Năng Lượng Ði Vào Nhau

Đã đọc: 3140           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Tu viện Lộc Uyển có núi rừng hùng vĩ bao quanh như một chiếc nôi êm ấm. Những dãy núi chung quanh có hình dáng giống như hai con rồng khổng lồ đang bay lượn và ôm lấy nhau. Phía trước có một ngọn núi làm bình phong ngăn cách sự náo nhiệt, ồn ào của đô thị, giữ cho không khí của tu viện luôn luôn được thanh tịnh. Ðất đai ở đây tuy cằn cỗi và khô khan nhưng cỏ cây hoa lá đều có hương thơm nồng nàn. Mùa xuân về trong tháng ba, hàng ngàn hàng vạn loài hoa nhỏ bé đua nhau nở rộ. Hoa thơm mà lá cũng thơm.

       Hôm qua trong lúc đi thiền hành với Thầy và đại chúng, tôi đặt bàn tay vào một bụi cây 'sage' khoảng chừng nửa phút rồi đưa bàn tay lên ngửi, hương sage thơm nồng nàn và dễ chịu.  Cây sage là một loại cây thuốc có khả năng giúp cho công việc tiêu hóa; người ta dùng lá để làm nước uống như nước trà.  Tôi thường có thói quen ngắt một ngọn lá để ngửi nhưng hôm nay tôi lại cảm thấy tội nghiệp cho cây sage.  Ngắt một chiếc lá có thể làm cho cây đau đớn.  Tuy rằng tôi không phải là loài cây cỏ nhưng linh cảm báo cho tôi biết rằng cỏ cây cũng có cảm xúc và sự sống như con người.  Tôi lại thử đặt bàn tay một lần nữa vào một bụi cây sage khác rồi lại ngửi đuợc hương thơm nồng nàn dễ chịu ấy.  Hình như tất cả cây cỏ đều có hương sắc và không ngừng lan tỏa để cống hiến cho cuộc đời.  Nhưng không phải loài thảo mộc mới có hương sắc mà tất cả mọi loài khác đều tỏa hương sắc dưới hình thức năng lượng, mùi hương, màu sắc, tiếng kêu, tiếng hót, tiếng ca...

     Con người cũng có hương sắc như mọi loài cỏ cây hoa lá.  Khi vui, ta tỏa ra năng lượng tươi vui, mát mẻ và hạnh phúc từ đôi mắt, nụ cười...  Năng lượng ấy đi vào mọi nẻo, thấm vào tất cả mọi hiện tượng trong sự sống.  Qua cái nhìn thân thiện, lời nói thương yêu, nụ cười an lạc, ta đều gửi đi năng lượng hạnh phúc và lành mạnh.  Qua sự căng thẳng, bất an và hận thù, ta gửi đi năng lượng đau khổ nặng nề.  Bởi vậy, sự sống của ta và muôn loài liên hệ mật thiết với nhau bằng năng lượng của hương sắc.  Vật lý học nguyên tử diễn tả sự trao đổi và tiếp xúc này bằng năng lượng nguyên tử (nuclear energy).  Cảm thọ, suy tư, tâm hành, thân thể đều là năng lượng nguyên tử, và chúng ảnh hưởng với nhau bằng con đường điện âm, điện dương.  Một điện tử (electron) ảnh hưởng và kết hợp với những trung hòa tử khác (neutron) như một màng nhện.  Khoa học chứng minh rằng có những điện tử ảnh hưởng và bị ảnh hưởng với những trung hòa tử xa hàng chục ngàn dặm.  Hóa học gọi sự liên hệ này bằng tính chất kết cấu hóa học (chemical bonding).  Hai chất hóa học được kết hợp lại sẽ tạo ra một sự kết cấu (bonding) hay phản ứng (reaction) để tạo ra những loại hóa học khác.  Như hai nguyên tử khinh khí (hydrogen) kết hợp với một nguyên tử dưỡng khí (oxygen) với đầy đủ điều kiện sẽ tạo ra được hơi nước.

       Cũng như thế, sự sống đang đi vào nhau để tạo ra những nguồn năng lượng ảnh hưởng tới sự sinh thành hoại diệt của các hiện tượng.  Hương sắc của cây cỏ đi vào cây cỏ, con người và thiên nhiên.  Con người cũng đang gửi những nguồn năng lượng vào những người khác, loài khác và thiên nhiên.  Không có một hiện tượng nào có thể tồn tại và hiện hữu một cách riêng biệt.  Niềm vui trong ta đang tỏa ra và đi vào mọi người, mọi loài. Niềm đau trong ta cũng đang tỏa ra và đi vào mọi người, mọi loài.  Niềm thương của con người và thiên nhiên cũng đi vào ta và chung quanh.  Niềm đau của con người và thiên nhiên cũng đang đi vào ta và chung quanh.

      Trước đây tôi thường nghĩ rằng tôi phải giải quyết những vấn đề nội tâm một mình và không ai có thể giúp được.  Tôi phải đi ngang qua những khổ đau một mình bởi vì khi đi vào thế giới của nội tâm và khổ đau không ai có thể đi với tôi.  Bây giờ tôi đã thay đổi nhận thức ấy rồi, nó vốn bắt nguồn từ vô minh và tự ái.  Mỗi lần cơn giận xuất hiện thì nó biểu lộ rõ ràng bằng năng lượng trên nét mặt, lời nói, suy tư, và năng lượng không dễ chịu ấy tìm cách để đi ra.  Có lúc năng lượng giận hờn đi ra một cách êm đẹp nhưng cũng có khi nó đi ra không nhẹ nhàng tạo ra rất nhiều đổ vỡ, thương tích trong ta và những người chung quanh.  Như thế ta không cần phải giải quyết khổ đau một mình bởi vì dù muốn dù không, người khác và thiên nhiên đều chia sẻ năng lượng ấy với ta.  Có lúc cơn buồn giận phát khởi thật mạnh mẽ đã làm cho tôi đắng cả cổ họng.  Tôi ngồi thiền thật lâu để nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa nó mà chẳng giải quyết được gì bởi vì tôi đã tách rời sự sống của mình ra khỏi những nguồn năng lượng lành mạnh khác của sự sống.  Những lúc như thế, tôi thường mở cửa để đi thiền ngoài trời, và lạ thay cơn buồn bực ấy thay đổi một cách mau chóng, dễ dàng.  Vì thế tôi tin rằng thiên nhiên, đất trời, cỏ cây và không khí có năng lượng trị liệu gì đó giúp chuyển hóa khó khăn trong tôi.  Ði ra ngoài được, năng lượng khổ đau của ta được lan tỏa cho trời, đất, thiên nhiên ôm ấp, chuyển hoá và năng lượng an lành, mát mẻ của trời, đất, thiên nhiên lại đi vào tâm thức để làm mới lại sự sống của ta.  Từ kinh nghiệm ấy, sau này tôi không dại gì nhốt mình lại trong ngục tù của tâm thức để chết chìm trong những cảm thọ khổ đau và bất an.  Tôi mở cửa để đi ra ngoài chơi.  Nhiều khi chỉ đi chơi thôi cũng đủ thay đổi tình trạng và năng lượng của thân tâm.

       Hơn thế nữa những người chung quanh đang nâng đỡ và chia sẻ sự sống với ta, tại sao ta lại dại dột để biệt lập ta ra ngoài sự có mặt của họ?  Thầy, tăng thân, cha mẹ và anh chị em đang nâng đỡ cho ta.  Gần đây, tôi thường ngồi chơi, uống trà và tâm sự với anh em.  Tôi cảm thấy khỏe nhẹ trong tâm hồn bởi vì năng lượng sợ hãi, nghi ngờ và cô lập bị tháo tung mỗi khi tôi có thể mở lòng để đến với người khác.  Một y chỉ đệ của tôi chia sẻ rằng: ''Sư em đã sống chung với sáu anh em khác cùng một phòng trong suốt ba tháng an cư mà sư em chưa có cơ hội ngồi uống trà với các anh em.  Sư em thường cảm thấy bực mình với ba sư em không chịu thực tập im lặng hùng tráng mà cứ cười nói, phá phách thật ồn ào.  Mỗi khi sư em muốn chia sẻ khó khăn thì các anh em không muốn nghe.  Sau khi quán chiếu, sư em thấy rằng sở dĩ mấy anh em kia hành xử như vậy là do chánh niệm của họ còn yếu nên sư em chuyển hóa được cơn bực bội ấy.''  Ở ba tháng với nhau mà chưa uống trà và ngồi chơi với nhau lần nào quả thật là một điều thiếu sót lớn, chứng tỏ sự liên hệ anh em có khó khăn gì đó mà chưa hòa giải được.  Có thể sư em có những khó khăn nên các anh em khác không cảm thấy hạnh phúc để ngồi chơi với em.  Tôi chia sẻ với y chỉ đệ là sư em nên ngồi chơi với các anh em, pha trà mời họ uống, đùa giỡn chuyện trò cho vui.  Mở lòng ra để vui chơi, nói chuyện và hỏi han với nhau thì mới tạo ra được không khí thoải mái, từ đó ta mới có thể chia sẻ được nỗi khó khăn chứ chưa có liên hệ anh em mà đã muốn tâm sự thì người ta sẽ ngán nghe lắm.

      Hôm nay lúc rửa bát, một số các sư em vừa ăn vừa nói chuyện trong khi đó mọi người đang thực tập ăn sáng trong im lặng.  Tâm tôi khởi lên một ý nghĩ là ta nên nhắc nhở các em đừng nói chuyện trong lúc ăn sáng nhưng một ý khác lại khởi lên rằng ta nên tránh, cứ nhắc nhở hoài như thế các sư em sẽ không ưa mình.  Nghĩ như thế nhưng hai bàn chân vẫn đi đến với các sư em, thay vì nhắc nhở tôi lại vuốt trên trán một sư em, xoa bóp sau lưng một sư em khác và thầm thì vui vẻ với các sư em.  Tôi đã không làm theo ý muốn 'nhắc nhở' mà cũng không tránh né các sư em.  Trong khi nói chuyện, tôi cảm thấy vui và các sư em cũng vui lây cho nên nhận thức của ta là đầu dây mối nhợ để tạo ra những cảm thọ vui buồn, thương ghét trong ta.  Ta có quyền có những nhận thức đối với người khác nhưng nên nhận diện để hiểu được bản chất của nó, và từ đó ta có thể thay đổi tri giác ấy thành những cái thấy sâu sắc, sáng sủa và nhẹ nhàng.  Ta cũng thực tập như thế với những cảm thọ, phản ứng, suy tư để đừng bị nô lệ vào những năng lượng tiêu cực đồng thời tạo ra năng lượng tích cực cho ta và cho mọi người.  Năng lượng lành mạnh sẽ làm cho ta và mọi người hạnh phúc.  Năng lượng trách móc và hờn dỗi sẽ thiêu đốt ta và những người chung quanh.  Tất cả đều là năng lượng.  Năng lượng đi vào nhau gọi là tương nhập.  Năng lượng này là năng lượng kia gọi là tương tức.

        Mới đầu được Thầy dạy rằng: ‘‘sự sống đang truyền cho ta tình thương.''  Tôi chỉ hiểu một cách mơ hồ nhưng bây giờ, ngửi được hương thơm của cây sage trong bàn tay, tôi mới hiểu được lời dạy ấy của Thầy.  Tôi có thể cảm nhận được sự thật tương tức tương nhập trong lúc ăn một bát cơm, uống một ly nước, thở một hơi thở, nhìn một người thương...  Cũng như khi nghe Thầy giảng về giáo lý vô ngã, tôi cảm thấy hứng thú, tâm đắc và thấm thía vô cùng nhưng thật tình mà nói, tôi vẫn hành xử theo tập khí và thói quen của bản ngã.  Tuy vậy càng quán chiếu, càng đi sâu vào đời sống, càng đối diện với những khổ đau, tôi có thể hiểu được giáo lý vô ngã chính xác mà không còn cảm thấy mơ hồ như trước nữa.  Giáo lý ban đầu là giáo lý ảnh tượng, sau khi tu luyện một thời gian, đã trãi qua những thử thách và khổ đau thật sự thì giáo lý sẽ trở thành bản chất của sự sống.

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (1 đã gửi)

avatar
thanh tịnh 28/08/2010 05:27:16
Bài viết hay quá, cám ơn tác giả rất nhiều .
tổng số: 1 | đang hiển thị: 1 - 1

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập