Còn Hơn Đẹp Người (phần 2)

Đã đọc: 448           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chuyện kể rằng: Một hôm, vị Thầy của chú sa di nhập định, thấy mạng sống của chú đệ tử chỉ còn bảy ngày là hết. Thầy liền cho đệ tử về thăm gia đình. Trên đường về quê, hôm ấy trời mưa lớn lắm. Chú sa di chợt thấy một tổ kiến bị ngập nước bên vệ đường. Đàn kiến hoảng hốt bám vào nhau vì sợ có thể bị nước cuốn trôi. Chú sa di liền đưa đàn kiến lên chỗ khô ráo. Xong việc, chú về thăm cha mẹ. Và đến kỳ hạn, chú trở về chùa với Thầy. Vị Thầy kinh ngạc, sao đệ tử vẫn còn sống trở về đây. Thầy lại nhập định, mới biết đệ tử đã cứu sống bầy kiến nên mới khỏi chết yểu và sẽ còn sống lâu hơn nữa. Chú sa di được Thầy cho biết như vậy nên từ đó chú càng tin hơn vào việc cứu mạng sống của muôn loài sẽ đem lại nhiều phước báo không lường.”

Thấy hoàn cảnh này, cô giáo Thùy rất thương Quyến. Cô càng thương hơn khi biết em sẽ chọn con đường ngắn nhất là học sư phạm hai năm tại ngay thành phố này, kiếm được tiền nhanh để phụng dưỡng bà Biện chứ bà đã già rồi. Càng nghĩ, cô càng thấy xót xa cho cuộc đời của một người có nhiều triển vọng ở tương lai nhưng đành phải chấp nhận chôn vùi tài năng của mình. Mà thật lạ, sao cô cứ thấy ray rứt không yên nếu cô không cố gắng giúp Quyến. Em là học sinh giỏi tiếng Anh nhất của lớp cô. Cô biết, hiện các doanh nhân nước ngoài đang ồ ạt vào đầu tư tại các thành phố lớn. Đây là cơ hội rất tốt cho Quyến. Nghĩ vậy nên cô nảy ra ý nghĩ phải tìm cách đưa em đi Sài Gòn để em có cơ hội tiến thân và cũng để em tránh tai họa có thể xảy ra.

Vậy là tối hôm ấy, cô Thùy đã đến bàn chuyện với bà Biện. Cô đã phân tích điều hơn lẽ thiệt rất cặn kẽ cho bà thấy. Cô an ủi bà, cô sẽ khuyên Quyến theo học một trường đại học hợp với khả năng của cháu. Như vậy, chắc chắn chẳng bao giờ Hường có thể biết được. Bởi cả Hường lẫn nhóm bạn không có khả năng theo học một trường như vậy. Bà Biện rất buồn, phải chấp nhận kế hoạch Quyến đi học xa trong nhiều năm. Có thể khi ra trường, Quyến sẽ xin việc ở một thành phố khác, rồi đón bà về ở.

Không chần chờ, chỉ khoảng sau bốn, năm ngày để thu xếp mọi thứ, bà cháu đã ra bến xe rất sớm, đi Sài Gòn. Do cô Thùy rất tận tình giúp nên đã gọi điện thoại trước cho ông chú, trình bày hoàn cảnh của Quyến để xin cho cô ở trọ học. Ông nghe nói Quyến đã từng dạy kèm cho bạn bè thi đậu nên ông thích lắm. Từ lâu, ông muốn tìm một gia sư, ăn ở luôn trong nhà để dạy cho các con. Nay nghe cháu nói vậy, lại còn biết thêm Quyến rất mộ đạo Phật nên ông rất vui. Ông và vợ muốn các con phải có người gia sư có đạo đức để giúp vợ chồng ông răn dạy chúng vì ông bà quá bận bịu trong công việc làm ăn. Sau khi bàn với vợ, ông trả lời đồng ý, nhưng không hề nói ra những dự định của vợ chồng ông. Vậy là nơi ăn ở của Quyến được tạm ổn định.

Lúc này, bà cháu ngồi nói chuyện với nhau, cứ ngỡ mình đang sống trong mơ. Chỉ chưa đầy một tuần, mọi thứ đổi mới hoàn toàn và hy vọng sẽ tốt đẹp nữa. Quyến mừng quá, nói:

-Mình ở hiền nên gặp lành bà ạ.

Rồi cô nhớ tới những năm theo bà đi chùa. Cô luôn luôn ghi nhớ những lời khuyên thiết thực của thầy Trụ trì và đem áp dụng rất nhiệt tình hằng ngày. Ngoài việc làm này, những lúc rỗi rảnh cô thường đọc những mẩu chuyện Phật giáo. Có lần cô đọc truyện: “Chú Sa Di cứu tổ kiến” trong kinh “Phước Báo” và nhớ mãi mãi không quên.

Chuyện kể rằng: “Một hôm, vị Thầy của chú sa di nhập định, thấy mạng sống của chú đệ tử chỉ còn bảy ngày là hết. Thầy liền cho đệ tử về thăm gia đình. Trên đường về quê, hôm ấy trời mưa lớn lắm. Chú sa di chợt thấy một tổ kiến bị ngập nước bên vệ đường. Đàn kiến hoảng hốt bám vào nhau vì sợ có thể bị nước cuốn trôi. Chú sa di liền đưa đàn kiến lên chỗ khô ráo. Xong việc, chú về thăm cha mẹ. Và đến kỳ hạn, chú trở về chùa với Thầy. Vị Thầy kinh ngạc, sao đệ tử vẫn còn sống trở về đây. Thầy lại nhập định, mới biết đệ tử đã cứu sống bầy kiến nên mới khỏi chết yểu và sẽ còn sống lâu hơn nữa. Chú sa di được Thầy cho biết như vậy nên từ đó chú càng tin hơn vào việc cứu mạng sống của muôn loài sẽ đem lại nhiều phước báo không lường.”

Đọc xong, cô liên tưởng ngay đến sự việc xảy ra đã lâu lắm: Có lần, Quyến đến nhà bạn chơi. Hôm ấy, trời oi bức khác thường. Có một đàn kiến nhiều vô kể, bò sát vách tường vào nhà. Bà mẹ sai người con trai đi mua thuốc diệt kiến để trừ sạch. Quyến biết gia đình bạn theo đạo Phật nên đã cản lại. Rồi cô kể ra kinh nghiệm bà Biện đã thấy là đàn kiến biết sắp có mưa lớn nên chỉ tìm chỗ lánh tạm. Một hai ngày sau hết mưa, chúng sẽ di chuyển lại về tổ. Bà mẹ nghe lời và mọi việc xảy ra đúng như cô nói. Vậy là cô đã cứu sống cho không biết bao nhiêu mạng kiến. Cô nghĩ một việc làm vô tình mà lại có nhiều phước báo như vậy.Từ đó, trong tâm trí cô lúc nào cũng nghĩ, đời cô sẽ có lúc thay đổi khi đủ duyên.

Giờ ngồi ngẫm lại, cô thấy việc cánh du đãng đã không đánh cô mà còn báo cho cô biết, có phải đó là kết quả mầu nhiệm của việc trì chú Đại bi hằng ngày không?!

Rồi còn việc hiện tại cô ở đây, phải chăng đời cô có sự thay đổi nhờ đã giúp ý kiến cho gia đình bạn không giết đàn kiến năm nào. Bao nhiêu thứ thuận duyên đến, đều xảy ra sau khi cô gặp chướng duyên. Điều này làm cô rất tin: người thường niệm Phật, trì chú Đại bi luôn có Long thần, Hộ pháp theo phù trợ. Nghĩ tới đây, lòng cô dạt dào vui sướng và cô ôm siết chặt vào người bà Biện. Còn bà thì nghĩ từ ngày giúp nuôi Quyến, mọi việc tốt lành thường đến với bà. Bà rưng rưng, nghẹn ngào nói:

-Ừ, cứ giúp người thì Trời sẽ giúp mình.

Chừng nửa tháng sau, việc tìm chỗ học luyện thi cho Quyến đã xong, nhờ có sự giúp đỡ của ông chú cô Thùy. Bà Biện chia tay cháu về lại quê. Quyến đã dặn đi, dặn lại bà, về quê, bỏ không bán vé số nữa. Bà không chịu, lấy cớ là bà cần tiền để làm việc từ thiện, phóng sinh và cúng chùa. Hơn nữa, bà bảo, ngồi bán vé số dễ niệm Phật hơn, chứ ở nhà, cứ quanh qua, quẩn lại chẳng niệm được bao nhiêu. Ngoài ra, bà còn lo xa, sợ việc ông chú cô Thùy hứa tìm chỗ cho Quyến dạy tiếng Anh lỡ không thành thì sao. Chi bằng cứ để bà tiếp tục cho đến khi việc dạy dỗ của Quyến ổn định, bà bỏ làm cũng chẳng muộn.                                                                                                                                                         

Bà đi xong, Quyến thấy lòng trống vắng lạ thường. Bỗng dưng, ý nghĩ muốn tìm biết tin tức cha mẹ đã biệt vô âm tín từ ngày cô còn nhỏ, đã trỗi dậy thật mãnh liệt trong lòng cô. Cô nghĩ, cô sẽ phải đi tìm mặc dù cô nhớ lời bà khẳng định hồi cô còn nhỏ rằng cha mẹ cô không bao giờ bỏ rơi con. Rồi bà kể hôm gởi con cho bà để ra đi, cha mẹ cô khóc nhiều lắm. Theo bà đoán, cha mẹ cô đã gặp tai nạn và chết trên đường đi vào Sài Gòn ngay hôm ấy. Trong ký ức, bà còn nhớ mấy ngày sau khi giữ cô, có tin đồn một chiếc xe khách đi hướng bắc nam, gặp tai nạn và bốc cháy làm một số hành khách bị chết thiêu, giấy tờ tùy thân không còn nên không nhận biết ai là ai. Cuối cùng có một số xác không người nhận. Có lẽ đây là những người lên xe dọc đường nên không có tên trong danh sách hành khách. Bà nghĩ trong số này có cha mẹ Quyến vì cha mẹ cô rất nghèo, chỉ có đủ tiền trả để đứng suốt tuyến đường, chứ không mua vé. Bà nhắc lại với Quyến đó là điều bà đoán, chớ không lí gì, bao nhiêu năm rồi cha mẹ không về đón con. Nghe thế, nếu tin vào lời bà mà không đi, lòng cô sẽ không yên vì nỗi ao ước cứ canh cánh mãi bên lòng từ ngày còn nhỏ đến giờ là phải tìm gặp được cha mẹ.               .                                                                                                        

Thế là, sau khi xin phép chú thím cô Thùy, một buổi tối, vào khoảng chín giờ, Quyến đạp xe đi khắp các ngả đường, tìm những người bán hủ tiếu gõ để hỏi tin tức về cha mẹ mình. Nhưng rồi qua nhiều đêm, cô hỏi ai cũng không biết. Cuối cùng, có người chỉ cô đến tìm gặp những người chủ nấu hủ tiếu phân phối cho người đi bán để hỏi nhưng đều vô vọng...

Giờ, quay lại chuyện của Lũy. Từ ngày vào Sài Gòn, anh thường liên lạc với một vài bạn ở quê để biết tin tức của Quyến. Họ cho anh biết cô đã không còn ở nhà nữa sau mấy sự việc liên tiếp xảy ra. Đầu tiên, Hường thuê những tay anh chị đánh cô nhưng không thành. Tiếp bị mẹ anh tung tin lăng mạ cô rất thậm tệ. Và gần đây, bà đã cho người đem một số tiền tới đưa bà Biện, bảo bà đem Quyến đi gửi cho bà con ở một tỉnh khác nuôi giùm nhưng bà Biện đã một mực từ chối. Rồi có tin đồn, sau đó cánh du đãng đến đe dọa nên bà sợ, đã đưa Quyến đi đâu không rõ. Lũy nghe, cảm thấy vừa nhục, vừa xấu hổ trước những việc làm ấy. Anh không ngờ, những con người ra đường với khuôn mặt son phấn thật đẹp, thật quý phái, thật rạng rỡ lại có thể có tâm địa như vậy. Từ sau ngày ấy, anh không còn cái hứng thú để đi học luyện thi nữa. Anh nằm vùi ở nhà, nghĩ quanh quẩn, buồn nản cho sự đời.

Một tuần lễ sau, tin này tới gia đình. Bà mẹ vội đáp máy bay vào gặp anh. Đang lúc trong tâm tư chất chứa bao điều khó chịu về lối suy nghĩ quá lỗi thời của cha mẹ thì anh gặp mẹ vào. Anh trình bày cho mẹ thấy những điều bà muốn bêu xấu Quyến đều bị phản tác dụng. Các bạn anh chẳng những đã không khinh rẻ cô mà còn quý trọng cô nhiều hơn. Họ đã tìm hiểu, biết cô đã gặp nghịch cảnh vô cùng đau lòng: cha mẹ không hề đoái hoài đến. Vậy mà, cô đã làm được một việc, chắc chắn một người không có nghị lực không thể làm được. Đó là việc cô cố gắng thay đổi cuộc đời. Cô đã theo bà đi chùa từ hồi còn rất nhỏ. Những ý tưởng sống khiêm cung, thường xuyên làm việc bố thí, cúng dường và làm điều thiện.... để cải đổi cuộc sống đã thâm nhập vào đầu óc cô từ rất lâu. Cô rất thích điều đó và cố thực hiện cho bằng được. Anh đã đọc cho mẹ nghe những câu thơ cô rất tâm đắc:

Khiêm cung: học được tốt thay!                                                                                                         Xem ai cũng đáng bậc Thầy của ta.                                                                                                            Cố loại cái “NGÔ ra xa,                                                                                                                   Nghiệp khẩu sẽ bớt, Phước ta tăng dần.

Rồi anh đọc tiếp hai câu nữa và nhìn thẳng vào mắt mẹ xem có phản ứng gì không.

Long thần, Hộ Pháp ở quanh ta,                                                                                                        Lành dữ, ta làm khó giấu qua.                                                                                                       Phàm khi làm việc gì dù nhỏ,                                                                                                     Biết là việc ác, phải tránh xa.

Nghe xong, bà tức tối nói:

-Ối dào! Nghe anh nói toàn là chuyện vớ vẩn. Thôi dẹp chuyện ấy đi.                                           

Lũy biết không có cơ hội nào nói hết những điều tốt của Quyến cho bà thấy để bà bỏ hẳn những định kiến về Quyến nên anh năn nỉ:

-Mẹ để cho con trình bày hết những điều con muốn nói. Còn mẹ không chịu thì mẹ phải biết con cái bây giờ nó không chấp nhận sự ép buộc hôn nhân của cha mẹ như hồi xưa đâu.

Nghe con nói, bà rất khó chịu nhưng đành chấp nhận ngồi nghe.

Rồi Lũy muốn đưa ra những mẩu chuyện trong đó có việc anh đã tham gia và thấy Quyến làm. Cốt ý anh muốn cho bà thấy tấm lòng của một con người mà bà thường gán là thuộc tầng lớp thấp kém, đối với loài động vật và đồng loại như thế nào.

Anh kể: Ở một chùa nọ, một tháng một lần, có tổ chức đi phóng sinh. Lần nào, Quyến cũng xin góp chút tiền cùng với Phật tử đi chợ mua cá, lươn, ếch, ba ba, rùa ... đem ra sông thả. Có hôm, cô cảm động đến nỗi mãi mãi không quên cảnh những con ếch,....khi được thả ra, chúng vội bơi một mạch. Bơi được một đoạn, chúng dừng lại, ngóc đầu ngoảnh nhìn lên những người trên bờ như muốn nói lời cảm ơn. Được một lát, chúng quậy nước lặn xuống và lại ngoi đầu lên nhìn lâu hơn,như thể muốn ghi nhận sâu đậm hình ảnh những ân nhân cứu mạng.                                                                                                                                                         

Mẹ Lũy ngồi nghe những mẩu chuyện bà cho là hoang đường nên tỏ vẻ khó chịu. Bà chấm dứt buổi nói chuyện, bảo Lũy sửa soạn đi ăn. Tới nhà hàng, vừa ngồi vào bàn, Lũy không muốn bỏ mất thời giờ, nên vội kể tiếp chuyện Quyến giúp người:

 Lúc ấy, Quyến còn học lớp Chín. Chùa đi phát quà cho những em cô nhi, cô có góp tiền và xin đi theo. Khi đến nơi, cô để ý tới các em còn rất nhỏ, mặt mày lem luốc do không ai chăm sóc, mắt nhìn hau háu vào những gói bánh kẹo ra vẻ rất thèm thuồng. Cô cầm vội một gói, đưa cho một em. Nó nhanh tay chớp lấy và giữ chặt vào người làm như sợ bị đứa khác giật mất. Tự nhiên cô chạnh lòng nghĩ tới hoàn cảnh mình. Dù gì cô cũng may mắn hơn, nên đã xúc động, đứng khóc ngon lành.

Ngoài ra, ở trường, Quyến rất thích làm bất cứ việc gì để giúp bạn. Chẳng hạn, trong năm học này, thấy nhiều bạn học còn kém những môn chính, lại không thể đi học thêm vì các thầy cô giáo bị cấm mở dạy kèm do có nạn tiêu cực. Quyến đã lập ra một toán học nhóm để nâng đỡ nhau. Qua việc làm này, Quyến rất vui vì đã giúp cho nhiều bạn học tốt hơn. Vui hơn nữa, vừa rồi có vài bạn thi đậu. Cha mẹ họ đã đem quà đến biếu nhưng cô không nhận vì cô nhớ lời Phật dạy: “ Thi ân bất cầu báo”                                                                                                                                                                         

Bà Lai vì chiều con nên phải ráng ngồi nghe. Sau khi Lũy kể xong, bà không nói gì, chỉ nhếch miệng cười ra vẻ coi thường vì những việc làm chẳng giống ai. Lúc này, hình ảnh bà Biện cao lỏng khỏng, hàm răng lúc nào cũng lộ ra ngoài, đang ngồi sau bàn bán vé số, cứ ám ảnh bà. Bà tưởng tượng cảnh ngày cưới, chụp hình chung hai họ, bà Biện đứng cạnh bà, ôi thật là muối mặt. Rồi bà tiếc đã không tổ chức được bữa tiệc cưới cho Lũy và Hường tại nhà hàng sang trọng nhất, với số thực khách dự định lên tới trên năm trăm để hơn hẳn những đám cưới khác từ trước đến nay. Bà lộ nét buồn, nói với Lũy những ao ước đó, và mong con nên đắn đo, suy nghĩ trước khi quyết định. Chứ bà e bỏ lỡ cơ hội này, khó tìm đâu ra được chỗ như Hường. Vì Hường vừa đẹp, lại con nhà danh giá. Còn Quyến thì quê mùa, xấu xí, gốc gác hạ tiện. Rồi bà nói:                             

 - Coi chừng chê tôm ăn cá lù đù con ạ!                                                                                                

Lũy không nghe lời mẹ nói vìmột ý nghĩ vụt thoáng qua đầu làm lòng anh tự nhiên thấy hưng phấn lạ thường. Trước khi gặp mẹ, anh có tâm trạng buồn nản, chán chường, muốn bỏ học vì mẹ đã cố tình phá vỡ sự lựa chọn của anh. Giờ anh thấy mình thật vô lý. Quyến là người con gái có hoàn cảnh rất kém may mắn. Vậy mà đã biết sống hết sức năng nổ qua những việc làm lợi mình, lợi người. Trong khi, mình vừa gặp một chướng ngại đã tỏ ra bi quan, rõ thật không xứng đáng với cô chút nào. Nghĩ vậy, nên anh không muốn áp dụng cách của kẻ si tình, đi van xin tình yêu. Theo anh, vì Quyến là người có bản lĩnh, anh phải cố gắng phát triển tài năng và đạo đức thì mới hy vọng đạt được mong muốn. Còn lúc này, nếu được gặp cô, anh sẽ cứ chấp nhận là bạn như cô yêu cầu.

Sau khi mẹ về rồi, Lũy thường đến những chùa lớn vào ngày rằm và mùng một cốt để tìm hiểu, học hỏi ở những người lớn tuổi hiểu đạo về những lời dạy của Đức Phật chỉ ra cách sống tốt trong cuộc đời.

Một hôm, anh đang cho xe chạy đến chùa thì thấy dáng một người con gái, phía sau sao giống Quyến quá. Anh cho xe chạy chậm và ngoái cổ nhìn. Đúng rồi, đó là Quyến. Lũy mừng đến nỗi không còn giữ được cử chỉ tự nhiên. Anh dồn dập hỏi Quyến với dáng điệu cuống quýt làm cô cảm động. Một lát sau, anh giữ bình tĩnh, mới nhận ra mắt cô có vẻ sưng và hoe hoe đỏ. Anh gặng hỏi hoài nguyên nhân nhưng cô không nói. Cuối cùng thấy bạn quá tha thiết, cô đã kể rõ hết sự việc cô đi tìm tung tích mẹ cha.                                                                          

Thế rồi, họ chia tay sau cuộc nói chuyện ngắn ngủi, để lại trong lòng Lũy, lúc thì buồn thật khó tả, lúc lại sung sướng lâng lâng. Anh buồn vì nghe hoàn cảnh đau lòng của Quyến và càng buồn hơn do cô từ chối không cho anh biết chỗ ở. Còn anh sung sướng vì biết bạn vào đây để học đại học và học ngành rất tốt cho tương lai. Nhưng khi suy nghĩ lại, anh thấy lo vì sợ Hường biết được, sẽ nguy lớn. Do đó, anh đã gọi hỏi thăm bạn bè về Hường. Một vài bạn học cho anh biết không rõ lúc này cô làm ăn gì, chỉ thấy đi xe rất sang và tiêu xài rộng rãi lắm. Cô thường đi chơi chung với nhóm bạn nam nữ tóc vàng, tóc đỏ. Nhóm thanh niên ai cũng đeo bông tai hột xoàn lóng lánh nữa. Có lần, một người bạn của anh được Hường mời đi ăn sinh nhật ở nhà hàng năm sao về kể lại, Lũy nghe và giật mình khi biết cách sống của họ. Bữa tiệc hôm ấy, đồ ăn thức uống họ dùng toàn thứ cao cấp, sang trọng, bỏ thừa mứa la liệt trên bàn. Anh nghĩ cô ta đã bị nếp sống cuồng nhiệt này lôi cuốn rồi nên không còn lo cho Quyến nữa.

Vậy là, trong suốt những năm học đại học và cho tới ngày mãn khóa, dòng đời của Quyến trôi qua rất êm ả. Khi ra trường, Quyến nhờ đậu cao, có khả năng ngoại ngữ và cách giao tiếp tự tin, khiêm nhường nên đã được một công ty nước ngoài tuyển dụng. Còn về Lũy, anh được sự khích lệ vô hình của Quyến nên đã cố gắng học tập và trau dồi phẩm chất đạo đức của một con người biết sống cho mọi người. Vì thế, trong thời gian đi học, anh thường tham gia vào các chương trình xã hội như đi phát quà cho dân nghèo ở các vùng quê xa xôi, nấu cơm từ thiện phát cho những bệnh nhân ở các bệnh viện trong thành phố, giúp tiền những bệnh nhân ung bướu...Thỉnh thoảng, anh còn theo một vài chùa đi phóng sinh. Thấy vậy, một số bạn học đã chê anh không lo tập trung vào việc học mà đi làm chuyện tào lao. Họ đâu có rõ khi vào xin việc ở một công ty Mỹ, câu hỏi về công tác xã hội mới là phần quyết định cho việc thâu nhận nhân viên. Lũy đã tìm hiểu và biết người Mỹ rất trọng dụng những người tài năng có quan tâm nhiều đến lãnh vực cộng đồng. Vậy nên, họ mới có những nhà tỷ phú có tấm lòng rộng rãi, sẵn sàng dâng hiến một phần tài sản rất lớn cho các công trình nghiên cứu, giúp vào nền văn minh của loài người và làm nhiều việc từ thiện khác... (Xin mời xem phần cuối)

 

 

 

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập