04/57E4DA/

Nguyệt san Giác Ngộ số 258, tháng 9-2017: Tổng quan năm Thủ uẩn (từ trang 11): https://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2017/09/13/7F40CA/

Nguyệt san số 261, tháng 12-2017: Dẫn luận ngôn ngữ Phật giáo (từ trang 5): https://giacngo.vn/bandoctoasoan/bandoc/2017/11/22/72E6DB/

Nguyệt san Giác Ngộ xuân Mậu Tuất, số 262, tháng 1-2018: Truyền thuyết Đức Phật Di Lặc (từ trang 6): https://giacngo.vn/bandoctoasoan/bandoc/2018/01/16/5660D9/

Nguyệt san Giác Ngộ số 264, tháng 3-2018: Tổng luận bốn thần túc (từ trang 5): https://giacngo.vn/bandoctoasoan/2018/03/23/76E092/…

Nguyệt san Giác Ngộ 265, tháng 4-2018: Tổng luận ý nghĩa 4 sinh đạo (từ trang 10): https://giacngo.vn/bandoctoasoan/bandoc/2018/04/15/5A76D1/

[13] https://www.facebook.com/266805340010104/posts/3113050622052214/?d=n

[14] http://www.daophatngaynay.com/vn/dien-dan/doi-thoai/29503-ve-viec-toi-giup-do-phuoc-nguyen-lam-tro-giang-va-in-sach.html

[15] https://thuvienhoasen.org/a33589/ve-viec-toi-giup-do-thich-phuoc-nguyen-lam-tro-giang-va-in-sach

[16] Nghi vấn này được phật tử Nguyễn Thị Đuốc nêu ra trên facebook Đạo Phật Ngày nay ngày 15/3/2020: https://www.facebook.com/809009335856508/posts/2801850163239072/?d=n

[17] Trích nguyên văn bài báo thứ 3 trên báo Giác Ngộ nêu trên.











Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Previous
Next

Đăng nhập