Còn Hơn Đẹp Người (phần cuối)

Đã đọc: 447           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Theo con, nhân cách con người không đánh giá qua dáng vẻ bề ngoài hay nghề nghiệp mà phải được xác định bằng phẩm chất đạo đức.

Nghĩ tới đây, Lũy có vẻ xúc động vì cho rằng sự thành công của anh có sự đóng góp âm thầm của Quyến. Nhờ cô, anh mới biết sống cho mọi người. Dođó, tình yêu của Lũy đối với cô đơn phương âm ỉ trong suốt những năm học đại học, nay trỗi dậy cuồng nhiệt hơn bao giờ. Riêng Quyến sau khi nghe chi tiết việc Lũy được nhận vào làm cho công ty Mỹ, cô thấy lòng vui hẳn lên và tim cô có vẻ xao xuyến, nao nao sao ấy. Mắt cô mơ màng nhìn ra khoảng trời xa, dường như cô đang nghĩ đến một chân trời hạnh phúc cao đẹp đang đón chờ. Cô mỉm cười mãn nguyện.

Còn về Hường, cô cũng ra trường nhưng do ham chưng diện, thích vui chơi hơn chăm học nên khả năng yếu kém và đã không xin được việc ở những công ty có mức lương cao. Cha cô biết vậy nên phải đích thân vào Sài Gòn để lo cho con.

Thế rồi chỉ hơn một năm rưỡi sau, kể từ ngày gia nhập vào nhóm bạn mới, cuộc đời của Hường hoàn toàn thay đổi. Cô đã có nhà riêng sang trọng. Cô nói là của cha mẹ mua cho và dự tính sẽ mua một chiếc Lexus đời mới nhất ngày gần đây. Tin này đã đến tai mẹ Lũy. Bà lại tức tốc đáp máy bay vào tận nơi gặp con. Bà kể lại những thứ Hường hiện có và sẽ có, đồng thời mong con không nên chần chờ gì nữa. Lũy ngồi có vẻ đăm chiêu thật lâu, không nói lời nào. Bà giận đến tái mặt, buông ra lời quyết liệt:           

-Kể từ nay chuyện của anh, anh lo lấy. Anh đừng hỏi gì tới tôi nữa nghe chưa.

Nói xong bà nguây nguẩy bỏ đi. Bà Lai về quê chưa được hai tuần thì nhận được thư Lũy gửi về. Bà cầm lá thư, trong lòng mừng khấp khởi vì nghĩ có lẽ nó đã sợ lời đe dọa của bà nên chấp nhận việc đến với Hường. Bà vội vãbóc thư ra, đọc cho chồng cùng nghe:

Kính thưa Ba Mẹ,

Thời gian gần đây, con giữ trong lòng nhiều mối ưu tư nhưng con chưa có dịp thuận tiện để thưa cùng Ba Mẹ. Nay con nghĩ không thể giấu giếm mãi những điều ấy nên con viết thư này để thưa Ba Mẹ rõ.

Trước tiên, con xin nói về Hường. Ba Mẹ biết đấy, mức lương của con khá cao so với những bạn bè, trong đó có Hường, làm cho các cơ quan hay công ty do người Việt quản lý. Từ ngày con có việc, con cố gắng tằn tiện chi tiêu nhưng chẳng dành dụm được bao nhiêu. Trong khi Hường tiêu xài rất xa xỉ, lại còn có tiền dư định mua xe ô tô đời mới nữa thì thật quả là có phép lạ. Con nghĩ, chỉ có làm việc bất chính mới chóng giàu như vậy. Của đó khó nuốt trôi lắm. Không sớm thì muộn tài sản kia sẽ không cánh mà bay đi hết, có thể là do bệnh hoạn, tai nạn hoặc mắc phải vòng lao lý...Con dám nói quả quyết như vậy vì con học được câu “của phi nghĩa có giàu đâu”                                   

Tới đây con xin thưa về chuyện hôn nhân của con. Đây là việc rất quan trọng đối với cuộc đời con sau này, nên con xin Ba Mẹ cho con quyết định. Con nghĩ, vợ chồng phải tâm đầu, ý hợp thì sống với nhau mới hòa thuận, hạnh phúc. Sự giàu, đẹp, môn đăng hộ đối không phải là tiêu chuẩn chọn vợ của con vì điều đó không tồn tại bền vững. Như Ba Mẹ đã biết, hãy nhìn vào bên Nội và bên Ngoại, chỉ vì cái “hào nhoáng” danh giá gia đình con ông Tú, ông Cử, Bác sĩ, Kỹ sư,... một số người đã vênh váo tự hào về gốc gác của mình rồi tìm người phối ngẫu phải là như mình.  Cuối cùng, Ba Mẹ đã thấy đó: Một bà dâu bên nội, gia đình giàu có mà chỉ biết sống bo bo giữ của. Nói tới bỏ chút tiền bố thí hay giúp người bị thiên tai, bão lụt thì lảng tránh, coi như không nghe. Nói chung là chẳng muốn giúp ai đồng nào. Vì tâm địa bỏn xẻn nên nhìn vào nét mặt thím thời gian này sao thấy xấu quá, khác hẳn hình thím chụp ngày đám cưới. Phải chăng do tâm sinh tướng chăng!? Rồi còn một bà dâu nữa, bên ngoại, tiêu xài rất “rộng rãi”. Giỗ cha mẹ, mợ đãi khách đông vô số kể, với những món ăn toàn là thịt chúng sanh, loại đắt tiền. Cúng xong, còn đốt vàng mã nào là tàu bay, xe hơi, tiền đô Mỹ,...tốn cả triệu triệu đồng, gửi xuống âm phủ cho cha mẹ tiêu. Có lần còn đến am cầu hồn thỉnh vong ông bà về. Mợ khoe ông bà gặp mợ và mừng lắm. Rồi mợ kết luận: mợ đã trả hiếu cho cha mẹ xong. Thật là lạ! Những việc làm mê tín phung phí tiền của, lại còn khoe khoang, phát ra từ miệng của một người xuất thân từ một gia đình có học. Đó là những hình ảnh môn đăng hộ đối của những thân nhân nhà ta đó.

Bố mẹ ạ, với con, con chỉ cần người có đạo đức. Vì ông bà ta thường nói “sống có đức mặc sức mà ăn.” Con muốn kiếm đồng tiền từ khả năng, không chụp giựt, không hối lộ. Theo con, Quyến sẽ là người đủ tiêu chuẩn ấy để cùng con đi hết cuộc đời. Con rất buồn là Ba Mẹ đã nhìn cô ta với ý nghĩ không tốt. Nhưng những điều ấy có hợp với thực tế không? Ba Mẹ khinh cô ta có lai lịch không ra gì vì bị cha mẹ bỏ rơi. Sự thật con mới biết: cha mẹ cô ấy đã chết vì tai nạn ngay ngày đi vào nam tìm kế mưu sinh. Nhưng giờ con cứ giả dụ: cô ta bị cha mẹ ruồng bỏ đi. Điều đó có xấu không? Ba Mẹ nghĩ sao về một số trẻ sống trong các cô nhi viện được đưa đi nước ngoài sau năm 1975, nay họ đã đỗ đạt, thành tài? Có người còn giữ chức vụ quan trọng, phó thủ tướng, trong chính phủ một đất nước văn minh. Họ đã được biết bao người ngưỡng mộ vì họ thiếu tình thương của cha mẹ nhưng vẫn cố vươn lên để đóng góp với đời. Chứ những người còn cha, còn mẹ, việc thành công đâu có gì đáng nói.                                                                                                                                      

Bây giờ, con xin Ba Mẹ hãy thử so sánh Quyến và Hường để xem ai là người đáng được nể trọng. Như con đã kể mẹ nghe Quyến là người có tâm từ bi đáng để mọi người học hỏi. Cô chẳng những đem lòng thương và giúp đỡ đồng loại mà còn xem việc cứu mạng sống của mọi loài như một việc làm cần phải có của mình. Cô làm vậy là nhờ tin sâu vào lý nhân quả. Một người ý thức được như thế, chắc chắn mọi việc làm sẽ nhắm vào các việc thiện, lành, mong có sự thăng hoa cho đời mình và người khác. Còn về Hường, con thấy cuộc sống cô ấy không có hướng đi tới chỗ thiện mỹ. Bạn bè thì kết giao với lớp thanh niên nam nữ ăn mặc quần áo lố lăng, tóc tai nhuộm màu sặc sỡ. Lại thêm, chỉ mới một năm rưỡi, cô ấy có tiền dư để tậu xe ô tô đời mới. Chỉ cần đánh giá hai người qua những điều con vừa nói thôi thì người bị cha mẹ ruồng bỏ và người có cha mẹ tâng tiu, chăm sóc như con cầu tự, ai đã tốt hơn ai?! Còn nói tới người đẹp và người xấu nữa để làm gì ?! Con nghe nói người đàn bà đẹp không có đạo đức như một bông hoa chỉ khoe sắc, chứ không có hương thơm thì làm sao còn giữ lại trong lòng người thưởng ngoạn sự ưa thích, luyến lưu.

Còn Ba Mẹ chê bà Biện dáng người xấu xí và làm nghề bán vé số nữa. Theo con, nhân cách con người không đánh giá qua dáng vẻ bề ngoài hay nghề nghiệp mà phải được xác định bằng phẩm chất đạo đức. Bà Biện nuôi Quyến từ hồi còn nhỏ, cho ăn học thành tài và dạy dỗ cô nên người có nhiều đức tính. Điều đáng khâm phục là trong thời gian đó, sự thu nhập hằng ngày của gia đình quá eo hẹp đến nỗi bà phải cố gắng hết mình ra ngồi ngoài trời bán vé số. Thử hỏi trong xã hội có mấy người dáng vẻ thanh lịch, giàu sang, phú quý, dám bỏ tiền ra nuôi một trẻ mồ côi ăn học đỗ đạt, làm được một việc như bà không?! Qua hai con người mà Ba Mẹ chê: Quyến và người được khen : Hường thì con thấy họ rất hợp với câu tục ngữ:

Cái nết đánh chết cái đẹp

Cái đẹp, chỉ tồn tại trong một thời  gian, chẳng hạn, đến già sẽ mất. Còn cái nết đẹp, sẽ còn mãi mãi. Chính vì lẽ đó, con muốn sau khi thành hôn, hai chúng con sẽ cố làm đúng theo câu các cụ ta để lại:

Tổ Tiên Tích Đức Muôn Đời Thịnh.                                                                                               

Con Cháu Thảo Hiền Vạn Kiếp Vinh.

Cuối thư, con xin Ba Mẹ tha lỗi nếu con có nói điều gì không vừa lòng Ba Mẹ. Con hy vọng một ngày nào đó, Ba Mẹ sẽ hiểu và thương con nhiều hơn.

Kính thư,

Con: Lũy

Ông bà Lai đọc xong thư con rồi, trong lòng rất hậm hực vì nó chẳng giống ông bà chút nào. Dạy gì nó cũng chẳng nghe, chỉ biết theo cái Quyến mà nó cho là mẫu mực cần học theo. Ông bà rất thành kiến, rất ghét những người sống chẳng biết “ăn theo thuở, ở theo thời”. Xã hội bây giờ đang trong trào lưu đổi mới nên những thứ đã bị quên lãng, đã được cất giữ kỹ trong “viện bảo tàng” từ lâu như kiểu “tiên học lễ, hậu học văn”, “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”,  ...đâu còn hợp thời nữa mà nó cứ học đòi, lải nhải lặp đi, lặp lại hoài. Mỗi lần hè và Tết về, nó lại đem những điều nó cho là hay theo kiểu đó để nói với ông bà. Nó còn đem những chuyện đời của bà Biện và Quyến ra kể trong bữa ăn. Ông bà nghe đến chán ngấy mà cũng phải ráng ngồi ăn cho hết bữa cơm. Rồi Lũy còn đi xa hơn, nói xa xa, gần gần rằng một số nhà thầu làm các công trình cầu cống, đường sá chỉ được mấy năm đã hư, nứt. Họ mang tội nhiều lắm vì đã cắt xén của công đem làm “việc phải không” nên các dự án hoàn thành không đủ chất lượng. Ông tinh ý biết ngay con ông muốn nhắc ông tránh những việc như vậy để bớt mang tội. Nó còn nói bóng gió, nó không muốn thấy xảy ra cảnh cả nhà cùng hưởng mà chỉ một người lãnh nghiệp. Lúc ngồi rảnh, nhớ lại điều Lũy nói, ông cáu kỉnh nói với vợ:

 -Con nhà tông mà nó chẳng giống lông, cũng chẳng giống cánh.

Sự buồn bực con của ông bà Lai cứ kéo dài từ ngày này qua tháng kia. Rồi một hôm, ông đọc báo, thấy một tin làm ông kinh hoàng. Ông cố bình tĩnh đọc lại và xác định rõ ràng tên, họ cùng quê quán của người phạm tội đúng là Hường, con gái bác Quốc. Cô đã dính líu trong một đường dây buôn lậu ma túy đi Úc. Ông liên tưởng ngay, thảo nào, thời gian gần đây, ông Quốc thường bỏ việc thầu đi Sài Gòn thường xuyên.

Vợ chồng ông lúc này mới vỡ lẽ, thấy bao nhiêu điều ông bà nghĩ về Hường đều sai hết. Trước đây, ông bà không tin những gì Lũy nói vì cứ nghĩ do Lũy không ưa Hường nên bịa chuyện nói xấu. Đã có lần, anh kể cho cha mẹ nghe chuyện Hường sống trác táng, bê tha trong các hộp đêm cùng những con cái nhà giàu khác. Ông bà đã mắng anh, bảo anh chỉ giỏi dựng chuyện phỉ báng người. Giờ họ đã nhận ra Lũy còn nhỏ tuổi nhưng thật sáng suốt trong sự đánh giá con người. Anh đã từng nói, tuổi trẻ thích ham chơi, tiêu xài hoang phí, rất dễ bị lôi kéo vào con đường tội lỗi.

Bỗng bà nhớ tới câu: “ Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính” Tới lúc này, bà thấy câu ấy rất hợp với ông bà. Rồi bà liên tưởng ngay tới những việc, mà bao lâu nay ông bà đã làm, là luôn dùng những mánh khóe, bợ đỡ, luồn lách để đạt mục đích làm giàu. Còn con trai bà, có bản tính thật thà, không tham của bất chính ngay từ nhỏ. Đặc biệt, nó rất thích đọc những sách dạy học làm người, nên có đồng nào, nó mua loại sách ấy về đọc. Vì vậy, nó thường nói với ông bà, sau này ra đời, nó sẽ sống theo phương châm “năng nhặt, chặt bị.” kiếm đồng tiền từ mồ hôi nước mắt, để lòng luôn nhẹ nhàng, thanh thản. Nó nói, cốt sao đêm nằm ngủ, dù có tiếng chó sủa hay tiếng động bên ngoài nhà, nó cũng chẳng sợ hãi, lo lắng gì. Bà hãnh diện có đứa con biết lấy đạo lý để sống với đời.

Tới lúc này, bà đã tin Lũy nhiều nên nghĩ tiếp. Câu tục ngữ “Cái nết đánh chết cái đẹp”, bà đã nghe từ thuở lên chín, lên mười, tưởng đã lỗi thời, thế mà nay áp dụng vào trường hợp đang trải qua sao hợp quá. Bà nghĩ, do việc đời lắm bon chen, đua đòi nên ông bà đã bị lôi cuốn chạy theo tiền tài, danh vọng. Từ đó, ông bà đã giả ngơ với những điều căn bản dạy làm con người lương thiện và đã lao mình vào những việc rất thiếu đạo đức...lại còn hợm mình khinh rẻ, nói nặng lời với những người luônbiết sống vì người khác... Ông bàcảm thấy tự hổ thẹn với lương tâm. Nhất là bà, câu tục ngữ ấy như xoáy vào tim vì những lời bôi nhọ để hạ nhục Quyến cứ lởn vởn mãi trong tâm, làm bà thấy hổ nhục với phong cách quý phái của mình. Rồi bà nhớ việc bà Biện nuôi Quyến và hình dáng chẳng đẹp mắt chút nào của bà ta. Thế mà, bà ấy đã được nhiều người quý mến, nể trọng nhờ làm một việc hiếm người làm được. Bà Lai nghĩ tới mình và càng cảm thấy xấu hổ nhiều hơn.

Trong rất nhiều ngày, câu: “Cái nết đánh chết cái đẹp” cứ vang vang mãi trong đầu, nhắc nhở bà nhớ đó là một chân lý muôn thuở, đừng bao giờ quên. Giờ bà mới nhận ra, bao nhiêu lời các cụ ta để lại cho đời, khuyên làm điều lành, thiện đều là những khuôn vàng thước ngọc đáng được trân quý và học hỏi, áp dụng. Bà nghĩ, bà có được những ý tưởng tốt đẹp này cũng nhờ Lũy. Bà mong muốn con bà sớm lập gia đình, để vợ chồng bà có được cơ hội, sống những ngày cuối đời bên những người luôn lấy sự liêm khiết làm lẽ sống và luôn muốn đem hạnh phúc lại cho người khác. Bà mong cả ông và bà sẽ cố gắng làm theo các con.

Bỗng bà Lai nhớ tới bữa giỗ mẹ bà tuần lễ trước. Bà mời bạn bè cùng quê tới dự rất đông. Họ nhắc lại những điều tốt của cụ. Họ nói, cụ một chữ cắn làm đôi không biết, vậy mà cụ nhớ ca dao, tục ngữ không ai hơn. Và có người thích thú đọc câu cụ thường nói:

“Bảy mươi chưa què, chớ khoe rằng lành” để răn dạy con cái. Một người khác còn giải thích thêm:

-Các cụ nói câu ấy là muốn con cái sống khiêm tốn. Đừng có chê bai, bôi xấu ai,... cho dù mình sống tới khi gần mãn cuộc đời.                            

 Một người khác nhắc thêm một câu nữa của cụ:

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,                                                                                                               

Xấu người, đẹp nết còn hơn đẹp người.”.                                                                                             

 Bà Lai không chắc họ nói với ngụ ý gì, nhưng không hiểu sao khi nghe những câu ấy, bà thấy lòng xốn xang, ray rứt. Phần vì bà nghĩ bạn bè đã biết mọi việc bà đã làm với Quyến và bà Biện. Phần khác, bà nghĩ, họ muốn nói bóng gió cái đẹp của người đàn bà không gì quý bằng cái nết tốt.

Bà tự nhủ, tới cuối đời bà mới thấm thía một bài học rất đơn giản./.                                                                           

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập