Trở về cố quận

Đã đọc: 736           Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Thiền, cốt yếu nhất, là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát. Đưa ta đến uyên nguyên của cuộc sống uống ngụm nước đầu nguồn, Thiền cởi bỏ tất cả những gì ràng buộc chúng ta, những sanh linh hữu hạn, luôn luôn quằn dưới ách khổ lụy trong thế gian này. Ta có thể nói Thiền khai phóng tất cả năng lực nội tại và tự nhiên tích tập trong mỗi người chúng ta, nguồn năng lực ấy, trong hoàn cảnh thường, bị co rút lại, và vặn tréo đi, đến không vùng thoát đâu được.

MÁI ẤM

Chưa tan vỡ cũng đầy nứt rạn
Khi tâm hồn không chốn yêu thương
Khi nỗi nhớ không nơi an trú
Khi thuyền đời lênh đênh trùng dương

Nên khát khao mái ấm gia đình
Để vơi bớt muộn phiền đua chen
Để lòng còn vần thơ liêm khiết
Thắm chân tình - phai nhạt ghét ganh

Nên khát khao mái ấm trăm năm
Nhưng… Cõi đời là những phù vân!
Nhìn lại: bao vô thường tiếp nối
Níu chặt?... Buông lơi?... Thấy bàng hoàng!...

Tâm chợt tỉnh - quên thời lưu lãng
Tìm về Tịnh Độ - mái nhà xưa
Dừng chân giữa quê hương tâm thức
Thanh thản vầng trăng rọi bốn mùa.


(Đường về minh triết, nxb Văn nghệ, 2007)

---

 

NGÂN VỌNG LÒNG TÔI TIẾNG QUÊ XƯA

(Sưu tầm)

 

* Trích trong Thiền Luận-quyển thượng (Daisetz Teitaro Suzuki-thiền sư học giả; Việt dịch: Trúc Thiên; Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, PL. 2533 – 1989; Thuvienhoasen org):

 

“Thiền, cốt yếu nhất, là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát. Đưa ta đến uyên nguyên của cuộc sống uống ngụm nước đầu nguồn, Thiền cởi bỏ tất cả những gì ràng buộc chúng ta, những sanh linh hữu hạn, luôn luôn quằn dưới ách khổ lụy trong thế gian này. Ta có thể nói Thiền khai phóng tất cả năng lực nội tại và tự nhiên tích tập trong mỗi người chúng ta, nguồn năng lực ấy, trong hoàn cảnh thường, bị co rút lại, và vặn tréo đi, đến không vùng thoát đâu được.

 

Thật vậy, thân thể ta có thể ví như một cục “pin” điện, trong ấy tiềm phục một năng lực huyền bí. Khi nguồn nội lực ấy không được vận dụng đúng cách thì, hoặc bị mốc meo mà mai một, hoặc nghịch biến mà phát loạn. (…) Ta thường quáng mắt không biết mình đang làm chủ cả một kho tàng vô tận gồm đủ năng khiếu cần để sống vui, và thương yêu lẫn nhau. Mọi cuộc tranh đấu diễn ra quanh ta toàn bắt nguồn từ sự vô minh ấy, nên Thiền muốn ta mở bừng con mắt thứ ba - huệ nhãn - theo thuật ngữ Phật giáo, trên cảnh giới ấy ta chưa bao giờ mơ tưởng đến, bị khuất lấp bởi vô minh. Hễ vẹt mây vô minh thì càn khôn toàn hiển, và đó là lúc nhãn quang ta, lần đầu tiên, phóng chiếu tận thể tánh của chúng ta. Bấy giờ, ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống, ta biết rằng đó không phải là một nỗ lực mù quáng, mà cũng không phải là trường thao diễn những bạo lực vô tri. Nhưng dầu không thấu triệt được ý nghĩa tối hậu của kiếp người, vẫn có cái gì trong đó khiến ta vui không cùng để mà sống, và qua mọi cuộc thăng trầm ta vẫn thảnh thơi mà an thân lập mệnh, không thắc mắc, không hoài nghi, không bi quan yếm thế.”

--

* (Sách nêu trên)

 

“Linh hồn bất tử hay không bất tử, đó là một vấn đề lớn. Ta có thể nói lịch sử tôn giáo toàn xây dựng trên một câu hỏi ấy. Ai ai cũng muốn biết về cái sống sau khi chết. Ta đi đâu sau khi bỏ trái đất này? Thật có một đời sống khác không? Hay hết đời này là hết tất cả? Trong khi phần đông có lẽ không hề bứt rứt về ý nghĩa tối hậu của người cô liêu, “người không bạn”, nhưng chắc không ai khỏi tự hỏi, ít nhất một lần trong đời mình, về số phận của mình sau khi chết.”

--

* (Sách nêu trên)

 

“Nếu nhân “một niệm dấy lên”, vô minh đi vào đời ta, thì sự thức tỉnh của một niệm (hoặc tư tưởng) khác phải chấm một dấu chấm hết cho vô minh, và quyết định cơ Giác Ngộ. Và trong trạng thái ấy không còn một tư tưởng nào là đối tượng của bất cứ ý thức luận lý hoặc suy luận kinh nghiệm nào; vì trong Giác Ngộ, người nghĩ, sự nghĩ và ý nghĩ đều hòa tan trong một hành vi duy nhất là kiến chiếu trong thực thể của Chính Mình.”

--

* (Sách nêu trên)

 

“Nếu Giác Ngộ đã làm cho toàn thể vũ trụ rung chuyển sáu cách khác nhau như kinh chép thì vô minh, khi chưa bị hàng phục, ắt vẫn có đủ thần lực ấy, dầu rằng, vì bổn chất và hiệu lực, thần lực ấy diễn ngược hẳn lại với Giác Ngộ. (…).

 

Thoạt tiên - nhưng thực sự không đâu là thoạt tiên hết trong lẽ đạo, ngoại trừ trong cuộc sống hữu hạn của ta, ý chí nảy ra một cái muốn, muốn tự biết nó; ấy thế là mống lên một ý thức, là động niệm, và hễ động niệm thì ý chí bị phân hai. Ý chí, bổn lai là một, là viên mãn một, giờ đây bỗng phân hóa làm hai, thành chủ và khách. Xung đột, do đó, không tránh được. Chủ thì muốn thoát ly tất cả những gì ràng buộc nó trong ước vọng hiểu biết. Kể ra tự nó, nó có khả năng biết được, nhưng đồng thời, với tính cách là khách, vẫn có cái gì nó không thể biết được. Trên đường cầu hiểu biết, vô minh theo liền kiến thức, khắc nghiệt như một định mạng, như bóng theo hình, không sao tách rời được hai ông bạn đồng hành ấy. Nhưng ý chí với tính cách là chủ, buộc phải trở về uyên nguyên, như khi chưa phân hóa thành mâu thuẫn, tức là chốn thanh tịnh an nhiên. Nhưng “tình quê” ấy không thể thỏa mãn được nếu không trải qua những thử thách dẳng dai, đầy kham khổ. Bởi lẽ một khi cái một bị tách làm hai rồi thì chiến đấu là cần, rất dõng mãnh, mới phục hồi được nguyên trạng. Nhưng phục hồi không phải chỉ là phản bổn hoàn nguyên, vì cái “bổn” ban đầu nhân phân hóa, chiến đấu và hoàn phục còn được sang giàu thêm gấp bội.

 

Khi sự phân hóa mới phát hiện đầu tiên ở ý chí, ý thức mảng say mê nó mới nó lạ, nó có tài giải quyết những vấn đề thực dụng nên quên mất sứ mạng của nó, là chiếu sáng ý chí. Thay vì chuyển ngược cái sáng vào trong chính nó nghĩa là vào ý chí, tự đó nó bắt nguồn hiện hữu, nó lại đeo dính thế giới khách trần, hiện tượng và khái niệm. Thảng hoặc nó phản tỉnh lại mà nhìn vào trong thì thấy ngay ở đó một thế giới thuần nhất tuyệt đối, và những gì là đối tượng bấy lâu nó khao khát tìm hiểu lại vẫn là chủ thể, tức chính nó vậy. Gươm không tự chặt được gươm. Ý thức không quét sạch được vô minh vì vô minh là thể chất cố hữu của ý thức. Chỉ còn có cách là ý chí vận hết khí lực bình sanh để tự minh tự độ, mà vẫn không phá đổ ý thức cố hữu, hoặc nói đúng hơn, là để thấu đạt đến căn nguyên xung yếu nhất của ý thức. (…) Trong ý chí thật ra còn có cái gì khác hơn là ý chí, còn có cái biết và cái thấy. Thấy là tự thấy, nhân đó Ý Chí được tự do tự chủ. (…)”.

--

* (Sách nêu trên)

 

“Vô minh là bỏ nhà ra đi, và Giác Ngộ là trở về. Suốt thời gian phiêu bạt, ta nếm đủ mùi khổ đau cay đắng, nên cõi trần ta sống đây chắc không có gì đáng thèm khát quá vậy. Tuy nhiên, Giác Ngộ đến là chấm dứt tất cả, tưởng như một lần nữa ta trở về ngồi yên trong nhà ta, ở đó bổn lai là tự do và yên tịnh. (…).

 

Cảm giác trở về nhận lại những cựu sự xa xưa chứng nghiệm trong giây phút thành đạo là việc rất thường gặp ở những người tu Thiền. (…) Với người thâm ngộ, “phản bổn hoàn nguyên” có nghĩa là sau bao thuở lưu lãng phong trần, một lần nữa Ý Chí trở về ngôi nhà cũ an thân lập mệnh với một kho tàng chứng nghiệm vô biên, và một huệ giác chiếu diệu khả dĩ sẽ soi từng bước đi trong cõi đời vô tận.”

--

* Trích trong Thiền Luận-quyển trung (Daisetz Teitaro Suzuki-thiền sư học giả; Việt dịch: Tuệ Sỹ; Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, PL. 2533 – 1989; Thuvienhoasen org):

 

“Như vậy, Ngộ là toàn thể của Thiền, Thiền bắt đầu từ đó mà chấm dứt ở đó. Bao giờ không có Ngộ, bấy giờ không có Thiền. “Ngộ là thước đo của Thiền” như một tôn túc đã nói. Ngộ không phải là một trạng thái an tĩnh không thôi; nó không phải là sự thanh thản mà là một kinh nghiệm nội tâm không có dấu vết của tri thức; phải là sự thức tỉnh nào đó phát khởi từ lãnh vực đối đãi của tâm lý, một sự trở chiều với hình thái bình thường của kinh nghiệm vốn là đặc tính đời sống thường nhật của chúng ta. Thuật ngữ của Đại thừa gọi đó là chuyển y (Paravritti) “quay trở lại” hay lật ngược ra cái cơ sở của tâm ý, ở đây toàn bộ kiến trúc tâm thức trải qua một cuộc thay đổi toàn diện. Điều kỳ diệu là một cái thấy của Ngộ (satori) có thể gây ra một lần tái tạo như thế trong cái nhìn của tâm linh. Nhưng các ký lục của Thiền minh chứng điều này có thực. Do đó sự phát khởi của Bát-nhã ba-la-mật, một biệt danh của Ngộ (satori), là tinh yếu của Thiền.”

--

* (Sách nêu trên)

 

“Sự kiện quan trọng đối với kinh nghiệm tôn giáo, cần phải ghi nhận nơi đây. Là nó ráo riết đòi hỏi kẻ tìm kiếm Thượng Đế hay chân lý vứt bỏ tất cả kiến thức và học thuật mà y thâu lượm được. Dù là Kitô hữu hay Phật tử, dù là Tịnh độ hay Thánh đạo, sự đòi hỏi ráo riết ấy đều quan trọng ngang nhau. (…).

 

Lý do tại sao các bậc Đạo sư không ưa lối trí năng là thế này: nó không mang lại cho chúng ta bản thân sự vật, mà chỉ có những biểu tượng, những hình ảnh, những giải thích và những liên hệ của chúng; luôn luôn nó dẫn chúng ta ra khỏi chính mình, nghĩa là chúng ta lạc vào rừng rậm của suy lý và tưởng tượng không cùng, không cho chúng ta sự thanh bình nội tại và sự an dưỡng tâm linh. Trí năng bao giờ cũng nhìn ra ngoài, quên rằng “có một cái nhìn bên trong có khả năng trực nhận Thượng Đế chân thật Độc Nhất.”

--

* Trích trong Thiền Luận-quyển hạ (Daisetz Teitaro Suzuki-thiền sư học giả; Việt dịch: Tuệ Sỹ; Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, PL. 2533 – 1989; Thuvienhoasen org):

 

“Phát bồ đề tâm” trong Phạn ngữ là bodhicittotpàda, mà nói đủ là “anuttaràyàm samyaksambodhau cittam utpàdam”, tức là : Phát khởi vô thượng chánh giác tâm. (…).

 

Do đó, Bodhicittotpàda là một sự kích phát tâm linh mới mẻ, nó thay đổi trung tâm năng lực của ta. Đó là sự trước ý về một khát vọng tôn giáo mới mẻ, tạo ra một sự đột biến trong cơ cấu tinh thần của ta. Một người trước kia vốn là kẻ bàng quan đối với đời sống tôn giáo, nay y ấp ủ một ước vọng nóng bỏng mong giác ngộ, hay mong cầu nhất thiết trí (sarvajnatà), trọn cả dòng sống ngày mai của y được xác định từ đó - đó là Bodhicittotpàda. (…).

 

Giác ngộ không phải là một công việc riêng tư chẳng can dự gì đến khối lớn cộng đồng; điểm tựa của nó được đặt ngay trong lòng vũ trụ. Khi mà tôi giác ngộ, thì trọn cả Pháp giới (Dharmáphàtu) cũng giác ngộ; thực sự , cái lý giác ngộ của tôi là cái lý của Pháp giới (Dharmadhàtu), cả hai buộc trói lẫn nhau rất sít sao. Vì vậy, nói rằng tôi đã có thể thai nghén một hoài bão to tát cho sự giác ngộ, cái đó nghĩa là cả thế gian đều muốn được giải phóng khỏi vô minh và những dục vọng tội lỗi. Đó là ý có nghĩa của những lời được dẫn dưới đây, phát ra từ Hải Vân tỳ kheo (Sàgramegha), một trong những vị thầy mà Thiện Tài (Sudhana) đến viếng trong cuộc lữ hành cầu đạo trường kỳ của mình: “Hay thay, ông đã làm trỗi dậy ước vọng mong cầu giác ngộ tối thượng; đó là việc không thể có cho những ai chưa từng chứa nhóm đầy đủ thiện căn trong những đời quá khứ.” Cái được gọi là “thiện căn” chỉ có giá chừng nào nó làm ích lợi cho tất cả thế gian. Nếu không thể phụng sự cho toàn thể môi trường gồm những thân thuộc mà mình đứng trong đó, nghĩa là, nếu cái nhìn tâm linh của mình mà không trải ra đến bờ cõi xa xôi nhất thì Thiện đức (kusala) của y không phải là “Thiện đức” thứ thiệt, và chẳng có cái lối chứa nhóm nào như vậy mà lại có thể làm trỗi dậy ước vọng giác ngộ.”

--

* Trích trong Chúng Ta Thoát Thai Từ Đâu (Erơnơ Munđasep-giáo sư tiến sĩ y học (Nga), nhà bác học tên tuổi quốc tế; dịch giả: Hoàng Giang; nxb Thế Giới, 2009): 

 

Người cổ xưa cho rằng, vật chất sinh ra từ khoảng không. Nhà vật lí thiên tài Nga Ghên-na-đi Si-pốp, người đã lập được phương trình (A. Anh-xtanh đã không lập được) mô tả vật lí chân không, tức Tịnh vô tuyệt đối hoặc Tuyệt đối, cũng cho như vậy. Cùng quan niệm này có cả thành viên đoàn thám hiểm chúng tôi, chuyên gia vật lí trường, phó tiến sĩ khoa học kĩ thuật Va-lê-ri Lô-ban-cốp.

 

Tôi và Va-lê-ri Lô-ban-cốp thảo luận nhiều về đề tài này. Dưới đây tôi xin trình bày kết quả của những cuộc thảo luận đó.

 

Tuyệt đối đó không đơn thuần là tịnh vô; đó là Khoảng Không có Cái gì đó. Trước mắt, khoa học chưa biết Cái gì đó. Theo G. Si-pốp, nguyên tử và phản nguyên tử phát sinh từ Tuyệt đối. Chúng sinh ra, đụng độ nhau và huỷ diệt nhau. Nhưng có một lần, cách đây nhiều tỉ năm, vào một thời điểm các nguyên tử và phản nguyên tử sau khi tạo thành trong không gian, đã tản đi. Vật chất phát sinh từ Tuyệt đối là như vậy.

 

Các trường xoắn và phản xoắn (xoắn theo cách khác) siêu tần số cùng phát sinh từ Tuyệt đối, chúng cùng huỷ diệt lẫn nhau và hỗ trợ Tuyệt đối. Nhưng cũng có thể xuất hiện thời điểm, khi các trường xoắn huỷ diệt nhau tản đi. Thế giới tế vi phát sinh từ Tuyệt đối là như vậy.

Theo giả thuyết của G. Sipốp: giữa các trường xoắn của thế giới tế vi và ý thức có mối liên hệ trực tiếp, bởi các trường xoắn là những chất chứa đu-sa và đu-khơ.

Từ đó suy ra từ Tuyệt Đối đã phát sinh hai thế giới - thế giới vật thể và thế giới tế vi.

Thế giới vật thể phức tạp dần. Xuất hiện sao, hành tinh, các hệ ngân hà v.v…

 

Thế giới tế vi bao gồm các trường xoắn khác nhau cũng phức tạp dần. Khó nói thế giới tế vi phức tạp và hoàn thiện dần bằng cách nào. Nhưng có thể nghĩ các trường xoắn của không gian-thời gian ngày một tích lượng thông tin nhiều hơn, tức có khả năng chứa đựng trong mình ngày một nhiều thông tin hơn. Có thể, đã xuất hiện những trường xoắn nhiều tầng, nhiều lớp hơn (nếu suy nghĩ trên quan điểm hình học), có thể quá trình phức tạp hoá các trường xoắn có tính chất khác nhau. Dần dà trong quá trình tiến hoá trong thế giới tế vi xuất hiện đu-khơ – là khối năng lượng tâm thần kết đông dưới dạng các trường xoắn có thể bảo toàn vĩnh cửu trong mình một khối lượng thông tin to lớn. Nhiều đu-khơ tạo thành giữa chúng những mối liên hệ thông tin và tạo ra Không gian thông tin toàn thể, tức Cõi kia (…).  

 

(…) Cùng với sự tạo ra con người bằng nỗ lực của thế giới tế vi (Cõi kia), các dạng sự sống đơn giản hơn cũng được tạo nên ở thế giới vật thể - con vật, côn trùng, cây cỏ v.v… Nguyên lí tạo thế giới thực vật và thế giới động vật vẫn như vậy - bằng cách cô đặc dần các dạng trường xoắn đơn giản hơn của Cõi kia.

 

Liệu con người trong thế giới vật thể có thể sống thiếu Cõi kia không? Sau khi tạo bộ gen và nhờ đó tiến hành quá trình tái tạo con người (sinh đẻ đứa trẻ) trên Trái đất, đu-khơ giữ lại cho mình chức năng tư duy chủ yếu.

Trong quan niệm tôn giáo, khi đứa bé chào đời đu-khơ nhập vào đứa trẻ và ấn định những năng lực tư duy chủ yếu của con người. Nghĩa là, chúng ta suy nghĩ chủ yếu nhờ vào đu-khơ sống ở thế giới tế vi. Nhờ năng lượng thế giới vật thể (ăn uống) não người có khả năng vặn các trường xoắn của thế giới tế vi và như vậy hỗ trợ đu-khơ trong quá trình tư duy.

Ngoài ra, não còn tạo các trường xoắn phụ hình thành đu-sa (sinh trường) ở dạng các thể thanh bai và các thể khác hỗ trợ cơ thể người hoạt động. Sau khi xác thân chết, nhiều bộ phận tạo thành đu-sa (các thể thanh bai) cũng bị phá huỷ, còn lại đu-khơ thì bay về Cõi kia và tiếp tục sống ở thế giới tế vi để rồi lúc nào đó lại bước vào kiếp mới. Vậy là con người, sau khi được tạo ra trong thế giới vật thể nhờ các “nỗ lực” của thế giới tế vi, là sự kết hợp các hình thái sự sống ở thế giới vật thể và thế giới tế vi.

 

Mọi người đều biết rõ khái niệm karma (nghiệp), tức là các “vết tích” của các tiền kiếp để lại trong đu-khơ. Giai đoạn trần thế ở thế giới vật thể, đu-khơ có thể hoàn thiện mà cũng có thể thoái hoá. (…) Chính con người khác biệt với con vật ở chỗ: bộ máy tư duy của con người có nhiệm vụ hoàn thiện đu-khơ (đưa vào đó nhiều thông tin xây dựng) và bằng cách đó, hoàn thiện hình thái sự sống ở thế giới tế vi. Nói cách khác, là đứa con thể xác của sự sống nơi thế giới tế vi, con người có sứ mệnh thông qua thế giới vật thể thúc đẩy sự tiến bộ nơi thế giới tế vi. Con người được tạo ra cũng là bởi lẽ đó.

 

Rõ ràng là, về tầm mức, hình thái sự sống nơi thế giới tế vi (Cõi kia) cao hơn đáng kể so với sự sống ở thế giới vật thể. Đu-khơ bất tử là một xác nhận. (…).

--

* (Sách nêu trên)

 

Khi nghiên cứu vấn đề này tôi chưa biết là cơ sở chữa bệnh của các phương pháp đông y cổ đại (bằng “nội năng”) là giải phóng cơ thể khỏi tâm năng tiêu cực. Lúc đó tôi đâu đã phỏng đoán được rằng tình yêu thương và cảm thông, vẫn được tuyên truyền ở phương Đông, là thuốc giải độc không chỉ đối với các tính chất hung dữ và hèn nhát, mà còn phòng ngừa được bệnh tật. Và tất nhiên khi đó, ngay trong giấc mơ huyền thoại tôi cũng chẳng hình dung được việc giải thoát cơ thể khỏi tâm năng xấu còn có thể dẫn đến kì quan đại định – thân thể khô cứng mà vẫn bảo toàn được sự sống hằng nghìn và hằng triệu năm (trạng thái xô-ma-chi).

   

(…) Không còn hoài nghi gì nữa về ảnh hưởng to lớn của năng lượng tâm thần tới cơ thể con người; mà có được trạng thái xô-ma-chi chính là nhờ tham thiền đấy thôi.

 

(…) Thoạt nghe những từ ngữ “tình cảm trong sáng”, “tâm hồn trong sạch” như những khái niệm mờ mờ ảo ảo. Song chúng ta cùng nhớ lại, để nhập định sâu cần phải “thanh lọc tâm hồn”, tức phải giải phóng khỏi những trường xoắn tiêu cực. Hiệu quả của sự thanh lọc tâm hồn cực kì lớn lao – thân thể con người có khả năng bảo toàn hàng nghìn và hàng triệu năm ở dạng sống.

 

(…) Cụ thể là, nhờ tham thiền, sinh trường của tu sĩ ở trạng thái áp đảo quá trình tái sinh bệnh hoạn (ung thư), ổn định chức năng của các tế bào bệnh và kích thích các tế bào bình thường của cơ thể tái sinh. Nói một cách khác, bí quyết trường thọ ở các môn đồ không phải vì chu kì sống của các tế bào gia tăng, mà là sự thay thế các tế bào già nua bằng các tế bào mới và phòng ngừa suy biến thành ung thư.

 

(…) Trên bước đường khoa học của mình, tôi luôn luôn đi theo cách thứ hai, nghĩa là từ cái chung đến cái riêng. Vì đã nhằm mục đích là giải quyết những vấn đề y học cụ thể, trước tiên là bệnh ung thư, muốn hay không chúng tôi cũng phải nghiên cứu năng lượng tâm thần và những vấn đề liên can là nguồn gốc loài người và vũ trụ.

--

* (Sách nêu trên)

 

Thế giới vi tế tức thế giới năng lượng tâm thần (thế giới tần số siêu cao) phải có sự chuyển đổi qua lại, và có mối quan hệ tương hỗ với thế giới vật thể theo kiểu năng lượng sóng chuyển sang dạng vật chất và ngược lại. Nói một cách khác, phải có vật chất hoá ý nghĩ và phi vật chất hoá vật thể thành ý nghĩ. Các nhà vật lí thường nhấn mạnh ý nghĩ có tính vật chất, và hình như điều đó đúng.

 

(…) Nền khoa học hiện đại đã đạt tới tầm mức nhận thức được tôn giáo và hiểu rằng, học thuyết con người phát sinh từ con khỉ của Đác-uyn quá thô thiển, còn tôn giáo chẳng là cái gì khác ngoài một cách trình bày phóng dụ tri thức của các nền văn minh cổ đại.

 

(…) Tôi tuyệt đối tin rằng sự sống vật thể trên trái đất đã được tạo ra bằng cách hồn cô đặc dần. Mọi học lí cho rằng, sự sống trên trái đất xuất hiện do những phân tử phức tạp tự phát sinh và cô đọng thành những cơ thể sống, không vững vàng, xét cả trên quan niệm tôn giáo lẫn quan điểm vật lí học và hoá học hiện đại.

 

(…) Trước mắt, nền văn minh của chúng ta còn chưa biết sử dụng năng lượng vũ trụ. Mà năng lượng đó lại rất to lớn. Một số nhà vật lí học hiện đại cho rằng, một mét khối Tuyệt đối có tiềm lực năng lượng bằng công suất 40.000 tỉ quả bom hạt nhân.(…) Mà chỉ có con người mới nắm được năng lượng này, bởi con người chính là tiểu vũ trụ của đại vũ trụ.

 

Để nắm được năng lượng vũ trụ, người Lê-mu-ri đã sử dụng các phương pháp vốn có ở Cõi kia. Cơ sở của các phương pháp đó (thời nay nghe thật lạ tai) là các khái niệm giản đơn: “thiện” và “yêu thương”.

 

(…) Vì vậy, để có một tâm hồn trong sạch, như lời các đạo sư, chỉ có thể tu thân - một công việc lớn lao, tự thể hiện mình và thậm chí hi sinh, nhưng… nhất thiết phải để đạt mục tiêu chung nào đó của nhân loại, chứ không đơn giản chỉ để tự khẳng định mình.

 

(…) Vì vậy, trong cuộc sống cần lắng nghe lương tâm của mình. Cái cảm giác sâu lắng đó luôn luôn nói sự thật, còn nếu đã có lần xử sự trái với lương tâm, thì vết nhơ còn mãi trong tâm hồn.

 

(…) (Thầy Đa-ram nói: ) Năng lượng linh hồn là năng lượng ở ngoài electron và ngoài proton. Nhưng tâm năng mạnh mẽ vô cùng, nó có khả năng tác động lên lực hấp dẫn. Năng lượng của nhiều tâm có một sức mạnh lớn lao. Có tâm năng tích cực và tâm năng tiêu cực, chúng gắn liền với nhau.(…) Tâm năng tiêu cực (xấu ác) có thể thu hút các đối tượng phá phách của vũ trụ, tác động lên thiên nhiên. Bởi vậy, cùng với xung đột và chiến tranh, khá thường xuyên xảy ra động đất, rơi thiên thạch…

 

(…) Chúng ta cần nhớ rằng, lòng thiện và tri thức sẽ thúc đẩy quá trình hiện  thực hoá dự báo tích cực về sự phát triển của loài người; còn cái ác và thói hám quyền có thể dẫn đến thảm hoạ toàn cầu trong tương lai, kể cả ngày tận thế, hoặc tạo điều kiện phát triển yếu tố thụt lùi, dẫn đến hoá hoang.

 

(…) Tôi tin rằng, trong tương lai, những lực lượng tích cực trên Trái đất sẽ áp đảo lực lượng tiêu cực và sẽ không có thảm hoạ toàn cầu.

--

* Trích trong Kinh Pháp Hoa - Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn  (hòa thượng Thích Thanh Từ giảng; Thuongchieu net):

 

“Diệu Âm, Quán Thế Âm
Phạm Âm, Hải Triều Âm
Tiếng hơn thế gian kia
Cho nên phải thường niệm”.

Diệu Âm là tiếng nhiệm mầu, Quán Thế Âm là quán tiếng của thế gian. Phạm Âm là tiếng thanh tịnh. Hải Triều Âm là tiếng sóng biển nó vang không dừng.

 

Vậy tiếng gì là tiếng nhiệm mầu, tiếng thanh tịnh, tiếng hải triều? Đó là tiếng không lời ở nơi mình, nghĩa là vượt khỏi căn và trần này, không còn mắc kẹt nơi căn, không còn mắc kẹt nơi trần thì mới nghe được tiếng đó. Cho nên ở đây thường niệm luôn luôn, nhớ chỗ đó không quên, được như vậy đó là không theo tiếng mà mất mình”.

--

* Trích trong: Tưởng niệm Daisetz Teitaro Suzuki; bài: Thiền và Từ Bi (Masao Abe; dịch giả Hạnh Viên):

 

“(…) Vô vị chân nhân” của Lâm Tế chẳng qua là chủ thể tuyệt đối này. (…) Cho nên Lâm Tế nói về “Nhân” này: “Nó là kẻ năng động nhất ngoại trừ nó không có gốc rễ, cũng không có thân cành. Có thể các ông cố nắm bắt nó, nhưng nó không ngưng tụ lại; có thể các ông cố xua nó đi, nhưng nó không tan ra. Càng cố đạt nó các ông càng xa nó. Khi không muốn đạt nó nữa, thì kìa, nó ở ngay trước các ông. Tiếng gọi siêu giác quan của nó vang dội trong tai các ông”. (…)”.

--

* Trích trong Vài Dòng Giới Thiệu Về Chữ OM Phạn Ngữ (Huệ DânDaitangkinhvietnam org):

 

“Chữ AUM có 100 ý nghĩa khác nhau và là một từ tối cao và từ tạo được mọi điều. Nếu bạn đang hành thiền trong im lặng sâu sắc, bạn có thể nghe những âm thanh trong AUM. Đó là những âm thanh nguyên thủy của vũ trụ”.

--

* Trích trong: Sự Sống Sau Cái Chết-gánh nặng chứng minh (Deepak Chopra-tiến sĩ y học, nhà nghiên cứu tâm linh; dịch giả Trần Quang Hưng):

 

“Các bình diện tồn tại khác nhau tương ứng với các tần số ý thức khác nhau. Thế giới vật chất chỉ là biểu hiện của một tần số nhất định. (Vài chục năm sau tôi mê mẩn khi được biết các nhà vật lí cho rằng có một âm thanh nền của vũ trụ, rất đặc biệt, kêu như nốt nhạc Si giáng, mặc dù nó rung ở tần số thấp hơn mức tai người nghe được hàng triệu lần).

(…)

Yoga sử dụng các khoảng thời gian kéo dài trong trạng thái tĩnh lặng sâu sắc (định-samadhi) để đưa các rung động phúc lạc vi diệu lên bề mặt của tâm trí, khiến người ta lĩnh hội được âm “o o” của vũ trụ hiện diện trong mọi thể nghiệm”.

--

* Trích trong Chấm Dứt Thời Gian (một đối thoại của ngài Jiddu Krishnamurti-danh nhân giác ngộ không theo tôn giáo nào cả, và nhà khoa học David Bohm; dịch giả Đào Hữu Nghĩa):

 

David Bohm (nhà vật lí danh tiếng): (…). Nhưng cái mênh mông vô tận ấy sẽ tác động hay thay đổi nhân loại cách nào? Khi ông nói thế, gợi ý người ta hiểu rằng có một hiệu quả siêu-cảm-giác lan toả khắp.

Krishnamurti: Đó là chỗ tôi đang nắm bắt đây. (...).

David Bohm: Vâng. Bởi vì thức tâm cũng khởi lên từ nền tảng, nên hoạt động này ảnh hưởng toàn nhân loại cũng từ nền tảng.

Krishnamurti: Vâng.

(...)
Krishnamurti: (...) “X” nói, có lẽ chỉ cần có mười người được trang bị bằng tuệ giác này là có thể làm thay đổi xã hội, không phải tổ chức lại hệ thống chính trị này, khác. Công cuộc thay đổi đó hoàn toàn khác hẳn và đặt nền tảng trên trí tuệ và từ bi.

 

(…)

Krishnamurti: (…). Nhưng để đánh lệch hướng đi vào chỗ huỷ diệt của con người, ai đó phải biết lắng nghe. Đúng chứ? Ai đó, người nào đó - mười người nào đó cũng được - phải biết lắng nghe.

David Bohm: Vâng.

Krishnamurti: Lắng nghe tiếng gọi của cõi mênh mông vô tận đó.

David Bohm: Vậy là cái mênh mông vô tận có thể làm lệch hướng đi của con người. Cá nhân không thể làm được việc đó.

(…)

Krishnamurti: Hãy đi xa hơn. Bấy giờ, có sự trống không hoàn toàn.

David Bohm: Đúng. Trống không nội dung. Nhưng khi ông nói trống không hoàn toàn, phải ý ông muốn nói trống không tất cả nội dung tâm lí này?

Krishnamurti: Đúng thế. Và sự trống không đó có một năng lượng khủng khiếp. Cái Không đó là năng lượng”.

--

* Trích trong Đường Về Minh Triết (Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn; nxb Văn Nghệ, 2007):

 

“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình.”

-------------  

 

GÓP LỜI MỘT SỐ MINH SƯ CHỈ THẲNG SỰ GIÁC NGỘ TỐI THƯỢNG

http://www.daophatngaynay.com/vn/phap-mon/thien-dinh/gioi-thieu/30379-gop-loi-mot-so-minh-su-chi-thang-su-giac-ngo-toi-thuong.html

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

BÌNH LUẬN BẰNG TÀI KHOẢN FACEBOOK ( đã gửi)

Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập