Tinh hoa tư tưởng Cổ Việt

Đã đọc: 564           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Bây giờ chúng ta hãy ngược giòng thời gian để trở về thuở dân ta mới lập quốc tại miền Cổ Việt (ngày nay là Hoa nam). Đây là chúng ta đã cắt ngắn lịch sử dân ta đi cả nghìn năm rồi theo những thuyết mới nhất về lịch sử tiến hóa của Việt tộc. Sở dĩ chúng ta phải cắt ngắn vì chúng ta mới có di tích chắc chắn kể từ thời đó thể hiện qua câu chuyện kết duyên giữa nàng Âu Cơ và Lạc Long quân, và chuyện bọc trăm trứng (Bách việt). Hơn nữa, câu chuyện kết hợp kỳ thú ấy tại Động Đình Hồ (Dương tử giang) lại cũng khởi đầu cho giai đoạn lâu hơn hai nghìn năm, là giai đoạn đặt nền móng cho nếp sống của dân tộc.

Từ trước đến nay người ta thường có quan niệm sai lầm rằng dân tộc ta không có tư tưởng. Đã đành rằng chúng ta không có những trường phái và lý thuyết như ở Tây phương cũng như không có các kiến trúc đồ sộ, nhưng điều này tưởng không có gì lạ. Trước hết, vì dân ta phải thường trực tự vệ chống đe dọa xâm lược từ phương Bắc, hai nữa vì tư tưởng cổ truyền đã thẩm thấu vào đời sống dân gian thành những nếp sống phổ cặp rồi. Vì lẽ đó, thiết tưởng muốn thấy được và hiểu được tư tưởng Việt phải đi cùng một lúc về hai nguồn cội, một là tư tưởng ẩn tàng trong các huyền thoại và truyền thuyết cổ thời, và hai là nếp sống của người dân, thể hiện qua ca dao tục ngữ và phong tục tập quán. Trong phạm vi bài này chúng ta hãy thử đào sâu vào một vài huyền thoại để tìm hiểu các tư tưởng triết lý ẩn tàng trong đó.[1]

Có hai lý do khiến chúng ta có thể dựa vào các huyền thoại và truyền thuyết để tìm hiểu tư tưởng dân ta. Trước hết, cả một giai đoạn hơn hai ngàn năm lịch sử của dân ta trước khi bị Trung hoa xâm lấn còn nằm trong bí sử; khoa khảo cổ cùng khoa ngôn ngữ học đã khai quật dần dần thời kỳ này nhưng chưa đủ nói lên được các khía cạnh chi tiết về nếp sống cùng nhiều dữ kiện xã hội khác. Tuy thế, hai ngàn năm hơn đó tất đã ghi những nét mạnh vào nếp sống dân ta để tạo nên một nền tảng văn hóa. Chính nhờ giai đoạn dựng nước dài hơn hai ngàn năm này mà dân ta sau đó mới giữ được độc lập và dân tộc tính mặc dù bao cố gắng đồng hóa của người Tầu. Sau nữa, nếp sống vững chắc và lâu dài ấy không thể không đúc thành những nét tư tưởng lớn làm nền tảng tư duy cho dân tộc ta. Những nét lớn ấy của tư tưởng cổ Việt đã được truyền tụng lại cho con cháu các đời sau, qua các huyền thoại và truyền thuyết. Có hiểu được nhu cầu tự vệ quốc phòng thường trực của dân ta, mới thấy được giá trị của các huyền thoại và truyền thuyết ấy trong việc lưu truyền tư tưởng cho con cháu. Trước sức mạnh ào ạt và hung bạo của người Tầu không có gì có thể tồn tại dù là văn tự, sách vở và kiến trúc. Chỉ còn hai cái có thể hy vọng lưu truyền được, đó là nếp sống, vì đã quá sâu dày và phổ cập, những câu truyện truyền tụng từ đời này sang đời khác (trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ). Vậy việc truyền lại cho con cháu những tư tưởng lớn qua các câu truyện thần thoại là một hành động đầy khôn ngoan của cha ông chúng ta. Trước một gia tài tư tưởng quý báu ấy tại sao chúng ta lại coi thường ? Vã lại hầu hết những tư tưởng lớn của thế giới đều được gói ghém trong các biểu tượng nửa thần thoại nửa truyền thuyết, như trong Cựu ước và Tân ước chẳng hạn. Bởi thế phân tích tư tưởng dân tộc qua các huyền thoại và truyền thuyết không phải là một việc làm vô căn cứ và thiếu tin cậy. Đương nhiên tư tưởng ấy phải được phổ cập trong dân gian mới đáng kể là tư tưởng tiêu biểu cho dân tộc được.

Các huyền thoại và truyền thuyết mà chúng tôi sắp dựa vào để phân tích tư tưởng Cổ Việt sau đây hầu hết chúng ta đều đã đọc qua ít nhất một lần. Có khác chăng là cách chúng tôi trình bày để lột ra được những nét tư tưởng lớn của Tổ Tiên chúng ta.

Bây giờ chúng ta hãy ngược giòng thời gian để trở về thuở dân ta mới lập quốc tại miền Cổ Việt (ngày nay là Hoa nam). Đây là chúng ta đã cắt ngắn lịch sử dân ta đi cả nghìn năm rồi theo những thuyết mới nhất về lịch sử tiến hóa của Việt tộc. Sở dĩ chúng ta phải cắt ngắn vì  chúng ta mới có di tích chắc chắn kể từ thời đó thể hiện qua câu chuyện kết duyên giữa nàng Âu Cơ và Lạc Long quân, và chuyện bọc trăm trứng (Bách việt). Hơn nữa, câu chuyện kết hợp kỳ thú ấy tại Động Đình Hồ (Dương tử giang) lại cũng khởi đầu cho giai đoạn lâu hơn hai nghìn năm, là giai đoạn đặt nền móng cho nếp sống của dân tộc.

Chúng tôi gọi giai đoạn khởi đi bằng câu chuyện kết hợp giữa Âu và Lạc ấy là giai đoạn khai quốc. Sở dĩ chúng tôi gọi bằng danh hiệu ấy là một phần để phân biệt tính chất của giai đoạn nầy với hai giai đoạn sau, một phần để nói lên sự bôn tẩu lập quốc của dân ta thuở ấy. Câu chuyện kết hợp Âu Cơ và Lạc Long chẳng những đã nói lên được cố gắng kết hợp hai chi của nòi Việt mà còn làm nền tảng cho sự kết hợp giữa Tiên và Rồng sau này để thành hèm (totem) Tiên Rồng trong giai đoạn sau. Trong chiều hướng đó, câu chuyện nặng tính chất chủng tộc ấy còn làm ta bắt đầu mường tượng ra sự kết hợp giữa hai yếu tố đối lập là cha và mẹ, dương và âm, cao và thấp (ven núi và ven biển), nóng và lạnh… Từ đó chúng ta cũng thấy bắt đầu mường tượng một ý niệm mơ hồ về sự cần thiết phải dung hòa được hai yếu tố đối nghịch nhau ấy. Tuy thế chúng ta chưa thấy hiện rõ cái trục của sự kết hợp.

Sang giai đoạn thứ hai trong diễn trình tiến hóa của tư tưởng và đời sống dân tộc, chúng ta bước vào giai đoạn đạo học. Ở giai đoạn chủng tộc hay khai quốc chúng ta chưa thấy tư tưởng hiện ra một cách quan trọng rõ rệt. Trong giai đoạn đạo học, chúng ta thấy những sự kiện lịch sử của giai đoạn đầu được cô đúc lại và trừu tượng hóa thành những nét lớn cho tư tưởng hình thành. Tuy nhiên những tư tưởng này chỉ là những nét hết sức phổ quát chưa khai triển ra; tuy thế lại đã là nền tảng cho suốt quá trình, khai triển của tư tưởng dân ta sau này. Chúng tôi gọi giai đoạn mà tư tưởng mới chỉ hiển hiện những nét lớn ấy là giai đoạn đạo học và giai đoạn khai triển tư tưởng lớn ra là giai đoạn triết học, theo quan niệm đạo học đặt nền móng cho mọi suy tư triết học. Trong giai đoạn thứ hai này chúng ta thấy xuất hiện totem (hèm) Tiên Rồng. Mỗi dân tộc đều có một totem biểu tượng cho ý chí chung của dân tộc ấy, như nước Pháp lấy con gà trống làm vật tổ, và ngay như ngày nay nước Mỹ lấy con chim ưng làm vật biểu tượng cho dân tộc. Điều đặc biệt đối với dân tộc ta do đó không phải ở việc có hèm,mà chính ở việc có một hèm kép là Tiên với Rồng ghép chung lại thành một. Tại sao Tổ tiên ta không chọn một hèm đơn cho giản dị và dễ dàng lại chọn một hèm kép gồm hai vật tổ ? Tất nhiên nó phải ẩn giấu đằng sau một ý nghĩa gì. Chúng ta thử phân tích ý nghĩa thường được gán cho hai vật đó thì hiểu được. Trước hết, Tiên là một biểu tượng của thanh thoát, cao nhã, tươi sáng, đẹp đẽ; Rồng là một biểu tượng của hùng mạnh, vĩ đại, rực rỡ, tung hoành. Đương nhiên cái ý niệm nhị nguyên Tiên Rồng đã hàm chứa trong câu chuyện Âu Lạc rồi nhưng giờ đây totem Tiên Rồng đưa ra được một quan điểm sống rõ rệt hơn: sống cho hùng mạnh nhưng đồng thời thanh thoát, chứ không phải cái hùng mạnh như hổ, như voi hay như chim ưng chỉ thuần có mạnh mà thiếu thanh nhã. Đi sâu một bước nữa, Tiên tuy tướng và dụng là âm nhưng thể lại là dương (trong sáng, linh hoạt) mà Rồng tuy tướng và dụng là dương nhưng thể lại là âm (tiềm phục)[2].

Khi lui về thì sức mạnh tiềm ẩn như Tiên, khi tiến ra thì cao cả vũ bảo như Rồng, tuy hai mặt mà vẫn chỉ là một. Cái ý niệm trung dương hữu âm, trung âm hữu dương, và cực âm lộng dương, cực dương lộng âm đã có rõ. Việc dung hòa được hai ý niệm tưởng như tương phản này vào một hèm kép là một sáng tạo tư tưởng kỳ vĩ của Tổ tiên ta vì đã đặt được nền tảng thống nhất cho nhị nguyên đối lập rồi.

Chúng ta có thể nói mà không sợ vọng ngôn rằng lịch sử dân tộc ta đã thể hiện được ý chí Tiên Rồng trên. Lịch sử ta là một lịch sử dài đấu tranh chống ngoại xâm hùng mạnh từ phương Bắc tới. Lúc mà sức mạnh dân tộc vươn lên cùng tột nhất để đuổi quân xâm lược đoạt lại giang sơn, đấy chính là lúc dân ta biểu dương sức mạnh vũ bão của Rồng, nhưng cũng chính ngay trong những những giây phút hùng mạnh vô địch ấy dân ta lại biết tự kiềm chế và lui về dùng ngoại giao khôn khéo để vuốt mặt cho kẻ thù hầu tránh cảnh dồn địch vào chân tường, đấy chính là lúc mà những nét thanh cao tươi mát của Tiên được hiện lên giúp dân tộc ta trở về được tình trạng nhu hòa để cùng sống với người. Ngay đến những chuyện như Phù Đổng Thiên Vương hay trăm nghìn truyện anh hùng hữu danh và vô danh khác, chúng ta cũng thấy tinh thần Tiên Rồng truyền thống ấy được phát hiện, lúc tiến ra để phò vua cứu nước thì sức mạnh tựa hùm beo, không sức quân địch nào cản nổi, mà khi xong việc thì lui về ẩn dật trên non cao tiêu dao cùng ngày tháng, xem danh lợi như lông tơ, thực đã thể hiện được tinh thần dung hợp Tiên Rồng đến độ tinh vi và hiện thực nhất.

Nhưng mặc dù những nét lớn căn bản đã được vạch ra, tư tưởng Cổ Việt chỉ thật sự thành hình một cách vững chắc và có hệ thống kể từ khi Thánh Tản Viên xuất hiện triết học hóa các tinh chỉ trên. Giai đoạn kể từ Tản Viên chúng tôi gọi là giai đoạn triết học để tỏ cái ý đó. Tư tưởng Tản Viên được gói ghém trong hai chuyện lưu truyền tục gọi là truyện Sách ước và truyện Gậy Thần. Chi tiết về cốt truyện đôi khi có sai khác tùy theo sách sử chép lại và có sai lạc đôi chút mỗi đời khi truyền tụng lại. Nhưng dù sao cốt truyện vẫn không thay đổi và chính nhờ ở cốt truyện này mà chúng ta mới tìm được ý nghĩa sâu sắc của câu truyện. Đại cương thì người ta truyền tụng rằng, Thánh Tản Viên (tên thật là Nguyễn Tuấn) được thần trao cho một cây gậy có hai đầu sinh và tử, chỏ đầu tử thì sống thành chết, chỏ đầu sinh thì chết thành sống lại. Nhờ gậy này mà Tản Viên cứu được một con rắn, con rắn này lại chính là con Thủy Long Vương. Nhà Vua trả ơn Tản Viên bằng cách cho cuốn sách trắng tinh không có chữ nhưng khi muốn ước gì thì chữ hiện ra mà được như thế. Thánh Tản Viên đem Gậy Thần và Sách Ước ra giúp vua Hùng Vương giết giặc cứu nước.

Câu truyện quan trọng ở cây Gậy Thần và cuốn Sách Ước. Gậy Thần có chín đốt và hai đầu sinh tử. Chín đốt chỉ chín nguyên số từ 1 tới 9. Còn hai đầu sinh tử cũng như hai đầu của nhị nguyên sóng chết, có không, tam vật. v.v… Khi đã cầm nắm được giữa gậy thì chỉ sinh ra sinh, chỉ chết ra chết, tức đã cầm nắm được sự sống và sự chết, cầm nắm được trục của sinh tử. Sự sống với chết chỉ là tương đối, khi con người đã khám phá và cầm nắm được những luật tắc của tự nhiên và vận dụng được vào nhân sinh rồi (tức chỉ sự hiểu được chín đốt) thì sống chết ở nơi tự con người không ở thiên mệnh hay nơi đầu khác. Trong ngôn ngữ thông thường chúng ta nghe nói tới những giây phút sống bằng cả hàng năm hay hàng chục năm; ấy cũng vì trong những giây phút ấy người ta đã sống thực sống hết được sức mình.

Nếu câu chuyên Gậy Thần có một ý nghĩa nhân sinh đầy tính chất nhân bản và nhân chủ như thế thì câu chuyện Sách Ước lại nói lên được vũ trụ quan đặc thù của dân tộc ta. Sở dĩ vũ trụ quan này gọi là đặc thù vì đã làm nổi bật mối liên bệ nhân bản giữa con người và tự nhiên. Tự nhiên ở đây tượng trưng bằng quyển sách ước trắng tinh không có chữ (gợi ta nhớ tới ý niệm vô cực của Lão) còn con người được tượng trưng bằng sự ước muốn. Luật tắc của tự nhiên thì vô cùng tận và luôn luôn như thế. Khi con người ước muốn thế nào thì thiên nhiên hiện ra như thế đó. Đây là nói lên cái ý niệm con người cải tạo tự nhiên cho thích hợp với ý muốn của mình, cho phục vụ được nhân sinh. Ở tự nhiên thì luật tắc cứ thế đó, vô thưởng vô phạt, vào con người thì có phân ra thưởng phạt, thiện ác, tùy theo tiêu chuẩn nhân sinh xã hội. Thí dụ như cái bàn chẳng hạn. Vật liệu để làm cái bàn thì lấy trong thiên nhiên, như bàn gỗ thì là cây trong rừng, mà cây trong rừng thì muôn đời vẫn như thế nếu không được bàn tay con người chế thành cái bàn. Nhưng khi thành bàn thì lại khác biệt vì tùy theo sở thích và tài khéo của cá nhân, cũng như tùy theo tập tục của xã hội. Cái bàn có thể tròn, vuông, hay hình khác; có thể mầu xanh, trắng… có thể dùng để ăn, để viết, hay để trang trí. Ngay trong thí dụ này chúng ta đã thấy hiện rõ ba phần tư tưởng là tự nhiên, con người và xã hội, mà trong đó con người là trục nối từ tự nhiên vào xã hội, nhờ có người mới chế từ cây vào bàn được. Câu chuyện Sách ước do đó đã làm nổi bật cái trục Nhân trong Tam tài.

Tóm lại, qua hai câu truyện rất đơn giản mà Thánh Tản Viên đã nói lên hai khía cạnh quan trọng bậc nhất vẫn làm ưu tư cả loài người Đông Tây kim cổ: con người chuyển không thành có, và con người là trục của sống chết, cầm nắm được sự sống chết ở nơi tự mình. Trong ý nghĩa ấy, quan niệm Dịch của Việt ta khác quan niệm Dịch của Trung hoa. Ở Trung hoa, luật tác động cũng nhận có chuyển từ vô cực ra thái cực, ra lưỡng nghi và ra vô cùng. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là luật tắc thuần túy của tầng tự nhiên, còn đối với con người còn thiếu một khoen nối nữa vì vấn đề đặt ra cho con người là ai hay đúng hơn, làm sao chuyển từ không ra có được. Vì không tìm được khoen này nên Dịch Trung hoa mới đi vào thiên mệnh và phát triển mạnh về số mệnh học mà không vận dụng Dịch vào được nhân sinh. Còn ở nước ta, bằng biểu tượng Ước Muốn, Tản Viên đã cho ta thấy cái khoen nối kết chuyển từ tĩnh vào động là ở ngay con người.

Chính nhờ được nung đúc qua bao nhiêu ngàn năm trong tinh thần nhân bản và nhân chủ cao độ như trên mà dân tộc ta đã có những đức tính ít thấy ở các dân tộc khác. Từ ngàn xưa chúng ta đã biết sống hào hùng mà vẫn thanh thoát, biết ôn nhu mà không thiếu dũng liệt. Lại biết hòa với người để cùng sống khi người không có ý muốn hại mình; đồng thời khi bị người áp muốn áp đặt văn hóa tư tưởng ngoại lai hòng tiêu diệt tư tưởng độc lập của mình thì biết vừa chống đối vừa thẩm thấu để dung hóa, đãi lọc lấy những chất liệu nhân bản trong tư tưởng của địch nhân đem vào làm thành chất liệu cho tư tưởng của mình. Cái phong độ và lối sống ấy đã giúp dân ta thoát qua bao cuộc thử thách cam go tưởng như mất nước và diệt vong. Cái phong đồ ấy thể hiện từ trong lối sống giản dị nhưng thắm thiết tình người của nông phu cho tới tinh thần khí phách nhưng không kiêu ngạo của các sĩ phu trước quân giặc. Cái phong độ ấy còn tỏa ra trong ca dao tục ngữ, tạo nên những tính tình đặc biệt của dân ta như hài hước, châm biếm, tình tứ, hiên ngang, giản dị… Phong độ và tính tình ấy tưởng không thể một chốc lát hay vài chục năm trời mà đào tạo được. Phải cả một nếp sống bình dị trong dân giã dần dà tập luyện mà thành. Mấy ngàn năm hun đúc lên một tinh thần và tính tình ấy.

Tư tưởng Việt do đó đã mang sẵn những yếu tố đồng hợp với tư tưởng thế giới cổ kim. Hơn thế nữa trong tư tưởng và đời sống dân ta còn thấy nổi bật hơn đâu hết tư tưởng nhân bản và nhân chủ, lấy con người làm trung tâm nối kết từ tự nhiên vào xã hội. Tư tưởng Việt nhờ đó đã có sẵn mầm mống để tổng hợp tư tưởng Đông Tây kim cổ. Mà ngày nay, nhu cầu cấp thiết và sâu dầy là nhu cầu tổng hợp văn hóa trước thực trạng phân hóa của xã hội ta gây ra bởi cuộc giao thoa tư tưởng lớn đang diễn ra ngay tại nước ta. Đây là một nhu cầu không thể không được giải quyết vì nếu không thực hiện được cuộc tổng hợp văn hóa này thì dân ta sẽ mãi mãi nằm trong cuộc phân hóa và phân tranh của tư tưởng lớn trên thế giới hiện đang hội tụ ở nước ta. Đây chính là lúc ta phải khai quật lại truyền thống tinh hoa của tư tưởng Việt rồi hiện đại hóa cùng hệ thống hóa nó để làm trụ cốt cho một cuộc tổng hợp mới tạo dựng một nền tảng tư tưởng làm đà đẩy cho dân ta tiến lên thoát khỏi cảnh bị động hiện tại và tiếp nối được cuộc tiến hóa của lịch sử nước nhà. Chỉ sau khi làm được cuộc tổng hợp đó, tư tưởng mới ổn định, và chỉ sau khi tư tưởng được ổn định, mọi kế hoạch phát triển và kiến thiết xã hội mới có một nền tảng vững chắc và lâu bền để thành công được.

NGUYỄN VIẾT HỒNG

[Tạp chí Tư Tưởng, số 2 năm 1973]

_____________________

[1] Về huyền thoại nước ta có đặc điểm là toàn nói về con người không phải nửa người nửa vật hay thuần vật như trong các huyền thoại Tây phương. Có lẽ nên gọi các huyền thoại, của dân ta là «Nhân thoại» hơn là «Thần thoại».

[2] Muốn hiểu rõ điểm này cần đi sâu vào dịch và y lý Đông phương, không thuộc phạm vi bài này.

--

Nguồn: https://thuvienphatviet.com

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Được quan tâm nhất

Đăng nhập