Về "cô gái bỗng hóa bà già": Phục hồi rất khó, phẫu thuật thẩm mỹ không có tác dụng

Đã đọc: 5331           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Trường hợp bệnh nhân “già hóa” ở Giồng Trôm - Bến tre là một bệnh đặc biệt hiếm gặp, kể cả trên thế giới và Việt Nam. Riêng ở Việt Nam chúng tôi chưa từng gặp bệnh này mà chỉ được biết tới nhóm bệnh qua y văn. Do đó, những kinh nghiệm về chẩn đoán bệnh, tìm ra nguyên nhân cũng như điều trị căn bệnh này hầu như là rất ít. Việc phỏng đoán nguyên nhân gây bệnh phải hết sức thận trọng, không nên kết luận điều gì quá vội vàng sẽ gây hoang mang trong dư luận. Cần đặt ra nhiều giả thiết khác nhau rồi loại dần các yếu tố “gây nhiễu” cho chẩn đoán. Tìm ra hướng đi đúng cho căn bệnh của bệnh nhân là hết sức cần thiết nhưng cũng rất khó, bởi theo thông tin trên báo chí thì bệnh nhân có quá trình phát triển bình thường từ nhỏ và chỉ mắc bệnh sau khi bị dị ứng và dùng rất nhiều loại thuốc.

Sau khi liên lạc với chị Nguyễn Thị Phượng qua điện thoại, phóng viên biết được hiện tại chị vẫn chưa quyết định chính xác sẽ lên TP.HCM chữa bệnh vào ngày nào. Ngay bản thân chị Phượng cũng còn đang đắn đo, lựa chọn bệnh viện để được điều trị một cách tốt và hiệu quả nhất.

Chưa đưa ra con số cụ thể về chi phí cho việc điều trị bệnh của chị Phượng, nhưng theo bác sĩ Hoàng Văn Minh, Trưởng khoa Da Liễu - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, sẽ phải tốn rất nhiều tiền bạc và bệnh nhân cũng như bác sĩ cần kiên trì trong một thời gian dài.

Bác sỹ Hoàng Văn Minh là người đã trực tiếp xuống Bến Tre khám cho nữ bệnh nhân trên.

Cô gái 26 tuổi không phải bị lão hóa do uống thuốc dị ứng mà có tiền căn bị bệnh vón tế bào trước đó, bác sỹ Minh khẳng định với PV sáng 6/10.

Ngay chính bản thân bác sĩ Minh trong suốt mấy chục năm công tác cũng chỉ mới gặp phải một trường hợp như vậy nhưng đã cách đây tới 8 năm.

Bệnh nhân đó cũng bị bệnh vón tế bào nhưng ở thể ác tính và đã tử vong ngay khi ấy.

Bác sĩ Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Khám da liễu, Bệnh viện Đại học Y dược (TP. Hồ Chí Minh) khám cho chị Phượng (26 tuổi).  Ảnh: Viễn Sự

Theo thông tin mới nhất từ bác sĩ Minh, chị Phượng sẽ chính thức được ông điều trị trực tiếp tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Ngay khi chị nhập viện, bác sĩ Minh dự tính sẽ cho làm các cận lâm sàng, giải phẫu bệnh để tìm rõ nguyên nhân gây bệnh.

Tiên lượng về khả năng phục hồi của bệnh nhân, bác sĩ Minh nói: “Sau khi điều trị nội khoa mặt của bệnh nhân sẽ được cải thiện sưng phù. Những phần cơ, da nhăn nheo trên cơ thể người bệnh sẽ được dùng laser trị liệu, nhưng hồi phục rất khó. Đối với trường hợp này, phẫu thuật thẩm mỹ không có tác dụng”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc dùng thuốc dị ứng của chị Phượng trước đó có phải là nhân tố gây bệnh không, bác sĩ Minh trả lời: “Thuốc có chứa corticoide có thể gây ra tác dụng phụ như rạn da mà thôi, chứ không phải là nguyên nhân khiến chị Phượng trở nên như vậy”.

Như báo chí đã thông tin về chị Nguyễn Thị Phượng, 26 tuổi, ngụ tại thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), cách đây 4 năm đang là một cô gái trẻ đẹp bỗng dưng mắc bệnh lạ khiến bề ngoài trông như một bà lão.

Theo chị Phượng, chị bắt đầu xuất hiện triệu chứng nói trên kể từ sau khi mua thuốc điều trị bệnh dị ứng về dùng.

Tuy nhiên, cách đây vài ngày, sau khi tận mắt thăm khám, bác sĩ Minh cho rằng chị Phượng mắc phải một căn bệnh xưa nay hiếm.

Được biết, bệnh vón tế bào là bệnh vô cùng hiếm gặp, nếu mắc thì cũng thường thấy ở trẻ em nhiều hơn. Tế bào vón có hai dạng bệnh là đơn thuần và dạng bệnh hệ thống. Nếu là dạng hệ thống thì bệnh thường là ác tính, có thể làm ảnh hưởng đến tủy xương gây tử vong.

Dấu hiệu của bệnh tế bào vón thể hiện qua những vùng mặc đồ chật da vẫn còn bị nổi đỏ, một số nơi trên da vẫn còn những nốt sẩn phù. Bệnh gây ra các vùng thâm nhiễm dưới da…

Chị Phượng bị bệnh tế bào vón nhưng ở thể đơn thuần nên tiên lượng tốt và khả quan hơn.

Theo Thanh Huyền - VNN

___________________________________________________

Tin liên quan:

Về "cô gái bỗng hóa bà già" đặc biệt ở Bến Tre: Cần phải nghiên cứu một cách khoa học, đúng quy trình mới có thể có kết quả chính xác

LTS: Gần đây, thông tin đại chúng đưa tin về một phụ nữ tại Giồng Trôm (Bến Tre) mắc phải căn “bệnh lạ”. Đó là cô gái 26 tuổi sau 5 năm điều trị bệnh dị ứng bỗng già đi như một bà lão 70. Những ý kiến bàn luận xung quanh hiện tượng này khá ồn ào. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ phỏng đoán vì người bệnh chưa được thăm khám đúng bài bản, hơn nữa việc xác định nguyên nhân gây hiện tượng “già hóa” đặc biệt này đòi hỏi phải được nghiên cứu một cách khoa học, đúng quy trình mới có thể có kết quả chính xác. Dù vậy, qua những ý kiến này, có thể thấy một thông điệp cảnh báo sớm từ các chuyên gia về việc dùng thuốc không an toàn của người dân.

Corticoid có gây lão hóa?

Về trường hợp cô gái bị “già hóa” ở Giồng Trôm (Bến Tre) cũng có nhiều ý kiến chuyên môn phỏng đoán. Một số chuyên gia ngành y cho rằng đây không phải là rối loạn “lão hóa sớm” (geromorpism) vì chỉ có da mặt và da bàn tay của người bệnh là nhăn nheo như bà già, còn các bộ phận, cơ quan khác thì bình thường. Như da cánh tay không nhăn, giọng nói trong trẻo, tóc đen, không suy giảm trí nhớ, dáng đi thẳng nhanh nhẹn như cô gái trẻ. Nhiều bác sĩ, trong đó có bác sĩ chuyên khoa da liễu, ngờ rằng bệnh nhân đã bị ngộ độc thuốc. Theo lời kể của bệnh nhân, vào năm 2008, sau một lần ăn hải sản, bệnh nhân bị dị ứng, nổi mẩn trên mặt và ngứa dữ dội, khi đó đã ra nhà thuốc mua thuốc tây uống nhưng không khỏi. Sau đó đi bác sĩ chữa trị vẫn không cải thiện, mặt vẫn sưng, sần sùi và ngứa. Bệnh nhân chuyển sang khám Đông y, uống nhiều loại thuốc Nam, thuốc Bắc. Nhưng uống bao nhiêu thuốc, gặp bao nhiều thầy, bệnh không thuyên giảm, mặt vẫn sưng và sau đó bị già đi rất lạ. Với diễn tiến dùng thuốc như vậy, thuốc bị nghi ngờ nhiều nhất là glucocorticoid (thường gọi tắt là corticoid). Bởi vì, trong Tây y, corticoid dùng hiệu quả trị rối loạn dị ứng. Đặt biệt, trong tình hình quản lý thuốc Đông y còn lỏng lẻo như hiện nay, đông dược giả mạo trộn corticoid bán trôi nổi gần như khắp nơi ở các vùng nông thôn. Theo lời kể của bệnh nhân, sau nhiều tháng trời dùng thuốc Đông y, mặt có giảm sưng và người thì mập thêm (đây có thể là tác dụng của corticoid), hiện nay người bệnh bị đau dạ dày (đây cũng có thể là một tác dụng phụ nữa của corticoid). Hai sự kiện vừa kể cho thấy rất có thể trong thời gian dài bệnh nhân đã dùng corticoid (?). Xin có đôi điều nói về tác dụng và tác hại của corticoid dùng trong (tức uống) và dùng ngoài (tức bôi ngoài da) nghi ngờ gây rối loạn cho cô gái bị “già sớm” như sau:

Thuốc corticoid gồm nhiều loại: dexamethason (thường gọi nôm na là “đề xa” hay thuốc “hột dưa”), prednison, prednisolon… Về phương diện chữa bệnh, corticoid là thuốc hữu hiệu dùng để chống viêm, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, các bệnh dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận. Do thuốc corticoid có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ lại ở trên mặt, cổ và lưng, nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ béo phì, mặt tròn như mặt trăng, nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ (đây là các biểu hiện trong hội chứng có tên là Cushing). Song song với tác dụng phụ nguy hiểm khác như làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây đau và loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng (dễ bị lao, nếu đã bị lao sẽ làm bệnh nặng thêm).

Hiện nay, không ít thuốc Đông y “giả mạo” đã trộn thuốc corticoid. Nhiều người từng biết và có khi sử dụng nhầm, có thuốc được quảng cáo chủ yếu: “Mát huyết, trị bệnh gan gây ngứa, trị gầy yếu, thiếu máu, biếng ăn, mất ngủ...”. Trên thực tế, các thuốc Đông y “giả mạo” này đều có chứa corticoid, để tạo những tác dụng trước mắt: ăn được, ngủ được, mập ra, nếu có đau nhức xương khớp sẽ giảm ngay, hoặc nổi mề đay mẩn ngứa cũng sẽ hết (do tác dụng giảm đau chống viêm, chống dị ứng của corticoid) khiến nhiều người cho là “thần dược”, nhưng tác hại do việc dùng lâu ngày các loại Đông dược “giả mạo” này không sao lường được.

Có điều rất đáng lo ngại là từ lâu và hiện nay có tình trạng dùng nhầm dược phẩm bôi ngoài da chứa corticoid như kem trị mụn. Các thuốc bôi ngoài da như cortibion, halog, synalar, flucinar, topsyne, topgel, diprisone… đã được dùng nhầm và đã gây tai biến có khi rất trầm trọng.

Nhiều người dùng nhầm do thuốc cho tác dụng tức thời mà nhiều người rất thích như làm trắng da, mịn da, da láng hơn, viêm nhiễm của mụn giảm đi, hoặc bị ngứa do dị ứng sẽ giảm ngứa nhờ tác dụng chống viêm, chống dị ứng của corticoid nhưng dùng lâu dài thì sẽ bị biến chứng rất tệ hại như bị: mụn đỏ, mụn liti, teo da, rạn da, tăng tiết bã nhờn, giãn mạch máu, làm hư hết da mặt…

Đối với cô gái “già rất sớm trước tuổi”, không rõ cô có dùng thuốc bôi lên da mặt để trị ngứa, nổi mẩn, sưng do dị ứng hay không. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có tài liệu y học nào ghi nhận corticoid bôi ngoài da lại gây lão hóa già sớm như vậy. Cho nên, chỉ có thể nghi ngờ do uống thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài gây ra biến đổi dị thường như thế. Uống corticoid lâu dài có thể gây hội chứng Cushing, mà một biểu hiện của hội chứng này là “mặt trăng rằm”. Tức bệnh nhân có khuôn mặt sưng phù mọng nước trông như trăng rằm cộng với da mặt đã sần sùi do dị ứng làm dãn da mặt đến độ khi không dùng corticoid nữa, mặt hết mọng nước sẽ gây da nhăn nheo trông như bà già.

Những điều vừa trình bày ở trên chỉ là phỏng đoán. Bởi vì cũng có thể do nguyên nhân  khác, do biến đổi gen, do bệnh lý nào khác (có bác sĩ chuyên khoa da liễu nghi ngờ bệnh nhân đã bị “bệnh tế bào vón” và corticoid gây triệu chứng kèm theo). Rõ ràng là phải chờ việc khám bệnh kỹ càng, làm các xét nghiệm cần thiết dự báo là khó khăn phức tạp, thậm chí có khi phải có sự trợ giúp của giới chuyên môn của nước ngoài mới có câu trả lời chính xác về nguyên nhân làm cô gái trẻ biến thành bà già này.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP. HCM)

PGS.TS. Tạ Văn Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu các rối loạn chuyển hóa - đái tháo đường: Để chẩn đoán bệnh cần có sự kết hợp, đánh giá của nhiều chuyên ngành

Trường hợp bệnh nhân “già hóa” ở Giồng Trôm - Bến tre là một bệnh đặc biệt hiếm gặp, kể cả trên thế giới và Việt Nam. Riêng ở Việt Nam chúng tôi chưa từng gặp bệnh này mà chỉ được biết tới nhóm bệnh qua y văn. Do đó, những kinh nghiệm về chẩn đoán bệnh, tìm ra nguyên nhân cũng như điều trị căn bệnh này hầu như là rất ít. Việc phỏng đoán nguyên nhân gây bệnh phải hết sức thận trọng, không nên kết luận điều gì quá vội vàng sẽ gây hoang mang trong dư luận. Cần đặt ra nhiều giả thiết khác nhau rồi loại dần các yếu tố “gây nhiễu” cho chẩn đoán. Tìm ra hướng đi đúng cho căn bệnh của bệnh nhân là hết sức cần thiết nhưng cũng rất khó, bởi theo thông tin trên báo chí thì bệnh nhân có quá trình phát triển bình thường từ nhỏ và chỉ mắc bệnh sau khi bị dị ứng và dùng rất nhiều loại thuốc.

Do đó, để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh, không thể phỏng đoán mò mà cần phải thăm khám kỹ càng, thu thập các thông tin chi tiết, tỉ mỉ về quá trình bệnh lý của người bệnh. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này vì nếu không cẩn thận chúng ta sẽ bỏ sót những thông tin quý báu. Song song với việc tìm hiểu bệnh sử là khai thác tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình người bệnh. Cần khám xét kỹ về lâm sàng và làm các thăm dò cận lâm sàng để đánh giá chức năng các tuyến nội tiết, các bộ phận, các tạng của cơ thể và các thăm dò khác để xem chức năng của các bộ phận này có bị già hóa không, độ bao nhiêu tuổi… Vì vậy, theo tôi, để thăm khám và đánh giá được tình hình của người bệnh cần có sự hợp tác của các chuyên gia thuộc các chuyên ngành khác nhau – mà chủ trì nên là một chuyên gia nội khoa giàu kinh nghiệm và cũng nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế về lĩnh vực này.

TS. Trần Văn Khoa  - Chủ nhiệm khoa Sinh học và Di truyền y học (HVQY): Đây không thuộc bệnh lý già trước tuổi di truyền
Về hiện tượng già sớm của trường hợp chị Phượng: tôi cho rằng có thể là do hậu quả dùng thuốc corticoid không đúng chỉ định (những thuốc mà chị Phượng đã dùng - thuốc Tây y hoặc trong thành phần của thuốc Đông y). Trường hợp của chị Phượng, có thể là do tăng corticoid gây hội chứng Cushing lúc đầu, rồi sau đó lại là suy vỏ thượng thận khi ngừng thuốc đột ngột (nếu dùng đúng liều, giảm từ từ sẽ ít tác dụng phụ gây “già”). Điều mô tả cũng phù hợp vì chị chỉ biểu hiện “già” ở phần mặt và thân người, còn chân, tay thì bình thường.
Phân biệt với bệnh già di truyền trước tuổi trưởng thành, được gọi là hội chứng HGPS = Hutchinson- Gilford Progeria Syndrome đã được mô tả lần đầu tiên năm 1866. Biểu hiện của hội chứng HGPS là: trẻ khi mới sinh ra bình thường, nhưng sau một vài năm qua thời kỳ thơ ấu, 18-24 tháng tuổi xuất hiện biểu hiện chậm lớn, rụng tóc, hói, đầu to, mặt hàm nhỏ, da nhăn, xơ cứng, vữa xơ động mạch, thoái hóa cơ xương, cứng khớp... (biểu hiện già). Những biểu hiện già thấy ở toàn thân chứ không chỉ ở một phần cơ thể. Bệnh tiến triển nặng dần và bệnh nhân thường tử vong vào tuổi 15 do bệnh lý tim vì vữa xơ động mạch. Hội chứng HGPS rất hiếm gặp, với tỷ lệ 1: 8.000.000 trẻ đẻ ra còn sống. Năm 2003, các nhà khoa học đã phát hiện ra đột biến gen gây ra hội chứng già trước tuổi (HGPS). Đột biến thường gặp là đột biến thay thế nucleotide trên phân tử ADN thuộc gen LMNA dẫn đến thay đổi cấu trúc chuỗi polypeptide của protein Lamin A, một loại protein quan trọng tham gia cấu trúc màng nhân. Các nhà khoa học cũng đã sử dụng phương pháp miễn dịch huỳnh quang để phát hiện protein đột biến này trong tế bào da của các bệnh nhân. Để chẩn đoán HGPS, có thể căn cứ các triệu chứng lâm sàng đặc trưng, sinh thiết xét nghiệm da hoặc xét nghiệm gen. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu.

Như vậy, trường hợp của chị Phượng tôi cho rằng không thuộc bệnh lý già trước tuổi di truyền nêu trên và chị có thể được khám, xét nghiệm (nội tiết, điện tim, sinh thiết da... ), điều trị để cải thiện về thẩm mỹ còn về thể lực của chị có thể không bị ảnh hưởng gì đặc biệt.

PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng- Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội): Có thể corticoid chỉ là chất kích thích một bệnh sẵn có trong cơ thể Phượng phát triển

Thực tế trên lâm sàng, corticoid được sử dụng khá rộng rãi trong điều trị nhưng phải có sự chỉ định chặt chẽ và theo dõi sát sao của bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, với tác dụng chống viêm, giảm đau rất “thần kỳ” của loại thuốc này mà nó có thể bị chính người bệnh vô tình lạm dụng hoặc những thầy thuốc thiếu y đức cố tình lạm dụng như trộn corticoid vào thuốc đông dược, nam dược trong những gói thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần nhưng lại có tác dụng giảm các triệu chứng rất nhanh. Chính điều này đã gây nên hàng loạt các trường hợp phải gánh chịu hậu quả do lạm dụng corticoid khi sử dụng dài ngày theo đường uống hoặc tiêm. Tuy nhiên, các trường hợp lạm dụng corticoid đều có những biểu hiện toàn thân, việc chỉ có biểu hiện ở mặt như sự già đi nhanh chóng của Nguyễn Thị Phượng chúng tôi rất ít gặp và có thể nghĩ tới một bệnh lý khác, tiềm ẩn sẵn có trong cơ thể Phượng mà trước đây bản thân cô cũng không biết cho đến khi corticoid được đưa vào cơ thể và cortioid có thể coi như một chất kích thích cho căn bệnh đó phát triển. Nhưng để khẳng định được điều này cần có sự thăm khám trực tiếp một cách kỹ càng và có thể cần đến sự hội chẩn của nhiều chuyên khoa khác nhau.

Để có thông tin để phân tích thì bệnh nhân phải được khám lâm sàng toàn thân, làm các xét nghiệm cận lâm sàng như máu, nước tiểu, nội tiết (đặc biệt FSH, LH, E2), các xét nghiệm về miễn dịch, siêu âm (tử cung, buồng trứng), thậm chí cả Xquang xương khớp, CT, MRI, phải khai thác xem bệnh nhân đã dùng những thuốc gì, tình trạng này bắt đầu từ khi nào, bệnh nhân có tăng cân, có sốt khi mắc bệnh không, hiện nay bệnh nhân cảm thấy thế nào, có mệt mỏi không, có ngứa không, ăn uống thế nào... Nếu như các báo mô tả, thì cô gái này chỉ có bề ngoài già thôi (cụ thể là da). Như vậy sự già hóa của da được thể hiện chính là sự biến đổi cấu trúc các lớp của da bao gồm: lớp biểu bì, lớp chân bì và lớp hạ bì. Nếu như trong ảnh chụp thì chủ yếu là biến đổi lớp chân bì và hạ bị. Như vậy, nguyên nhân do đâu? Có thể đây là một ca bệnh đặc biệt của nhóm bệnh tự miễn với sự tổn thương và biến đổi nặng nề ở da (Ý kiến của một chuyên gia mô học và phôi thai học - Học viện Quân y).

Theo Sức khỏe và đời sống

______ Chân thành cám ơn BBT chùa Phúc Lâm gởi link này. ________

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập