Gánh nặng của quá khứ

Đã đọc: 4185           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Phật nói: Thiện Hiện! ác ma biến làm nhiều thứ hình tượng đến trước Bồ tát Ma ha tát này, phương tiện gạn rằng: Khốn thay, thiện nam tử! Ngươi tự biết chăng? Các Phật quá khứ đã từng trao ngươi ký Đại bồ đề. Ngươi đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề quyết định sẽ được, chẳng còn quay lại. Thân ngươi, cha mẹ, anh em, chị em, bạn thân, quyến thuộc cho đến bảy đời, danh tự sai khác, ta đều thạo biết; thân ngươi sanh tại phương đó, nước đó, thành đó, ấp đó, trong xóm làng đó; ngươi sanh trong tướng vương tại năm ấy, tháng ấy, ngày ấy, giờ ấy, đêm ấy. Quý thay, nam tử! Ngươi tự biết chăng? Quá khứ chư Phật đã từng trao ngươi ký Ðại bồ đề. Ngươi đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề quyết định sẽ được chẳng còn lui chuyển…( Bộ Đại Bát Nhã – tập 19, quyển 453, Hội thứ Hai, Phẩm Tăng Thượng Mạn)

I

Phật nói: Thiện Hiện! ác ma biến làm nhiều thứ hình tượng đến trước Bồ tát Ma ha tát này, phương tiện gạn rằng: Khốn thay, thiện nam tử! Ngươi tự biết chăng? Các Phật quá khứ đã từng trao ngươi ký Đại bồ đề. Ngươi đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề quyết định sẽ được, chẳng còn quay lại. Thân ngươi, cha mẹ, anh em, chị em, bạn thân, quyến thuộc cho đến bảy đời, danh tự sai khác, ta đều thạo biết; thân ngươi sanh tại phương đó, nước đó, thành đó, ấp đó, trong xóm làng đó; ngươi sanh trong tướng vương tại năm ấy, tháng ấy, ngày ấy, giờ ấy, đêm ấy. Quý thay, nam tử! Ngươi tự biết chăng? Quá khứ chư Phật đã từng trao ngươi ký Ðại bồ đề. Ngươi đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề quyết định sẽ được chẳng còn lui chuyển…( Bộ Đại Bát Nhã – tập 19, quyển 453, Hội thứ Hai, Phẩm Tăng Thượng Mạn)

Con người luôn luôn mang vác một gánh nặng của quá khứ, và cũng bị chính cái gánh nặng của quá khứ ấy điều kiện hoá các hành vi đáp ứng và ứng xử - đó là ma vương, ác ma cư trú trong tâm trí .

Gánh nặng ấy tích chứa toàn bộ diễn trình lịch sử bản thân, bao gồm cả gia đình, giai cấp, dân tộc, màu da, quốc gia, làng xã, ngôn ngữ….nghĩa là “tất tần tật” những gì thuộc bản thân và thuộc về không-thời-gian bối cảnh cho đến khi thành nhân chi mỹ – nghĩa là cái “tự ngã” đã tự khẳng định được mình một cách kiên cố theo dòng thời gian.

Quá khứ mà mỗi mỗi con người đã từng trãi nghiệm là những chuỗi nối tiếp nhau của những khoảnh khắc ký ức không thể nào quên, chúng tồn tại trong hệ dữ liệu tâm thức để hình thành nên một cái “ngã” độc nhất vô nhị , không ai giống ai, đó là “hình ảnh bản thân trong tâm trí, và cũng là “cái ngã cực kỳ vi tế”, luôn luôn tồn tại dai dẳng trong đáy sâu vô thức.

Theo chiều dài không-thời-gian mà lịch sử bản thân hình thành ấy, cái ngã biểu hiện qua những “ngã tướng”, về hình ảnh bản thân, biểu lộ qua những chuẩn mực thế gian như những tướng tốt và vẻ đẹp hình thể ; về giá trị bản thân, như là một vị học giả, trí giả, một tiến sĩ, một kỹ sư, một bậc chân tu, một bậc thánh, một bậc chứng đạo, một bô lão hay là một người có thành phần xuất thân danh giá , v…..v.

Tất cả những biểu hiện trên – tạo thành cái ngã thô phù và cái ngã vi tế –  kinh văn gọi chung là “mạn” , một trong những kiết sử sâu sắc và kiên cố nhất của con người . Vì thế, con người càng sống lâu , nếu không được tuệ giác soi sáng, thì cái ngã càng bành trướng quyết liệt và kiên cố vô cùng. Đó là cái biểu hiện đầu tiên của ác kiến, là “cái tôi” hợm hĩnh, mặc dù nó chỉ là một sự tự cảm nhận, nhưng nó lại bành trướng ra bên ngoài, nó đồng hoá với các sự vật bên ngoài như cơ nghiệp hay công việc đang làm, địa vị và sự công nhận của xã hội qua danh tiếng, kiến thức hay trình độ học vấn, dung mạo, hoặc tài năng đặc biệt nào đó, hoặc bằng các mối quan hệ hay lịch sử bản thân và gia tộc, kể cả các hệ thống tín niệm, và thông thường phải kể đến quan điểm chính trị, chủ nghĩa, quốc gia, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, và các dạng đồng hoá khác với tập thể đại đa số hoặc tập thể giai cấp . Mặc dù tất cả những thứ này đều hư vọng, vô thường, vô nghĩa và nhất là chúng không phải là "ta" . Nhưng khi tự đồng hoá là tự ngã, ta bị cưỡng bách phải sống một cuộc sống chỉ bằng sự vận hành của ký ức và dự tưởng, khác gì một kiếp sống trong mộng du ?

 

Do cái ngã này gắn liền với bối cảnh không-thời-gian mà lịch sử bản thân được hình thành và kiên định, cho nên nó phải bận tâm giữ cho cái quá khứ còn sống mãi, vì nếu không còn quá khứ, thì cái tự ngã này là ai ? . Bởi, cái tự ngã này luôn phóng chiếu vào tương lai để bảo đảm rằng nó tiếp tục tồn tại (sinh hữu), cho dù tự ngã này cũng phóng chiếu vào hiện tại, nhưng là một hiện tại mà nó muốn thấy .

“Lại nữa, này các tỷ kheo, người theo dõi dấu vết quá khứ là như thế nào?                     

Vị ấy nghĩ: “Tôi có sắc như vậy trong quá khứ” và thích thú nghĩ về nó.                                          

Vị ấy nghĩ: “Tôi có thọ như vậy trong quá khứ” vị ấy thích thú nghĩ về nó.                    

Vị ấy nghĩ: “Tôi có tưởng như vậy trong quá khứ” và thích thú nghĩ về nó.

Vị ấy nghĩ: “Tôi có hành như vậy trong quá khứ” và thích thú nghĩ về nó.                      

Vị ấy nghĩ: “Tôi có thức như vậy trong quá khứ” và thích thú nghĩ về nó.                    

Như vậy, này các tỷ kheo, là người ấy theo dõi dấu vết quá khứ. (Kinh Người Biết Sống Một Mình (II) - Trung Bộ Kinh, 131 – TN Trí Hải dịch) .

Khi một phần ký ức bị mất đi, thì cũng gần như là sự mất mát một đoạn đời quá khứ . Khi toàn bộ quá khứ mất đi, thỉ cái ngã ấy khó mà tồn tại, nếu không thích nghi được không-thời-gian mới mẽ của hiện tại và vị lai . Cô dâu mới về nhà chồng hoặc kẻ tha hương, hay thuyền nhân Việt tại Âu-Mỹ là những ví dụ điển hình .

Đại Bát Nhã viết tiếp : Thiện hiện!  Vì tất cả pháp chỉ có danh tướng. Danh tướng như thế, chỉ giả thi thiết, tánh danh tướng không.  Các loại hữu tình điên đảo chấp trước, trôi lăn sanh tử chẳng được giải thoát. Vậy nên, bồ tát ma ha tát phát tâm bồ đề, hành hạnh bồ tát, lần lữa chứng được nhất thiết tướng trí, quay xe chánh pháp, đem pháp tam thừa độ thoát hữu tình khiến ra sanh tử, vào cõi vô dư y niết bàn, mà  các danh tướng không sanh không  diệt, cũng không trụ khác thi thiết khá được.

Cũng thế, danh xưng gắn liền với cái “tướng” trong tâm thức, nên tên gọi của mỗi người để phân biệt, cũng gắn liền và đồng hoá với toàn bộ diễn trình lịch sử bản thân, cái tên quan trọng đến nỗi, khi ai đó mang một cái tên “xấu” sẽ có mặc cảm tự ti với người và trong tận thâm tâm, họ sẽ muốn loại bỏ hay đổi thành tên khác nghe “kêu” hơn . Cũng vì thế, mà có người mang thêm một vài biệt danh khác để nói lên tâm tư hay hoài bão tận sâu thẫm trong tâm của mình, cho đến nỗi, cái tên cũng phải được đi kèm theo học vị, chức vụ - cũng là những danh xưng củng cố kiên định cho một cái “tướng”. Phật tử cũng đôi khi không vừa ý với pháp danh mà thầy đặt cho nữa, mà vẫn muốn có cái pháp danh nghe kêu hơn !!!

Tất cả là Thân Kiến, một tổng hoà giữa cá nhân và xã hội, là tổng hoà giữa kinh nghiệm trãi nghiệm bản thân với tính đẳng hướng tâm trí cộng đồng, nhưng tính đẳng hướng tâm trí cộng đồng có phần quyết định, bởi vì những chuẩn mực giá trị xã hội sẽ định hướng cho bản sắc cá nhân .

Và gánh nặng quá khứ này giống như một bánh trớn, tự vận hành với năng lượng quán tính, dù rằng, nhiều khi không còn được cung cấp năng lượng nữa .

II

Tôi gặp lại em sau 5 năm, kể từ khi em về hưu. Tôi nhìn em, lòng hơi ngạc nhiên, sao gương mặt của em không còn khí sắc tươi nhuận, mà thay vào đó, một khí sắc ảm đạm, hơi tối tăm .

Tôi hỏi thăm về cuộc sống hiện tại . Như một tia lửa châm ngòi, em tuôn trào hết cả tâm tư, nào là cực khổ quá vì phải chăm sóc các cháu, lau dọn nhà cửa, vân vân và vân vân . Sau một hồi tuôn trào, em kết luận, hồi xưa em không cực khổ như vậy, bây giờ em là …Osin” .

Phải rồi, ngày xưa ấy, em là Giám Đốc một tổ chức tài chính, muốn gì có nấy, chỉ cần một cuộc gọi điện thoại là có ngay. Ngày xưa ấy, em chỉ đi toàn là xe ô tô sang trọng mà chi phí tài xế, xăng dầu, bảo dưỡng …đều do cơ quan đài thọ. Ngày xưa ấy, em chẳng làm lụng gì cả, nhà cửa được osin lau dọn sạch sẽ, cơm nước thì có osin đi chợ nấu nướng, ….nói chung, ngày xưa ấy, em sống như Chư Thiên !

Kinh văn cho rằng, một khi đã hết phước, thì chư Thiên vẫn rơi xuống cõi Ta Bà đầy khổ đau và phiền muộn. Bây giờ, em vừa là osin, vừa là tài xế xe 2 bánh, mọi điều tất tần tật, đều phải móc túi chi trả từ đồng lương hưu bỗng của em. Em không còn được người khác xum xoe, không còn ai lễ phép chào hỏi hay săn đón. Ngược lại, ngày nay, em qua sông phải luỵ đò. Em khổ là phải, cái bánh trớn trong em vẫn còn quay, ngũ ấm quá khứ của em vẫn kêu gào, dù rằng, em đã về hưu 5 năm qua .

Tôi vẫn biết, từ khi em chỉ là một nữ sinh viên vừa tốt nghiệp, tuổi đời ở vào lúc đẹp nhất, em đã làm việc ở tổ chức tài chính này. Suốt cuộc đời của em đã gắn bó với tổ chức này, nơi mà , em từ nhân viên, thăng tiến dần đến phó phòng, rồi trưởng phòng, đến phó giám đốc, rồi giám đốc, đến khi về hưu, tất cả 32 năm, hết toàn bộ quãng đời tươi đẹp nhất của đời người, em quay cuồng trong giới duy nhất của em . Bây giờ, giới của em đã trở thành quá khứ, nhưng em vẫn chưa tìm được giới hiện tại của em, em cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, và em cảm nhận nỗi trống vắng trong tâm hồn. Em khổ là phải, cái bánh trớn quá khứ trong em vẫn còn quay . 

Cuộc đời em tương tự với chị ba, chị ba cũng thế, trãi cả cuộc đời trong các lớp học, trong cùng một ngôi trường Thị xã, cho đến lúc về hưu. Nhưng khác ở chỗ, chị ba vẫn tìm được giới hiện tại thông qua việc dạy kèm các trẻ tại nhà, dù rằng, chị đã từng không nhận học phí của trẻ em nghèo. Vấn đề của chị ba là tìm được giới của mình để sống cùng, giới ấy tương thích với thường nghiệp của chị, chứ chị không tìm cầu đồng tiền hay danh tiếng, đồng tiền chỉ là phương tiện thứ yếu, còn danh tiếng là “đồ bỏ đi”, đối với chị.

Chị ba vẫn khác với em một điều thật sự quan trọng, quan trọng như người đắm tàu vớ được chiếc phao cứu sinh : chị ba đã tìm về Phật pháp. Còn em, vẫn bơ vơ trong cõi trần ai đầy phiền muộn. Với tấm bằng Thạc sĩ, sao em không nhận lời đi dạy về các bộ môn quản trị tài chính ? Có thể trả lời rằng, nó không tương thích với thường nghiệp của em, nên trong tâm trí của em, sẽ không bao giờ xuất hiện điều mong đợi này. Quả thực, gánh nặng của ngũ ấm quá khứ không dễ mà buông bỏ xuống .

III

Đức Phật đã dạy rằng : “… quán chiếu để thấy rằng quá khứ đã không còn, mà tương lai thì chưa tới, an nhiên sống trong hiện tại mà không bị vướng mắc vào tham dục. Kẻ thức giả sống như thế, tâm không do dự, bỏ hết mọi lo âu, mọi hối hận, xa lìa hết mọi tham dục ở đời, cắt đứt tất cả những sợi dây ràng buộc và sai sử mình. Ðó gọi là thật sự sống một mình. Không có cách nào sống một mình mà mầu nhiệm hơn thế.” – (Kinh Người Biết Sống Một Mình – Tạp A Hàm 1071 - HT. Thích Nhất Hạnh dịch)

Quá khứ đã qua, đã diệt, không còn sửa chữa được. Tương lai thì chưa đến, chưa có pháp hòa hợp. Hiện tại chính là sự trãi nghiệm kinh nghiệm giác quan đang diễn ra trong từng sátna. Kinh nghiệm giác quan luôn luôn hướng theo khuynh hướng của cái bánh trớn quá khứ, ấy là sự “ghiền” cảm thọ quá khứ. Tất cả cái sự “ghiền” ấy, chính là lộ trình tâm đã thành kiên cố, đã bào mòn tư duy thành một cái rãnh như lòng sông tham dục. Bồ tát Long Thọ đã nói rằng : “Lửa quá khứ không thể đốt hiện tại, nhưng hơi nóng của nó có thể làm bùng cháy hiện tại”. Đó là “bánh trớn tư duy” trong mỗi con người. Năng lực của “bánh trớn”, Phật giáo gọi là Nghiệp lực của quá khứ .

Trong bài kinh tương tự Kinh Trưởng Lão Danh – Tương Ưng Bộ 2827, Đức Phật dạy rằng : “Vượt trên tất cả, biết tất cả , Bậc thánh không nhiễm ô đối với tất cả . Được giải thoát vì từ bỏ mọi sự . Khi dục vọng không còn , Người như thế Ta sẵn sàng tuyên bố Là một người độc cư thật sự.” (TN Trí Hải dịch).

Cả hai bài kinh đều nói về “Người Biết Sống Một Mình” . Thật sự ra, ai là người sống hai hoặc/và nhiều mình ?

"Này Migajàla, có những hình sắc do mắt nhận biết, thích thú, dễ chịu, đáng ưa, khoái lạc, liên hệ đến khoái lạc giác quan và đầy cám dỗ. Nếu một tỷ kheo thích thú đối với chúng, xác nhận và bám lấy chúng, thì khi ấy, vì ông thích thú, xác nhận và bám víu chúng, sự thích thú phát sinh (nandi).                                                                               Khi có sự thích thú, vị ấy khát khao, và khi khát khao thì có sự trói buộc. Một người bị trói buộc bởi xiềng xích của sự thích thú, hỡi Migajàla, thì ta gọi là "một người ở với (kẻ) thứ hai" (sadutiyavihàri). (Kinh Migajàla – Tương Ưng bộ IV 357).

Có lẽ ai cũng là người sống một mình cả, nhưng khác nhau ở chỗ, biết sống một mình theo giáo pháp hay sống một mình với nhiều kẻ khác trong tâm trí

Vượt lên trên…và biết tất cả , đồng nghĩa với biết tất cả, nhưng không “ghiền” , cho nên không bị nhiễm ô bởi những cảm thọ, dù rằng, cảm thọ ấy ta cho rằng “mới”, nhưng cái mới này, từ đâu mà ra ? . Khi đã rũ bỏ được gánh nặng quá khứ, thì dục vọng không còn, con người sẽ an trú trong thực tại .

Đức Phật cũng đã từng dạy nhiều lần với những hình tượng cụ thể hơn : Không nhảy quá xa, cũng không lùi lại . Đã siêu việt được tâm thức tán loạn , Vị tỷ kheo xả bỏ những pháp bên này bên kia , Như con rắn bỏ cái vỏ đã khô cằn . (Sn.V,8) .                           

Hoặc : “Không có gì ở trước mặt hay sau lưng , Cũng không có gì ở trung gian gọi là của mình . Kẻ nào không sở hữu gì, không bám víu gì , Kẻ ấy ta gọi là một người thanh tịnh . (PC 421)

Diệt quá khứ là diệt các Nguyên Nhân mà kinh nghiệm quá khứ có tham gia vào việc tạo tác hiện tại và vị lai, nên Quả thời hiện tại không thể hòa hợp, khuynh hướng vị lai không thể sinh khởi, Nghiệp lực bị cắt đứt, bánh trớn Hành-nghiệp ngừng quay. Đó là sự tái tạo ngũ uẩn chúng sinh trở thành ngũ phần Pháp thân – con rắn đã lột bỏ cái vỏ quá khứ đầy nhiễm ô, phiền muộn – tái tạo Tam nghiệp phiền não thành Tam nghiệp thanh tịnh của một bậc Thánh :                                                                                                               

 “Vui thay ! Ta sống không hận thù, giữa dòng người thù hận . 

 Vui thay ! Ta sống trong thanh tịnh, giữa dòng đời ô nhiễm” Kinh Pháp Cú.

Tôi hy vọng em sẽ rồi đến với Phật pháp, để tìm được niềm an lạc trong cuộc sống còn lại ít ỏi này .

Friday, August 10, 2012

Tâm Nhẫn

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

1.00

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập