Chung trà đạo cho lòng trần bớt tục

Đã đọc: 1039           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Chúng ta lâu nay mỗi ngày thường uống trà, tại sao hôm nay gọi “uống Phổ trà”? Ấy là do lòng nhân từ của tiền bối mượn uống trà để kỉnh tỉnh môn đồ. Xưa Triệu Châu lão nhân đạo đức cao siêu, học giả mười phương đến tham học rất đông. Một hôm, có hai vị tăng mới đến, Triệu Châu chỉ một vị hỏi: “Thượng tọa từng đến đây chưa?”. Vị tăng thưa: “Chưa từng đến”. Triệu Châu bảo: “Uống trà đi!”. Lại hỏi vị tăng khác: “Từng đến đây chưa?”. Vị tăng ấy thưa: “Đã từng đến đây”. Triệu Châu bảo: “Uống trà đi!”. Viện chủ bạch: “Người chưa từng đến dạy uống trà còn có thể được, người đã từng đến vì sao cũng dạy uống trà đi?”. Triệu Châu gọi “Viện chủ!”. Viện chủ đáp: “Dạ!”. Triệu Châu bảo: “Uống trà đi!”. Như thế, cả ba người đều được lợi ích. Sau này truyền khắp thiên hạ “Trà Triệu Châu”.

TRÀ ĐẠO CUỐI NĂM

 

Không thể níu những lợi danh trần thế

Thì nhâm nhi hương vị của phù vân

Thân chớm mỏi… không dung cơn tuý luý

Nhấp chung trà lãng đãng chút tình xuân

 

Trà cuối năm không ai người đối ẩm

Ta nỗi-niềm-bạn-lữ với mười phương

Chút yêu mến cũng ấm lòng tri túc

Giữa phù vân thấp thoáng những thân thương

 

Ta dốt đặc cái lễ nghi trà đạo

Nên nhâm nhi rất dân dã rất thiền

Như cái thuở chưa phân chia trời-đất

Gã tục phàm thi phú với thần tiên

 

Chung trà đạo cho lòng trần bớt tục

Để sáng mai: năm mới trọn tâm hồn

Tận nhân lực và biết tri thiên mệnh (*)

Trân trọng mình – cảm tạ cả càn khôn…

 

(TT LBB; Thivien.net)

---

(*) Thiên mệnh: đại luật vận hành của vũ trụ.

------------   

TÂM NĂNG CỦA THIỀN GIÁC NGỘ

(Lược trích một số sưu tầm)

 

- “Thiền khai phóng tất cả năng lực nội tại và tự nhiên tích tập trong mỗi người chúng ta.” (Thiền luận I; D. T. Suzuki; Trúc Thiên dịch).

 

- “Thân thể ta có thể ví như một cục “pin” điện, trong ấy tiềm phục một năng lực huyền bí.” (D. T. Suzuki; sách đã nêu).

 

- “Ta thường quáng mắt không biết mình đang làm chủ cả một kho tàng vô tận, gồm đủ năng khiếu cần để sống vui và thương yêu lẫn nhau.” (D. T. Suzuki; sách đã nêu).

 

- “Vô minh là bỏ nhà ra đi, và Giác Ngộ là trở về.” (D. T. Suzuki; sách đã nêu).

 

- “Nhưng dầu không thấu triệt được ý nghĩa tối hậu của kiếp người, vẫn có cái gì trong đó khiến ta vui không cùng để mà sống, và qua mọi cuộc thăng trầm ta vẫn thảnh thơi mà an thân lập mệnh, không thắc mắc, không hoài nghi, không bi quan yếm thế.” (D. T. Suzuki; sách đã nêu).

 

- “Trí năng bao giờ cũng nhìn ra ngoài, quên rằng “có một cái nhìn bên trong có khả năng trực nhận Thượng Đế chân thật Độc Nhất”. (Thiền luận II; D. T. Suzuki; Tuệ Sỹ dịch).

- “Giác ngộ không phải là một công việc riêng tư chẳng can dự gì đến khối lớn cộng đồng; điểm tựa của nó được đặt ngay trong lòng vũ trụ.” (Thiền luận III; D. T. Suzuki; Tuệ Sỹ dịch).

 

- “Dần dà trong quá trình tiến hoá trong thế giới tế vi xuất hiện đu-khơ – là khối năng lượng tâm thần kết đông dưới dạng các trường xoắn, có thể bảo toàn vĩnh cửu trong mình một khối lượng thông tin to lớn. Nhiều đu-khơ tạo thành giữa chúng những mối liên hệ thông tin và tạo ra Không gian thông tin toàn thể, tức Cõi kia.” (Chúng ta thoát thai từ đâu; E. Munđasép; Hoàng Giang dịch).

 

- “Không còn hoài nghi gì nữa về ảnh hưởng to lớn của năng lượng tâm thần tới cơ thể con người.” (E. Munđasép; sách đã nêu).

 

- “Thế giới vi tế tức thế giới năng lượng tâm thần (thế giới tần số siêu cao) phải có sự chuyển đổi qua lại, và có mối quan hệ tương hỗ với thế giới vật thể, theo kiểu năng lượng sóng chuyển sang dạng vật chất và ngược lại. Nói một cách khác, phải có vật chất hoá ý nghĩ và phi vật chất hoá vật thể thành ý nghĩ. Các nhà vật lí thường nhấn mạnh ý nghĩ có tính vật chất, và hình như điều đó đúng.” (E. Munđasép; sách đã nêu).

 

- “Một số nhà vật lí học hiện đại cho rằng, một mét khối Tuyệt đối có tiềm lực năng lượng bằng công suất 40.000 tỉ quả bom hạt nhân.(…) Mà chỉ có con người mới nắm được năng lượng này, bởi con người chính là tiểu vũ trụ của đại vũ trụ.” (E. Munđasép; sách đã nêu).

 

- “Để nắm được năng lượng vũ trụ, người Lê-mu-ri đã sử dụng các phương pháp vốn có ở Cõi kia. Cơ sở của các phương pháp đó (thời nay nghe thật lạ tai) là các khái niệm giản đơn: “thiện” và “yêu thương”. (E. Munđasép; sách đã nêu).

 

- “Hiệu quả của sự thanh lọc tâm hồn cực kì lớn lao.” (E. Munđasép; sách đã nêu).

 

- “Tâm năng (năng lượng tâm ý) mạnh mẽ vô cùng, nó có khả năng tác động lên lực hấp dẫn.” (E. Munđasép; sách đã nêu).

 

- “Bởi vì thức tâm cũng khởi lên từ nền tảng, nên hoạt động này ảnh hưởng toàn nhân loại cũng từ nền tảng.” (Chấm dứt thời gian; J. Krishnamurti; Đào Hữu Nghĩa dịch).

 

- “Tâm linh là gì?

Dù có ý thức rõ ràng hay không, chúng ta đều hiểu “tâm” như nguồn gốc phát sinh, như người đạo diễn ẩn diện (ẩn mặt), như nguyên lý động lực học của tư duy, tình cảm, ý chí, ham muốn… (tóm lại) của mọi hoạt động hay đời sống tinh thần. (…).

“Linh” hay linh thiêng là tác dụng hay hiệu lực “vật chất” lên cuộc sống của con người hay tồn tại của vật thể. (…).

Tâm Linh là cái Tâm phiếm hình nhưng lại có hiệu ứng Linh. Như vậy trong tiếng Việt ta xưa nay vẫn có một từ hoàn toàn tương ứng với cả nội hàm, cả ngoại diên của tâm linh, đó là “thần”. (…) “Thần” ứng dụng cả cho người, cả cho vật, cả lúc sống, cả lúc chết (…).

(…)

Nhiều danh nhân thuộc đủ bộ môn học thuật đã nhìn ra cái bi kịch của nhân loại thế kỉ XX, và nguyên nhân của nó lại đang được kéo dài sang thế kỉ XXI, và đã mường tượng, đã tìm ra, đã khẳng định lối thoát ra khỏi cơn khủng hoảng toàn cầu, sinh lộ cho tồn vong nhân loại. Hãy nhớ lại câu nói: “Khoa học của thế kỷ XXI phải là khoa học tâm linh, nếu không sẽ không làm gì còn khoa học nữa”. (André Malraux).”

(Vấn đề tiềm năng con người; Tinh Tiến; Chungta.com).

 

- “Một ngày nào đó của thiên niên kỉ thứ 3, con người sẽ hỏi đâu là sự khám phá quan trọng nhất của thế kỉ 20 đối với nền văn minh Tây phương, khi ấy câu trả lời không phải là sự khám phá ra năng lượng nguyên tử, cũng không phải là sự khám phá ra những vũ trụ song đối, mà chính là sự khám phá về trạng thái tự do tối thượng của bản thể con người.” (Question de Albin Michel số 77/1989; Nguyễn Thế Đăng dịch).

 

- “Tuyên ngôn Venise của UNESCO nói: “Khoa học hiện đại đã tiến đến một biên giới, nơi đó sự gặp gỡ của khoa học Tây phương với minh triết truyền thống tâm linh Đông phương là điều tất yếu. Sự gặp gỡ chắc chắn xảy ra đó sẽ đem lại cho nhân loại một nền văn minh mới.” (Báo Giác Ngộ số 15/1991).

 

- (Bài tham khảo)

HƠI THỞ MINH TRIẾT

 

Thở vào, cảm nhận hơi vào

Thở ra, cảm nhận hơi ra

Chú tâm lắng nghe hơi thở

Vọng tâm vọng tưởng dần xa

 

Toạ thiền hoặc không toạ thiền

Miễn sao ngồi thật an nhiên

Thở đều, hơi dài và nhẹ

Vơi bao nghiệp chướng ưu phiền

 

An định: dễ thấy cái “tôi”

Cái khuôn tâm não tháo lơi

Tự tri là gốc minh triết

Tỉnh thức vô ngã chiếu soi

 

Thở vào, cảm nhận hơi vào

Thở ra, cảm nhận hơi ra

Chú tâm lắng nghe hơi thở

Trí tuệ tâm linh thăng hoa

 

Y học có nhiều chứng minh

Công năng của hơi-thở-thiền

Nhân điện điều hoà cơ thể

Năng lượng vũ trụ diệu huyền

 

Vật lí có nhiều chứng minh

Tâm năng của hơi-thở-thiền

Lan toả duyên lành vô tận

Thiện ích khắp nẻo chúng sinh

 

Thở vào, lắng nghe hơi vào

Thở ra, lắng nghe hơi ra

Dần dần biết nghe vọng tưởng

Chân Tâm cực lạc khai hoa… (*)

---

(*) “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình. (Đường Về Minh Triết – có bổ sung; Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn; Thuvienhoasen.org).

------------  

 

ĐÊM TRỪ TỊCH UỐNG PHỔ TRÀ DẠY CHÚNG

(Thiền sư Hư Vân)

 

(…)  Chúng ta lâu nay mỗi ngày thường uống trà, tại sao hôm nay gọi “uống Phổ trà”? Ấy là do lòng nhân từ của tiền bối mượn uống trà để kỉnh tỉnh môn đồ. Xưa Triệu Châu lão nhân đạo đức cao siêu, học giả mười phương đến tham học rất đông. Một hôm, có hai vị tăng mới đến, Triệu Châu chỉ một vị hỏi: “Thượng tọa từng đến đây chưa?”. Vị tăng thưa: “Chưa từng đến”. Triệu Châu bảo: “Uống trà đi!”. Lại hỏi vị tăng khác: “Từng đến đây chưa?”. Vị tăng ấy thưa: “Đã từng đến đây”. Triệu Châu bảo: “Uống trà đi!”. Viện chủ bạch: “Người chưa từng đến dạy uống trà còn có thể được, người đã từng đến vì sao cũng dạy uống trà đi?”. Triệu Châu gọi “Viện chủ!”. Viện chủ đáp: “Dạ!”. Triệu Châu bảo: “Uống trà đi!”. Như thế, cả ba người đều được lợi ích. Sau này truyền khắp thiên hạ “Trà Triệu Châu”. (…).

---

(Thiền Đốn Ngộ. Hòa thượng Thích Thanh Từ tuyển dịch; Thuvienhoasen.org).

--------------  

 

TINH THẦN VĨNH TỊCH Ở TRÀ THẤT
(Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki)

 
(…) Để kết luận: tinh thần Vĩnh Tịch (viviktadharma), tức tinh thần của Thiền tự bộc lộ dưới danh hiệu “Sabi” (Tịch) trong các bộ môn nghệ thuật khác nhau của đời sống, như thuật làm vườn cảnh, trà đạo, hội hoạ, cắm hoa, trang phục, trang trí, trong cách sống, trong vũ điệu nô, thi ca, vân vân. Tinh thần này bao gồm những yếu tố như: giản dị, tự nhiên, không câu nệ, tế nhị, tự do, thân thiện nhưng tỏ ra hững hờ kỳ lạ, và cái chung đụng thường nhật được bao phủ tuyệt diệu với làn sương mù hướng nội siêu việt.

Để điển hình, tôi xin mô tả một trà thất trong một thiền thất tại chùa Daitokuji (Đại Đức Tự). Ngôi chùa này đứng hàng đầu về trà đạo. Con đường lát đá, với những viên đá không được sắp tề chỉnh, dẫn tới một gian nhà nhỏ tầm thường mái lợp tranh, thấp và rất khiêm tốn. Lối vào không đi bằng cửa, mà được làm như kiểu khoét vách; khi bước vào, khách phải cởi bỏ tất cả những vật mang theo, tức là, bỏ lại hết trường kiếm và đoản kiếm, mà trong thời phong kiến một võ sĩ lúc nào cũng mang theo. Bên trong là một căn phòng nhỏ mờ sáng, vuông vức khoảng mười bộ; trần nhà thấp, mặt cao không đồng đều và bằng vật liệu ghép. Các chỗ ngồi không trơn nhẵn, hầu hết được làm bằng gỗ tự nhiên. Tuy vậy, sau một đỗi, khi cặp mắt quen với khung cảnh mới, căn phòng càng lúc càng sáng hơn. Chúng ta nhận thấy trong góc lỏm một bức “thơ vật” (kakimono), một tác phẩm nghệ thuật viết chữ, trông cổ kính, với một thủ thơ hay một hoạ phẩm theo lối mặc hội (sumiye). Một lò hương toả khói thơm có tác dụng làm êm dịu trí não. Bình hoa chỉ cắm độc nhất một nhánh hoa, không lộng lẫy, không hào nhoáng; nhưng giống như một đoá hoa bách hợp màu trắng, nhỏ, dưới một tảng đá chung quanh có những gốc tùng rợp bóng, đoá hoa khiêm tốn vươn cao trong vẻ đẹp, lôi cuốn khách chú mục vào đó; họ có khoảng bốn hay năm người được mời riêng đến nhấm một chung trà để quên những công vụ ngoài đời thường đè nặng lên mình.

Rồi chúng ta nghe tiếng nước sôi trong ấm, bắc trên bếp lửa có ba chân ở một cái lỗ vuông được đào dưới nền nhà. Âm thanh này thực ra không phải của tiếng nước đang sôi, mà do ấm thiếc nặng; khách thưởng giám có thể so sánh rất chính xác với cơn gió nhẹ thổi qua những ngọn tùng. Chừng đó cũng đã là lớn đối với sự yên tĩnh của gian phòng, vì ở đây người ta cảm tưởng như mình đang ngồi đơn độc trong một thảo am sơn dã mà những người bạn tri âm chỉ là một đám mây trắng và tiếng nhạc của ngọn tùng.

Uống một chung trà với bằng hữu trong khung cảnh này và có lẽ bàn luận về nét phác hoạ thuỷ mặc trong góc phòng, hay một đề tài nghệ thuật nào đó được gợi lên bởi những dụng cụ trà ở trong phòng, mà lạ lùng thay, tâm hồn bốc cao lên khỏi những tế toái của đời sống. Người chiến sĩ cởi bỏ quân vụ chiến đấu hằng ngày, thương gia được giải toả khỏi ý tưởng làm tiền ám ảnh của mình. Quả thực, đó há không là cái mà người ta phải tìm kiếm trong thế giới cạnh tranh và hư nguỵ này, một góc phòng, dù nhỏ nhoi, mà nơi đó người ta có thể vượt lên những giới hạn của tương đối để một thoáng nhìn vào vĩnh cửu?”
---
(Daisetz Teitaro Suzuki; Thiền luận - quyển hạ; Việt dịch: Tuệ Sỹ; Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, PL. 2533 – 1989, Thuvienhoasen.org; nxb Tri Thức (Việt Nam), 2017). (TT LBB đặt tựa bài).

-----------------------------------

 

 

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập