Về Thăm Đất Tổ Tào Khê

Đã đọc: 4719           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

“Tào Khê là tên một dòng sông ở Đông Nam huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nơi có ngôi chùa cổ Bảo Lâm, còn gọi là Nam Hoa, từng là đạo tràng lớn của Đại sư Huệ Năng (638-713), vị Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Quốc. Tào Khê là thắng cảnh gắn liền với danh lam, là một thiền cảnh… nói đến Tào Khê là nói đến cảnh Phật, pháp Phật, với sứ mạng cứu người độ đời…”

Một ngày cuối thu, mấy huynh đệ đồng liêu chúng tôi cùng tổ chức một chuyến du lịch đến thành phố Quảng Châu- Miền Nam Trung Quốc.    

Sau mấy ngày ngao du thưởng lãm nhiều danh thắng trong thành phố, chúng tôi mới tới chùa Nam Hoa nằm bên bờ Tào Khê để chiêm bái đảnh lễ nhục thân Lục Tổ. Trong đoàn có sư cô Tâm Hiếu là du học sinh hiện đang tu nghiệp tại Phúc Kiến. Sư cô tình nguyện theo làm hướng dẫn viên kiêm thông dịch cho đoàn trong suốt cả lộ trình.

Vì mỗi ngày chỉ có hai chuyến xe lửa từ Quảng Châu đi Tào Khê, và do không nắm bắt được giờ giấc, nên chúng tôi phải ra ga từ sáng sớm ngồi chờ cho đến hơn chín giờ tàu mới chuyển bánh. Và khi đoàn lữ hành tu sĩ chúng tôi đến nơi thì trời đã quá trưa. Vừa đặt chân vào cổng chùa Nam Hoa, một sư cô trong đoàn đã xúc động thốt lên:    

- Được đảnh lễ nhục thân Lục Tổ là mãn nguyện lắm rồi. 

Với địa thế lưng dựa núi, mặt nhìn sông, chùa Nam Hoa từ thuở xa xưa đã nổi tiếng là nơi phong thủy hài hòa, cảnh quan kỳ vĩ. Ngày trước chẳng hiểu Tổ có xem qua thuật phong thủy không, chứ núi non này, cảnh trí này cùng với tâm ý lòng người thuần thục thì dù ngài ở đâu, pháp đạo cũng xương minh, người người theo về tu học. Chùa Nam Hoa hiện là Phật Học Đường lớn của vùng Lãnh Nam, Tăng chúng trên hai trăm vị. Hai chữ Tào Khê gợi lên một khung cảnh thiền đậm màu sắc phương nam mà người học Phật khắp nơi đều mong muốn tìm về chiêm bái. Là Thánh địa nên mỗi cảnh vật nơi đây đều toát lên vẻ thiền vị siêu thoát. Khi dạo quanh những con đường nhỏ nằm giữa đám cỏ xanh rì rậm rạp, tôi có cảm giác là đang đi vào khu rừng có dòng suối mát trong lành, là nơi mà ngày trước Tổ thường ra giặt y. Một khu rừng với những tảng đá rêu mờ, là nơi mà nhiều bậc thiền giả thích ra tĩnh tọa tham thiền. Chưa vào đến điện Lục Tổ mà đã nghe lòng lâng lâng niềm cảm xúc.

Tào Khê là tên một dòng sông ở Đông Nam huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nơi có ngôi chùa cổ Bảo Lâm, còn gọi là Nam Hoa, từng là đạo tràng lớn của Đại sư Huệ Năng (638-713), vị Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Quốc. Tào Khê là thắng cảnh gắn liền với danh lam, là một thiền cảnh… nói đến Tào Khê là nói đến cảnh Phật, pháp Phật, với sứ mạng cứu người độ đời…” 

Khi đắc pháp và nhận lãnh y bát từ ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Lục Tổ Huệ Năng vẫn còn mang hình thức cư sĩ và ngài đã trở lại quê nhà ẩn tu, chờ đợi thời cơ. Xuất gia tại chùa Quang Hiếu, nhưng chùa Nam Hoa là nơi Tổ lưu trú hoằng pháp lâu nhất- Ba mươi bảy năm. Với ngần ấy thời gian, Tổ khai mở pháp thiền đốn ngộ, tiếp chúng độ Tăng. Kể từ đó miền Tào Khê trở thành Thánh địa và chùa Nam Hoa được coi là Tổ đình của Thiền phái Nam Tông. Vậy thì ai bảo miền đất phương nam không có những bậc thượng căn thượng trí. Học chúng nương về đông, người liễu ngộ cũng nhiều, nên y bát không còn là vật biểu trưng truyền thừa. Mạch nguồn Tào Khê từ dạo ấy đã không ngừng tuôn chảy.   

“ Một dòng Tào Khê

chảy về phía đông lan

tỏa ngàn núi trăm sông

nơi đâu cũng là Phật pháp

Chùa có nhiều di tích phải lo bảo tồn tu bổ, nhiều công trình mới cần giữ gìn tôn tạo. Và cũng như những ngôi chùa nổi tiếng trên Đất Nước Trung Hoa rộng lớn này, chùa Nam Hoa bán vé cho khách vào tham quan chiêm bái. Chúng tôi vốn là con nhà Phật từ phương xa đến nên khỏi phải mất tiền vào cổng. Qua khỏi chiếc cổng Tam quan bề thế là cả một khuôn viên rộng lớn với nhiều cây cao bóng mát cùng vô số tháp đá tượng đá được tạo dáng rất ấn tượng. Trong lúc mọi người ngồi quanh chiếc bàn đá dùng cơm thì sư cô Tâm Hiếu đến liên hệ với thầy tri khách xin chỗ nghỉ lại qua đêm. Sư cô còn cho biết, nếu muốn chúng ta có thể xuống nhà trù xin một bữa cơm chay. Nhưng đoàn chúng tôi vốn biết lo xa nên đã cụ bị cơm nước thức ăn đủ dùng cho cả ngày hành hương về thăm đất Tổ.

Bước qua chiếc cầu đá xinh xắn, mọi người hứng thú thả tầm mắt ngắm nhìn đàn cá bơi lội tung tăng cùng những chú rùa nhởn nhơ qua lại phía dưới ao phóng sanh. Thú vị nhất là chiêm ngưỡng y bát của Tổ được người đời sau tạo ra với kích thước to lớn đặt giữa sân có khung kiếng bao quanh. Đi lần vào bên trong là Đại Hùng bảo điện còn gọi là điện Tam Bảo thờ ba vị gồm Phật Thích Ca, Di Đà và Dược Sư. Sau điện Tam Bảo là Tàng kinh các. Hai bên tường có vô số các bức tượng La Hán với phong cách tạo hình độc đáo. Chúng tôi chỉ có một buổi chiều nên không thể tham quan hết các nơi. Theo giờ giấc quy định, quá năm giờ chiều tất cả điện thờ đều đóng cửa nên lạy Phật xong chúng tôi đi liền ra phía sau, nơi khoảng sân rộng có ngôi tháp cao. Đó là tháp Linh Chiếu. Nghe nói tháp Linh Chiếu và điện Lục Tổ đều do ngài Hư Vân Hòa thượng trùng tu.

Cuối cùng chúng tôi cũng vào tới điện Lục tổ. Nhục thân Lục Tổ với y áo trang nghiêm trong thế ngồi tĩnh tọa, hai bên tôn trí nhục thân của hai vị Đại sư là Hám Sơn và Đan Điền. Mọi người đứng lặng chiêm ngưỡng nhục thân Tổ trong giây lát rồi quỳ xuống sụp lạy. Hơn ngàn năm qua, biết bao người con Phật đã quỳ lạy dưới chân Tổ và chắc cũng mang nhiều tâm trạng bồi hồi xúc động. Được diện kiến nhục thân Lục Tổ, mà không được nghe pháp ngữ của ngài, lòng người trở về cứ man mác nỗi niềm ưu tư trầm mặc. Hành trạng tu tập, hoằng hóa lợi sanh của hai vị Đại Sư thật đáng ngưỡng vọng. Ngài Hám Sơn vì chí nguyện trùng hưng Phật pháp mà gặp nạn, bị lưu đày tới miền Tào Khê. Chùa Nam Hoa bấy giờ đang rơi vào cảnh hoang phế điều tàn, phong vị thiền môn không còn, Tăng chúng suy đồi bạc nhược. Trước tình cảnh này, Ngài Hám Sơn liền đứng ra kêu gọi đồ chúng cùng hỗ trợ chấn hưng tu bổ lại ngôi Tổ đình, tiếp nối sự nghiệp hoằng hóa của Tổ sư…  

Đoàn chúng tôi đảnh lễ nhục thân Lục Tổ và hai vị Đại Sư xong thì vừa đến giờ đóng cửa. Khi cánh cửa gỗ dần khép lại, mọi người vẫn còn nấn ná chưa muốn rời xa. Trời về chiều, du khách qua lại thưa thớt. Tăng chúng cùng cư sĩ trong chùa lúc này lo quét dọn các nơi. Cách chỗ chúng tôi đứng không xa có hai vị Tăng trẻ vận hậu vàng đang quỳ lạy Tổ phía ngoài cánh cửa. Hỏi ra mới biết, hai vị là học Tăng vừa đi xa về vội đến lạy Tổ để trình diện. Ôi! Miền Lãnh Nam xưa nay có biết bao điều kỳ diệu. Phật học viện bây giờ chẳng phải là Thiền đường thuở xưa, nhưng nhìn hai vị Tăng trẻ lạy Tổ hết sức thành kính đủ thấy quy củ Thiền môn luôn được giữ gìn nghiêm mật.

Chúng tôi nghỉ đêm trong ngôi chùa Ni cách Nam Hoa một đoạn đường vòng qua bên kia dãy núi. Từ chiều, hai cô Phật tử đã nhiệt tình đưa chúng tôi về đây và cho biết chùa có vị Ni vừa viên tịch. Quý vị bận rộn với việc tụng niệm nhưng tiếp đón chúng tôi thật nồng hậu thạnh tình. Sư trụ trì cùng cô tri khách hỏi thăm rồi đưa đến tận phòng nghỉ. Quý vị tỏ vẻ ngạc nhiên và thú vị khi biết chúng tôi là Ni Việt Nam đến tham bái Lục Tổ và càng ngạc nhiên hơn nghe nói sư cô Tâm Hiếu là du học sinh người Việt mà lại nói tiếng Hoa thật quá ư lưu loát bặt thiệp.

Phật giáo mỗi hệ phái, mỗi xứ sở thường có những nghi lễ tập tục khác nhau. Nhưng nghi thức tống táng của Phật giáo miền Tào Khê thật đặc biệt. Khi một vị Tu sĩ vừa viên tịch liền được đặt ngồi theo thế kiết già, khâm liệm rồi mới đưa vào cổ quan tài đóng ván vuông vức. Đồng đạo cùng đồ chúng ngồi quanh niệm Phật tiếp dẫn suốt một ngày một đêm sau đó mới đưa đi an táng phía sau núi. Ba năm sau người ta đào lên mở nắp áo quan. Nếu thi hài mục rã họ sẽ nhặt xương cốt đem chôn lại. Còn như thi thể còn nguyên vẹn, chứng tỏ vị ấy tu hành chứng quả thì chùa làm lễ long trọng thỉnh nhục thân đem về thờ tự. Không biết xưa nay miền Tào Khê có bao nhiêu vị tu chứng. Nhưng nhục thân Lục Tổ cùng hai vị Đại Sư cũng đủ minh chứng về lý đạo cao siêu mải hiện hữu giữa chốn thiền môn thanh tịnh.

Màn đêm buông xuống. Trời bắt đầu se lạnh. Khung cảnh núi rừng về đêm thật yên ả trong lành. Nằm trong căn phòng kín gió với chăn mền ấm áp cũng không làm cho mọi người ngủ được. Nhiều lần tôi trở dậy ra ngoài hành lang chỉ để ngắm nhìn trời đêm và lắng nghe mọi tiếng động quanh mình. “ Khi tâm ta đối cảnh thanh tịnh thì nghe được cả thanh âm của chư Phật chư Tổ vọng lại từ thinh không… Đây gọi là không nghe mà nghe. Không nghe bằng ngôn ngữ mà nghe bằng pháp ngữ”  Giữa cảnh tịch liêu của núi rừng, cái nghe của tôi chỉ giới hạn trong tiếng gió vi vu giữa rừng cây lá đổ và tiếng niệm Phật Di Đà phát ra từ ngôi nhà Tang lễ. Nghe câu niệm Phật cũng là để nghe lại tâm mình. Dù cách biệt về phương ngôn mà lý đạo vẫn dung hòa. Tâm thanh tịnh, cảnh thanh tịnh, tiếng niệm Phật trợ duyên cũng trở nên diệu dụng. 

Sáng sớm khi tiếng kiểng báo giờ điểm tâm của chùa vang lên thì chúng tôi cũng gọn gàng hành lý bước xuống giảng đường nói lời từ giả. Sư trụ trì cố mời chúng tôi dùng bữa nhưng mọi người đều lấy làm tiếc vì xe đang đợi phía dưới. Vậy mà đi chưa ra khỏi con đường trong rừng cây thì cô tri khách đã theo kịp đưa cho chúng tôi một giỏ đầy trái cây, bánh kẹo. Cô bảo sáng nay quý cô còn leo núi mà chưa dùng gì nên cô không thể yên tâm. Món quà tiển đưa lúc này thật có ý nghĩa. Nhờ gói lương thực lót dạ của cô mà chúng đủ sức leo núi Đan Hà cho đến tận trưa mới đến được một ngôi chùa ở lưng chừng núi.

Như mọi sự đến đi trong cuộc sống, chặng đường nào rồi cũng phải đến hồi kết thúc. Hành trang chúng tôi mang về không có gì ngoài những di vật cùng ân nghĩa đạo tình góp nhặt từ miền đất Tổ xa xôi. Với tôi, một lần đảnh lễ Lục Tổ như thế cũng đủ để trải nghiệm niềm tin, chí hướng qua muôn dặm đường đi tìm chân lý./.

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập